[Kịch bản 101] #30: Viết kịch bản phim ngắn

Trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao, phim ngắn đã trở thành món ăn tinh thần phổ biến đối với khán giả. Cách đây vài năm, khi phong trào “người người làm phim, nhà nhà làm phim” nở rộ, hàng loạt cuộc thi, liên hoan phim ngắn cũng dần được hình thành và trở thành sân chơi cho mọi đối tượng yêu thích làm phim. Với những biên kịch mới vào nghề, phim ngắn là cơ hội để rèn giũa kỹ năng, công việc kiếm tiền nhanh chóng và là bước chuẩn bị để tiến lên những dự án lớn hơn như phim điện ảnh hay phim truyền hình.

Thế nhưng, viết ra một kịch bản phim ngắn “xem được” lại không phải chuyện dễ dàng. Làm sao để viết ra một kịch bản phim ngắn chất lượng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:

VIẾT KỊCH BẢN PHIM NGẮN

23000378_1647170088636954_681859572724826933_o

1. Cơ bản về phim ngắn

Phim ngắn là gì?

Theo định nghĩa của nhiều Liên hoan phim, phim ngắn là phim có độ dài dưới 40 phút. Tuy nhiên, với phần lớn Liên hoan phim, phim ngắn là phim có độ dài dao động trên dưới 20 phút hoặc ngắn hơn. Tất nhiên, bạn vẫn có thể làm một phim ngắn có thời lượng 30 phút, hoặc thậm chí 60 phút. Nhưng mà, nếu bạn đã khai thác một vấn đề tới tận phút 40, tại sao bạn không khai thác hẳn luôn thành kịch bản 90 phút? Mọi người sẽ hỏi bạn như vậy.

Về lý thuyết, phim ngắn được xem như phim điện ảnh ngắn, không phải tiểu phẩm, cũng không phải video clip. Là phim, có nghĩa là bao gồm một câu chuyện được kể rõ ràng, mạch lạc bằng ngôn ngữ điện ảnh, truyền tải một thông điệp mạnh mẽ với lối kể chuyện ấn tượng, độc đáo. Những tiểu phẩm giáo dục, đạo đức đơn giản hay những vở hài kịch ngắn được quay ở khung hình 21:9 không được gọi là phim, đơn giản vì những tiểu phẩm đó không đủ ngôn ngữ điện ảnh. Những clip được quay và cắt ghép như những ảnh động (GIF) nối tiếp nhau rồi dán nhãn arthouse cũng không phải là phim, vì đó chỉ đơn thuần là một album ảnh động.

giphy

Thể loại phổ biến

Phim ngắn có thể loại khá đa dạng: Từ tâm lý, tình cảm, hành động đến rùng rợn, hồi hộp, sci-fi… Tuy nhiên, có một số thể loại ít được sản xuất và quan tâm, đó là cổ trang, hoạt hình, giả tài liệu. Lý do chủ yếu là vì những thể loại này khó sản xuất, mất thời gian, kinh phí lớn, lại không phù hợp với tiêu chí của nhiều cuộc thi phim ngắn.

Happen Ending

“Happen Ending”, cái kết bất ngờ có thể dự đoán trước, là đặc trưng của phim ngắn. Đó có thể là cái kết có hậu, đoản hậu, bi kịch, hay kết mở; nhưng điểm chung là phải gây bất ngờ một cách hợp lý cho khán giả.

2. Cấu trúc kịch bản phim ngắn

Ba Hồi có cần thiết?

Cấu trúc Ba Hồi, nói một cách đơn giản, là chia câu chuyện làm ba phần: Mở đầu, Phát triển, Kết thúc. Cho dù bạn kể câu chuyện như thế nào, kể theo cách gì, cuối cùng câu chuyện của bạn vẫn đi theo cấu trúc này. Bạn có thể mở đầu phim bằng cảnh kết, kết thúc phim bằng cảnh mở đầu, thì cuối cùng phim của bạn vẫn có đầy đủ ba phần: Mở đầu – Phát triển – Kết thúc. Không chạy đi đâu được.

Cấu trúc 3 hồi

Ouline kỹ càng

Outline, như đã nói ở những bài trước, là liệt kê tình tiết, diễn biến trong phim bằng các đoạn văn ngắn hoặc gạch đầu dòng. Đây là cách để bạn nắm được mạch phim một cách rõ ràng trước khi bắt tay vào viết kịch bản. Trừ khi bạn viết một kịch bản dưới 5 phút, hãy luôn chuẩn bị outline thật kỹ càng để không phải chỉnh sửa, viết lại nhiều lần, hoặc rơi vào những hố logic, lỗi cấu trúc khi đã viết tới giữa chừng.

Mở đầu hấp dẫn

Nếu như trong phim điện ảnh, bạn có tới 2-5 phút đầu tiên để thu hút khán giả, thì trong phim ngắn, bạn chỉ có chưa tới 30 giây đầu tiên để khán giả quyết định có xem tiếp hay không. Vậy nên, hình ảnh mở đầu của phim ngắn vô cùng quan trọng. Hình ảnh mở đầu cũng giống như tiếng sét ái tình trong tình yêu vậy. Phải khiến khán giả chú ý đến phim của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên, hoặc họ sẽ tắt và xem phim khác.

aXXN0N2_460s.jpg

Sử dụng kỹ thuật đúng chỗ

Các công cụ và kỹ thuật kể chuyện của phim ngắn và phim điện ảnh không khác gì nhau. Áp dụng kỹ thuật kể chuyện đúng nơi, đúng lúc sẽ giúp kịch bản trở nên hấp dẫn hơn và ngược lại. Công cụ và kỹ thuật kể chuyện sinh ra để phục vụ câu chuyện, hãy sử dụng chúng một cách hợp lý.

Càng ngắn càng tốt

Khán giả ngày nay không thích những câu chuyện được kể dài dòng, chậm chạp. Hơn nữa, phim ngắn có thời lượng vô cùng hạn chế, vậy nên mọi tình huống, chi tiết, nội dung trong phim ngắn phải được thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích. Đừng quá tham lam chi tiết, hãy chỉ đưa vào kịch bản của bạn những chi tiết đắt giá nhất một cách mượt mà và không gượng ép.

3. Viết sao cho độc đáo?

cropped-207822-earl-nightingale-quote-everything-begins-with-an-idea-1-1.jpg

Tự làm bản thân ngạc nhiên

Ý tưởng phim ngắn thường đến từ những khoảnh khắc thú vị, bất ngờ. Khi viết kịch bản phim ngắn, hãy suy nghĩ xem câu chuyện của bạn, cách bạn kể chuyện, cái kết của phim có kiến bạn cảm thấy bất ngờ, thú vị hay không. Nếu bạn cảm thấy rằng câu chuyện của bạn quá bình thường, nhạt nhòa, chưa đủ bất ngờ, thì khán giả cũng vậy.

Không dễ dãi

Mỗi phim ngắn, là mỗi câu chuyện, thế giới quan độc đáo, khác biệt. Khán giả luôn muốn xem những thứ mới lạ. Vậy nên người biên kịch cũng phải tìm kiếm cách kể chuyện mới lạ, độc đáo, sáng tạo. Đừng cố gắng nói lại thứ mà người ta đã nói đi nói lại nhiều lần. Hãy đưa ra tuyên ngôn mới, thông điệp mới thông qua kịch bản của bạn. Nếu đó là một thông điệp cũ, vậy thì cách bạn truyền đạt thông điệp đó phải hoàn toàn mới. Thông điệp cũ, cách kể cũ, kết quả chỉ là một tiểu phẩm nhàm chán và vô vị. Hãy sáng tạo, đừng dễ dãi với bản thân, bởi khán giả không bao giờ dễ dãi với bạn.

giphy (34).gif

Nghĩ đến kinh phí

Làm phim là tốn tiền, dù cho chỉ là một phim ngắn 2 phút. Khi viết kịch bản, hãy lưu ý xem kịch bản này sẽ tốn tầm bao nhiêu tiền, nhà sản xuất có đủ tiền để hiện thực hóa phim ngắn này hay không. Có những phim ngắn chỉ tốn hai triệu đồng, cũng có phim ngắn tốn cả tỷ bạc. Nếu bạn viết một kịch bản về chiến tranh trong vũ trụ hay đánh nhau với khủng long khi mà ekip chỉ có hai mạng và không ai biết làm kỹ xảo, cũng chẳng có tiền thuê phim trường thì kịch bản đó bỏ xó. Hay khi bạn viết kịch bản về hai chị em giành nhau cây kẹo mút ngoài sân chơi mà sản xuất dụ bạn bán nhà thuê ekip khủng để quay phim cho đẹp thì bạn nên cho sản xuất vô nồi lẩu. Tiền nào của nấy. Hãy nghĩ về tiền khi viết kịch bản để tăng cơ hội hiện thực hóa kịch bản của bạn.

Thực tế là không có cách tính cụ thể cho một kịch bản sẽ tốn bao nhiêu tiền. Vấn đề này đòi hỏi kinh nghiệm nhiều hơn. Cứ viết nhiều, ăn hành nhiều rồi bạn sẽ có kinh nghiệm.

Cơ hội của phim ngắn

663411129.jpg

Nếu như cách đây vài năm, mọi người thường có quan điểm rằng phim ngắn là “phi thương mại”, “phim sinh viên”, “chỉ học sinh, sinh viên mới làm”… thì hiện nay, phim ngắn là mảnh đất màu mỡ mà mọi người, mọi nhà đều tranh nhau lao vào. Ca sĩ làm MV kiểu phim ngắn, doanh nghiệp làm phim ngắn để quảng cáo sản phẩm, các tổ chức phim chính phủ làm phim ngắn để tuyên truyền, dân làm phim “arthouse” làm phim ngắn để xin tiền từ mấy tổ chức nước ngoài, giáo viên yêu cầu học sinh – sinh viên làm phim ngắn thay cho bài tập viết, các nhóm làm phim trên Youtube làm phim ngắn để câu view kiếm sống… Phim ngắn hiện nay đã phát triển một cách rộng khắp. Cơ hội cho biên kịch phim ngắn cũng ngày một nhiều hơn.

Giá kịch bản phim ngắn hiện nay dao động từ hai đến dưới mười triệu đồng/kịch bản (mà chủ yếu là giá hai triệu/kịch bản). Dù tình trạng phá giá vẫn luôn xảy ra và không phải lúc nào biên kịch cũng được trả tiền, thì số lượng biên kịch và nhu cầu kịch bản phim ngắn vẫn có chiều hướng tăng cao.

Với nhiều biên kịch, phim ngắn là cơ hội tốt để kiếm tiền. Với nhiều biên kịch khác, phim ngắn là bước đệm trong lúc chờ cơ hội được viết điện ảnh. Dù cho mục đích, mục tiêu của bạn là gì; thì khi viết kịch bản phim ngắn, hãy cố gắng viết tốt nhất có thể. Vì khán giả, vì chính bản thân bạn.

©yooribae


Workshop “Viết kịch bản phim ngắn” trong năm nay (2020)?

Trong thời gian qua, bên cạnh những tin nhắn ủng hộ, có nhiều bạn gợi ý, đề nghị tôi mở lớp/khóa học/workshop về viết kịch bản. Vậy nên gần đây tôi cũng bắt đầu có suy nghĩ về chuyện này. Còn cụ thể thế nào, hãy cùng chờ đợi thông tin chính thức nhé!

ezgif.com-video-to-gif (1)

10 Replies to “[Kịch bản 101] #30: Viết kịch bản phim ngắn”

  1. Cho mình hỏi bạn có Kênh trên Youtube không, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Thật tuyệt khi được đọc những bài viết của bạn.

  2. Chị đang đọc để học và nếu chị viết xong kịch bản phim ngắn thì có thể gửi cho em xem qua dc kg? Và gửi vô đâu nhỉ! Cám ơn các chia sẻ kiến thưc vô cùng bổ ích của em!

    1. Bạn có thể lên các group dành cho cộng đồng làm phim, thường hay có các bạn sinh viên đạo diễn hoặc các nhóm làm phim cần kịch bản để làm phim bài tập, phim tốt nghiệp. Bạn có thể liên hệ với các bạn đó nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *