NHỮNG NGỮ ĐOẠN THỊ GIÁC
*Ngữ đoạn (Syntagme) thị giác theo ngôn ngữ điện ảnh là tổ hợp nhiều yếu tố cụ thể (nhìn thấy sờ mó cầm nắm bóp được) trong dàn cảnh cũng như trong diễn xuất kết hợp lại thành một quá trình hiển thị một hình ảnh điện ảnh. Hình ảnh đó có thể tương ứng với một cảnh quay hay một cú máy và tạo ra một hiệu quả nhất định từ một yếu tố thị giác thông thường cho tới một hình tượng điện ảnh, tùy theo trình độ và cấp độ của quá trình hiển thị ấy. Tóm lại, đó là một yếu tố trong quá trình hiển thị của một hình ảnh điện ảnh.
Tôi từng đọc được trong một bài báo nào đó, một đạo diễn hay biên kịch phim truyền hình có chút tiếng nào đó của VN đã phát biểu rằng “phim truyền hình là để nghe”. Vâng lẽ ra các bà nội trợ nên tắt TV và nghe đài để tiết kiệm điện. Nhiều người thường nghĩ rằng các bà nội trợ có xu hướng vừa làm việc nhà vừa mở TV, nên phim truyền hình không cần hình ảnh đẹp xuất sắc mà cần có nhiều thoại để các bà nội trợ có thể theo dõi phim mà không cần phải nhìn vô màn hình TV. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, vì yếu tố chính khiến các nhãn hàng quảng cáo sẵn sàng tài trợ cho phim đó là bộ phim đó có thể thu hút khán giả quên đi công việc họ đang làm và dán mắt vào theo dõi bộ phim mà sản phẩm của nhãn hàng đó có xuất hiện. Đó là lý do những bộ phim truyền hình Hàn Quốc luôn chú trọng vào tiết tấu, nhịp điệu và hình ảnh để khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Sẽ là vô nghĩa nếu nhân vật trong phim cầm trên tay chiếc điện thoại Samsung đời mới mà khán giả lại không nhìn thấy. Năm nay là năm 2017, 17 năm kể từ khi thế kỷ 21 bắt đầu, và thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của hình ảnh.
Một tác phẩm văn học đòi hỏi người đọc phải ra sức tưởng tượng. Một vở kịch sân khấu thì chủ yếu dựa vào lời thoại và những màn đối chất giữa các nhân vật. Trên sân khấu, người ta dựa vào sự tượng trưng hơn là thực tế.
Trái lại, điện ảnh trước hết là thị giác. Mặc dù phần lớn công việc là do đạo diễn, nhưng biên kịch vẫn phải là người sửa soạn đất diễn, sao cho bộ phim thực hiện được.
Công việc đầu tiên của một biên kịch là phải xác định đấu trường, nghĩa là địa điểm chính nơi xảy ra hành động. Phải tránh không để khán giả bị lẫn lộn, dù là một chi tiết nhỏ nhặt nhất. Hãy luôn chọn một vị trí đặc biệt, nơi mà khán giả có thể nhận ra ngay. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng đến một công cụ đơn giản mà người ta thường gọi nó là “ảnh mẫu”.
ẢNH MẪU
Ảnh mẫu là một công cụ mà ai cũng dùng được. Nó khá đơn giản. Ví dụ câu chuyện của bạn xảy ra ở Sài Gòn, vậy thì chỉ cần cho khán giả thấy hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà hoặc Chợ Bến Thành, nếu câu chuyện xảy ra ở Hà Nội thì có thể cho họ thấy hình ảnh Hồ Gươm. Sau đó chúng ta có thể bắt đầu hành động ngay, không cần phải vòng vo tam quốc. Hãy để dành năng lượng và trí não của bạn cho phần chính yếu của kịch bản thay vì phần này.
Cũng như phần giới thiệu địa điểm, thời gian phải bao gồm yếu tố thị giác, thì nhân vật xuất hiện trong phim cũng cần được nhìn thấy rõ ràng.
Bạn có thể cười khẩy, coi thường, nghĩ rằng cái trò này đã cũ, đã lỗi thời rồi, chẳng có gì sáng tạo hay “điện ảnh” cả, chỉ đáng vứt đi… Nhưng khoan, hãy thử nghĩ lại xem, nếu không chơi trò ảnh mẫu, bưu thiếp như này, bạn có thể làm cách nào khác? Và cái cách bạn vừa nghĩ ra đó, nó có thật sự hoàn toàn khác không, nó có giúp bạn và khán giả vào phim một cách tự nhiên không? Hãy suy nghĩ kỹ.
Bạn còn nhớ bộ câu hỏi 4W chứ? When-Where-Who-What. Một ngày mùa hè nắng chảy mỡ, giữa đường hoa Nguyễn Huệ, một cô gái trẻ không mặc gì khác ngoài chiếc áo mưa trong suốt chạy tung tăng. Đó, câu chuyện vào đề ngọt xớt, chỉ với 1 tấm ảnh mẫu. Còn gì dễ hơn?
Để tôi kể bạn nghe một chuyện này.
Nếu bạn đi xem một vở kịch hay một chương trình ca nhạc biểu diễn trên sân khấu, bạn sẽ thấy để thể hiện một khung cảnh nào đó, người ta sẽ dùng vài khối hộp hoặc vài bức tranh, để làm nổi bật một nhân vật nào đó, người ta sẽ chĩa gần như toàn bộ đèn spotlight trên sân khấu vào người đó, và khán giả sẽ ngay lập tức chú ý. Nhưng bạn không thể khống chế, kiểm soát sự chú ý của khán giả theo kiểu đó trong điện ảnh.
Đừng bao giờ để bản thân bạn quên mất điều này: ĐIỆN ẢNH LÀ NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC. Từ những ngày đầu khai sinh, điện ảnh chỉ là một chuỗi những hình ảnh động với một cấu trúc, một phần đầu, một phần giữa, một phần kết, với những tính cách, những mâu thuẫn, xung đột, kịch tính… Còn lời thoại và tiếng động thì mãi về sau mới xuất hiện. Cho đến bây giờ, hình ảnh vẫn là cái gốc của bộ phim, là cái để nhìn thấy, chứ không phải cái để nói ra.
MỘT HÌNH ẢNH GIÁ TRỊ HƠN NGÀN LỜI NÓI
Từ khi kỹ thuật điện ảnh tạo ra được loại phim có thể ghi kèm âm thanh, việc lạm dụng thoại trong phim đã đạt đến tình trạng báo động, đến nỗi trong một thời gian dài, các nhà làm phim phải chiến đấu để lời thoại quay trở lại đúng vị trí của nó: hỗ trợ cho hình ảnh chỉ khi thật sự cần. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nơi mà điện ảnh vẫn còn là cái gì đó mơ hồ, khó hiểu với đại đa số người làm phim, thì việc lạm dụng lời thoại vẫn chưa bao giờ dừng lại.
Một trong những yêu cầu đầu tiên và tối quan trọng đối với một kịch bản phim là: KỂ CHUYỆN BẰNG HÌNH ẢNH. Tuy nhiên, chẳng biết từ khi nào, những người làm phim ở VN đã bỏ qua yêu cầu này. Tưởng tượng ra hình ảnh chưa bao giờ dễ dàng, kể cả đối với biên kịch hay nhà văn chuyên nghiệp. Cùng với việc phần lớn biên kịch VN qua các thời kỳ đều không được tiếp xúc với cái nôi điện ảnh thế giới là Pháp và Mỹ, có rất nhiều yếu tố bị vô tình (và cố tình) hiểu sai.
Như đầu bài viết này tôi có đề cập, có nhiều người viết kịch bản viện vào lý do “các bà nội trợ nghe phim nhiều hơn xem” để viết ra những kịch bản mà trong đó phần lớn thời lượng nhân vật nói với nhau những câu thoại vô bổ. Nếu bạn nào có dịp xem qua các kịch bản phim truyền hình VN sẽ thấy: rất nhiều trong số đó là những trang thoại, thoại, thoại, thoại và thoại. Có những cảnh nhân vật nói với nhau liên tục 4-5 trang liền, mà không có chút hành động nào. Khi được hỏi, một số biên kịch trả lời, họ muốn “chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo”.
“Chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo” là một câu trong cuốn sách của biên kịch Phạm Thùy Nhân. Câu này nằm ở chương cuối, chương nói về kinh nghiệm cá nhân. Những kẻ lười biếng sáng tạo nhưng khôn lỏi đã biến một câu “kinh nghiệm cá nhân” thành một “yếu tố kỹ thuật” để biện minh cho sự yếu kém và lười nhác của mình.
Thứ giữ chân khán giả trước màn hình TV, cũng như thứ khiến khán giả bỏ tiền ra rạp, bên cạnh nội dung hay, chính là hình ảnh ấn tượng. Hãy thử xem trailer phim Hollywood, sau đó xem trailer phim VN, xem xong bạn còn muốn xem phim VN nữa không?
Khi tôi nói tới hình ảnh ấn tượng, tôi không có ý nói đến mấy cảnh cháy nổ hoành tráng style anh Bảy (Michael Bay) để mấy con lười có thể biện minh là “VN khác Hollywood”. Cái tôi muốn nói đến ở đây, là sự ấn tượng trong nghệ thuật hình ảnh.
Nếu bạn là người xem nhiều phim, bạn có thể nhận ra, có khá nhiều hình ảnh mẫu để thể hiện tình cảm. Ví dụ như khi nhân vật kiềm chế sự tức giận, bạn thấy bàn tay nhân vật nắm chặt lại. Khi nhân vật đau khổ, bạn thấy nhân vật ngồi trong căn phòng tối. Khi nhân vật hạnh phúc, bạn thấy hoa anh đào nở, suối chảy róc rách, bồ câu bay. Khi con ma sắp xuất hiện, bạn thấy mấy cái đèn huỳnh quang bắt đầu chập chờn. Những hình ảnh mẫu kiểu đó được sử dụng khá thường xuyên, và chúng chưa bao giờ lỗi thời cả.
Có thể so sánh khá rõ ràng giữa phim tình cảm Hàn Quốc và Việt Nam. Để thể hiện nhân vật đang vui, phim Hàn sẽ cho nhân vật cười tươi, tung tăng chân sáo như con điên vừa trốn viện, còn phim VN thì “Ôi mình vui quá hihi”. Để thể hiện nhân vật buồn, phim Hàn sẽ cho nhân vật ngồi uống rượu, thở dài, hoặc khóc. Phim VN thì “ôi tôi buồn quá huhu”. Tất cả các cảm xúc khác cũng được thể hiện qua lời thoại như vậy.
Có thể bạn sẽ bảo”Ủa diễn viên phim VN diễn dở ẹc, mặt bao đơ, không làm vậy sao khán giả biết được cảm xúc của nhân vật?”. Xin thưa với bạn rằng, diễn viên diễn được hay không kệ mẹ nó, sao bạn lại quan tâm tới việc mà bạn không thể kiểm soát được vậy? Ở HQ, nơi mà phần lớn dân số đi thẩm mỹ, mà mặt diễn còn tự nhiên hơn diễn viên VN, thì lỗi diễn đơ là do đạo diễn với diễn viên, tại sao bạn lại bắt khán giả chịu đựng điều đó bằng cách cho mấy con bình bông mặt đơ đó đọc thoại kiểu “tôi đang buồn, tôi đang vui, tôi đang đau bụng” nữa?
Có nhiều biên kịch đổ lỗi cho việc diễn viên không thể hiện ra đúng cảm xúc hay hành động mà biên kịch mong muốn bằng việc chỉ trích đạo diễn hay diễn viên. Nhưng thực tế lỗi đó, theo tôi, phần lớn nằm ở biên kịch.
Có một nguyên tắc rằng, mọi yếu tố diễn ra trong phim đều phải được thể hiện trên kịch bản. Thế nhưng kịch bản mở ra toàn thoại với thoại, không có lấy một dòng hướng dẫn hành động, thì diễn viên biết hành động kiểu gì? Sáng tạo? Khi diễn viên và đạo diễn sáng tạo, họ có thể hiểu khác đi so với cái mà biên kịch tưởng tượng, và họ sẽ làm khác với biên kịch mong muốn. Đôi khi biên kịch cũng có tâm, giữa vài chục dòng thoại sẽ chèn vào 1 dòng hành động dài 3 chữ, kiểu “cô ấy khóc”, “cô ấy cười”, “cô ấy đứng dậy”… Thế nhưng tiếng Việt là thứ ngôn ngữ có vốn từ vựng phong phú hàng đầu thế giới, chỉ mỗi hành động “khóc” hay “cười” cũng đã có hàng chục từ tượng thanh, từ tượng hình khác nhau để thể hiện rồi. Ví dụ thế này, biên kịch ghi “cô ấy khóc”, nhưng diễn viên và đạo diễn có thể tưởng tượng ra hàng chục kiểu khóc khác nhau: khóc nức nở, tấm tức khóc, bật khóc, khóc òa lên, gào khóc, im lặng rơi nước mắt, đôi mắt đỏ hoe môi mím chặt nước mắt chực trào ra, khóc nấc lên… Đó, có nhiêu đó kiểu khóc, mà biên kịch chỉ ghi mỗi chữ “khóc” thì đạo diễn với diễn viên biết đâu mà lần.
Bạn muốn người khác làm gì, thì việc đầu tiên bạn cần làm là phải mở cái mồm ra.
Có những biên kịch gửi tôi xem những kịch bản phim truyền hình Hàn Quốc, những kịch bản được viết trên Word và chia thành 3 ô (Cảnh, Nhân vật, Thoại) và cho rằng có thể làm theo kiểu đó. Thực tế những kịch bản như vậy thường là kịch bản của phim truyền hình buổi sáng hoặc kịch truyền hình. Và trong những kịch bản được trình bày như vậy, không chỉ có thoại mà vẫn có phần hành động chi tiết. Bên cạnh đó, đạo diễn nước người ta làm việc thực sự, chứ không như đạo diễn phim truyền hình VN. Tôi cũng cần nhắc nhở bạn rằng, đừng so sánh trailer phim người ta với hậu trường cuộc đời bạn. Người Việt vốn hay bắt chước vẻ ngoài mà ít khi chịu tìm hiểu vấn đề bên trong, cũng giống như bạn thấy người ta làm sao, bạn làm theo vậy như một con khỉ, mà trước khi làm theo bạn không biết mục đích thật sự và lý do tại sao người ta làm như vậy là gì. Điều này thể hiện rõ trong các kịch bản phim VN.
À, có người còn viết kịch bản trên Excel nữa. Mấy kịch bản kiểu đó là một nỗi kinh hoàng. Tôi từng gặp vài khách hàng viết kịch bản trên Excel vì họ không phải dân chuyên, và tôi phải viết lại trên Celtx để trình bày theo đúng tiêu chuẩn. Với người không biết gì tôi có thể bỏ qua, nhưng ai đó tự nhận là dân chuyên mà lại viết kịch bản trên Excel thì nếu muốn sống tốt nhất là đừng để tôi thấy mặt.
Quay trở lại chủ đề chính.
Điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. là biên kịch, bạn phải suy nghĩ, tưởng tượng và viết ra giấy những hình ảnh. Nhưng, không phải hình ảnh đẹp, mà mỗi hình ảnh bạn viết ra, ở một mức độ nào đó, phải mang một ý nghĩa nhất định. Có những hình ảnh để thể hiện hành động, tình cảm của nhân vật. Nhưng cũng có những hình ảnh mang tính biểu tượng, ẩn dụ. hai loại hình ảnh đó luôn phải đi cùng với nhau. Nếu bạn làm một phim toàn hình ảnh ẩn dụ, khán giả sẽ đau đầu mà bỏ phim. Nhưng nếu bạn làm một phim chỉ toàn những hình ảnh bình thường, chẳng có chút ý nghĩa đặc biệt nào, khán giả sẽ chẳng thèm nhớ về nó nữa. Điện ảnh phức tạp như vậy đấy.
Hãy nhìn vào hình ảnh trên đây, và thử kể lại nội dung của nó. Trong văn học, bạn có thể dùng 5000 từ để miêu tả cảnh này. Nhưng trong điện ảnh, bạn chỉ cần một khung hình, một cú máy, một khoảnh khắc.
Đó chính là sức mạnh của hình ảnh.
Đó chính là sức mạnh của điện ảnh.
Nhưng làm sao để thể hiện hình ảnh trên mặt giấy?
Hãy đón đọc bài sau, chứ bài này dài quá rồi.
©yooribae
<3 <3 <3 bro !
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^ “Kịch bản 101” mùa 2 sẽ lên sóng từ tháng 3. Bạn hãy follow blog để cập nhật bài viết nhanh nhất nhé. Thank bạn ^_^
Dạo này web sai xếp các mục lung tung lắm anh ạ!
Lung tung là sao Toàn?