Phim ngắn đầu tay của tôi cực kỳ tệ và đây là lý do

Mùa hè năm 2011, tôi thực hiện phim ngắn đầu tay của mình.

Khi còn đi học, tôi yêu thích những gì liên quan đến hình ảnh hơn là chuyện viết lách. Có lần, khi được hỏi, tôi đã trả lời giảng viên của mình rằng: “Em muốn trở thành đạo diễn hình ảnh”. Ở thời điểm 2009, “đạo diễn hình ảnh” là một cụm từ xa lạ mà không mấy người làm nghề ở Việt Nam biết đến. Thế rồi, nửa đầu năm 2010, sau khi đạt điểm số cao trong môn kịch bản và bị giảng viên nhận xét là “quá an toàn” trong môn quay phim, tôi buộc phải nhìn nhận lại bản thân mình. “Quá an toàn”, theo suy nghĩ của tôi, nghĩa là nhàm chán. Thật vậy. Tôi khá thất vọng khi xem lại bài tập quay phim của mình. Bố cục, góc máy, chuyển động, dàn cảnh đều kém hơn rất nhiều so với bài tập quay phim mà tôi quay giúp cho người bạn lớp bên cạnh. Sau đó, tôi nghiêm túc hơn, dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cặn kẽ về quay phim, bố cục, ánh sáng, góc máy…

Một ngày nọ, tôi vô tình biết tới cuộc thi phim ngắn được tổ chức bởi một kênh truyền hình cáp vừa mới mở. Một bạn học chia sẻ với tôi ý tưởng. Từ đó, tôi bắt đầu viết thành kịch bản hoàn chỉnh. Tôi rủ vài người bạn trong trường cùng tham gia, lập nhóm làm phim, rồi lên mạng kêu gọi thêm thành viên. Tôi không có máy quay, vậy nên tôi phác thảo hình ảnh trong đầu mình ra thành storyboard để bạn quay phim biết tôi muốn bạn ấy quay cho tôi những hình ảnh nào. Đèn quay phim tôi mượn từ kho của trường. Bối cảnh cũng mượn từ một phòng học trống. Cứ thế, phim ngắn đầu tay của tôi được hoàn thành bởi ekip chỉ vỏn vẹn sáu người, bao gồm cả diễn viên, với chi phí chỉ có tầm năm trăm ngàn vào thời điểm đó.

Và bộ phim không lọt được vào vòng cuối của cuộc thi vì có quá nhiều máu so với một phim chiếu trên kênh truyền hình Phật giáo. Không đọc kỹ đề bài là lỗi của tôi.

Sau khi hoàn thành bộ phim, tôi nhờ giảng viên bộ môn nhiếp ảnh xem qua. Thầy không ấn tượng lắm với nội dung, nhưng thầy khen phần hình ảnh. Đó là một lời khen quý giá đến từ người thầy luôn nghiêm khắc với học trò.

Thế nhưng, phần âm thanh của phim là một thảm họa. Chất lượng âm thanh tệ đến mức phá hỏng toàn bộ cảm xúc và trải nghiệm của khán giả. Khi ấy, tôi chẳng biết chút gì về âm thanh cả. Không micro, không thiết bị thu âm, mọi lời thoại và âm thanh trong phim đều là âm thanh được lấy trực tiếp từ máy quay. Tôi cố gắng khắc phục bằng cách thu âm lại phần lời thoại và âm thanh, nhưng kết quả còn tệ hơn.

Sau lần đó, tôi bắt đầu quan tâm hơn đến các thiết bị thu âm và học cách sử dụng chúng. Tôi cũng tự mày mò học theo những hướng dẫn mà tôi tìm thấy trên các kênh Youtube nước ngoài, cũng như tự mua cho mình một chiếc máy thu âm chuyên nghiệp và micro, tai nghe kiểm âm để thực hành qua nhiều dự án nhỏ. Tôi bắt đầu học cách lắng nghe âm thanh xung quanh mình, cũng như cách mà âm thanh được thể hiện trong phim. Sau vài năm, tôi đã có thể cảm nhận được cảm xúc của diễn viên khi thoại, khi thở, học được cách làm sao để kể chuyện bằng âm thanh và cách kết hợp âm thanh và hình ảnh trong phim để đẩy cảm xúc của cảnh quay lên tốt hơn. Những trải nghiệm đó, những bài học đó, vào thời điểm tôi bắt đầu học làm phim chẳng có ai ở Việt Nam chia sẻ cả.

Từng có không ít người bảo tôi rằng: Những việc đó đã có bộ phận âm thanh lo, sao phải tự làm khó bản thân như vậy? Nhưng khi bạn không có tiền, không có quan hệ, không có kinh nghiệm, thì kiến thức là thứ duy nhất giúp bạn có thể giao tiếp được với những người làm phim chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi dự án, mỗi bộ phim đều mang lại cho tôi một bài học nhất định. Phim ngắn đầu tay giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của âm thanh trong phim. Một phim khác dạy tôi cách quay đêm khi không có đèn. Tự cầm máy quay và tự làm hậu kỳ phim giúp tôi hiểu thêm về nhịp phim, màu phim. Những dự án không lên sóng giúp tôi hiểu hơn về những vấn đề có thể gặp phải và cẩn thận hơn trước khi bắt đầu một dự án. Đó là những kiến thức mà sách vở thường không đề cập tới.

Cũng có vài người hỏi tôi rằng: Sao không tập trung làm một phim cho đáng, mà cứ phải bỏ thời gian ra làm nhiều dự án nhỏ? Thường thì người hỏi câu đó hoặc chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về làm phim, hoặc làm phim dở ẹc. Bởi ngay cả những người như Nolan hay Spielberg, Tarantino thì trước khi làm phim điện ảnh đầu tay, họ cũng đã làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phim ngắn lớn nhỏ. Và làm phim đòi hỏi thực hành. Mỗi ngày trên trường quay là hàng đống vấn đề khác nhau cần phải giải quyết, và mỗi vấn đề lại mang đến một bài học mới. Tôi không phải thiên tài, cũng chẳng có nhà làm phim nào cho đến thời điểm này thiên tài đến mức ngày đầu tiên đi làm phim đã có thể làm ngay một phim điện ảnh đoạt giải Oscar kèm doanh thu 500 triệu $ cả. Làm phim là một hành trình dài, mỗi lần vấp ngã là một bài học dẫn dắt đến thành công. Vậy nên tôi không ngại chia sẻ với mọi người về việc những thước phim đầu tiên mà tôi làm ra gặp nhiều vấn đề như thế nào, trong suốt hơn 10 năm học làm phim tôi đã phạm phải những sai lầm nào, mỗi dự án mà tôi làm ra mang lại cho tôi bài học quý giá gì… Bởi tôi hiểu rằng, những câu chuyện về sự thành công luôn mang lại sự hào hứng xen lẫn ganh tị khi lắng nghe, nhưng những bài học từ sai lầm và thất bại của người khác là tín hiệu cần thiết để người đi sau không rơi vào những tình huống đó.

Nếu bạn còn đang phân vân có nên bắt đầu làm phim hay không, cứ thử đi, thành công xem như là may mắn, làm sai thì đó là kinh nghiệm.

Còn nếu bạn muốn học cách tự làm ra bộ phim của riêng mình, bấm vào đây nhé!

©yooribae

Comments

Một bình luận cho “Phim ngắn đầu tay của tôi cực kỳ tệ và đây là lý do”

  1. Ảnh đại diện Trương Xuân Tâm
    Trương Xuân Tâm

    xem video rồi bạn. chê là dúng, dỡ quá

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading