Khi tôi quyết định bước chân vào con đường trở thành một biên kịch, thời điểm đó, người ta bảo rằng phim truyền hình Việt Nam đang tuột dốc. Ở độ tuổi 23, tôi tự tin rằng tôi có thể vươn lên dễ dàng với năng lực bản thân. Lúc đó tôi đã bỏ qua một vấn đề rằng, người ta quan tâm đến tuổi tác của tôi hơn là năng lực hay kịch bản của tôi.
Tôi chưa từng thích bất kỳ phim truyền hình Việt Nam nào được sản xuất sau năm 2008. Không phải là tôi hoàn toàn không thích hay không xem phim truyền hình Việt Nam, chỉ là đối với tôi, những bộ phim như Giã Từ Dĩ Vãng, Đồng Tiền Xương Máu, Hướng Nghiệp, Đất Phương Nam, Đất Khách, Mùi Ngò Gai, Dù Gió Có Thổi, Sóng Ở Đáy Sông… đã rất hay rồi, và khi tôi xem những phim được sản xuất sau đó không hay bằng, tôi không thể thích những phim đó được.
Cho đến tận năm 22 tuổi, tôi vẫn không hề nghĩ rằng tôi sẽ bước chân vào thị trường phim thương mại. Khi đó, tôi chỉ muốn làm ra những bộ phim theo cách mà tôi muốn, kể ra những câu chuyện mà tôi muốn kể ra. Chỉ thế thôi.
Có một thời gian, các kênh truyền hình chiếu liên tục những bộ phim dở tệ. Những phim đó tệ đến mức học sinh cấp 2 cũng có thể viết hay hơn. Tôi ghét lắm. Phim nào tôi cũng chê. Tôi chê nhiều đến mực mẹ tôi phát bực, và nói rằng: “Nếu mày giỏi hơn người ta sao mày không làm biên kịch đi?”. Câu nói đó đã ghim vào đầu tôi, như một lưỡi dao nhọn.
Một thời gian sau đó, gia đình tôi gặp khó khăn. Tôi buộc phải lao ra đường kiếm sống. Lúc đó tôi tự hỏi bản thân rằng “Điều mày giỏi nhất là gì?”. Chẳng có gì cả. Tôi chỉ biết vài thứ cơ bản về làm phim. Mà thực tế là tôi chẳng làm được gì ra hồn cả. Trong số những kỹ năng về làm phim, thứ tôi hiểu rõ nhất chỉ có viết kịch bản. Khi đó tôi nghe nói rằng thu nhập của biên kịch khá cao, tối thiểu 150 triệu cho một bộ kịch bản phim truyền hình 30 tập. Tôi cần tiền để lo cho gia đình. Tôi cần tiền để làm phim cho riêng mình. Câu nói của mẹ tôi lại xuất hiện trong đầu tôi. Vậy nên tôi quyết định viết một bộ kịch bản phim truyền hình, để bán, vì khi đó tôi nghĩ rằng tôi không đủ sức để đạo diễn nó ở tuổi 23.
Đề cương kịch bản đầu tay của tôi nhận được lời khen từ một cô biên tập – duyệt phim cho HTV đã về hưu và đang cộng tác với một hãng phim lớn khi đó. Cô đề nghị tôi gửi đề cương đến phòng biên tập của hãng phim nơi cô đang làm. Ở đó, tôi đã chịu đựng sự nhục nhã và tổn thương mà cả cuộc đời này tôi không thể quên được.
Đó là vào ngày sinh nhật thứ 23 của tôi, cũng là tròn 3 tuần từ khi tôi gửi đề cương đến hãng phim. Tôi gọi điện cho biên tập và nhận được câu trả lời là: “Đề cương của em gửi là file PDF nên một nửa số máy của phòng biên tập không đọc được. Anh đọc được đề cương em gửi nhưng nó quá bình thường, câu chuyện chẳng có gì mới lạ, chỉ cỡ 3,5/10 điểm là cùng, mà kịch bản phải trên 5 điểm bên anh mới duyệt”. Lúc đó đối với tôi, tất cả niềm tự hào, tự trọng, danh dự, niềm tin, đều bị đập nát.
Một năm sau, TodayTV chấm đề cương đó 9/10 điểm.
Mãi sau này, khi gặp nhiều người làm biên kịch, biên tập, cò kịch bản hơn, tôi mới biết rằng: Không quan trọng kịch bản tôi viết ra tốt đến đâu, nếu tôi không chịu lobby 30% tức khoảng 50 triệu tiền nhuận bút cho biên tập, kịch bản của tôi sẽ không bao giờ được duyệt. Tôi trở nên ghê tởm, khinh bỉ và coi thường giới biên kịch, biên tập từ đó.
Tôi chưa bao giờ xác định bản thân là một biên kịch. Tôi là một người theo đuổi nghiệp đạo diễn, vậy nên khi tôi viết kịch bản, tôi tưởng tượng rằng tôi sẽ đạo diễn nó. Tôi viết kịch bản với góc nhìn của đạo diễn, không phải của biên kịch. Điều đó khiến tôi trở nên khác biệt. Điều đó cũng khiến tôi trở nên thất nghiệp.
Từ ngày đầu tiên tôi bắt tay vào viết đề cương kịch bản phim truyền hình đầu tay, cho đến ngày tôi quyết định gác bút không viết thương mại nữa, thu nhập mà tôi kiếm được từ công việc viết kịch bản thực sự chẳng đáng là bao. Phần lớn thu nhập của tôi đến từ những công việc như sản xuất, quay phim, dựng phim nhiều hơn. Một phần vì tôi không có nhiều mối quan hệ trong giới, phần nữa là vì nhiều nơi đưa giá quá thấp mà yêu cầu quá cao tôi không muốn nhận. Người ta bảo là nghèo mà chảnh chó ấy. Gâu gâu…
À, như vậy không có nghĩa là tôi không biết gì về viết kịch bản thương mại nhé. Công việc ngoài hiện trường cho tôi nhiều kinh nghiệm hơn, cũng như vì tôi làm khá nhiều việc từ sản xuất, quay phim, dựng phim đến cả diễn viên quần chúng, tôi có thể nắm rõ ràng và chính xác hơn việc nội dung kịch bản khi ra thực tế sẽ như thế nào, phải viết cái gì, viết ra sao để ekip có thể quay được. Đó là cái mà nhiều biên kịch bỏ qua. Đó là cái mà biên kịch cần làm để phim tốt hơn, nhưng nhiều người lại viện cớ để không phải làm cho đúng.
Đã hơn 5 năm từ ngày tôi quyết định viết kịch bản phim truyền hình kiếm sống. Nghe có vẻ tệ nhưng mục đích đầu tiên khi tôi viết kịch bản phim truyền hình là để kiếm tiền, chứ chẳng phải vì đam mê đam mỹ gì cả. Đam mê, đến cuối cùng, cũng chỉ là một từ sáo rỗng mà thôi.
Suốt 5 năm qua, tôi gặp hàng trăm người đi viết kịch bản, cả trên facebook lẫn ngoài đời. Rất nhiều người nói với tôi rằng họ đam mê, đam mê mãnh liệt, họ đam mê tới mức sẵn sàng dành ra vài tháng đến vài năm để thử sức mình với vai trò biên kịch. Tôi không biết nên làm gì với họ mà không khiến tôi phải đi tù, nên tôi chỉ có thể mỉm cười, và giữ chặt nắm đấm của mình lại.
Tôi mất 10 năm để học làm phim sao cho “đúng”, cho “đủ” (chứ chưa dám nói tới “đẹp” và “độc”). Tôi mất 7 năm để được công nhận là có chút kiến thức về kỹ thuật viết kịch bản. Tôi mất 5 năm để được các đạo diễn và nhà sản xuất gọi tên kèm theo chức danh “biên kịch” (dù họ chỉ gọi tôi là biên kịch sau khi tôi đã chuyển hướng sang sản xuất và quay phim). Tôi mất hàng ngàn ngày, hàng chục ngàn giờ làm việc không ngơi nghỉ để có được chút thành tựu nhỏ bé đầu tiên. Và bạn đang nói với tôi cái quái gì vậy? “Thử sức” sao? Với người khác đó là sự nghiệp cả đời, còn với bạn đó chỉ là “thử sức”?
“Làm thế nào để trở thành biên kịch?” Đó là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất. Câu hỏi tôi nhận được nhiều tiếp theo là “Một tập được bao nhiêu tiền?”. Ừ thì rõ ràng chuyện tiền bạc là tốt, nhưng hỏi câu đó khi thậm chí cấu trúc ba hồi là gì còn không biết thì thật sự rất kỳ. Rất là kỳ luôn ấy.
Có một thực tế khá buồn là ở tại ngay chính thủ đô giải trí của cả nước là nơi tôi đang sống đây, chẳng có lấy một chỗ dạy viết kịch bản cho ra hồn. Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM không hề có khoa biên kịch. Ở khoa Văn học – Ngôn ngữ Đại học KHXH&NV TP.HCM viết kịch bản phim là một môn học cho biết chứ không phải một ngành riêng. 10 năm trước, khi Chính phủ đưa ra những chính sách phát triển nền điện ảnh và truyền hình nước nhà, nhu cầu về kịch bản phim bỗng dưng tăng lên hàng chục lần, cũng từ khi đó, bắt đầu xuất hiện hàng loạt khóa học “biên kịch” ngắn hạn, nhằm bổ sung lực lượng biên kịch mới cho ngành.
Phim Việt Nam rơi vào thời kỳ tăm tối từ đó.
10 năm đã trôi qua. Đến ngày hôm nay, đến tận giờ phút này, vấn có rất nhiều, rất nhiều đạo diễn và nhà sản xuất đang phải truy lùng khắp nơi, để tìm kiếm một kịch bản có thể sử dụng được. Khi không tìm được, họ buộc phải lựa chọn phương án cuối cùng: mua kịch bản phim từ nước ngoài, mà thường được gọi là kịch bản phim Việt hóa. Mỗi lúc như vậy, có hằng hà sa số “biên kịch” gào lên, chỉ trích, đòi công đạo cho các biên kịch đang không bán được kịch bản cho ai.
Ở góc nhìn biên kịch, tôi có thể hiểu cho sự tức giận này. Nhưng đứng ở góc độ đạo diễn, nhà sản xuất, nhà đầu tư, tôi thà mua kịch bản Việt hóa với giá cao để còn có cơ hội thu hồi vốn, còn hơn bỏ tiền tỷ ra làm một phim từ mấy cái kịch bản rác rưởi thậm chí không dùng để tái chế được.
Nghe nặng nhỉ? Nhưng thực tế là vậy.
Nhiều người viết kịch bản hay than vãn rằng nhà sản xuất trả nhuận bút thấp quá. Ủa? Thấp quá không vui thì đừng nhận đừng làm. Đơn giản mà. Nhưng mà cũng hãy nghĩ xem, tại sao họ lại trả cho người viết kịch bản giá thấp như vậy? Câu này dễ trả lời thôi. Vì người viết kịch bản ở cái thành phố này còn dễ tìm hơn cả nhà vệ sinh công cộng nữa.
Chỉ cần lên facebook, tìm kiếm một nhóm với keyword “biên kịch”, sẽ ra rất nhiều kết quả. Nhấp vào những nhóm hiển thị kết quả đầu tiên, có thể thấy những nhóm này có tới hàng ngàn thành viên. Tham gia nhóm, gõ một cái tin “Tìm biên kịch”, thì sẽ có hàng trăm người nhảy vào bình luận, nhắn tin. Tất cả những thao tác đó chỉ mất khoảng 10-30 phút. Tìm một cái nhà vệ sinh công công ở thành phố này còn mất nhiều thời gian hơn.
Nhưng trong số hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người đó, có mấy người trình bày được một cái kịch bản cho ra kịch bản? Các đạo diễn, các nhà sản xuất là người biết rõ nhất.
Một kịch bản phim truyền hình 30 tập có giá tối thiểu là 5 triệu/tập, tức là 150 triệu/ bộ kịch bản. Với người viết kịch bản, con số đó khá lớn. Ừ, lớn thiệt. Nhưng chi phí để sản xuất một bộ phim truyền hình 30 tập là từ 3 đến 6 tỷ, và nhà sản xuất phải bỏ ra ngần đó tiền mà hiếm khi xin được tài trợ, những người viết kịch bản có bao giờ nghĩ tới điều đó chưa?
Khi người viết kịch bản bán kịch bản xong, họ cầm cọc tiền về nhà thảnh thơi thư giãn, hết nhiệm vụ và trách nhiệm. Còn nhà sản xuất, họ phải bỏ số tiền gấp 20 lần giá trị kịch bản, thuê hàng trăm người, mất cả năm trời để làm ra một bộ phim, mà nếu đài truyền hình thấy dở quá không mua thì mấy tỷ đó coi như mất trắng.
Người viết kịch bản có thể biện hộ “Kịch bản tôi viết hay, tại đạo diễn làm dở”. Ai mà nói câu đó trước mặt tôi chắc tôi tát người đó vỡ hàm. Không có kịch bản nào hay mà phim ra lại dở cả, nhất là phim truyền hình. Kể cả khi đạo diễn và diễn viên có làm tệ đến đâu, thì một kịch tốt 8 điểm có thể ra phim 5 điểm vừa đủ xem dù không xuất sắc. Nhưng kịch bản 5 điểm thì đừng ảo tưởng rằng có thể thành phim 10 điểm.
Sau một thời gian không quá dài cũng chẳng quá ngắn vật vã trong ngành, tôi nhận thấy có vài chuyện thế này:
Vài năm trước, trường SIFS được thành lập. Mọi người thường bảo rằng tôi là antifan của trường đó, nhưng không, tôi tôn trọng các lớp DOP và chỉnh màu bên đó, tôi chỉ khinh ra mặt từ thầy đến trò của lớp biên kịch bên đó thôi.
Tại sao ư?
Riêng trong năm 2015, tôi phỏng vấn tuyển dụng hơn 50 người viết kịch bản. Không ai đậu cả. Nhiều bạn trong số đó vừa tốt nghiệp khóa biên kịch từ SIFS ra. Các bạn đều giống nhau, mở mồm ra là “Save the cat”, nhưng khi được hỏi Save the cat là gì thì chẳng ai trả lời được. Cấu trúc ba hồi là gì các bạn cũng chẳng biết. Giáo viên chính của các bạn là Kay Nguyễn thậm chí có lần tôi còn chứng kiến cô ta phát biểu tại một cuộc thi phim ngắn rằng cấu trúc phim là “Đề – Thực –Luận – Kết” của thơ Đường. OK chắc gần đây ở Mỹ người ta dạy cấu trúc phim kiểu đó, bởi tài liệu từ những năm 2000 trở về trước chỉ toàn dạy cấu trúc ba hồi thôi nên tôi cũng chỉ rành mỗi cấu trúc ba hồi.
Điều khiến tôi cực kỳ khó chịu là cách các bạn từ nơi đó ra biến một kỹ thuật vốn chỉ đơn thuần là biến thể cụ thể hơn từ cấu trúc ba hồi cơ bản là “Save the cat” thành một thứ gì đó cao siêu, xu hướng, đẳng cấp. Chẳng biết từ khi nào mà người người save the cat, nhà nhà save the cat; đến nỗi tôi có cảm tưởng như PETA tài trợ chương trình này vậy.
Thế nhưng có bao nhiêu bạn thực sự hiểu “Save the cat” là gì?
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các lớp dạy viết kịch bản mọc lên như nấm. Những khóa biên kịch ngắn hạn với lời hứa hẹn sự nghiệp đỉnh cao nhiều không kể xiết. Cứ vài ba tháng lại có một khóa mới. Cứ vài ba tháng lại có một lứa “biên kịch” mới xuất chuồng. Mấy người trong số đó làm được việc? Tỷ lệ tôi cập nhật là dưới 3%, nhưng các anh đạo diễn và sản xuất lớn bảo tôi rằng con số đó còn nhiều quá, con số của họ ít hơn rất nhiều.
Sự phát triển quá nhanh của Youtube và Facebook cũng như công nghệ làm phim ngày càng gọn nhẹ khiến việc làm phim ngày càng dễ dàng hơn. Sự phát triển của các kênh truyền hình cũng như nhu cầu giải trí online của khán giả ngày càng lớn, biến nghề làm phim nói chung và nghề biên kịch nói riêng trở thành mảnh đất màu mở mà nhiều người muốn nhảy vào. Khi nhu cầu số lượng ngày càng tăng và chất lượng không theo kịp thì cái kết là có quá nhiều thứ chẳng ra gì xuất hiện. Nhu cầu về nội dung ngày càng nhiều, nhưng số lượng người viết kịch bản quá ít, biến nghề này trở thành một nghề hot, xu hướng. Nhiều bạn trẻ bước chân vào nghề với thái độ thử sức, cho rằng viết kịch bản dễ ăn, biết viết chữ và tưởng tượng là viết được. Các bạn cũng qua lười biếng, ngại khó, ngại khổ, nên các bạn đăng ký vào những khóa ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, học được vài thứ cơ bản, rồi cầm cái bằng vô dụng của các bạn ra dằn mặt người không có bằng như tôi đây. Nó như một trò hề vậy. Mà thậm chí các bạn còn chẳng có khiếu hài.
Tôi vừa bước qua khỏi tuổi 27 tháng trước. Sau hàng năm trời cố gắng, đến bây giờ tôi mới được vài người công nhận. Nhiều người bạn của tôi, đến giờ vẫn chưa có cơ hội đó. Làm phim nói chung và viết kịch bản nói riêng, là một hành trình dài đầy gian nan, vô cùng gian khổ. Con đường này không dành cho những bạn trẻ muốn rong chơi hay thử sức mình. Thực ra bạn muốn thử sức cũng được thôi, nhưng làm ơn tránh xa những người như tôi ra. Chúng tôi, những người dành cả tuổi trẻ để được bước chân vào nghề, đánh đổi tất cả để được làm nghề, cố gắng bám trụ trong nghề bằng cả sinh mạng, không hề cảm thấy vui vẻ khi chúng tôi nỗ lực hết sức và bạn chen chân vào cản đường chúng tôi chỉ để “thử sức” cho vui. Nếu bạn thật sự muốn có một vị trí trong giới làm phim, hay bạn muốn được công nhận như một người biết viết kịch bản, thì hãy nỗ lực hết sức mình, cúi đầu, tôn trọng và dành mọi thời gian bạn có để học hỏi từng điều nhỏ nhặt một. Tuổi trẻ chỉ có vài năm. Thời gian mỗi người đều có hạn. Bạn đang đi sau chúng tôi, vậy nên bạn phải chạy thật nhanh để đuổi kịp chúng tôi. Nhưng hãy nhớ rằng: Trước khi chạy, hãy tập đi, nếu bạn không muốn ngã sấp mặt.
Học một khóa 3 tháng cũng tốt, nhưng bạn phải biết bạn đang học cái gì. Đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền, khi thậm chí bạn còn không viết cho chỉn chu được một cái kịch bản phim ngắn 5 phút. 3 tháng là khoảng thời gian để bạn học được vài thứ cơ bản. Sau đó hãy dành thêm 3 năm để xem thật nhiều phim hay, học thật nhiều kỹ thuật, viết thật nhiều, thật kỹ, thật chăm chút. Sau 3 năm đó, nếu bạn vẫn còn muốn viết, hãy viết một kịch bản thật tuyệt vời. Một cái thôi. Chỉ một kịch bản tốt nhất mà bạn có thể viết ra được. Sau đó, phụ thuộc vào tổ nghiệp.
Riêng với cá nhân tôi, tôi nghĩ độ tuổi đẹp nhất để bạn bắt đầu học viết kịch bản, là sau năm 25 tuổi.
Ở tuổi 20, điều tốt nhất mà bạn có thể làm, là đón nhận mọi sự tổn thương.
©yooribae
Một gáo nước lạnh , cảm ơn anh vì những điều đã chia sẻ 🙂
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^
Em cảm ơn anh rất nhiều. Mong anh sẽ có nhiều chia sẻ hơn nữa.
Cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^
Cảm ơn Yooribae!
Cảm ơn Elsie đã ủng hộ blog ^_^
E thích phim ảnh đến điên cuồng, cực kỳ muốn đc tgia vào quá trình sản xuất 1 tác phẩm phim ảnh, nhưng ko biết mình nên làm gì và bắt đầu từ đâu!?
Đã từng học thử 1 khóa bk ngắn hạn như a đề cập, nhưng khi đó chỉ học vs mục đích tò mò muốn tìm hiểu liệu mình có thực sự thích nó ko chứ tgian quá ngắn, khó giúp mình đc nhiều! Cũng từng viết nhiều đoạn kịch bản “vụn vặt”, ý tưởng thì nhiều nhưng giọng văn vẫn còn non, dnày nản quá nên cũng bỏ viết luôn. Cho đến giờ 23 rồi vẫn chưa “chạm tới” đc chút nào lĩnh vực mà mình thực sự yêu thích này, vẫn hằng ngày phải đi làm 1 cv mà ko phải niềm yêu thích thật sự của mình :'(
Nếu e muốn làm phim, hãy cứ làm phim đi. Viết một kịch bản ngắn khoảng 5-10p, kiếm mượn, thuê 1 cái máy ảnh quay phim đc, hoặc nếu đt e có thể quay phim thì dùng nó luôn. Tự cầm máy quay, nhờ bạn bè diễn xuất, tự học cách dựng phim. Học cách tự làm 1 phim ngắn cho bản thân. Sau đó e sẽ biết e phải làm gì.
Cảm ơn Yooribae đã chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm và kiến thức. <3
Cảm ơn Phương đã ủng hộ blog ^_^
Cảm ơn anh vì những bài viết thật hay. Chúc anh nhiều sức khỏe để tiếp tục những dự án của mình ạ
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^
Cho em hỏi em muốn trở thành một biên kịch thì vào trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội có tốt không ạ
Dear Trang,
Nếu em nghiêm túc và chịu khó học tập, tìm hiểu tài liệu, thực hành thường xuyên những kiến thức đã học, thì trường Sân Khấu Điện Ảnh sẽ tốt cho em. Nhưng trường chỉ có thể dạy em cách viết kịch bản thôi, còn để trở thành biên kịch thì em phải tìm hiểu thêm về tâm lý học, quy trình làm phim và cọ xát thực tế vài năm nữa. Đừng vội vàng, cứ bước chậm mà chắc, cố gắng tiếp thu càng nhiều càng tốt nhé em.
Chào anh. Em là một cô gái 24t, em đã và đang chật vật với định hướng của chính mình suốt một quãng thời gian khá lâu rồi. Có thể mọi người nhìn vào sẽ thấy em đã có được những gì mà khá nhiều người mong muốn : một công việc tự do thu nhập ko hề thấp. Tuy nhiên, đến hôm nay em mới cảm thấy em đang ko hề thích cuộc sống của mình, từ bản chất công việc cũng như thu nhập. Em là một người xuất thân từ ngành sáng tạo, nhưng công việc hiện tại quanh quẩn cũng chỉ là kiếm tiền. Em đã nằm lì suốt một ngày hôm nay chỉ đề tìm đáp án cho nghi vấn của mình : “Mục tiêu của mình là gì?”. Cũng là cái duyên khi em có cơ hội đọc được những chia sẻ của anh tại đây và có lẽ chúng cũng có thể giúp em có được cảm hứng cho riêng mình. Em ko dám nói rằng mình sẽ “thử sức” vì sợ sẽ bị tát vỡ mồm =))), nhưng mà chắc chắn em sẽ tìm hiểu thêm và sẽ cố gắng thật nhiều nếu bản thân xác định được đây là con đường mà mình muốn đi. Rốt cuộc em đã hiểu rằng, mìnn ko sợ một cuộc sống thiếu thốn, cái em sợ là một cuộc đời khô khan và kém cỏi.
Cảm ơn anh vì những bài viết này. Chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công như mong đợi và đến bù tâm huyết mà anh đã bỏ ra. 🙂
P/s : Em rất ngại vì có thể người đọc ko phải là nam, nhưng em vẫn muốn giữ nguyên bình luận này, ko chỉnh sửa lại. Em xin lỗi nếu có sai lầm! ^^
Chào em, cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^
Dù anh không biết sao em lại nghi ngờ giới tính của “người đọc”, cơ mà không sao, em không phải người đầu tiên ^_^
Làm freelance có nhiều cái khó, mà khó nhất là cân bằng. Cân bằng cuộc sống, cân bằng giữa việc làm điều mình thích và kiếm sống qua ngày. Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để cân bằng. Anh mong em sẽ sớm tìm ra cách của riêng mình. Chúc em thành công ^_^
Lẽ ra em nên biết đến blog này nhanh hơn. Em chào anh, Em là Hiếu, em đã viết tới hai kịch bản phim cơ, nhưng phần chung em gửi đi chẳng thấy ai hồi âm cả. Có thể em viết không hay, không tốt nhưng thậm chí em chẳng biết đến điều đó. Sau những bức thư đã gửi chỉ là sự im lặng kéo dài.đến đáng sợ. Kéo theo đó là những tuyệt vọng của chính em. Em nghiêm túc với nghề đó là điều em muốn anh biết. Em giống anh ở chỗ là em tự viết kịch bản và phần chung em đặt mình vào vị trí của một đạo diễn phim để viết từng phân cảnh. Em tin kịch bản của em rất tốt, chỉ là em chẳng biết phải làm cách nào giới thiệu nó với nguời khác. Công việc chính của em là công nhân anh à. Vì cuộc sống nên em cũng chẳng có nhiều thời gian cho ước mơ của mình. Em đã viết một kịch bản phim truyền hình trong vòng nửa năm. Không, anh làm ơn đừng nghĩ trong đầu mình rằng em không đam mê, hoặc em chỉ cố viết để hi vọng có thể thay đổi điều gì đó. Em có thể không nhận nhuận bút nếu những nhân vật của em đựoc tái hiện trên màn ảnh. Đó là điều em mong mỏi.
Có thể huớng đi của em nó hơi lạ so với những hơi huớng làm phim của ngừời Việt. Nhưng em cho đó là phong cách em huớng đến, và sau này cũng thế. Không đuợc em sẽ lại cố nghĩ ra một kịch bản khác, em tin rồi có một ngày sẽ có một nguời trong nghề quan tâm đến nó.
Em chia sẻ với anh những dòng này, vì nói thẳng ra là em muốn anh có thể xem qua nó hoặc một ai đó mà anh biết có thể xem nó mà không im lặng đựoc không? Có thể nó sẽ nhận đựoc một cú “delete” của anh. Nhưng hãy cho em biết, nó không tốt ở chỗ nào, em có năng khiếu hay không? em chỉ mong mỏi vậy thôi.
Cảm ơn anh vì những tâm sự của mình.
Chào Hiếu, cảm ơn những chia sẻ của em.
Với tình trạng “người người làm biên kịch, nhà nhà làm phim” như hiện nay, rất khó để một cây bút mới có cơ hội được giới thiệu bản thân đến những nhà sản xuất và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mỗi năm chỉ có rất ít sự kiện được mở ra trong một thời gian ngắn với mục đích tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà làm phim trẻ và các nhà sản xuất, đầu tư. Em có thể lên Google để tìm kiếm thông tin về những sự kiện đó.
Về kịch bản mà em muốn anh đọc và góp ý; thường thì anh sẽ không xem kịch bản của biên kịch khác, nhất là những kịch bản chưa dựng thành phim. Không phải là anh khó tính hay gì, đơn giản vì anh không đọc những kịch bản mà anh không tham gia vào quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, nếu em thực sự cần sự góp ý về mặt kỹ thuật, em có thể gửi cho anh một đoạn tóm tắt dưới 5 dòng về câu chuyện em muốn kể kèm 01 trang kịch bản chi tiết vào email yoori.creator@gmail.com.
Việc em có năng khiếu hay không, đó không phải là việc anh hay bất kỳ ai có thể nhận xét được. Tất cả phụ thuộc vào kịch bản và sự nỗ lực của em.
Cảm ơn anh rất nhiều về những gì anh đã chia sẻ ❤
Cảm ơn Blue đã ủng hộ blog ^_^
Em nhỏ hơn anh chắc cũng 15, 16 tuổi nên không biết xưng là con với chú hay em với anh đây 😅, thôi thì cứ xưng là anh em cho dễ ạ. Em biết đến blog của anh khi đang tò mò về biên kịch, đạo diễn vì em rất hứng thú với 2 công việc này. Sau khi đọc qua nhiều blog của anh thì em rất thích cách anh truyền tải cho em được cái nhìn thực tế về ngành này. Bài blog trên em rất thích vì nó khiến em càng tôn trọng giới biên kịch chân chính hơn. Em biết là em còn rất nhỏ so với các anh chị ở đây, nhưng em thật sự nghiêm túc với ngành đạo diễn và biên kịch. Em sẽ cố gắng hết sức để vào trường Sân Khấu & Điện Ảnh TPHCM, chắc tầm 4,5 năm nữa thôi.
Em đã học được rất nhiều từ anh, cảm ơn anh đã chia các kiến thức về ngành. Chúc anh vẫn cứ giữ được nhiệt huyết ^.^