[Kịch bản 101] #16: Nói sao cho đúng?

Chúng ta đã đi một chặng đường dài. Sau 16 bài, những kỹ thuật cơ bản nhất đã được nhắc đến. Tất nhiên với tính chất của một bài blog thì không thể thể hiện hết tất cả, nhưng ít nhất tôi cũng đã nói được với bạn những gì cần nói. Trong bài này, sau tất cả những kỹ thuật kể chuyện thuần hình ảnh, chúng ta sẽ đến với phần cuối cùng, một yếu tố không nên xuất hiện nhiều trong phim, nhưng khi nó đã xuất hiện, thì phải chắc chắn là nó thật sự quan trọng và cần thiết. Đó là:

ĐỐI THOẠI

Sau tất cả những gì mà tôi đã nói với bạn bữa giờ, hy vọng là ít nhất bạn cũng nhớ rõ điều này:

13

Vậy thì, làm sao để làm được điều đó? Có một bí quyết cần ghi nhớ ở đây, đó là:

RÚT NGẮN TỐI ĐA PHẦN ĐỐI THOẠI

Hãy luôn nhớ rằng, những câu đối đáp chỉ là để thêm vào cái gì đó cho phần hình ảnh. Một bộ phim trước hết là để xem. Kinh nghiệm chứng minh rằng những sản phẩm thị giác hay nhất đều dựa trên sự tiết kiệm về lời nói.

28

Trừ trường hợp đặc biệt, không còn cách nào khác, còn lại đối thoại KHÔNG BAO GIỜ GÁNH VÁC cho truyện kể:

LỜI NÓI CHỈ LÀ YẾU TỐ PHỤ TRỢ CHO HÌNH ẢNH

Trên màn ảnh, khi các nhân vật chính diện bắt đầu diễn thuyết, thì hành động xẹp ngay.

Trừ vài ngoại lệ (nổi tiếng và thật sự xuất sắc), một “phim đối thoại” không bao giờ là một bộ phim thực sự. Đừng bao giờ quên, chữ “movie” (điện ảnh) xuất phát từ thuật ngữ “moving/motion pictures” (những hình ảnh chuyển động). Không hề có chút gì bảo rằng “hình ảnh chuyển động” phải kèm theo một lời nói hay âm thanh nào cả.

Chúng ta hãy đi sâu một chút vào vấn đề.

Hãy kịch tính hóa một cái hành động, đi vào trung tâm của đề tài, lựa chọn, tìm kiếm những cơ hội tốt để chèn vào đó những từ ngữ cần thiết. Nhưng đừng bao giờ tạo ra những cảnh phim mà nhân vật không có gì làm, những cảnh không có hành động mà chỉ toàn đối thoại.

Hình dung một đoạn đối thoại như thế nào? Đầu tiên, hãy ra ngoài, và lắng nghe thiên hạ nói. Phải làm cho lời nói thật sự đáng tin, nhưng vẫn phải rút gọn tuyệt đối. Trên đời này không có hai người nào có cách nói chuyện giống nhau. Mỗingười đều có vốn từ vựng riêng, có vốn thành ngữ, tục ngữ riêng, có âm sắc riêng. Một người quét rác ngoài đường có bằng tiểu học sẽ có cách suy nghĩ và nói chuyện khác với một thạc sĩ hay tiến sĩ văn chương, triết học. Khi bạn viết một đoạn đối thoại, thì lời lẽ đó cần phải dính chặt với nhân vật của bạn. Khi mà tất cả mọi lời thoại của phim đều giống hệt nhau, tới mức mà một diễn viên có thể thủ tất cả các vai trong đó, thì có nghĩa là bạn đã không đa dạng hóa đủ tính cách của các nhân vật trong kịch bản.

Sau khi các lời thoại của bạn đã sẵn sàng, hãy lấy bút và gạch bỏ đi một nửa (lớn). Có hai sai lầm phổ biến nhất trong viết thoại:

  • Nhiều thông tin quá.
  • Nói đi nói lại vẫn chỉ một thông tin.

Việc một thông tin được lặp đi lặp lại quá nhiều lần dưới bất kỳ hình thức gì là điều không thể chấp nhận được. Ngay cả những tay viết chuyên nghiệp đôi khi cũng không tránh khỏi lỗi này. Tất cả những thông tin dư thừa cần phải biến mất. Hãy loại bỏ chúng, giống như bạn gạn bỏ lớp mỡ béo trong nồi nước dùng vậy.

Báo động: Nếu bạn thấy lời thoại của bạn thật giật gân, chấn động, quá hoàn hảo, thì hãy cẩn thận, vì đó chỉ là văn chương thôi. Hãy sửa lại ngay.

Một lời khuyên dành cho quá trình viết thoại: Hãy đọc to thành tiếng và nghe lại mọi lời thoại mà bạn viết. Lời thoại được viết ra để nói, không phải để đọc. Nếu bạn nói to câu thoại lên mà cảm thấy có gì đó gượng gạo, hay chán bỏ xừ, thì rõ ràng câu thoại ấy có vấn đề. hãy đánh dấu những đoạn đó để sau này quay trở lại.

Hãy nhớ điều này: Khi bạn đang miêu tả hình ảnh, thì đừng nói gì hết. Khi bạn đang kể chuyện, thì đừng nhét hình ảnh vào. KHÔNG BAO GIỜ DIỄN TẢ HAI CÁI ĐÓ CÙNG MỘT LÚC. Nếu bạn cho khán giả thấy ai đó đi vào bếp, thì không cần bạn phải để nhân vật đó nói “Tôi đi vào bếp”. Nhân vật phải nói cái khác, bất kể cái gì, miễn không phải “Tôi đi vào bếp”. Hãy để khán giả tự khám phá, thay vì cứ lải nhải thuyết minh hình ảnh bên tai họ.

19

Khán giả phải tự tìm hiểu, khám phá một nhân vật thông qua cách ứng xử của nhân vật đó. Ví dụ, bạn muốn cho thấy một “người mẹ xấu xa”, thì đừng có để một nhân vật nào đó nói “đây là một bà mẹ xấu”, mà hãy để cho bà mẹ đó có một cử chỉ, hành động nào đó cho thấy rằng đó không phải là một người mẹ tốt. Chỉ dùng thoại để củng cố, xác nhận cho hình ảnh đó.

Lời thoại giống như lớp kem trên cái bánh bông lan vậy. Kem làm cho bánh ngon hơn, nhưng trước hết bạn phải có một cái bánh ngon đã.

Cũng đừng quên rằng, các nhân vật cũng phản ứng giống như bạn và tôi. Có những chuyện mà chúng ta sẵn sàng lồng lộn lên trước bất kỳ ai, nhưng cũng có những chuyện chúng ta chỉ muốn giữ kín cho bản thân mình. Vậy nên hãy để cho nhân vật được giữ lại những bí mật của riêng họ, cho đến khi, một lúc nào đó, họ buộc phải nói ra.

Cách cư xử của chúng ta phụ thuộc vào việc người đứng trước mặt chúng ta là ai, là con người thế nào. Chúng ta không chỉ diễn đạt bằng lời: Cách nói thường biểu lộ nhiều hơn lời nói. Chúng ta xử sự trước cấp trên khác, trước cấp dưới khác, trước khách hàng khác, trước bố mẹ khác, trước bạn bè khác và trước mặt crush cũng khác. Những thái độ khác nhau đó mô tả con người chúng ta hay hơn bất kỳ bài diễn thuyết nào.

Lời thoại trong kịch bản cần phải ngắn gọn và đanh thép. Nếu bạn nhìn thấy một đoạn thoại liên tục dài hơn một trang giấy, hãy cầm bút lên, và cho tôi biết, một cảnh như vậy thì hành động còn lại gì? Ngay trong đời sống thường ngày, tuy có gặp mấy người nói nhiều, nhưng bạn có thể thấy phần lớn mọi người rất kiệm lời. Có những người bắt đầu một câu rồi ngưng lại giữa chừng, nhưng chúng ta vẫn hiểu những gì họ nói.

20

Theo một cách chung nhất, không bao giờ viết một lời thoại quá 5 dòng, và chỉ viết khi nào định nói cái gì đó mạch lạc. Thông thường, một lời đối đáp không được phép vượt quá 3 dòng. Nếu như bạn cần hơn nữa, đó tức là cái mà bạn muốn kể nên được thể hiện bằng hình ảnh thì hay hơn. Nếu bạn cảm thấy bắt buộc phải cung cấp một số lượng lớn thông tin, thì đã đến lúc bạn đẩy kịch bản vào một tình huống xung đột.

Hãy cân nhắc mỗi lời đối đáp bằng việc tự nêu vấn đề: Có thể nào dồn hết tất cả những chuyện đó vào một câu không? Bạn sẽ nhận thấy là gần như bao giờ cũng có cách để cô đọng một đoạn hội thoại. Nếu gặp trường hợp đó, hãy ngay lập tức làm đi, và hãy quên hết mấy cái còn lại.

Sau khi đã nói xong hết rồi, thì hãy chuyển cảnh ngay, đừng chần chừ gì nữa.

Nói tóm lại:

CÀNG ÍT THOẠI CÀNG TỐT

29

Gần đây tôi có xem một phim điện ảnh VN, là “Dạ Cổ Hoài Lang”. Có thể bạn đã biết, phim này chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng cùng tên. Khi xem phim, tôi khá thất vọng khi phần lớn thời lượng các nhân vật chỉ có thoại và thoại, khiến tôi có cảm giác mình đang xem một vở kịch truyền hình trên màn ảnh rộng vậy. Có những đoạn có thể thể hiện bằng hình ảnh, như cảnh chiếc thuyền vượt biên gặp bão, cảnh hai ông già cô đơn tại chính ngôi nhà của mình… Những cảnh như vậy nếu được thay thế thoại bằng hình ảnh sẽ ấn tượng hơn, tiếc là biên kịch và đạo diễn không làm như vậy.

Có một phim điện ảnh của đạo diễn mà tôi thích, Kim Ki Duk, tên là Moebius. Trong suốt bộ phim này, không hề có một câu thoại nào được thốt ra, nhưng người xem vẫn có thể hiểu được toàn bộ nội dung câu chuyện.

fullsizephoto341268.jpg

Tôi đã không ít lần than phiền về tình trạng lạm dụng lời thoại trong phim truyền hình VN. Thà thoại hay thì không nói, đằng này phần lớn phim VN luôn bị khán giả chê là thoại dở, giả tạo, không tạo cảm giác chân thực. Nhưng biên kịch chẳng bao giờ lắng nghe, hoặc có nghe thì cũng chẳng khi nào chịu viết thoại cho tử tế.

VN là một đất nước có ngôn ngữ đa dạng, mà mỗi tỉnh thành đều có phương ngữ khác nhau, cách nói chuyện giữa mỗi thế hệ cũng rất khác. Nhưng nhiều biên kịch không chịu tôn trọng điều đó. Có một lần tôi làm diễn viên quần chúng, diễn một cảnh thoại với diễn viên chính. Đoạn thoại của tôi dài khoảng 10 dòng, trong đó biên kịch viết cứ một chữ giọng Nam lại một chữ giọng Bắc. Không tài nào tôi nói theo đúng y chang kịch bản được. Mà không nói đúng thì bị đạo diễn chửi, bị cắt vai, mất thu nhập. Biên kịch ngồi nhà viết thoải mái, đâu cần quan tâm diễn viên có diễn được hay không.

MỘT LÀ NÓI CHO HAY, HAI LÀ CÂM HỌNG LẠI

Tôi luôn có cảm giác các biên kịch VN đang coi thường trí thông minh của khán giả. Họ luôn sợ khán giả không hiểu những gì họ muốn thể hiện, hay sợ khán giả không biết nhân vật đang nghĩ gì, nên nhân vật trong phim VN luôn nói rất nhiều. Có những khi, lẽ ra nhân vật nên im đi, thì biên kịch lại cho nhân vật độc thoại hoặc voice-off. Dường như các nhân vật trong phim VN không thể câm họng lại kể cả khi họ chết. Điều này thực sự kinh khủng.

Có nhiều cách để thể hiện cảm xúc của nhân vật mà không cần dùng đến thoại. Cũng có những khi, im lặng là cách tốt nhất. Nhiều biên kịch dường như không biết đến sức mạnh của sự im lặng.

Ví dụ thế này: Người vợ phát hiện chồng đang chơi đô vật cùng gái lạ trên giường. Thường thì phim VN sẽ cho người vợ gào vào mặt đôi gian phu dâm phụ, bốp chát qua lại chừng vài phút. Nhưng cũng cảnh đó, phim Hàn và phim Mỹ sẽ để người vợ chết sững, lặng lẽ quay đi, bỏ chạy ra ngoài và có thể sau đó mới bắt đầu khóc. Không cần thoại. Mà khán giả xem thấy hay hơn. Hơn nhau ở tư duy chỗ đó.

Trong một số sách biên kịch VN, người ta thường khuyên rằng không nên nói những câu vô thưởng vô phạt như “Em ăn cơm chưa?”, “Em ăn cơm rồi”… Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể để cho nhân vật nói mấy câu bắt chước ngôn lù TQ kiểu “Em chỉ cần yêu anh thôi, thế giới để anh lo”…

Mỗi câu nói, mỗi từ ngữ, nếu được đặt vào một ngữ cảnh thích hợp thì sẽ tỏa sáng, và ngược lại.

Ví dụ: Anh chàng đi cua gái, hỏi “Em ăn cơm chưa?”, anh ta là một kẻ tán gái dở tệ. Nhưng một người đàn ông gặp lại mối tình đầu của mình sau 20 năm, nhìn thấy người phụ nữ mình đã từng yêu đang trong lúc đau khổ nhất, anh lại gần bên và hỏi “Em ăn cơm chưa?”, đó là sự quan tâm, là tình cảm chân thành từ trái tim, và câu nói trở nên đầy sức nặng.

Trong nhiều bộ phim, trong những ngữ cảnh thích hợp, nhân vật chẳng cần nói nhiều, chỉ cần một tiếng “Ừ” nhẹ nhàng, một tiếng thở dài, hay một nụ cười buồn bã, cũng đã đủ khiến trái tim bao khán giả phải thổn thức rồi.

maxresdefault

Không ai thích những kẻ nói nhiều cả. Những người ít nói sẽ mang lại cảm giác bí ẩn, hấp dẫn, thú vị hơn. Vậy nên đừng bao giờ để nhân vật của bạn phải nói những đoạn đối thoại dài vài trang kịch bản. Những cảnh kiểu đó vô cùng nhàm chán, và chẳng có chút tính “phim” nào trong đó cả.

Với lại, nếu muốn diễn viên thoại có tâm hơn, thì đừng bắt diễn viên phải đọc những kịch bản toàn thoại với thoại, mà lại là những câu thoại vô bổ rườm rà không có nội dung gì; cũng như đừng viết thoại bằng giọng Bắc, khi nhân vật của bạn rặt miền Tây.

Cá nhân tôi cho rằng, biên kịch phim truyện mà viết kịch bản phim kiểu đó, đáng bị chửi.

©yooribae

Comments

4 bình luận cho “[Kịch bản 101] #16: Nói sao cho đúng?”

  1. Mình viết cũng hay mắc lỗi thoại nhiều, mà mỗi lần viết xong đoạn thoại, đọc lại, mình vừa thấy giống phim truyền hình, vừa thừa thãi kiểu gì đó. Nhưng nếu không có thoại mình lại cảm thấy không tự nhiên lắm. Đôi khi nên kể thoại bằng hành động thì mình lại không nghĩ ra cách nào cả.

    1. Mình nghĩ là miễn mạch phim mượt mà thì không sao cả. Không nên ép nhân vật phải im lặng tuyệt đối. Nhiều bạn làm phim arthouse hay có xu hướng bỏ thoại, không nhạc. Nhưng như vậy có nghĩa là bạn phải làm việc với âm thanh nền kỹ hơn. Còn viết thoại sao cho hay, cho mượt, mình nghĩ cái đó thiên về bản năng, với lại đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn. Về phần đó, trong khuôn khổ một bài blog không thể nào nói rõ hết được.

  2. anh ơi anh nghĩ thế nào về film 12 angry men với Before sunrise ah?

    1. Hổng phải gu anh T_T

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d