Đọc nhiều kịch bản không giúp bạn trở thành biên kịch

Có một lời khuyên mà các biên kịch mới vào nghề thường được nghe, đó là:

“Hãy đọc thật nhiều kịch bản mẫu”

Kịch bản mẫu ở đây là những kịch bản đoạt giải Oscar, kịch bản của các phim Việt Nam đã phát hành, kịch bản của các biên kịch đi trước… Lời khuyên này phổ biến đến mức có thời gian các công ty sản xuất, các nhóm biên kịch truyền hình, sitcom tuyển biên kịch trẻ vào, “đào tạo” họ bằng cách quăng cho mỗi người vài bộ đề cương và kịch bản mẫu, rồi bảo biên kịch cứ thế làm theo. Nhiều biên kịch trẻ cũng tự học bằng cách lên mạng xin kịch bản mẫu về đọc rồi bắt chước cách trình bày. Cách học này không hề hiệu quả và chắc chắn là một trong những cách tiếp cận sai lầm nhất đối với người mới bắt đầu tập viết kịch bản. Tệ hại hơn, nhiều biên kịch lâu năm biết rõ điều này nhưng vẫn gợi ý cho các biên kịch trẻ làm theo cách này (Có lẽ vì họ phải bảo vệ chén cơm của bản thân?:)). Kết quả là có rất nhiều bạn trẻ loay hoay cả thanh xuân vẫn không biết cách viết kịch bản thế nào cho đúng.

____________________________________________________________________

Kịch bản thể hiện phong cách riêng của người viết ra nó


Trừ phần quy chuẩn (format) trình bày được quy định và cài đặt sẵn trong mọi phần mềm viết kịch bản, cách miêu tả hình ảnh và sắp xếp nội dung, lời thoại của mỗi biên kịch luôn khác nhau. Có biên kịch thích chăm chút vào hình ảnh, có biên kịch tập trung vào lời thoại. Mỗi kịch bản lại là một câu chuyện độc lập với cách kể, cách thể hiện khác nhau, vậy nên cách viết cũng hoàn toàn khác.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia lại có khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cách dùng từ, dẫn đến cách viết cũng bị ảnh hưởng. Bạn có thể thấy một chi tiết hay một cách xử lý tình huống rất thú vị trong kịch bản tiếng Anh, nhưng khi bạn viết tình huống tương tự bằng tiếng Việt thì nội dung lại không còn hấp dẫn nữa.

Một điểm cần lưu ý nữa, là kịch bản bạn đang đọc do ai viết? Kịch bản biên kịch viết, đạo diễn tự viết, hay biên kịch viết cùng đạo diễn… sẽ có hình thức khác nhau. Các biên kịch viết kịch bản cho nhà sản xuất thường sẽ miêu tả khá vừa phải về mặt hình ảnh, tập trung vào khung sườn, lời thoại, trình bày vừa đủ để mọi người trong ekip đều có thể đọc hiểu. Kịch bản do đạo diễn viết thường sẽ miêu tả khá chi tiết, đầy đủ, thậm chí nhiều đạo diễn còn thêm vào các ghi chú, chỉ dẫn cụ thể về góc máy, cỡ cảnh, chỉ đạo diễn xuất…


Việc viết bằng phần mềm nào cũng sẽ ảnh hưởng nhỏ đến hình thức kịch bản. Tuy các biên kịch hiện nay hầu hết đã chuyển sang dùng phần mềm để tăng tốc độ đánh máy và hiệu quả công việc, thì một số ít biên kịch lớn tuổi đoạt giải Oscar vẫn sử dụng các phần mềm cũ, có người còn viết kịch bản bằng MS-DOT để bảo mật. Đó là chưa nói tới những kịch bản được viết trước năm 1950 bằng máy đánh chữ.

Sự phát triển của công nghệ cũng ảnh hưởng đến cách viết và trình bày kịch bản. Một số thuật ngữ từ thời phim nhựa đã không còn cần thiết trong cách viết kịch bản hiện đại. Nếu như biên kịch không nắm được và viết những thuật ngữ lỗi thời đó vào kịch bản, thì kịch bản sẽ bị thừa chỉ dẫn, tạo cảm giác khó chịu cho người đọc.


Chưa có sự thống nhất về cách trình bày kịch bản phim Việt Nam


Nguồn cơn của vấn đề này xuất phát từ sự không đồng bộ trong tư duy và giáo trình đào tạo giữa các đơn vị giảng dạy. Cụ thể là, trong nhiều năm, hệ thống giáo trình của ngành Điện ảnh trong nước được xây dựng dựa trên nền tảng của điện ảnh Liên Xô thập niên 80 thế kỷ trước; còn các khóa học viết kịch bản tư nhân gần đây lại sử dụng hệ thống kiến thức từ cuốn sách Save The Cat: The Last Book You Need On Screenwriting và những gì cóp nhặt được từ phim Hollywood. Sự thiếu hụt nghiêm trọng từ gốc rễ nghề nghiệp dẫn đến sự mâu thuẫn lớn giữa các biên kịch lớn tuổi có xuất phát điểm từ phim truyền hình (tư tưởng cũ) và các biên kịch trẻ tự học theo phim Mỹ (tư tưởng mới). Hai bên cãi nhau, dizz nhau, cào mặt nhau trên mọi mặt trận; thay vì cùng nhau tìm cách theo đuổi những điều đúng đắn.

Sự phân hóa rõ ràng này có thể thấy ngay trong việc nhiều công ty sản xuất phim điện ảnh lớn đã chuyển sang sử dụng phần mềm viết kịch bản chuyên nghiệp như Celtx, Final Draft; trong khi đó các công ty làm phim truyền hình lấp sóng truyền thống vẫn yêu cầu biên kịch viết kịch bản bằng plug-in trên nền Words.
Sự thiếu thống nhất, không đồng bộ này dẫn đến việc mỗi kịch bản lại có cách trình bày khác nhau, nhiều kịch bản trình bày không theo bất cứ một quy chuẩn nào cả. Nếu một biên kịch trẻ mới vào nghề không biết và học theo những kịch bản bị trình bày sai cách, biên kịch đó sẽ trở nên rất đáng thương.


Đọc kịch bản chỉ giúp tham khảo


Có một điều mà không phải biên kịch mới vào nghề nào cũng được biết, đó là kịch bản dù cho đã hoàn thiện vẫn có thể bị nhà sản xuất và đạo diễn chỉnh sửa trong quá trình sản xuất và hậu kỳ. Điều này được xem như chuyện bình thường khi làm phim. Vậy nên không có gì phải ngạc nhiên khi bạn đọc kịch bản “gốc” của bộ phim bạn yêu thích và phát hiện có những chi tiết không hề được xuất hiện trên phim.

Một chuyện nữa mà có thể bạn chưa biết: Kịch bản bạn đọc có thể không phải bản cuối cùng. Đó có thể là bản tốt nhất mà biên kịch muốn chia sẻ với bạn, không phải mớ chắp vá được viết ra trước hoặc sau đó.
Để tạo ra một kịch bản phim cần phải qua rất nhiều bước, nhiều tính toán, điều chỉnh, nhiều phiên bản chỉnh sửa và gọt giũa từ ý tưởng sơ khai ban đầu. Đọc một kịch bản hoàn chỉnh cũng như bạn nhìn vào gương mặt xinh đẹp của một người mà không biết rằng người đó đã phải cắt gọt bao nhiêu để thành ra như vậy.

Có câu nói rằng: “Đừng nhìn vào trailer của người ta và so sánh với behind the scene của bạn”. Đọc kịch bản mẫu cũng như nhìn người khác nấu ăn, bạn có thể thấy cách mà họ làm, nhưng không biết tại sao họ làm được như vậy. Chỉ bắt chước theo kịch bản mẫu của người khác như một con vẹt, đến cuối cùng bạn cũng sẽ như cụ Nguyễn Trường Tộ, mất cả sự nghiệp chỉ vì một chiếc đèn dầu.


Giải pháp


Lý do duy nhất để việc đọc kịch bản mẫu được chấp nhận như một cách học trong giới biên kịch, đó là để hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phân tích kỹ thuật kể chuyện. Mỗi cảnh quay được viết ra đều có ý đồ của biên kịch trong đó. Việc đọc kịch bản gốc (thường là kịch bản đoạt giải) là một phần giúp biên kịch với vào nghề có thể hiểu hơn về kỹ thuật kể chuyện và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, để có thể hiểu được những ý đồ, kỹ thuật ẩn giấu trong kịch bản, biên kịch cần phải có nền tảng kiến thức nhất định. Nói ngắn gọn, biên kịch phải có HỌC. Biên kịch CẦN PHẢI HỌC. Học về quy trình viết kịch bản, học về quy trình làm phim, tham gia các khóa học, workshop với các biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, dựng phim, mọi workshop về làm phim. Sau vài khóa học và nắm được kiến thức cơ bản, biên kịch có thể tự tìm tòi và nghiên cứu thêm dễ dàng hơn.

Ngày nay, mọi thứ đều có trên Youtube, từ các video hướng dẫn viết kịch bản, đến các clip phỏng vấn đạo diễn phim, phân tích tư duy dựng cảnh, kỹ thuật kể chuyện, đến các video essay, scene breakdown kèm Engsub, Vietsub được cập nhật mỗi ngày hoàn toàn miễn phí. Đó là nguồn thư viện kiến thức khổng lồ giúp biên kịch nâng cao nhận thức của bản thân.

Học xong rồi thì phải thực hành. Cách thực hành duy nhất mà biên kịch có thể làm là viết kịch bản. Đừng quá tham vọng vào việc viết ngay một kịch bản 90 phút ngay từ đầu. Hãy bắt đầu bằng việc viết từng cảnh một. Mỗi cảnh quay, mỗi câu chuyện ngắn đều có những vấn đề khác nhau cần phải giải quyết. Hãy viết thật chỉn chu, chăm chút từng cảnh quay một. Mỗi cảnh quay bạn vượt qua là bậc thang giúp năng lực của bạn phát triển hơn.

Tạm kết


Viết ra được một kịch bản hoàn chỉnh là cả một hành trình dài. Trở thành biên kịch chuyên nghiệp là một lựa chọn còn khó khăn hơn. Hãy kiên nhẫn, thận trọng, tạo cho bản thân một nền tảng vững chắc về mặt kiến thức và kỹ năng trước khi bắt đầu tích lũy kinh nghiệm. Thay vì đọc kịch bản của người khác, hãy xem thật nhiều phim hay. Thay vì bắt chước cách viết của người khác, hãy kể ra câu chuyện bạn muốn kể. Còn nếu bạn là người thích đọc, hãy đọc sách, càng nhiều sách càng tốt. Đọc một cuốn sách hay, viết ra được một cảnh quay tốt, có giá trị hơn nhiều.

Yooribae

One Reply to “Đọc nhiều kịch bản không giúp bạn trở thành biên kịch”

  1. Vô cùng biết ơn các bài viết của bạn. Bài nào cũng hay và xuất sắc. Mình đã học được rất nhiều…Xin cám ơn bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *