[Kịch bản 101] #11: Thắt & cởi nút

Như vậy là chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường tìm hiểu về kỹ thuật viết kịch bản. Mỗi kỹ thuật đều vô cùng quan trọng và cần thiết để làm cho kịch bản của bạn trở nên hấp dẫn và thú vị. Kỹ thuật viết kịch bản vốn không nhiều, nhưng để có thể hiểu và sử dụng các kỹ thuật một cách thành thạo và nhuần nhuyễn, thì bản thân bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu và rèn luyện bằng cách viết nhiều, thật nhiều.

Trong bài trước, tôi đã đề cập đến kỹ thuật “Gấu Trên Bãi Biển”. Khác với “Gấu Trên Bãi Biển”, kỹ thuật lần này không chỉ đơn thuần phục vụ cho việc tạo ra sự căng thẳng, hồi hộp, mà còn có liên quan trực tiếp đến cấu trúc của toàn bộ kịch bản.

THẮT NÚT & CỞI NÚT

06

Một bộ phim được bắt đầu khi có một tình huống / vấn đề xảy ra, và tình huống / vấn đề đó sẽ được giải quyết trước khi màn hình hiện lên chữ “Hết”. Cái thắt/mở này nó liên quan đến từng cảnh trong kịch bản của bạn, trong từng chi tiết nhỏ nhặt mà bạn cài cắm, gieo rắc suốt chiều dài kịch bản, để rồi sau đó phải gặt hái, hoặc cuối phim phải gặt hái nó. À sẵn nói luôn, bạn phải luôn nhớ rằng, mọi hạt giống mà bạn gieo, bạn đều phải thu hoạch nó; và bạn không thể thu hoạch những gì bạn không gieo xuống. Nói có vẻ logic, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Bên cạnh đó quy tắc này không chỉ áp dụng vào các sự kiện, tình huống, mà còn áp dụng vào các hành động và tính cách của mọi nhân vật trong phim.

Bạn có thể nhìn thấy kỹ thuật này rõ nhất trong các bộ phim hài và các phim truyền hình Hàn Quốc.

Một cái vỏ chuối trên sàn là nút thắt, một bà béo giẫm phải và trượt chân té sml là cởi nút. Một cái bánh kem là thắt nút, một người né cái bánh kem đang bay là phát triển, một người qua đường lãnh trọn cái bánh kem vô mặt là cởi nút.

Trong các phim truyền hình buổi sáng của Hàn Quốc, bạn có thể thấy một motif khá kinh điển: Một bà nội trợ hiền lành, nhẫn nhịn, sống cùng một bà mẹ chồng khó tính luôn chì chiết coi thường mình, cùng một gã chồng vô dụng và gia trưởng. Một ngày nọ, gã chồng có bồ nhí, tìm cách ly dị cô này, đuổi ra khỏi nhà, giành quyền nuôi con, hãm hại, đẩy cô này đến đường chết, mà trước đó cô không hề biết gì cả. Đó là thắt nút. Nhưng mà cô này không chết, từ vực thẳm ngoi lên, tìm hiểu mọi thứ, quyết tâm trả thù. Từ đó, các nút thắt được gỡ từ từ qua từng tập phim.

Mọi thứ tạo nên sự hồi hộp đều dựa trên một cơ sở: Đầu tiên là cho thấy nguy cơ, sau đó để nạn nhân không biết mà vẫn tiến đến nguy cơ đó, cho đến lúc nạn nhân phải đối đầu với nguy cơ đó, và kết thúc giải quyết câu chuyện. Trong các bộ phim trinh thám, trong mỗi phim tình cảm, các nút thắt luôn được đưa vào một cách kín đáo, và thường được cởi một cách tự nhiên. Giữa hai giai đoạn thắt/cởi nút đó, biên kịch phải làm mọi thứ để khán giả lơ là, quên mất đi những dữ kiện cơ bản mà họ được cung cấp ngay từ đầu.

Thắt & cởi nút không phải kỹ thuật quá khó để thực hành, nhưng bạn phải luôn nhớ rõ bạn đã, đang và sẽ thắt/cởi nút như thế nào cho logic. Logic mà tôi nói đến ở đây không phải logic toán học, mà là logic trên màn ảnh, hay chính xác hơn, logic ở đây là “sự liên hệ”. Mỗi tình huống xuất hiện trong phim phải có liên hệ nhất định với những tình huống khác xảy ra trước và sau đó. Nói một cách ngắn gọn, cái gì mà từ trên trời rơi xuống thì không nằm trong logic của điện ảnh.

18

Có khá nhiều bộ phim mắc phải “sạn” về nội dung ở phần này, đặc biệt là các bộ phim truyền hình. Trong bộ phim “Strong Woman Do Bong Soon” của Hàn Quốc vừa phát sóng gần đây, cảnh đám cưới ở cuối bộ phim biên kịch đã quên mất sự hiện diện của gia đình nam chính, những người luôn nghi ngờ về giới tính của anh trong suốt chiều dài phim. Hạt sạn đó đã bị khán giả phát hiện. Khi tôi còn làm biên kịch ma, tôi cũng đã từng gặp trường hợp biên kịch cho một nhân vật bị giết ở giữa phim để thúc đẩy mạch phim, nhưng đến hết phim khán giả vẫn không biết ai đã giết nhân vật đó và tại sao phải giết, biên kịch cũng vậy. Trong khá nhiều phim truyền hình Việt Nam, khán giả thấy nhân vật phản diện ghét cay ghét đắng nhân vật chính, mà xem cả phim khán giả cũng không thể hiểu nhân vật chính đã làm gì để bị ghét như vậy. Hoặc đôi khi, nhân vật rơi vào bước đường cùng, bỗng có một phép lạ xảy ra, kẻ thủ ác bỗng lăn đùng ra chết, nhân vật thoát khỏi nguy hiểm và hết phim. Mấy cái kết lãng nhách kiểu đó bạn có thể thấy thường xuyên trong mấy bộ phim lấp sóng. Nguyên nhân dẫn đến những hạt sạn to đùng như vậy thường rơi vào 2 trường hợp: 1/ biên kịch làm việc sơ sài, cẩu thả trong quá trình xây dựng lý lịch nhân vật, đường dây câu chuyện và mối quan hệ nhân-quả giữa các nhân vật; 2/ áp lực viết 30 tập kịch bản trong một thời gian quá gấp rút khiến biên kịch dễ bị quên đi các nhân vật phụ và các chi tiết/nút thắt nhỏ, dẫn đến việc khi hết phim có những nút thắt không được giải quyết và biên kịch buộc phải bỏ qua vì không thể (hoặc không muốn) viết lại từ đầu. Chung quy lại, cả 2 trường hợp này xảy ra khi biên kịch không chuẩn bị kỹ phần đường dây kịch bản cũng như không liên tục đọc & sửa lại kịch bản trước khi bản kịch bản cuối cùng được hoàn thành. Thao tác này rất mất thời gian, thậm chí còn tốn nhiều thời gian hơn thời gian bạn ngồi đánh máy kịch bản chi tiết. Nhưng nếu bạn bỏ qua thao tác này, bạn sẽ hối hận khi bộ phim phát sóng.

Có khá nhiều ví dụ có thể nói trong chủ đề thắt & cởi nút này, nhưng tôi tin rằng mỗi bạn sẽ có một ví dụ cụ thể cho riêng mình. Hãy chia sẻ cho tôi và những bạn khác về một (hoặc vài) ví dụ liên quan đến thắt & cởi nút mà bạn biết. Nếu có bất kỳ vấn đề nào bạn thắc mắc hoặc chưa hiểu, hãy để lại comment. Nếu bạn thấy bài viết này (hoặc mấy bài khác) hữu ích, hãy giúp tôi chia sẻ chúng. Cảm ơn bạn rất nhiều.

Còn bây giờ, bạn đã sẵn sàng để thắt và cởi nút chưa?

DbpzHUS

©yooribae

Comments

7 bình luận cho “[Kịch bản 101] #11: Thắt & cởi nút”

  1. Ảnh đại diện Đặng Kiều Trinh
    Đặng Kiều Trinh

    Em cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết ạ

    1. Cảm ơn Trinh đã ủng hộ blog ^_^

  2. Anh yoori,việc em xem là khó nhằn nhất trong biên kịch là thuộc lòng các thuật ngữ phim ảnh. Nếu có thể ,phiền anh viết một bài về những thuật ngữ đó ạ? Cảm ơn anh.

    1. Sắp tới anh sẽ có bài viết về chủ đề này, em nhớ đăng ký theo dõi blog để cập nhật bài viết mới sớm nhất nhé ^_^

  3. Ảnh đại diện Trần Ngọc Như Quỳnh
    Trần Ngọc Như Quỳnh

    Em vừa theo dõi blog của anh được nửa tháng nay và nó thật sự rất hữu ích ạ. Em cảm ơn anh vì những bài viết ý nghĩa như vậy ạ. Chúc anh luôn khỏe mạnh, đạt được những mong muốn trong sự nghiệp và cuộc sống.

    1. Cảm ơn Quỳnh đã ủng hộ blog ^_^

  4. Heello mate great blog post

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading