Trước đây, trong một lần nói chuyện có nhắc đến phim cổ trang, một đạo diễn từng hỏi tôi bằng giọng coi thường rằng “Em nghĩ rằng khán giả có thèm quan tâm tới Tôn Thất Thuyết (một nhân vật lịch sử) là ai không?”. Ngày hôm nay, tôi có thể tự tin trả lời rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, khán giả sẽ chẳng quan tâm đến nhân vật lịch sử nào đó là ai, cho đến khi họ đọc hay xem một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời có nhắc đến nhân vật lịch sử đó.
Tôi sinh ra vào những năm 90, thời kỳ mà phim kiếm hiệp Hong Kong và phim cổ trang Trung Quốc thống trị tất cả các kênh truyền hình và tiệm băng đĩa ở Sài Gòn. Những đứa trẻ ở thời chúng tôi, có thể không biết Lý Thường Kiệt là ai, Quang Trung có họ hàng gì với Nguyễn Huệ, nhưng lại nhớ rất rõ Tào Tháo với Lưu Bị đánh nhau thế nào, biết rõ gia phả 3 đời nhà Càn Long, biết Võ Tắc Thiên, biết trận Xích Bích… Tới những năm 2000, khi phim truyền hình Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam, những đứa trẻ (và cả người lớn) đều say mê với Nàng Dae Jang Geum, Jumong, Heo Joon, lịch sử Hàn Quốc. Khi internet phát triển mạnh hơn, những trang web xem phim lậu miễn phí mọc lên như nấm, chúng tôi lại biết thêm những cái tên mới như Napoleon, Alexander Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn, Abraham Lincon, Nội chiến Mỹ, Thế chiến I, Thế chiến II, Takugawa, Mitsuhide, Thiên Hoàng Minh Trị… Nhưng nếu hỏi lại chúng tôi về lịch sử Việt Nam, không mấy người trong số chúng tôi còn nhớ.
Từ khi tôi còn học cấp 2, thế hệ 9X chúng tôi đã bị người lớn chỉ trích, mắng mỏ thậm tệ vì chúng tôi không biết nhiều về lịch sử nước nhà nhưng lại biết rõ lịch sử nước khác. Đến bây giờ, những đứa trẻ 2K, thế hệ đàn em của chúng tôi, cũng bị chỉ trích như vậy. Đáng buồn hơn, chúng tôi cũng đang chỉ trích chúng, y hệt như những gì người ta đã làm với chúng tôi 10 năm trước.
Thế nhưng, mọi người chỉ biết chỉ trích, nhưng chẳng ai chịu đứng lên, để giúp những đứa trẻ con ngốc nghếch ấy tìm ra lối thoát.
Khi còn đi học, tôi từng rất say mê với những câu chuyện, những giai thoại xoay quanh cuộc đời các nhân vật lịch sử đã từng có công rất lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lớn lên, học về làm phim, tôi nhận ra cách mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã khiến cả thế giới biết về lịch sử nước họ, đó là thông qua phim ảnh. Khi tôi xem phim điện ảnh Khát Vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trong Ninh lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, nhìn thấy cả một rạp chật kín cả người Việt và người nước ngoài đứng lên vỗ tay gần 5 phút sau khi phim kết thúc, tôi như vừa được nhìn thấy một thế giới mới vậy. Từ đó, tôi bắt đầu ấp ủ ước mơ làm phim cổ trang, để kể với mọi người trên thế giới này về những nhân vật và sự kiện lịch sử tuyệt vời đã xảy ra trên đất nước nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này.
Nhưng các nhà sản xuất và đạo diễn đã tát vào mặt tôi những cái tát vô cùng mạnh, vô cùng đau, một cách đầy thù ghét.
Tôi từng có cơ hội viết kịch bản phim truyền hình cổ trang. Đó là một ngày mùa xuân nắng đẹp cách đây vài năm, khi tôi gặp gỡ một đạo diễn phim truyền hình đang chuẩn bị làm phim điện ảnh đầu tay và cũng là phim điện ảnh cổ trang của anh ấy. Sau buổi trò chuyện và trao đổi đó, đạo diễn ấy đề nghị tôi viết cho anh ấy một kịch bản phim truyền hình cổ trang lấy bối cảnh thời Cần Vương chống Pháp. Tôi và hai bạn biên kịch cùng bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu và làm việc liên tục để hoàn thành toàn bộ đề cương cho một phim truyền hình cổ trang 60 tập chỉ trong vòng 3 tuần. Mọi người có thể nghĩ rằng “chỉ có 3 tuần thì làm sao có kịch bản chất lượng?”, nhưng nếu mọi người biết được rằng chúng tôi đã phải làm việc với cường độ tập trung cao và tốc độ xử lý các nội dung liên quan đến Sử học nhanh đến mức nào thì sẽ hiểu lý do tại sao chúng tôi có thể hoàn thành một bộ đề cương chỉn chu trong thời gian ngắn như vậy.
Đề cương gửi đi nhận được phản hồi khá tốt. Theo kế hoạch thì sau khi bộ phim điện ảnh hoàn thành thì chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc với đạo diễn để biên tập nội dung và viết kịch bản hoàn chỉnh. Nhưng rồi phim điện ảnh ra rạp nhận được phản hồi không tốt. Mọi chuyện rơi vào im lặng trong một khoảng thời gian dài. Câu chuyện của chúng tôi đã bị lãng quên. Chúng tôi cũng bị bỏ rơi như vậy.
Vài tháng sau đó, tôi nhận được lời mời đến gặp giám đốc sản xuất của một hãng phim truyền hình có tiếng. Trong buổi gặp đó, tôi có hỏi rằng hãng phim nghĩ thế nào về việc đầu tư vào phim truyền hình cổ trang/dã sử. Giám đốc sản xuất nhìn tôi trong giây lát và trả lời rằng họ đã từng đầu tư vào phim truyền hình cổ trang và nhận lấy thất bại thảm hại. Tôi biết bộ phim truyền hình được nhắc tới đó. Tôi cũng biết nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó. Và khi nhìn vào mắt của giám đốc sản xuất, tôi nhận ra còn một câu trả lời nữa mà chị ấy không nói ra: Nếu những biên kịch đã lên tới hàng thầy, cùng với những đạo diễn nhiều kinh nghiệm, mà còn làm phim không ra gì, thì một thanh niên còn chưa bước đến tuổi 30 làm sao có thể đáng để nhà sản xuất tin tưởng?
Khi hiểu được vấn đề đó, dù rất buồn,tôi cũng đành cất kịch bản cổ trang vào sâu dưới đáy tủ, khóa chặt nó lại.
Nhưng điều đó không có nghĩa là, tôi từ bỏ nó.
Sau sự việc đó, tôi có gặp vài biên kịch vào đạo diễn khác. Có biên kịch khẳng định chắc nịch rằng “Em mà bán được kịch bản cổ trang đó chị sẽ bỏ nghề”. Hình như giờ chị đó cũng bỏ nghề thật rồi, dù kịch bản tôi vẫn chưa bán được. Có đạo diễn từng làm phim hài nhảm chiếu rạp, người không phân biệt được giữa “phim dã sử” với “phim giả tưởng”, đã hỏi tôi rằng “Em nghĩ khán giả sẽ quan tâm Tôn Thất Thuyết là ai ư?” với giọng khinh thường. Cũng có những người ủng hộ tôi, nhưng tiếc là, họ không có đủ quyền lực và tài chính để có thể đưa kịch bản đó vào sản xuất.
Đầu năm 2015, tôi tham gia workshop 3 ngày giao lưu cùng đạo diễn Hàn Quốc Kim Han Min (Cung Thủ Siêu Phàm, Đại Thủy Chiến) do Hội Điện Ảnh tổ chức. Trong workshop đó, tôi nhận thấy rằng nhiều người làm phim ở Việt Nam không hề có kiến thức về làm phim thực sự. Họ hỏi một ông đạo diễn “đánh sáng thế nào”, “quay cảnh cưỡi ngựa ra sao”, “cảnh bắn tên vào người là kỹ xảo hay bắn thật”, “quay bằng phim nhưa gì”… nhưng tuyệt nhiên không thấy ai hỏi ông ấy đã gặp khó khăn thế nào trong quá trình làm nên hai bộ phim đó. Tôi có hỏi ông ấy một câu, rằng các nhà sử học đã nói gì về phim của ông, Kim Han Min đã trả lời tôi thế này “Cũng có những ý kiến phản đối, hỏi tôi rằng tôi lấy chứng cứ đâu chứng minh trận chiến trên biển ngày xưa hoành tráng đến vậy, tôi trả lời rằng, những người tham gia trận chiến ấy chết cả rồi”.
Trong vài năm trở lại đây, tôi chỉ im lặng và theo dõi. Sau khi “Dòng máu anh hùng”, “Thiên mệnh anh hùng” và gần đây nhất là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ra rạp, tôi nhận thấy nhiều điều tồi tệ lần lượt xuất hiện. Ba bộ phim do ba đạo diễn Việt kiều thực hiện, lẽ ra có thể trở thành động lực cho các đạo diễn Việt Nam dấn thân vào làm phim cổ trang, dã sử hay thần thoại. Nhưng không. Khi “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ra mắt, tôi nhìn thấy sự khinh bỉ, coi thường của không ít đạo diễn Việt nam đối với bộ phim. Họ cười cợt nội dung phim, họ bảo rằng đạo diễn làm phim cổ trang mà sai bét lịch sử (trong phim đó là phim thần thoại), họ chia sẻ những bài viết chê bai bộ phim với thái độ hả hê, thỏa mãn. Nhưng tất cả họ, chẳng ai dám làm một bộ phim cổ trang cho ra hồn thật sự cả. Không một ai trong số họ.
Có những biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất ở cả mảng phim truyền hình lẫn phim điện ảnh, thường xuyên chia sẻ lên facebook họ những bài viết lề trái chính trị, luôn tỏ ra bản thân yêu nước, ghét chế độ, ghét sự suy đồi xã hội, luôn muốn phát triển văn hóa, luôn tỏ ra bản thân là người nghệ sĩ với tinh thần dân tộc cao các kiểu. Nhưng sau khi chửi chế độ và tỏ ra yêu nước xong, họ sẽ quay trở lại làm phim hài nhảm, phim lấp sóng, phim mẹ chồng nàng dâu, những bộ phim mà nhìn vào chỉ thấy bất mãn xã hội chứ không hề có chút định hướng tư tưởng, nêu cao giá trị văn hóa, đạo đức xã hội nào.
Tôi xem khá nhiều phim Hàn Quốc. Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng “Ở Hàn Quốc, mục đích của điện ảnh là giải trí, còn mục đích của truyền hình là giáo dục”. Thật vậy. Hàn Quốc làm rất nhiều phim cổ trang, để giáo dục và nhắc nhở người dân nhớ về lịch sử nước họ. Cùng một vị vua, cùng một triều đại, họ có thể làm hàng chục phim với hàng chục góc nhìn khác nhau. Giống như Trung Quốc làm phim về Càn Long vậy. Người Hàn luôn nhắc nhở con em họ về lịch sử đất nước, dù lịch sử nước họ hèn yếu và kém cỏi hơn so với lịch sử Việt Nam nhiều. Nhưng họ vẫn làm, vì sao? Vì chỉ khi chúng ta nhận ra sai lầm từ lịch sử, chúng ta mới có thể tránh khỏi sai lầm tương tự và phát triển đất nước được.
Khi nhắc đến lịch sử, mọi người thường gắn nó với chính trị. Cũng đúng. Nhưng lịch sử không chỉ có chính trị. Lịch sử gắn liền với văn hóa, và chính cái đó là điều khiến lịch sử trở nên thú vị. Hàn Quốc, Trung Quốc làm phim lịch sử, phim cổ trang, phim dã sử, để giới thiệu với thế giới về văn hóa truyền thống của đất nước họ. Trung Quốc thành công. Hàn Quốc cũng thành công. Tại sao Việt Nam lại thành thụ?
Có người viện cớ rằng Việt Nam không làm được phim cổ trang. Vậy sao mấy đạo diễn Việt kiều làm được? Có người viện cớ rằng khán giả không thích xem phim cổ trang Việt Nam. Hãy thử nhìn doanh thu “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (phim thần thoại nhưng bị nhầm thành phim cổ trang) hoặc đi hỏi khán giả về “Đất Phương Nam”, “Ngọn nến hoàng cung” hay “Trò đời” thử xem. Không phải là khán giả không thích xem, mà là họ muốn xem những phim tử tế, làm phim không chỉn chu, tử tế, làm phim cẩu thả, bẩn thỉu xong kêu khán giả xem khán giả nào chịu?
Mỗi mùa hè đến, khi các kỳ thi cấp 3, Đại học bắt đầu công bố bảng điểm, khi số lượng thí sinh bị điểm 0, điểm 1 môn Sử được thống kê, báo chí bắt đầu chỉ trích tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ, thế hệ trẻ thì gào lên đòi xem phim cổ trang Việt Nam để học môn lịch sử dễ hơn, thì các đạo diễn đang làm gì ở đâu? Lướt facebook, share mấy bài báo chửi chế độ, và làm hài nhảm, rồi luôn mồm bảo rằng mình là thằng yêu nước nhất vũ trụ.
Mỗi lần xem phim cổ trang Hàn Quốc, tôi đều thấy rất buồn. Tôi buồn vì nhìn thấy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong từng câu thoại mà biên kịch áp đặt lên nhân vật. Tôi buồn vì đất nước tôi có thể làm được phim hay không thua kém gì nước họ nhưng chẳng ai chịu làm. Tôi buồn vì những người làm văn hóa lại thích ăn xổi ở thì, thích chơi gái trả tiền hơn cưới vợ. Và tôi tức giận vì những “thầy” đi trước đã làm ra những bộ phim quá tệ hại khiến các nhà sản xuất trở nên nghi ngờ và đóng sầm cánh cửa trước mặt những người đi sau.
Khán giả chưa bao giờ thật sự quan tâm bộ phim họ sẽ xem thuộc thể loại gì, kinh phí bao nhiêu, quay bằng máy gì, do ai đạo diễn. Nếu đó là một phim có nội dung tốt, hình ảnh sạch đẹp, khán giả sẽ xem.
Đó là cái cơ bản nhất.
Mỗi người đều có những sở thích khác nhau. Những người làm phim cũng vậy. Không phải nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch nào cũng thích và có đủ năng lực để làm phim cổ trang. Nhưng “điện ảnh là giải trí, truyền hình là giáo dục”. Người làm giáo dục không phải người cung cấp cái người ta muốn, mà là cung cấp cái người ta cần. Những nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch phim truyền hình, những người suốt ngày lên facebook thể hiện mình là nhà yêu nước, hãy chứng tỏ điều đó bằng việc làm phim cổ trang đi. Phim cổ trang là cách tốt nhất để giáo dục người dân về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, văn hóa, truyền thống. Đó cũng là cách tốt nhất để chống lại xâm lăng văn hóa từ ngoại bang. Những người tự cho rằng bản thân yêu nước, thì hãy thể hiện điều đó ra, bằng chính nghề nghiệp của các người. Chứ đừng mồm chửi chế độ, tay làm hài nhảm. Những kẻ như vậy, ghê tởm hơn cả bè lũ bán nước với kẻ thù ngoại bang.
Nếu không thể chứng minh lòng yêu nước bằng hành động, thì nên ngậm con mẹ nó mồm vào, chứ đừng có suốt ngày bô bô lên chửi chế độ xong ra làm những thứ video lấp sóng rác rưởi. Thối lắm.
©yooribae
⊕P/S: Bản thân tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người yêu nước, vì tôi vẫn chưa thể có đóng góp gì giúp phát triển đất nước và nâng cao nhận thức xã hội cả. Nhưng tôi rất khó chịu khi thấy những kẻ giả vờ yêu nước yêu nghề và làm băng hoại nền phim ảnh nước nhà. Nếu những kẻ đó có đọc được bài này, có đọc được những dòng này, thì nói thẳng luôn là không phải tôi không tôn trọng các người, mà chính các người đã có những hành động khiến tôi không thể nào tôn trọng. Tôi cũng chẳng sợ các người đâu. Vì những kẻ hèn nhát và thôi nát như các người chẳng có gì để người khác sợ cả. Các người chỉ khiến người ta muốn tránh xa vì quá bốc mùi thôi.
Đồng tình. Cứ làm phim tử tế và chỉn chu, làm cái mà ra rạp mình muốn xem lại đứa con mình hàng chục hàng trăm lần,… thì phim nào cũng thành công hết.
Nếu mọi nhà làm phim ở VN đều nghĩ được như vậy thì phim VN đã khác rồi. Đôi lúc mình cũng buồn vì chuyện này lắm.
Cám ơn tác giả nhiều. Chân thành cám ơn một bài viết hay và sâu sắc đến như thế.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^^
mình đang có 1 ý tưởng về phim thể loại chiến tranh, lịch sử, có ai muốn tham gia không ạ?
Chờ đó nha bạn blogger. Mình sẽ viết một tác phẩm điện ảnh cổ trang Việt Nam. Đơn giản những tác phẩm cổ trang không thể ngóc đầu lên nổi vì kịch bản không đủ sức thu hút, không có sự sáng tạo, trong khi đây là một mảng kén người xem, rất cần tâm huyết và chất xám. Đó là vấn đề chung và là vấn đề lớn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Vậy nên những dạng phim hài nhảm, xung đột thường ngày lại nhan nhản vì chúng dễ đi vào nhưng tuyệt nhiên không ngấm, khán giả Việt Nam bị đầu độc quá lâu nên chỉ muốn xem những thử dễ nuốt mà không cần nhai.
Trong 1, 2 năm tới, nếu bạn thấy một tác phẩm cố trang về lịch sử Việt Nam bùng nổ ở điện ảnh Việt Nam thì hãy gửi kịch bản phim truyền hình của bạn cho mình theo địa chỉ email này. Mình sẽ góp ý và chỉnh sửa giúp bạn.
Không biết chủ blog thì có biết được địa chỉ email của người phản hồi hay không nên mình để lại email buithithutuyen@gmail.com
À, bật mí với bạn, có thể nhà sản xuất của “bộ phim bùng nổ” ấy là Ngô Thanh Vân. Hiện tại thì mình ngắm được chị ấy phù hợp, sau này có thể thay đổi 🙂 🙂 🙂
Mình rất mong chờ bộ phim được làm từ kịch bản của bạn. Tuy vậy 1-2 năm cho một dự án điện ảnh cổ trang thì với góc độ sản xuất mình không nghĩ nó có thể đến nhanh như vậy. Nhưng mình vẫn mong chờ bộ phim có thể được hoàn thành thật sớm. Chúc bạn thành công ^_^
Mình học ở trường điện ảnh, mình còn nhớ cái hồi mình mới viết về nguyện vọng khi xin vào trường, suy nghĩ ngây thơ và đơn giản, chí hướng cũng cao lắm. Trong khi mọi người nói là bởi vì thích xem phim và giỏi văn thì mình đã viết là: Bởi vì tôi muốn thay đổi nền điện ảnh nước nhà, để cho nó xuất hiện những bộ phim vừa hay, vừa ý nghĩa, chứ không phải toàn là những bộ phim vừa hài nhảm vừa lố. Năm đầu tiên mình chỉ được xem những bộ phim lịch sử, chiến tranh việt nam, mới đầu mình thấy phim vừa cũ, vừa đen trắng, mình không thích lắm nhưng tò mò nên vẫn xem. Cho tới khi hết phim, điều duy nhất mình nghĩ là: “Lý do vì sao mà bây giờ việt nam mình không đầu tư làm những bộ phim hay như thế này nữa mà chỉ toàn phim hài nhảm?” Tại sao những bộ phim cổ trang trung quốc, phim lịch sử nước ngoài đầy người xem mà việt nam thì không có ? Mình nghĩ thứ nhất vì thói quen của người xem phim, họ đã quen xem những bộ phim như vậy, thứ hai là sự đầu tư về hình ảnh và màu sắc, thứ ba là cốt truyện mới, thứ tư nước ta cũng không phải giàu, phim hài rất dễ kiếm người xem, kiếm được tiền, những phim lịch sử lại tốn rất nhiều kinh phí, mà chưa chắc người xem đã quan tâm.
Mình từng tiếp xúc với một số đạo diễn, nhà sản xuất, nhà đầu tư. Trong đó cũng có những người có tên tuổi trong giới. Gần như mọi người đều có chung suy nghĩ rằng: Khán giả không quan tâm phim lịch sử (hay phim cổ trang, dã sử…) Thực tế thì khán giả không quan trọng thể loại bạn làm là gì, họ chỉ quan trọng câu chuyện bạn muốn kể, trải nghiệm bạn mang tới cho họ ra sao. Mình chưa từng thấy cảnh khán giả vỗ tay sau khi xem xong phim hài, nhưng từng thấy cảnh khán giả vỗ tay rất lâu sau khi xem xong phim Khát Vọng Thăng Long. Khán giả Việt Nam vẫn muốn xem phim liên quan đến lịch sử, chỉ là những người làm phim không đủ năng lực để làm ra một phim lịch sử/cổ trang/dã sử cho đàng hoàng; vậy nên họ phải đổ lỗi cho Cục điện ảnh hay đổ lỗi cho khán giả đại chúng. Tất nhiên, đổ lỗi vẫn dễ hơn thừa nhận bản thân không đủ năng lực ^_^
Nếu có thời gian, bạn có thể xem phim Cung Thủ Siêu Phàm của đạo diễn Kim Han Min và tìm hiểu về quá trình thực hiện bộ phim. Bộ phim có kinh phí không cao, nhưng nhờ kịch bản tốt, mà từ đó đạo diễn Kim Han Min được cấp vốn làm phim Đại Thuỷ Chiến trong 3 năm sau đó, bộ phim vẫn đang đứng đầu xếp hạng ở Hàn Quốc đến thời điểm này.
Tôi sẽ cố gắng ,là sao để có thể mở được hãng phim cho riêng mình. Và lúc đó, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để lần đầu tiên Việt Nam mang những bộ phim tầm vóc Holly Wood. Tôi sẽ cố! Tuy lớn lắm nhưng đâu phải ko làm đc . Tin tưởng và hy vọng lên nào!
Mong chờ phim bạn ^_^
“Trung Quốc thành công. Hàn Quốc cũng thành công. Tại sao Việt Nam lại thành thụ?”
Thích lối hài hước của anh!! 🤣🤣
Đọc lại bài này vẫn thấy rất ưng. Cảm ơn bạn đồng chí hướng. Ko biết có cơ hội cùng nhau làm ra được gì giá trị ko. Nhưng ko trở thành những kẻ ăn xổi mà thối mồm như bài viết nhắc đến đã là một sự đóng góp cho xã hội rồi. Chỉ chúc nhau kiên nhẫn và may mắn trên con đường khó đi và nhiều rác, mảnh sành mảnh chai này.