[Kịch bản 101] #Ngoại truyện: Thực hành viết một cảnh quay

Trong những buổi cafe trò chuyện cùng các nhà sản xuất, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, bạn bè trong giới làm phim…; vấn đề mà tôi thường nghe họ than phiền thường xuyên là có quá nhiều kịch bản gửi tới được trình bày một cách sơ sài, cẩu thả, thiếu thông tin, thiếu hình ảnh đến mức không thể dựa vào đó để làm phim được. Và câu hỏi mà lần nào tôi cũng nghe là: Tại sao biên kịch lại đối xử với họ như vậy?

Why Me Crying GIF by Team Coco - Find & Share on GIPHY

Vấn đề khiến cho biên kịch và đội ngũ làm phim ngày càng xa cách nhau, bắt nguồn từ việc nhiều người bước vào nghề biên kịch với mớ kiến thức ít ỏi về cấu trúc ba hồi kiểu mở bài – thân bài – kết bài và học cách trình bày dựa vào mấy cái kịch bản mẫu mà không hiểu tại sao người ta phải trình bày như vậy. Những người này, để biện minh cho sự yếu kém về mặt tâm hồn lẫn cảm xúc trong cách hành văn của bản thân, bắt đầu rêu rao khắp nơi rằng họ “Để cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo”, một câu vốn được trích dẫn từ phần “Kinh nghiệm cá nhân” trong sách của một biên kịch có tuổi.

Kết quả là nhiều biên kịch non nớt, được truyền đạt kiến thức bởi những người thậm chí còn không hiểu được quy trình làm phim hiện đại được vận hành như thế nào, bắt đầu viết ra những kịch bản thừa nội tâm và thiếu hình ảnh đến mức trầm trọng. Cũng có nhiều bạn trẻ bước vào nghề viết với niềm mong mỏi được học cách trình bày kịch bản một cách chuẩn xác, hiệu quả; thì lại bị những người đi trước dọa nạt, chỉ trích rằng “đạo diễn không thích thế”, “đừng có lạm quyền”, “trình bày không quan trọng, quan trọng là nội dung”… Những người thở ra được mấy câu đó, thường chẳng bao giờ dám khoe phim mình làm ra.

Vậy nên, trước khi tiếp tục với những bài chia sẻ về kỹ thuật kể chuyện trong kịch bản và làm phim, chúng ta hãy chậm lại một chút, để cùng nhau tìm hiểu về:

CÁCH TRÌNH BÀY MỘT KỊCH BẢN HIỆU QUẢ

Trước hết thì, thế nào là một kịch bản hiệu quả? Nói một cách đơn giản, đó là một kịch bản được trình bày gọn gàng, sạch sẽ, rõ ràng, với những chỉ dẫn về hành động, hình ảnh, âm thanh, lời thoại một cách cụ thể – không cần quá cặn kẽ, cũng không quá sơ sài – vừa đủ để người đọc hình dung được cảnh phim và truyện phim sẽ diễn ra như thế nào. Bên cạnh đó, kịch bản cũng phải truyền tải được đến người đọc về cảm xúc mà cảnh quay sẽ thể hiện. Một kịch bản khô khan không cảm xúc, hay một kịch bản miêu tả nội tâm phức tạp không đi kèm bất kỳ hình ảnh minh họa nào, đều sẽ dẫn đến kết cục bị phân hủy từ từ trong thùng rác.

Nếu bạn chưa biết cách trình bày kịch bản cơ bản, hãy đọc bài viết này:

Bây giờ, chúng ta có một tình huống như sau:

Nam và Trương từng là bạn đồng nghiệp thân thiết, làm cùng một bộ phận ở công ty, cho đến khi Trương nghỉ việc và chuyển sang làm nhà thầu tự do. Một ngày nọ, Trương nhờ Nam tìm giúp chiếc USB mà Trương bỏ quên ở ngăn kéo bàn làm việc cũ trong công ty. Không chút nghi ngờ, Nam tìm và đưa lại chiếc USB cho Trương mà không biết rằng bên trong chiếc USB đó chứa một bí mật quan trọng.

Một biên kịch bình thường sẽ trình bày kịch bản thế này:

Nếu bạn trình bày kiểu này, giáo viên bạn có thể sẽ rất hài lòng, nhưng các nhà làm phim tử tế thì không. Bởi vì kịch bản này thiếu quá nhiều thứ. Mở kịch bản lên và người đọc nhận ra ngay là phần trình bày sai từ dòng đầu tiên:

TIÊU ĐỀ CẢNH

Trong bài trước, tôi đã chia sẻ về cách trình bày một Tiêu đề cảnh. Việc trình bày một Tiêu đề cảnh chính xác giúp ích rất nhiều cho quá trình sản xuất, vậy nên việc trình bày đó đã được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Các thế hệ nhà làm phim hàng đầu trên thế giới không rảnh tới mức tự nghĩ ra cách trình bày để làm khó biên kịch. Mọi quy tắc, nguyên tắc đều có lý do để tồn tại. Bạn cố tình làm trái quy tắc trình bày? Kịch bản của bạn bị loại ngay. Không cần nói nhiều hơn.

Để biết thêm về quy tắc trình bày Tiêu đề cảnh, hãy đọc bài viết sau:

Miêu tả hình ảnh, hành động (Action)

Tiếp theo, chúng ta thấy phần hình ảnh chỉ được miêu tả bằng một dòng sơ sài:

Trương ngồi trong quán cafe, Nam bước tới, trò chuyện.

Câu hỏi mà người đọc sẽ đặt ra là:

  • Trương là ai?
  • Nam là ai?
  • Hai người này bao nhiêu tuổi, mặt mũi thế nào, tính cách ra sao?
  • Quan hệ giữa hai người này là gì?
  • Quán cafe này là quán cafe kiểu nào? Là quán cafe bình dân, quán cho tình nhân, quán cho dân văn phòng, hay quán cafe DJ đèn mờ, cafe take away?
  • Hai người này gặp nhau với thái độ thế nào? Yêu thương, mong nhớ, ghét bỏ, giận dỗi, khó chịu, lạnh lùng, nhờ vả, hay thái độ khác?

Rõ ràng, nếu kịch bản viết ra khiến người đọc phải đặt ra quá nhiều câu hỏi như vậy, thì chắc chắn là phần trình bày kịch bản có vấn đề. Những câu hỏi này hoàn toàn không đề cập đến tình huống sẽ diễn ra hay tương lai truyện phim, mà người đọc đang thắc mắc bởi vì họ không hình dung được bất kỳ hình ảnh nào nếu chỉ dựa vào mỗi một dòng này.

Khi người đọc không hình dung được, họ sẽ tưởng tượng theo ý họ. Dù biên kịch tưởng tượng về một quán cafe kiểu sang chảnh khi viết, nhưng đạo diễn và chủ nhiệm phim có thể sẽ chọn một quán cafe bình dân để quay cho rẻ. Không khí bộ phim có bị ảnh hưởng không? Chắc chắn là có. Rồi sao? Ai bảo biên kịch lúc viết không miêu tả cho tử tế?

Về nguyên tắc trình bày, khi nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, bạn phải VIẾT HOA tên nhân vật, đồng thời phải miêu tả sơ bộ về ngoại hình của nhân vật để khán giả có thể hình dung, tưởng tượng. Bạn không cần phải miêu tả kỹ càng, chi tiết kiểu “Nam cao 1m84, nặng 62kg, số đo 3 vòng 80-70-90cm…”; mấy thứ số đo đó không phải là hình ảnh. Thay vào đó, bạn hãy dùng những tính từ, từ tượng hình để miêu tả nhân vật; chẳng hạn như “Một người đàn ông tầm 30 tuổi, dáng người dong dỏng cao, mái tóc được vuốt keo gọn gàng, chỉn chu, gương mặt góc cạnh, nam tính, mang cặp kính cận gọng kim loại mỏng thanh lịch”.

Có người sẽ bảo rằng “Không cần phải miêu tả ngoại hình nhân vật, vì cái đó có trong hồ sơ nhân vật rồi”. Đúng, mỗi bộ kịch bản đều kèm theo hồ sơ nhân vật. Nhưng không ai vừa đọc kịch bản vừa dò lại xem nhân vật được mô tả trong hồ sơ như thế nào cả. Nhất là khi không ít hồ sơ nhân vật có nội dung thế này:

Nam (30t, nhân viên văn phòng)
Cao, gầy
Một người có tính cách đơn giản nhưng bên trong chứa đựng nhiều suy tính
Thích đọc sách, uống cà phê, ghét bị lừa dối

Miêu tả kiểu đó thì chẳng có đạo diễn, diễn viên nào hình dung được nhân vật trông ra sao hết.

Bên cạnh đó, khi bối cảnh xuất hiện lần đầu trên màn ảnh, bạn cần miêu tả sơ lược về không gian, không khí của bối cảnh. Việc miêu tả này không chỉ giúp người đọc hình dung được bối cảnh trông như thế nào, mà còn giúp người đọc tưởng tượng ra được không khí của cảnh quay, từ đó cảm nhận được cảm xúc mà cảnh quay này sẽ mang lại.

Để người đọc tưởng tượng được không gian, bối cảnh, bạn không cần phải miêu tả chi tiết kiểu “Căn phòng rộng 20m2, dài 5m, rộng 4m, trần cao 3m, lót sàn bằng nhựa giả gỗ, tường sơn màu hồng, trần nhà màu xanh lá, cửa sổ bằng gỗ sơn màu nâu cánh gián…”. Thay vào đó, hãy miêu tả một cách ngắn gọn bằng cách sử dụng từ tượng thanh, từ tượng hình; ví dụ: “Căn phòng trọ chật chội, ọp ẹp”, “Ngôi nhà gỗ cũ kỹ nằm khuất giữa những tán cây nơi góc rừng”, “Phòng khách rộng lớn được trang trí bởi những cây cột thạch cao bắt chước kiến trúc La Mã một cách vụng về, giữa phòng đặt một bộ sofa bằng gỗ gụ, cùng một chiếc bàn trà bằng tre, bên trên bàn là một bộ ấm chén Quảng Châu rẻ tiền”…

Nhiều biên kịch cho rằng việc chọn bối cảnh là chuyện của đạo diễn hay nhà sản xuất. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bối cảnh kiểu gì cũng được. Bối cảnh là đấu trường nơi nội dung cảnh quay diễn ra, có tác dụng tạo ra không khí cho cảnh quay. Cảnh đánh nhau trên sa mạc sẽ khác đánh nhau trong lồng sắt, tỏ tình ở nhà hàng trên cao sẽ khác với tỏ tình giữa sân trường Đại học, ăn tối với món nướng sẽ khác ăn mì gõ lề đường… Biên kịch cần phải đưa ra gợi ý, để đảm bảo rằng bối cảnh phù hợp với nội dung, cảm xúc, tính chất cảnh quay. Là biên kịch, mọi thứ mà bạn viết ra trong kịch bản đều phải là một chỉ dẫn có ý đồ nhất định. Không có chuyện viết “sao cũng được”, “vì thích thế”. Một hình ảnh, lời thoại, chi tiết nào trong kịch bản mà nếu bỏ đi cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung phim; thì hình ảnh, lời thoại, chi tiết đó phải bị loại bỏ khỏi kịch bản trước khi đưa vào sản xuất.

Vậy nên, thay vì chỉ miêu tả bằng một dòng sơ sài, hãy thử miêu tả cụ thể hơn, chẳng hạn thế này:

Trong đoạn kịch bản trên, chúng ta có thể thấy những yếu tố sau:

  • Bối cảnh chính của cảnh quay là một quán cafe nhỏ đông đúc, ồn ào; không phải quán cafe cóc lề đường, không phải quán cafe rộng lớn, vắng vẻ; càng không phải quán trà sữa cho teen. Bối cảnh này phù hợp với nội dung cảnh quay: Hai người bạn tuổi 30 hẹn gặp nhau.
  • Chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ nơi góc quán: Vị trí vừa riêng tư, vừa dễ dàng quan sát được toàn bộ quán. Vị trí được lựa chọn phù hợp với tính cách và ý đồ của Trương trong cảnh quay này.
  • Trang phục của Trương: Áo thun polo trắng, quần âu, đồng hồ kim loại có vẻ đắt tiền: Cho thấy đây là một người làm việc tự do (mặc quần âu nhưng không mặc sơ mi hay áo vest), ngành nghề có thể liên quan đến tài chính (áo thun polo trắng: vừa năng động, thoải mái vừa đủ lịch sự), đồng hồ kim loại có vẻ đắt tiền thể hiện đây là người thành đạt, hoặt đang thể hiện rằng bản thân thành đạt.
  • Ly cafe đen tan gần hết đá: Cho thấy người này đến đây vì lý do khác (chờ đợi, gặp gỡ, theo dõi ai đó) thay vì thưởng thức cafe. Đó là lý do anh ta không đụng đến ly cafe, để ly cafe tan đá mà không thèm chú ý. Cafe đen cũng cho thấy lựa chọn đơn giản (gọi cho có). Thử tưởng tượng đây là một ly cafe sữa hoặc sinh tố dâu, câu chuyện sẽ đi theo hướng khác.
  • Nhân vật Nam: Mặc vest cho thấy nhân vật này là nhân viên văn phòng, công sở, có thể từ vị trí quản lý trở lên (Ngôn ngữ của vest: Càng lên cấp cao càng nhiều lớp áo khoác ngoài). Thái độ mừng rỡ cho thấy anh ta đến gặp Trương trong trạng thái tích cực, cũng như cho thấy nhân vật này có vẻ vô hại (đối lập với thái độ của Trương).

Có bạn sẽ nghĩ “Trang phục thế nào thì liên quan gì?”. Thực tế thì trang phục liên quan cực kỳ mật thiết đến việc thể hiện hình tượng nhân vật, bao gồm cả tính cách, nghề nghiệp, tình hình tài chính… Người giàu sẽ mặc khác người nghèo, người năng động hướng ngoại sẽ mặc khác người hướng nội bị trầm cảm, người già sẽ mặc khác người trẻ, người đang vui vẻ đi hẹn hò sẽ mặc khác người đang đau khổ sau chia tay. Khi miêu tả trang phục, bạn cũng đồng thời miêu tả sơ qua về ngoại hình nhân vật, giúp người đọc hình dung về nhân vật rõ ràng hơn.

“Ủa đây không phải nhiệm vụ của phục trang sao?”. Không, đây là nhiệm vụ của diễn viên, nếu bạn đang viết kịch bản phim truyền hình. Khác với phim điện ảnh, nhiều phim truyền hình Việt Nam bắt diễn viên phải tự chuẩn bị trang phục, còn bộ phận phục trang chỉ có trách nhiệm giữ đồ hoặc mua những bộ đồ nào cần thiết (hiếm khi). Không phải diễn viên nào cũng có mắt thẩm mỹ tốt, cũng như có nhiều diễn viên đi diễn chỉ quan tâm mình có đẹp hay không chứ chẳng quan tâm gì tới hình tượng hay cảm xúc của nhân vật; vậy nên nếu kịch bản không có chỉ dẫn rõ ràng về phong cách trang phục, kiểu tóc, thì diễn viên nhiều khả năng sẽ chuẩn bị trang phục sai với hình tượng nhân vật. Còn nếu bạn đang viết phim ngắn, quảng cáo, MV, phim điện ảnh, webdrama… thì cũng hãy miêu tả trang phục của nhân vật, để không chỉ tổ phục trang mà bất kỳ ai đọc kịch bản cũng có thể hình dung được phong cách nhân vật thế nào. Đừng nghĩ rằng nếu không biết người ta sẽ hỏi. Không ai rảnh để hỏi biên kịch muốn gì đâu.

Việc miêu tả trang phục cũng không có gì quá phức tạp, bạn chỉ cần miêu tả sơ lược về phong cách trang phục của nhân vật là đủ. Thời trang, về cơ bản, vẫn luôn có một vài hình mẫu nhất định; cũng như con người luôn có định kiến nhất định với các kiểu trang phục khác nhau. Hãy vận dụng kiến thức xã hội mà bạn có, hoặc tìm kiếm trên Google, hoặc nhắn hỏi những người mà bạn thấy họ có am hiểu về phong cách để nhờ họ giúp đỡ. Kiến thức cơ bản về thời trang không chỉ giúp bạn miêu tả nhân vật tốt hơn, mà còn giúp bạn cải thiện lại gu ăn mặc của bản thân. Bạn là người làm nghệ thuật, hãy chấp nhận việc người ta sẽ nhìn vào nước sơn trước khi tìm hiểu về chất liệu gỗ.

Để tìm hiểu thêm về cách miêu tả hình ảnh trong kịch bản, hãy đọc bài viết này:

Đối thoại

Nhiều biên kịch thường viết kịch bản kiểu một dòng miêu tả đầu cảnh rồi sau đó là chuỗi đối thoại liên tu bất tận. Nhìn vào kịch bản phim truyền hình Hàn Quốc, bạn sẽ thấy biên kịch Hàn Quốc thường viết như vậy. Nhưng nếu bạn đọc được tiếng Hàn, hoặc tìm được bản tiếng Anh, hoặc tiếng Việt, của những kịch bản đó; bạn sẽ thấy rằng những đoạn hội thoại đó luôn đi kèm với những chỉ dẫn về biểu cảm, hành động trong lúc thoại. Lời thoại trong phim Hàn cũng giàu cảm xúc, đủ để người đọc có thể mường tượng ra được cảm xúc khi thoại sẽ như thế nào. Lời thoại trong kịch bản của bạn có làm được như vậy chưa? Nếu chưa, hãy nỗ lực nhiều hơn nữa.

Khi viết thoại, biên kịch cần lưu ý những điều sau:

  • Thoại là ngôn ngữ nói, không phải ngôn ngữ viết.
  • Lời thoại phải thể hiện được thái độ, cảm xúc của nhân vật khi thoại.
  • Lời thoại phải cung cấp thông tin mà hình ảnh không cung cấp được.
  • Cái nào có thể thể hiện bằng hình ảnh, thì đừng dùng thoại.
  • Lời thoại phải thúc đẩy truyện phim tiến lên.

Một quy tắc khi viết thoại mà biên kịch cần nhớ, đó là: Luôn thêm chỉ dẫn về hành động, cảm xúc vào giữa những đoạn đối thoại vào thời điểm thích hợp. Chẳng hạn, trong cảnh này, chúng ta có thể trình bày như sau:

Như bạn có thể thấy, trong đoạn hội thoại này, câu thoại của Nam: “Chắc cú, yên tâm” đã được thay bằng hình ảnh “Nam gật đầu tự tin”. Sự thay đổi này không làm ảnh hưởng tới nội dung đối thoại, mà còn có tác dụng làm phần đối thoại gọn gàng hơn.

Một điểm nữa biên kịch cần lưu ý, đó là đừng viết thoại sơ sài với suy nghĩ “để cho diễn viên sáng tạo”. Hãy nhớ rằng, kịch bản phim khác với kịch bản sân khấu. Một vở kịch có thể được diễn đi diễn lại nhiều lần, mỗi lần diễn viên có thể ứng biến, sáng tạo thêm vài câu thoại lệch đi so với kịch bản. Nhưng phim là sản phẩm độc bản, chỉ có một tác phẩm duy nhất được làm ra để trình chiếu, vậy nên việc thêm bớt dù chỉ một câu thoại nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung phim.

Nên viết thoại thế nào cho đúng, cho hay? Hãy tham khảo bài viết dưới đây:

mỗi cú máy một dòng

Nếu bạn để ý thì sẽ thấy rằng trong phần miêu tả hình ảnh ở trên, mỗi câu đều xuống dòng. Người không biết sẽ bảo rằng đó là ăn gian số trang; nhưng chính xác thì đó là cách mà bạn phải trình bày khi miêu tả trong kịch bản. Một quy tắc nữa mà ít biên kịch ở Việt Nam được dạy, đó là: Mỗi cú máy (shot) phải xuống dòng. Cú máy ở đây là gì? Đó là mỗi hình ảnh xuất hiện trong cảnh quay. Chẳng hạn, trong cảnh quay trên, cú máy đầu tiên miêu tả khung cảnh quán cafe, cú máy thứ hai giới thiệu nhân vật Trương, cú máy thứ ba đặc tả ly cafe, cú máy thứ tư quay cảnh nhân vật Nam bước vào cảnh, cú máy thứ năm quay cảnh nhân vật Nam đến gần nhân vật Trương. Nhiều cú máy với cỡ cảnh khác nhau, nội dung khác nhau, kết hợp lại thành một nội dung xuyên suốt, trở thành một cảnh quay.

Vậy tại sao phải xuống dòng?

Mỗi trang kịch bản được quy định/ước tính tương đương 1 phút phim, chỉ có khoảng 30 dòng; tức là mỗi dòng tương ứng với khoảng 2 giây phim. 2 giây trôi qua rất nhanh. Nếu bạn viết gom nhiều nội dung lại thành một cụm, mà cụm đó hóa ra lại gồm nhiều cú máy, thì kết quả là kịch bản của bạn sẽ bị lệch thời lượng rất nhiều so với thực tế. Bên cạnh đó, việc trình bày như vậy cũng giúp kịch bản dễ nhìn hơn.

Còn nếu bạn không rõ cú máy của bạn sẽ kéo dài bao lâu, thì có một mẹo nhỏ mà thầy giáo dạy làm phim người Pháp đã chia sẻ với tôi: “Hết câu xuống dòng”.

TẠM KẾT

Kịch bản bạn viết ra không chỉ dành cho mỗi nhà sản xuất, đạo diễn với diễn viên đọc chơi cho vui. Bộ phận thiết kế mỹ thuật đọc kịch bản để hình dung được họ phải chuẩn bị thiết kế, trang trí bối cảnh, đạo cụ như thế nào. Tổ phục trang và hóa trang đọc kịch bản để biết họ cần chuẩn bị trang phục ra sao để diễn viên thể hiện được nhân vật; hoặc nếu trong phim nhân vật bị thương ở cảnh 8 thì đến cảnh mấy thì sẽ lành, bao nhiêu lần vết thương xuất hiện trong khung hình, cảnh nào nhân vật vui, cảnh nào nhân vật buồn, để hóa trang cho phù hợp. Thư ký trường quay đọc kịch bản để tính raccord (khớp cảnh) về đạo cụ, lời thoại, tình tiết phim. Kỹ sư âm thanh đọc kịch bản để biết phải thiết kế âm thanh, thu âm, tạo hiệu ứng như thế nào cho sống động. Nhạc sĩ phải đọc kịch bản để có cảm xúc viết nhạc trước khi phim bắt đầu hậu kỳ. Đội kỹ xảo VFX đọc kịch bản để biết cảnh nào cần dùng kỹ xảo, để tính toán phương án cùng tổ quay phim sẽ quay như thế nào trên hiện trường để khi hậu kỳ có thể sử dụng được. Tổ quay phim phải đọc kịch bản để biết cảnh phim đó cần ánh sáng thế nào, bao nhiêu đèn và thiết bị quay cần phải mang theo… Gần như mọi bộ phận trong đoàn phim đều phải dựa vào kịch bản để làm việc. Còn đạo diễn? Với tình trạng một số đạo diễn có sở thích thay đổi mọi thứ trước giờ quay, ngay lúc các bộ phận vừa chuẩn bị xong – gây thiệt hại kinh tế và thời gian của đoàn phim – chỉ để tỏ ra “sáng tạo” như hiện nay; thì kịch bản viết cụ thể, chi tiết là kim chỉ nam, là cái roi da giúp nhà sản xuất và đội ngũ làm phim có thể chấn chỉnh lại đạo diễn làm việc cho tử tế.

Còn bạn, người biên kịch muốn viết ra những kịch bản phim tử tế, xin đừng trông chờ, dựa dẫm vào việc sẽ có đạo diễn hay diễn viên nào đó sáng tạo thay bạn. Viết kịch bản là công việc của bạn, bạn có nghĩa vụ và trách nhiệm viết kịch bản sao cho thật chỉn chu, rõ ràng, chi tiết. Có như vậy, bạn mới có đủ tư cách để đòi hỏi sự tôn trọng từ các bộ phận khác trong đoàn làm phim, cũng như sự tôn trọng từ phía khán giả.

©yooribae


BONUS: KỊCH BẢN HOÀN CHỈNH

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading