Viết kịch bản kiếm tiền?

“Tiền” là một chủ đề khá nhạy cảm. Tất nhiên, làm nghệ thuật thì không nên nói chuyện tiền bạc, mấy kẻ hay xù tiền kịch bản thường bảo vậy. Cơ mà tôi có làm nghệ thuật đâu, cũng chẳng dám nhận là nghệ sĩ, nên nói về chủ đề này chắc được nhỉ?

Khi nói chuyện liên quan đến chủ đề “kịch bản”, nhiều người thường hỏi tôi rằng “Viết kịch bản có đủ sống?”, “Làm biên kịch kiếm tiền khá không?”, “Muốn kiếm tiền từ việc viết kịch bản thì phải làm sao?”… Tôi thường không thích trò chuyện về vấn đề này, đơn giản vì tôi không muốn nhỏ nhẹ trả lời rằng “Không”.

Không, bạn không thể sống được chỉ bằng việc viết kịch bản.

Tồn tại lay lắt, có thể?

Vấn đề ở đây là gì?

Tôi không nghĩ là có bất kỳ thầy cô, giảng viên, khoá học viết kịch bản trên khắp đất nước này thật sự nói với bạn về mặt trái của nghề biên kịch. Tất nhiên, nếu nói ra, chẳng ai còn muốn học. Con người vốn sợ hãi với việc đối mặt với khó khăn. Nếu biết rằng 500 năm nay công chúa không đánh răng, chẳng hoàng tử nào dám hôn để đánh thức cô dậy.

Vậy nên có rất nhiều bạn trẻ mới vào nghề ngây thơ, hoang mang, thậm chí ảo tưởng bởi tấm màn che màu hồng phủ ngay trước mắt.

Tôi cũng từng như vậy.

Đến một ngày, bạn sẽ nhận ra, cái thứ màu hồng chết tiệt đó thực ra là màu của máu và nước mắt bạn hoà trộn lại.

Nghề dễ kiếm tiền nhất thế gian?

Có nhiều người cho rằng, viết lách là công việc nhàn hạ nhất. Bạn chỉ cần ngồi một chỗ, gõ vài dòng, thế là có tiền.

giphy (33)

Nếu viết lách dễ kiếm tiền vậy thì cả thế giới này thành nhà văn hết cả rồi.

Một người anh, một nhà sản xuất – đạo diễn mà tôi quen, từng nói với tôi thế này: “Chúng ta đều làm phim để kiếm tiền, nhưng nhiều người chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, mà quên mất rằng, đầu tiên phải làm cho ra một bộ phim”.

Xét ở góc độ hẹp hơn, đối với công việc biên kịch, rất nhiều người muốn viết kịch bản kiếm tiền, nhưng không có mấy người chịu học cách viết cho ra một cái kịch bản tử tế.

Viết kịch bản dở thì dễ lắm, viết ra một thứ đáng để tự hào thật sự khó khăn. Mà con người thường thích làm việc dễ.

Đam mê thuần khiết?

Khi dạo quanh các diễn đàn biên kịch, tôi thường thấy nhiều bạn trẻ đi xin kịch bản về đọc để học cách viết theo. Có nhiều bạn đi viết thuê, công ty hay biên tập giao cho kịch bản mẫu, xem rồi học cách trình bày, và khi trình bày theo, nhìn cách trình bày giống giống kịch bản mẫu, bạn nghĩ rằng à giờ thì bạn đã biết cách viết kịch bản. Thực sự là bạn chỉ đang bắt chước thôi. Bạn chẳng biết gì về cấu trúc của một bộ phim, bạn chẳng biết tý kỹ thuật kể chuyện nào, bạn chẳng hề biết làm sao để viết ra hình ảnh mà bạn muốn thể hiện, bạn chẳng hiểu được tại sao người ta lại phải trình bày như vậy, thậm chí bạn còn không biết font chữ chính thức được dùng trong trình bày kịch bản là gì, và bạn nghĩ rằng bạn đã biết viết kịch bản?

giphy (17)

Một biên kịch ở Mỹ, Hàn Quốc học 4-5 năm Đại học, ra làm trợ lý biên kịch tầm 10 năm, viết TV show, viết phim ngắn, mỗi ngày làm việc 16 tiếng, viết hàng chục trang/ngày, 20 năm không có ngày nghỉ, đến năm 40-50 tuổi nếu may mắn mới có cơ hội bán được 1 kịch bản điện ảnh hoặc truyền hình. Ở Việt Nam, chúng ta may mắn hơn, khi có nhiều bạn tay ngang mới nhảy vào đã có cơ hội viết truyền hình, điện ảnh. Thế là mọi người đua nhau làm biên kịch, người có tiền thì kiếm mấy khoá ngắn hạn học 3 tháng lấy cái bằng, người không tiền thì năn nỉ theo phụ các biên kịch đi trước để học nghề, tầm vài ngày học được chút ít cấu trúc với cách trình bày rồi cũng cong đuôi chạy. Không mấy người chịu nghiên cứu kỹ, không mấy người chịu rèn tay viết cho ra hồn, không mấy người viết ra một cái kịch bản coi được. Đó là thực trạng chung, đã bắt đầu từ 10 năm trước, và sẽ còn kéo dài thêm không dưới 10 năm nữa.

Tuy vậy, cũng có những bạn thật lòng muốn theo nghề. Nhưng chẳng ai dạy bạn cách viết kịch bản sao cho đúng cả. Kể cả khi bạn trả cho họ một đống tiền. Có vẻ bất công nhỉ? Nhưng thực tế là vậy. Làm sao bạn có thể bắt họ chia sẻ cần câu cơm của họ, khi số tiền bạn trả cho họ chỉ tương đương cỡ nửa tập truyền hình?

giphy (19)

Ủa khoan, nếu nói như vậy tại sao tôi lại chỉ cho các bạn kỹ thuật bằng mấy bài blog này? Đơn giản vì tôi thích. Đó giờ nguồn thu chính của tôi là từ công việc sản xuất, quay clip, dựng phim. Nguồn thu từ công việc viết thuê không đáng kể. Nhưng trong suốt thời gian làm nghề, thứ mà tôi thấy khó chịu nhất chính là lũ ngu tự nhận mình là biên kịch trong khi méo biết kịch bản phim là cái giống gì. Tôi nhận thấy rằng có quá nhiều biên kịch và biên tập phim truyền hình cũng như phim điện ảnh tệ hại. Rất nhiều người muốn làm biên kịch chỉ vì nghe nói tới thu nhập cao, chứ không mấy người thực sự muốn làm cho ra hồn. Bạn nghĩ rằng đó chỉ là số ít? Tôi gặp cả trăm người từ newbie tới giảng viên, chẳng mấy người là yêu nghề thật sự.

Gần đây, tôi đọc được một bình luận của ai đó móc mỉa rằng hồi xưa tôi “viết kịch bản hay cỡ nào mà bị từ chối?”. Vấn đề là tôi bị từ chối bởi khi đó tôi 22 tuổi và không có 50 triệu lobby, chứ biên tập từ chối khi đó còn không hề đọc qua kịch bản của tôi vì quá nửa máy tính của hãng phim đó “không đọc được file PDF”. Kịch bản sau đó gửi thẳng lên nhà đài thì được chấm điểm cao.

giphy (1)

Có nhiều lý do để kịch bản của bạn không được duyệt. Phổ biến nhất là “không phù hợp”. Bạn viết tốt cỡ nào không quan trọng, nếu người đọc không thích, họ không nhận, hết.

Vậy làm sao để người đọc thích?

Ai mà biết? Ngay cả mấy ông cá mập Hollywood còn không biết mà.

Tôi từng đọc một bài phỏng vấn, trong đó một ông cá mập Hollywood phát biểu thế này: “Chúng tôi không biết khán giả thích gì, vậy nên chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm ra một bộ phim tốt nhất, và hy vọng khán giả sẽ thích”.

Vì khán giả phải bỏ một khoản tiền không nhỏ cho vé xem phim + bắp nước + gửi xe + makeup + lên đồ + thời gian lẽ ra có thể nằm nhà ngủ mà phải lết thây vô rạp để xem phim, vậy nên khán giả sẽ rất mong đợi được xem một phim xứng đáng với đồng tiền và thời gian thanh xuân quý báu mà họ bỏ ra. Khán giả đi xem phim để giải trí, đúng, nhưng trong tiềm thức, khán giả mong rằng bộ phim họ đang xem có thể mang lại cảm xúc và giá trị tinh thần cho họ. Bởi nếu xem phim chỉ để giải trí, thì Youtube và Pornhub có nhiều phim mang lại giá trị giải trí tốt hơn, lại còn miễn phí.

giphy (16)

Vậy thì,

VIẾT KỊCH BẢN GÌ DỄ KIẾM TIỀN?

Dưới đây là vài gợi ý:

1. Viết kịch bản quảng cáo

Nghề này ngon nhất nè. Viết kịch bản chưa tới một trang A4, nhận về chục triệu. Nghe thôi là đam mê trỗi dậy liền. Cơ mà, dễ ăn như vậy thì không tới lượt bạn.

Nếu bạn thích xem clip quảng cáo, hay nghĩ ra những ý tưởng siêu ngắn siêu khùng, bạn có thể tìm hiểu và đi học vài năm về viết kịch bản quảng cáo, sau đó xin vào agency nào đó, học việc thêm vài năm nữa. Viết kịch bản quảng cáo không khó, nghĩ ra ý tưởng bán được mới khó. Nếu bạn còn trẻ, đây là một con đường tốt. Nếu bạn bước vào nghề viết sau tuổi 25, bạn sẽ có thể khó mà bắt kịp với môi trường làm việc điên rồ của ngành quảng cáo. Hãy suy nghĩ kỹ, bởi tôi gặp không ít biên kịch làm quảng cáo có tiếng kết thúc bằng việc lên núi cọ toilet để tìm sự an yên rồi.

2. Viết kịch bản sitcom

Nghề yêu thích của các giáo viên. Cứ 10 người dạy viết kịch bản thì hết 9 người khuyên học trò đi viết sitcom. Vì họ biết thừa mấy đứa nhỏ chưa biết gì đã lao vào sitcom thì chỉ sau 3-6 tháng chúng nó sẽ chết hết. Loại được một mớ đối thủ nguy hiểm, mà tiền vẫn vào túi đều, nên chẳng ai dại mà khuyên tụi nhỏ đi hướng khác.

Nếu bạn có khiếu hài hước cỡ Hoài Linh, khả năng kể được năm chục trang truyện cười một ngày, viết cho vui chứ không cần tiền (vì còn lâu bạn mới nhận được vài đồng bạc lẻ), thì cứ vui vẻ tầm 3 tháng, sau đó đi tìm việc khác không phải dùng tới ngón tay là vừa.

3. Viết kịch bản phim truyền hình

Cửa này coi như khóa chặt với biên kịch mới luôn rồi. Sau nhiều năm trời ăn lobby ngập họng và khiến hãng phim thiệt hại hàng đống tiền vì nhận về toàn kịch bản tệ hại, mấy biên tập hãng phim tự ra quy định là “kịch bản phải được nhà đài OK thì hãng phim mới duyệt”. Còn nhà đài sau khi nhận về con rết (rating) bết bát trong một thời gian dài vì đống phim lấp sóng thì “Kịch bản phải có hãng phim chịu đầu tư thì nhà đài mới xem xét”.

Vậy thôi mấy người tự chơi với nhau tự chìm cùng nhau luôn đi, suốt ngày lên báo khóc than rằng không có kịch bản hay với phim chất lượng tốt làm cái quái gì khi mà mấy người không có ý định thay đổi cách làm việc cho đúng đắn?

Vậy nên, nếu bạn không có mối quan hệ tốt với cả hãng phim lẫn nhà đài, không có đạo diễn hay nhà sản xuất chống lưng, không chấp nhận viết nhiều để nhận giá bèo, thì đây là lựa chọn không phù hợp với nhu cầu của bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn có đam mê cuồng nhiệt với việc kiếm tiền từ nghề biên kịch phim truyền hình, thì bạn có thể xin vào các công ty sản xuất webdrama. Lương cao hơn, viết ít hơn, cơ hội có phim lên sóng cao hơn, cơ hội nhận tiền cũng chẳng nhanh hơn mấy.

4. Viết kịch bản phim chiếu rạp

Cứ tính một cách đơn giản: Mỗi năm có tầm chục phim ra rạp, mà biên kịch thì tầm vạn người. Tỷ lệ chọi 1/1000, gắt hơn cả xác suất đậu Đại học hay tỷ lệ thanh niên tự nguyện đi nghĩa vụ quân sự.

Lựa chọn không tồi nếu bạn kiếm được đặt hàng. Còn tự viết theo ý bạn? Có thể hay hơn là viết theo đặt hàng, nhưng sẽ khó bán được hơn, nếu bạn không chịu sửa lại cho dở như ý mấy con cá béo phì.

5. Viết kịch bản viral

Nghề này tương tự viết kịch bản quảng cáo. Thường là biên kịch viết quảng cáo sẽ viết luôn clip viral. Nghe có vẻ kêu, thực tế thì clip viral theo ý khách hàng hiểu là mấy cái clip như phim ngắn được chia sẻ nhiều trên mạng ấy. Cơ mà cũng hên xui, nếu lỡ mà clip không viral thì…

Nếu bạn thích viết phim ngắn, viết những câu chuyện hay ho, xúc động, thú vị, ấn tượng, cảm thấy có thể cạnh tranh được với content mấy page như Không Sợ Chó hay Beatvn thì đây có thể là một lựa chọn phù hợp với bạn.

Còn nếu bạn muốn viết kịch bản phim ngắn tranh giải các kiểu thì tốt nhất là đi học một khóa làm phim rồi tự làm cho nhanh, vì ngoài bạn ra chẳng ai ủng hộ bạn làm phim theo ý bạn đâu.

6. Viết kịch bản MV

Để viết được kịch bản MV, thường thì bạn phải có tư duy hình ảnh không thua gì đạo diễn hay quay phim, bởi MV là thể loại nặng hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng… Viết kịch bản MV bolero thì đỡ hơn chút.

Nếu bạn mê âm nhạc, mê Sơn Tùng, mê BTS, mê MV Kpop, thích đưa theory vào câu chuyện hay có tư huy hình ảnh tốt, bạn có thể tìm cơ hội ở các production house chuyên sản xuất MV. Hoặc nếu may mắn thì bạn cũng có thể kiếm được job freelancer, mà thường là bạn sẽ không may như vậy.

Trên đây là vài hướng viết kịch bản kiếm tiền mà một biên kịch có thể theo đuổi. Bạn đã chọn được hướng đi nào cho riêng mình chưa?

©yooribae

Comments

13 bình luận cho “Viết kịch bản kiếm tiền?”

  1. Mình có thể hỏi yoo hai câu hỏi trong bài viết này được không?
    1, Lobby là gì?
    2, Nếu có gửi kịch bản thì tiêu chuẩn độ tuổi phải là bao nhiêu?
    Mong yoo sớm hồi âm
    Tks

    1. câu trả lời đâu rồi . hóng …

      1. San sẽ biết câu trả lời khi San bắt đầu cầm kịch bản của bản thân đi bán ^_^

    2. Ảnh đại diện Phan Manh Ninh
      Phan Manh Ninh

      em tưởng bán kịch bản là được tiền chứ, mình lại còn phải bỏ tiền ra trả cho người ta thì mới được họ dùng sao anh?

      1. Đó là một câu chuyện buồn, mà có thật…

    3. Ảnh đại diện Ninh Phan Mạnh
      Ninh Phan Mạnh

      Liệu có phải vì không bán được kịch bản nào, nên bạn đổ thừa tại việc không lobby không?
      Xưa nay mới nghe bán kịch bản kiếm tiền, giờ mới biết thêm khái niệm phải trả 50tr thì người ta mới dùng kịch bản của mình.
      Lạ ha!

      1. Đó là một tình huống mà mình đã gặp phải. Tất nhiên không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Nhiều người có thể chưa từng gặp, nhưng mình thì từng gặp vài lần rồi. Mình chỉ chia sẻ trải nghiệm của mình thôi. Rằng trong giới này không có chuyện gì là không thể xảy ra cả. Tin hay không, tuỳ ở bạn ^_^

  2. Ảnh đại diện Nhật Vương
    Nhật Vương

    Không liên quan nhưng mới thấy Yoori làm quảng cáo cho Lifebuoy và sữa đậu nành Fami phải không :))))

    1. À chắc bạn nhầm sang ai rồi á, mấy tháng nay mình chỉ đi chơi thôi =))

  3. Ảnh đại diện Thuraco
    Thuraco

    Sau bao nhiêu năm theo nghề, Yooori đã bán được kịch bản nào chưa? Sao không thấy Yoori chia sẻ gì nhỉ?

    1. Mình sẽ có bài viết để giải đáp vấn đề này nha ^_^

  4. Ảnh đại diện Nguyễn Tấn Nam
    Nguyễn Tấn Nam

    Chào bạn! Nếu bạn muốn bán Kịch bản phim, xin vui lòng liên hệ với tôi nhé. Tôi tên là Nam. Hót lai của tôi là: không chín không tám ba tám một ba bảy một. Thanks

  5. […] Trích nguồn: … […]

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading