Có một người thầy từng luôn nhắc tôi rằng: “Nghệ thuật nói về nỗi đau của con người”, “Phim là của nhân vật”. Mọi câu chuyện, mọi bộ phim, đều xoay quanh nhân vật. Nhân vật ở đây không chỉ mỗi con người, mà mọi thứ, từ mấy con cún con đến ngọn gió trên đồi hay mảnh thủy tinh trong thùng rác cũng đều có thể trở thành nhân vật chính của một bộ phim, miễn là nhân vật đó được kể bằng một câu chuyện phù hợp.
Nhân vật của bạn bắt đầu bằng những quan điểm, tính cách, thế giới quan, niềm tin rõ ràng và cụ thể. Trong suốt hành trình tiếp theo, tất cả những người nhân vật gặp gỡ, tất cả sự kiện nhân vật trải qua, tất cả mọi khó khăn, thử thách nhân vật phải đương đầu… đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Huỷ hoại toàn bộ những gì nhân vật có trước đó và đẩy nhân vật vào bước đường cùng.
Chiến thắng hay thất bại, phụ thuộc vào chính bản thân của nhân vật.
Vậy thì, làm sao để huỷ hoại nhân vật của bạn một cách hiệu quả nhất?
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HỦY HOẠI NHÂN VẬT
Nhân vật luôn luôn thay đổi
Trong những cấu trúc phim được sinh ra từ cấu trúc Ba Hồi, có một cấu trúc tên là Hero’s Journey. Về cơ bản, Hero’s Journey dịch ra tiếng Việt là Hành trình của anh hùng. Tất nhiên, anh hùng ở đây là nhân vật chính của câu chuyện. Những câu chuyện, bộ phim theo cấu trúc Hero’s Journey là những bộ phim mà trong đó nhân vật chính bất ngờ bị lôi vào một cuộc hành trình gian nan, nguy hiểm để tìm kiếm một thứ gì đó có thể giúp nhân vật chính thành công và cuối cùng nhận ra cuộc đời bản thân đã thành thụ, à, đã thay đổi hoàn toàn.
Có thể kể ra vài trường hợp điển hình như sau: Nàng Bạch Tuyết đang sống yên ổn trong lâu đài tự nhiên bị bà mẹ kế ganh ghét đòi giết, James McAvoy đang làm nhân viên văn phòng chỉ vì lỡ chạm mặt Angelina Jolie trong cửa hàng tiện lợi mà bị Wanted, mấy đứa nhỏ tới nhà người thân chơi xong chui vô tủ áo và bị ép phải đi giết bà cô già sống một mình ở xứ Narnia, Châu Tinh Trì vì muốn kiếm cơm mà gia nhập xã hội đen cuối cùng lại bị đánh cho ra bã xong học được Tuyệt Đỉnh Kungfu, ông già không muốn bán nhà nên Up cái nhà lên trời để cuối cùng bay lạc cùng một đứa nhóc béo phì và một con chó biết nói… rất nhiều bộ phim nổi tiếng có cấu trúc Hero’s Journey, cũng khá nhiều bộ phim dở ẹc theo cấu trúc này.
Vậy, điểm mấu chốt của tất cả những nhân vật trên là gì?
Sự thay đổi.
Trong mọi câu chuyện, mọi bộ phim, bất kể là nhân vật trung tâm hay phản diện, Hero hay The Cat, đều thay đổi bản thân theo thời gian. Nhân vật đang yên đang lành bị thay đổi môi trường sống, dần dần thay đổi cả nhận thức, cuối cùng là thay đổi cả cuộc đời. Sự thay đổi này có thể làm cuộc đời nhân vật tốt lên, cũng có thể dẫn nhân vật đến cái chết, nhưng nhân vật bắt buộc phải thay đổi. Tại sao? Bởi nếu như không có sự thay đổi, thì câu chuyện sẽ trở nên nhàm chán và vô nghĩa.
Trong những bộ phim truyền hình buổi sáng dài trăm tập mà các bà, các mẹ chúng ta theo dõi mỗi ngày, nhân vật chính thường là những bà nội trợ yếu đuối, bị hành hạ bởi một tập đoàn từ chồng, mẹ chồng, tuesday của chồng, tiểu tam của mẹ chồng, đến mấy bà hàng xóm… Sau khi bị đẩy tới đường cùng, những người phụ nữ ấy nhận ra đó giờ mình sống ngu quá, liền vùng lên, tìm kiếm cuộc sống mới, tự lực cánh sinh, trải qua bao khó khăn vất vả, cuối cùng thành công, giàu có, hốt luôn được anh trai tân ngon lành hơn ông chồng cũ gấp bội phần.
Trong những phim siêu anh hùng Marvel mà nhiều bạn yêu thích, các siêu anh hùng cũng thường bắt đầu từ một đứa nhỏ mồ côi, thiếu tình thương gia đình, thất bại toàn tập… Trải qua nhiều thử thách, khó khăn, nhân vật buộc phải đấu tranh, dùng năng lực của mình để giải cứu thế giới và giúp cho các tập đoàn xây dựng có thêm thu nhập cũng như người nghèo phải đóng thuế nhiều hơn để làm lại cầu đường.
Trong phim The Secret Life of Walter Mitty, nhân vật chính – Walter Mitty – ban đầu chỉ là một anh chàng nhân viên văn phòng bình thường, cả cuộc đời nhàm chán, quẩn quanh trong bốn bức tường; sau này vì một biến cố trong công việc mà phải trải qua hành trình dài rong ruổi khắp Bắc Âu, bước ra thế giới và lần đầu tiên trong đời nhận ra thế giới ngoài kia tươi đẹp biết dường nào. Hay như phim Joker mới ra rạp gần đây, nhân vật ban đầu chỉ là một con người có vấn đề về thần kinh cố gắng sống một cách đàng hoàng, vì bị cả xã hội mang ra hành hạ mà cuối cùng phải đứng lên phản kháng và bị cắt mất ba cảnh do không chịu khoe lưỡi (đùa thôi).
Nếu bạn đã xem những phim như Harry Potter, Avatar, Ice Age, Toy Story… bạn có thể thấy rất rõ sự thay đổi của nhân vật xảy ra như thế nào. Sự thay đổi ở đây không chỉ là về sự trưởng thành về mặt sinh học, mà còn là sự trưởng thành về mặt tâm lý, sự thay đổi về nhận thức, quan điểm, hành vi, đưa nhân vật từ một cá thể chưa hoàn thiện ban đầu trở thành một sinh vật hoàn thiện và mạnh mẽ hơn vào cuối phim.
Thế thì, làm thế nào để nhân vật có động lực thay đổi?
Hủy hoại cuộc đời nhân vật
“Nhân chi sơ, tính bản ác” – Con người chúng ta sinh ra đã có tính ác, vậy nên cần có pháp luật để kiềm chế con người không làm việc ác; Lão Tử (nhà triết học nổi tiếng thế giới sống ở vùng Hoa Hạ mấy ngàn năm trước) đã nói như vậy. Một trong những tính ác của con người, là tính ganh ghét, đố kỵ. Con người có xu hướng thờ ơ, bàng quan với những chuyện tốt đẹp, nhưng lại thích lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện mang tính tiêu cực, xấu xa, không mấy tốt đẹp của người khác. Tâm lý học cho rằng, đó là cách cái tôi của con người tự an ủi bản thân khỏi sự mặc cảm trong tiềm thức, tự tạo ra cảm giác rằng bản thân tốt đẹp hơn người khác. Tất cả con người đều vậy. Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy, không ai khác ai cả.
Tại sao tôi lại đề cập đến vấn đề này? Vài năm trước, các nhà khoa học đã chứng minh, khi buồn bã con người có xu hướng thích xem phim buồn, có kết thúc bi kịch hơn. Cũng như khi mới chia tay xong, nhiều người bỗng dưng thích nghe nhạc Mr. Siro vậy.
Tiến sĩ Åsa Jansson – người tham gia nghiên cứu cho biết: “Nỗi buồn có liên quan đến sự thức tỉnh tinh thần. Sau khi xem những bộ phim buồn, mọi người dường như lấy các bi kịch mà nhân vật trong phim phải trải qua để đối chiếu với các mối quan hệ trong cuộc sống riêng của họ, để biết ơn về những điều mà họ đang có.Điều đó có thể giúp giải thích lý do tại sao những bi kịch thường được khán giả ưa chuộng, mặc dù chúng gây ra nỗi buồn”.
Tiến sĩ cũng nói thêm rằng: “Những cảm xúc tiêu cực như buồn bã làm cho bạn suy nghĩ nghiêm túc hơn về tình hình của mình. Vì thế, xem 1 bộ phim buồn về những người yêu nhau có thể khiến bạn buồn, khóc… nhưng điều này sẽ làm bạn suy nghĩ nhiều hơn về mối quan hệ gần gũi của bạn, và giúp bạn đánh giá nó cao hơn”.
Nguồn: Cafebiz, báo Thanh Niên
“Nghệ thuật nói về nỗi đau của con người”. Trong mọi bộ phim chúng ta xem, trong mọi tiểu thuyết chúng ta đọc, nhân vật chính thường là những sinh vật gặp phải những bi kịch nặng nề, khổ sở, khó khăn chồng chất, tưởng chừng không có lối thoát… Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, nhân vật đều cố gắng hết sức mình để vươn lên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn (dù không phải nhân vật nào cũng đạt được cái kết hạnh phúc). Les Misérables, Slumdog Millionaire, The Pursuit of Happyness, 12 Years a Slave… rất nhiều bộ phim với nhân vật chính gặp bi kịch từ đầu đến cuối phim đã được đề cử Oscar và lay động trái tim của hàng trăm triệu khán giả trên thế giới, thu về hàng đống tiền cho các nhà đầu tư.
Ngay cả những bộ phim hài, cũng nói về nỗi thống khổ của nhân vật. Khán giả trên thế giới cười sảng khoái khi thấy mèo Tom bị chặt nhiều khúc bởi chuột Jerry, hào hứng nhìn Mr. Bean vật vã với mấy con hàu sống, cười vui khi thấy hề Sặc-lô bị tông xe bay lên trời… Nghe có vẻ độc ác, nhưng bản năng của con người là vậy.
Không chỉ trong phim, đời thực cũng chẳng kém gì. Sự phát triển của mạng xã hội và mấy quả bom nhân quyền giúp con người càng ngày càng dễ dàng bộc lộ các khía cạnh không mấy tốt đẹp của bản thân hơn. Nếu có dịp theo dõi các tin tức gần đây, bạn có thể thấy cách mà con người phản ứng với những chuyện tiêu cực thế nào. Sự ra đi của ca sĩ Kpop Sulli ngay lập tức biến thành chủ đề cho hàng loạt trang báo, trang blog với những bài viết khóc thương mùi mẫn chỉ xoay quanh chủ đề tự do tình dục. Khán giả hôm trước khóc thương cho Sulli thì ngay hôm sau đã nguyền rủa những ca sĩ khác trạc tuổi Sulli bằng những lời lẽ tệ hại hơn. Khán giả mới tháng trước còn tung hô khẩu hiệu “buê đuê thượng đẳng” thì tháng sau đã chửi nghệ sĩ Thanh Bạch là “bóng gồng”. Mỗi dự án nghệ thuật khi ra mắt mà không đi kèm với scandal thì chẳng ai quan tâm. Thậm chí đến một Dự Luật mà Quốc hội đưa ra mà không có điều khoản nào (có vẻ) kỳ cục thì người dân cũng chẳng thèm chú ý đến Dự Luật đó. Và tất nhiên, chẳng có ai là xấu xa cả. Chúng ta đều vô tội trong mắt của bản thân.
Trong bài trước, tôi có nhắc đến chuyện “phim ảnh là giáo dục”. Có lẽ không cần phải bàn luận nhiều về chuyện phim ảnh có sức mạnh truyền thông và ảnh hưởng đến cộng đồng đến mức nào. Nếu bạn chỉ muốn làm phim để phục vụ mục đích giải trí, chúng ta không có gì để nói thêm. Pornhub có đủ phim giải trí rồi. Nếu bạn tin rằng “một bộ phim (cũng như một cuốn sách hay) có thể thay đổi một con người”, thì những gì dưới đây có thể khiến bạn thay đổi suy nghĩ về việc “giáo dục khán giả” hay “nâng cao dân trí” bằng phim ảnh.
Đẩy nhân vật vào chỗ chết.
Bạn có thể sẽ thấy phẫn nộ khi biết rằng nếu bạn muốn tạo ra một câu chuyện hay, bạn phải đẩy nhân vật của mình đến tận cùng của bi kịch. Thế nhưng, sự thật là vậy. “Cuộc đời nếu nhìn gần là một vở bi kịch, nhưng nhìn rộng ra là một vở hài kịch”. Câu này của Charlie Chaplin, Arthur Fleck mượn tạm.
“Hài kịch đơn giản là kể lại một câu chuyện bi kịch dưới góc độ hài hước”. Mọi câu chuyện chúng ta kể cho khán giả, ở góc độ nhất định, đều là bi kịch. Không tin? Hãy nhìn lại những ý tưởng kịch bản bạn đã nghĩ ra đó giờ xem?
Khán giả thích xem nhân vật gặp phải bi kịch, và cảm thấy được an ủi khi thấy nhân vật tìm được cách vượt qua bi kịch đó. Đó là lý do khán gải thích đọc hay xem mấy câu chuyện về những tấm gương nhà nghèo vượt khó hay cuộc đời ngập hành của mấy tay tài phiệt. Nếu bạn làm phim về những con người sống hạnh phúc từ đầu đến cuối mà chẳng có biến cố gì thì yên tâm đi là đến con nít cũng chẳng buồn xem. Cô bé quàng khăn đỏ mà không gặp sói thì truyện đâu bán chạy. Avengers mà dành cả mấy tiếng phim để nói về chuyện ăn kem của Đội Trưởng và Bàn Là thì họa may chỉ bán được vé cho mấy em hủ nữ tuổi teen đi xem.
Vậy nên, nhân vật của bạn, dù ít hay nhiều, cũng phải bị đẩy vào bi kịch.
Đầu tiên, vì đó là thứ làm câu chuyện của bạn hấp dẫn. Không phải hấp dẫn bạn, mà là hấp dẫn khán giả. Tại sao chỉ riêng mùa hè năm nay, ngoài rạp có tới 13 phim Việt lỗ sặc máu? Vì hầu hết những bộ phim đó chẳng có gì đủ hấp dẫn để khán giả ra rạp (trừ phim em bé 13 tuổi, tại Pornhub không cho trẻ vị thành niên đóng phim).Khán giả thích bi kịch, chúng ta đã bàn tới ở trên. Không nhất thiết bạn phải để nhân vật có sad ending. Happy ending cũng tốt, nhưng nhân vật chỉ nên happy ở ending, chứ không phải happy suốt cả phim. Khán giả thích thế. Mà thật ra, trong thâm tâm bạn cũng muốn thế.
Mỗi câu chuyện bạn viết ra, theo tâm lý học, phản ánh một phần tâm trí, con người bạn. Nếu mọi câu chuyện bạn viết ra đều tràn ngập cảnh nóng và chỉ xoay quanh chuyện giường chiếu, chúng ta nên inbox nói chuyện riêng. Nếu nhiều câu chuyện của bạn xoay quanh mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bạn đã, đang hoặc sẽ có một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Nói rộng ra, những gì bạn quan tâm và suy nghĩ trong đầu, sẽ được thể hiện ra hết trên mặt giấy, trong câu chuyện của bạn.
Với rất nhiều người, viết ra là cách họ trút những tâm tư, phiền muộn của họ ra giấy. Phần lớn nhà văn, nhà thơ, biên kịch cầm bút viết, đánh máy, kể chuyện… đơn giản vì đó là cách duy nhất để họ giao tiếp, thể hiện cảm xúc, quan điểm, nỗi đau của bản thân ra cho thế giới biết. Trừ khi bạn viết chỉ để kiếm tiền, còn nếu như câu chuyện được bạn viết ra bằng cả trái tim, khán giả có thể cảm nhận được tâm tư, thông điệp và nỗi đau của bạn trong đó.
Vậy là bạn phải đẩy nhân vật vào bi kịch chỉ để thu hút khán giả? Không. Khán giả thích xem nhân vật bị rơi vào bi kịch, nhưng thứ giữ mông khán giả ngồi trên ghế suốt hai tiếng phim là hành trình nhân vật đối mặt và vượt qua bi kịch đó. Bạn bắt đầu bộ phim bằng thứ khán giả muốn (nhân vật bị rơi vào bi kịch) và kết thúc phim bằng thứ khán giả cần (thông điệp khiến khán giả suy ngẫm sau khi nhân vật kết thúc hành trình). Bởi khán giả đến rạp xem phim với mục đích giải trí, nhưng nếu kết phim mà không có thông điệp gì đọng lại thì khán giả sẽ mặc định phim đó dở hoặc không đủ hay. Bên cạnh đó, nếu phim của bạn không có nội dung gì để khán giả nhớ tới, thì họ có lý do gì để giới thiệu phim của bạn đến với những khán giả khác? “Đi xem đi, phim này gái xinh lắm!”, chỉ thế thôi à?
Mỗi câu chuyện, bộ phim đều bắt đầu với một nhân vật gặp một (hoặc vài) biến cố nhất định. Đó có thể là một tấm phim bị thất lạc, là chuyện công ty sắp sa thải vài nhân viên, bạn trai cũ có bạn trai mới, vô tình chứng kiến một vụ giết người hay làm rơi hạt thông xuống tâm trái đất… Những biến cố xảy ra, bằng cách nào đó, đẩy nhân vật ra khỏi cuộc sống thường nhật và rơi vào một hành trình đầy bi kịch. Một tên ăn mày bỗng trở thành người thừa kế hoàng gia, người thiểu năng bỗng thành chiến binh gieo rắc dân chủ bằng súng đạn, cậu nhóc nhà giàu bỗng thành thuyền nhân duy nhất sống sót cùng một con hổ đói nằm chung một chiếc xuồng, cậu trai trẻ gầy gò bỗng thành siêu nhân mông cong vếu bự, một nhân viên văn phòng với cặp sừng Mã Lệ Phi Xuân bỗng dưng bị truy nã và buộc phải trở thành sát thủ chuyên nghiệp, cậu trợ lý quèn bỗng dưng phải trở thành chồng của bà sếp mà cậu siêu ghét để giúp bả khỏi bị trục xuất khỏi đất nước, anh chàng bán Viagra dạo bỗng yêu nhầm cô nàng ung thư sắp ngoéo… Nhân vật đang sống đang yên đang lành, dù có hơi tệ hại chút, bỗng dưng bị đẩy vào một tình huống tréo ngoe không thể thoát khỏi, đôi khi là đẩy tới bờ vực sống chết, khiến nhân vật buộc phải thay đổi bản thân để thoát khỏi tình huống đó. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Nhân vật đấu tranh để không phải thay đổi
Con người không dễ gì thay đổi thói quen, nếp sống, cách suy nghĩ của mình. Nhân vật cũng vậy. Nhân vật xuất hiện ở đầu phim với những tính cách, sở thích, thói quen nhất định. Trong suốt hai tiếng phim, nhân vật dần dần thay đổi và thích nghi. Nhưng không có nghĩa là nhân vật có thể thay đổi 180° chỉ sau một cú chuyển cảnh. Mọi hành động, phản ứng, quyết định của nhân vật trong phim đều dựa trên tính cách của nhân vật. Một nhân vật hèn nhát sẽ mất nhiều thời gian để có thể quyết định và thực hiện một hành động can đảm. Một kẻ mê tiền sẽ không chỉ vì một câu nói của người khác mà hoàn toàn từ bỏ mục tiêu vơ vét tiền vàng đầy túi. Mọi hành động của nhân vật đều dựa trên tính cách nhân vật vốn có, nếu không rơi vào tình huống nguy hiểm như bị chĩa súng vào đầu thì nhân vật sẽ không có động lực thay đổi hành vi, thói quen của mình.
Tính cách và nhân cách
Theo Tâm lý học, tính cách là thứ con người thể hiện ra bên ngoài, do ý thức quyết định; còn nhân cách là bản chất thật sự bên trong, do vô thức quyết định. Hiểu đơn giản, tính cách là một phần của nhân cách, là thứ bạn có thể dễ dàng nhìn thấy. Ví dụ như một người có tính cách luộm thuộm, hay kỹ tính, hay ky bo, hay phóng khoáng… Còn nhân cách là thứ tạo ra tính cách đó. Một người ưa sạch sẽ có thể vì lúc nhỏ cứ làm gì dơ là bị đánh khiến cơ thể hình thành thói quen làm gì cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Một người lúc nào cũng cười có thể do lúc nhỏ bị đánh hư não. Một người hay kỳ thị người khác có thể do lúc nhỏ từng bị phân biệt đối xử… Khi tính cách trở thành thói quen không thể thay đổi được, nó sẽ trở thành nhân cách. Bạn không thể thay đổi nhân cách của một người, nhưng có thể điều chỉnh một phần tính cách (cách hành xử) của người đó. Đó là cách nhân vật của bạn thay đổi.
Nhân vật bị buộc phải thay đổi
Nhân vật của bạn bắt đầu hành trình với những tích cách, quan điểm, suy nghĩ, niềm tin, nói chung là thế giới quan nhất định. Xuyên suốt hành trình, nhân vật gặp phải những tình huống, sự kiện, con người làm lung lay, sứt mẻ, vỡ tan thế giới quan đó, khiến nhân vật hoang mang, lạc lối, không biết phải tin vào điều gì. Đến cuối cùng, nhân vật buộc phải tự tìm ra lối thoát cho riêng mình. Mọi câu chuyện, mọi bộ phim đều như vậy.
Thứ bi kịch kinh khủng nhất bạn có thể nghĩ ra
Tất nhiên là, không phải lúc nào bạn cũng phải đưa ra những câu chuyện bi kịch khủng khiếp. Nhất là khi bạn định viết về một phim tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng. Thế nhưng, trong hầu hết trường hợp, nếu bi kịch nhân vật gặp phải quá đỗi nhẹ nhàng và bình thường, khán giả sẽ không cảm thấy mình có nhu cầu muốn theo dõi câu chuyện của nhân vật.
Trong Joker, Arthur Fleck là kẻ gặp bi kịch từ khi mới sinh ra. Forrest Gump, Benjamin Button, Jamal Malik, Jean Valjean, Quasimodo… cũng là những kẻ như vậy. Ngay như những phim tình cảm như To The Boys I Loved Before, Us And Them, The Notebook, Dear John, The Fault In Our Stars hay phim gia đình như The Farewell, Miracle In Cell No.7… tuy nội dung không nặng nề bằng những bi kịch mà nhân vật gặp phải cũng không hề dễ chịu.
Quay lại thời điểm những năm 2000, chắc các bà các mẹ chúng ta còn nhớ, đó là thời điểm phim truyền hình Hàn Quốc ngập chìm trong những bộ melodrama mà cái kết lúc nào cũng là ung thư. Tôi không nhớ là đã thấy Jang Dong Gun lăn đùng té ngửa vì ung thư bao nhiêu lần trên TV lúc ấy. Đừng chửi phim Hàn vội, vì họ chỉ bắt chước phim điện ảnh Mỹ với Xô Viết những năm 70-80 thế kỷ trước thôi. Thời gian gần đây, theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy phim Hàn Quốc (ở cả mảng phim điện ảnh lẫn phim truyền hình) khai thác bi kịch còn người còn đáng sợ hơn cả phim Mỹ nữa.
Tóm miniskirt lại:
Nhân vật của bạn, chỉ có thể thay đổi và trở nên hoàn thiện hơn, khi bị đẩy vào đường cùng. Con người chúng ta, trong cuộc sống này, cũng vậy. Mỗi ngày trôi qua là cuộc chiến để bản thân không rơi vào vực thẳm. Cuộc sống của bạn hiện nay có thể chẳng mấy khó khăn, nhưng nếu bạn không muốn sự nghiệp viết lách của bạn kết thúc trên bảng phong thần phim lỗ hàng năm, thì giờ là lúc để bạn đẩy nhân vật của bạn vào nguy hiểm. Nhân vật của bạn càng đối mặt với nhiều hiểm nguy bao nhiêu, kịch bản của bạn sẽ có nhiều cơ hội sống sót bấy nhiêu. Đánh thức nhân vật của bạn dậy, và quăng nó xuống vực thẳm đi. Nhưng nhớ, đừng để nhân vật của bạn chết trước khi phim hết.
Mong là nhân vật của bạn sống sót (ít nhất) tới giữa phim.
©yooribae
Cảm ơn ad, bài viết rất hay! Mong ad sớm cho ra bài tiếp theo, luôn theo dõi blog này!
Yoo cho mình hỏi nhé? Thế nếu viết kiểu một nhân vật khác bước vào cuộc đời của nhân vật chính rồi huỷ hoại cuộc sống của họ thì có được không nhỉ? Cảm ơn yoo nhé!
Được nhé bạn. Gần như mọi câu chuyện đều bắt đầu với việc nhân vật đang sống bình thường thì một ai đó bước vào cuộc đời nhân vật, gây chuyện và làm cuộc đời nhân vật rối tung lên ^_^
Cảm ơn Vi Vo đã ủng hộ blog ^_^
Ad ơi, mình có thể góp ý một chút được không, dạo này mình thấy ad làm toàn về phần điện ảnh, mk thì lại đang cần kiến thức về kịch bản truyền hình dài tập, liệu có thể nào ad làm 1, 2 bài viết về cái đó được không?(Mk tìm tài liệu về cách viết kịch bản dài tập rồi nhưng mãi không thấy) nếu được thì cảm ơn ad nhé
Chào bạn, cảm ơn góp ý của bạn nha ^_^ Mình sẽ sắp xếp thực hiện một bài riêng về kịch bản phim truyền hình trong thời gian tới. Nếu bạn có thắc mắc về bất kỳ phần kiến thức nào liên quan đến kịch bản phim truyền hình, bạn có thể để lại câu hỏi tại đây hoặc gửi câu hỏi vào email yoori.creator@gmail.com nhé. Mình sẽ tổng hợp lại và giải đáp cho bạn trong bài viết. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^