[Kịch bản 101] #31: Viết lại từ đầu

Viết lại luôn là nỗi ám ảnh, sợ hãi, đau khổ và nghiệt ngã đối với mọi người viết. Viết lại một câu chuyện mình đã thai nghén suốt nửa đời người, viết lại kịch bản mình đã phát triển trong suốt ba năm, viết lại hơn một trăm năm mươi trang chứa một nùi chữ; là cơn ác mộng mà không ai muốn mơ đến. Thế nhưng, viết lại là điều không thể tránh khỏi, với tất cả mọi người.

Có nhiều lý do khiến bạn phải viết lại kịch bản từ đầu. Vì câu chuyện của bạn chưa đủ tốt, vì diễn biến phim chưa mượt mà, vì con cá béo phì hứa trả lương cho bạn chưa hài lòng với những gì bạn viết… Trừ khi bạn viết nhật ký, viết blog, hay viết ra ý tưởng vừa lóe lên trong đầu cách đây nửa phút; còn lại, để kiếm sống, hoặc đơn giản là để hài lòng với bản thân, bạn sẽ luôn phải chỉnh sửa, viết đi viết lại câu chuyện, kịch bản của bạn vài (vạn) lần đến khi hài lòng mới thôi.

Thế nhưng, không phải lúc nào bạn cũng siêng năng và nhiệt huyết như vậy; nhất là khi bạn đã bỏ ra hàng tháng trời để hoàn thành cho xong bản first draft, và bạn không có thời gian để dành ra thêm hai năm nữa ngồi mòn mông nở trĩ chỉnh sửa lại kịch bản mà không nhận thêm được đồng lương bèo bọt nào.

Vậy nên, trong bài viết này, hãy cùng đến với những việc cần làm để quá trình viết lại kịch bản của bạn trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc cho bạn.

VIẾT LẠI TỪ ĐẦU

1. Kịch bản viết trước, đề cương viết sau

Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không? Thông thường phải ngược lại chứ? Đúng vậy. Chúng ta thường bắt đầu bằng việc viết đề cương tổng quát (synopsys), viết đề cương chi tiết (treatment), viết đường dây (outline), rồi mới viết kịch bản (screenplay). Tuy nhiên, hãy để ý xem, thường thì kịch bản chi tiết sẽ đi từ hơi xa đến quá xa so với ý tưởng ban đầu. Nhiều người trong lúc viết kịch bản đã nhận ra ngay vấn đề này và quyết định sửa lại đề cương hoặc sửa lại kịch bản từ đầu, trước khi viết xong first draft. Điều này không nên tí nào, bởi chính kiểu viết tới đâu sửa tới đó như vậy sẽ khiến kịch bản của bạn rơi vào vòng lặp của việc chỉnh sửa liên tục mà không bao giờ có thể hoàn thành. Vậy nên, việc đầu tiên bạn cần làm là hãy dẹp đề cương qua một bên, viết cho xong first draft trước đã.

Khi đã có kịch bản first draft trong tay, hãy viết lại synopsys một lần nữa. Lần này, hãy tóm tắt lại câu chuyện trong kịch bản, chứ không phải ý tưởng ban đầu. Bằng cách viết lại đề cương dựa trên kịch bản, bạn sẽ nhìn thấy những lỗ hổng trong cốt truyện, từ đó có thể tìm ra hướng điều chỉnh, sửa chữa và viết lại kịch bản một cách hiệu quả hơn.

2. Viết lại đường dây

Đường dây (outline) là bước mà nhiều người thường bỏ qua trong quá trình viết kịch bản. Tuy nhiên, đây lại là bước quan trọng nhất, quyết định kịch bản của bạn sẽ phải viết lại bao nhiêu lần. Nếu như bạn lỡ quên làm đường dây trước khi viết first draft, thì không sao cả, bởi vì bạn sẽ phải đối mặt với nó ngay từ bây giờ.

Có nhiều cách làm đường dây khác nhau. Bạn có thể làm bảng beat sheet (sơ đồ mạch phim), outline (đường dây), step outline (gạch đầu dòng, dành cho người lười), hoặc index card (my favorite hihi). Dù cho bạn làm cách nào, thì cũng là một trong mấy cách đó.

Đầu tiên, hãy lấy first draft ra, viết lại nội dung từng cảnh một từ đầu đến cuối. Mỗi cảnh một hàng, một gạch đầu dòng, một đoạn văn, hoặc một mảnh giấy note, tùy bạn. Sau đó, hãy dò xem, cảnh nào có vấn đề, chi tiết nào có vấn đề, đánh dấu lại tất cả. Tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu nghiên cứu, phân tích xem cốt lõi của vấn đề xảy ra trong cảnh quay đó là gì, đồng thời quyết định xem bạn sẽ chỉnh sửa lại chi tiết trong cảnh, thêm nội dung, hay gạch bỏ cảnh đó hoàn toàn và thay thế bằng cảnh mới như thế nào… Hãy nhớ rằng, mỗi chi tiết, mỗi cảnh quay bạn thêm vào hay bỏ ra khỏi kịch bản, đều sẽ ảnh hưởng tới một phần hoặc tổng thể câu chuyện. Vậy nên hãy quyết định thật tỉnh táo và lý trí ở bước này. Bỏ đi một chi tiết tâm đắc là nỗi đau của người tác giả, nhưng vì chi tiết đó mà kịch bản trở thành chiếc dép tổ ong, hay phải cắt bỏ trên bàn dựng, là sự lãng phí tài nguyên, công sức, thời gian, tiền bạc của cả ekip lẫn khán giả. Một người đau, tốt hơn là trăm người, đúng không?

Bằng cách viết lại đường dây, bạn sẽ nắm được những lỗ hổng, vấn đề xảy ra trong mạch phim, từ đó có thể khoanh vùng và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn bằng việc chỉnh sửa những cảnh quay có vấn đề và chi tiết liên quan, thay vì phải viết lại tất cả một trăm hai mươi trang từ đầu đến cuối.

3. Dọn dẹp hiện trường

Dọn phòng đối với tôi là một cực hình. Cũng giống như việc các nhà văn, biên kịch phải dọn dẹp gọn gàng lại mớ ý đồ nghệ thuật mình vừa nghĩ ra, sàng lọc, gom lại thành những đoạn văn, tình huống, hình ảnh hay lời thoại ngắn gọn, súc tích không thừa không thiếu, để đỡ mất thời gian của người đọc, người xem. Dù sao thì, đây cũng là việc phải làm, để kịch bản trở nên gọn gàng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ cảm nhận hơn đối với người đọc. Một kịch bản mà bạn cần phải viết cả cuốn sách phân tích hay dành hay mươi tiếng đồng hồ để giải thích cho người đọc hiểu bạn muốn người ta quay cái gì, diễn ra sao, thì rõ ràng là kịch bản đó có vấn đề nghiêm trọng.

Bước đầu tiên của việc dọn phòng, à nhầm, dọn dẹp lại kịch bản, là xác định xem chủ đề, tiền đề, thể loại, thông điệp của câu chuyện mà bạn muốn kể cho khán giả trong kịch bản này là gì. Bạn cần nắm vững, hiểu rõ cốt lõi của vấn đề mà bạn đang đề cập đến, từ đó bạn mới có thể trình bày một cách rõ ràng, cụ thể và không đi lạc đề như bao người khác. Sau khi đã xác định rõ, hãy đối chiếu xem kịch bản của bạn đã thể hiện hết những gì bạn muốn truyền tải hay chưa. Chỗ nào rồi, đánh dấu lại. Chỗ nào chưa, đánh dấu màu khác. Chỗ nào lạc đề, không liên quan, hãy tách nó ra, để sang một bên, đánh giá xem có thể điều chỉnh để phù hợp với tổng thể không, hay là nên bỏ.

Tiếp theo, hãy sắp xếp lại đường dây, mạch phim của bạn theo cấu trúc phù hợp, bắt đầu từ nền tảng là cấu trúc ba hồi. Tại sao lại là cấu trúc ba hồi? Bởi vì bạn cần xác định rõ bộ phim của bạn bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao. Sau khi đã xác định được rồi, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những vấn đề cơ bản trong cấu trúc, chẳng hạn như phần mở đầu có dài quá không, phần kết thúc đã hợp lý chưa, có nên thay đổi cảnh mở đầu hay cảnh nào đó không… Ráp đường dây vào cấu trúc xong, bạn sẽ thấy rõ xương sống của bộ phim từ đầu đến cuối, để lỡ có con cá béo phì nào đó bắt bạn giải thích thì bạn còn trả lời được.

Sau khi làm xong phần xương sống, chúng ta sẽ đến với phần tạo hình khung xương cho nhân vật, đó là một lần nữa ráp đường dây theo cấu trúc bạn vừa sắp xếp ở trên vào cấu trúc phù hợp với thể loại của câu chuyện mà bạn muốn kể. Nếu bạn đang kể một câu chuyện về anh hùng cứu mỹ nhân, hay hành trình ai đó khám phá bản thân, hoặc một kịch bản nặng tâm lý, hãy dùng cấu trúc Hero’s Journey. Nếu bạn đang viết một bộ phim hành động, giật gân, cấu trúc Save The Cat sẽ phù hợp. Mỗi kiểu cấu trúc nâng cao này sẽ có điểm mạnh-yếu khác nhau, phù hợp với kiểu câu chuyện khác nhau. Đừng áp dụng một kiểu cấu trúc cho mọi câu chuyện, bạn sẽ gãy như cách mà phim Mắt Biế… à mà thôi.

Giờ thì câu chuyện của bạn đã được sắp xếp lại một cách gọn gàng theo một cấu trúc phù hợp. Trước khi đi sâu vào chỉnh sửa từng chi tiết một, hãy kiểm tra một lần nữa, xem các tình huống, sự kiện trong phim đã khớp với cấu trúc chưa. Hãy kiểm tra thật kỹ và chỉ chuyển sang bước tiếp theo khi bạn đã chắc chắn rằng phần cấu trúc bộ phim đã hoàn toàn vững chãi. Nếu cần, hãy đưa cho nhà sản xuất và đạo diễn xem, để họ đưa ra nhận xét và tìm giúp bạn những vấn đề còn sót lại trong cấu trúc và đường dây câu chuyện mà bạn không nhìn ra được.

Cấu trúc là nền móng, là khung xương của kịch bản. Nếu nền móng có vấn đề, thì chỉ có nước đập đi xây lại. Đừng vội vã, đừng gấp rút, hãy thật cẩn trọng. Sai một ly, đi như trạng chuột. Hãy nhớ kỹ.

4. Viết (lại) từng cảnh một

Sau khi đã sắp xếp lại truyện phim theo cấu trúc, và chốt được chính xác truyện phim sẽ diễn biến như thế nào, bây giờ bạn có thể bắt đầu viết lại kịch bản từ đầu được rồi.

Khoan, gì chứ, tui phải viết lại tất cả từ đầu á?

Tất nhiên là không. Nếu mục đích của mọi bước chuẩn bị ở trên chỉ để cuối cùng bạn phải viết lại kịch bản từ đầu, thì mắc gì tôi phải dành ra cả ngày trời ngồi đánh máy muốn mòn vân tay để gửi đến bạn những dòng này?

Sau khi đã sắp xếp lại đường dây theo cấu trúc rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp; bạn sẽ quay lại với công đoạn viết kịch bản. Nhờ vào việc sàng lọc và tính toán mọi thứ ở những bước trên, bạn có thể biết chính xác những cảnh nào có thể giữ lại, những cảnh nào cần phải điều chỉnh, những cảnh nào sẽ phải bỏ đi, những cảnh nào sẽ phải viết mới; cũng như thứ tự xuất hiện của mỗi cảnh quay trong phim như thế nào. Lúc này, bạn có thể sao chép nội dung của những cảnh quay được giữ lại vào kịch bản mới, chỉnh sửa những cảnh cần chỉnh sửa, viết thêm những cảnh mới theo đúng vị trí cảnh đó cần phải xuất hiện. Trong quá trình này, hãy luôn nhớ rằng, bạn cần kiểm tra liên tục và viết hoàn thiện từng cảnh một.

Hiện tại, bạn không còn ở trong quá trình viết first draft nữa. Vào lúc này, mỗi cảnh quay bạn viết ra, bạn cần phải đảm bảo rằng bạn đang viết cảnh đó hoàn chỉnh nhất có thể. Bạn không còn nhiều lần chỉnh sửa nữa. Bạn cũng không muốn phải chỉnh sửa nhiều lần nữa. Đừng quên rằng, nhuận bút kịch bản mà bạn nhận được có giới hạn, chúng không đủ để bạn có thể dành thêm quá nhiều thời gian cho kịch bản này. Bạn cần phải hoàn thiện kịch bản trong một thời gian ngắn. Vậy nên, để tiết kiệm thời gian, hãy viết từng chút một thật chắc chắn, ngay từ đầu nếu có thể, hoặc từ bây giờ.

Trước và sau khi viết xong mỗi cảnh quay, hãy xác định xem, bạn muốn viết gì, bạn cần viết gì, bạn phải viết gì trong cảnh quay này. Quan trọng hơn, hãy xác định chính xác mục đích, thông điệp, lý do cảnh quay này phải tồn tại là gì. Cũng đừng quên một điều quan trọng mà không phải ai cũng chịu chia sẻ hay nhắc nhở đến bạn: Cảm xúc bạn muốn khán giả cảm nhận được trong cảnh này là gì?

5. Hoàn thiện

Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, mà bạn không được phép quên, đó là:

tuyệt-đối-không-được-viết-saI-chính-tả

Không có gì tệ hơn là một văn bản ngập tràn lỗi chính tả, lỗi ngắt câu, chấm phẩy hỗn loạn, trình bày lộn xộn. Câu cú mạch lạc, nội dung rõ ràng, chính tả chính xác là những yếu tố đầu tiên đập vào mắt người đọc. Nếu bạn muốn người khác có thể đọc được trọn vẹn kịch bản của bạn với tinh thần thoải mái và hiểu được chính xác những gì bạn muốn thể hiện, thì làm ơn, hãy chú ý đến cách trình bày.

Sau khi viết xong kịch bản, nhớ bấm Save, tắt máy, đi ngủ. Ngày hôm sau, khi bạn đã hoàn toàn tỉnh táo, hãy đọc lại kịch bản vài lần nữa, gọt giũa câu cú, lỗi chính tả, cách trình bày, đến khi nào bạn cảm thấy kịch bản đã ổn. Cuối cùng, bạn có thể bấm Save, xuất file PDF và gửi đi được rồi.

Còn bây giờ, hãy mở kịch bản lên, và viết lại từ đầu.

©yooribae


Trước đây, trong một dự án mà tôi được mời vào từ khâu viết lại, tôi có nói với các bạn biên kịch trong dự án đó thế này: “Vì kịch bản của bạn chưa đủ tốt, nên tôi mới phải ở đây. Công việc của tôi không phải là cứu lấy kịch bản hiện tại của các bạn, mà tôi phải xé nhỏ câu chuyện của bạn ra, loại bỏ những chi tiết không phù hợp, và tìm cách sắp xếp lại những chi tiết phù hợp sao cho câu chuyện và kịch bản tốt hơn. Đó là nhiệm vụ của tôi, được nhà đầu tư yêu cầu”. Đương nhiên, với các biên kịch, những lời tôi nói chẳng khác nào đấm thẳng vào cái tôi của họ vậy. Ngay câu đầu thôi cũng khiến bất kỳ ai nghe cũng thấy sôi máu rồi. Kết quả là quá trình hợp tác không hề vui vẻ. Nhiều người bảo rằng tôi quá đáng. Nhưng tôi không hối hận vì đã nói ra những lời đó. Là biên kịch, bạn phải chấp nhận việc bóc tách câu chuyện của bạn ra thành nhiều mảnh và từ bỏ những yếu tố không còn phù hợp. Quá trình đó đau đớn, vậy nên tốt nhất bạn hãy tự mổ xẻ và điều trị cho kịch bản của mình, trước khi những người có quyền lực đối với kịch bản đó hơn bạn phải nhúng tay vào. Để làm được điều đó, hãy làm việc với trái tim nóng và cái đầu lạnh. Quan trọng hơn, đừng nghĩ đến chuyện đi làm khi bạn còn chưa học xong cơ bản.

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading