Vậy là, sau một thời gian tưởng chừng dài như vô tận, cuối cùng thì bạn cũng đã đánh máy xong bản phác thảo đầu tiên (First Draft) của kịch bản tuyệt vời mà bạn đã ấp ủ suốt bấy lâu nay. Giờ đây, bạn ngồi trước màn hình, nhìn vào những dòng chữ dày đặc, tự hỏi bản thân rằng:
VIẾT XONG FIRST DRAFT THÌ LÀM GÌ?
1. Quẳng gánh lo đi mà sống
Tất nhiên, nếu như bạn đã hoàn toàn hài lòng với kịch bản mà bạn vừa viết ra, thì bạn sẽ không có lý do gì để phải ngồi đây và đọc tới dòng này. Thế nhưng, rõ ràng là, bạn cảm thấy có gì đó chưa ổn. Bạn muốn gửi kịch bản đi ngay, nhưng linh tính mách bảo bạn khoan hãy gửi vội. Bạn nghĩ rằng kịch bản cần phải được chỉnh sửa, gọt giũa thêm, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Tất nhiên rồi, bạn đã quá mệt mỏi sau chuỗi ngày vật lộn với từng con chữ một, nên chẳng còn chút tỉnh táo hay sức lực nào để đọc lại kịch bản thêm một lần nữa. Lúc này đây, việc mà bạn cần làm nhất sau khi hoàn thành first draft, là bấm nút Save, tắt máy, tắm gội sạch sẽ rồi đi ngủ ngay và luôn.
Viết lách là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Riêng việc ngồi một chỗ suốt hàng giờ liền suy nghĩ và gõ phím lặp đi lặp lại cũng là hoạt động tiêu hao năng lượng đáng kể rồi. Nhất là đối với những dự án kịch bản phim truyền hình hay điện ảnh, việc bạn phải mài mông trên ghế trong vài tháng trời để viết cho kịp deadline sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng kiệt quệ tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm hay tệ hơn là béo bụng. Vậy nên, lúc này đây, sau khi đã lao động liên tục, đã đến lúc bạn cần nghỉ ngơi, để hồi phục lại năng lượng đã mất và có thêm năng lượng để đến với chặng tiếp theo.
Hãy nghỉ ngơi, bằng cách này hay cách khác. Nếu bạn có tiền, hãy đi du lịch. Nếu bạn nghèo, hãy dọn dẹp nhà cửa, dắt chó đi dạo, đấm nhau với mấy con mèo, nấu ăn, tập thể dục, làm bất cứ việc gì yêu cầu bạn phải vận động và không phải dùng đến não hay phải đọc, phải viết. Tránh xa sách và phim ảnh ra. Hít drama showbiz giải trí cũng được.
Hãy nghỉ ngơi, dù chỉ ba ngày hoặc một tuần, một tháng (đừng nghỉ lâu quá). Ai cũng có cột sống của riêng mình. Hãy yêu thương cột sống của bạn.
2. Đừng để bất kỳ ai đọc First Draft của bạn
Có bạn sẽ bảo rằng, thời gian đâu mà nghỉ ngơi, khi mà nhà sản xuất và đạo diễn đang đòi đọc kịch bản sớm nhất có thể? Câu trả lời của mình là: Kệ m* chúng nó hihi ^^ Trừ khi bạn đang trễ deadline, mà việc này có thể tính trước bằng cách tự tạo ra deadline cho bản thân sớm hơn deadline thực tế tầm 7-10 ngày, thì việc gửi đi một cái bản thảo mà bạn còn chưa có thời gian xem lại chẳng có ích lợi gì cho bạn cả. Bạn cần có thời gian để đọc lại kịch bản của mình, chỉnh sửa những gì mà bạn cảm thấy chưa ổn, rồi mới có thể yên tâm gửi đi được. Đó là tinh thần trách nhiệm, là hành động cần thiết để bảo vệ đứa con tinh thần của bạn. Bên cạnh đó, công việc của nhà sản xuất và đạo diễn thực sự chỉ bắt đầu sau khi kịch bản hoàn thành. Nếu như bạn gửi kịch bản đi khi kịch bản còn quá nhiều vấn đề mà bạn chưa kịp điều chỉnh, thì bạn sẽ gặp vấn đề còn lớn hơn, đó là: Nhà sản xuất và đạo diễn sẽ can thiệp vào kịch bản của bạn một cách thô bạo trước khi họ kịp nhận ra kịch bản của bạn đang kể cái gì. Hoặc tệ hơn, họ sẽ nghĩ rằng họ có thể viết kịch bản tốt hơn bạn.
Vậy nếu không gửi First Draft đi thì phải gửi cái gì? Gửi đi bản thảo hoàn thiện mà bạn đã đọc lại, chỉnh sửa một cách gọn gàng sạch đẹp, không còn vấn đề gì nữa ấy. Bởi người đọc không hề biết và cũng không hề quan tâm rằng kịch bản mà bạn gửi cho họ là bản thảo thứ mấy; họ chỉ mặc định rằng đó là bản thảo hoàn chỉnh nhất mà bạn đã viết ra.
Lẽ dĩ nhiên, nhà sản xuất và đạo diễn sẽ luôn tìm cách can thiệp vào kịch bản. Sự can thiệp đó có thể vì họ muốn kịch bản tốt hơn, hay hơn, dễ sản xuất hơn hay phù hợp với năng lực, tầm nhìn của đạo diễn. Không phải sự can thiệp nào cũng vì lý do chính đáng. Là biên kịch, sẽ có lúc bạn phải gồng mình lên bảo vệ kịch bản khỏi sự chỉnh sửa, không phải vì cái tôi của bạn, mà vì bạn tin rằng sự điều chỉnh hay thay đổi đó sẽ làm truyện phim đi chệch hướng, phá hỏng kết cấu câu chuyện, làm nội dung phim tệ hơn. Để có thể bảo vệ được kịch bản, bạn cần phải hiểu rõ và đảm bảo rằng những gì bạn đưa vào trong kịch bản là phù hợp nhất, không thể thay thế được.
Đáng ăn đòn là, không phải nhà sản xuất và đạo diễn nào cũng chịu hiểu điều này. Bạn sẽ thường xuyên nhận được những đề nghị chỉnh sửa kịch bản theo những hướng mà bạn biết chắc chắn là không phù hợp, bởi vì bạn đã nghĩ về hướng đó trước rồi. Bạn có thể bực mình, nhưng bạn cũng cần giải thích cho họ hiểu lý do tại sao bạn lại kể thế này mà không phải thế kia. Hoặc đơn giản hơn, cho họ thấy lý do ngay trong kịch bản, để nếu họ chịu đọc kịch bản của bạn một cách nghiêm túc, họ sẽ hiểu mà không cần phải hỏi lại.
Để làm được điều đó, bạn chỉ nên gửi đi một kịch bản hoàn chỉnh nhất có thể, thay vì gửi đi bản First Draft mà bạn còn chưa hề đọc lại.
Và, chờ đợi thêm vài ngày không giết chết nhà sản xuất hay đạo diễn của bạn đâu, nên cứ để họ chờ. Bởi đến khi họ bắt bạn chờ đến kiếp sau mới nhận được thanh toán, bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương đấy.
3. Trở thành độc giả
Sau vài ngày nghỉ ngơi, bạn cảm thấy rằng đầu óc đã tỉnh táo hơn, cột sống bớt mệt mỏi hơn, tinh thần phấn chấn trở lại, thì đây là thời điểm thích hợp để bạn quay lại với công việc trước khi bạn quyết định nghỉ luôn.
Việc đầu tiên mà bạn cần làm để bắt đầu lại với công việc, đó là chọn một không gian thật thoải mái, kèm một món đồ uống mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu; và bắt đầu đọc lại kịch bản. Tại sao phải đợi tới mấy ngày, mà không thể đọc luôn ngay sau khi bạn vừa viết xong? Vì bạn cần thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, để thoát ra khỏi những suy nghĩ về kịch bản. Chỉ như vậy, bạn mới có thể đọc lại kịch bản của bạn một cách bớt chủ quan hơn được.
Khi đọc lại lần đầu tiên, hãy đọc một cách thật thoải mái, giống như bạn đang đọc kịch bản của người khác vậy. Hãy đọc với tâm thế của một độc giả xa lạ, người lần đầu tiên biết tới câu chuyện của bạn, đọc lần lượt từ dòng đầu tiên đến dấu chấm cuối cùng; một lần duy nhất, liên tục, không dừng lại giữa chừng.
Trong lúc đọc, sẽ có những lúc bạn cảm thấy kịch bản có vấn đề gì đó, lời thoại thật kỳ cục, tâm lý nhân vật thật lộn xộn, hành động hay tình huống vô lý hay nhàm chán… Bạn có thể gạch chân, đánh dấu, nhưng không được dừng lại để chỉnh sửa, dù chỉ chỉnh một dấu câu. Hãy đọc liền mạch cho đến cùng ở lần đọc đầu tiên. Bạn có thể chỉnh sửa sau, không phải lúc này.
Bằng cách đọc lại kịch bản một lần xuyên suốt từ đầu đến cuối như một độc giả, bạn có thể nhìn thấy những vấn đề kịch bản gặp phải cũng như hiểu được cảm xúc của người khác khi đọc kịch bản của bạn. Cảm xúc của người đọc đối với kịch bản vô cùng quan trọng, nếu bạn không thể truyền đạt cảm xúc đến với người đọc, mà ở đây là đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, thì làm sao bạn có thể thuyết phục được họ rằng khán giả sẽ cảm nhận được?
Có một cách mà tôi thường làm, đó là in toàn bộ kịch bản ra giấy để đọc và sửa lại trước khi quay trở lại với việc đánh máy. Nếu mắt bạn khỏe và bạn không sợ bị đau mắt, thì bạn vẫn có thể đọc trên máy tính, hoặc điện thoại, tùy bạn thôi.
4. Vạch lá tìm sâu
Sau khi hồi phục cú sốc tâm lý từ việc đọc những thứ kinh khủng trong kịch bản được viết ra bởi bản thân, bạn sẽ phải đọc lại thêm nhiều lần nữa, để tìm ra tất cả những vấn đề mà kịch bản đã, đang và sẽ gặp phải; từ đó tìm cách chỉnh sửa, thêm bớt, điều chỉnh lại nội dung cho hay ho hơn, chất lượng hơn, phù hợp hơn. Quá trình này không hề dễ dàng, thậm chí, với nhiều người, đây là quá trình đau khổ tột cùng. Bạn sẽ phải xé toạc kịch bản của mình ra thành từng mảnh, rồi sắp xếp, lắp ráp từng mảnh lại với nhau, bỏ đi những mảnh không còn phù hợp, tìm kiếm những mảnh ghép mới phù hợp hơn. Đây là lúc mà bạn phải để cái tôi của bạn ra ngoài cửa, nơi nó có thể đấm vào mồm bất cứ đứa nào định xớ rớ lại gần quá trình chỉnh sửa kịch bản của bạn, để bạn có thể tỉnh táo và bình tĩnh viết lại kịch bản từ đầu.
Đúng vậy, quá trình này, không được gọi là biên tập – edit – mà được gọi là Re-write, tức là Viết-lại-từ-đầu. Bởi một sự kiện, tình huống, hình ảnh, lời thoại trong kịch bản đều có liên kết với nhau; nên khi bạn thay đổi hay thêm bớt một chi tiết, thì tổng thể kịch bản có thể thay đổi hoàn toàn. Nhà sản xuất, đạo diễn có thể nói với bạn rằng sửa kịch bản dể lắm, thêm chỗ này một ít, bớt chỗ kia một ít là được. Họ bảo rằng dễ vì họ có phải người phải sửa kịch bản hay ăn hành trong phòng dựng vì những thứ mà họ thay đổi đâu. Là biên kịch, bạn phải nói cho họ hiểu, rằng sửa kịch bản không phải công việc dễ dàng. Còn nếu họ cố tình không hiểu, thì rất tiếc, bạn chọn nhầm đối tác rồi. Lần sau, hãy làm việc với nhà sản xuất và đạo diễn tôn trọng bạn.
Tại sao Re-write lại khó khăn và phức tạp đến như vậy? Bạn cần làm gì trong quá trình này? Làm sao để kịch bản của bạn hoàn thiện hơn? Làm sao để bạn có thể chỉnh sửa, viết lại, lựa chọn, thêm bớt chi tiết mà không phá hoại kịch bản? Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời. Và đó là lý do chủ đề của Kịch Bản 101 mùa 3 sẽ là: VIẾT LẠI TỪ ĐẦU.
5. Tự hỏi bản thân: “Mình còn muốn kể câu chuyện này không?”
Viết xong bản thảo đầu tiên của kịch bản là cả một chặng đường dài. Bạn đã vất vả rồi. Hãy cho bản thân cơ hội để nghỉ ngơi, phục hồi sau quãng thời gian đầy khó khăn. Khi tỉnh táo lại, hãy đọc lại kịch bản một cách khách quan, với sơ tâm của một độc giả xa lạ, không ưu ái, không định kiến, không hề biết trước điều gì về câu chuyện mà kịch bản đang truyền tải. Sau đó, hãy đặt kịch bản sang một bên, nhìn vào gương, và tự hỏi bản thân tại sao bạn phải kể câu chuyện này?
Đừng kể một câu chuyện mà chính bạn còn không cảm thấy hứng thú. Câu chuyện này, kịch bản này là đứa con tinh thần của bạn, chứa đựng một phần máu thịt, cuộc đời và linh hồn của bạn; là Trường Sinh Linh Giá của bạn. Một kịch bản vô hồn và sáo rỗng có thể nhận ra ngay chỉ sau vài trang đầu tiên.
Bạn đã hy sinh rất nhiều để có thể viết ra kịch bản này. Thế nhưng, mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu. Bạn cần phải làm việc nhiều hơn, nghiêm túc hơn, vất vả hơn để kịch bản được hoàn thiện, trước khi giao phó số phận của kịch bản đến tay người khác. Vậy nên, nếu bạn không đủ tự tin rằng có thể tiễn đưa kịch bản này đến bước cuối cùng, hãy dừng lại. Để bạn, và kịch bản của bạn, không bị tổn thương. Còn nếu bạn muốn kịch bản trở nên mạnh mẽ hơn, cuốn hút hơn, hoàn thiện hơn, để lỡ có được dựng thành phim thì không flop sấp mặt; hãy nhấn like cũng như chia sẻ bài viết này đến nhiều người nhất có thể để ủng hộ blog và đừng quên đăng ký theo dõi blog để cập nhật những bài viết mới sớm nhất nhé!
©yooribae
Sau hơn 2 năm, cuối cùng thì loạt bài Kịch Bản 101 đã quay trở lại. Để bài viết này đến được với bạn hôm nay là cả một hành trình dài. Có nhiều bạn hỏi tôi rằng, chuyện gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian đó? Thực sự thì có rất nhiều, đúng hơn là, có quá nhiều chuyện đã xảy ra. Tôi sẽ chia sẻ trong những bài viết khác, không phải trong loạt bài này. Còn bây giờ, chào mừng bạn đến với:
KỊCH BẢN 101 MÙA 3: VIẾT LẠI TỪ ĐẦU
Mình cũng làm nghề viết, không phải là biên kịch. Thường khi mình viết xong, mình cũng nghỉ một quãng để có thể cảm nhận bài viết dưới góc nhìn độc giả. Hoặc có khi mình cũng in ra để kiểm tra cấu trúc từ, logic mạch văn cho chuẩn. Bài viết thực sự bổ ích với mình. Nó giúp mình nhận ra phần quan trọng của việc biên tập kỹ trước khi gửi cho khách hàng hay bất kỳ ai. Cảm ơn bạn nhiều và rất mong chờ các bài viết của bạn.
Cảm ơn Jennie đã ủng hộ blog ^_^