[Kịch bản 101] #33: Xây dựng truyện phim với Index Cards

Tôi có một thói quen mà nhiều người không thích, đó là thay vì viết kịch bản theo workflow tiêu chuẩn là ý tưởng (idea/story) → đề cương tóm tắt (synopsys) → đường dây (outline) → đề cương chi tiết (treatment) → kịch bản (screenplay) thì tôi thường đi thẳng từ ý tưởng đến treatment rồi mới quay lại outline trước khi viết kịch bản chi tiết. Nhiều người sẽ không thích kiểu làm việc này. Dù sao thì, mỗi người đều có cách thức làm việc riêng. Tôi biết có những biên kịch, đạo diễn viết thẳng từ ý tưởng ra kịch bản, có người thì bắt buộc phải làm từng bước một trên máy tính mới yên tâm. Bởi vì tư duy của tôi thiên về hình ảnh và chứng hay quên mãn tính, tôi luôn muốn ghi chú rõ ràng và cụ thể nhất bất cứ hình ảnh hay ý tưởng nào tôi nghĩ ra trong đầu. Đó cũng là cách tiết kiệm thời gian, bởi không phải ai cũng nhớ được rõ từng câu từng chữ mà mình bất chợt nghĩ ra vài tuần trước đó. Và dù cho bạn có thói quen hay quy trình làm việc khác biệt như thế nào, thì luôn có một bước mà bạn chắc chắn phải làm trước khi mở máy lên và viết kịch bản, đó là:

ĐƯỜNG DÂY – OUTLINE

Đường dây là gì?

Đường dây, tên tiếng Anh là Outline, là bản tóm tắt nội dung, thứ tự các cảnh quay sẽ xuất hiện trong kịch bản. Đường dây có thể là những gạch đầu dòng, hoặc những đoạn văn, miêu tả nội dung của từng cảnh quay sẽ xuất hiện trong phim, theo thứ tự trước sau. Đường dây là bước vô cùng quan trọng, cho phép biên kịch sắp xếp và xác định chính xác kịch bản mà mình sắp viết sẽ như thế nào. Đường dây đặc biệt quan trọng vì nếu không làm đường dây thật chính xác, biên kịch sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi chỉnh sửa kịch bản.

Một ví dụ về Outline / Step Outline

Có nhiều người làm đường dây bằng cách gạch đầu dòng, mỗi dòng là một câu miêu tả nội dung cảnh quay. Người ta gọi đó là Step Outline. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, thì khi làm đường dây, bạn nên miêu tả nội dung cảnh quay rõ ràng và chi tiết nhất có thể, thay vì chỉ gạch đầu dòng. Dù sao cũng không ai đọc phần này, nên bạn hãy cứ làm mà không cần quan tâm quá nhiều đến các quy tắc miêu tả kịch bản. Hãy viết ra hết những gì bạn nghĩ trong đầu, mọi chi tiết, tình huống, khung cảnh, lời thoại… Đừng qua loa, sơ sài. Khâu đường dây càng chi tiết, viết kịch bản càng đỡ nhọc thân.

Tuy nhiên, trong lúc viết đề cương, viết đường dây, thậm chí đến khâu viết lại, thì vấn đề mà gần như mọi người viết trên thế giới này gặp phải, đó là mạch truyện bị mắc kẹt giữa chừng. Bạn có ý tưởng rất hay, bạn có những cảnh quay tuyệt vời trong đầu, thế nhưng đến lúc viết ra, bạn không biết phải làm sao để câu chuyện được liền mạch. Khi tất cả những gì bạn có chỉ là một mớ ý tưởng và cảnh quay rời rạc, không thể kết nối lại thành đường dây câu chuyện hoàn chỉnh; thì lúc này đây, Index Cards là cứu cánh duy nhất của bạn.

INDEX CARDS – CỨU CÁNH CỦA BẠN

Index Cards là gì?

Index Card là những tờ giấy note có kích cỡ nhỏ gọn, ghi lại nội dung những cảnh quay sẽ xuất hiện trong phim. Mỗi tờ giấy viết tóm tắt nội dung của một cảnh. Ví dụ, một kịch bản điện ảnh có khoảng 130 cảnh thì sẽ có 130 tờ Index Cards. Tương tự, một kịch bản truyền hình có thể có từ 750-1000 card.

Sử dụng Index Cards như thế nào?

Đầu tiên, bạn hãy viết ra tóm tắt nội dung tất cả những cảnh quay bạn nghĩ ra vào Index Cards, mỗi tấm một cảnh. Hãy lưu ý, chỉ viết một cách ngắn gọn, tầm 5 dòng đổ lại, trên một mặt giấy, với cỡ chữ mà bạn có thể đọc được ở khoảng cách 1 mét. Hãy viết tay cho nhanh, làm ơn.

Sau khi viết xong, bạn hãy tìm một mặt phẳng như bàn làm việc, bàn ăn hay mặt sàn, chia mặt bàn ra làm bốn cột, rồi trải lần lượt từng cảnh ra bàn như bạn đang xem bói vậy. Hãy bắt đầu theo thứ tự cảnh nào xuất hiện trước xếp trước, cảnh nào sau xếp sau; xếp lần lượt từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Những cảnh nào bạn cảm thấy có lỗ hổng, hãy để trống.

Ở cột đầu tiên, hãy sắp xếp thứ tự những cảnh sẽ xuất hiện ở hồi 1. Cột thứ hai tương ứng với nửa đầu hồi 2 và kết thúc ở mid-point, cột thứ ba bắt đầu từ mid-point và kết thúc ở cuối hồi 2, và cột cuối cùng là nội dung các cảnh quay ở hồi 3.

Sau khi sắp xếp xong, bạn sẽ nhận thấy trong câu chuyện còn những lỗ hổng nào, những cảnh quay còn thiếu nào, từ đó bạn có thể bắt đầu nghĩ cách để liên kết những cảnh quay có sẵn lại với nhau. Khi nghĩ ra cảnh nào, hãy viết ra một tấm card mới và đặt vào chỗ trống. Cảnh quay nào, tấm card nào bạn cảm thấy không phù hợp thì có thể bỏ sang một bên. Hãy giữ lại, đừng bỏ, phòng trường hợp bạn thay đổi ý kiến. Cảnh quay nào đang không ở vị trí phù hợp, hãy thay đổi vị trí cho tấm card đó. Cứ như thế, hãy lấp đầy câu chuyện của bạn bằng những tấm card, đến khi bạn cảm thấy đủ, hoặc khi mặt bàn đã kín hết chỗ.

Tới đây, bạn có cảm giác như trò này giống một trò chơi gì đó không? Đúng vậy, nó giống như tranh ghép xếp hình. Cũng như trò chơi đó, bạn sẽ phải lựa chọn, sắp xếp các mảnh ghép lại với nhau, sao cho tất cả liên kết lại với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Tác dụng của Index CardS

Sử dụng Index Cards là phương pháp sáng tạo trực quan, giúp biên kịch nhìn thấy một cách rõ ràng nhất những gì mà mình sẽ viết. Việc nhìn thấy tất cả những cảnh quay được sắp xếp theo thứ tự chính xác nằm trên cùng một mặt phẳng sẽ dễ dàng hơn là lục tung 60 trang đường dây để tìm xem nên chỉnh sửa cảnh nào. Một chút lao động thủ công cũng giúp biên kịch giảm bớt thời gian ngồi máy tính vô ích, giảm nguy cơ đau cột sống, mỏi hông, nở trĩ. Bên cạnh đó, Index Cards còn có lợi thế lớn là tiện lợi. Với vài tấm Index Cards và một cây bút trong túi xách, bạn có thể viết ra ý tưởng mà bạn bất chợt nghĩ ra ngay lập tức ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào; mà không cần phải mất thời gian tìm máy tính, mở máy tính, mở phần mềm lên, hay phải vật lộn với hàng đống note trong điện thoại mà bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn tới.

Dùng Index Cards thay cho Outline/Step Outline?

Thường thì khi viết kịch bản phim ngắn, tôi có thói quen viết thẳng từ ý tưởng ra kịch bản chi tiết. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tôi phải dùng tới Step Outline và Index Cards, nhất là khi truyện phim có nội dung phức tạp hoặc cách kể chuyện chưa đủ ấn tượng. Cá biệt, có một dự án phim ngắn từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành kịch bản mất đến 6 năm, trong đó phần lớn thời gian chỉ để tìm ra cách thể hiện tốt nhất cho câu chuyện, thì Index Cards trở thành công cụ duy nhất tôi có thể nương tựa vào. Và đó mới chỉ là phim ngắn, chưa nói tới điện ảnh.

Kịch bản điện ảnh là một cấp độ khác hẳn hoàn toàn so với những dạng phim truyện khác. Với ngân sách lớn, chi phí cho mỗi cảnh quay có thể dao động từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng, mỗi đồng tiền chi ra phải trải qua hàng chục vòng thẩm định của hàng chục người với nhiều cấp độ nhận thức và hiểu biết khác nhau, thì mỗi dòng kịch bản, mỗi hình ảnh, lời thoại, cảnh quay đều phải có ý nghĩ nhất định nào đó. Đây là một áp lực vô cùng kinh khủng, dễ khiến cho người viết kịch bản bị rơi vào trạng thái rối loạn lo âu mà không nhìn rõ được mọi vấn đề kịch bản mình cần giải quyết.

Lúc này đây, những tấm Index Cards bắt đầu phát huy thế mạnh của nó. Bạn có thể sắp xếp các cảnh quay theo bất kỳ thứ tự nào bạn muốn. Bạn có thể bỏ một cảnh ra hay thêm cảnh đó vào lại sau này mà không sợ bị xóa mất ý tưởng như khi viết trên máy. Bạn có thể nhìn rõ cấu trúc truyện phim một cách bao quát và rõ ràng hơn. Cũng giống trong các bộ phim điều tra mà bạn từng xem, nhân vật chính luôn đứng trước một bức tường khổng lồ với đầy những tờ giấy nhớ, bài báo và chỉ đỏ nối các điểm lại với nhau, chứ chẳng có ai hình dung ra được toàn bộ vụ án phức tạp chỉ bằng việc nhìn vào mấy dòng tóm tắt trong biên bản.

Tuy nhiên, mọi phương pháp đều có thế mạnh và điểm yếu riêng. Step Outline giúp bạn liệt kê nội dung cảnh quay ngắn gọn nhưng không đủ chi tiết. Outline giúp bạn ghi nhớ mọi chi tiết mà bạn muốn thể hiện trong cảnh quay nhiều nhất có thể, nhưng lại khó để nhìn rõ tổng quát cấu trúc và các mối liên kết. Index Cards giúp bạn sắp xếp các tình huống, cảnh quay, mối dây liên kết giữa các chi tiết trong truyên phim một cách chặt chẽ hơn, nhưng giới hạn số từ trong một tấm card lại không đủ dữ liệu để bạn ghi chú mọi tình tiết như khi viết Outline. Vậy nên, cách hiệu quả nhất là kết hợp cả ba phương pháp lại với nhau. Hoặc là, làm mọi thứ trên Index Cards bằng tay, thay vì sử dụng phần mềm, dù phần mềm dễ nhìn hơn.

TÍNH NĂNG INDEX CARDs TRÊN PHẦN MỀM CELTX

Một điều tôi thích ở các phần mềm viết kịch bản chuyên nghiệp, đó là mọi tính năng mà biên kịch, đạo diễn, trợ lý đạo diễn hay nhà sản xuất cần để làm việc với kịch bản đều được tích hợp trong cùng một file gọn nhẹ. Index Cards cũng là một tính năng được tích hợp sẵn, trong trường hợp này, là trong phần mềm Celtx. Để vào tính năng Index Cards, đầu tiên bạn hãy mở phần mềm Celtx lên, nhìn xuống phía dưới giao diện viết, cách khung Script vài khung là khung Index Cards.

Sau khi bấm vào Index Cards, giao diện sẽ hiện lên như một miếng giấy note. Bạn có thể bấm vào mục Add Card để thêm card mới. Mỗi card tương ứng với một cảnh quay, bạn có thể nhìn thấy ở khung thư mục Scene bên góc trái phía dưới màn hình.

Mỗi tấm card gồm 2 ô. Ô nhỏ bên trên, bạn điền một câu ngắn gọn tóm tắt nội dung cảnh quay. Ô lớn phía dưới, bạn điền nội dung chính của cảnh quay, giới hạn trong khoảng vài dòng.

Có bạn sẽ nghĩ “Tại sao không điền Tiêu đề cảnh ở ô nhỏ?”, đây là lý do:

Nếu bạn quay trở lại khung Script, bấm vào dấu hai hình chữ nhật đè lên nhau trong mục Scene, bạn sẽ thấy phần Nội dung trong ô nhỏ của Index Cards hiện lên thay cho phần Tiêu đề cảnh.

Như vậy, khi viết kịch bản chi tiết, bạn sẽ biết là cảnh bạn đang viết tương ứng với nội dung gì trong Index Cards, mà không cần phải chuyển qua lại giữa hai khung. Bên cạnh đó, khi bạn thêm cảnh quay mới trong khung Script, một card mới cũng sẽ được tạo ra tự động trong Index Cards. Khi bạn di chuyển vị trí một card trong Index Cards, cảnh quay trong Script cũng di chuyển theo, và ngược lại. Rất tiện lợi, phải không nào?

Một bí quyết nhỏ nữa, là bạn có thể nhìn thấy nội dung truyện phim mà bạn sắp viết kịch bản có liền mạch với nhau không, thông qua việc nhìn vào bảng tóm tắt nội dung từng cảnh hiển thị ở mục Scene. Bạn thấy phần này có quen không? Đúng rồi, nó giống như Step Outline vậy.

Một mẹo nhỏ khác, đó là bạn có thể đổi màu cho các tấm card bằng việc bấm vào dấu chấm tròn • ở góc dưới bên phải tấm card. Tôi thường chọn 4 màu note (cả trên Celtx lẫn trên giấy) theo tính chất (ánh sáng) của cảnh như sau:

Vàng
Nội – Ngày

Hồng
Nội – Đêm

Xanh Lục
Ngoại – Ngày

Xanh Lam
 Ngoại – Đêm

Tự làm Index CardS của riêng bạn

Nếu bạn là người theo trường phái cổ điển, yêu thương đôi mắt của bản thân, hoặc đơn giản là không thích việc mỗi lần nghĩ ra ý gì lại phải lôi laptop ra gõ hay viết vào sổ xong để đó luôn, thì Index Cards là một công cụ tuyệt vời dành cho bạn. Nhỏ gọn, tiện dụng, cơ động, có thể sử dụng ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, còn công cụ nào phù hợp hơn? Chỉ với vài mảnh giấy, một cây bút bi rẻ tiền, bỏ gọn vào túi áo, túi quần hoặc bất kỳ chỗ nào mà bạn có thể nhét vào để mang theo bên mình; giờ đây bạn có thể ghi lại ý tưởng của mình một cách nhanh chóng, dù cho bạn chỉ vừa tỉnh dậy lúc nửa đêm, khi bạn đang trong phòng tắm, hay đang chờ đèn đỏ giữa ngã tư.

Và thay vì phải bỏ tiền ra để mua xấp Index Card giống mấy biên kịch Hollywood sử dụng chỉ để sống ảo với giá không hề dễ chịu, bạn có thể tự làm Index Card của riêng mình, với chi phí chỉ bằng một ly trà sữa (hoặc rẻ hơn).

Đầu tiên, về nguyên vật liệu, bạn cần có những món sau: Giấy A4, bút chì, thước, dao rọc giấy hoặc kéo, kẹp giấy, dây thun. Lời khuyên là bạn không nên dùng giấy vở viết hay giấy photo, vì chúng quá mỏng, dễ bị hư hại, không bảo quản được. Bạn có thể tìm mua giấy cứng ở các tiệm văn phòng phẩm hay tiệm họa cụ. Cá nhân tôi thích dùng giấy vẽ, dù giá hơi cao, vì tôi có thể làm được nhiều thứ với mẩu giấy đó hơn là chỉ viết ý tưởng.

Cách làm Index Cards đơn giản:

  • Đầu tiên, bạn hãy chia tờ giấy A4 thành 8 hình chữ nhật đều nhau. Nếu không có bút chì và thước, bạn có thể gấp giấy để tạo nếp, dù như vậy viền giấy sẽ không đẹp.
  • Sau đó, hãy dùng dao rọc giấy hoặc kéo để cắt giấy thành 8 miếng theo đường kẻ sẵn.
  • Lặp lại quy trình này với những tờ A4 khác.
  • Xong. Giờ đây bạn đã có cho mình một bộ Index Card. Bạn có thể dùng dây thun, dây vải, dây da hay dây buộc tóc (tùy theo nhu cầu và sở thích của bạn) để cột những tấm card lại với nhau. Hoặc bạn có thể bấm lỗ và xỏ những tấm card lại với nhau bằng một chiếc khoen. Cùng với một cây bút, và bạn đã có đủ dụng cụ để bắt đầu sáng tạo rồi.

Bạn có thể viết, vẽ, ghi chú bất kỳ ý tưởng nào bạn nghĩ ra lên những tấm card đó. Tiếp theo, bạn có thể dùng kẹp giấy để kẹp tất cả những ý tưởng liên quan hoặc cùng một cảnh quay lại với nhau, theo thứ tự mới để trên, cũ để dưới. Để lưu trữ, bạn có thể đặt chúng vào một hộp giấy hay hộp nhựa bất kỳ. Và thế là, mọi ý tưởng của bạn sẽ nằm ở nơi mà bạn có thể tìm thấy chúng dễ dàng bất kỳ lúc nào cần đến.

Lời kết

Index Card là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình xây dựng đường dây truyện phim, cũng như giúp đẩy nhanh tiến độ sáng tác hiệu quả. Index Cards cũng là phương thức được sử dụng bởi rất nhiều nhà văn, biên kịch, đạo diễn đoạt giải thưởng lớn trên toàn thế giới. Điều đó đủ chứng minh tính hữu dụng của phương pháp này rồi. Là nhà văn, biên kịch, đạo diễn, người kể chuyện, có điều gì ngăn cản bạn học theo cách đã mang lại thành công của những người kể chuyện hàng đầu thế giới? Hãy nâng cấp kỹ năng và tốc độ sáng tác của bạn ngay hôm nay- với Index Cards.

©yooribae

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading