Khi bàn về việc cắt dựng một bộ phim, các chuyên gia hàng đầu đều nói thế này: Việc quan trọng nhất của việc dựng phim là làm sao để người xem không cảm thấy sự can thiệp của người dựng phim trong đó. Điều này cũng được áp dụng trong mọi khâu, từ kịch bản, quay phim đến diễn xuất. Và một trong những điểm cần lưu ý để mạch phim diễn ra một cách trơn tru, mượt mà; đó là việc chuyển cảnh giữa các cảnh quay phải thật tự nhiên, hài hòa. Để làm được chuyện đó, không nhất thiết phải đợi đến khi những đoạn phim được đặt lên bàn dựng; mà mỗi bước cắt gọt, chuyển cảnh có thể được tính toán ngay từ khâu kịch bản.
Không ít người cho rằng, chuyển cảnh là việc của đạo diễn và dựng phim. Nếu bạn là một biên kịch làm việc tại Mỹ hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản, mấy nước có nền phim ảnh phát triển…; có lẽ bạn sẽ không cần phải quá quan tâm đến chuyện này. Nhưng vì bạn làm biên kịch ở Việt Nam, nơi mà không ít người ngồi ở ghế đạo diễn lại là thành phần kém cỏi nhất trong bộ máy làm phim, đã vậy còn có thói lười sáng tạo và mù kỹ thuật, thì biên kịch buộc phải làm việc với kịch bản kỹ càng hơn. Bên cạnh đó, nhiều công ty hiện nay còn bắt biên kịch phải tham gia hỗ trợ cho quá trình dựng phim (việc lẽ ra phải do đạo diễn phụ trách), thì việc tính toán về đường hình (đường dây hình ảnh, cách cắt dựng hình ảnh, kỹ thuật chuyển cảnh…) là việc mà biên kịch cần phải biết.
CHUYỂN CẢNH LÀ GÌ?
Trước hết, hãy cùng làm rõ vấn đề này: Chuyển cảnh là gì? Về lý thuyết, chuyển cảnh là khoảnh khắc chuyển từ cảnh quay này sang cảnh quay tiếp theo, từ tình huống này sang tình huống khác. Ngày xưa, khi điện ảnh còn được sản xuất với máy quay phim nhựa, mỗi giây phim được ghi hình, tráng rửa đều tốn một mớ tiền; thì kịch bản viết ra phải được khi chú tên kỹ thuật chuyển cảnh ở cuối mỗi cảnh quay, để người dựng phim biết và cắt chiều dài đoạn phim phù hợp với hiệu ứng mà kịch bản yêu cầu. Đó là lý do những kịch bản được viết bởi các biên kịch, đạo diễn lão thành ở Hollywood luôn bắt đầu bằng FADE IN, kết thúc bằng FADE OUT bên góc trái trang giấy, cuối mỗi cảnh quay lại xuất hiện những từ được in hoa như CUT TO, BACK TO, JUMP CUT TO, (PRE-LAP), SMASH CUT TO, DISSOLVE TO, WIPE TO, MATCH CUT TO, TIME CUT TO… nằm bên góc phải.
Ủa mà quay phim nhựa tốn kém tới mức nào?
Đầu tiên, tiêu chuẩn của tốc độ khung hình phim chiếu rạp là 24fps (frame per second), tức là 24 khung hình/giây. Đó cũng là tốc độ truyền tải hình ảnh để mắt người tiếp nhận được một hình ảnh vừa đủ mượt, không bị giật. Kích thước tấm phim được dùng trong máy quay phim nhựa là loại phim 35mm, tương tự loại phim trong máy chụp ảnh. Bây giờ hãy thử tính toán sơ bộ thế này: Một cuộn phim 35mm chụp được trung bình là 27 tấm, tương đương với khoảng một giây phim. Mỗi cuộn phim cine (loại phim chiết ra từ cuộn phim nhựa 35mm dùng trong quay phim ngày xưa) có giá trị trường khoảng 250.000đ, công tráng – scan phim khoảng 250.000đ nữa; nghĩa là mỗi giây phim sẽ đốt bay mất một tờ polymer mệnh giá cao nhất, hoặc một tuần tiền ăn của thanh niên độc thân chưa có bạn gái info tại đây. Một phim 90 phút sẽ tương đương 129,600 giây, phim 120 phút tương đương 172,800 giây, đó là chưa tính mỗi cú máy (shot) cần quay đi quay lại ít nhất 3 lần, đầu và cuối mỗi cú máy phải quay dư ra ít nhất 3-5 giây để phục vụ việc cắt dựng.
Vậy nên, thời phim nhựa còn thịnh hành, khi mỗi giây phim trôi qua là một mớ tiền bị cho vào lò nướng, thì việc quay cái gì, quay như thế nào, mở đầu cảnh ở đâu, kết thúc cảnh khi nào, cắt dựng và chuyển cảnh ra sao… đều phải được tính toán cẩn thận. Và những tính toán đó được sắp đặt bởi người đầu tiên tạo ra bộ phim: Biên kịch. Đạo diễn sẽ bổ sung ý đồ nghệ thuật, tính toán về cú máy, góc quay vào kịch bản và phân cảnh kỹ thuật (shotlist) trước khi phim bắt đầu bấm máy.
Vậy những thuật ngữ chuyển cảnh này có còn thật sự cần thiết trong kịch bản hiện đại không? Khồng. Mầy cài thừ này thiềt sừ mèo cần thiềt. Whỳ? Vì trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, mỗi ngày trên Youtube sẽ có ai đó nghĩ ra ít nhất một kỹ thuật chuyển cảnh mới; và với công nghệ ghi hình bằng kỹ thuật số thay cho phim nhựa đã hoàn toàn phổ biến trên toàn cầu, người dựng phim và đạo diễn có thể sử dụng bất cứ kiểu chuyển cảnh nào mà họ muốn mà không sợ tốn kém như khi làm việc với phim nhựa.
Quan trọng hơn, khi cố gắng nhồi nhét một đống thuật ngữ kỹ thuật phức tạp vào kịch bản, bạn sẽ làm chậm dòng chảy của truyện phim lại. Người đọc kịch bản của bạn phải vừa đọc phải vừa hình dung câu chuyện, vừa phải tưởng tượng cả việc chuyển cảnh như thế nào. Điều đó gây ra sự quá tải đối với người đọc và khiến họ không thể cảm nhận được cảm xúc hay nội dung mà câu chuyện mang lại.
Một điều tuyệt vời của kịch bản phim là bạn có thể khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc chỉ bằng vài từ ngữ hay vài dòng miêu tả ngắn gọn. Nếu bạn cố gắng chèn vào kịch bản những chỉ dẫn không cần thiết, kịch bản của bạn sẽ thất bại ngay từ đầu.
Vậy nên, đến thời điểm này, ngoài FADE IN, FADE OUT có để được dùng ở đầu và cuối phim, cũng như CUTAWAY (CUT TO & BACK TO), JUMP CUT TO, (PRE-LAP) còn được giữ lại vì có tác dụng đặc biệt và được sử dụng rất hạn chế, tất cả các thuật ngữ chuyển cảnh còn lại đều đã bị xóa bỏ bởi không cần thiết.
Thuật ngữ chuyển cảnh | Sử dụng | Cách sử dụng |
---|---|---|
CUT TO: | Vẫn dùng. | Dùng để cắt nhanh qua cảnh khác. |
BACK TO: | Vẫn dùng. | Dùng sau khi cắt nhanh qua cảnh khác và muốn quay ngược trở lại cảnh trước đó. Còn gọi là Cutaway. |
FADE IN: | Vẫn dùng. | Được dùng trong nhiều kịch bản thời xưa, cho biết kịch bản sắp bắt đầu. |
FADE OUT. | Vẫn dùng. | Dùng ở cuối kịch bản, báo hiệu kịch bản đã kết thúc. |
JUMP CUT TO: | Đôi khi. | Còn được gọi là Jump Cut. Dùng để cắt bỏ nhanh hình ảnh/hành động trong cảnh quay. Chỉ sử dụng khi cần thiết trong quá trình hậu kỳ phim hoặc MV. |
(PRE-LAP) | Hiếm khi. | Chuyển ảnh sử dụng âm thanh (tiếng nói) phát ra trước khi hình ảnh đầu tiên của cảnh tiếp theo xuất hiện. |
SMASH CUT TO: | Không. | Dùng khi muốn tạo sự thay đổi về nhịp phim giữa các cảnh. |
DISSOLVE TO: | Không. | Tạo hiệu ứng mờ chồng từ hình ảnh cuối cảnh trước sang hình ảnh mở đầu cảnh tiếp theo. |
WIPE TO: | Không. | Chuyển cảnh kiểu hình ảnh trước cuộn tròn/ lật như trang sách rồi chuyển qua cảnh tiếp theo. Quá nghiệp dư nên không ai xài nữa. |
MATCH CUT TO: | Không. | Kỹ thuật chuyển cảnh với hình ảnh cuối cảnh trước và đầu cảnh sau có cùng một bố cục, góc máy, cỡ cảnh. Đạo diễn có thể sử dụng để ghi nhớ khi on set. |
TIME CUT TO: | Không. | Dùng trong cảnh Montage để thể hiện nhiều sự việc diễn ra ở nhiều khoảng thời gian khác nhau trong cùng một bối cảnh. |
Ê mà khoan, nếu biên kịch không được ghi chú thuật ngữ chuyển cảnh vào kịch bản, vậy bài viết này có ý nghĩa gì?
Đúng, về nguyên tắc, biên kịch HẠN CHẾ TỐI ĐA việc ghi chú thuật ngữ chuyển cảnh vào kịch bản, nhất là khi phần lớn biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất hiện nay không rành về các thuật ngữ cũng như kỹ thuật chuyển cảnh. Thế nhưng, lý do chính mà những thuật ngữ chuyển cảnh đó biến mất là bởi vì có nhiều cách khác để chuyển cảnh tốt hơn, hay hơn, mượt mà hơn mà không phải cầm kéo cắt gọt một cách thô bạo. Người ta gọi đó là:
NGHỆ THUẬT CHUYỂN CẢNH TỪ KỊCH BẢN
1. Chuyển cảnh bằng hình ảnh
Nói một cách dễ hiểu, chuyển cảnh bằng hình ảnh nghĩa là bạn sử dụng một hình ảnh, đạo cụ nhất định để tạo sự liên kết về mặt nội dung giữa hai cảnh quay. Chẳng hạn:
1. NỘI. NHÀ NAM, BẾP - ĐÊM Ổ bánh mì được đặt lên đĩa. 2. NỘI. NHÀ NAM, PHÒNG ĂN - ĐÊM Đĩa bánh mì được đặt lên bàn ăn.
Hoặc:
1. NỘI. PHÒNG TRIỂN LÃM - NGÀY Bức tranh treo trên tường phòng triển lãm. 2. NỘI. BIỆT THỰ, PHÒNG KHÁCH - NGÀY Bức tranh treo trên tường phòng khách.
1. NGOẠI. ĐƯỜNG LỚN - NGÀY Xe hơi chạy trên đường. 2. NGOẠI. SÂN NHÀ - NGÀY Xe hơi dừng trước cửa nhà.
Chuyển cảnh bằng hình ảnh sẽ tạo ra sự liền mạch về mặt hình ảnh từ cảnh quay trước đến cảnh quay tiếp theo, giữ người xem theo dõi tiến trình diễn ra của sự kiện, tình huống, cũng như tập trung vào chủ thể của cảnh phim. Việc chuyển cảnh bằng hình ảnh/đạo cụ cũng có thể dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của món đạo cụ hoặc cho thấy quá trình truyện phim diễn ra.
2. Chuyển cảnh bằng lời thoại
Tương tự chuyển cảnh bằng hình ảnh, chuyển cảnh bằng lời thoại đơn giản là bạn sử dụng những lời thoại có tính nối tiếp hoặc phản biện nhau để kết nối câu chuyện từ cảnh này sang cảnh khác. Thủ thuật này thường được sử dụng trong các cảnh phỏng vấn hoặc để chuyển chủ đề sang hướng khác, ví dụ:
1. NỘI. NHÀ NAM, PHÒNG KHÁCH - NGÀY NAM Tôi nghĩ là cô ấy thích tôi. 2. NGOẠI. NHÀ NỮ, SÂN THƯỢNG - ĐÊM NỮ (cười khẩy) Thích cái *beep*
1. NỘI. NHÀ NAM, PHÒNG KHÁCH - NGÀY NAM Sao giờ này cổ vẫn chưa trả lời tin nhắn nữa, có khi nào cổ đang ở bên thằng khác không? 2. NỘI. NHÀ NỮ, PHÒNG NGỦ - ĐÊM Cô gái nằm trên giường, ngủ say, điện thoại vẫn đang mở.
Chuyển cảnh bằng lời thoại đôi khi cũng được dùng để dẫn dắt người xem ngược về quá khứ (flashback) của câu chuyện.
1. NỘI. NHÀ NAM, PHÒNG KHÁCH - NGÀY NAM Hồi đó tụi tui yêu nhau lắm... 2. NGOẠI. NHÀ NỮ, SÂN THƯỢNG - ĐÊM - HỒI TƯỞNG NỮ Chia tay đi, thằng *beep* này... (Kèm tiếng chó sủa ngay chữ *beep*)
Chuyển cảnh bằng lời thoại phù hợp khi bạn muốn có sự tung hứng về mặt đối đáp giữa các nhân vật trong các tình huống cụ thể, hoặc khi bạn muốn dẫn dắt người xem đi theo mạch cảm xúc của nhân vật mà hình ảnh không thể hiện trọn vẹn được. Bạn có thể bắt gặp phương pháp chuyển cảnh bằng lời thoại được sử dụng khác phổ biến trong phim truyền hình, nhất là phim truyền hình Hàn Quốc.
3. Chuyển cảnh bằng hành động
Bạn cũng có thể sử dụng một hành động cụ thể để dẫn dắt người xem từ cảnh quay trước sang cảnh quay tiếp theo:
1. NGOẠI. NHÀ NỮ, SÂN THƯỢNG - ĐÊM Cô gái đấm vào mặt chàng trai. 2. NỘI. NHÀ NAM, PHÒNG KHÁCH - NGÀY Chàng trai ngồi trong phòng ngủ, mắt thâm tím.
1. NGOẠI. ĐƯỜNG NHỰA - ĐÊM Đôi chân chàng trai chạy trên đường nhựa. 2. NGOẠI. ĐƯỜNG ĐẤT - NGÀY Đôi chân chàng trai chạy trên con đường bùn đất lầy lội.
1. NGOẠI. MỎM ĐÁ - NGÀY Cô gái nhảy từ trên mỏm đá xuống. 2. DƯỚI BIỂN - NGÀY Cô gái rơi xuống nước.
Chuyển cảnh bằng hành động tạo ra sự liền mạch về đường dây chuyển động của nhân vật trong phim, giúp khán giả dễ dàng tập trung dõi theo hành động của nhân vật, thu hút sự chú ý của khán giả đối với nhân vật.
4. Chuyển cảnh bằng âm thanh
Bên cạnh việc chuyển cảnh bằng hành động, đạo cụ, lời thoại, thì chuyển cảnh bằng âm thanh cũng là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của khán giả. Cách này thường được sử dụng nhiều trong phim truyền hình, dù vậy không có nghĩa là bạn không thể sử dụng trong phim điện ảnh.
1. NGOẠI. ĐƯỜNG LỚN - ĐÊM Chiếc xe lao tới. "RẦM!!!" 2. NỘI. QUÁN CAFE - ĐÊM Hai người ngồi trong quán giật mình nhìn ra ngoài.
1. NGOẠI. BẦU TRỜI - NGÀY Bầu trời mưa tầm tã. 2. NỘI. NHÀ NỮ, PHÒNG NGỦ - NGÀY Căn phòng ấm cúng với ánh đèn vàng. Không gian tràn ngập tiếng nhạc phát ra từ radio, xen lẫn với tiếng mưa bên ngoài cửa sổ.
1. NỘI. NHÀ KHO - ĐÊM Ngón tay bóp cò súng. "Ầm!" 2. NỘI. NHÀ NỮ, PHÒNG NGỦ - ĐÊM Tiếng sấm chớp bên ngoài vang lên làm cô gái giật mình, sợ hãi nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Gương mặt cô gái hiện vẻ lo lắng.
5. Chuyển cảnh bằng ảnh mẫu
Trong nhiều tác phẩm văn học, bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng “Tối hôm đó”, “Sáng hôm sau”, “Vài ngày sau”… Vậy làm sao để thể hiện mốc thời gian đó bằng hình ảnh? Đơn giản thôi, hãy dùng ảnh mẫu. Ảnh mẫu là thuật ngữ chỉ một hình ảnh miêu tả khái quát không gian và thời gian, giúp người xem có thể ngay lập tức xác định được không gian, thời gian truyện phim diễn ra là khi nào, ở đâu. Chẳng hạn: Buổi sáng ở nhà thờ Đức Bà, buổi tối nơi công viên, đêm khuya thanh vắng giữa sa mạc, thành phố ngày nắng đẹp… Kiểu hình ảnh/cảnh quay này trong phim còn được gọi là Cảnh thiết lập (Establishing Scene / Establishing Shot). Đây cũng là kiểu chuyển cảnh đơn giản nhất. Tuy nhiên, vì ảnh mẫu khá nhàm chán và không có kịch tính, hãy chỉ sử dụng cách chuyển cảnh này khi bạn vừa kết thúc một tình huống truyện và muốn chuyển sang tình huống truyện tiếp theo. Đừng chèn ảnh mẫu vào giữa lúc tình huống truyện đang diễn ra hoặc nhịp phim đang ở lúc căng thẳng.
1. NGOẠI. THÀNH PHỐ - NGÀY Khung cảnh thành phố hiện đại với những tòa cao ốc thương mại san sát nhau, những con đường đan xen nhau như bàn cờ tấp nập xe cộ. 2. NỘI. VĂN PHÒNG - NGÀY Trong văn phòng nằm trên tầng cao một tòa nhà, NAM ngồi trước bàn làm việc, tay mân mê cây kẹo mút.
6. Chuyển cảnh bằng không gian
Chuyển cảnh bằng không gian là một dạng chuyển cảnh bằng hình ảnh, sử dụng sự liên kết về mặt hành động và đạo cụ cụ thể để dẫn dắt khán giả theo dõi hoạt động của nhân vật từ cảnh trước sang cảnh sau. Phương pháp này thường xuyên được sử dụng trong mọi bộ phim có sự thay đổi về mặt không gian. Đạo cụ được sử dụng phổ biến nhất màn bạn có thể thấy trong tất cả các phim là một cánh cửa. Giống như cánh cửa thần kỳ của Doraemon, nhân vật sẽ kết thúc cảnh trước bằng việc mở cửa bước vào và ở cảnh tiếp theo cánh cửa sẽ mở ra ở một không gian khác và nhân vật bước ra.
1. NỘI. QUÁN CAFE - NGÀY Nam mở cửa bước ra ngoài. 2. NỘI. NHÀ NAM - ĐÊM Cửa mở ra, Nam bước vào phòng.
Cũng có khi, cảnh quay trước sẽ kết thúc với hình ảnh cận cảnh nhân vật trong bối cảnh, và cảnh tiếp theo cũng sẽ bắt đầu bằng một cú máy cận cảnh nhân vật trước khi chuyển qua cú máy toàn cảnh để khán giả thấy không gian thay đổi.
1. NGOẠI. ĐƯỜNG VẮNG - ĐÊM Chàng trai đi bộ trên đường. Có tiếng tin nhắn đến. Chàng trai mở điện thoại lên xem. Màn hình điện thoại hiện tin nhắn từ "Cô gái": "Nhà em hôm nay không có ai" Gương mặt chàng trai hí hửng, mừng rỡ. 2. NGOẠI. TRƯỚC CỬA NHÀ CÔ GÁI - ĐÊM Gương mặt chàng trai ngỡ ngàng. Ngôi nhà trước mặt chàng trai im lìm, không một ánh đèn.
Tạm kết.
Chuyển cảnh, dù bằng hình thức nào, cũng đều vì một mục đích duy nhất là mang đến cho khán giả trải nghiệm hình ảnh liền mạch và ấn tượng, không bị ngắt quãng. Mỗi kỹ thuật, thủ thuật đều chỉ có tác dụng tốt nhất khi được sử dụng hợp lý, đúng lúc, không lạm dụng. Hãy thử áp dụng kỹ thuật chuyển cảnh vào kịch bản để mạch phim của bạn được mượt mà, cuốn hút, hấp dẫn hơn. Đừng ngại thử nghiệm và tìm tòi cách thể hiện mới, bởi nghệ thuật kể chuyện, đến cuối cùng, vẫn là kết quả của sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người kể câu chuyện đó.
Bạn thường chuyển cảnh như thế nào khi viết kịch bản? Hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé! Nếu bạn thấy bài viết này có ích, hãy nhấn like và chia sẻ bài viết này đến với cộng đồng để ủng hộ blog. Nếu bạn vừa ghé thăm blog lần đầu, đừng quên nhấn “Theo dõi” blog để cập nhật các bài viết mới nhanh nhất nhé! Mãi iu ♥
©yooribae