[Kịch bản 101] #27: Cảm xúc của ngôn từ

Miêu tả cảm xúc, đó là một trong những cơn đau đầu bất tận mà mọi người viết gặp phải. Đối với biên kịch, miêu tả cảm xúc còn khó khăn hơn, khi mà mọi cảm xúc cần miêu tả đều phải được thể hiện thành hình ảnh hay lời thoại. Sử dụng từ ngữ gì, miêu tả như thế nào, làm sao để người đọc hiểu được chính xác người viết muốn truyền đạt cảm xúc gì qua câu chữ; đó không còn là kỹ thuật đơn thuần, mà đã trở thành nghệ thuật. Khi đã trở thành nghệ thuật, có nghĩa là hên xui, kỹ năng tốt hay luyện tập chăm chỉ cũng chỉ là yếu tố phụ; bản năng, sự nhạy cảm, tinh tế của mỗi cá nhân tác giả mới là thứ quyết định sau cùng.

Dù vậy, cũng có vài yếu tố kỹ thuật giúp cho việc miêu tả cảm xúc trong kịch bản đỡ khô khan hơn chút.

CẢM XÚC CỦA NGÔN TỪ

Là tác giả, nhà văn, biên kịch… bạn kể chuyện bằng ngôn từ. Rất nhiều bạn đặt câu hỏi cho tôi, rằng “Làm cách nào để miêu tả được cảm xúc bằng ngôn từ?”. Nếu bạn là nhà văn, bạn có thể dễ dàng thể hiện cảm xúc của nhân vật bằng việc cho nhân vật “cảm thấy”. Nhưng khi bạn là biên kịch, mọi hành động, cảm xúc của nhân vật đều phải được miêu tả sao cho “có thể nhìn hoặc nghe thấy trên màn ảnh”, thì vấn đề trở nên khó khăn hơn. Là nhà văn, bạn có thể miêu tả rằng “cô ấy cảm thấy buồn”, nhưng là biên kịch, bạn phải chuyển thể cái “cảm thấy”, cái sự “buồn” đó thành hành động, thành hình ảnh. Bạn cũng có thể chuyển thành lời thoại, kiểu “Tôi buồn quá!”, như nhiều phim Việt Nam vẫn làm. Tất nhiên, cái gì dễ quá thì không vui, cũng chẳng hay ho gì. Vậy nên chúng ta sẽ chỉ bàn tới việc tháo gỡ cái khó.

giphy (31)

Diễn tả sao cho đủ ý?

Điện ảnh là kể chuyện bằng hình ảnh (và âm thanh). Mọi thứ bạn thể hiện trên kịch bản phải được nhìn thấy hoặc nghe thấy trên màn ảnh. Điều này có nghĩa ngôn ngữ của kịch bản là văn miêu tả, trần thuật, không phải văn tự sự. Nhiều người cho rằng, như vậy là ngôn ngữ của kịch bản khô khan, cứng nhắc, không sinh động và giàu cảm xúc như thơ ca hay tiểu thuyết. Không hẳn như vậy.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ có vốn từ ngữ vô cùng phong phú và đa dạng. Chúng ta có rất nhiều từ để chỉ cùng một sự vật, sự việc. Khi còn nhỏ, chúng ta đã được học về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm khác nghĩa (đa nghĩa)… Hãy thử áp dụng vào kịch bản. Nếu nhân vật của bạn “cười”, thay vì chỉ ghi là “nhân vật cười”, bạn có thể miêu tả rõ hơn rằng nụ cười đó mang hàm ý gì, cảm xúc thế nào; chẳng hạn như “nhân vật mỉm cười/ cười gằn/ nhếch mép/ bật cười/ mỉm cười buồn bã/ nở nụ cười nhẹ nhàng/ cười trìu mến…”. Nếu nhân vật của bạn đang buồn, hãy miêu tả cụ thể người đó buồn như thế nào (thở dài, cúi gằm mặt, ngồi bệt xuống đất, gương mặt thất thần, rơi nước mắt…) thay vì chỉ ghi mỗi ba chữ “nhân vật buồn”. Sử dụng những từ ngữ miêu tả đơn giản nhưng đầy đủ và rõ ý để người đọc có thể tưởng tượng và cảm nhận được cảm xúc của nhân vật một cách vừa phải, vừa giúp kịch bản của bạn giàu cảm xúc hơn, vừa giúp diễn viên biết họ nên thể hiện cảm xúc như thế nào, vì chưa chắc gì ra hiện trường đạo diễn sẽ chỉ đạo diễn viên diễn cho đúng cảm xúc.

giphy (10)

Từ tượng thanh – Từ tượng hình

Sử dụng từ tượng thanh, từ tượng hình trong miêu tả hành động (action) của kịch bản là một cách đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giúp kịch bản của bạn trở nên sinh động, kích thích trí tưởng tượng của độc giả tốt hơn. Ví dụ: Bạn có thể viết là “những chiếc lá rơi”, đó là hình ảnh. Nhưng nếu bạn viết là “những chiếc lá rơi xào xạc” chẳng hạn, thì từ tượng thanh “xào xạc” giúp người đọc cảm nhận được không gian, khung cảnh tốt hơn, thay vì chỉ có hình ảnh tĩnh “lá rơi”. Tương tự, bạn có thể miêu tả “quán cafe đông đúc, chật chội, khói thuốc lá đặc quánh, mù mịt, tiếng cười nói ồn ào, hỗn tạp” thay vì chỉ miêu tả đơn giản là “quán cafe đông người”.

giphy (59).gifgiphy (60).gifgiphy (58).gif

“Sân vận động náo nhiệt”, “lớp học ồn ã”, “dòng suối trong vắt, nước chảy rí rách”, “tiếng mưa rơi trên mái tôn lộp bộp”, “tiếng chó sủa râm ran”… Sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh đúng cách giúp bạn miêu tả không gian, khung cảnh, hành động của nhân vật rõ ràng, cụ thể hơn; cũng như giúp cho kịch bản của bạn có hồn hơn. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng. Bạn có thể sử dụng cách thức này để giới thiệu, dẫn dắt người đọc hòa mình vào không gian của cảnh quay, sự việc. Nhưng nếu chi tiết đó, hình ảnh đó không quá quan trọng, thì có thể lược bỏ bớt. Hơn nữa, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ viết ra những gì có thể ghi hình hoặc thu âm được. “Bầu trời trong vắt không một bóng mây, ngọn gió rì rào thổi hơi mát lành bao phủ khắp không gian” là thứ không thể diễn tả bằng hình ảnh hay âm thanh được. Hãy ghi nhớ điều này.

Cảm xúc trong lời thoại

Khác với phần hành động (action), phần lời thoại (dialog) là văn nói, nghĩa là phần lời thoại sẽ không cần phải bị ràng buộc bởi yếu tố nghe – nhìn như phần hành động. Dù vậy, phần lời thoại cũng có những nguyên tắc riêng.

Lời thoại, là văn nói, là ngôn ngữ nói, không phải ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ nói của mỗi cá nhân có những đặc điểm khác nhau, dựa vào tính cách, văn hóa, dân tộc, đặc trưng vùng miền (phương ngữ), nghề nghiệp, giới tính. Chẳng hạn, người Hà Nội có cách nói chuyện khác người Lạng Sơn, người Đà Nẵng nói chuyện khác người Huế, người miền Tây nói chuyện khác người miền Đông, người công nhân nói chuyện khác dân văn phòng, học sinh cấp 2 nói chuyện khác cụ già 70 tuổi, đàn ông nói chuyện khác với phụ nữ… Vậy nên khi viết thoại, bạn cần phải ghi nhớ và điều chỉnh lời thoại phù hợp với nhân vật của mình.

giphy (27)

Tip: Do nhiều yếu tố, phương ngữ miền Bắc và miền Nam ngày càng bị trộn lẫn với nhau, nhất là trong văn viết. Nhiều biên kịch người miền Nam vẫn bị ảnh hưởng và viết thoại mang giọng Bắc (do dùng văn viết thay văn nói) mà không để ý. Có một cách đơn giản để kiểm tra xem nhân vật của bạn thoại giọng Nam hay giọng Bắc: Dấu câu. Người Bắc thường dùng nhiều từ có các dấu sắc, ngã, nặng (thế, nhé, những, ạ…) trong khi người Nam dùng nhiều từ có dấu hỏi, huyền, bằng/không dấu(hả, nha, vài, ờ…). Người Bắc cũng dùng nhiều từ có âm n, nh, gi; người Nam thì thay vào đó lại dùng âm ng, d, g nhiều hơn. Tất nhiên, cách này không chính xác hoàn toàn, nhưng bạn vẫn có thể tham khảo. Hoặc bạn cũng có thể thử nói to câu thoại lên để xác định xem câu thoại bạn vừa viết có ngữ điệu chính xác với phương ngữ của nhân vật hay không.

giphy (30)

Viết thoại hay viết quote?

Một câu thoại cần đầy đủ và rõ ràng về ý nghĩa, đấy là người ta nói thế. Mục đích chính của lời thoại là bổ sung thông tin cho những gì mà hành động không thể hiện ra hết được. Vậy thứ gì mà hành động không thể hiện hết được? Cảm xúc của nhân vật. Lời thoại mang đến những thông tin mà nhân vật không thể thể hiện bằng hình ảnh, hành động hay biểu cảm. Chẳng hạn, nam chính muốn đè nữ chính ra hôn, thì đầu tiên phải làm gì? Nói vài chục câu sến súa, kèm câu kết “Anh yêu em”, xong rồi hành động. Bạn đang viết kịch bản phim chiến tranh, có cảnh xe tăng húc đổ cổng doanh trại, mà nhà sản xuất bảo cảnh đó khó quá không đủ tiền, vậy bạn phải làm sao? Quay cảnh một người lính chạy vào doanh trại, thoại “Sếp ơi chúng nó lấy xe tăng húc đổ cổng nhà mình!”. Xong. Hoặc nếu như hai cảnh quay diễn ra nối tiếp nhau mà có nội dung trùng lặp nhau, thì cảnh tiếp theo bạn có thể dùng lời thoại để diễn tả ngắn gọn, tránh lặp nội dung.

Lời thoại cũng có thể dùng để thay thế cho những cảnh quay không cần thiết. Như trong phim “Mắt Biếc” của đạo diễn Victor Vũ mới đây, để nói về quá khứ của nhân vật mẹ Hà Lan (vốn không có trong nguyên tác), biên kịch chỉ cần cho mẹ Hà Lan nói một câu thoại (tự nhiên tôi cũng quên mất câu thoại đó như nào, đại loại là mẹ Hà Lan cũng là mẹ đơn thân). Trong một số trường hợp, nhân vật có thể ấp úng, thậm chí không thể cất lời, mà khán giả vẫn có thể hiểu ý nhân vật định nói gì. Đó là kỹ năng, hay đúng hơn là tài năng của người biên kịch có nhiều năm luyện tập.

giphy (55)

Một câu thoại hay, có thể làm thành quote đăng lên mạng sống ảo, là thứ đội marketing phim rất thích. Nhưng nếu câu quote đó được đặt vào phim một cách khiên cưỡng, thì khoảnh khắc câu quote đó được thốt ra trong phim có còn thật sự hay và ý nghĩa nữa không?

Như trong phim “Us And Them”, một trong những câu quote nổi tiếng nhất là “I miss you – Anh cũng nhớ em – Không, ý em là em lỡ mất anh rồi.” OK, câu quote nghe hay đó, nhưng trong phim thì sao? Hai người đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, tự nhiên cô gái nói một câu tiếng Anh để chàng trai hiểu lầm ý xong rồi cô có cớ chỉnh lại (bằng tiếng Hoa)? Nếu bạn đã xem (và nghe) cảnh phim đó, bạn có thể cảm thấy có chút khiên cưỡng, lấn cấn ở đó.

Thực sự thì, thoại tốt đôi khi còn nhờ vào diễn viên. Như trong phim truyền hình Eundong My Love, kể về người đàn ông 20 năm tìm kiếm mối tình đầu – Eundong; mỗi lần nghe giọng nam chính gọi thầm “Eundong à” bạn cũng có thể cảm nhận được bao nhiêu cảm xúc bi thương trong đó.

Chẳng cần phải có những câu thoại sến súa, sướt mướt như ngôn tình, chẳng cần những câu thoại hay như viết quote, chỉ cần một tiếng gọi tên, một lời thì thầm, một câu hỏi “Em ăn cơm chưa?”, một tiếng “Ừ” nhẹ nhàng hay một tiếng thở dài buồn bã được đặt đúng chỗ, cũng có thể mang đến cảm xúc cho cảnh quay và làm khán giả rung động.

Một hình ảnh bằng ngàn câu thoại

Tất nhiên, chúng ta đã nói về chủ đề này rất nhiều lần rồi. Một hình ảnh ấn tượng mang lại cảm xúc cho khán giả vẫn tốt hơn là một câu thoại viết deep cho cố rồi diễn viên đọc như trả bài. Như trường hợp hai phim gần đây của đạo diễn Victor Vũ: “Người Bất Tử”“Mắt Biếc”. Hai phim đều được làm rất chỉn chu, hình ảnh rất đẹp, nội dung rất hay, và thoại thì như học sinh cấp 2 viết ra xong cho học sinh cấp 1 đọc vậy. Trường hợp “Người Bất Tử” còn đỡ đôi chút khi mà một số diễn viên lớn tuổi, kỳ cựu trong phim biết cách điều chỉnh lời thoại cho phù hợp với bản thân, trong khi các diễn viên trẻ chưa đủ kỹ năng để xử lý lời thoại phù hợp. Thế nhưng, hai phim trên vẫn còn đỡ hơn mấy phim chiếu Tết sắp ra rạp sắp tới.

giphy (1)

Lời thoại (và giọng diễn viên) trong phim Việt Nam là thứ luôn bị khán giả phàn nàn hết năm này đến năm khác. Dù ngày càng có nhiều phim cố gắng làm chỉn chu hơn, nhưng không phải mọi phim đều như vậy. Lỗi đầu tiên, đương nhiên, vẫn thuộc về biên kịch. Vậy nên, để phim của bạn hay hơn, hãy đảm bảo phần lời thoại bạn viết ra có thể sử dụng được.

Tạm kết

Diễn tả hành động, biểu cảm, lời thoại trong kịch bản sao cho đủ ý, dễ hiểu là nỗi trăn trở, lo âu của rất nhiều biên kịch. Sử dụng từ đồng nghĩa, từ tượng thanh, từ tượng hình, ngôn ngữ miêu tả, trần thuật, đảo cấu trúc để miêu tả hành động, hay sử dụng phương ngữ (tiếng địa phương), tiếng lóng, ngôn ngữ dựa trên tính cách và nghề nghiệp của nhân vật đúng nơi đúng chỗ là những cách thức phổ biến nhưng hiệu quả; giúp cho kịch bản của bạn sinh động, hấp dẫn, đầy đủ ý nghĩa và rõ ràng hơn.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ kỳ diệu. Bằng việc sử dụng từ ngữ phù hợp, bạn có thể mang đến cho người đọc muôn vàn xúc cảm khác nhau. Để nâng cao kỹ năng sử dụng từ ngữ của bản thân, hãy đọc thật nhiều sách, tìm hiểu thật nhiều từ ngữ và luôn luôn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

©yooribae

Comments

Một bình luận cho “[Kịch bản 101] #27: Cảm xúc của ngôn từ”

  1. […] 5 thg 1, 2020 — Miêu tả cảm xúc, đó là một trong những cơn đau đầu bất tận mà mọi … Tiếng Việt là một ngôn ngữ có vốn từ ngữ vô cùng phong phú và đa dạng. => Đọc thêm […]

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d