Trước khi bắt đầu gõ những dòng này, tôi đã mất nửa ngày suy nghĩ về việc có nên tiếp tục viết thêm một bài về kỹ thuật kể chuyện, hay là bắt tay vào viết một chủ đề mới. Tôi thậm chí đã soạn gần xong phần dàn ý cho chủ đề “Kỹ thuật kể chuyện”. Nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra, nếu tôi viết và đăng tải bài đó vào thời điểm này, nó có thể khiến các bạn nản lòng và muốn rời đi ngay lập tức. Như vậy chẳng thú vị chút nào. Vậy nên trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ đề cập đến một chủ đề mới, về một trong những phần cốt lõi căn bản nhất của kỹ thuật viết kịch bản mà tất cả mọi người khi bắt đầu học cách viết kịch bản đều phải thuộc nằm lòng. Đó chính là:
CẤU TRÚC KỊCH BẢN
Khi còn quản lý nhóm biên kịch, tôi thường có nhiều buổi phỏng vấn ứng cử viên biên kịch mới. Trong những buổi phỏng vấn đó, có một câu hỏi luôn được đặt ra là “Cấu trúc của một kịch bản phim gồm những gì?”. Câu trả lời mà tôi thường xuyên nhận được là “Mở bài, thân bài, kết bài” hoặc tệ hơn là “không biết” hoặc giấy trắng. Nếu câu trả lời đó đến từ những bạn trẻ chưa từng biết gì về kịch bản, OK I’m fine, nhưng thực tế là 90% những người trả lời như vậy đều tốt nghiệp từ các Trường Đại học, Cao đẳng hay các Học viện, khóa học chuyên ngành về bộ môn biên kịch. Điều đó khiến tôi đôi lúc trở nên hoang mang rằng “Họ đã dạy cái quái gì ở những khóa học đó vậy?”. Vậy nên, trong bài viết hôm nay, tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào việc giúp bạn trả lời câu hỏi này một cách cụ thể nhất.
ĐẦU TIÊN, KỊCH BẢN PHIM CÓ GÌ KHÁC ?
Trong lịch sử của bộ môn điện ảnh, nền tảng của kịch bản phim được bắt nguồn và phát triển lên từ kịch bản sân khấu – kịch nghệ, không phải từ văn học. Cái được gọi là “tính văn học” hay “chất thơ” trong điện ảnh vốn được nhắc tới với hàm ý về tính nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm, chứ không phải về cách thể hiện hay cách trình bày trên giấy. Tuy nhiên, có nhiều biên kịch hiểu sai về vấn đề này, dẫn đến việc có rất nhiều kịch bản được viết theo kiểu văn chương với lối dẫn dắt dông dài, lan man, không có kịch tính, không có cao trào và chẳng thể nào dựng thành phim được.
Vài “biên kịch chuyên nghiệp” ở Việt Nam khi đọc đến đây chắc sẽ phản ứng, vì rõ ràng là hiện nay ở Việt Nam có nhiều kịch bản không hề được viết theo quy chuẩn, cấu trúc điện ảnh mà vẫn được mua, vẫn được sản xuất, vẫn được chiếu lên TV mỗi ngày. Thậm chí có nhiều người đã sống tốt được hơn chục năm nay với những kịch bản được viết và trình bày như vậy. Nhưng khoan, chờ một chút đã. Hãy nhìn lại xem, so với phim của các nước quanh khu vực, phim Việt Nam hiện nay như thế nào ?
Điện ảnh Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp thuộc, phát triển mạnh từ trước năm 1975 ở cả 2 miền, từng có những kiệt tác điện ảnh như Cánh Đồng Hoang, từng có những phim truyền hình lay động lòng người như Đất Phương Nam, Đồng Tiền Xương Máu, Giã Từ Dĩ Vãng… Vậy mà, trong vòng 10 năm trở lại đây, với hơn 20 phim điện ảnh được sản xuất mỗi năm, hơn 2000 tập phim truyền hình, 200 kênh truyền hình chính thống và cả ngàn kênh phim trên Youtube, có bao nhiêu tác phẩm có thể được đánh giá là “hay” trong số đó?
Hãy nhìn sang nền công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang dẫn đầu xu hướng hiện nay, Hàn Quốc, rồi suy nghĩ thật kỹ. Người Hàn chỉ bắt đầu làm phim từ những năm 80. Đến những năm 90, phim truyền hình của họ bắt đầu được biết đến quanh khu vực Đông và Đông Nam Á. Đến đầu những năm 2000, phim điện ảnh của họ bắt đầu được các liên hoan phim hàng đầu thế giới biết đến. Đến thời điểm này, phim truyền hình Hàn Quốc thu hút khán giả thế giới không thua gì phim Mỹ, còn phim điện ảnh của họ hay tới mức người Mỹ phải mua bản quyền để remake. Điều gì làm nên sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ đến như vậy? Chính Phủ hỗ trợ hết mình ư? Không hề. Chính đạo diễn Kim Han Min (phim Cung Thủ Siêu Phàm, Đại Thủy Chiến) trong khi đang giảng dạy tại một workshop ở TP.HCM mà tôi may mắn được tham gia đã thừa nhận rằng Chính Phủ Hàn Quốc chưa từng cử bất kỳ ai đi ra nước ngoài học làm phim cả. Vậy thì, bí mật của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc là gì? Không có bí mật nào cả. Thành công đó, bắt nguồn từ chính bài học đầu tiên của tất cả các nhà làm phim trên thế giới: Kỹ thuật, kỹ thuật và KỸ THUẬT.
Bài học đầu tiên của tất cả các nhà làm phim trên thế giới:
Kỹ thuật, kỹ thuật và KỸ THUẬT.
VIẾT KỊCH BẢN PHIM CÓ CẦN KỸ THUẬT ?
Chắc chắn là CÓ. Tất cả mọi thứ trên đời này đều chỉ có thể hoạt động tốt nhờ vào những kỹ thuật đặc thù tạo nên chúng. Nghệ thuật cũng vậy. Trước khi trở thành một bộ môn nghệ thuật, thì điện ảnh là một ngành kỹ thuật. Và nghệ thuật điện ảnh phát triển được, phần lớn là nhờ vào sự phát triển của các kỹ thuật kể chuyện, kỹ thuật làm phim, sự phát triển của công nghệ. Đừng bao giờ quên điều này.
Điện ảnh là một ngành kỹ thuật.
Đầu tiên, trước khi tìm hiểu về các kỹ thuật kể chuyện, làm phim, từ cơ bản đến nâng cao, chúng ta sẽ đi từ cái gốc rễ nhất, nền tảng nhất tạo nên một kịch bản phim hoàn chỉnh. Đó chính là: CẤU TRÚC KỊCH BẢN.
Như đã đề cập ở đầu bài viết, cấu trúc của kịch bản phim được xây dựng và phát triển dựa trên cấu trúc của kịch bản sân khấu – kịch nghệ. Trong đó, cấu trúc cơ bản nhất, có tên gọi là CẤU TRÚC 3 HỒI.
CẤU TRÚC 3 HỒI
Cũng như kịch bản kịch, cấu trúc của một kịch bản phim cũng được chia làm 3 phần: Mở đầu, Phát triển, và Kết thúc.
Nếu nhìn vào hình trên, bạn có thể thấy rõ, cấu trúc của một kịch bản phim gồm nhiều phần nhỏ phát triển tiếp nối nhau, được phân ra ba phần lớn – ba hồi. Cụ thể:
- Hồi 1 từ Cảnh mở đầu phim, Giới thiệu nhân vật đến Biến cố khởi đầu.
- Hồi 2 bắt đầu từ Bước ngoặt 1, Mid-point hay còn gọi là Điểm không thể quay đầu, đến Bước ngoặt 2.
- Hồi 3 bao gồm phần Cao trào – đỉnh điểm của phim, và Kết thúc.
Cấu trúc 3 hồi – Nền tảng của mọi bộ phim.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ lược về từng thành phần/yếu tố trong mỗi Hồi như sau:
HỒI 1: MỞ ĐẦU:
Khi bộ phim mới bắt đầu, khán giả cần được biết là bộ phim mình xem thuộc thể loại nào, truyện phim bắt đầu ở đâu, vào thời điểm nào, nhân vật mà khán giả cần phải theo dõi gồm những ai. Tất cả những điều này cần được giới thiệu sơ lược trong Cảnh mở đầu và xuyên suốt phần mở đầu phim.
- Cảnh mở đầu: Trong tất cả mọi bộ phim, cảnh mở đầu được xem như là cảnh quan trọng nhất, vì nó quyết định việc khán giả có tiếp tục xem tiếp bộ phim nữa hay không. Với phim điện ảnh, có câu nói rằng “Ba phút đầu tiên là quan trọng nhất”. Còn với phim ngắn, đôi khi chỉ có 30 giây. Trong thời đại internet hiện nay, khán giả chỉ mất 10-30s để chuyển kênh TV hoặc tắt trình duyệt web. Chính vì vậy, tầm quan trọng của Cảnh mở đầu càng được nâng cao.
- Giới thiệu nhân vật: Trong phần mở đầu, khán giả cần được biết đôi chút thông tin về nhân vật chính và các nhân vật khác có liên quan đến truyện phim. Bạn không cần phải giới thiệu toàn bộ về nhân vật hay cho biết tất cả những nhân vật sẽ xuất hiện trong phim gồm những ai, nhưng ít nhất hãy cho khán giả biết nhân vật chính của phim này là ai và cuộc sống thường nhật của người đó như thế nào.
- Biến cố khởi đầu: Đây là thành phần thường bị bỏ qua hoặc quên đi nhiều nhất. Biến cố khởi đầu là sự kiện bất thường xảy đến với nhân vật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của nhân vật, dẫn tới Bước ngoặt 1.
Các tài liệu cũ cho rằng, Hồi 1 có thể kéo dài từ 10 đến 20 phút. Đôi khi cũng có ngoại lệ, như Hồi 1 của phim Titanic kéo dài khoảng 30 phút, tức là khoảng 1/3 thời lượng phim. Tuy nhiên, hãy nhớ là, bạn không phải James Cameron, nên đừng bắt chước làm “ngoại lệ” như ông ấy. Với sự phát triển của xã hội hiện đại dẫn đến thói quen “sống vội” của đại đa số người dân, cách kể chuyện “chậm rãi” không còn được ưa chuộng nữa. Vậy nên theo phần lớn các nhà biên kịch và đạo diễn tên tuổi trên thế giới hiện nay, truyện phim nên bắt đầu “càng nhanh càng tốt”. Điều này cũng có nghĩa là, Hồi 1 càng ngắn gọn càng tốt.
Hồi 1 càng ngắn gọn càng tốt.
HỒI 2: PHÁT TRIỂN:
Đây là phần nội dung chính, là phần có thời lượng chiếm hầu hết tổng thời lượng của phim. Mục tiêu của phần này là dẫn dắt khán giả đi theo nhân vật xuyên suốt hành trình dẫn đến Hồi 3. Phần này chiếm khoảng 70-80% thời lượng phim.
- Bước ngoặt 1: Đây là sự kiện có tác động lớn, là kết quả của Biến cố khởi đầu, là sự kiện làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nhân vật.
- Mid-point: Hay còn gọi là Điểm Không Thể Quay Đầu. Đây là sự kiện nằm ở khoảng giữa phim, giống như tên gọi của nó, là sự kiện khiến nhân vật rơi vào thế Đường Cùng, không còn cách nào khác là phải tiến lên phía trước. Tại điểm Mid-point này, các nhân vật chính của phim ở tất cả các phe (Chính diện – Phản diện – Trung lập) đều xuất đầu lộ diện.
- Bước ngoặt 2: Bước ngoặt 2 là sự kiện xảy ra ở gần cuối phim, khi nhân vật rơi vào thế bế tắc và phải đối mặt với sự thất bại.
HỒI 3: KẾT THÚC:
Như tên gọi của mình, đây là phần giải quyết hết các vấn đề xảy ra trong phim, cho khán giả biết kết thúc của cuộc hành trình và kết cục của nhân vật, cũng như cho thấy được mục đích/ý nghĩa cuối cùng mà bộ phim muốn truyền tải. Phần này, giống như Hồi 1, phải tạo ra được những ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả, trước khi bộ phim khép lại.
- Cao trào: Cao trào có tên tiếng Anh là Climax, có nghĩa là “cực khoái”, giống như “lên đỉnh” trong tình dục. Đây là sự kiện được mong đợi nhất phim, là trận chiến cuối cùng, khi nhân vật sau khi gặp khó khăn ở Bước ngoặt 2 đã đưa ra quyết định có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện trận chiến.
- Kết thúc: Có ba kiểu kết thúc chính. Kết thúc có hậu: nhân vật chính chiến thắng. Kết thúc bi kịch: Nhân vật chính thất bại hoặc chết. Kết thúc mở: Không giải quyết hết toàn bộ những vấn đề xảy ra trong phim, để lại những nghi vấn, thắc mắc cho khán giả. Kết thúc mở là kiểu kết thúc nguy hiểm nhất, là con dao 2 lưỡi đối với mọi bộ phim.
Kết thúc Hồi 3 cũng là kết thúc của cả bộ phim. Thực tế thì sau khi phần Cao trào kết thúc, thì sự tập trung của khán giả cũng kết thúc theo. Lúc này, khán giả sẽ không còn ngồi yên theo dõi bộ phim như trước nữa, mà sẽ bắt đầu kiểm tra tư trang, check-in, tán gẫu, đi tè, chim nhau hoặc tắt máy, chuyển kênh hay làm việc khác. Vậy nên có một lời khuyên ở đây, là phần kết thúc – giống như Hồi 1 – nên càng ngắn gọn càng tốt. Khi tất cả đã được giải quyết, không còn gì để theo dõi thì khi đó bộ phim nên hiện “The End” là vừa. Đó cũng là để khán giả có thể giữ lại cảm xúc thỏa mãn sau khi vừa “lên đỉnh” xong.
Phần kết thúc càng ngắn gọn càng tốt.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, để khán giả được “thỏa mãn” ở phần Kết thúc, thì phần Cao trào phải thực sự tạo ra được sự bùng nổ về mặt cảm xúc cho khán giả. Đó cũng là thử thách khó nhất ở Hồi 3. Có rất nhiều phim Việt Nam thất bại trong việc tạo cảm xúc cho khán giả ở ngay đoạn này. Cảm giác không thể “lên đỉnh” là cảm giác vô cùng khó chịu, gây ra sự ức chế cho khán giả. Đừng làm khán giả ức chế, hãy “thỏa mãn khán giả”.
Đừng làm khán giả ức chế, hãy “thỏa mãn khán giả”.
Cấu trúc 3 hồi được áp dụng vào phim như thế nào?
Chúng ta hãy lấy một ví dụ:
NÀNG TIÊN CÁ
Ngày xửa ngày xưa, ở dưới lòng biển sâu, có một Nàng Tiên Cá là con gái vua Thủy Tề. Một ngày nọ, Nàng Tiên Cá vô tình cứu được Hoàng Tử bị ngã xuống biển. Nàng Tiên Cá đưa Hoàng Tử vào bờ và trúng tiếng sét ái tình với Hoàng Tử. Khi Hoàng Tử tỉnh dậy, chàng hiểu nhầm rằng một cô gái khác cứu mình nên cưới cô ta. Nàng Tiên Cá muốn trở thành người để lên bờ gặp Hoàng tử bèn đến tìm gặp Bạch Tuộc nhờ giúp đỡ. Bạch Tuộc đề nghị Nàng Tiên Cá đổi giọng hát lấy đôi chân. Nàng Tiên Cá đồng ý. Nhưng Bạch Tuộc không giữ lời hứa, cắt lưỡi Nàng Tiên Cá rồi bỏ trốn. Nàng Tiên Cá đau đớn, bơi đến tìm gặp Hoàng Tử. Hoàng Tử nhìn thấy Nàng Tiên Cá, bèn gọi lính bắt nàng đưa tới. Hoàng Tử ra lệnh cho lính xé đôi thân dưới của Nàng Tiên Cá để thành đôi chân. Nàng Tiên Cá mất máu quá nhiều và chết trong đau đớn. Thân xác nàng tan thành bọt biển. Hoàng Tử về nhà và sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Bạn thấy câu chuyện trên có quen thuộc không? Đúng vậy, tôi đã copy lại câu chuyện này từ bài viết trước. Và câu chuyện này, có lẽ, sẽ xuất hiện lại thường xuyên ở những bài viết sau.
Bây giờ, cấu trúc ba hồi được thể hiện trong câu chuyện trên như thế nào? Tôi sẽ tách chúng thành các phần như sau:
HỒI 1: MỞ ĐẦU:
- Cảnh mở đầu – Giới thiệu nhân vật: Ngày xửa ngày xưa, ở dưới lòng biển sâu, có một Nàng Tiên Cá là con gái vua Thủy Tề.
- Biến cố khởi đầu: Một ngày nọ, Nàng Tiên Cá vô tình cứu được Hoàng Tử bị ngã xuống biển.
HỒI 2: PHÁT TRIỂN:
- Bước ngoặt 1: Nàng Tiên Cá đưa Hoàng Tử vào bờ và trúng tiếng sét ái tình với Hoàng Tử.
- Mid-point: Bạch Tuộc cắt lưỡi Nàng Tiên Cá rồi bỏ trốn.
- Bước ngoặt 2: Hoàng Tử nhìn thấy Nàng Tiên Cá, bèn gọi lính bắt nàng đưa tới.
HỒI 3: KẾT THÚC:
- Cao trào: Hoàng Tử ra lệnh cho lính xé đôi thân dưới của Nàng Tiên Cá để thành đôi chân.
- Kết thúc: Nàng Tiên Cá chết. Hoàng Tử về nhà.
Như vậy, tôi vừa liệt kê xong các sự kiện – nội dung chính của câu chuyện “Nàng tiên cá” thành các phần theo cấu trúc ba hồi. Hãy chú ý, tôi vừa sử dụng từ “sự kiện”. Về bản chất, kịch bản phim là một chuỗi những sự kiện nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Mỗi sự kiện được xây dựng nên để thể hiện một phần nội dung của câu chuyện/bộ phim, khai thác một phần/một khía cạnh mà câu chuyện/bộ phim muốn truyền tải.
Kịch bản phim là một chuỗi những sự kiện nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh.
Để dễ dàng hình dung, hãy tưởng tượng kịch bản phim như một củ hành, mà mỗi sự kiện trong phim là một lớp vỏ cần được bóc tách.
Kịch bản phim như một củ hành, mà mỗi sự kiện trong phim là một lớp vỏ cần được bóc tách.
Bây giờ, bạn đã có trong tay một chuỗi sự kiện, nhưng những sự kiện đó có đủ hay ho, đủ hấp dẫn để đẩy câu chuyện/kịch bản/bộ phim của bạn lên hay không? Để giải quyết vấn đề này, có một quy tắc, với tên gọi là QUY TẮC BẬC THANG.
QUY TẮC BẬC THANG quy định rằng, sự kiện xảy ra sau phải có tác dụng thúc đẩy mạch phim đi lên cao hơn so với các sự kiện xảy ra trước đó. Quy tắc này đảm bảo cho việc giữ cho câu chuyện/ kịch bản/ bộ phim trở nên hấp dẫn hơn. Nhìn vào biểu đồ bên trên, bạn có thể thấy sự phát triển tăng dần của các sự kiện trong phim. Vậy nên trong khi viết kịch bản, hãy luôn đặt câu hỏi rằng “Sự kiện này/chi tiết này có giúp thúc đẩy câu chuyện tiến lên không?”. Nếu là “Không”, hãy sắp xếp lại, hoặc loại bỏ nó.
QUY TẮC BẬC THANG quy định rằng, sự kiện xảy ra sau phải có tác dụng thúc đẩy mạch phim đi lên cao hơn so với các sự kiện xảy ra trước đó.
Trong một bộ phim, không chỉ có các sự kiện chính, mà trước, giữa và sau các sự kiện chính còn có nhiều sự kiện nhỏ nhác. Những sự kiện đó có tác dụng kết nối các sự kiện chính lại với nhau, cũng như cung cấp các thông tin cần thiết, thúc đẩy, liên kết, dẫn dắt mạch truyện từ sự kiện chính trước đến sự kiện chính tiếp theo. Giống như các bậc thang vậy. Để tạo thành một cầu thang, bạn không chỉ cần các bậc thang chính, mà còn cần thêm nhiều bậc thang phụ kết nối các bậc thang chính lại với nhau.
Một phim điện ảnh có khoảng 100 đến 130 bậc.
Phim truyền hình thì nhiều hơn. Một phim truyền hình dài 30 tập có khoảng 750 đến 1000 bậc.
Đó là tất cả những gì bạn cần ghi nhớ cho ngày hôm nay.
BÀI HỌC HÔM NAY:
CẤU TRÚC 3 HỒI
QUY TẮC BẬC THANG
⊕BÀI TẬP VỀ NHÀ:
-
Viết một câu chuyện dài một mặt giấy A4 theo Phương pháp 4W, sau đó liệt kê các sự kiện chính trong câu chuyện theo Cấu trúc 3 Hồi và Quy tắc bậc thang.
Để theo dõi và cập nhật nhiều bài viết mới nhanh chóng hơn, hãy bấm Follow trang blog này nhé. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng chần chừ mà hãy chia sẻ ngay bài viết này đến cộng đồng. Sự quan tâm, chia sẻ của các bạn là động lực để tôi tiếp tục dự án. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết, tôi sẽ giải đáp khi thuận tiện.
©yooribae
ΔPhần này ban đầu có trong bài viết, nhưng tôi cảm thấy nó không thật sự quan trọng và cần thiết đối với người mới, nên sẽ tách nó thành một phần Phụ lục tham khảo kèm theo.
-PHỤ LỤC-
VÀI CẤU TRÚC KHÁC
Dưới đây là một vài kiểu cấu trúc kịch bản khác, được chia sẻ khá nhiều trên các diễn đàn biên kịch, góp phần gây hoang mang dư luận trong suốt một thời gian dài.
CẤU TRÚC 4 HỒI
Cấu trúc 4 Hồi là dạng cấu trúc thường được sử dụng trong các phim truyền hình nhiều tập, nơi mà không chỉ nội dung chính của toàn bộ bộ phim mà ngay cả mỗi tập cũng cần phải đi theo một cấu trúc nhất định.
Cấu trúc này chia kịch bản phim ra làm 4 phần, gọi là 4 Hồi, bao gồm:
- Hồi 1: Mở đầu.
- Hồi 2: Phát triển.
- Hồi 3: Đối đầu.
- Hồi 4. Kết thúc.
Như bạn có thể thấy trong hình, Hồi 1 và Hồi 4 của cấu trúc này tương ứng với Hồi 1 và hồi 4 của Cấu trúc 3 Hồi, nên chúng ta không cần bàn tới. Hồi 2 và Hồi 3 của cấu trúc này, là sự chia đôi Hồi 3 ở Cấu trúc 3 Hồi, ngay tại Mid-point. Sự phân chia này có một ý nghĩa nhất định.
Tôi sẽ lấy ví dụ từ cấu trúc của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Một bộ phim Hàn Quốc hiện nay có độ dài trung bình là 20 tập. Cấu trúc 4 Hồi được áp dụng vào 20 tập như sau:
- Hồi 1 – Mở đầu: Tập 1-2. Đây là 2 tập mở màn, có tác dụng giới thiệu nhân vật và cho thấy những rắc rối ban đầu đang xảy ra với nhân vật.
- Hồi 2 – Phát triển: Tập 3-10. Trong 8 tập này, nhân vật bắt đầu hành trình phiêu lưu của mình. Vào nửa cuối tập 10, điểm Mid-point, nhân vật sẽ nhận ra mọi vấn đề và có sự thay đổi rõ rệt. Hãy để ý, thường vào cuối tập 10 (phim 20 tập, tương đương tập 8 phim 16 tập, tập 12 phim 24 tập) hai nhân vật chính sẽ có nụ hôn đầu tiên (đối với phim tình cảm), tuyên bố chiến tranh (đối với phim kinh tế, hành động, cổ trang…) hoặc phe phản diện hoàn toàn lộ mặt (trong phim hình sự).
- Hồi 3 – Đối đầu: Tập 11-18: Trong 8 tập này, những khó khăn mà nhân vật gặp phải tăng theo cấp số nhân. Hai phe chính diện và phản diện chiến đấu với nhau dữ dội hơn. 8 tập này cũng có nhịp độ nhanh và căng thẳng hơn so với 10 tập trước.
- Hồi 4 – Kết thúc: Tập 19-20: Trong 2 tập cuối này, 80% thời lượng dành cho phần Cao trào. Phần Kết thúc chỉ vào khoảng 5-10 phút cuối phim. Nếu bạn dành tới 30 phút hay hẳn 1 tập cho phần Kết thúc, đảm bảo rằng khán giả sẽ chán và tắt TV ngay. Đừng để rating tập cuối ảnh hưởng đến kết quả chung mà mấy chục tập trước đã nỗ lực để đạt được.
Như đã đề cập ở trên, đối với phim truyền hình, Cấu trúc 4 Hồi không chỉ được áp dụng cho phần nội dung chính mà mỗi tập cũng đi theo Cấu trúc này. Cụ thể cách áp dụng Cấu trúc 4 Hồi vào từng tập phim như sau:
- Tập 1: Hồi 1 – Hồi 2 – Hồi 3 – Cao trào Hồi 4
- Tập 2: Kết thúc Hồi 4 Tập 1 – Hồi 1 tập 2 – Hồi 2 – Hồi 3 – Cao trào Hồi 4
- Tập 3: Kết thúc Hồi 4 Tập 2 – Hồi 1 tập 3 – Hồi 2 – Hồi 3 – Cao trào Hồi 4
- …
- Tập n: Kết thúc Hồi 4 Tập (n-1) – Hồi 1 tập n – Hồi 2 – Hồi 3 – Cao trào Hồi 4
- …
- Tập cuối: Kết thúc Hồi 4 Tập trước – Hồi 1 tập trước – Hồi 2 – Hồi 3 – Hồi 4.
Có thể tóm gọn bằng công thức sau:
Tập sau = Kết thúc Hồi 4 Tập trước + Hồi 1 + Hồi 2 + Hồi 3 + Cao trào Hồi 4
CẤU TRÚC 2 HỒI
Cấu trúc 2 Hồi là một dạng cấu trúc được sử dụng phổ biến trong phim Sitcom (Situation Comedy / Hài tình huống). Do thể loại này có thời lượng ngắn hoặc rất ngắn, chỉ từ 3-10 phút/tập, việc đi theo Cấu trúc 3 Hồi sẽ khá phức tạp và khó khăn.
Như bạn có thể thấy trong hình trên, Cấu trúc 2 Hồi chia truyện phim thành 2 phần: Hồi 1 từ mở đầu đến Mid-point, Hồi 2 từ Mid-point đến Kết thúc. Cụ thể:
- Hồi 1 – Biến cố xảy ra: Nhân vật gặp phải một vấn đề nan giải.
- Hồi 2 – Giải quyết vấn đề: Nhân vật tìm cách thoát khỏi hoặc giải quyết vấn đề đó, cuối cùng lại dẫn đến một vấn đề khác lớn hơn.
*Lưu ý: Cấu trúc này chỉ phù hợp với những tình huống/câu chuyện ngắn hoặc cực ngắn. Phần lớn các phim sitcom hiện nay có thời lượng lên đến 30-45 phút/tập. Với những kịch bản sitcom có thời lượng trên 15 phút/tập, hãy đi theo Cấu trúc 3 Hồi để đảm bảo chất lượng nội dung tốt hơn.
Như bạn thấy đó, về bản chất, Cấu trúc 4 Hồi và Cấu trúc 2 Hồi, hay bất kỳ Cấu trúc n Hồi nào đi nữa, cũng đều dựa trên nền tảng là Cấu trúc 3 Hồi cổ điển với tuổi đời đã lên đến hơn 2500 năm. Vậy nên thay vì cố gắng nạp vào đầu hàng loạt Cấu trúc kịch bản khác nhau, hãy tập trung ghi nhớ, luyện tập và thực hành thật tốt Cấu trúc 3 Hồi. Chỉ cần làm chủ được Cấu trúc 3 Hồi, bạn sẽ làm chủ được tất cả các thể loại cấu trúc mà con người có thể nghĩ ra.
Trước đây, trong số hơn 80% biên kịch không biết về Cấu trúc 3 Hồi mà tôi gặp trong các buổi phỏng vấn, thì có hơn 60% trong số đó nói rằng họ chỉ biết đến cấu trúc Save-the-cat. Nói thẳng là dù biết về Save-the-cat, tôi cũng không quan tâm nhiều đến nó. Bởi như tôi đã nói trong suốt hơn 4300 từ ở trên, tất cả mọi cấu trúc kịch bản hiện có, đều là một phần biến thể từ Cấu trúc 3 Hồi. Vậy nên với những người mới, đừng quan tâm tới việc cứu-con-mèo, hãy tập trung vào những gì cơ bản nhất trước đã.
Bài viết của bạn rất suất sắc, nó như những câu chuyện hấp dẫn và đầy cảm xúc vậy! Tuy nhiên mình tự hỏi phần Con mèo đã xuất hiện hay chưa hay nó là một nhân vật ảo mà thôi, nếu có nó rất hấp dẫn, hay nó thoáng qua trong một vài ngữ cảnh, hoặc thậm chí nó chỉ như ảo ảnh để nhắc nhở một vài điều cũng khá mông lung 🙂
Cảm ơn bạn! Cảm ơn những đóng góp của bạn cho kho tri thức xã hội!
Cảm ơn lời khen tặng của bạn. “Con mèo” mà mình nhắc đến trong bài #1 và lâu lâu lại chạy ngang qua những bài sau, chính là con mèo trong kỹ thuật “Save the cat” đang được lăng xê trên các diễn đàn biên kịch ở VN gần đây. Mình không chống lại kỹ thuật đó, nhưng việc kỹ thuật đó bị media play, tạo trend quá đà, nhiều bạn biên kịch trẻ mới ra trường cứ dựa vào đó mà không thèm tìm hiểu, học hỏi các cấu trúc, quy tắc, kỹ thuật nền tảng khiến mình lo ngại. Đó cũng là ý tưởng đằng sau tiêu đề của bài #1 ^_^
Một người am hiểu về lĩnh vực này như bạn chắc hẳn sẽ có những tác phẩm hay. Tôi thật sự muốn xem các tác phẩm điện ảnh của bạn.
Cảm ơn bạn. Tôi tự thấy bản thân còn nhiều thiếu sót lắm. Tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày để có thể làm ra những bộ phim tốt hơn, tốt hơn nữa. Hy vọng một ngày không xa, tôi có thể mang đến cho khán giả một bộ phim khiến khán giả hài hòng.
Thực sự là một bài viết của một người có TÂM và có TẦM đối với những người mới bắt đầu công việc này. Nó rất thực tế và người đọc sẽ thẩm thấu vào não ngay. Cám ơn và tôi muốn share với cộng đồng về những bài viết của tác giả. Rất cám ơn tác giả và mong có được nhiều bài viết hay trong lĩnh vực phim. THAY MẶT CỘNG ĐỒNG NHỮNG NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU GỬI LỜI CÁM ƠN VÀ CÁM ƠN NHIỀU
Cảm ơn bạn đã ủng hộ và chia sẻ blog đến với nhiều người hơn ^_^
Mình so sánh hơi khập khiễng nhưng đọc bài của Hiếu viết hấp dẫn hơn đọc báo,dù là viết về những vấn đề chuyên môn mà ko thấy giáo điều,sáo rỗng..^^~ Hiếu sinh ra đúng là để làm phim rùi.
From:FCYoori
Cảm ơn Thư đã ủng hộ blog ^_^
Cách trình bày đơn giản và dễ hiểu. Bài biết rất cần thiết cho những ai mới nhập môn.
Cảm ơn Tài đã ủng hộ blog ^_^
Anh đã giúp em giác ngộ rất nhiều nghề biên kịch đấy ạ!
Cảm ơn Yooribae nhiều ạ!😁
Cảm ơn Toàn đã ủng hộ blog ^_^
cảm ơn bạn Yooribae nhiều a, tưởng page này không hoạt động nữa mà hóa ra vẫn còn, mừng quá
Cảm ơn Minh đã ủng hộ blog ^_^ thời gian vừa rồi mình bận quá, sắp tới chắc blog sẽ hoạt động thường xuyên hơn, Minh hãy tiếp tục ủng hộ blog nhiều hơn nhé ^_^
ngoài cảm ơn ra e ko bt nói j hơn nữa.
Em có thể share bài giúp anh mà ^_^ Đôi khi đi dạo các group biên kịch anh thấy có nhiều bạn mới vào nghề muốn tìm hiểu mà không có nguồn. Nếu em thấy bài viết của anh ok thì có thể giúp anh share cho những bạn đang cần được chứ? Anh mà đi spam thì bị bay màu mất 😂
Tôi xin cảm ơn tác giả của bài viết này…hi vọng tiếp tục được học hỏi nhiều hơn từ tác giả.Tôi sẽ luôn quan tâm và chia sẻ blog này.Xin trân trọng cảm ơn!
Càm ơn bạn đã ủng hộ blog 😁
Anh cho em hỏi thêm về yếu tố bất ngờ. Yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến từng hồi của cấu trúc và sự cao trào của phim. Những biến cố trong phim có nên tận dụng tối đa yếu tố bất ngờ hay không?
Em cám ơn ạ!
Mục đích của yếu tố bất ngờ là để tạo ra sự ngạc nhiên (thích thú/sửng sốt/giật mình/hoảng sợ) cho khán giả. Yếu tố bất ngờ mang đến sự tò mò, thú vị đối với khán giả. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên lạm dụng nó. Nếu quá nhiều sự bất ngờ xảy ra liên tục, khán giả sẽ bị bối rối và không nắm bắt kịp truyện phim. Yếu tố bất ngờ thường xuất hiện nhiều từ giữa phim trở đi, làm thay đổi hướng đi của nhân vật và câu chuyện, dẫn nhân vật đến cái kết cuối cùng. Tuy nhiên, yếu tố này gắn liền với những kỹ thuật kể chuyện khác trong phim (như chốt cài, vật cản… em có thể tìm đọc ở các bài tiếp theo). Không nên tạo ra bất ngờ phi lý chỉ để làm khán giả ngạc nhiên. Đó là gia vị. Cho vừa đủ với tổng thể truyện phim là tuyệt nhất.
Xin chào anh, em thực sự rất cảm ơn vì bài viết tâm huyết như thế này. Từ ngữ đơn giản dễ hiểu, hữu ích với một bạn học sinh cấp 3 đam mê làm phim như em. Mà anh ơi, nếu tụi em muốn sản xuất Music Video (từ 3 đến 7 phút), thì nên tuân theo cấu trúc 2 hồi đúng không anh nhỉ, hoặc anh có thể gợi ý phương pháp nào hiệu quả hơn không ạ. Chúc anh có một ngày tốt lành.
Chào Nghĩa, kịch bản Music Video vẫn dùng cấu trúc 3 hồi nhé. Với Music Video, em không cần kể câu chuyện với các cảnh quay bắt buộc phải liền mạch từ đầu đến cuối, mà nên xắp xếp hình ảnh xuất hiện phù hợp với đoạn lyrics hay melody liên quan.
Anh ơi anh cho em hỏi về chỗ bướ ngoặt hai được không, em vẫn không hiểu rõ chỗ đó lắm? Em cảm ơn ạ.