[Kịch bản 101] #9: All about “Vật cản”

Nếu bạn đã từng xem bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ, hay mấy phim truyền hình Đài Loan dài vài ngàn tập trên kênh THVL, chắc chắn sẽ có lúc bạn sẽ phải thốt lên “Thế méo nào mà nó có thể dài kinh hoàng khủng khiếp như vậy?”. Còn nếu bạn là một biên kịch phim truyền hình, trước sau gì bạn cũng sẽ ít nhất vài (ngàn) lần nghe bên sản xuất hoặc đạo diễn thỏ thẻ vào tai rằng “Em có thể kéo dài kịch bản thêm vài ba (vạn) tập nữa được không?(mà em có nói không thì chế cũng sẽ kêu mấy đứa biên kịch ma khác kéo ra cho bằng được)”. Những lúc như vậy, đừng vội chửi thề, cũng khoan hãy nghĩ rằng “kịch bản là kẹo kéo hay sao mà muốn kéo sao thì kéo?”. À thực ra thì chửi chút cho sướng miệng cũng chẳng sao, nhưng nếu như bạn ở trong tình huống méo thể nào mở mồm ra chửi được, thì hãy nhớ rằng, luôn có cách để kéo dài kịch bản cũng như câu chuyện của bạn mà không ảnh hưởng lắm đến nội dung chính của toàn bộ truyện phim. Cách đó là gì? Hãy nhìn lại tiêu đề bài viết hôm hay. Yup, đó chính là:

VẬT CẢN

Ủa mà “Vật cản” là gì?

07

Nói một cách đơn giản, vật cản là những gì ngăn cản bạn đạt được mục tiêu. Ví dụ như bạn đói bụng muốn đi ăn mà trong túi lại cạn tiền, hoặc bạn thích một cô gái mà cô ấy lại là nhân viên đa cấp, hay bạn muốn làm diễn viên mà mặt bạn xấu và đơ quá… vân vân và mây mây.

Trong cuộc sống, bạn gặp vật cản ở khắp mọi nơi mọi lúc. Thực tế là từ khi bạn còn là một con lăng quăng cho đến ngày bạn vô lò nướng thì mỗi khoảnh khắc đều ngập tràn vật cản. Hãy nghĩ lại xem, từ khi bạn biết nhớ đến thời điểm này, có bao nhiêu dự định, bao nhiêu kế hoạch mà bạn muốn thực hiện, bao nhiêu trong số đó bạn đã thành công, bao nhiêu trở ngại, khó khăn bạn gặp phải…? Tất cả chúng đều là vật cản.

Vậy vật cản trong phim có ý nghĩa gì?

Bản chất của tất cả mọi sự kiện xảy ra trong phim là nhằm phát triển và đẩy câu chuyện lên tới tận cùng (climax). Và dù cho nội dung mỗi bộ phim mang một nội dung, ý nghĩa khác nhau thế nào, thì tất cả đều xoay quanh một quá trình duy nhất: Ai đó có một mục tiêu và làm đủ mọi cách để đạt được mục tiêu đó. Tất nhiên, những kịch bản/câu chuyện kiểu “Anh ấy và cô ấy gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và sống hạnh phúc mãi mãi về sau” sẽ không bao giờ lọt qua vòng duyệt kịch bản kèm bình luận “như lol” của bất kỳ ai lỡ xui đọc được.

Khán giả thích những câu chuyện kịch tính. Bất chấp khán giả là ai, ở độ tuổi nào, mang giới tính nào, trình độ ra sao, sở thích kiểu gì… thì chẳng ai muốn bỏ thời gian và tiền bạc ra để xem một thứ nhàm chán vô vị cả. Vậy nên một câu chuyện muốn được chú ý thì đầu tiên phải có kịch tính. Kịch tính được tạo ra từ sự xung đột. Xung đột là gì? Hãy tìm đọc Từ điển Tiếng Việt. Làm sao để tạo ra xung đột? Quăng ra vài cái chốt cài, thắt vài cái nút, ném vào nhân vật vài cái vật cản; và thế là chúng ta có xung đột.

Như đã nói ở trên, nhiệm vụ và tác dụng của vật cản là tạo ra chướng ngại, khó khăn, cản trở nhân vật đạt được mục tiêu đồng thời tạo ra hoặc/và nâng cao kịch tính cho mạch truyện.

Vậy thì, có bao nhiêu loại vật cản?

Về bản chất, vật cản được chia làm 2 loại: Vật cản ngoại lực và Vật cản nội tại.

  • Vật cản ngoại lực: Là những vật cản có nguồn gốc từ bên ngoài tác động đến nhân vật, thường là hữu hình. Có thể lấy ví dụ như một viên gạch ném vào đầu nhân vật, hay ai đó chặn đường nhân vật, hoặc cũng có thể là một sự kiện hay tai nạn nào đó xảy đến với nhân vật.
  • Vật cản nội tại: Xuất phát từ nội tâm của nhân vật. Đó có thể là vết thương trong quá khứ, một căn bệnh, chấn thương, nỗi sợ hay một trạng thái tâm lý nào đó hoặc những suy nghĩ khiến nhân vật không dám thực hiện mục tiêu của mình.

shutterstock_131606678-22

Hãy tưởng tượng vật cản như một bức tường, hay một tảng đá chặn trước mặt nhân vật. Cũng giống như những kỹ thuật khác, vật cản được tạo ra để nhân vật phải giải quyết chúng. Dù cho nhân vật có giải quyết bằng cách nào, thì cũng nằm trong 2 hướng chính:

  • Tránh né: Nhân vật sợ hãi trước vật cản, không thể vượt qua nên tìm cách tránh né, trốn chạy khỏi vật cản. Dù vậy, vật cản vẫn nằm đó, trước sau gì nhân vật cũng phải đối mặt với nó lần nữa.
  • Đối đầu: Nhân vật chiến đấu với vật cản, và vượt qua, hoặc chết ngắc.

barrier

Nghe có vẻ hay, vậy nên dùng vật cản thế nào cho hợp lý?

Không có một quy chuẩn rõ ràng cho việc cần có bao nhiêu vật cản trong phim. Tất nhiên là nếu nhân vật không gặp phải vật cản nào trên đường thì phim quá chán, mà nếu nhân vật đi 1 bước gặp 489230892340892 vật cản chặng đường thì thôi ở nhà nằm ngủ cho khỏe. Giống như những kỹ thuật khác, vật cản là gia vị cần thiết cho phim, nhưng cái gì cũng vậy, nên vừa đủ.

Tôi sẽ lấy vài ví dụ thực tế từ thể loại phim dùng nhiều vật cản nhất: Phim truyền hình.

Chắc là chưa từng có ai sống trên đời ngần ấy năm mà chưa từng xem hay biết tới phim truyền hình Mỹ đúng không? Nhất là với các bạn làm nghề biên kịch. Phim truyền hình Mỹ có một đặc trưng, đó là phát sóng theo mùa (season). Mỗi mùa thường có từ 8 đến 22 tập tùy thể loại, và dựa theo độ ăn khách, nhà sản xuất & nhà đài sẽ quyết định có tiếp tục sản xuất tiếp mùa mới hay drop luôn trong 1 mùa. Điều này khác với phim truyền hình châu Á vốn luôn được quyết định có định sẵn số tập ngay từ ban đầu. Vậy thì, làm sao người Mỹ có thể biết trước họ sẽ làm bao nhiêu mùa để mà lên đường dây từ đầu đến cuối?

american-series.jpg

Thực ra về lý thuyết, cũng giống như những phim truyền hình châu Á, kịch bản phim truyền hình Mỹ đều được phát triển dựa trên một treatment (đề cương) cụ thể. Đề cương này khá chi tiết và thường đầy đủ từ đầu đến cuối, kèm theo bản lý lịch cực kỳ chi tiết của tất cả các nhân vật chủ chốt trong phim. 2 yếu tố này là xương sống quyết định toàn bộ nội dung của cả bộ phim. Nếu bạn để ý, trong phần credit đầu phim của các phim truyền hình Mỹ thường có mục “Created by ABCXYZ”, đó chính là người đã tạo ra treatment và các nhân vật chính của phim. Dựa vào 2 tài liệu này, các biên kịch của phim sẽ cùng nhau phát triển nội dung, phân tập cụ thể cho khoảng 3 mùa đầu tiên và bắt đầu viết chi tiết (về kỹ thuật làm việc nhóm tôi sẽ có một bài riêng sau này). Cũng vì ban đầu các biên kịch chỉ chuẩn bị nội dung cho 3 mùa nên có nhiều phim kéo dài 5-7-9-12 mùa thì từ mùa 3-4 trở đi bắt đầu nhạt thếch. Nhưng đó không phải là vấn đề chúng ta cần bàn tới hôm nay.

Bản thân mỗi câu chuyện ban đầu đều có những chốt cài, nút thắt, vật cản… nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nội dung phim, nhất là với các phim truyền hình, đôi khi rất khó khăn để biên kịch có thể đảm bảo phần cao trào sẽ diễn ra ngay cuối tập phim. Có rất nhiều trường hợp, trong quá trình viết, biên kịch bỗng nhận ra cao trào cuối tập đã đến mà mình mới viết được tới trang 20. Vậy còn 25 trang còn lại phải làm sao? Chắc chắn không thể giật ngược nội dung tập sau về tập trước được, nhất là khi mỗi tập trị giá cả tháng tiền nhà. Đó là lúc cần tới vật cản.

Với các bạn hay xem phim truyền hình Hàn Quốc, hẳn các bạn sẽ thấy, rõ ràng hai nhân vật chính có thể hôn nhau ngay phút 20, nhưng đúng lúc đó lại có chuyện gì đó xảy ra, và nụ hôn của họ bị dời lại đến phút 40 hoặc vài ba tập sau đó. Bạn có thể chửi biên kịch, nhưng hãy thông cảm, họ cũng như bạn, cũng phải trả tiền nhà. Những lúc như vậy, hãy bình tĩnh, và tự nhủ rằng “À, con mẹ này đang dùng vật cản đây mà”. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn. Chắc vậy.

hqdefault

Trong khá nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, khi nhân vật gần phát hiện ra một điều gì đó, thì bất ngờ có một sự kiện xảy ra làm họ bị chệch hướng. Giống như khi người vợ chỉ cần mở cửa ra thì sẽ thấy cảnh ông chồng đang đấu vật với cô bồ nhí bên trong thì bất ngờ có điện thoại của con mẹ vô duyên nào đó gọi đến. Hay khi cảnh sát đứng ngay cạnh vật chứng vụ án thì thằng công tố viên nào đó tới kiếm chuyện. Hoặc đơn giản và phổ thông hơn, trong mấy phim tình cảm, hai nhân vật chính sém nhìn thấy nhau trong cảnh 1 phút 1 và rẽ khác hướng nhau đến gần cuối tập 2 mới chạm mặt nhau lần đầu tiên. Đó là những ví dụ đơn giản của vật cản.

Thực sự thì bên cạnh việc tăng kịch tính, tác dụng chính của vật cản là nhằm giãn mạch phim, tăng thời lượng mà không ảnh hưởng đến nội dung chính của phim. Cũng giống như khi bạn đi trên đường, đôi khi bạn gặp đèn đỏ, đôi khi dính phải kẹt xe, đôi khi bị ninja Lead tạt đầu, đôi khi gặp phải bạn cũ của lão Hạc, nhưng đến cuối cùng bạn vẫn đến được đích, dù có thể trễ hơn dự kiến (vài ba tiếng đồng hồ).

Nói như vậy không có nghĩa, muốn kéo dài thời lượng phim thì cứ quăng đại cái vật cản nào đó vô cũng được. Bạn đang đi bộ trên đường Nguyễn Huệ thì có con cá mập bơi ngang qua nghe có hợp lý không? (À thực ra nếu bỏ nó vô lồng kiếng thì chắc ổn). Dù vật cản bạn cho vào để kéo giãn mạch phim là gì, thì nó cũng phải đáp ứng được 2 quy tắc: 1/Hợp lý, 2/Không làm thay đổi nội dung chính của phim.

Cách đây vài năm, khi còn làm một biên kịch ma, có lần tôi tham gia viết nối thêm vài tập cho một kịch bản đã có đầy đủ 30 tập sẵn. Khi đó, có một biên kịch ma khác, viết trong một tập nối ở gần cuối phim rằng có một nhân vật bị giết. Nhưng đến cuối cùng, chính biên kịch cũng không lý giải được ai giết và tại sao. Tất nhiên là vụ đó biên tập ăn hành. Thấy cũng tội.

Vài tháng trước, một nhà sản xuất đề nghị tôi sửa kịch bản webdrama 12 tập của tôi thành kịch bản sitcom (để tiết kiệm kinh phí và dễ được đầu tư sản xuất). Thú thật là bữa đó họp xong về chửi thề hơi nhiều, như Eminem & Zico & Jessi cùng mở liveshow dissgang vậy. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi vẫn bắt tay vào ngồi tìm cách sửa. Nghèo nó hèn thế đấy. Dù vậy thì dự án đó cũng drop luôn rồi. Các bên đều cảm thấy hết vui nên thôi giải tán. Tuy nhiên trước đó tôi cũng đã hoàn thành được 8 tập sitcom đầu từ nội dung 4 tập webdrama cũ. Để có thể làm được điều đó, tôi phải chỉnh sửa khá nhiều, cũng như phải quăng vào đó một mớ kỹ thuật, trong đó có vài cái vật cản.

Dù rằng cá nhân tôi không khuyến khích việc cố tình kéo giãn thời lượng phim vì mục đích kinh tế, tuy nhiên rõ ràng là vật cản là một kỹ thuật có tác dụng rất quan trọng trong phim. Việc sử dụng vật cản hay bất cứ kỹ thuật nào khác một cách hợp lý sẽ giúp bộ phim của bạn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn, tuy nhiên hãy cẩn thận vì nếu quá lạm dụng hoặc cài cắm vật cản không hợp lý sẽ khiến kịch bản của bạn bị hổng ngay tức khắc.

Tóm lại, vật cản có tác dụng kéo giãn thời lượng phim, tăng kịch tính, mà không ảnh hưởng tới mạch chung của phim.

Break-Through-Barrier-ADHD

ΔTrong các bài viết về kỹ thuật, tôi sẽ hiếm khi đưa ra dẫn chứng cụ thể kiểu “tình huống A phim B…” bởi mỗi người một gu xem phim khác nhau, có những phim tôi xem bạn không xem, có những phim bạn mê mà tôi méo biết. Cho nên là, tôi sẽ chỉ nêu ra những gì cơ bản và khái quát nhất, còn dẫn chứng, bạn hãy thử tự tìm kiếm chúng trong chính bộ phim mà bạn đã và đang xem. Như vậy sẽ giúp bạn dễ nhớ hơn. Cá nhân tôi không thích việc nắm tay chỉ lối mà thích việc tự tìm tòi, nghiên cứu hơn. Với lại tôi xem nhiều phim quá, nếu trích dẫn phân tích ra hết thì đau tay lắm. Hãy thông cảm nhé.

©yooribae

4 Replies to “[Kịch bản 101] #9: All about “Vật cản””

  1. Khi em đọc đến dòng “Lôi eminem & zico & jessi ra …” em cười muốn đứt ruột già xDD . Em là một người chơi rap, cũng khá hiểu biết về những người đó, nhưng không phải với cái nhìn thính giả Việt Nam thì ai cũng biết họ, nên em biết là anh yêu quý cái loại hình nghệ thuật sáng tạo nhiều đến cỡ nào. Em không có một đam mê cụ thể(nhảy, rap, vẽ, …), đang trong hành trình tìm kiếm và xác định ước mơ nên là khi xem xong bộ My Myster (phim Hàn Quốc), em lại muốn làm một nhà biên kịch, sau đó đã đọc đến đây về phần “Kịch Bản 101” của anh (em đã xem #17,18 trước khi xem từ đầu). Thật sự yêu quý và tôn trọng những gì anh đã và đang làm.
    Em xin lỗi nếu có làm phiền rằng em cần đọc qua một tập Đề Cương nào đó để có thể hiểu rõ được cách trình bày nên có thể bằng cách nào đó anh hướng dẫn em đến nơi cần hoặc cho em xem một cuốn Đề Cương của anh được không ạ ?
    Em cám ơn vì anh đã dành nhiề thời gian ra cho việc anh đang làm và cũng như là đọc qua phần phản hồi của em.
    Nhấn mạnh: Em là một đứa chật vật vì xác định đam mê và tìm hiểu về ước mơ của bản thân mình là gì. Em 20 tuổi, cũng tên Hiếu. Ahihi

    1. Chào Hiếu, cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^
      Cá nhân anh cũng rất thích My Mister, từ nội dung đến hình ảnh và dàn cast. My Mister, theo anh, là một phim biên kịch nên xem, nhất là biên kịch muốn học cách viết thoại. Tuy nhiên, một kịch bản như của My Mister không phải là lựa chọn tốt để bắt đầu sự nghiệp, bởi những câu chuyện như vậy phải được xây dựng trong một thời gian dài bởi một người đã vượt qua nhiều trải nghiệm. Vậy nên nếu em muốn viết một kịch bản như My Mister, không cần phải vội vàng, cứ từ từ xây dựng nội dung từng chút một, trong khi viết những kịch bản khác nhẹ nhàng hơn.
      Về mong muốn đọc đề cương mẫu, rất tiếc về mặt bản quyền hiện nay anh không được phép public bất cứ nội dung nào liên quan đến các dự án drama và movie mà anh đã thực hiện. Với phim ngắn thì anh có thói quen viết thẳng ra đường dây (outline) và kịch bản nên không có đề cương.
      Em chỉ mới 20 tuổi, độ tuổi vừa đẹp để tìm kiếm và phát hiện khả năng, thế mạnh, ước mơ và bắt đầu xác định mục tiêu cuộc đời. Vậy nên cứ thoải mái thử sức và thử nghiệm bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Em thích nhảy, cứ nhảy. Em thích vẽ, cứ vẽ. Em muốn viết, cứ viết ra. Hoặc có thể thử kết hợp những sở thích đó lại với nhau. Không cần vội xác định đam mê ngay lúc này. Em sẽ nhận ra điều gì là đam mê của mình khi tới lúc. Còn bây giờ, hãy làm tất cả những gì em thích, bắt đầu bằng việc tìm hiểu một cách nghiêm túc và không ngừng học hỏi. Hwaiting!!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *