Một người bạn vừa nói với tôi rằng, nếu nhà văn Nam Cao mà sống dậy và nhìn thấy những kẻ làm nghệ thuật bây giờ, hẳn ông sẽ đau khổ lắm.
“Sinh thời, nhà văn Nam Cao từng nói một câu có đại ý rằng nghệ thuật là tiếng kêu cho những kiếp người lầm than đau khổ. Thế mà giờ những “nghệ sĩ” làm “nghệ thuật” lại coi nó là một cái gì đó “sang chảnh” và méo ai hiểu càng tốt. Vì thế nó mới cao cấp. Dân ngu coi phải méo hiểu gì, đó mới là nghệ thuật.”
Bạn nói với tôi như vậy.
Tối nay, một phim mượn danh nghệ thuật bị Cục Điện Ảnh rút giấy phép (cấm chiếu). Chính xác là, ekip sản xuất phim này chủ động gửi đơn đề nghị Cục Điện Ảnh cho phép phim dừng chiếu, và Cục Điện Ảnh đồng ý. Tức là không có chuyện Cục Điện Ảnh chủ động cấm chiếu bộ phim mà họ đã cho phép phát hành. Nhưng chắc chẳng ai quan tâm đâu. Mọi người đều mặc định sẵn mọi tội lỗi đều do Cục Điện Ảnh rồi. Tôi nghĩ nếu bạn dành chút thời gian lên mấy trang tin điện tử xem thử thì chắc sẽ biết tôi đang nhắc đến phim nào.
Tạm bỏ qua vấn đề “nghệ thuật hay không nghệ thuật” đi, vì phim mới chiếu có vài ngày mà ekip sản xuất đã tự mình xuất bản loạt bài phân tích tính nghệ thuật trong phim thì hoặc là hôm học môn Quản lý truyền thông có đứa cúp học hoặc là quá coi thường cho rằng khán giả quá ngu không hiểu nên phải giải thích trước. Phương án nào cũng tệ như nhau.
Quay lại chủ đề hôm nay. Đây không phải phim đầu tiên bị cấm chiếu. Tuy nhiên, khác với mấy phim kinh dị hay hành động trước đây, phim này nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì phim này có “trẻ em đóng cảnh nóng” và cái mác “phim nghệ thuật”. Từ giờ đến giữa tuần, chúng ta có thể thấy những chuyện sau:
– Đạo diễn đóng vai nạn nhân, cho rằng mình bị đối xử bất công. Nhưng, chắc chắn nhiều người sẽ không để ý, rằng nhà sản xuất của phim đã đề nghị Cục Điện Ảnh cho ngưng chiếu phim trước, chứ không phải Cục Điện Ảnh chủ động cấm chiếu.
– Các nhà làm phim “nghệ thuật”, các “nghệ sĩ” gồm biên kịch, đạo diễn, diễn viên, vân vân và mây mây… liên tục đăng đàn ủng hộ đạo diễn phim đó, chê trách luật pháp cứng nhắc, đổ lỗi cho nhà nước kéo nền điện ảnh nước nhà đi xuống (hãy kiểm tra profile, xem thử trong số mấy người chửi bới đó có ai chưa từng làm phim ngôn tình hay hài nhảm).
– Vài “nhà báo” tự do (vì chẳng báo nào dám nhận) đăng bài lên mấy trang thông tin kiểu blog, chửi rủa “se sẻ sao hiểu được thiên nga”, và tuyên bố ủng hộ cho trẻ em đóng cảnh nóng bởi điều đó không vi phạm chuẩn mực đạo đức của cá nhân họ (dù luật sư bảo là vi phạm pháp luật).
– Các trang tin điện tử (cũng là báo chí, đừng đứa nào nói nó không phải báo tao đấm nát hàm) cũng sẽ rầm rộ đăng bài, chủ yếu chia làm hai phe: Phe khóc mướn cho đạo diễn và phe so sánh với những bộ phim khiêu dâm quay đẹp của thế giới. Chẳng ai quan tâm rằng đứa trẻ mười ba tuổi (ở thời điểm đóng phim) có già dặn trưởng thành đến đâu trong suy nghĩ thì tâm sinh lý nó vẫn chưa đủ phát triển (khoa học đã chứng minh) và Luật Bảo Vệ Trẻ Em cần được khuyến khích thực thi chứ không phải chống đối.
Đừng ai nói “phim đó nghệ thuật nên…”, “nghệ thuật là phải…”, “cấm hết phim nghệ thuật thì chỉ còn hài nhảm…” bla bla bla… Làm ơn, đừng cố gắng phân chia “phim nghệ thuật” và “phim thương mại”. Phim nghệ thuật là gì? Đứa nào trả lời được? Và từ khi đéo nào cứ phim nghệ thuật là phải có cảnh nóng? Và cảnh nóng càng trần trụi càng nhạy cảm càng kỳ lạ càng tốt??? “Shoplifter” mới đoạt Cành cọ vàng năm ngoái có cảnh nóng không? Trong những phim đoạt giải “Tinh thần độc lập” của Liên hoan phim Sundance, cái liên hoan đéo có thằng làm phim độc lập nào ở VN dám nhắc tới ấy, có bao nhiêu phim tràn ngập cảnh quan hệ tình dục truỵ lạc kỳ lạ?
Muốn bênh thì bênh cho đúng. Bênh một bộ phim có vấn đề về đạo đức và pháp luật trong quá trình sản xuất bằng cách đỗ lỗi cho khán giả “ngu, không hiểu nghệ thuật, chim sẻ không hiểu phượng hoàng”, biện minh rằng con bé mười ba tuổi đủ tư duy nhận thức để tự quyết định, rằng nghệ thuật là phải thế, rằng vì đạo diễn là nữ, vì phim có nét giống phim Trần Anh Hùng, vì phụ nữ thế kỷ 19 tuổi đó đã đẻ rồi, vì phương Tây làm được nên mình cũng phải làm cho giống nó… Nghe có tí đạo đức con người và luận điểm hợp lý nào không?
Vì phụ nữ thế kỷ 19 đẻ con lúc mười ba tuổi nên năm nay 2019 thuộc thế kỷ 21 trẻ em mười ba tuổi cũng có thể đóng cảnh nóng? Chỉ mới tháng trước thôi, một ông già Đảng viên về hưu quấy rối bé gái trong thang máy thì bị lên án, còn nay một đạo diễn nữ cho bé gái mười ba tuổi đóng cảnh nóng thậm chí khoe ngực trần trên phim (?!) lại được ủng hộ vì nó du học Mỹ và bố nó giàu???
Và tệ hơn, rất nhiều người (cả người làm phim, celeb, nhà báo…) bảo vệ cho hành vi đó lại là phụ nữ???
Nhiều người biện minh rằng, cảnh nóng có người đóng thế. Ủa, vậy sao báo chí ghi rằng con bé thừa nhận tự đóng mấy cảnh đó?
“Vì phương Tây cũng làm thế”. Phương Tây nó mang ma tuý vào đất nước này, nó chặt đầu đàn ông đất nước này, nó hiếp dâm tập thể đến chết phụ nữ đất nước này, nó truyền bá lối sống bạo lực và đồi truỵ cho những đứa trẻ đất nước này, vậy có nên bắt chước những hành vi đó hay không? Từ khi nào phương Tây làm gì cũng đúng, phương Tây làm gì cũng hay vậy?
Phim ảnh trở nên quan trọng với văn hoá của một quốc gia, bởi nó ảnh hưởng lớn tới trình độ nhận thức và sự phát triển đạo đức của người dân quốc gia đó. Từ khi nào những người vốn dĩ phải có trách nhiệm định hướng và nâng cao dân trí thông qua làm phim lại trở nên thấp kém về tư duy và nhận thức hơn cả những người khán giả mà họ thường mỉa mai là “bình dân học vụ” như vậy?
Có người hỏi tôi rằng, sao nhiều người cứ thích làm ra những phim để bị cấm chiếu? Mấy phim như vậy nghệ thuật cỡ nào? Thật khó để trả lời. Bởi bản thân tôi cũng có những câu chuyện mà tôi biết rằng nếu tôi muốn làm nó thành phim mà không bỏ đi vài cảnh thì nhiều khả năng nó sẽ bị cấm chiếu. Đó là lằn ranh mà mỗi người làm phim phải tự quyết định. Có những lằn ranh về pháp luật. Có những lằn ranh về đạo đức. Có những lằn ranh về cả hai. Bạn sẽ phải lựa chọn: tìm cách giữ nguyên câu chuyện mà không phải bước qua lằn ranh, hay chấp nhận bước qua và đón nhận mọi sự trừng phạt.
Điều buồn cười là, những kẻ sẵn sàng vượt qua khỏi mọi lằn ranh, lại luôn tỏ ra mình là người bị hại.
Đến cuối cùng, con người ta theo đuổi nghệ thuật, thực sự vì điều gì?
©yooribae