Giá trị của não

Hãy tưởng tượng thế này: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bước vào một quán ăn, gọi món, ngồi vào bàn, chủ quán mang món ăn ra, bạn nếm thử, kêu “Tui không thích món này” rồi bỏ đi mà không trả tiền?

Và đó là những gì đang diễn ra trong ngành sáng tạo hiện nay, mà ở đó, người kể chuyện là chủ quán.

Chẳng biết từ khi nào nhiều đạo diễn, nhà sản xuất tự cho mình cái quyền coi thường biên kịch. Có lẽ vì họ biết rằng, một kịch bản mà không được dựng thành phim thì kịch bản đó hoàn toàn vô giá trị. Nhưng nhiều người cũng quên rằng, phần lớn biên kịch xuất thân là nhà báo, nhà văn, có nghĩa là nếu biên kịch chuyển kịch bản của họ thành truyện ngắn, thành tiểu thuyết, hay thành podcast, thì họ vẫn có thể đưa câu chuyện của họ ra ánh sáng. Còn đạo diễn, nhà sản xuất mà không có kịch bản thì sẽ chẳng có phim,nghĩa là cũng chẳng có giá trị gì với xã hội. Nói đơn giản, người có học thì ở đâu cũng sống được (trích lời cụ Vũ Trọng Phụng), còn thể loại đã sống bám vào tài năng của người khác mà không biết điều mãi chỉ có thể nằm dưới đáy xã hội thôi.

Tất nhiên, không phải tất cả đạo diễn và nhà sản xuất đều tệ hại. Người tốt vẫn đang sống tốt, làm việc có ích cho đời. Chỉ là lũ tệ hại không hề ít, chúng cứ đẻ ra liên tục, như tốc độ đẻ của loài gián vậy. May mắn là, những kẻ đó, tuổi thọ của chúng trong ngành này chỉ ngang ngửa những con thiêu thân.

Mà đúng là, nhiều người lao đầu vào nghệ thuật giống như thiêu thân vậy.

Trong khi nhiều nhà sản xuất đầu tư vào điện ảnh để thoát danh trọc phú, nhiều đạo diễn làm điện ảnh để được tăng lương bên truyền hình, nhiều em gái nhỏ đi đóng phim để dễ gặp đại gia, thì biên kịch có lẽ là kiểu người ngây thơ nhất: Làm vì muốn kể chuyện. Cũng chính bởi sự ngây thơ đó, mà biên kịch dễ dàng trở thành mảnh giấy vệ sinh tiện nhất cho mọi nhà, dùng một lần rồi bỏ.

Một ngày nọ, có người hỏi tôi rằng “Anh ơi, cô giáo em bảo là biên kịch không viết được sitcom thì không đáng làm biên kịch, em phải làm sao đây anh?”. Ngày khác, một tin nhắn khác “Anh ơi, em mệt mỏi quá, kịch bản em viết ra khách cứ tự ý sửa lại toàn bộ, lần nào cũng vậy. Em cảm thấy như mình chẳng có năng lực gì cả”. “Anh ơi…”, “Anh ơi…”, “Anh ơi…” Rất nhiều tin nhắn như vậy.

Ước mơ của mọi biên kịch là được kể câu chuyện của riêng mình. Thế nhưng, không phải ai cũng được làm những gì họ muốn. Nhiều biên kịch phải kể câu chuyện theo ý của người khác, nhiều biên kịch phải cất gọn kịch bản tâm huyết của mình xuống đáy tủ, nhiều biên kịch phải chạy trốn khỏi thế gian để tìm lại chính mình… Chẳng đạo diễn, nhà sản xuất nào thực sự lắng nghe tâm huyết của biên kịch cả. Lâu dần, nhiều biên kịch không còn cảm thấy hạnh phúc khi được viết nữa. Đến cuối cùng, kể cả những biên kịch mạnh mẽ nhất cũng viết ra những kịch bản vô hồn.

Bởi vì khi một người nhận ra rằng công sức và chất xám của mình không còn được tôn trọng, thì chẳng có lý do gì để phải cố gắng hết sức nữa.

Không ít nhà sản xuất, đạo diễn vênh váo phát biểu trên truyền thông rằng đồng lương của biên kịch cần được nâng lên bởi đó là hy vọng duy nhất để có kịch bản chất lượng cao. Nhưng cũng chính họ, đằng sau cánh gà, lại ra sức bắt chẹt, bòn rút, cắt xén đừng đồng từng cắc một, không chỉ từ biên kịch, mà từ bất kỳ sinh vật nào đã, đang hoặc sẽ thở mà họ đánh hơi được. Không ít nhà sản xuất sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để trả lương cho một diễn viên không thể nhập vai, nhưng chỉ cần nghe biên kịch báo giá kịch bản trên trăm triệu cho hai năm làm việc là họ liền nhảy dựng lên như ai đó đang tống tiền họ.

Nhưng điều còn tệ hơn đám kền kền hôi hám kia, là việc chính những người đã, đang và sẽ làm công việc viết lách, lại quay ra cắn nhau như lũ mèo hoang, hơn là tìm cách để bảo vệ nhau và nâng giá toàn ngành.

Trẻ phá giá kiểu trẻ, già phá giá kiểu già, chia bè kết phái, chửi nhau để kiếm fame, không có tự tôn, không có tự trọng… Những điều bẩn thỉu đó khiến cho môi trường làm việc của ngành biên kịch ngày càng độc hại và rẻ mạt hơn. Làm sao người ta có thể tôn trọng bạn, khi chính bạn còn không hề tôn trọng bản thân mình? Tồn tại chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều biên kịch trẻ mới vào nghề, để có việc, sẵn sàng phá giá đến tận cùng, dù không bao giờ có ý định viết free. Nhiều biên kịch có tuổi, vì cơm áo gạo tiền, sẵn sàng hạ giá để có việc, bất chấp vị thế của bản thân. Cũng phải thôi, biên kịch ở Việt Nam làm gì có tiếng nói. Không có danh tiếng, không có chỗ đứng trong lòng khán giả, chẳng ai nhớ tên, có gặp bất công cũng chẳng ai giúp đỡ. Biên kịch ở Việt Nam cứ tồn tại một cách lay lắt, chẳng phải lỗi của chính quyền, chẳng phải lỗi của nhân dân, mà do chính bản thân biên kịch không cố gắng để có tiếng nói của riêng mình.

Những điều này, ai cũng nói rồi, thế nhưng có cách nào để giải quyết?

Mỗi người đều sẽ có suy nghĩ, phương án và lựa chọn khác nhau trên con đường nói ra tiếng nói của riêng mình. Tuy nhiên, mọi con đường đều bắt đầu từ một điểm khởi nguồn: Giá trị của bạn là gì?

Giống như thợ thủ công tạo ra những món đồ tinh xảo, đầu bếp chế biến ra những món ăn mới lạ và ngon lành, thì người biên kịch mang đến cho khán giả những câu chuyện tuyệt vời về một thế giới vượt ngoài sức tưởng tượng thông thường. Thế nên, người biên kịch cần phải định giá chính xác cho chất xám của mình. Bạn bỏ ra bao nhiêu công sức, trí tuệ, tiền bạc, thanh xuân, sức khỏe, đam mê để làm một việc mà bạn không thích, vậy thì bạn xứng đáng nhận lại bao nhiêu đề bù đắp đủ những mất mát, hy sinh mà bạn đã bỏ ra? Thật tuyệt vời nếu bạn được viết ra những câu chuyện hay ho theo ý thích, nhưng nếu phải viết ra những câu chuyện mà bạn không ưa, thì rõ ràng là, bạn cần phải lấy giá cao hơn nữa. Tổn thương tinh thần là thứ không thể bù đắp trọn vẹn bằng tiền. Viết ra cái kịch bản chắp vá tứ tung để làm hài lòng ai đó không phải số đông khán giả cũng vậy.

Để viết ra được một kịch bản có giá trị, người biên kịch đã phải trải qua khá nhiều gian nan, chứ không chỉ mở máy lên và viết như suy nghĩ của nhiều người. Đầu tiên, biên kịch phải học văn, học viết đúng chính tả, học ngôn ngữ, học văn hóa, học cấu trúc kịch bản, học kỹ thuật kể chuyện, học tâm lý học, triết học, lịch sử, thần học, sử dụng phần mềm… Biên kịch còn phải đọc nhiều sách hơn người khác, xem nhiều phim hơn người khác, ngồi trước bàn phím nhiều hơn bất kỳ ai, tập viết từng cảnh một, tập nghĩ thật nhiều ý tưởng rồi tìm cách loại bỏ chúng rồi lại nghĩ tiếp, học cách dùng từ sao cho khéo, học cách miêu tả sao cho hay, học cách viết thoại sao cho cuốn hút… Biên kịch giống như một cuốn bách khoa thư, cái gì cũng phải biết, cái gì cũng phải hiểu, lúc nào cũng phải suy nghĩ và phân tích mọi thứ để tìm kiếm chất liệu sáng tác. Biên kịch phải đối mặt thường trực với nỗi cô đơn khi phải làm việc một mình, những cơn trầm cảm và rối loạn lo âu liên tục khi nhận được feedback không chính xác lúc nửa đêm, phải luôn viết ra những kịch bản mới mỗi ngày và cố gắng để đi trước khán giả. Đấy là còn chưa nói đến những khoản chi phí khổng lồ cho thiết bị, thuốc an thần và tài liệu.

Với tất cả những điều đó, chỉ để viết ra một kịch bản cho đàng hoàng.

Và không được tôn trọng.

Với nhiều nhà sản xuất hay đạo diễn, biên kịch giống như một cái máy, bấm nút là sẽ cho ra kịch bản, thích thì lấy, không thích bỏ đó, có khi chẳng phải trả tiền. Có đôi khi, biên kịch bị nhắc khéo là, nếu bạn không làm thì ngoài kia còn nhiều người sẵn sàng làm với giá rẻ hơn. Và thường xuyên, biên kịch bị ép buộc phải đẻ ra kịch bản mới trong một thời gian cực gấp gáp cùng vài lời hứa hão huyền. Từ khi nào người ta có thể ép giá một ý tưởng như đang đi chợ đồ cũ?

Bời vì ai cũng có thể viết kịch bản, không có nghĩa là ai cũng có thể trở thành biên kịch. Chỉ những người có não, có tự trọng, và yêu quý não của bản thân, mới xứng đáng với danh xưng đó. Chỉ khi bạn tôn trọng giá trị của bản thân, kẻ khác mới không thể bất kính với bạn.

Này, hỡi người đang đọc bài viết này, não của bạn đáng giá bao nhiêu?

©yooribae

Comments

2 bình luận cho “Giá trị của não”

  1. Ảnh đại diện Tiếu Ngạo Tử
    Tiếu Ngạo Tử

    Quá tuyệt với anh ạ. Hy vọng các phóng viên có tâm sẽ reup lên các báo. Bản thân e sẽ cố gắng làm một công việc gì đó để nuôi dưỡng đam mê này. Để hiên ngang, để ngẩng cao đầu, để sẵn sàng không tiếp những nhà tuyển dụng đưa ra giá bèo bọt, để bảo vệ quan điểm, lập trường của bản thân khi bị ép làm một mớ rác, để bất cứ lúc nào cũng có thể rút sạc và vác laptop biến khỏi những nhà máy rác như vậy.

    1. Hy vọng là nếu bạn phóng viên nào muốn reup bài viết của anh sẽ nhắn tin hỏi trước và để tên blog ở credit, thay vì cắt xén bưng đi khắp nơi như bản thân tự nghĩ ra. Vậy tội anh lắm.

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading