[Kịch bản 101] #21: Yếu tố nào tạo nên một kịch bản tốt?

Bạn đã nghe rất nhiều quan điểm kiểu như “Ba yếu tố quan trọng nhất của một bộ phim: Kịch bản, kịch bản và kịch bản (Hitchcock)”, “Kịch bản tốt chưa chắc làm ra được phim hay, kịch bản dở chắc chắn ra phim tệ”… Bạn cũng từng thấy có những phim kịch bản tầm trung nhưng doanh thu khủng, kịch bản tốt nhưng rating thấp, hay những phim nội dung chẳng ra gì nhưng vẫn kiếm được vài chục tỷ tiền đầu tư. Thế nhưng mỗi lần lên mạng đọc tin, bạn lại thấy vô vàn các “nhà làm phim” gào khóc đòi “kịch bản tốt”. Bạn trở nên hoang mang, rằng như thế nào mới là “kịch bản tốt” ?

Bỏ qua chuyện nhiều phim thành công nhờ truyền thông (khủng hoặc bẩn) hay nhờ có sao nổi tiếng, bởi với những phim như vậy công sức biên kịch chẳng có gì để tự hào. Là biên kịch/đạo diễn, bạn nên tập trung vào việc xây dựng nội dung phim thật tốt, thay vì hy vọng phim bạn sẽ thành công nhờ vào cảnh nóng và mediaplay.

Vậy thì,

YẾU TỐ NÀO TẠO NÊN MỘT KỊCH BẢN TỐT?

NHÂN VẬT

Điều đầu tiên khán giả chú ý đến bộ phim, là nhân vật. Nhân vật được giới thiệu trên poster phim, trên trailer, đi kèm với những bài báo giới thiệu nội dung phim. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa “diễn viên”“nhân vật”. Là khán giả, bạn sẽ dễ chú ý ngay lập tức nếu poster phim có hình trai xinh gái đẹp. Nhưng khi khán giả biết rằng nhân vật và nội dung phim của bạn chả có gì thú vị để xem, thì dù bạn có giở bất cứ chiêu trò gì, phim của bạn cũng chẳng có ai coi ngoài đám fan não tàn của diễn viên.

Tất nhiên, nếu diễn viên đó đông fan thì phim vẫn nổi. Cơ mà bạn có tự hào không khi phim đó thành công hoàn toàn không phải nhờ kịch bản của bạn?

Vậy nên, hãy xác định rõ ràng:

Nhân vật của bạn có gì thu hút khán giả?

Untitled
Hãy viết ra giấy những từ khóa miêu tả yếu tố nổi bật nhất của nhân vật.

Nhân vật của bạn có những điểm đặc trưng nào? Về tính cách, ngoại hình, gia cảnh…? Ví dụ, khi nhắc đến Superman, người ta nghĩ tới sịp đỏ; nhắc tới Batman, người ta nhớ là ổng giàu. Tương tự, nhắc tới Forrest Gump, người ta nghĩ tới người đàn ông thiểu năng mà cuộc đời gắn liền với việc chạy. Nhắc tới The Great Gastby, người ta nhớ tới gã đại gia cả đời chung thủy với một mối tình duy nhất… Mỗi nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh, đều có những đặc trưng riêng. Mỗi con người trên cuộc đời này cũng vậy.

manga_characters_concept_art_by_brainsause_d5zumiq-fullview.jpg

Nhân vật của bạn có gì khiến khán giả đồng cảm? 

Một trong những điểm kết nối khán giả với truyện phim, là khi họ có thể cảm nhận được cảm xúc của nhân vật. Vậy nên có những bộ phim làm khán giả khóc, có những bộ phim làm thay đổi cả một con người. Hãy nhớ lại xem, có bộ phim nào khiến bạn nhớ mãi? Điều gì khiến bạn luôn nhớ đến bộ phim đó? Là cảnh nóng, ngực diễn viên, hay câu chuyện, nhân vật?

Khán giả đồng cảm khi họ bắt đầu liên kết bản thân với nhân vật một cách vô thức. Như khi xem phim Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho, nhiều khán giả đồng cảm với gia đình nghèo khó trong phim. Tại sao? Vì 90% dân số thế giới này nghèo khó, hoặc ít ra là cảm thấy bản thân mình nghèo khó. Như phim Us And Them, nhiều khán giả chia sẻ và bình luận về phim vì họ cũng từng chia tay người họ yêu. Những nhân vật không hoàn hảo, nhiều thiếu sót, gặp bất công trong cuộc sống, trải qua nhiều chuyện khổ sở… dễ chiếm được sự đồng cảm của khán giả, bởi ai cũng từng trải qua hoàn cảnh khó khăn, và tâm lý chung mọi người đều cảm thấy được an ủi hơn khi thấy có ai đó khổ sở hơn mình. Chuyện này không có gì xấu cả. Đó là bản chất của con người.

d17a1588_7c4a_11e9_8126_9d0e63452fe9_image_hires_174143.0

Khán giả thích kiểu nhân vật thế nào?

Đây là một câu hỏi khó? Không hẳn. Nếu bạn nhìn nhân vật dựa trên mấy yếu tố như doanh thu, xu hướng, nghề nghiệp bla bla bla… thì bạn chẳng bao giờ biết chính xác được. Câu trả lời khá đơn giản: Khán giả thích những nhân vật khác biệt.

Nhân vật như thế nào là “khác biệt”? Đó là những nhân vật mà bạn thường không dễ gặp gỡ và tiếp xúc với họ trong đời sống hàng ngày. Đó là những siêu anh hùng, người khuyết tật, người ngoài hành tinh, lính đặc nhiệm, chủ tịch tập đoàn, cảnh sát chìm, người vô gia cư, tội phạm… Vì đó là thế giới mà phần lớn khán giả không biết tới, nên họ càng tò mò hơn. Và phim ảnh giúp thỏa mãn sự tò mò đó.

Đó là lý do người ta ra rạp xem phim Marvel, DC, Parasite, Avatar, Annabelle, Miracle in Cell No.7, Interstellar, Hai Phượng

avengers-endgame-box-office-closes-avatar-record-1557805271

Vậy còn những nhân vật “bình thường” thì sao?

Có không ít phim mà nhân vật chính là những con người (có vẻ) bình thường trong xã hội: Học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ… Tuy nhiên, đừng để bị đánh lừa, cuộc sống của nhân vật trong những phim đó không hề bình thường chút nào. Những nhân vật đó luôn gặp nhiều khó khăn, khổ sở, bị đè nén, áp bức, bị dồn đến đường cùng hết lần này đến lần khác. Những nhân vật đó dù không có siêu năng lực, không phải siêu sao, không nổi trội vượt bậc so với cả thế giới, thì khán giả vẫn thích xem họ. Tại sao? Vì cuộc sống của họ trắc trở.

Nếu đã xem những phim truyền hình như Fight For My Way, Misaeng, My Mister… bạn sẽ thấy những nhân vật trong phim chẳng có gì quá nổi bật cả. Họ có thể là bất cứ ai mà bạn gặp trong cuộc sống. Họ là những con người bình thường, gặp những vấn đề mà ai cũng gặp phải, nhưng cách mà họ đối mặt và giải quyết vấn đề là điều bạn chưa từng nghĩ tới, hoặc là điều bạn muốn làm nhưng không dám thể hiện ra. Những phim như vậy, những nhân vật như vậy, khơi gợi sự đồng cảm nơi bạn, chia sẻ cảm xúc thầm kín của bạn, giúp bạn có cảm giác như được chữa lành.

09-1525145721244603834411

Còn một lý do nữa, xuất phát từ tâm lý khán giả. Ví dụ như phim truyền hình buổi sáng của Hàn Quốc, Trung Quốc; nơi khán giả chính là các bà nội trợ. Những phim này luôn nói về đề tài gia đình, mẹ chồng nàng dâu, hay cuộc sống công sở, học đường… Tại sao? Vì những bà nội trợ thông qua việc xem phim sẽ có cảm giác được chia sẻ những phiền muộn gia đình và biết được chồng con của mình đang khổ sở với cuộc sống bên ngoài như thế nào. Đó là tâm lý khán giả.

Cũng như những phim học đường với nhân vật chính là học sinh cấp 3. Bạn nghĩ học sinh cấp 3 sẽ xem những phim đó? Không. Khán giả của những phim đó là học sinh cấp 2, bởi những đứa nhỏ đó chưa từng học qua cấp 3 và tò mò cuộc sống của học sinh cấp 3 thế nào.

Tâm lý khán giả, hóa ra, cũng không quá phức tạp, đúng không?

NỘI DUNG KHÁC BIỆT

Là người kể chuyện, ai cũng muốn kể một câu chuyện khác biệt. Bạn có thể nghĩ “Ew, tất nhiên là nội dung phải khác biệt rồi, đâu thể làm giống như người khác được”. Thế nhưng, bạn có biết rằng ý tưởng tuyệt vời, độc nhất vô nhị của bạn, nếu soi kỹ ra, thì sẽ thấy nhang nhác một vài ý tưởng đã có từ khá lâu của ai đó?

Thực ra thì, chuyện ý tưởng từa tựa nhau là bình thường. Ý tưởng của chúng ta luôn dựa trên một nền tảng nào đó. Ý tưởng của người khác cũng vậy. Nên chuyện ý tưởng giống nhau vẫn luôn xảy ra. Điều quan trọng, là câu chuyện của bạn và cách bạn kể lại câu chuyện như thế nào.

Ý TƯỞNG ĐỘC ĐÁO

Đây dường như là điều kiện tiên quyết mà tất cả đều hướng tới. Ý tưởng độc đáo là thứ sẽ thu hút khán giả, là thứ mà nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn mong muốn biên kịch phải có. Bất kỳ ai mà bạn gặp trên đường, đều nghĩ rằng là biên kịch thì bạn nên có thật là nhiều ý tưởng độc đáo. Thực tế thì sao?

Thử đọc qua vài ý tưởng dưới đây nhé:

  • Goblin / Guardian: The Lonely and Great God (phim truyền hình): Vị thần bất tử phải lòng cô bé nữ sinh có khả năng kết thúc sinh mạng của anh ta.
  • Come Back Mister (phim truyền hình): Hai người đàn ông chết oan có cơ hội quay lại dương thế trong hình hài trái ngược để giúp đỡ người mà họ yêu thương vượt qua nỗi đau mất mát và tiếp tục sống.
  • Miracle in Cell No.7 (phim điện ảnh): Người cha thiểu năng bị tù oan được những người bạn tù giúp đỡ đưa cô con gái bảy tuổi vào trại giam sống cùng cha trước ngày ông ta bị hành quyết.
  • Air Doll (phim điện ảnh): Cô búp bê tình dục một ngày bỗng sống dậy và bắt đầu học cách để yêu giống con người.
  • Hai Phượng (phim điện ảnh): Người mẹ đơn thân gốc giang hồ tìm cách giải cứu con gái khỏi tay bọn bắt cóc xuyên quốc gia từ miền Tây ra miền Bắc.

Những ý tưởng đó đều đã được dựng thành phim. Có phim đoạt giải thưởng, có phim doanh thu khủng, có phim rating cao chót vót… Ý tưởng cũng khá thú vị, đúng không? Nhưng thử đọc lại vài lần xem, phải chăng bạn đã từng xem một vài phim khác có ý tưởng na ná?

Ý tưởng về một người phải lòng kẻ có khả năng giết mình, người chết oan được hồi sinh với hình dáng khác, người cha thiểu năng, sinh-vật-không-phải-người tìm cách sống giống con người, phụ huynh đơn thân có con bị bắt cóc… là những ý tưởng không quá mới mẻ, nếu không muốn nói là nhan nhản khắp các kệ sách và website phim lậu. Thế nhưng, những tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh phát triển từ những ý tưởng như vậy vẫn được ra mắt mỗi ngày, vẫn được công chúng đón nhận, vẫn sống tốt sống khỏe. Vì sao?

Vì cái mà người ta bảo là “ý tưởng độc đáo”, thực chất ý của họ là “câu chuyện độc đáo”.

Câu chuyện độc đáo, nghĩa là cùng một ý tưởng cơ bản, bạn kể ra một câu chuyện như thế nào cho hay hơn, mới lạ hơn, sáng tạo hơn, khác biệt hơn hẳn những câu chuyện khác, người ta sẽ nghĩ là “ờ, độc đáo”. Hay như mọi người thường bảo, là “khác biệt”.

Cơ mà những người đã có kinh nghiệm đi pitching kịch bản sẽ thấy rằng, kịch bản khác biệt là cái mà các nhà đầu tư, nhà sản xuất sợ muốn rụng… à mà thôi. Không biết bao nhiêu lần, cả bản thân, cả những bạn biên kịch mà tôi quen, bị từ chối kịch bản vì nó có vẻ “khác biệt”, rồi sau đó một thời gian bên Hàn Quốc họ làm ra phim ý tưởng tương tự và thu hút cả châu Á. Chán chẳng buồn chửi.

tenor (1)

Tuy nhiên, hãy phân biệt rõ giữa “khác biệt” “dị hợm”.

Nhiều người cố gắng tỏ ra khác biệt. Nhưng sự khác biệt nằm dưới chuẩn mực thẩm mỹ trung bình thì sẽ thành ra dị hợm. Bạn có thể thấy điều đó ở phần Streetstyle mỗi mùa Vietnam Fashion Week diễn ra.

Không ít kịch bản của người mới tập tành viết mắc phải vấn đề, hoặc quá “dị hợm”, hoặc quá “bình thường”.

Cái gì bình thường quá, thì nhàm chán. Còn dị hợm quá, dán lên nó cái nhãn “arthouse” (keep the fucking art in the house) cũng là một cách để lấp liếm, dù với mấy con cá mập (hoặc cá mòi) lão làng thì mấy trò con nít ấy chẳng bịp được ai.

Vậy chính xác thì, thế nào là “khác biệt”?

CÂU CHUYỆN KHÁC BIỆT

Tại sao khán giả thế giới có thể xem hết phim siêu anh hùng này đến phim siêu anh hùng khác mà ít khi thấy ngán? Tại sao các bà nội trợ vẫn say mê với những phim mẹ chồng – nàng dâu; các em thiếu nữ chưa kịp dậy thì vẫn say mê với những bộ truyện, bộ phim ngôn tình dài vài chục tập? Tại sao Annabelle quay lại tới ba lần mà khán giả vẫn đi coi? Tại sao năm ngoái năm nay mấy ông bà giám khảo Cannes lại trao giải cho hai bộ phim đều nói về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội? Tại sao, tại sao và tại sao?

Cùng một nhân vật Batman, cứ chục năm người ta lại reboot một lần với cách thể hiện khác nhau. Nhân vật Superman mỗi lần đổi diễn viên là lại một câu chuyện mới. Cùng một Joker nhưng qua mỗi phim chúng ta lại thấy hắn được khai thác ở một góc độ khác nhau. Cùng một Càn Long nhưng có phim miêu tả đó là minh quân, có phim lại cho thấy một kẻ bạc tình. Cùng một ý tưởng “người thân thiểu năng”, phim Mỹ có I am Sam, phim Hàn có Miracle in Cell No.7 (và một đống phim gia đình khác). Cùng một chủ đề “người thân bị bắt cóc”, chúng ta có thể thấy một nùi phim từ Taken, Kidnap, Sister, Hai Phượng… Cùng một đề tài “khoảng cách giàu nghèo”, những phim như Slumdog Millionaire, Shoplifters, Parasite đều mang về thành công cả về doanh thu lẫn giải thưởng.

batman-an-joker-versions.jpg

Rất rõ ràng, cùng một ý tưởng, nhưng mỗi bộ phim lại kể một câu chuyện khác, khai thác một góc nhìn khác, truyền tải một thông điệp khác… Và thứ để khán giả đánh giá phim có hay không, cũng như thứ mà mấy tay phê bình phim nghiệp dư dựa vào để viết bài kiếm sống, chính là câu chuyện của phim đó, góc nhìn của phim đó, có hơn kém gì so với những phim cùng đề tài đã được ra mắt trước đó hay không.

Vậy nên, là người kể chuyện, trách nhiệm của bạn là mang lại cho khán giả những câu chuyện được kể một cách khác biệt với những gì người ta đã thấy trước đây.

Dù vậy, không có nghĩa là bạn muốn khác kiểu gì cũng được.

Sự khác nhau cơ bản để phân biệt giữa “khác biệt” và “dị hợm”  chính là “tính logic”. Logic trong phim ảnh không phải kiểu như công thức toán học hay vật lý vũ trụ, mà là:

TÍNH HỢP LÝ

18_28475687136_o.jpg

Tính hợp lý trong điện ảnh, tức là mọi thứ bạn trình bày trước mắt khán giả, phải đi kèm với sự giải thích hợp lý (một cách rõ ràng và dễ hiểu). Lấy ví dụ gần đây nhất là phim Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho. Phim này tràn ngập những hình ảnh mang tính ẩn dụ, biểu tượng này nọ, cũng như cách hành xử có phần kỳ lạ của các nhân vật trong phim… Cơ mà khán giả đại chúng khi xem, họ vẫn có thể hiểu nội dung phim, họ vẫn chấp nhận được lối hành xử của các nhân vật trong phim, vì biên kịch/đạo diễn đã giải thích được lý do của những hành vi đó thông qua việc cho thấy tính cách của nhân vật rõ ràng ngay từ khi họ vừa xuất hiện trên màn ảnh lần đầu.

fullsizephoto1055380
Chỉ trong một cảnh này, tính cách cơ bản và lối suy nghĩ của bốn nhân vật đã được thể hiện rõ

Thiệt ra thì phim nào cũng có sạn. Dạo này dù đang mê đắm bé Shin Hye Sun trong phim Dan Only Love, cơ mà tôi vẫn không thể quên nổi cái sạn trong tập 1 của phim dù phim đã chiếu đến tập 12 (bạn muốn biết sạn chỗ nào thì xem phim nhé, hổng spoil đâu). Hồi xưa tôi nghỉ xem phim truyền hình VN cũng vì lần nào mở TV lên xem ngẫu nhiên cũng nhặt được một rổ sạn. Ngay như mấy phim điện ảnh Mỹ, Hàn lâu lâu ai xem nhiều để ý vẫn soi ra sạn đấy thôi. Tuy nhiên, khán giả sẽ tự quyết định xem là cái sạn đó có lớn tới mức ngăn cản họ tiếp tục xem phim hay không. Giống như khi bạn ra tiệm ăn cơm, nếu lỡ xui cắn một hạt sạn nhỏ, bạn có thể dễ dãi cho qua nếu cơm không đến nỗi. Nhưng nếu bạn mở hộp cơm ra và trong đó toàn sạn với gạo sống, bạn sẽ nuốt luôn hay đổ bỏ hay lên mạng bóc phốt cái quán cơm chết tiệt đó?

Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng, khán giả vô cùng thông minh. Vào những ngày nghỉ hè, một học sinh trung học có thể xem được 8 phim điện ảnh hoặc một bộ phim truyền hình Hàn Quốc 16 tập chỉ trong một ngày. Còn người làm phim thì mất từ 3 tháng tới cả năm chỉ để quanh quẩn với một phim. Khán giả sẽ luôn nhìn thấy mọi sự bất hợp lý trong kịch bản của bạn. Và đừng mong khán giả bỏ qua. Chừng nào khán giả còn chửi, tức là họ còn quan tâm đến bạn. Khi khán giả quyết định rằng họ sẽ không xem phim có tên bạn nữa, khi đó sự nghiệp của bạn xong rồi.

65317040_310847506533493_1813609086730633216_n

Chúng ta đã nói về những yếu tố tiên quyết để có một kịch bản tốt: Nhân vật thu hút, ý tưởng/nội dung độc đáo, câu chuyện khác biệt, tình tiết hợp lý. Những yếu tố đó có thể rèn luyện, phát triển thông qua việc luyện tập và bổ sung kiến thức hàng ngày. Tuy vậy, vẫn còn một yếu tố, vô cùng quan trọng, nhưng không dễ để học và hiểu. Đó là:

CẢM XÚC CỦA PHIM

Đây không phải vấn đề thuần kỹ thuật, mà phụ thuộc không ít vào cảm nhận và sự nhạy cảm của mỗi người. Đây cũng là thứ quyết định đẳng cấp của một biên kịch hay đạo diễn.

Cảm xúc trong phim, không phải chỉ cần cho vài giọt nước mắt, chút cảm động, vài trò lố, cảnh bắn nhau hay chèn nhạc vào là xong. Cảm xúc của một bộ phim, là cách mà biên kịch, đạo diễn, cùng với diễn viên và đội ngũ kỹ thuật, cố gắng truyền tải qua mỗi hình ảnh, câu thoại, cảnh quay, chuyển động xuyên suốt khoảng thời gian phim chiếu trên màn ảnh; để mang lại cho khán giả những trải nghiệm cảm xúc và thấu hiểu được câu chuyện của các nhân vật trong phim. Nói cách khác, người làm phim phải có khả năng thao túng, điều khiển cảm xúc của khán giả xuyên suốt bộ phim, cũng như khiến khán giả phải suy nghĩ về phim sau khi xem xong. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự nghiên cứu, tìm hiểu và cảm nhận một cách tinh tế, nhạy cảm về cảm xúc con người, và không thể thiếu trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân.

Nghe có vẻ khó nhằn quá đúng không? Nhất là với những ai có EQ kém giống tôi. Nhưng mà, không phải là không có những chiêu trò, mánh khóe để điều khiển cảm xúc khán giả một cách dễ dàng.

Những chiêu trò, mánh khóe đó là gì? Tất cả sẽ được tiết lộ trong một bài viết khác, bởi bài viết này đã khá dài rồi. Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn thêm chút ít. Và đừng quên, mỗi khi nghĩ ra một câu chuyện mới, hãy viết ngay ra giấy, rồi tự trả lời câu hỏi sau:

Điều gì làm câu chuyện này khác biệt với tất cả những câu chuyện khác?

Cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề là đặt câu hỏi và tìm mọi cách để có thể tự trả lời.

©yooribae

2 Replies to “[Kịch bản 101] #21: Yếu tố nào tạo nên một kịch bản tốt?”

  1. Không phải dân làm phim hay muốn học chỉ là muốn tìm hiểu các yếu tố để có thể giải thích phân tích sơ sơ cho các bạn bè phim như thế nào mới đáng xem vì tôi chỉ đơn giản là thích xem một tác phẩm hay, muốn lôi kéo bạn bè để có thể cùng nói hơi láo là cùng đẳng cấp để mà bàn luần về phim, và đọc chưa đến cuối bài tôi đã share, giống như bài viết nói ra tất cả nổi niềm trong lòng của một người yêu nghệ thuật ^^ k biết cmt này có giống như các mạng xh hay k thôi kệ cmt đại

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *