[Kịch bản 101] #10: Gấu trên bãi biển

Sài Gòn dạo này sáng nắng chiều mưa theo đúng nghĩa đen, mà dù nắng dù mưa thì Sài Gòn vẫn nóng bỏ mợ. Vậy nên khi chuẩn bị cho bài viết tiếp theo của Kịch Bản 101, tôi muốn chọn một chủ đề nào đó mát mẻ một chút. Chủ đề của bài viết hôm nay chính là:

GẤU TRÊN BÃI BIỂN

Đây chính xác là tên của một loại kỹ thuật kể chuyện. Nghe có vẻ lạ, đúng không? Khá nhiều bạn biên kịch tôi từng hỏi không biết đến kỹ thuật này. Nhiều người còn tưởng tôi bịa ra. Nhưng không, đây là một kỹ thuật đã được đưa vào sách giáo khoa kịch bản Mỹ.

Vậy kỹ thuật này cụ thể là như thế nào?

Trên bãi biển, một cặp trai gái đang ngồi tâm sự. Xa xa sau lưng họ, bên lùm cây, một con gấu to lớn đang từ từ tiến về phía họ. Đó là ví dụ cơ bản nhất của Gấu Trên Bãi Biển.

Gấu Trên Bãi Biển là một kỹ thuật kể chuyện nhằm tạo ra sự hồi hộp, gay cấn cho phim, tương tự như chốt cài. Tuy nhiên, trong khi chốt cài mang tính cơ học, Gấu Trên Bãi Biển không đặt ra bất kỳ giới hạn thời gian nào cả. Giống như chốt cài, Gấu Trên Bãi Biển thông báo cho khán giả biết trước một bí mật, mà nhân vật chính trong phim không hề hay biết. Đây là một kỹ thuật rất thú vị để làm phức tạp hóa câu chuyện và duy trì tính hồi hộp, nhất là khi bạn cho khán giả thâm nhập vào một bí mật, khiến khán giả cảm thấy như mình biết trước mọi thứ, gợi cho khán giả đưa ra dự đoán những diễn biến tiếp theo, thu hút sự chú ý và tò mò của khán giả đối với câu chuyện đang được kể.

deathscenes12292012

Ở Pháp, người ta gọi kỹ thuật này là Súng Lục Trong Ngăn Kéo. Khi khán giả nhìn thấy một khẩu súng lục nằm trong ngăn kéo, họ sẽ lập tức chờ đợi một cái gì đó, vào một lúc nào đó, có điều gì đó sẽ xảy ra.

Ví dụ, bạn cho khán giả thấy một cô gái đang đi về nhà, và trong nhà cô ta, một kẻ bí ẩn nào đó đang lục tung mọi thứ với một con dao cầm trên tay. Sau đó thì bạn có thể kéo dài cảnh này ra bao nhiêu tùy thích, vì khán giả biết trước là đến một lúc nào đó, cô gái sẽ gặp phải kẻ bí ẩn này.

Những phim truyền hình Hàn Quốc sử dụng kỹ thuật này khá là nhiều. Đầu phim, họ cho thấy nhân vật chính là một bà nội trợ yếu đuối, sau đó họ cho bạn thấy anh chồng cô này đang đi hẹn hò cùng bồ nhí, và bạn biết chắc cô vợ sẽ phát hiện ra và họ sẽ ly dị nhau. Cũng như khi nhân vật ho ra máu và bạn biết là nhân vật này sẽ bị ung thư và chết vậy. Thế nhưng, điều đó không hề ngăn cản bạn (hay mẹ của bạn) chăm chú theo dõi bộ phim mỗi ngày không sót tập nào, vì khán giả đều là con người, mà con người thì luôn tò mò.

Gấu Trên Bãi Biển là kỹ thuật tạo ra sự tò mò cho khán giả.

Đạo diễn bậc thầy Hitchcook từng đưa ra một ví dụ, so sánh giữa sự sửng sốt và hồi hộp. Hitchcook tóm tắt thế này: “Khi một quả bom nổ, bạn giật cả mình” – Đó, là hiệu quả sửng sốt. Nhưng bạn bắt đầu bằng việc cho thấy cái bộ máy ghê rợn đó được giấu trong một cái ghế dài, trong quán rượu chật ních người, và bạn có đầy đủ thời gian để cho thấy xảy ra liên tiếp đủ thứ chuyện: Khán giả vẫn KHÔNG HỀ quên là có một quả bom đang nằm trong quán rượu, và bạn đã tạo ra được sự hồi hộp. Sự hồi hộp đó sẽ càng năng cao nếu như khán giả được báo trước cái giờ mà quả bom sẽ nổ. Từ đó, sự căng thẳng sẽ càng lúc càng tăng, khi mà thời gian quả bom phát nổ đang dần đến gần.

Khán giả có thể sửng sốt, nhưng họ sẽ không cảm thấy gì khác, nếu như họ không được chuẩn bị. Trước hết, bạn phải cho khán giả biết ai là nạn nhân. Và bạn có đủ thời gian, vì quả bom đã nhận nhiệm vụ duy trì cái sự hồi hộp này rồi.

hitchcock-truffaut-table

Tuy vậy, Gấu Trên Bãi Biển không chỉ có những căng thẳng xuất phát từ hành động bên ngoài đối với nhân vật, mà còn có thể được áp dụng theo một cách ít có bề nổi hơn vậy.

Trong một bộ phim tâm lý, bạn có thể cho thấy có cái gì đó đang diễn ra không được mượt mà lắm giữa nhân vật này với nhân vật khác; có thể là một cử chỉ lạ lùng, một vài ứng xử nào đó trong những trường hợp đặc biệt, một cái gì đó mà nhân vật không để ý, nhưng mà khán giả (vốn rất thông minh) lại nhận thấy được. Và khán giả sẽ chờ đợi, từ giây phút đó, cái khoảnh khắc mà sự bùng nổ tâm lý sẽ diễn ra.

Nếu như bạn kể về một cô gái vừa lấy chồng, sống hạnh phúc, đắm say, bận rộn ủi sơmi cho chàng, bận rộn nấu ăn cho chàng, đến ngày kỷ niệm lại nhận được hoa… thì yên tâm là khán giả sẽ chuyển kênh và không bao giờ nhìn tới bộ phim của bạn nữa. Nhưng nếu bạn nói với khán giả rằng, cô vợ lý tưởng này đang bị ung thư gia đoạn cuối, hay anh chồng cô này đang ngoại tình, thì mọi chuyện sẽ khác.

Tới đây có thể bạn sẽ cười khẩy, cho rằng cái trò này thật rẻ tiền, nhưng nó đã làm nên thành công của phim điện ảnh “Love Story” (Mỹ) và hơn 1000 bộ phim truyền hình Hàn, Trung, Nhật, Việt, Thái Lan, Ấn Độ khác rồi đấy (ai không tin cứ thử tự kiếm tự đếm xem). Trong những phim này, khán giả đã biết được bí mật ngay từ đầu phim; và chính điều đó (và duy nhất điều đó) đã làm cho bộ phim hấp dẫn.

Bạn có thể quyết định ngay từ đầu rằng mọi thứ xảy ra trong bộ phim của bạn có thể là dựa trên hiệu quả bất ngờ, rằng khán giả sẽ méo biết cái mèo gì hết và họ chỉ phát hiện ra mọi thứ cùng lúc với các nhân vật chính trong phim. Nhưng có thể, nếu sự chọn lựa ấy là thiên vị, mà bạn đã viết tới 9/10 kịch bản rồi, và giờ bạn bị kẹt cứng ngắc tại đó, cảm thấy bế tắc, không biết phải làm sao để đẩy câu chuyện lên. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng là bạn phải quay lại từ đầu, và phải đưa ra một quyết định khác. Dù sao đi nữa, bạn vẫn được tự do lựa chọn, toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ bạn sẽ làm điều đó như thế nào. Điều duy nhất KHÔNG NÊN LÀM, là ngồi trước cái bàn phím và chờ cho cái cảm hứng nó đến. Thường là nó méo chịu đến liền đâu. Tuy nhiên, nếu bạn nắm lấy sự việc, và thực hành mấy cái kỹ thuật mà tôi nhắc đến bữa giờ, thì nhiều khả năng là Nữ thần Nghệ thuật sẽ ủng hộ bạn.

Có một cuốn sách nổi tiếng tên là “Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải”. Trong cuốn sách đã được dựng thành phim này, hai nhân vật sống gần nhau, nhưng luôn luôn đi khác hướng nhau. Ngay lập tức, khán giả sẽ biết rằng, hai người đó rồi sẽ gặp nhau. Nhưng cái khán giả tò mò, là họ không biết hai người đó sẽ gặp nhau KHI NÀO, gặp nhau RA LÀM SAO. Muốn biết được điều đó, họ phải mua truyện, họ phải ngồi xem phim đến phút cuối cùng.

05

Tuy nhiên, có một điều này tôi phải nhắc nhở bạn.

Khi bạn đọc đến những dòng này, có thể bạn sẽ nghĩ “mấy phim Việt Nam tui coi cũng hay đưa hết mọi bí mật ra trước, mà sao nó vẫn dở?”. Xin đính chính rằng, không phải nó dở vì nó là phim Việt Nam, mà cũng không phải lỗi do kỹ thuật, mà là do mấy thằng cha con mẹ viết ra ba cái kịch bản phim đó lạm dụng kỹ thuật một cách quá đà thôi.

Tôi vẫn luôn nói rằng, kể chuyện cũng giống như nấu ăn, mà kỹ thuật giống như là gia vị. Món ăn sẽ chỉ ngon, khi bạn pha trộn những nguyên liệu phù hợp với nhau, và nêm nếm VỪA PHẢI. Bạn đổ nửa 2 ký muối vào nồi canh nửa lít, vắt vào đó thêm nửa lít chanh, xong bạn kêu lên rằng sao canh vừa chua vừa mặn (???). Rất nhiều phim truyền hình Việt Nam gặp phải vấn đề này. Không có bí mật gì cả. Mọi thứ đều được phơi bày từ những giây đầu tiên. À, “những giây đầu tiên” không chỉ trên kịch bản đâu, mà còn ở ngay từ trailer và phần intro credit đầu phim nữa. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mấy ông đạo diễn và dựng phim có thể làm ra những đoạn trailer và intro credit mà trong đó tóm tắt đầy đủ nội dung từ tập đầu đến tập cuối phim như vậy. Tôi không nghĩ họ ngu. Họ còn hơn cả bị ngu nữa.

Một câu chuyện hay cũng như một củ hành tây vậy. Bạn bóc ra cho khán giả xem từng lớp, từng lớp một. Bạn hé lộ cho khán giả từng chút, từng chút một. Bạn phải giữ cho họ luôn tò mò, luôn hồi hộp. Cũng giống như khi bạn bắt đầu yêu vậy. Đầu tiên, bạn chú ý đến người đó. Tiếp theo, bạn tò mò về người đó. Rồi bạn khao khát muốn tìm hiểu về người đó. Trước khi bạn nhận ra, bạn đã yêu người đó rồi.

Gấu Trên Bãi Biển là một kỹ thuật được sử dụng để tạo ra sự căng thẳng, hồi hộp, tò mò cho khán giả, kích thích khán giả dự đoán, khiến cho khán giả phải tập trung, chờ đợi để theo dõi bộ phim không sót một giây phút nào.

 

Để tăng thêm tính hồi hộp, Điện ảnh có những kỹ thuật cực kỳ hiệu nghiệm, như Cận cảnh (Close-up) chẳng hạn. Một con mắt sau khe cửa, một bàn tay trên điện thoại, một bàn chân sau cột điện… Khán giả rất là mê mấy thứ kiểu đó.

Các cảnh close-up là một yếu tố điện ảnh rất quan trọng. Bạn bắt đầu bằng cảnh phố xá đầy người, sau đó là một cú close-up, cho thấy ai đó đang cầm súng ngắn, ít trên nóc một tòa nhà cao tầng, rồi một cú close-up vào giữa đám đông, một ai đó đang bước đi len lỏi giữa dòng người. Bắt đầu cho sự hồi hộp.

Có bạn sẽ nghĩ rằng: Phải chăng chúng ta đang điều khiển khán giả? Ờ đó, rồi sao? Đó là nghề của chúng ta. Vì điều đó mà người ta ra rạp coi phim. Khán giả ra rạp là để cho chúng ta điều khiển, cho chúng ta lôi kéo, nhào nặn tình cảm, cảm xúc của họ. Họ đến để được cười, để được khóc (và để cho thiên hạ, trong một lúc, không nghĩ là họ ngốc nghếch như ai đó tưởng).

Nếu như bạn có ý kiến khác, nếu bạn làm đủ mọi cách để có thể đứng trung lập, bạn muốn không tác động đến công chúng, tôi đảm bảo là bạn sẽ có những khoảng thời gian khó khăn đấy. Bởi mục đích chính của cái nghề viết lách của bạn, là dẫn dắt khán giả, là dắt mũi ấy, tới đúng cái chỗ mà bạn quyết tâm dẫn họ tới. Chẳng có gì phải xấu hổ cả. Nếu một biên kịch mà cảm thấy xấu hổ vì dẫn dắt khán giả đi dạo chơi, thì phần lớn khả năng là người đó không có năng lực.

©yooribae

5 Replies to “[Kịch bản 101] #10: Gấu trên bãi biển”

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^ “Kịch bản 101” mùa 2 sẽ lên sóng từ tháng 3. Bạn hãy follow blog để cập nhật bài viết nhanh nhất nhé. Thank bạn ^_^

  1. Em không hiểu tại sao có người viết kịch bản mà lại có suy nghĩ là mình không nên dẫn dắt khán giả, nó như là điều hiển nhiên rồi ấy :)))

    1. Vẫn có những người mang tư tưởng như vậy, chỉ là em chưa gặp thôi =)) Mỗi người đều có những quan điểm riêng về cách kể chuyện, cơ mà không phải quan điểm nào cũng có lý ^_^

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *