Kịch bản của bạn dở tệ

Bạn thích phim. Bạn mê phim. Bạn muốn làm phim. Bạn muốn viết kịch bản. Bạn lên mạng, coi vài cái mẫu hướng dẫn trình bày kịch bản, rồi bắt đầu viết. Với khả năng sáng tạo đỉnh cao tuyệt vời áp đảo cả vũ trụ, bạn hoàn thành tập kịch bản dài một trăm trang A4 chỉ trong có mấy ngày. Bạn hạnh phúc, bạn tự hào, bạn gửi đến hết tất cả những đài truyền hình, hãng phim, đạo diễn và nhà sản xuất mà bạn có thể tìm ra được. Bạn chờ đợi, tin tưởng rằng mấy con cá mập đó sẽ gọi lại cho bạn ngay khi vừa đọc được vài dòng đầu tiên.

Ba tháng sau…

Bạn vừa đứng rửa ly trong quán trà sữa nơi bạn đang làm thêm vừa ngóng nhìn cái điện thoại vỡ mặt kính nằm trơ trọi trên bàn. Đã ba tháng nay, không có cuộc điện thoại nào reo, không tin nhắn nào kể cả của tổng đài nhắn cho bạn. Mấy chỗ bạn gửi kịch bản đi đều lên báo tuyên bố rằng họ đang làm phim mới, chắc chắn không có gì liên quan tới bạn. Bạn buồn bã, bạn tức giận, bạn nghĩ rằng mấy con cá mòi ngu xuẩn đó không biết cách nhìn nhận ra tài năng của một người nghệ sĩ tuyệt vời như bạn.

Bạn lại lên mạng, tìm kiếm những người mà bạn nghĩ là có kinh nghiệm bán kịch bản. Với tâm lý lo sợ bị ăn cắp ý tưởng, bạn cắt ra vài trang gửi cho mấy người đó xem, đồng thời đề nghị họ góp ý cho bạn ngay lập tức dù lúc đó là ba giờ sáng đến cả Min cũng không nhấc máy.

Bằng một duyên phận kỳ lạ nào đó, chưa biết là nghiệt duyên hay ác duyên, bạn tìm thấy tôi. Bạn gửi kịch bản của bạn cho tôi. Đó là một ngày may mắn của bạn, vì tôi vừa xong việc lúc ba giờ sáng và chưa kịp tắt máy đi ngủ. Tôi mở file kịch bản bạn vừa gửi lên, đọc vài dòng đầu tiên, rồi tắt máy và bắt đầu dồn hết mọi năng lượng từ trong cơ thể tới mu bàn tay rồi trút lên cái bao cát tội nghiệp suốt hai tiếng đồng hồ để có thể ngủ ngon.

Tại sao tôi lại có phản ứng như vậy à?

Chỉ có một lý do, một lý do duy nhất thôi. Đó là:

KỊCH BẢN CỦA BẠN DỞ TỆ

giphy.gif

Có rất nhiều lý do khiến cho kịch bản của bạn tệ hại. Tất nhiên, “không bán được”“kịch bản tệ” không phải lúc nào cũng đi cùng với nhau. Một kịch bản hay vẫn có thể bị trả về nếu nhà sản xuất không huy động được vốn hoặc không phù hợp với định hướng của hãng phim. Có những bộ phim mà kịch bản phải đi chào tới gần mười năm và bị gần như mọi hãng phim trên cả nước từ chối trước khi có một nhà đầu tư chịu góp vốn. Đó là chuyện không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở mọi nền điện ảnh trên toàn thế giới, đặc biệt là Hollywood.

Nhưng một kịch bản tệ, dù có cố gắng tới mức nào, cuối cùng cũng sẽ bị trả lại.

Vậy thì, điều gì tạo nên một kịch bản tệ? Hãy bình tĩnh, rót một ly nước, uống cho hết rồi ngồi xuống đọc kỹ những gì dưới đây:

Nội dung nhàm chán

Có câu nói “Mèo khen mèo dài đuôi”, với tất cả những người theo đuổi nghệ thuật, thì “Tác phẩm của tôi là tuyệt nhất”. Tất nhiên, thực tế thì chuyện một tác phẩm tốt hay không tốt không được định nghĩa bởi người làm ra nó, mà được công nhận bởi những khán giả người thưởng thức nó. Nếu bạn viết một cuốn sách hay vẽ một bức tranh chỉ dành cho bản thân bạn, thì bạn làm sao cũng được. Nhưng khi bạn làm một bộ phim, mà chi phí sản xuất phải tính bằng nhà, thì phim của bạn phải thu hút được khán giả, nghĩa là phim của bạn phải làm như thế nào để khán giả công nhận rằng phim của bạn không quá tệ.

audience.jpg

Thường xuyên, khi nhận được phản hồi rằng “câu chuyện này thấy quen quen”, “giống cái này, giống cái kia”, nhiều người viết biện hộ rằng “câu chuyện không mới nhưng cách kể mới”. Vấn đề là người đọc thấy kịch bản của bạn “quen” vì nó giống “cách kể” của một phim nào đó, chứ không chỉ bởi “câu chuyện” đã từng đọc hay xem ở đâu đó.

Một điểm nữa, là câu chuyện của bạn thiếu kịch tính. Bạn kể cho khán giả nghe câu chuyện về một chàng trai yêu một cô gái, anh ta tán tỉnh cô gái, cô gái xiêu lòng, hai người hẹn hò, rồi kết hôn, rồi sinh con đẻ cái, rồi chết bên nhau. Bạn muốn kể một câu chuyện thật lãng mạn và nhẹ nhàng. Còn khán giả thì ngủ ngay từ khi hai nhân vật bắt đầu trò chuyện. Vì sao? Bởi vì phim là kịch tính. Thứ khiến khán giả xem trọn bộ phim từ đầu đến cuối là kịch tính. Kịch tính được tạo ra từ mâu thuẫn. Một câu chuyện về những con người tốt lành chung sống hạnh phúc bên nhau thì chẳng có gì đáng coi cả.

Coi thường kỹ thuật

18947-hi-i-dont-care-thanks.jpg

Cá nhân tôi luôn cảm thấy bị xúc phạm mỗi khi nghe ai đó nói rằng “Mình viết kịch bản vì thích viết, chứ mình không muốn học”. Bạn thích làm bác sỹ, nhưng không thích học trường Y? Bạn muốn làm luật sư, nhưng lại ngại thi vào trường Luật? Tại sao tất cả mọi ngành nghề bạn muốn làm bạn đều phải học mà ngành làm phim nói chung với viết kịch bản nói riêng cứ thích là làm chẳng cần phải học hành gì sất?

Mọi món nghệ thuật trên đời, trước tiên là kỹ thuật. Viết lách cũng vậy.

Thế nhưng không biết từ khi nào, nhiều người làm phim, nhất là những người vỗ ngực tự xưng là đạo diễn, biên kịch lại sẵn sàng thốt ra những lời kiểu “Tôi là người làm nghệ thuật, tôi không quan tâm đến kỹ thuật”. Thực tế là mấy người hay nói những lời đó chẳng biết cái quái gì về kỹ thuật cả.

Bạn muốn làm nghề, bạn muốn kiếm thiệt là nhiều tiền từ nghề, nhưng bạn thậm chí còn không chịu học hành cho tử tế. Đó không phải đam mê. Đó là sự khinh thường nghề nghiệp.

Học kỹ thuật viết kịch bản, không phải để bạn phải chăm chăm làm theo kỹ thuật đó, mà là để bạn hiểu rõ bạn cần phải làm gì để kịch bản của bạn hấp dẫn hơn. Kỹ thuật giúp bạn kể chuyện hay hơn, tốt hơn, giúp câu chuyện của bạn sâu sắc và nghệ thuật hơn. Khi bạn đã nắm vững kỹ thuật tới mức thành thục rồi, bạn có thể thoải mái sáng tạo mà không cần bám theo hay nhớ tới kỹ thuật nữa, vì khi đó kỹ thuật đã trở thành bản năng, ăn sâu trong máu thịt bạn.

Nhiều người hay bảo rằng “Luật được tạo ra là để phá”. Lời khuyên của tôi là “Đừng phá luật khi bạn không hiểu một chút gì về nó”.

Chừa chỗ cho đạo diễn, diễn viên và con chó nhà hàng xóm sáng tạo

Jimmy-the-Bull-Terrier2__605-copia.jpg

Có quá nhiều kịch bản tệ được sinh ra mỗi ngày. Rất nhiều trong số chúng là những kịch bản cẩu thả, sơ sài tới mức nếu kịch bản đó đưa cho giáo viên môn Văn thì trăm phần trăm sẽ bị âm điểm.

Có nhiều kịch bản, mở lên toàn thoại với thoại, không có chỉ dẫn hành động, không có miêu tả hình ảnh, không có thông tin nhân vật. Thoại thậm chí không phải văn nói mà toàn là văn viết. Khi được hỏi, nhiều bạn bảo rằng, bạn “Chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo”. Tôi biết, câu này có trong cuốn sách dạy viết kịch bản của một biên kịch Việt Nam. Câu này nằm ngay chương cuối cùng của cuốn sách, chương “Kinh nghiệm cá nhân”.

Vâng, là kinh nghiệm cá nhân của một người, cuối cùng biến thành lời biện hộ cho sự lười biếng và kém cỏi của ngàn người khác.

Rất nhiều nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên than phiền vì nhiều biên kịch không hề có kinh nghiệm trên phim trường, viết ra những trang kịch bản không có hình ảnh, không thể quay được, không thể thoại được. Rất nhiều trường hợp, nhất là ở phim truyền hình, đạo diễn và diễn viên phải tự ứng biến ngay trên trường quay vì kịch bản quá tệ hại.

Bạn có thể bảo rằng “Đó, đạo diễn và diễn viên cũng phải ứng biến trên phim trường đó, phải cho họ sáng tạo chứ!”. Vâng, bạn có thể nói câu đó vì bạn chưa từng bước chân ra phim trường ngày nào. Bởi thực tế là, với cái tiến độ làm phim nhanh hơn chiên gà như hiện nay, đặc biệt là ở mảng phim truyền hình, không có thời gian cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo đâu. Quay đủ nội dung trong kịch bản mà không bị bể lịch đã là một kỳ tích rồi.

Script Note 03.png

Là người viết kịch bản, người sáng tạo đầu tiên của bộ phim, hãy viết ra một truyện phim thật tốt; để ít nhất khi ra hiện trường, đạo diễn với diễn viên chỉ cần làm đúng theo kịch bản thì phim đã đủ hay rồi. Còn nếu đạo diễn và diễn viên sáng tạo thêm mà giúp phim hay hơn thì lại càng tuyệt vời. Nếu đạo diễn với diễn viên sáng tạo ra mà dở hơn kịch bản gốc, thì không sao, bạn có thể thoát tội.

Tốt nhất là viết ra một kịch bản thật chắc chắn về nội dung, một kịch bản thể hiện một câu chuyện hoàn chỉnh, không một chi tiết thừa, không một chi tiết thiếu; để đạo diễn có thể tập trung vào việc biến kịch bản thành hình ảnh.

Còn nếu kịch bản của bạn lỏng lẻo đến mức bất kỳ ai đi ngang qua cũng có thể kể lại câu chuyện tốt hơn bạn, hoặc là khi trong cảnh cao trào có con chó chạy qua cũng không ảnh hưởng đến nội dung phim thì bạn nên xem xét lại.

Tham lam

Bạn muốn đưa đủ thứ vào kịch bản của mình. Bạn muốn làm một bộ phim vừa nhân văn vừa hài hước vừa máu lửa vừa có nhiều đại cảnh hoành tráng vừa khai thác tâm lý nhân vật nặng nề vừa muốn thể hiện tình hình chính trị Trung Đông trong một phim ngắn dài ba phút. Vâng, chúc bạn thành công.

Vấn đề của rất nhiều bạn mới bắt đầu viết là luôn muốn chứng minh, muốn thể hiện, muốn ra vẻ ta đây biết cả thế giới, hoặc ngây thơ hơn là muốn bộc lộ hết toàn bộ cuộc đời mình ra trước bàn dân thiên hạ. Vậy nên chín trên mười kịch bản được viết ra tràn ngập những câu chuyện từ vi mô đến vĩ mô, từ văn hoá phương Đông tới chính trị phương Tây, từ ô nhiễm môi trường đến người chuyển giới, từ nghệ thuật vị nhân sinh đến những cô nàng phố đèn đỏ, từ xúc cảm cá nhân đến văn minh nhân loại… Một mớ những triết lý ba xu được nhồi nhét một cách lộn xộn trong những con chữ viết sai chính tả dày đặc trong xấp kịch bản trăm trang mà hỏi ra có khi cũng chẳng biết câu chuyện của mình đang về cái chủ đề tư tưởng gì, hay tệ hơn, thậm chí chẳng còn có thể kể được câu chuyện của phim cho rành mạch.

Script Note 36.png

Nhồi nhét một đống vấn đề xã hội hay triết học đa phương vào không làm cho kịch bản của bạn hay ho hơn, mà chỉ để chứng minh cho người đọc thấy rằng bạn chẳng biết cái khỉ gì về kể chuyện cả.

Khi viết kịch bản, hãy nhớ rằng, khán giả của bạn là ai, họ cần gì, họ muốn gì, bạn muốn họ nghĩ gì khi xem bộ phim được làm từ kịch bản của bạn. Cũng đừng quên, kịch bản của bạn chẳng là gì, nếu nó không được dựng thành phim.

Mỗi chi tiết một cảnh

Bạn muốn thể hiện hai nhân vật ghét nhau, bạn viết một cảnh hai nhân vật cãi lộn. Bạn muốn nhân vật thể hiện tính cầu toàn, bạn viết một cảnh nhân vật vừa tự sướng theo nhịp bài hát vừa xếp giấy theo hình phễu để xong việc xài. Mỗi khi bạn muốn thể hiện một phần tính cách của nhân vật, bạn đẻ ra một cảnh quay, chỉ đúng một cảnh quay, để thể hiện mỗi một điều đó. Cuối cùng bạn đẻ ra năm ngàn cảnh với hai mươi ngàn trang kịch bản cho một phim ngắn mười phút mà không có cảnh nào khớp với cảnh nào, cũng chẳng có cảnh nào trong số đó thực sự xài được. Ủa chi vậy? Tại sao bạn phải mất cả một cảnh quay để nói về sự cầu toàn của nhân vật khi bạn chỉ cần lồng ghép trong mỗi cảnh quay của phim một vài chi tiết thể hiện điều đó? Nhân vật ngồi trước bàn ăn, chỉnh đôi đũa song song thẳng hàng. Nhân vật ngồi cafe với bạn, thấy bông hoa trong lọ trước mặt bị lệch ra, đưa tay chỉnh lại trong lúc đang nói chuyên. Vậy cũng đủ để thể hiện tính cách nhân vật rồi. Đừng cố đẻ ra một cảnh quay chỉ để diễn tả một chi tiết nhỏ. Mỗi cảnh quay, mỗi hình ảnh lên phim đều tốn tiền. Đừng viết ra một cảnh quay mà bạn không chắc chắn rằng bộ phim chỉ có thể hoàn thành khi có cảnh quay đó.

3fgt.gif

Viết xong gửi luôn

Vấn đề mà mọi người đọc, nhất là nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên cảm thấy cực kỳ khó chịu đó là kịch bản câu cú lủng củng, lời văn giật cục, viết sai chính tả, kể cả lỗi đánh máy. Không ai thích đọc những thứ chưa hoàn chỉnh cả. Đừng nói tại bạn vội, tại bạn gõ nhanh, tại bàn phím, tại con chuột này nọ… Chúng tôi không quan tâm bạn viết kiểu gì, nhưng bạn muốn chúng tôi bỏ số tiền tương đương chục cái căn hộ cao cấp vào bộ phim của bạn, mà mỗi chuyện viết kịch bản cho đàng hoàng bạn cũng làm không xong, thì chúng tôi có cảm giác đang bị bạn xúc phạm. Đó là cách mà những người quyết định số phận kịch bản của bạn nghĩ khi nhìn vào cái kịch bản trình bày tệ hại và chi chít lỗi chính tả của bạn.

Nhiều người hay lầm tưởng về “First Draft” (Bản thảo đầu tiên). First Draft là bản thảo đầu tiên biên kịch gửi cho đạo diễn, nhà sản xuất, nhà đầu tư. Đó không phải là bản thảo đầu tiên bạn viết ra, mà là bản thảo đầu tiên bạn gửi đi. Tức là trước đó bạn có thể phải viết hàng chục hàng trăm hàng ngàn bản thảo khác, chỉ để tìm ra được cách kể chuyện tốt nhất mà bạn có thể nghĩ ra được; chứ không phải là một mớ tạp nham lộn xộn cho kịp deadline kèm vài dòng P/S: “Anh/chị xem được chưa chỗ nào chưa ổn em sửa lại…”. Không, không và KHÔNG. Ủa tại sao phải mất hàng tháng trời để viết ra một cái kịch bản tệ hại không ra gì xong đi khắp nơi xin góp ý vậy? Rồi với cái bản thảo không ra hồn đó, bạn lo sợ bị ăn cắp ý tưởng? Ai sẽ ăn cắp ý tưởng của bạn khi thậm chí họ còn không thể đọc hết trang đầu tiên mà không phải chửi thề trăm bận?

6121070e15b3d8d850e6d94f775ccc97.jpg

Bản thân tôi cũng không phải lúc nào cũng viết đúng ngay từ lần đầu tiên. Khi ý tưởng ra liên tục và áp lực phải đánh máy thiệt nhanh nhiều lúc cũng khiến tôi viết sai chính tả hay gõ nhầm dấu. Vậy nên khi viết xong tôi đều phải chỉnh lại ngay, và cảm giác khi kịch bản ra phát hết cho đoàn phim mới phát hiện có quá chừng lỗi chính tả thiệt sự vô cùng, vô cùng khó chịu.

Hãy đặt bản thân vào vị trí của người đọc. Người đọc kịch bản của bạn, người quyết định số phận cái kịch bản chết tiệt của bạn, không phải là ba mẹ bạn, cũng không phải người yêu bạn, những người luôn yêu thương và sẵn sàng bỏ qua, chấp nhận mọi điều tệ hại của bạn. Không. Người đọc ở đây, là nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, biên tập, người kiểm duyệt kịch bản… là những người luôn mang trong đầu tư tưởng phải giục kịch bản của bạn của bạn vào thùng rác bằng mọi giá. Một lỗi sai chính tả, một câu không rõ ý, một lỗi trong trình bày, cũng có thể đưa kịch bản của bạn về với bà bán xôi nào đó (nếu may mắn). Vậy nên, trước khi gửi bất kỳ thứ gì đi, làm ơn đọc lại thật kỹ, kiểm tra hết mọi lỗi chính tả và hành văn trước đã. Đừng viện cớ rằng “Em vội quá nên sai nên nhầm nên viết tệ bla bla bla…”. Chắc thế giới này mỗi mình em bận ha, còn mọi người rảnh hết?

BẠN NGHĨ KỊCH BẢN CỦA BẠN ĐÃ ĐỦ HAY?

Kịch bản của bạn dở tệ, không phải bởi mấy con cá mập thừa tiền, hay bởi khán giả thiếu hiểu biết, mà do chính năng lực yếu kém của bạn. Đừng đổ lỗi cho người mua, khi sản phẩm không ra gì ngay từ tay người làm ra nó.

Ai cũng được học đọc học viết như nhau. Thế nhưng bạn thậm chí chẳng thể chế tạo nổi máy bay, chẳng thể mang lại hoà bình cho nhân loại, chẳng thể thành cá mập ngồi rót vốn đầu tư. Bạn chỉ có mỗi khả năng duy nhất là tưởng tượng rồi viết ra giấy, ra cái máy đánh chữ, gõ lọc cọc lên bàn phím để kiếm sống qua ngày. Đó là những kỹ năng duy nhất mà bạn có, chuyện duy nhất bạn có thể làm. Vậy nên hãy chăm chút cho nó, bởi đó là cần câu cơm duy nhất của bạn. Tưởng tượng cho tốt, viết lách cho đàng hoàng.

©yooribae

large (1)


⊕ Có bạn sẽ hỏi: Vậy tại sao có nhiều phim kịch bản dở tệ mà vẫn được phát TV, vẫn được đầu tư tiền tỷ ra rạp chiếu? Đơn giản thôi. Có những người có tiền, họ tự bỏ tiền túi ra làm phim; họ tự viết kịch bản, tự đạo diễn, cầm nhà cầm xe để thuê ekip. Có những người tìm được nhà đầu tư hay bạn bè có tiền thích kịch bản của họ và đầu tư cho họ làm phim. Còn bạn vừa không có tiền, vừa không có quan hệ, thì phải cố gắng viết thật hay để hy vọng có đơn vị nào đó thích và mua kịch bản của bạn.

Hoặc đơn giản hơn, tự kiếm tiền mà làm phim theo ý của bạn.

Nhớ đi học làm phim nếu muốn tự làm phim.

À, làm ơn, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể thành đạo diễn, biên kịch, nhà phê bình phim chỉ với vài khoá học ngắn hạn. Suy nghĩ đó chỉ biến bạn thành trò cười cho toàn vũ trụ thôi. 

 

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading