[Kịch bản 101] #29: Đặt tên con – Phần 2: Đặt tên nhân vật

Nhân vật là phần quan trọng của phim. Nói về đặt tên phim mà không nói về đặt tên nhân vật thì quả là điều thiếu sót. Vậy thì, đặt tên nhân vật cần chú ý những yếu tố nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:

ĐẶT TÊN NHÂN VẬT

100-most-anticipated-films-of-2019.jpg

Cái tên nói lên bản chất

Thông thường, tên nhân vật sẽ thể hiện bản chất, tính cách, giới tính của nhân vật. Giống như khi bạn đặt tên cho em bé mới sinh vậy. Bạn có một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm mà bạn đặt tên bé là Xuyến Chi thì rõ ràng không hợp lý lắm. Bạn có thể dựa vào tính cách hay đặc điểm nhận dạng để đặt tên cho nhân vật. Chẳng hạn như nhân vật của bạn là một cảnh sát gương mẫu, bạn có thể đặt tên anh ta là Bảo hoặc Dũng. Nhân vật của bạn là trẻ em đường phố hay giang hồ thì bạn có thể đặt tên là Đen, Còi… Nếu để hai nhân vật đổi tên cho nhau thì có vẻ sẽ rất kỳ cục, đúng không?

1308566582

Đặt tên con như người Việt Nam

Do đặc điểm địa lý, văn hóa, lịch sử… mỗi vùng miền Việt Nam lại có cách đặt tên con khác nhau. Thời phong kiến, tất cả phụ nữ đều có tên lót là “Thị”. Lý do đơn giản là để xác định người phụ nữ đó thuộc dòng tộc nào (Nguyễn Thị, Trần Thị, Lý Thị…). Sau năm 1945 thì phần “Thị” dần được bỏ ra khỏi tên người phụ nữ, như một cách thể hiện bình đẳng giới. Trong cùng một gia đình, cha và con (nhất là con trai) thường có chữ lót (tên đệm) giống nhau. Ví dụ như cha tên Nguyễn Phúc Tường, con tên Nguyễn Phúc Ánh chẳng hạn. Bên cạnh đó, ở nhiều gia đình, tên người con trai thường đặt theo tên cha, tên con gái thường đặt theo tên mẹ. Ví dụ như cha tên Chiến thì con trai có thể tên Thắng, Tranh, Tích, Sĩ… Mẹ tên Ngọc Anh thì con gái có thể tên Ngọc Châu, Ngọc Bích, Ngọc Hằng…

Yếu tố vùng miền cũng ảnh hưởng lớn đến việc đặt tên. Người miền Bắc thường có xu hướng đặt tên con theo âm Hán-Việt còn người miền Nam đặt tên con theo tiếng Nôm nhiều hơn. Sự khác nhau về phát âm cũng ảnh hưởng đến tên gọi. Chẳng hạn như người miền Tây đặt tên con là Vân nhưng khi đi làm giấy tờ gặp nhân viên Ủy Ban là người miền Bắc thì rất có thể giấy khai sinh của đứa trẻ sẽ ghi tên là Dâng. Trường hợp nghe nhầm kiểu này từng xảy ra ngoài đời thật khá nhiều rồi.

Vậy nên khi đặt tên nhân vật, hãy chú ý vấn đề này, và đặt tên nhân vật của bạn sao cho phù hợp với sơ yếu lý lịch của nhân vật đó.

film2309.jpg

Có điểm này cần lưu ý. Tuy nhiều người Việt đặt tên con theo âm Hán-Việt (vì nghe hay hơn, có ý nghĩa hơn có với âm tiếng Nôm cùng nghĩa), nhưng khi đặt tên cho nhân vật, đừng quên rằng nhân vật của bạn là người nước nào. Người Việt Nam và người Trung Quốc có những cách đặt tên khác nhau, dựa vào phiên âm, phát âm và ngôn ngữ của hai quốc gia có nhiều khác biệt. Bạn có thể là một người thích phim Trung Quốc, thích dùng từ Hán Việt, nhưng khi bạn làm phim Việt Nam, nhân vật của bạn là người Việt Nam, mà bạn đặt tên nhân vật là Giang Thần, Chỉ Nhược, Tống Thiến, Hy Triệt, Thái Anh, Tử Du, Thấu Kỳ Sa Hạ… thì khán giả có thể tin rằng mấy nhân vật đó là người Việt Nam không? Đây là trường hợp rất nhiều biên kịch phim truyền hình gặp phải. Chính xác là nhiều người cố tình đặt tên nhân vật cho giống tên Trung Quốc, chẳng biết vì lòng yêu nước hay gì.

Cách người Việt Nam gọi tên nhau

Thông thường, người Việt có xu hướng không gọi đầy đủ họ tên, mà chỉ gọi một chữ cuối, hoặc gọi theo chức vụ, biệt danh hoặc không gọi tên luôn. Tuy nhiên, nhiều phim truyền hình hiện nay có xu hướng đặt và gọi tên theo hai chữ. Chẳng hạn như hai người bạn nói chuyện với nhau: “Thái Anh ơi, Hy Triệt nói Thái Anh nghe cái này nhé!”, “Ồ Hy Triệt muốn nói gì thế, Thái Anh nghe đây!”. Nghe mà nổi da gà thiệt sự.

giphy (42)

Khán giả thường than phiền rằng thoại phim Việt Nam nghe không thật, phần vì thoại trong kịch bản là văn viết, không phải văn nói; phần vì lối xưng hô gọi tên hai chữ vô cùng thảo mai và không phù hợp văn hóa dân tộc. Tất nhiên, vẫn có vài cái tên có thể gọi hai chữ, như Hà Lan chẳng hạn. Nhưng là người Việt Nam, đừng quên rằng tiếng Việt là ngôn ngữ vô cùng phong phú, với cực kỳ nhiều cách xưng hô, gọi nhau mà không cần nhắc đến họ tên. Là biên kịch, là người kể chuyện bằng ngôn từ, hãy tận dụng điều đó và làm lời thoại của các nhân vật trong kịch bản của bạn dễ đọc hơn. Đó là bạn đang làm phước cho diễn viên và đôi tai của khán giả.

Tên phim nghe “điện ảnh” (WTF???)

Thú thật là tôi cũng không biết thế nào là một cái tên nghe “điện ảnh” (???). Đây là nội dung mà không có sách vở dạy làm phim nào nhắc tới. Nhưng rồi tôi nhớ đến trường hợp đặt tên nhân vật trong phim ParasiteHarry Potter. Đó là cách “chơi chữ”. Chẳng hạn như cha con nhân vật chính của Parasite trong tên có chữ “Ki” (Ký trong Ký Sinh Trùng – tên phim) hay họ Weasley của Ron Weasley là họ của một loài sóc, còn Harry là cái tên phổ biến ở Anh. Cách chơi chữ này thường dựa trên văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc, nên khi muốn đặt tên phim hay tên nhân vật theo kiểu chơi chữ, hãy đảm bảo là khán giả Việt Nam có thể dễ dàng hiểu được trò chơi chữ của bạn (mà đội marketing không cần phải viết một status dài để giải thích giùm).

Mà thực tế thì kịch bản hay nhân vật tên Tèo cũng thắng, kịch bản dở thì đặt tên mỹ miều mấy cũng thua. Khán giả đã chứng minh. Bởi thực tế là đến cuối cùng khán giả cũng chẳng nhớ hết tên nhân vật.

ezgif.com-video-to-gif

Nhân vật chính không tên?

Có khi nào bạn nghĩ rằng, đặt tên cực quá, thôi thì mình khỏi đặt tên nhân vật có được không? Thường thì trường hợp này khả thi khi bạn làm một phim ngắn chỉ có vài ba nhân vật và chẳng ai giống ai. Trong phim truyền hình thì chắc chắn không thể rồi, vì khán giả không thể theo dõi 30 tập phim với cả chục nhân vật không tên được. Vậy còn phim điện ảnh thì sao? Nếu một phim điện ảnh chỉ có vài ba nhân vật thì có cần thiết phải đặt tên cho mấy nhân vật đó không?

Trong một số trường hợp nhất định, tên của nhân vật không còn quan trọng. Chẳng hạn như trong phim Moebius của đạo diễn Kim Ki Duk, khi các nhân vật không có một câu thoại nào; hoặc phim Swiss Army Man chỉ có hai nhân vật là một người lạc trên hoang đảo và một xác chết. Trong những trường hợp này, khán giả không phải phân biệt quá nhiều nhân vật với nhau, nhờ thế mà tên nhân vật cũng (gần như) không còn cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, những trường hợp đặc biệt. Và lời khuyên là hãy cứ đặt tên cho nhân vật của bạn, tên gì cũng được, để ít nhất một lần trên đời này nhân vật của bạn có tên.

©yooribae

2 Replies to “[Kịch bản 101] #29: Đặt tên con – Phần 2: Đặt tên nhân vật”

  1. Làm mình nhớ đến cái phim gì mà ”ngốc ơi tuổi 17” thì phải, chưa nói đến nội dung khá chán thì riêng cái tên nhân vật đã không thấm được rồi. Ai đời người Việt Nam tên ”Chan Chan” vs Min Min bao giờ, một vài tên nhân vật khác thì lại quá hoa văn, màu mè.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *