[Kịch bản 101] #25: Sức mạnh của sự im lặng

Vấn đề mà rất nhiều kịch bản cũng như phim truyện hiện nay gặp phải, đó là: Thoại quá nhiều. Không khó để bắt gặp những kịch bản của các biên kịch cả nghiệp dư lẫn có chút nghề với hàng trang đối thoại liên tu bất tận. Có nhiều biên kịch cho nhân vật nói ra mọi thứ: Nhân vật nói ra suy nghĩ trong đầu, nói ra cảm xúc thay biểu cảm, nói thay hành động, kể cho khán giả hay nhân vật khác nghe những thứ có thể thể hiện ngắn gọn hơn bằng hình ảnh… Hay tệ hơn, giải thích ý nghĩa cảnh quay cho khán giả hiểu. Tất nhiên, dân trí nước ta có thể chưa cao, nhưng khán giả chắc chắn không ngốc đến nỗi không biết họ đang xem cái gì. Và không phải lúc nào nói huỵch toẹt mọi thứ vào mặt khán giả cũng là cách tốt nhất để kể chuyện, nhất là khi khán giả vào rạp để xem phim hay mở TV để xem truyền hình chứ không phải nghe đài phát thanh.

Vậy nên cổ nhân mới có câu: Im lặng là vàng!

giphy (43).gif

SỨC MẠNH CỦA SỰ IM LẶNG

Trong bài thơ “Tỳ Bà Hành” của thi sĩ Bạch Cư Dị (nhà thơ lớn thời nhà Đường) có câu “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”, miêu tả khoảnh khắc người ca kỹ gảy tỳ bà bỗng ngừng lại giữa hai nốt nhạc, cảm giác khi ấy rung động hơn cả khi có âm thanh.

Nghệ thuật tự cổ chí kim vẫn luôn đề cao “Khoảng lặng”. “Khoảng lặng” trong âm nhạc, khoảng lặng trong giao tiếp, khoảng lặng trong điện ảnh… Trong âm nhạc, khoảng lặng là khoảnh khắc ngưng đọng giữa hai nốt nhạc. Trong giao tiếp, khoảng lặng là khi bạn lắng nghe và suy nghĩ lời nói của đối phương, hoặc khi bạn suy ngẫm về điều bạn định nói. Trong điện ảnh, khoảng lặng là khoảnh khắc khi nhân vật của bạn nhận ra mình không nên nói gì thêm kẻo phá hỏng mạch phim. Khoảng lặng, trong cuộc sống nói chung và nghệ thuật nói riêng, là khoảnh khắc của sự tĩnh lặng, khoảnh khắc để người khán giả có thể tự mình cảm nhận và chiêm nghiệm về thông điệp mà họ vừa nhận được. Là khoảnh khắc này, khi bạn ngả người về phía sau, thở dài và suy ngẫm “Rốt cuộc là mình đang đọc cái gì vậy?”.

giphy (25).gif

Tầm quan trọng của sự im lặng

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói như thế này: “Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà thôi”.

Trong giao tiếp, nếu hai người cứ nói chuyện liên tục mà không có khoảng nghỉ, không có sự lắng nghe, thì chẳng mấy chốc mà “ông nói gà, bà nói vịt”, cuộc hội thoại sẽ trở nên rối rắm mà chẳng để lại chút ý nghĩa gì. Hoặc như khi bạn vừa mới gặp một ai đó, nếu như người kia độc thoại quá nhiều mà không lắng nghe hay cho bạn cơ hội để mở miệng, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Cảm giác của khán giả cũng như vậy.

Untitled-1

Untitled-2
Ví dụ của việc giao tiếp không khoảng lặng (Nguồn: Facebook)

Khi còn đi học, chúng ta đều được dạy rằng mỗi câu văn kết thúc bằng dấu chấm và đoạn văn kết thúc bằng việc xuống dòng. Đó là quãng nghỉ, để người đọc có thể suy ngẫm và cảm nhận về những gì họ vừa đọc.

Tưởng tượng xem, một đoạn văn dài 5000 chữ không ngắt nghỉ, không xuống dòng đáng sợ thế nào.

giphy (23).gif

Khoảng lặng trong phim

Trong phim ảnh, khoảng lặng là một kỹ thuật kể chuyện thường được sử dụng nhằm tăng cảm xúc cho sự kiện, câu chuyện. Khoảng lặng xuất hiện trong phim Hope, khi người cha nhận ra con gái mình mình bị xâm hại; trong Avengers: Endgame, khi Gamora nhận ra Thanos định hiến tế cô; trong Saving Private Ryan, khi người lính do Tom Hanks thủ vai bị ù tai không thể nghe thấy gì mà nhìn thấy đồng đội bị bắn nát thây trước mặt mình…

Một trong những thủ pháp được Hayao Miyazaki sử dụng trong những thước phim của ông được gọi là ‘ma’. Đây là một từ trong tiếng Nhật và văn hóa Nhật dùng để chỉ một điểm ngưng của thời gian và một khoảng trống trong không gian. ‘Ma’ là điều thiết yếu trong cuộc sống mọi vật cần, để phát triển.
Ký tự kanji của ‘ma’ bao gồm chữ môn ‘門’ và chữ nhật ‘日’ – kết hợp lại ta được chữ ‘間’. Gợi hình ảnh ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua khe cửa, hay cánh cửa rộng mở để dọn chỗ, đón nhận sự tự do, đổi thay, và phát triển. Đây chính là ý nghĩa của ‘ma’, khoảng trống giữa hai điểm, bắt đầu và kết thúc, giữa khoảng không-thời gian cuộc sống ta đang trải qua. Lặng thinh đối nghịch với tiếng động, trống vắng đối nghịch với lấp đầy, là nơi tâm trí cùng năng lượng vận động.
Khoảnh khắc ‘ma’ xuất hiện trong phim Ghibli, có thể kể đến cảnh Chihiro cùng Vô Diện ngồi trên toa tàu, lặng ngắm từng ngôi nhà, mảnh đất nổi, cứ thể trôi qua giữa mênh mông mây trời nước biển. Chihiro vừa trải qua chuỗi ngày đầy bất an, hỗn loạn còn Vô Diện cũng không kém, một cuộc hấp thụ và đào thải những nhơ nhớp, xu uế. Cả hai đều cần phút ngưng đọng này để lặng tâm hồn và trí óc, thông suốt cho hành trình tiếp theo. Trong Howl’s Moving Castle, buổi trà chiều bên bờ sông là niềm an ủi, một thoáng nghỉ ngơi cho cơ thể già nua và tâm trí mệt nhoài của Sophie.
Đối với khán giả Nhật, ‘ma’ đã đi sâu vào nhận thức và văn hóa của họ, nên không chỉ những thước phim ứng dụng thủ pháp này mà cả âm thanh cũng vậy. Studio Ghibli và nhạc sĩ Joe Hisaishi đã cố ý để âm thanh không xuất hiện quá nhiều xuyên suốt bộ phim trong phiên bản gốc, để khán giả có được khoảng lặng suy tư vừa đủ. Nhưng ở phiên bản lồng tiếng Anh, nhà sản xuất và soạn nhạc đã phải thêm vào hơn chục phút có âm thanh, cụ thể là phim Laputa và Mononoke Hime, để phục vụ khán giả quốc tế không quen với tĩnh lặng.
Giống như khoảng ngắt giữa cuộc nói chuyện, để ngữ nghĩa của ngôn từ có thể thấm đẫm, quãng nghỉ đợi trước khi nốt nhạc tiếp theo ngân vang.
Nguồn: Ghibli’s Collection

Nếu một bộ phim có quá nhiều thoại lẫn hành động gay cấn, dồn dập liên tục, câu chuyện có thể bị cuốn trôi và không gì có thể neo lại được trong đầu khán giả. Khoảng lặng là một cái mỏ neo, giúp câu chuyện, thông điệp của bạn được neo lại vào lúc cần thiết. Khoảng lặng được đặt vào đúng chỗ, xuất hiện vào đúng thời điểm, sẽ giúp khán giả có thể bắt kịp với mạch phim, cảm nhận, hiểu được chuyện gì đang xảy ra, từ đó tạo ra sự đồng cảm với nhân vật, câu chuyện và thông điệp mà bạn đang muốn truyền tải.

giphy (48).gif

Thời điểm của sự im lặng

Thời điểm thích hợp nhất để “Khoảng lặng” phát huy sức mạnh, đó là vào lúc cảnh phim chuẩn bị kết thúc, ngay trước hoặc sau một câu thoại hay hành động mạnh mẽ, dữ dội. Giống như khoảnh khắc sau khi cơn bão vừa đi qua, hay khoảnh khắc khi vừa chấm dứt một mối quan hệ.

Trong loạt phim Harry Potter, khoảnh khắc khi Sirius Black hết vai, hay khi Giáo sư Snape nhận ra Lily đã chết, để khiến khán giả cảm thấy shock và đau lòng cùng nhân vật thì vào khoảnh khắc Sirius Black rơi vào tấm màn, Harry Potter không gào lên “Chú ơi đừng đi vào đó!”, cũng như Giáo sư Snape không ca nguyên bài cải lương trong lúc ôm xác Lily. Chỉ là một khoảnh khắc đau đớn, im lặng, trước khi họ bắt đầu bùng nổ cảm xúc.

giphy (53).gif

giphy (52).gif

Một cảnh kinh điển khác trong Harry Potter, là khi cụ Dumbledore đề nghị Giáo sư Snape giúp mình nghỉ việc khỏi đoàn phim, Giáo sư Snape không trả lời bằng một bài vọng cổ mà dùng đũa phép. Khoảnh khắc đó, mọi thứ như lặng đi, trước khi đoạn hội thoại đau lòng nhất phim được cất lên.

giphy (51).gif

giphy (57).gif

À không phải câu đó, câu này cơ.

giphy (55).gif

giphy (56)

Tạo ra khoảng lặng

Vậy thì, làm cách nào để tạo ra khoảng lặng trong kịch bản?

Đừng-viết-thoại.

Đơn giản thế thôi.

Hãy tạo ra những câu chuyện, những sự kiện, tình huống, chi tiết, hành động, câu thoại thật ấn tượng. Sau đó thì kết thúc cảnh quay, và để cho khán giả có thời gian tự suy ngẫm về thông điệp mà bạn vừa thể hiện.

Tất nhiên, không có một công thức cụ thể về việc bạn phải tạo ra khoảng lặng vào phút thứ mấy trong phim. Khoảng lặng tuyệt vời trong phim xảy ra dựa vào sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm nhận và luyện tập liên tục trong thời gian dài. Hãy viết nhiều, kể nhiều, bạn sẽ dần đạt được.

Là người kể chuyện, hãy kể ra những câu chuyện khiến khán giả suy nghĩ, thay vì cố gắng nghĩ thay cho khán giả.

Còn bây giờ, hãy cùng tạo ra một khoảng lặng, bằng cách nghiền ngẫm về bài viết này nhé!

©yooribae

9 Replies to “[Kịch bản 101] #25: Sức mạnh của sự im lặng”

  1. Cảm ơn Yooribae nhiều, đọc mỗi bài viết của bạn mình lại cảm thấy vững lòng hơn khi cảm giác có một người kề bên hướng dẫn. Trước đây mình cứ viết rồi lại bỏ giữa chừng. Nhờ có Yoori mà mình đã cố gắng viết thường xuyên hơn. Tuy không có gì nhiều, nhưng thành thật cảm ơn bạn, mong bạn vẫn tiếp tục những bài viết để tiếp sức thêm cho những con người như mình.

  2. Mỗi một bài của Ad, mình đều nhẩm câu “Cám ơn” mà không nghĩ ra là có thể viết gửi tới Ad thế này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *