[Kịch bản 101] #18: Viết kịch bản từng bước một

Xin chào, Kịch bản 101 đã trở lại đây!

Mùa hè đã bắt đầu được một thời gian. Tôi nhận ra điều này khi nhiệt độ trong nhà bắt đầu tăng cao và chỉ cần bước ra khỏi tầm quay của cây quạt là người tôi tự động đổ mồ hôi như tắm. Thời tiết này tôi thiệt sự, thiệt sự chỉ muốn vứt hết mọi thứ và trốn đi đâu đó mát lạnh như Đà Lạt thôi. Tiếc thay, không phải lúc nào mọi chuyện cũng được như ý muốn.

À mà đó không phải là chủ đề chính của ngày hôm nay.

Mùa hè đến, cũng là mùa các cuộc thi tìm kiếm kịch bản diễn ra. Bên cạnh đó, nhiều hãng phim, nhà sản xuất, đạo diễn cũng bắt đầu chuẩn bị cho mùa phim cuối năm nay và đầu năm sau. Nhu cầu nhiều, nguồn cung còn nhiều hơn, nhưng nguồn cung chất lượng thì không phải năm nào cũng có. Dù hiện nay có không ít khóa học viết kịch bản từ cơ bản tới nâng cao, nhưng không hiểu vì sao vẫn có nhiều bạn inbox tôi để hỏi về việc một bộ hồ sơ kịch bản tiêu chuẩn gồm những gì? OK vấn đề này quan trọng, nhưng còn một vấn đề khác quan trọng hơn, đó là: Bạn đã biết gì về quy trình viết kịch bản chưa?

Không ít người nghĩ rằng, viết kịch bản thì có gì khó, tất cả trong đầu sẵn rồi, chỉ cần viết ra giấy hoặc đánh máy là xong. Tôi nghĩ hơi buồn cho giáo viên môn Văn của mấy người đó.

Hồi còn nhỏ, khi học môn Văn, giáo viên luôn dạy là phải lập dàn ý rõ ràng trước khi làm bài. Một bài văn vài trang đã phải làm như vậy, huống chi một kịch bản phim hàng trăm trang giấy?

Để viết một kịch bản phim, không chỉ đơn thuần là nghĩ tới đâu lên Celtx đánh máy tới đó. Đánh máy kịch bản là công đoạn được thực hiện gần như cuối cùng, sau hàng loạt bước chuẩn bị trước đó.

Vậy có bao nhiêu bước cần thiết để tạo nên một kịch bản hoàn chỉnh? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:

CÁC BƯỚC ĐẾN KỊCH BẢN

  • Ý tưởng – Câu chuyện (Idea – Story)

Mọi câu chuyện phim đều bắt đầu từ một (hoặc vài) ý tưởng. Ý tưởng của bạn bắt đầu thế nào, kết thúc ra sao, tất cả nằm ở trí tưởng tượng của bạn. Khi ý tưởng hình thành và dần trở nên rõ rệt hơn, bạn bắt đầu phác thảo nó thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Bạn có ý tưởng rồi, nhưng làm sao để viết ra giấy? Xem ngay

Typewriter What is Your Story
Câu chuyện của bạn là gì?
  • Nghiên cứu (Research)

Nhiều người thường bỏ qua giai đoạn này. Nghiên cứu là một công đoạn quan trọng và tối cần thiết để làm câu chuyện của bạn trở nên vững chắc. Bạn cần nghiên cứu những gì? Tất cả những gì liên quan đến câu chuyện của bạn. Nếu câu chuyện của bạn diễn ra ở một nhà hàng, bạn cần nghiên cứu, tìm hiểu về thiết kế và cách một nhà hàng hoạt động. Nếu nhân vật của bạn bị trầm cảm, làm ơn tìm tài liệu y khoa hoặc tham vấn chuyên gia tâm lý về tất cả những gì liên quan tới trầm cảm. Google có ích, nếu bạn biết cách khai thác và chọn lọc thông tin từ nó. Mọi thông tin bạn đọc trên Kênh 14 cần phải được kiểm chứng, cũng như đừng quá tin vào VTV hay BBC. Kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tốt nhất là tìm tới những nguồn chính thống. Quan trọng nhất là đừng cố tình xuyên tạc hay bóp méo bất kỳ điều gì chỉ để câu chuyện của bạn có vẻ thu hút hơn. Nếu bạn không thể kiểm soát tuyệt đối những thông tin bạn đưa ra, tốt nhất hãy gạch bỏ nó.

vuasutu_hvxw.jpg
Một trường hợp đáng buồn vì thiếu nghiên cứu đầy đủ sử liệu
  • Cốt truyện (Synopsys)

Sau khi đã nghiên cứu và có đủ dữ liệu để phát triển câu chuyện của bạn, tới lúc này bạn sẽ bắt đầu viết lại câu chuyện của bạn một cách rõ ràng và hoàn thiện hơn. Vậy cốt truyện khác gì với câu chuyện? Câu chuyện thường được kể theo trình tự tuyến tính thời gian nhất định, nhưng cốt truyện thì không như vậy. Cốt truyện miêu tả khái quát diễn biến bộ phim từ đầu đến cuối theo cấu trúc và thứ tự các tình huống chính diễn ra trong phim. Có thể xem cốt truyện như một bản tóm tắt truyện phim, dài khoảng 10-20 trang (với phim điện ảnh), giúp người đọc có thể hình dung nội dung và diễn biến chính của bộ phim.

Cấu trúc cơ bản của một bộ phim là gì? Xem ngay

cấu trúc kịch bản

  • Chủ đề – Tiền đề

Lại một công đoạn khác hay bị bỏ qua. Xác định Chủ đề – Tiền đề của phim không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng việc xác định chính xác Chủ đề – Tiền đề của phim giúp bạn có thể kiểm tra tính chặt chẽ và đồng bộ xuyên suốt về nội dung phim, cũng như hiểu rõ hơn cuối cùng thì kịch bản của bạn muốn nói về cái gì.

Bạn quên mất Chủ đề – Tiền đề là cái quái gì? Xem ngay

11

  • Hồ sơ nhân vật (Character Profile)

Phần này thì không ai bỏ qua được rồi, nhưng hầu hết mọi người làm hồ sơ / lý lịch nhân vật khá sơ sài. Thường thì hồ sơ nhân vật trong mấy bộ kịch bản mẫu chỉ có 5 dòng:

  1. Họ tên (giới tính, tuổi)
  2. Ngoại hình
  3. Nghề nghiệp
  4. Tính cách
  5. Mối quan hệ với mấy nhân vật khác

Nhiều bạn khi đọc mấy cái này sẽ nghĩ là “Ồ, hóa ra chỉ cần ghi nhiêu đó là đủ”. KHÔNG! 5 dòng đó là người ta ghi cho biên tập với đạo diễn, ekip đọc, chứ không phải bản gốc của biên kịch. Biên kịch mà xây dựng hồ sơ nhân vật chỉ với 5 dòng đó thì 100% là nhân vật sẽ cực kỳ nông cạn và dễ dẫn tới hành động không chặt chẽ, khiến kịch bản lủng củng, yếu ớt ngay.

Vậy phải xây dựng hồ sơ nhân vật như thế nào? Xem ngay

Characters

  • Đường dây (Outline)

Rất ít người chịu làm khâu này. Tôi không biết vì sao? Nhưng với tôi, Outline và Treatment là hai công đoạn quan trọng nhất trong quá trình viết. Bởi nếu Outline bạn chắc chắn, bạn sẽ viết (và sửa) kịch bản rất dễ dàng. Còn nếu bạn bỏ qua Outline và đi thẳng từ Synopsys tới Screenplay (Kịch bản), mà nhiều người thậm chí còn đi thẳng từ Idea ra Screenplay luôn, thì tới lúc kịch bản của bạn có vấn đề, bạn sẽ không biết phải sửa từ đâu và sẽ mất nhiều nhiều nhiều nhiều thời gian hơn nữa để viết lại từ đầu.

Nhiều ý kiến cho rằng Outline giống Synopsys, nhưng thực tế, Synopsys có nhiệm vụ giới thiệu khái quát truyện phim, kích thích người đọc tò mò muốn xem hết nội dung chi tiết phim. Outline có thể dài từ 20 đến 60 trang, là bản miêu tả nội dung truyện phim theo thứ tự diễn biến xảy ra mà không bao gồm thoại. Outline thường được thể hiện như những gạch đầu dòng, mà mỗi gạch đầu dòng tương đương một cảnh / trường đoạn.

*Lưu ý: Ngoài kịch bản ra, Synopsys, Outline và Treatment không được viết thoại.

  • Đề cương (Treatment)

Đề cương (Treatment) là một bản đề cương chi tiết hơn của Outline, với mỗi phân cảnh được miêu tả chi tiết trong một đoạn văn. Đoạn văn dài hay ngắn tùy thuộc vào nội dung cảnh quay. Dựa vào độ dài của đoạn văn, biên kịch có thể ước tính được thời lượng của mỗi cảnh. Treatment có độ dài từ 45-90 trang, đôi khi có thể hơn. Nhưng cũng như Synopsys và Outline, Treatment không viết thoại.

Vậy nếu cần ghi chú lời thoại trong Treatment thì sao?

Treatment là bước gần cuối trước khi chuyển sang công đoạn đánh máy kịch bản, vậy nên trong công đoạn này, biên kịch thường muốn ghi chú lời thoại vào, đề phòng tới lúc viết kịch bản bị quên. Tôi từng gặp tình huống này và hãy yên tâm rằng sau khi bạn viết outline tập 30 xong, bắt tay vào viết kịch bản tập 1 rồi nhận ra bạn không nhớ trong cảnh quan trọng nhất tập 1 hai nhân vật chửi nhau như nào thì bạn sẽ hối hận vài tuần vì đã quên ghi chú nội dung đối thoại vào Treatment đó.

Tất nhiên, trong Treatment , bạn không cần phải ghi toàn bộ lời thoại vào. Nhưng nếu có câu thoại quan trọng bạn muốn ghi lại, bạn có thể thể hiện câu thoại đó như một câu tường thuật.

Ví dụ:

Thoại là: Nam nói với Quân: Tôi yêu anh!

Trong Treatment bạn có thể ghi là: Nam nói với Quân rằng Nam yêu Quân.

Điều cần lưu ý trong Treatment , đó là hãy cố gắng ghi lại càng đầy đủ chi tiết càng tốt, vì bộ não cá vàng của bạn sẽ không thể nhớ hết toàn bộ nội dung 750 trang kịch bản phim truyền hình đâu.

Cấu trúc câu trong kịch bản

  • Kịch bản – Bản thảo đầu tiên (First Draft)

Sau khi đã xác định được Chủ đề – Tiền đề, chỉnh sửa lại nội dung Đề cương bám sát với Chủ đề – Tiền đề và chốt Đường dây truyện phim, giờ là lúc bạn có thể mở máy tính lên, vào Celtx và bắt đầu đánh máy kịch bản.

Bạn chưa biết sử dụng Celtx? Xem ngay

Đây là công đoạn cần sự tập trung liên tục trong một thời gian dài, vậy nên hãy mặc một bộ đồ thật thoải mái, chuẩn bị một lý cafe lớn cùng đồ ăn vặt ngay bên cạnh, nhớ đi tè trước khi bắt đầu và nếu được thì nên quấn thêm cái tã để đỡ phải đứng lên đi lại nhiều lần mất tập trung trong lúc đang đánh máy tới đoạn hưng phấn.

  • Chỉnh sửa và viết lại

Sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên (First Draft), đừng dại dột gửi kịch bản của bạn cho bất kỳ ai. Đã có nhiều biên kịch sai lầm khi gửi First Draft đi trong tình trạng hưng phấn cao độ mà không kiểm tra lại để cuối cùng nhận về vô vàn chỉ trích từ đạo diễn và nhà sản xuất cho những lỗi nhỏ mà trong lúc viết vội để còn đi tè biên kịch bỏ qua không để ý tới.

NHỚ, ĐỪNG GỬI FIRST DRAFT ĐI NẾU KHÔNG MUỐN BỊ CHỬI SẤP MẶT!

Sau khi viết xong bản thảo đầu tiên, hãy gửi ngay một bản copy lên Email hoặc Driver của bạn. Bên cạnh đó, hãy in kịch bản ra giấy, để lên bàn, kiếm cái gì chặn lại cho khỏi bay, rồi đi ngủ. Nghỉ ngơi một ngày (hoặc một năm nếu muốn), để đầu óc bạn được thư giãn, thoải mái và tỉnh táo. Sau đó, bắt đầu ngồi xuống, đọc kịch bản một cách từ tốn và dùng bút đỏ gạch bỏ, chỉnh sửa bất kỳ chỗ nào cảm thấy không ổn. Đừng đụng tới máy tính. Hãy làm tất cả trên kịch bản giấy. Bạn không chỉ sửa một lần, mà phải sửa tới khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn ổn mới thôi.

quy trình viết kịch bản

  • Kịch bản hoàn thiện

Giờ thì bạn đã có trong tay bản chỉnh sửa trên giấy cuối cùng, hãy mở Celtx lên, tạo một bản copy của kịch bản gốc (nhớ đổi tên), rồi chỉnh sửa kịch bản trên bản copy đó, hoặc viết lại hoàn toàn nếu First Draft quá tệ.

Sau khi làm xong, hãy up file lên Email hoặc Driver, in ra một bản, đi ngủ, sáng hôm sau dậy đọc lại.

Nếu lúc này bạn thấy kịch bản đã OK, hãy chuẩn bị hồ sơ để gửi đi. Nếu lại thấy chưa ổn, cứ sửa tiếp.

Đừng ngại tốn giấy. Bán cái kịch bản mấy trăm triệu mà ngại tốn cỡ trăm ngàn tiền giấy nghe có hơi kỳ không?

  • Đóng gói và gửi đi

Wow, xin chúc mừng! Giờ thì kịch bản của bạn đã hoàn thành, bạn có thể đóng gói và gửi kịch bản đến với các nhà sản xuất và đạo diễn mà bạn có thể liên hệ được rồi.

Ủa mà khoan? Vậy tui phải gửi cái gì đi?

Chắc chắn là bạn không gửi hết mấy ngàn trang bản thảo và tài liệu đi rồi. Chẳng ai có đủ kiên nhẫn đọc hết cả. Chưa kể là nếu bạn gửi hết bản thảo gốc đi thì có nguy cơ bạn sẽ bị ăn cắp kịch bản nữa.

Vậy bạn phải gửi cái gì đi? BẢN TÓM TẮT NỘI DUNG.

Nếu bạn đã từng có cơ hội xem qua những bộ đề cương phim được gửi đến các hãng phim và nhà đài, bạn sẽ thấy rằng những bộ hồ sơ đó rất ngắn gọn. Nhiều bạn mới vào nghề chưa biết gì, sau khi xem xong những bộ hồ sơ đó liền nghĩ rằng “À, ra là chỉ cần viết ngắn gọn như vậy!”. Kết quả là các bạn làm đề cương của các bạn mỏng manh, rời rạc, tới lúc phát triển ra kịch bản thì rối tung rối mù lên mà bạn mãi không hiểu vì sao mình làm giống người ta mà người ta được chọn còn mình làm hoài không xong.

Đó là bởi vì cái mà bạn nhìn thấy, chỉ là trailer, không phải bản full hoàn chỉnh.

HỒ SƠ ĐỀ CƯƠNG VÀ KỊCH BẢN PHIM GỬI ĐI

Gửi đợt 1: Đề cương và lý lịch nhân vật

Bạn có thể viết tất cả những phần này vào cùng một file Words nha, đừng làm nhiều file. Nhớ trang trí đơn giản, đừng màu mè hoa lá hẹ quá. À đừng gửi PDF, nhiều hãng phim tiền tỷ mà phòng biên tập không có nổi cái máy tính xem được file PDF nên là cứ gửi file Words qua Email là được rồi.

  • Trang bìa: Tên phim, thể loại, thời lượng (thời gian x số tập), tên biên kịch.
  • Ý tưởng: Viết 3-5 dòng giới thiệu sơ lược nội dung phim.
  • Chủ đề: Ý được hiểu ở đây là tagline, nghĩa là viết một câu chém gió về bộ phim.
  • Giá trị nghệ thuật: Chém gió khoảng 3 đoạn, mỗi đoạn 2-3 dòng, nhớ chèn thêm câu “Có giá trị nhân văn sâu sắc” để lấy cảm tình kể cả khi kịch bản của bạn chỉ là sitcom thuần hài nhảm.
  • Đề cương: Hãy hiểu rằng ý ở đây là “Tóm tắt đề cương”. Bạn phải tóm tắt Synopsys của bạn trong khoảng 3-4 trang A4, không nên hơn, vì hơn 4 trang biên tập thấy dài sẽ không muốn đọc.
  • Lý lịch nhân vật: Vâng, đây chính là phần tóm tắt lý lịch nhân vật mỗi người 5 dòng trong truyền thuyết. Bạn cần nêu ra lý lịch nhân vật chính, thứ chính, phụ, các nhân vật quan trọng có tên, trừ quần chúng. Nếu phim bạn quá nhiều nhân vật thì nếu tối đa 12-15 mạng là đủ rồi.
  • Đề cương phân tập (trong phim truyền hình): Đối với phim truyền hình, phần “Đề cương” sẽ có tên là “Đề cương tổng quát”, nghĩa là tóm tắt toàn bộ nội dung 30 tập phim trong 4 trang A4. Kinh khủng đúng không? Khó làm quá đúng không? Bất mãn đúng không? Biết sao giờ? Mỗi ngày có cả ngàn kịch bản gửi tới, cái nào cũng vài ngàn trang ai đọc nổi? Nên là phải tóm tắt ngắn gọn lại. Mà đừng lo, bạn còn “Đề cương phân tập”, nghĩa là tóm tắt ngắn gọn nội dung 45 phút của tập phim trong một trang A4, 30 tập 30 trang. OK muốn chửi gì chửi đi tôi không can.

    Gửi đợt 2: Kịch bản

  • Đừng gửi kịch bản đi khi bạn chưa có hồi âm chính thức bằng văn bản về kết quả của việc gửi đề cương.
  • Lưu kịch bản dưới dạng file PDF nếu bạn viết bằng Celtx. Chỉ gửi file PDF đi. Đừng gửi file Celtx trước khi nhận đủ 100% tiền nhuận bút kịch bản. Hãy yên tâm là nếu máy tính hãng phim không xem được file PDF thì cũng không có đường nào xem được file Celtx đâu. Mà mấy hãng kiểu đó tốt nhất nên né xa. Phần mềm xem file PDF free trên mạng đầy ra còn không tải về được thì tiền đâu trả nhuận bút tử tế cho biên kịch? Hoiz.

maxresdefault (4)


KINH NGHIỆM CÁ NHÂN

Đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi không khuyến khích bạn bắt chước theo khi chưa thực sự thành thục cấu trúc ba hồi và các kỹ thuật kể chuyện trong viết kịch bản phim.

Thông thường, tùy theo từng dự án mà tôi có quy trình làm việc khác nhau.

Khi viết phim ngắn với nội dung đơn giản, thời lượng từ 5-10 phút, tôi hay đánh máy kịch bản ngay sau khi có ý tưởng. Với thời lượng ngắn như vậy việc kiểm soát nội dung, cấu trúc cũng dễ dàng hơn.

Với phim ngắn tầm 20 phút hoặc webdrama, tôi thường viết thẳng ra treatment sau khi có ý tưởng. Đường dây tôi viết chi tiết và chèn thêm những câu thoại cần thiết nếu cần. Như vậy sau này khi sắp xếp nội dung và đánh máy kịch bản sẽ tiện và nhanh hơn.

Với những dự án có thời lượng dài như drama hay movie, tôi thường tuân thủ đúng quy trình:

Ý tưởng→ Câu chuyện→ Chủ đề – Tiền đề → Cốt truyện → Nhân vật → Đường dây → Đề cương → Kịch bản → Sửa và viết lại → Hoàn thành.

Bởi vì kịch bản càng nhiều trang, bạn càng khó kiểm soát toàn diện. Vậy nên cố gắng làm tốt từng bước một, sẽ giúp bạn đỡ nhọc công về sau.

Thông thường, trong suốt quá trình, tôi có xu hướng phác thảo chi tiết cho từng cảnh quay, tức là gần như viết luôn ra kịch bản. Cách này khá mất thời gian, cũng như đòi hỏi bạn phải có tư duy hình ảnh đủ để đi thẳng ra kịch bản chi tiết cảnh quay mà vẫn đảm bảo không trật nhịp với những cảnh còn lại.

Mà viết thì viết chứ tới cuối cùng cần sửa vẫn phải sửa thôi.

hqdefault


NGOÀI LỀ

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ BẢN QUYỀN KỊCH BẢN

Đây là vấn đề không nhiều người hiểu rõ ở Việt Nam. Luật Bản Quyền thực ra không có đến nỗi phức tạp như mọi người nghĩ. Cá nhân tôi thấy đó là bộ Luật mỏng gần như nhất trong các bộ Luật hiện giờ rồi. Dù không phải ai cũng là Luật sư, nhưng không có nghĩa là không thể nào hiểu được hai vấn đề “Quyền Tác Giả” và “Bản Quyền Tác Phẩm” một cách đơn giản nhất.

  • Quyền tác giả:

Đối với tác phẩm viết, Quyền tác giả được xác lập ngay từ thời điểm tác phẩm được viết ra dưới bất kỳ hình thức nào (viết ra giấy hay đánh máy…). Nghĩa là ngay lúc bạn đặt bút viết truyện phim ra là bạn đã được xác lập Quyền tác giả rồi, không nhất thiết phải Đăng ký bản quyền. Nếu bạn muốn đảm bảo chắc ăn, thì có thể đi đăng ký bản quyền đồng thời gửi ngay mọi thứ bạn viết ra lên email để lưu giữ chứng cứ.

Đó cũng là lý do tôi khuyên biên kịch nên viết ra giấy. Bản thảo trên giấy giúp giữ quyền lợi của bạn tốt hơn nếu cáo tranh chấp hay kiện tụng xảy ra.

  • Bản quyền tác phẩm:

Một vấn đề khác về Quyền tác giả hay bị hiểu lầm là: Nếu bạn bán kịch bản cho Hãng phim, Hãng phim sẽ giữ toàn quyền với kịch bản, dù cho họ có thay đổi, chỉnh sửa hay để nó dưới tến biên kịch khác thì bạn cũng không có quyền lên tiếng.

Thực tế thì khi bạn bán kịch bản cho Hãng phim, là bạn trao cho họ “Quyền khai thác tác phẩm”. Còn tên tác giả cho đến hết 70 năm sau khi bạn chết thì vẫn là bạn, không ai có quyền thay thế, trừ trường hợp bạn là biên kịch ma viết dưới tên người khác. Nên hãy yên tâm là hãng không có quyền dùng kịch bản của bạn mà lại để tên người khác. Nếu hãng cố tình làm thế thì nhớ thuê Luật sư giỏi, thu thập chứng cứ, kiện một vụ ra trò lấy tiền nghỉ hưu sớm cho khỏe.

Tóm lại, cứ yên tâm là bản quyền kịch bản của bạn được xác lập tự động từ lúc bạn bắt đầu viết đề cương. Còn lỡ bạn có bị ăn cắp ý tưởng, thì phải ráng kiện tới cùng, thuê Luật sư chơi lớn vào, chứ đừng mong chờ cộng đồng mạng sẽ giúp được gì cho bạn.

©yooribae

35 Replies to “[Kịch bản 101] #18: Viết kịch bản từng bước một”

  1. Woww lâu rồi mới thấy bài mới trên blog của anh <3 <3
    Em không phải người trong giới, cũng không có ý định gia nhập giới, chỉ là rất có hứng thú với điện ảnh thôi, nên em xin hỏi ngu một câu này, mong anh không chê cười ạ:
    Em muốn hỏi là với những phim thể loại, có cốt truyện rõ ràng thì có thể xây dựng kịch bản mấy hồi như anh viết bên trên, vậy những phim không có cốt truyện rõ ràng thì tác giả xây dựng kịch bản kiểu gì ạ? Gần đây em có xem phim Bi ơi đừng sợ (Phan Đăng Di) và Homostratus (Síu Phạm) đều là hai phim không có cốt truyện kiểu tuyến tính liền mạch thông thường. Em rất thắc mắc làm sao mà người ta nghĩ ra được những phim như vậy, anh có thể giải đáp một chút không ạ? Em cảm ơn anh ạ.
    Mong các bài viết tiếp theo của anh ạ!

    1. Cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^
      Anh chưa xem phim Homostratus, nhưng Bi, đừng sợ là một phim vẫn có cấu trúc ba hồi rất rõ ràng nha em. Nếu em xét một cách đơn giản ba hồi gồm Giới thiệu vấn đề – Phát triển vấn đề – Giải quyết vấn đề thì có thể thấy Bi, đừng sợ có tuân thủ cấu trúc ba hồi đầy đủ. Còn việc làm sao người ta nghĩ ra được những phim như vậy thì chắc phải có một bài riêng để giải thích. Cảm ơn em ^_^

  2. Anh ơi, mỗi mục gửi đợt 1 là ứng với một trang ạ?
    Anh có thể chia sẻ thêm về vấn đề bản quyền với nhưng hãng phim uy tín lẫn địa chỉ để gửi được không ạ? Mình chỉ có thể gửi trực tiếp hay là cũng có thể gửi mail.
    Em nghe nói về bản quyền cũng mong manh lắm, người ta có thể dễ dàng lấy ý tưởng nếu người ta có ý đồ nên mong anh tư vấn ạ.

    1. Chào bạn, mỗi mục gửi đi trong đợt 1 có độ dài phụ thuộc vào nội dung của từng mục. Mình có ghi rõ trong bài, bạn có thể xem lại nha.
      Về vấn đề bản quyền, bạn nên gửi qua email chính thức của hãng phim để có chứng cứ xác lập bản quyền về sau.
      Theo Luật Bản Quyền thì khi bạn viết ra giấy hay đánh máy thì quyền tác giả của bạn đã được xác lập. Tuy nhiên hiện nay cũng có không ít đối tượng xấu lăn cắp ý tưởng. Theo Luật thì bạn có thể kiện, nhưng thực tế thì có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Luật không bảo vệ ý tưởng, chỉ bảo vệ sản phẩm đã thành hình; vậy nên trong bài viết mình có chia sẻ về một số cách thức để bạn có thể tự bảo vệ bản thân. Nhưng hãy nhớ rằng, phần lớn ý tưởng của bạn đều dựa trên những gì đã có sẵn trong văn minh nhân loại ít nhất là 2500 năm trở lại đây, chứ gần như không có ý tưởng nào trên thế giới này là original cả. Vậy nên cách tốt nhất để bảo vệ ý tưởng của bạn, với tư cách biên kịch, là hãy viết ra một kịch bản thật tốt, một câu chuyện chỉ mình bạn kể ra được, một câu chuyện hoàn hảo và tuyệt vời nhất. Đó là cách duy nhất, và tốt nhất, mà một biên kịch có thể làm để bảo vệ kịch bản của bản thân.

  3. Thật tuyệt khi tìm thấy trang web của bạn. Cảm ơn bạn vì những chia sẻ tuyệt vời này. Chúc bạn năm 2019 thành công và viết nhiều bài hay nữa 😀 .

  4. Anh ơi một kịch bản điện ảnh có giá khoảng bao nhiêu ạ?bí quyết để thương thảo giá kịch bản giữa biên kịch với nhà sản xuất là như thế nào ạ?

    1. Chào Thủy, cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^
      Một kịch bản điện ảnh trên thị trường hiện nay không có giá cố định, mà phụ thuộc nhiều vào năng lực, tên tuổi và giá trị của biên kịch. Tuy nhiên, giá tối thiểu của một kịch bản điện ảnh thường sẽ không dưới 100 triệu. Tất nhiên, em sẽ nghe đâu đó vài trường hợp phá giá, kiểu như kịch bản 50 triệu hay viết free lấy tiếng. Như Joker Nolan từng nói: “Nếu bạn giỏi thứ gì, đừng làm thứ đó miễn phí”. Làm free lấy tiếng hay giảm giá làm quen là cái bẫy hủy hoại sự nghiệp biên kịch cũng như cho thấy sự thiếu tôn trọng kịch bản của cả người bán lẫn người mua. Một kịch bản điện ảnh thực tế mất từ 6 tháng đến nhiều năm để hoàn thành (tùy theo số lần chỉnh sửa), nên nếu kịch bản dưới 100 triệu thì biên kịch sẽ không đời nào đủ chi phí để duy trì sự sống tới ngày kịch bản hoàn thành. Tuy nhiên, nếu em viết theo nhóm hoặc viết kịch bản dựa trên đề cương có sẵn của người khác, số tiền em nhận được có thể ít hơn, bởi một hay nhiều phần việc đã được hoàn thành bởi người khác. Cái này có thể hiểu mà, đúng không?
      Về bí quyết thương thảo giá, thực ra khá đơn giản: Tôn trọng lẫn nhau và hiểu rõ bản thân. Người bán luôn muốn giá cao còn người mua luôn muốn giá tốt, vậy nên hai bên cứ thảo luận trực tiếp, rõ ràng và lịch sự để có thể đưa ra mức giá phù hợp. Đương nhiên, mỗi người sẽ có cách làm khác nhau. Nhưng trước hết, em phải chứng minh cho khách hàng thấy là em biết viết cũng như biết cách làm cho truyện phim lôi được khán giả ra rạp. Biên kịch phải tìm cách thu hút khán giả ra rạp bằng chính câu chuyện, kịch bản của mình, chứ không phải đặt hy vọng vào danh hài hay scandal nào cả. Và đừng quên, tôn trọng khán giả đầu tiên, rồi đến nhà sản xuất. Đến cuối cùng, đồng tiền em kiếm được đến từ khán giả, chứ không phải mấy vị dealer.
      Hãy viết thật hay và bán được kịch bản giá tốt nhé! Fighting!!!

  5. Mình chưa hiểu đc về nội hàm nội dung cơ bản của 1 kịch bản cụ thể mà từ đó đạo diễn có thể dàn dựng được. Xin bản chỉ giáo ạ

  6. Đầu tiên là cảm ơn Yoori rất nhiều. Mình phải nói là chuyên mục “Kịch bản 101” này đã giúp mình hiểu ra được nhiều điều về việc biên kịch hơn. À, Yoori cho mình hỏi, đối với phim truyền hình ấy, những cái như Synopsys , Outline và Treatment thường dài bao nhiêu vậy?

    1. Chào Vương, cảm ơn Vương đã ủng hộ blog ^_^ Đối với phim truyền hình, phần Synopsys (Đề cương tổng quát) và Treatment theo tập (Đề cương phân tập) khi gửi cho nhà sản xuất thường là bản tóm tắt, trong đó Đề cương tổng quát khoảng 8-10 trang (cho 30 tập), Đề cương phân tập dài khoảng 1 trang A4/tập; font Arial, size 12, cách dòng 1,5. Tuy nhiên, đó là đối với bản toám tắt gửi đi, còn khi bạn viết cho bản thân thì nên viết càng đầy đủ chi tiết càng tốt (không giới hạn số trang). Vì quá trình duyệt kịch bản phải chờ đợi khá lâu (từ vài tuần đến vài tháng) nên khi viết đề cương kịch bản cho bản thân bạn viết càng kỹ thì quá trình viết kịch bản sau đó sẽ dễ dàng hơn, thay vì bạn phải ngồi nhớ lại xem hai năm trước tại sao bạn lại nghĩ ra tình huống đó. Nếu được thì bạn nên hoàn thành luôn kịch bản chi tiết, để khi đề cương được duyệt thì bạn có sẵn kịch bản hoàn chỉnh để bán luôn. Với lại gần đây có một số hãng phim, nhà đài chỉ mua kịch bản đã hoàn thành 100%, nên viết ra kịch bản chi tiết trước khi mang bán cũng tiện hơn cho bạn.

  7. Cảm ơn Yooribae, bài đọc rất hữu ích, mình đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, cũng như đã đọc rất nhiều bài viết của Yooribae. Giống như Yooribae thấu hiểu mọi thắc mắc cũng như tâm can của mình vậy. Một lần nữa, cảm ơn Yooribae rất nhiều!

  8. Cảm ơn bạn, bài viết của bạn rất bổ ích, bạn đã viết rất chi tiết, nhưng có phần về cốt truyện (synopsys) mình vẫn không phân biệt được nó với câu chuyện, bạn có thể giải thích lại nó là cái gì, và điểm khác biệt của nó với câu truyện được không?

  9. Yoorifilm ơi! Cho mình hỏi với: Synopsys, Outline và Treatment cho phim điện ảnh thì mỗi mục như vậy chuẩn là bao nhiêu trang vậy? Trong bài viết này hình như là nói số trang của phim truyền hình hả? Mong mong! Rất cám ơn bài viết này!

    1. Với phim điện ảnh thì không có tiêu chuẩn cụ thể cho Synopsys, Outline hay Treatment. Tuy nhiên để thuận tiện cho việc Pitching, làm hồ sơ dự án, phần Plot nên ngắn gọn trong tầm 10 dòng, Synopsys tầm 1000 đến không quá 3000 từ nhé bạn.

  10. Quá chi tiết và tận tình cho một bài viết. Em đang không biết bắt đầu phim ngắn đầu tay từ đâu thì đã vô tình bắt gặp bài viết này. Cảm ơn Blog cũng như người đã viết bài. Hẹn một ngày không xa em sẽ đăng kí khóa biên kịch kekeke :vv

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *