[Kịch bản 101] #22: Những việc cần làm trước khi bắt đầu viết kịch bản

Bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời. Những hình ảnh, cảnh phim như đang chạy đua trong đầu bạn. Bạn cảm thấy hào hứng, tràn đầy nhiệt huyết. Bạn mở máy tính lên và bắt đầu đánh máy thẳng ra kịch bản.

Vài phút trôi qua…

Nửa tiếng, một tiếng, vài tiếng sau…

Bạn đang viết tới một cảnh quan trọng. Bỗng dưng, mọi hình ảnh tắt ngúm. Bạn đã viết ra hết tất cả những gì bạn nghĩ ra được trong đầu. Những ngón tay của bạn đã đau nhức từ vài chục phút trước, nhưng bạn sợ rằng nếu bạn ngơi tay ý tưởng sẽ bay mất nên đành cố gắng chịu đựng. Giờ thì kịch bản của bạn vẫn chưa đi tới một phần ba chặng đường và bạn thì cạn ý tưởng. Vấn đề không phải do ngón tay bạn đánh máy không đủ nhanh, mà bởi vì bạn đã chạy quá nhanh trước khi có hiệu lệnh bắt đầu.

Đúng vậy, vấn đề là do sự vội vàng của bạn.

giphy

Không sao cả. Dù sao bạn cũng đã viết ra được ý tưởng của mình. Giờ thì, hãy cùng lùi lại một chút.

Bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời. Những hình ảnh, cảnh phim như đang chạy đua trong đầu bạn. Bạn cảm thấy hào hứng, tràn đầy nhiệt huyết. Bạn mở máy tính lên và khoan, dừng lại ngay đó.

Trừ khi bạn đang viết một phim ngắn chỉ tầm vài phút với mọi thứ đã được sắp xếp sẵn hết trong đầu, còn không thì, để đảm bảo rằng kịch bản sẽ không bị khựng lại giữa chừng, bạn cần chuẩn bị vài thứ trước đã.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU VIẾT KỊCH BẢN

1. Phác thảo câu chuyện

65185205_2352787011676573_1993695884335906816_o

Tôi vẫn thường khuyên các bạn thích viết lách hãy luôn mang theo một cuốn sổ bên người, giống như hoạ sĩ luôn mang theo giấy và bút chì vậy. Hiện tại thì công nghệ hiện đại cho phép việc ghi chú trở nên dễ dàng hơn. Nhiều bạn nói rằng họ thường ghi chú trên điện thoại hay laptop. Tất nhiên, không ít trong số họ khóc cạn nước mắt khi điện thoại hay laptop bị hư và mất sạch dữ liệu. Ngược lại, việc ghi chép trên giấy, không chỉ giúp bạn lưu giữ ý tưởng nhanh hơn, tiện hơn, mà theo rất nhiều nhà khoa học đã dành cả cuộc đời để chứng minh, ghi chép bằng giấy bút giúp não hoạt động tốt hơn, tập trung hơn, nhanh nhạy hơn, và không khiến mắt bị tổn thương do bức xạ từ màn hình điện tử. Bên cạnh đó, giấy không hết pin và bạn không phải ngồi chờ nó khởi động (để rồi bạn sẽ quên mất ý tưởng trong đầu bạn là gì chỉ sau một khoảnh khắc bạn suy nghĩ cái này nên viết trên Celtx hay Word).

19614154_m

Phác thảo câu chuyện, không nhất thiết là bạn phải viết ra đề cương hoàn chỉnh hay đúng cấu trúc, thứ tự. Phác thảo câu chuyện, đơn giản là bạn ngồi xuống, ghi ra giấy toàn bộ những gì bạn nghĩ trong đầu. Bạn nghĩ ra một hình ảnh, một câu thoại, một cảm xúc, một ý nghĩ gì đó, cứ ghi hết ra. Tất cả những gì câu chuyện trong đầu bạn có, cứ viết hết ra. Thâm chí có phải viết đi viết lại nhiều lần, cũng chẳng sao cả. Chỉ cần cố gắng ghi ra càng đầy đủ, càng chi tiết càng tốt. Bởi vì trong lúc bạn ghi ý tưởng ra giấy, não bạn sẽ làm việc, hỗ trợ để bạn xây dựng và phát triển ý tưởng đó thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Sau ghi đã ghi ra giấy xong hết, đóng sổ lại, đứng dậy đi tè cho máu lưu thông, uống ly nước lọc, rồi ngồi xuống, đọc lại tất cả những gì bạn vừa ghi. Và bây giờ, nếu muốn, bạn có thể lấy laptop ra, và đánh máy câu chuyện hoàn chỉnh một lần từ đầu đến cuối.

2. Tìm kiếm thông tin (Research)

Khi bạn có một câu chuyện (gần như) hoàn chỉnh rồi, bạn sẽ phải tìm cách để xây dựng, phát triển câu chuyện đó thành một truyện phim hợp lý, ý nghĩa, nghệ thuật, ăn khách… theo ý bạn muốn. Bởi vì rõ ràng, câu chuyện ban đầu của bạn sẽ có nhiều lỗ hổng, có nhiều vấn đề bạn nghĩ ra nhưng không biết giải quyết thế nào, cũng có khi bạn nghĩ ra được phần đầu câu chuyện khá hay nhưng lại không biết làm sao để giải quyết phần cuối. Vấn đề này xảy ra, do câu chuyện của bạn đang thiếu thông tin, và bạn phải tìm kiếm đủ thông tin để giải quyết vấn đề đó.

Research có quan trọng không?

Ai cũng biết, điện ảnh là hư cấu. Khán giả đi vào rạp, hoặc ngồi nhà mở TV, biết thừa câu chuyện mà bạn sắp kể không có thật ngoài đời, nhưng họ vẫn muốn xem. Tại sao? Vì họ muốn giải trí, vì họ muốn được trải nghiệm, vì bản chất con người là hóng chuyện và luôn muốn được ai đó kể cho nghe những câu chuyện thật mới lạ, ly kỳ, hấp dẫn.

Và chẳng ai thích một câu chuyện mà họ không đồng cảm được cả.

Nếu bạn đã từng xem những phim về giang hồ mà nói chuyện như trẻ con, hay doanh nhân mà chẳng có tí đầu óc chiến lược gì, phim bóng đá mà từ cầu thủ đến trọng tài đều không biết luật, hay những phim lịch sử cổ trang sai bét về sự kiện lịch sử… thì bạn sẽ hiểu cảm giác của khán giả khó chịu đến mức nào.

Nhiều người biện minh rằng “khán giả chắc sẽ không biết”. Nhưng khán giả sẽ biết, khán giả luôn biết. Tất nhiên, khán giả thông minh hơn bạn, họ thừa hiểu rằng họ đang xem phim hư cấu, không phải phim tài liệu. Dù vậy, nếu sự hư cấu đó không làm cho khán giả tin, thì khán giả sẽ không thể cảm nhận được bất cứ thông điệp hay cảm xúc nào mà bạn muốn mang lại cho họ.

65317040_310847506533493_1813609086730633216_n

Công tác research thông thường chiếm khá nhiều thời gian trong quá trình viết kịch bản. Đạo diễn Bong Joon Ho đã mất cả năm trời tìm hiểu về vụ giết người nổi tiếng mà ông muốn tái hiện trong phim “Memories of Murder”. Ekip của đạo diễn Kim Han Min đã mất hai năm để nghiên cứu và dựng lại nguyên bản tàu chiến Nhật Bản thế kỷ XVI cho phim “The Admiral – Roaring Currents”, với bản thiết kế chi tiết hơn cả những gì Bảo Tàng Hàng Hải Nhật Bản có được. Anh em Nolan đã nghiên cứu về khoa học vũ trụ kỹ thế nào cho phim Interstellar, hoặc nếu bạn thử xem phim “The Case For Christ”, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của công tác research đối với truyện phim.

d17a1588_7c4a_11e9_8126_9d0e63452fe9_image_hires_174143.0
Nhìn mặt đoán tính cách thử coi nè

Tiếc là ở nước ta, mọi người thường bỏ qua giai đoạn đó. Xuyên tạc thì dễ hơn, nhất là khi khán giả có thể sẽ không để ý hay tìm hiểu kỹ hơn xem là cái phim đó đưa ra thông tin chính xác hay bịa đặt. Có thể nhìn thấy khá rõ ràng qua mấy phim thể thao hay lịch sử được làm bởi các ekip trẻ trong vài năm gần đây.

Vậy khi research, ta nên research thế nào?

Điểm mấu chốt khi tìm hiểu về một vấn đề, là vấn đề đó có phục vụ cho câu chuyện hay không, và làm sao để bạn có thể xuyên tạc mà không ai bắt bẻ được. Ví dụ, khi bạn viết kịch bản về quá trình phá án của một tổ điều tra, thì đầu tiên bạn phải nghĩ ra vụ án, rồi đứng ở góc độ tội phạm nghĩ ra phương pháp thực hiện vụ án, sau đó nghĩ xem điều tra viên sẽ phải dùng quy trình gì, nghiệp vụ gì để phá án, cũng như những quy định, khung pháp lý liên quan… Muốn làm được điều đó, bạn phải tìm hiểu. Hay như khi bạn viết kịch bản phim cổ trang, bạn muốn lật lại lịch sử, biến một trung thần thành tội đồ hoặc ngược lại, thì đầu tiên bạn phải đảm bảo rằng những sự kiện mà bạn diễn giải lại không đi lệch quá xa so với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cũng như phải hiểu rõ quy tắc xưng hô thời phong kiến hay cấu trúc chiến tranh thời xưa như thế nào, tại sao lại như vậy…

272704_143598662384785_3835774_o
Khi bạn nhận ra có đứa làm phim truyền hình xuyên tạc cuộc đời bạn

Thời gian gần đây, phong trào viết phim tâm lý tội phạm có phần phát triển, tâm lý học trở thành “hot trend”, tới nỗi bạn tôi học ngành Tâm lý học có lần phải thốt lên rằng “Giờ thì chỉ cần lên vài fanpage đọc bài là ai cũng có thể nghĩ bản thân là nhà tâm lý”. Tôi cũng thường xuyên nhận được kịch bản từ các người viết trẻ nhờ góp ý, trong đó có khá nhiều kịch bản liên quan đến tâm lý tội phạm. Lần nào cũng vậy, tôi đều khuyên các bạn nên chú ý, tìm hiểu cặn kẽ từ những kiến thức tâm lý cơ bản nhất, nền tảng nhất, bởi càng hiểu rõ về tâm lý con người nói chung, bạn càng dễ nhận ra và phát triển tâm lý nhân vật của bạn cho phù hợp.

Tóm lại, research là một công đoạn quan trọng, giúp bạn hiểu rõ hơn về câu chuyện cũng như nhân vật của mình, đồng thời có đủ dữ liệu để bạn có thể khiến khán giả tin vào câu chuyện hư cấu của bạn mà không ai có thể bắt bẻ bạn được.

Tuy nhiên, còn một chuyện này, không phải ai cũng sẽ nói cho bạn.

Trong khi research, nhất là khi tìm kiếm thông tin nhạy cảm liên quan đến hành vi phạm tội, bạo lực, tự tử, giết người… bạn có thể nhận thấy rằng có những thông tin mà hầu như mọi phim đều cố tình làm khác đi. Không phải là nhà làm phim không biết, mà vì họ không muốn khán giả bắt chước theo (như những sự kiện đáng buồn đã xảy ra sau khi một số khán giả bắt chước nhân vật Joker trong phim The Dark Knight, xách súng đi tàn sát lung tung). Bạo lực thật sự, phương thức buôn lậu, công thức điều chế ma tuý hay chất nổ, các phương thức tự sát thật sự, các phương án nguỵ tạo chứng cứ hay kế hoạch giết người hoàn hảo… là thứ bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên Google, nhưng làm ơn, đừng đưa chính xác những thứ đó vào phim. Hội đồng kiểm duyệt sẽ buộc phải cắt bỏ hết những chi tiết đó để đảm bảo an toàn cho khán giả. Hoặc lỡ như những cảnh quay đó ra rạp trót lọt và gây ảnh hưởng tiêu cực, bạn có thể sống an yên cả đời khi biết rằng nhờ bạn mà có ai đó đã giết người hay tự tử thành công?

Hãy sử dụng thông tin mà bạn có được một cách đúng đắn.

3. Phác thảo nhân vật

68203c9d5b390ed2ab09cb88495ba760
“Sao buồn vậy cưng?” “Em làm luật sư mà chúng nó bảo em giống côn đồ”

Lại một vấn đề nữa thường xuyên bị bỏ qua: “Phác thảo nhân vật”.

Nhân vật là trung tâm của câu chuyện. Khán giả xem phim là để theo dõi hành trình của nhân vật, và nếu nhân vật của bạn nông cạn, hỗn loạn một cách vô lý, hay chẳng có điểm gì thú vị, thì khán giả sẽ chẳng thể nào chuyên tâm mà dõi theo. Ờ, trừ mấy bạn fan-não-tàn sẵn sàng xem mọi thứ miễn là có thần tượng (như tôi cũng từng ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ xem một bé idol livestream cảnh ẻm ra công viên ăn chuối xong đi dạo – tôi dại gái, đừng như tôi).

Có nhà sản xuất từng nói với tôi rằng “Điện ảnh quan trọng cấu trúc, truyền hình quan trọng nhân vật”. Ở một góc độ nhất định, nhận xét này có phần đúng. Với những bộ phim truyền hình không dưới 30 tập, các nhân vật trong phim càng có chiều sâu bao nhiêu, thì biên kịch càng dễ khai thác và phát triển nội dung, mạch truyện bấy nhiêu. Tuy nhiên, với thời lượng chỉ từ 90-120 phút của phim điện ảnh, việc thể hiện chiều sâu của toàn bộ các nhân vật trong phim không hề dễ dàng. Nếu không cẩn thận, bạn còn có thể làm hỏng mạch phim. Tuy vậy, không có nghĩa là nhân vật trong phim điện ảnh được phép nông cạn. Nếu bạn đã xem những phim như “Forrest Gump” hay “Parasite”, bạn có thể thấy cách mà đạo diễn/biên kịch thể hiện các khía cạnh, chiều sâu của mỗi nhân vật tinh tế như thế nào qua từng hành động, cử chỉ, lời thoại, cách nhân vật phản ứng và đối mặt với cùng một tình huống… Nhân vật trong điện ảnh, tuỳ thể loại, thậm chí cần có chiều sâu hơn cả trong truyền hình. Trong truyền hình, bạn có kha khá thời lượng để thể hiện từng phần tính cách nhân vật. Trong điện ảnh, mọi thứ phải thật súc tích, ngắn gọn.

Phác thảo nhân vật, lập hồ sơ nhân vật, viết ra càng đầy đủ thông tin chi tiết về nhân vật, bạn càng hiểu rõ nhân vật của bạn hơn. Chỉ khi hiểu rõ về nhân vật, bạn mới có thể cảm nhận và tái hiện chính xác được hình ảnh, tính cách và suy nghĩ của nhân vật vào trong kịch bản.

parasite-2019-film-movie-directed-by-bong-joon-ho-reviews-film-cast-8
Một khung hình, ba số phận

Đừng để nhân vật của bạn trở nên kệch cỡm, phi lý, giả tạo hay nhạt nhẽo trên màn ảnh, chỉ vì bạn không dành ra vài giờ để tìm hiểu về nhân vật trước khi viết kịch bản.

Làm sao để xây dựng hồ sơ nhân vật đầy đủ và cụ thể nhất? Tham khảo bài viết này ngay.

4. Lập sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật

Mọi nhân vật trong cùng một phim đều có quan hệ với nhau, theo cách này hay cách khác. Đôi khi, một nhân vật tưởng chừng không có quan hệ gì với nhân vật chính, lại là tác nhân làm thay đổi hoàn toàn cái kết của cả câu chuyện.

Vạch ra sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật, cũng là cách để bạn đảm bảo rằng không có hai nhân vật trùng lặp về tính cách hay số phận, đồng thời giúp bạn nắm rõ mức độ tương tác giữa các nhân vật, cách xưng hô giữa các nhân vật với nhau, hay những khía cạnh mà mỗi nhân vật đảm nhận để phác hoạ nên bức tranh toàn cảnh về câu chuyện, chủ đề, thông điệp mà bạn muốn thể hiện.

6b500977e8b688e5a3439d198e13460b
Sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật phim truyền hình “Moon Lover”

Trên đây là sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật trong phim truyền hình “Moon Lover” của Hàn Quốc, được remake từ bản gốc “Bộ Bộ Kinh Tâm” của Trung Quốc. Với số lượng nhân vật dày đặc với nhiều tính cách và địa vị khác nhau, cùng với 4-5 tuyến truyện song hành, nếu không có sơ đồ này, ngay cả biên kịch cũng khó mà nhớ hết phim mình có bao nhiêu nhân vật, chứ đừng nói tới khán giả.

Trong một trường hợp khác, phim truyền hình “Goblin”, với ít nhân vật hơn, biên kịch dễ dàng khai thác mối quan hệ, tương tác giữa các nhân vật với nhau một cách rõ nét hơn. Dù vậy, trong phim này đôi khi khán giả cũng không rõ là cặp nào mới là cặp đôi chính.

c894193855f3a6ad8025c5c00c86c9af
Bạn nghĩ trong phim này cặp nào là cặp đôi chính?

Tạm kết

Như vậy, để công việc viết kịch bản của bạn trở nên dễ dàng hơn, trước khi bắt tay vào viết kịch bản chi tiết, bạn cần chuẩn bị những bước sau:

  • Phác thảo câu chuyện càng chi tiết càng đầy đủ càng tốt. Câu chuyện có rõ ràng, bạn mới biết được rằng mình đang viết cái gì, muốn nói cái gì, tại sao mình phải làm nó.
  • Research – Tìm hiểu thông tin, nghiên cứu về tất cả những vấn đề học thuật, tâm lý, xã hội… liên quan đến nội dung trong câu chuyện mà bạn chưa hiểu rõ. Càng đầy đủ thông tin, câu chuyện của bạn càng vững chắc hơn. Bạn phải hiểu rõ câu chuyện của bạn, để không ai có thể bắt bẻ được bạn.
  • Phác thảo nhân vật thật rõ ràng, cụ thể, chi tiết, đầy đủ. Bạn phải hiểu rõ nhân vật của bạn, thì mới mong ràng may ra khán giả sẽ cảm nhận được đôi chút.
  • Lập sơ đồ quan hệ giữa các nhân vật. Mọi mối quan hệ đều quan trọng. Nắm được sự tác động của mối quan hệ lên các nhân vật, bạn sẽ dễ dàng điều khiển đường đi của câu chuyện và các nhân vật hơn.

Những bước chuẩn bị này chắc chắn sẽ làm truyện phim của bạn tốt hơn. Còn tốt được tới đâu, lẽ dĩ nhiên, phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực và chăm chỉ của bạn.

Bạn nghĩ rằng chuẩn bị nhiêu đây đã đủ chưa? Chúng ta có cần làm thêm những việc gì trước khi bắt tay vào viết kịch bản không? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn tại đây. Và đừng quên chia sẻ bài viết này để ủng hộ blog nhé. Cảm ơn bạn rất nhiều ^_^

©yooribae

Comments

4 bình luận cho “[Kịch bản 101] #22: Những việc cần làm trước khi bắt đầu viết kịch bản”

  1. Mình rất háo hức đón chờ các bài đăng của bạn và bạn chưa bao giờ làm mình thất vọng. Quả thực đọc bài viết này đưa mình trải qua rất nhiều các cung bậc cảm xúc. Từ những dòng chữ đầu tiên nghĩ rằng sao nó giống với tâm trạng mình vãi cả ra. Và tự nhủ: à thì ra không phải mỗi mình cảm thấy như vậy – Cũng bớt hoang mang đi nhiều. Cách bạn đưa ra vấn đề và gợi ý hướng giải quyết vấn đề khiến cho những người đang tự bơi như mình có thêm động lực tiếp tục mài phao câu. :))). Mong bạn có thật nhiều sức khỏe để chia sẻ thật nhiều những kiến thức bổ ích như này.

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^

  2. Cảm ơn những chia sẻ rất hay của bạn nhé !!!

    1. Cảm ơn Hoa Lam đã ủng hộ blog ^_^

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d