Là biên kịch hoặc đạo diễn tự viết kịch bản, chắc hẳn nhiều lần bạn đã ngồi trước màn hình máy tính, nhìn chằm chằm vào màn hình trắng trước mặt, và tự hỏi “Cảnh này cần được thể hiện như thế nào?”. Bạn đã có sẵn đề cương trong tay, còn cẩn thận chuẩn bị sẵn cả đường dây nội dung cho từng cảnh. Thế nhưng, khi viết ra chi tiết xong, thì bạn lại cảm thấy cảnh này còn quá nhạt, thiếu sức sống. Bạn muốn cảnh quay trở nên hấp dẫn hơn nhưng không biết phải làm cách nào. Đừng lo lắng, hãy ngồi xuống, nhấn “Theo dõi” blog và đọc tiếp bài viết dưới đây để có thêm gợi ý giúp cho cảnh quay của bạn trở nên hấp dẫn và có sức hút hơn. Bắt đầu nào!

ĐỂ CẢNH PHIM CỦA BẠN HẤP DẪN HƠN

1. Cảnh dài / Scene like a Sequence

Về lý thuyết, không có quy định cụ thể về thời lượng của mỗi cảnh phim. Có những phim điện ảnh chỉ có một cảnh quay duy nhất suốt 90 phút mà vẫn đầy nghệ thuật. Có không ít phim để lại ấn tượng cho khán giả bởi những cảnh quay dài được dàn dựng công phu, tinh tế; có thể kể ra đây gồm cảnh mở đầu trong phim Inglourious Basterds (Đạo diễn Quentin Tarantino, 2009) hay cảnh dưới đây trong phim Sado/The Throne (Đạo diễn Lee Joon Ik, 2015).

Thông thường, một cảnh phim truyền hình hoặc điện ảnh có độ dài dao động trong khoảng 1-2 phút phim. Vậy nên có một thời gian, một số biên tập trong vài hãng phim truyền hình đã đưa ra yêu cầu là mỗi cảnh phim chỉ được dài tối đa 2 phút. Yêu cầu đó được đưa ra sau khi có quá nhiều biên kịch viết nên những kịch bản với hàng đống cảnh quay dài 5-7 phút chi chít thoại, mà hầu hết là những câu thoại vô thưởng vô phạt, không mang lại bất kỳ giá trị nào. Tuy vậy, việc biên kịch viết kịch bản dở tệ, không có nghĩa là biên tập đưa ra quy định đúng. Bởi quy định kiểu đó chỉ cho thấy người biên tập quá kém về năng lực và thiếu hiểu biết, nhất là thiếu kiến thức về cấu trúc của một cảnh quay.

Cơ bản thì, một cảnh phim cũng có thể xem như một bộ phim thu nhỏ. Mỗi cảnh phim, nhất là trong phim truyền hình, được viết ra với đầy đủ ba yếu tố: Mở đầu, phát triển và kết thúc. Vậy nên mỗi cảnh phim cũng phải tuân thủ đúng cấu trúc Ba hồi, cũng như phải có chủ đề, thông điệp, mâu thuẫn đầy đủ. Bên cạnh việc cung cấp thông tin, cảnh phim còn phải có tác dụng thúc đẩy mạch truyện tiến lên. Thời lượng của cảnh phim phụ thuộc vào việc lượng thông tin và mâu thuẫn trong cảnh đó nhiều đến mức nào. Nếu bạn có một khối lượng lớn thông tin hoặc truyện phim của bạn đang ở giai đoạn quan trọng, cần có một bước chuyển lớn và bạn nhận thấy là tất cả có thể gói gọn trong một cảnh phim dài 5 phút, thì không cần thiết phải viết tới 3 cảnh 2 phút chỉ vì một biên tập vô năng nào đó bảo bạn phải làm thế.

Bên cạnh đó, một cảnh quay dài cũng có tác dụng xây dựng cảm xúc cho người xem, giúp người xem dễ dàng hòa mình vào thế giới quan của các nhân vật trong phim. Trong những cảnh quay mấu chốt, đặc biệt là những cảnh quay nặng tâm lý, khán giả cần có thời gian để thích nghi và làm quen với những cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật, từ đó để bản thân bị cuốn vào hành trình của nhân vật, dễ dàng cảm nhận, trải nghiệm bộ phim tốt hơn.

Để biết một cảnh quay dài được xử lý thế nào, hãy đọc thêm bài viết dưới đây:

2. Xé cảnh / Break scene

Giống như tên gọi, xé cảnh (break scene) có nghĩa là bạn sẽ tách nội dung cảnh phim ra làm 2 cảnh (hoặc hơn), sau đó đặt xen kẽ với các cảnh quay khác. Với cách này, bạn có thể tăng tính hồi hộp cho phim, bởi khán giả sẽ phải chờ đợi để biết kết cục của cảnh quay đó diễn ra thế nào.

Xé cảnh thường được dùng trong các tình huống cần tạo ra sự bí ẩn, hồi hộp, khi biên kịch muốn tiết lộ những thông tin có trong cảnh quay một cách từ tốn. Xé cảnh cũng được dùng trong các tình huống mang tính lật kèo/plot twist, chẳng hạn như cảnh gài bẫy/mắc bẫy/âm mưu/phản bội… Xé cảnh cũng có thể được dùng để can thiệp vào nội dung phim, làm xáo trộn hoặc chuyển phim từ tuyến tính sang phi tuyến tính. Kỹ thuật này cũng thường được sử dụng trong phim truyền hình, nhất là với những phim có kinh phí cao hoặc có nhiều tuyến truyện phim diễn ra trong cùng một thời điểm.

Dù vậy, cũng như tất cả mọi kỹ thuật kể chuyện khác, bạn không nên lạm dụng kỹ thuật xé cảnh. Để tách một cảnh quay ra thành nhiều cảnh, trước tiên bạn cần phải viết ra được một cảnh hoàn chỉnh trọn vẹn; rồi mới bắt đầu tính xem sẽ tách cảnh đó thành nhiều phần như thế nào, mỗi phần đặt vào vị trí nào trong phim thì hợp lý và mượt mà hơn. Một cảnh quay được đặt sai chỗ, cũng giống như một viên gạch bị lệch ra ngoài bức tường, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mạch phim và tạo cảm giác lấn cấn, khó chịu cho khán giả.

Trong cảnh phim dưới đây, bạn có thể thấy cách mà anh em nhà Nolan thực hành kỹ thuật xé cảnh như thế nào:

3. Cảnh thiết lập / Establishing Scene

Trong nhiều phim nước ngoài, bạn sẽ thấy trước khi đi vào cảnh quay trong nhà, người ta sẽ có một cảnh (scene) hoặc cú máy (shot) quay khung cảnh bên ngoài tòa nhà; chẳng hạn phim bắt đầu với cảnh thành phố đầy sao, xong chuyển vào cảnh trong phòng ngủ, nam chính nữ chính ngồi trên giường sơn móng chân cho nhau. Người ta gọi đó là Cảnh thiết lập (Establishing Scene / Establishing Shot). Mục đích của cảnh này nhằm cho biết bối cảnh nơi truyện phim tiếp theo sắp xảy ra nằm ở đâu. Trong phim cổ trang, bạn sẽ thấy hình ảnh cung điện, tòa thành hiện lên, rồi máy quay chuyển ngay sang cảnh trong hoàng cung. Trong phim sitcom, bạn sẽ thấy cảnh bên ngoài một tòa chung cư, rồi máy quay chuyển sang cảnh trong một căn hộ. Bằng cách này, khán giả có thể biết ngay bối cảnh và thời gian diễn ra cảnh phim là ở đâu mà biên kịch không cần phải giải thích nhiều.

Tuy nhiên, trong nhiều phim Việt Nam hiện nay, cảnh thiết lập thường bị bỏ qua. Một phần sự việc này có lẽ vì vài hãng phim đẻ ra quy định “một cảnh tối đa 2 phút, một tập phim tối đa 25 phân đoạn (scene)”, khiến nhiều biên kịch cố gắng cắt gọt kịch bản cho đúng yêu cầu, sẵn sàng bỏ qua những cảnh thiết lập, hoặc ráp cảnh thiết lập vào cảnh quay chính, dẫn đến vấn đề về tính liền mạch trong đường dây hình ảnh của phim (đường hình). Điều này hoàn toàn không nên, bởi nếu bạn không viết cảnh thiết lập vào kịch bản, trợ lý đạo diễn có thể bỏ qua cảnh đó trong lúc làm kế hoạch quay, kết quả là khi lên bàn dựng, cảnh phim sẽ bị hổng về cả nội dung lẫn hình ảnh. Đến lúc đó, biên kịch sẽ là người bị đổ lên đầu mọi tội lỗi, không phải biên tập.

Một cảnh thiết lập có thể chỉ từ vài giây cho đến gần một phút, nhưng có tác dụng to lớn trong việc kể chuyện, giúp khán giả xác định được không gian và thời gian bộ phim diễn ra. Đừng bỏ qua vài giây này, để rồi phải hối tiếc khi phim phát sóng.

4. Vào muộn ra sớm

Trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là ở nơi công sở và trên bàn nhậu, “vào muộn ra sớm” là thái độ không được chấp nhận. Tuy nhiên, trong nghệ thuật kể chuyện, đó lại là phương pháp tốt để câu chuyện của bạn bớt dông dài, lê thê.

Vấn đề mà nhiều kịch bản phim gặp phải là cố gắng giải thích tất tần tật mọi thứ vì sợ rằng khán giả không hiểu, dẫn đến những cảnh quay dài miên man bất tận. Hoặc có khi biên kịch muốn cảnh phim “đời” hơn nên cố gắng viết ra một cảnh phim với đầy đủ mọi chi tiết cho giống với đời thực. Kết quả là những cảnh phim đó sẽ bị gắt gọt đến thảm thương trên bàn dựng, hoặc tệ hơn, nằm yên vị nơi thùng rác của một cái máy tính nào đó. Phim không phải đời, kể cả phim tài liệu. Khi bạn kể một câu chuyện, nghĩa là bạn cho khán giả thấy một cát cắt cuộc sống thông qua một lăng kính đặc biệt. Lát cắt đó, lăng kính đó thể hiện quan điểm của bạn, thế giới quan của bạn, góc nhìn của bạn về con người, về xã hội, về cuộc đời. Và cũng như khi bạn kể cho mọi người nghe về việc bạn và người yêu cũ của bạn thân mâu thuẫn như thế nào, bạn sẽ không kể trọn vẹn tất cả. Bạn sẽ chỉ kể những thứ mà bạn muốn người khác biết, những thứ có lợi cho bạn. Kịch bản phim cũng vậy. Khán giả không cần biết tất cả mọi thứ, họ chỉ cần biết đủ thông tin là họ đã cảm thấy ổn rồi.

Hãy tưởng tượng thế này: Bạn có một cảnh quay, trong đó hai nhân vật một nam, một nữ cùng ngồi trong nhà hàng dùng bữa. Bạn muốn thể hiện rằng hai người này có hẹn xem mắt, vậy thì bạn không cần phải mở đầu cảnh phim bằng việc chàng trai ngồi bên cửa sổ, cô gái bước vào, hai người cùng ngồi gọi món, cùng uống rượu, nói vài ba câu xã giao trong lúc chờ thức ăn lên, rồi ngồi ăn cho đến hết bữa, rồi mới đi vào nội dung chính. Một bữa ăn thông thường sẽ kéo dài từ 30 phút đến tận vài tiếng, khán giả không rảnh ngồi chờ hai nhân vật xã giao tới 30 phút chẳng để làm gì. Thay vào đó, hãy cắt bỏ tất cả những chi tiết không quan trọng, bỏ phần chờ đợi ban đầu, bỏ luôn phần kết thúc, tính tiền cuối bữa ăn, chỉ cần cho khán giả thấy phần giữa câu chuyện, khi hai người trò chuyện tìm hiểu lẫn nhau, vậy là đủ. Đó là cái khán giả muốn xem. Đừng bắt khán giả xem những thứ làm mất thời gian quý báu của họ. Cũng như đừng cố làm khó bản thân bằng việc cố gắng viết chi tiết mọi thứ khi không thật sự cần thiết. Hãy viết thật ngắn gọn, súc tích, để có thời gian đi hẹn hò nữa.

Hình ảnh trong phim “Cảm Giác Khi Yêu”, kịch bản Yone Đỗ Trân, đạo diễn Yooribae, sản xuất Cóguphim.

5. Tĩnh lược

Cũng giống như “vào muộn ra sớm”, tĩnh lược là phương pháp cắt bỏ bớt những đoạn hội thoại hay hành động dư thừa, không cần thiết, giúp cảnh quay gọn gàng hơn. Điểm khác biệt ở đây là trong khi “vào muộn ra sớm” cắt bỏ phần đầu và kết cảnh quay, thì tĩnh lược sẽ cắt bỏ phần giữa. Phương pháp này thường được sử dụng trong những cảnh hội thoại, những cảnh ăn uống (table scene), hoặc khi một phần nội dung cảnh quay đưa ra thông tin trùng lặp với nội dung của cảnh quay trước đó.

Hãy cùng quay lại với cặp đôi đi xem mắt ở trên. Trong cảnh này, thay vì dùng “vào muộn ra sớm”, bạn có thể dùng phương pháp tĩnh lược, bằng cách mở đầu cảnh với hình ảnh chàng trai ngồi ở nhà hàng chờ đợi, cô gái đến, hai người ngồi vào bàn, sau đó cho thấy hai đĩa thức ăn trên bàn chỉ còn dính chút nước sốt, thể hiện hai người vừa ăn xong, rồi hai người trò chuyện tìm hiểu nhau. Với cách này, bạn vẫn có thể cung cấp cho khán giả đủ thông tin mà không cần phải kể quá nhiều. Tất nhiên, tĩnh lượcvào muộn ra sớm là hai phương pháp khác nhau, bạn có thể tùy chọn sử dụng phương pháp nào trong mỗi cảnh quay, tùy theo bạn muốn cảnh quay đó sẽ diễn ra như thế nào và mang lại cho khán giả cảm xúc gì.

Phương pháp này cũng được dùng để cung cấp thông tin trong những trường hợp cảnh quay quá tốn kém không thực hiện được. Chẳng hạn, trong những phim truyền hình về đề tài chiến tranh, thay vì phải dàn dựng một cảnh công thành hoành tráng, tiêu tốn hàng núi tiền thuê diễn viên quần chúng, may phục trang và thuê công ty thực hiện kỹ xảo; thì biên kịch chỉ cần viết một cảnh thế này: Vị tướng đang ngồi trong lều nhìn sa bàn thì có một tên lính hớt hải chạy vào: “Báo cáo tướng quân, cổng thành vừa bị húc đổ rồi ạ!”. Thế là xong. Bạn vừa tiết kiệm vài tỷ đồng cho nhà sản xuất. Nhà sản xuất sẽ yêu thương bạn, sẽ khen bạn vì đã viết ra những cảnh phim có thể quay được. Còn việc xù tiền nhuận bút thì nhà sản xuất đã quyết định từ trước khi ký hợp đồng rồi, bạn không thay đổi được đâu.

Đúng rồi, khóc to lên!!!

6. Phản đòn / Fight back

Cũng giống như trong một trận thi đấu thể thao, khán giả luôn hồi hộp và chờ đợi những cú lội ngược dòng; cảnh quay cũng vậy. Một bộ phim hay không chỉ có mỗi một plot twist ở cuối phim, mà thực tế là xuyên suốt bộ phim, trong rất nhiều cảnh quay, chúng ta luôn thấy những cú twist. Đó có thể là những hành động gây bất ngờ, hay những câu thoại gây đau lòng cuối cảnh cãi nhau. Những hình ảnh, hành động, lời thoại, tình huống bất ngờ ở cuối cảnh quay sẽ là chất xúc tác, nhiên liệu thúc đẩy truyện phim tiến lên phía trước, hoặc phát triển theo một hướng khác. Đó là lý do nhiều khán giả say mê với 3 mùa phim Penthouse, cuồng nhiệt với 7 mùa phim Game of Thrones, hào hứng với những màn bóc phốt qua lại giữa các celeb… Sự bất ngờ khó dự đoán trước luôn là công thức chung cho sự thành công của mọi câu chuyện tự cổ chí kim; và khi truyện phim của bạn càng dài, càng phức tạp, thì sự bất ngờ lại càng phải nhiều hơn.

Để tạo ra sự bất ngờ trong mỗi cảnh phim, không gì tốt hơn ném nhân vật vào một tình huống mâu thuẫn, một cuộc tranh cãi căng thẳng, hay một trận chiến nảy lửa. Dồn ép nhân vật vào đường cùng, đến mức khiến nhân vật không chịu đựng nổi và phải vùng lên phản kháng; bạn sẽ có một tình huống hay. Lặp đi lặp lại điều này, với mức độ phức tạp, nghiêm trọng tăng dần; bạn sẽ có được một truyện phim đầy kịch tính. Nếu không thích, bạn vẫn có thể kể một câu chuyện nhẹ nhàng, êm dịu, với những mâu thuẫn và kịch tính được thể hiện một cách tinh tế. Nhưng mà, hãy thật cẩn trọng. Nếu truyện phim của bạn không có kịch tính, nó sẽ là một bộ phim nhàm chán. Còn nếu như bạn xử lý tình huống không đủ tinh tế, thì bạn sẽ thành trò hề. Oh well, c’est la vie.

TẠM KẾT

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, vượt lên trên tất cả mọi kỹ thuật, đó là “cảm xúc”. Mỗi cảnh phim phải mang lại cho khán giả những cảm xúc nhất định. Để làm được điều đó, bản thân bạn – người kể chuyện – cần phải có cảm xúc với từng con chữ mà bạn viết ra. Một kịch bản vô cảm, vô hồn, chỉ cần đọc qua vài dòng là cảm nhận được ngay. Vậy nên, nếu muốn kịch bản của bạn trở nên hấp dẫn, thu hút hơn, hãy tập viết thật nhiều, tập kể chuyện thật nhiều; và hãy đọc càng nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, đặc biệt là những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim của các nhà văn Nhật Bản càng tốt. Đừng đọc fanfic, teenfic, truyện chị X hay nghe/xem mấy clip tóm tắt tác phẩm văn học trong 20 phút; nếu không muốn lãng phí thời gian tồn tại ngắn ngủi trên đời. Hãy đọc sách, đó là cách hiệu quả nhất để nâng cao tư duy, trí tưởng tượng và nuôi dưỡng tâm hồn của bạn.

Một tâm hồn đẹp sẽ tạo ra một tác phẩm hay. Luôn luôn như vậy.

©yooribae

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading