Chúng ta sẽ bắt đầu bài viết này bằng một câu hỏi: Làm thế nào để thúc đẩy câu chuyện kể tiến lên, làm thế nào cho tình tiết phát triển, làm thế nào để làm chủ THỜI GIAN ?
THỜI GIAN TRONG PHIM
Trừ một vài trường hợp rất hiếm và đặc biệt trong lịch sử điện ảnh, việc chuyển thời gian vào bên trong cấu trúc phim không tương ứng với thời gian thực. Thời gian trong phim là giả. Nó tương ứng với thời gian mà các nhân vật chuyển từ cảnh này sang cảnh khác, cho dù đó là 2 giây hay 10.000 năm.
Trước đây rất lâu rồi, để biểu thị thời gian trôi qua, người ta thường phải nhờ đến kim đồng hồ, tờ lịch bay bay, gió, mưa, bão tuyết… giờ thì không cần thiết phải làm như thế nữa.
Trong những bộ phim gần đây mà bạn đã từng xem, bạn có thể nhận thấy nhiều phim trong số đó không đi theo một trình tự thời gian cụ thể. Có những phim bắt đầu ở hiện tại rồi quay ngược về quá khứ. Có những phim bắt đầu từ cảnh tương lai rồi quay lại hiện tại. Có những phim mà trong đó mốc thời gian lộn xộn giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Tuy nhiên, bạn không cảm thấy khó chịu vì điều đó, mà còn thấy tò mò, thú vị, hấp dẫn hơn (trừ khi phim đó quá tệ). Những bộ phim này, để tạo ra sự thay đổi về thời gian không theo tuyến tính như vậy, thì biên kịch đã sử dụng đến 2 kỹ thuật: Hồi tưởng (Flash Back – FB) và Viễn tưởng (Flash Forward – FF).
HỒI TƯỞNG / FLASH BACK
Hồi tưởng, nghĩa là nhớ lại quá khứ. Trong phim, bạn có thể thấy đôi khi nhân vật nhớ lại một cảnh đã xảy ra trong quá khứ. Tình tiết này giúp làm rõ nét tình cảm, thái độ của nhân vật, hoặc đưa ra tình tiết mới chưa được nhắc đến trước đó.
Về nguyên tắc, bạn không thể dừng dòng chảy của bộ phim chỉ để giải thích một điều gì đó. Bởi khi nhân vật bắt đầu giải thích và kể lể này nọ, thì khán giả sẽ thoát ra khỏi bộ phim ngay.
Tuy vậy, có đôi khi trong quá trình phát triển tình tiết, biên kịch muốn khán giả biết được tình cảm, suy nghĩ của nhân vật mà không muốn sử dụng lời thoại, thì một cảnh FB là phương pháp hữu hiệu.
Trong những phim tình cảm, để thể hiện nhân vật nữ nhớ nhân vật nam, biên kịch chỉ cần cho xuất hiện một cảnh cô này đang ngồi suy nghĩ, rồi FB: gương mặt chàng trai, rồi quay lại cảnh cô gái ngồi suy nghĩ, thế là khán giả đủ hiểu là “À, cô này nhớ anh này”. KHÔNG CẦN THOẠI. Tôi phải nhấn mạnh điều này vì trong khá nhiều phim truyền hình VN khi tới cảnh này biên kịch sẽ cho nhân vật thêm một đống độc thoại nội tâm (hoặc thành lời) kiểu “Ôi mình nhớ anh ấy quá…”. Có thể biên kịch nghĩ là cần phải giải thích cho khán giả, nhưng xin nhắc lại là khán giả thông minh lắm, họ không ngu.
Thông thường, những cảnh FB xuất hiện khi ai đó nhớ lại quá khứ. Tuy nhiên, có những bộ phim bắt đầu bằng cảnh quá khứ, sau đó tiến tới hiện đại, và đôi khi nhân vật sẽ nhớ về quá khứ đó. Vậy cảnh quá khứ đầu phim có phải là một cảnh FB không? Xin thưa là KHÔNG. Đó lại là một kiểu kỹ thuật khác sẽ được nhắc tới ở dưới, trừ khi cảnh tiếp theo là ai đó giật mình thức dậy và nhận ra mình vừa mơ về quá khứ.
VIỄN TƯỞNG / FLASH FORWARD
Hồi tưởng là ai đó nhớ lại quá khứ, còn viễn tưởng phải chăng là ai đó nghĩ đến tương lai? Không. Không ai có thể biết trước tương lai cả. Phần lớn suy nghĩ “biết trước tương lai” đều là tưởng tượng của nhân vật, hoặc déjà vu. Cảnh Viễn tưởng (FF) ở đây không phụ thuộc vào suy nghĩ của nhân vật, mà là một cách bẻ gãy cấu trúc của phim nhằm tạo ra sự tò mò cho khán giả. Theo cấu trúc tuyến tính, chúng ta có mệnh đề nguyên nhân – kết quả. Tuy nhiên, khi mang một phần (lưu ý là một phần, không phải toàn bộ) kết quả lên trước, chúng ta sẽ khiến khán giả tò mò, rằng “Ủa chuyện gì xảy ra dẫn đến chuyện đó?”, và họ sẽ chú ý theo dõi phần nguyên nhân đến cuối cùng để biết được kết quả. Kỹ thuật này được sử dụng nhiều nhất trong các phim hình sự, trinh thám, hành động… đôi khi cũng có ở phim tình cảm nữa.
Vẫn như mọi khi, tôi luôn nhắc nhở rằng bạn không nên quá lạm dụng 2 kỹ thuật này. Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết tâm muốn sử dụng, thì nên dùng nó ngay, và lặp lại vài lần để khán giả có thể quen với nó.
MONTAGE
Ở đây tôi không nói đến từ “Montage” trong hậu kỳ hay “Cảnh Montage Kiểu Nhật Bản” mà tôi sẽ trình bày trong bài sau, mà tôi muốn nói đến cách dựng cảnh khá phổ biến nhằm rút gắn thời gian trong phim.
Khi xem phim, đôi khi bạn thấy nhân vật đang là thiếu nhi, đi qua cảnh sau thì đã là người trưởng thành. Hoặc có khi, cảnh trước hai nhân vật gặp nhau, cảnh sau thì đã trên giường, hoặc ở lễ đường kết hôn. Chúng ta có thể tạm gọi đó là những “bước nhảy”. Trò nhảy cóc về thời gian này giúp rút ngắn thời gian và cắt bỏ những khoảng thời gian hay sự kiện không cần thiết, giúp câu chuyện và mạch phim gọn gàng hơn, không bị dài lê thê, nhàm chán.
Đôi khi, bước nhảy thời gian chỉ dài vài phút. Ví dụ như một nhân vật tới nhà gặp một nhân vật khác, “Bụp”, ta thấy hai nhân vật đã ngồi bên bàn ăn, nói vài câu rồi một trong hai bỏ đi. Ở đây, biên kịch đã bỏ qua những chi tiết không cần thiết như nhân vật bước vào nhà, chào hỏi xã giao, mời nước… Khán giả không quan tâm đến mấy chi tiết vô bổ đó, mà cũng chẳng cần phải cho khán giả thấy mấy chi tiết đó.
Khi viết kịch bản, nếu có chi tiết nào bạn cảm thấy không cần thiết, có thể bỏ, thì tốt nhất là cứ cắt bỏ. Tôi từng xem một phim truyền hình VN mà trong đó nhân vật do NS Hoài Linh đóng ngồi bên thềm nhà cho hai cô gái chải tóc. Ba người họ nói những câu vô bổ suốt gần 5 phút và kết thúc cảnh mà chẳng có gì giúp mạch phim tiến triển. Những cảnh như vậy có thể cắt không? Có thể. Những cảnh đó cần thiết cho nội dung phim không? Không. Vậy tại sao biên kịch lại viết những cảnh như vậy? Tôi nghĩ biên kịch biết đấy, nhưng vẫn viết thôi, vì tiền. Có rất nhiều kịch bản phim truyền hình mà nội dung của nó chỉ cần một phim điện ảnh hoặc 10, 20 tập là có thể kể xong, nhưng do quy định tối thiểu 30 tập mà nhiều biên kịch phải viết kéo dài phim ra. Thậm chí nhiều khi kịch bản kể vừa tròn 30 tập, nhưng bên sản xuất muốn tăng lợi nhuận nên thuê biên kịch ma viết chèn vào, kéo ra thêm tầm 30 tập nữa. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến những cảnh vô bổ như vậy.
Có câu nói rằng “Không có bộ phim dở nào quá ngắn, không có bộ phim hay nào quá dài”. Cũng có câu nói rằng “Phim càng ngắn càng hay”. Kịch bản của một bộ phim cần phải gọn gàng, rõ ràng, súc tích. Làm phim là một ngành thương mại đầy tốn kém. Mỗi cảnh quay có thể tốn từ hàng chục triệu lên đến vài tỷ đồng. Nếu đoàn phim phải quay một cảnh vô bổ chỉ vì bạn – biên kịch – viết trong kịch bản như vậy, để rồi cuối cùng cảnh đó không thể đưa vào phim, vài tỷ đồng bị lãng phí, thì bạn xứng đáng có một tầng riêng dưới địa ngục.
Quay lại chủ đề chính.
Thời gian trong phim vốn không có quá nhiều ràng buộc cụ thể, mà phụ thuộc chủ yếu vào nội dung của bộ phim. Thời gian trong phim gắn liền với cấu trúc phim nên khi bạn thay đổi tuyến tính thời gian bằng FB, FF hay Montage thì cấu trúc của phim cũng sẽ thay đổi.
Không có công thức cho việc áp dụng kỹ thuật nào, áp dụng bao nhiêu lần thì cho ra phim hay. Tất cả phụ thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Hãy sáng tạo, và cẩn thận đừng tự làm rối câu chuyện của bạn lên.
©yooribae
B có thể cho mình 1 ví dụ khi viết kịch bản sử dụng montage là như thế nào không? Cách trình bày nó ra ấy