Kịch bản 101 – #38: Kỹ thuật lôi cuốn khán giả (phần 2)

Khi còn học trong ngành quảng cáo, một người thầy từng nói với chúng tôi thế này: “Quảng cáo không bán sản phẩm. Quảng cáo bán một câu chuyện”. Là người tiêu dùng, bạn có thể thấy “câu chuyện” ở khắp mọi nơi, từ những clip quảng cáo 30 giây trên TV, đến những bài tâm sự có kèm link affiliate (tiếp thị liên kết) trên Fanpage của người nổi tiếng. Giống như câu chuyện về cách Leonardo DiCarpio bán bút trong The Wolfs of Wallstreet “tạo ra nhu cầu cho khách hàng” – bạn cũng phải tìm cách để khiến khán giả cảm thấy cần phải tập trung theo dõi câu chuyện mà bạn đang kể trên màn ảnh. Để làm được điều đó, bạn phải đặt bản năng sang một bên và bày ra mọi công cụ, kỹ thuật kể chuyện mà bạn biết. Và dưới đây là vài kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng trong quá trình xây dựng, phát triển bất kỳ câu chuyện nào mà bạn muốn kể:

KỸ THUẬT LÔI CUỐN KHÁN GIẢ (Phần 2)

[Đọc phần 1 tại đây]

Kiểm soát nhịp phim (Tempo):

Nhịp phim là một trong những yếu tố quan trọng và khó kiểm soát nhất trong quá trình kể chuyện. Để dễ hiểu, hãy liên tưởng bộ phim với một bản nhạc. Trong bộ môn khiêu vũ, mỗi thể loại như Walzt (Valse), Boston, Tango, Chachacha, Rumba, Pasodoble.. lại có tiết tấu, nhịp điệu khác nhau. Người học khiêu vũ sẽ dựa vào tiết tấu, nhịp điệu của bài hát vang lên để biết bài hát thuộc thể loại nào, từ đó thực hiện các bước nhảy phù hợp. Điều này cũng được áp dụng trong phim. Nếu bạn tìm hiểu một chút về Kpop, bạn sẽ biết rằng có thời gian rất nhiều các bài hát Kpop được viết theo công thức: Verse A – Điệp khúc – Verse B – Điệp khúc – Bridge – Điệp khúc, tương ứng với cấu trúc 3 Hồi trong phim; trong đó, Bridge là phần có giai điệu và tiết tấu khác với tổng thể ca khúc, tương ứng với phần plot twist cuối Hồi 2 trong phim, nhằm đẩy cảm xúc cho phần kết (Hồi 3 – Cao trào). Tuy áp dụng công thức một cách (rất là) máy móc như vậy, Kpop và Kdrama vẫn có sức hút với khán giả đại chúng. Bí quyết nằm ở cách mà những nhà soạn nhạc, các tác giả hiểu rõ công thức và sáng tạo nội dung dựa trên công thức đó, thay vì bác bỏ nó.

Nhịp phim là tiết tấu. Giống như một bài hát gồm những đoạn nhạc có tiết tấu nhanh chậm xen kẽ nhau, mỗi bộ phim cũng gồm có những cảnh quay với các cung bậc cảm xúc lên xuống lần lượt. Một bộ phim hay là một bộ phim mang lại cảm xúc cho khán giả. Cảm xúc có thể đó là cảm giác yên bình, là sự đau đớn, là sự rung động, là chút gì đó đau nhói trong tim, là sự tức giận, sự phẫn nộ, cảm thương, chua xót, day dứt, bi tráng, thỏa mãn… Để làm được điều đó, người viết kịch bản cần phải hiểu rõ cách điều khiển cảm xúc, chi phối tâm trạng của khán giả qua từng cảnh quay.

Giống như một bài hát, kịch bản cũng cần có giai điệu riêng. Nếu như âm nhạc sử dụng nhịp (beat) để chi phối nhịp tim của khán giả, thì phim (và kịch bản) sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, lời thoại và cách tăng giảm nội dung trong từng cảnh quay để xây dựng nên cảm giác về không khí và nhịp điệu của câu chuyện. Một cú máy dài sẽ tạo cảm giác khác chuỗi cú máy cắt cảnh liên tục; hai nhân vật ngồi yên trò chuyện sẽ mang lại cảm xúc khác với hai nhân vật vừa nói chuyện vừa di chuyển qua lại; một cảnh tĩnh sẽ khác một cảnh động, câu thoại dài sẽ khác câu thoại ngắn… Điểm khiến một kịch bản, một thước phim trở nên tinh tế hay dở tệ, nằm ở cách người làm phim tính toán và gọt giũa cho từng khung hình, từng lời thoại của cảnh phim đó.

Để nắm được kỹ thuật này, bạn cần phải luyện tập nhiều, rất nhiều, nhiều hơn so với các kỹ thuật khác. Điều khiển nhịp phim là một kỹ thuật thiên về phạm trù cảm nhận. Nếu bạn không có năng khiếu, bạn có thể bù đắp bằng việc tập luyện. Hãy nghe thật nhiều các thể loại nhạc khác nhau, viết đi viết lại một cảnh quay với nhiều cung bậc cảm xúc, cảm giác và cách thể hiện khác nhau, tránh xa phim arthouse và kịch chiếu rạp, đọc thật nhiều sách, tưởng tượng thật nhiều; và đừng quên, lắng nghe trái tim của bạn.
Nếu cảnh phim bạn viết ra không khiến bạn phát điên lên vì nó, khán giả cũng vậy.

Sử dụng khoảng lặng

Khán giả thích những bộ phim mang lại cảm xúc cho họ. Đọc xong câu này, nhiều biên kịch sẽ nghĩ ngay đến việc tạo ra một câu chuyện với hàng núi drama chồng chất, những tình tiết căng thẳng diễn ra liên tục, plot twist dồn dập. Suy nghĩ này không sai, nhưng mọi người thường bỏ quên một yếu tố quan trọng: Nhịp thở.

Nhịp thở là nền tảng của của sự sống con người. Cách chúng ta thở giúp chúng ta tồn tại, giảm cân, tăng trọng, ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên cảm xúc và trạng thái tâm lý của mỗi người. Nhịp thở liên quan mật thiết đến nhịp tim. Hãy thử thở dốc trong 30 giây, sau đó chạm vào vùng dưới ngực trái, bạn có thể cảm nhận được tim của bạn đập nhanh thế nào. Đó là kiến thức y học phổ thông.

Ủa rồi tim với thở liên quan gì tới nhịp phim?

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, nhịp tim có thể bị ảnh hưởng bởi tiết tấu của một bài hát. Những bài hát có tiết tấu (BPM -Beat per minute) khác nhau sẽ mang lại cảm xúc khác nhau, ảnh hưởng đến tâm trạng. Khi xem phim, nếu để ý, bạn sẽ thấy có những khoảnh khắc khi tiếng nhạc cất lên, bạn cảm thấy cảnh phim xúc động hơn nhiều so với trước đó. Nếu để ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy hầu hết cảnh phim gây xúc động đều kết thúc với một hành động hoặc câu thoại như chích vào tim, kèm sau đó là sự tĩnh lặng, trước khi nhạc phim nổi lên (hoặc không). Khoảng lặng chỉ đơn giản như vậy. Đó là khoảnh khắc sau khi một loạt thông tin được đưa ra, sau một chuỗi hành động hay lời thoại đẩy cảm xúc của nhân vật và khán giả lên tới đỉnh điểm, thì bụp, âm thanh tắt ngúm, mọi thứ trở nên tĩnh lặng đến lạ thường. Bạn cảm thấy trái tim như chợt hẫng đi một nhịp. Cảm giác đó là kết quả từ quá trình dàn dựng khéo léo của biên kịch, đạo diễn, người dựng phim nhằm khiến cho trái tim của bạn đập nhanh hơn, làm bạn cảm thấy hồi hộp hơn, căng thẳng hơn, rồi sau đó thả rơi trái tim bạn giữa không trung vào lúc bạn không ngờ đến nhất. Giống như cách mà người yêu cũ chơi đùa với trái tim của bạn.

Khoảng lặng là khoảnh khắc để khán giả thấy rằng nhân vật đang suy nghĩ gì đó, cũng là thời gian để khán giả suy ngẫm về tình huống, trải nghiệm, thông tin mà họ vừa nhận được. Mọi người thường bắt gặp khoảng lặng trong những cảnh quay gần cuối Hồi 2 của phim, vào khoảnh khắc mà tác giả cuốn Save The Cat gọi là Dark Night of the Soul (khoảnh khắc đen tối nhất – đêm tối của tâm hồn, dựa theo tên một phần trong tác phẩm Noche Oscura of San Juan de la Cruz). Tất nhiên, khoảng lặng cũng có thể được sử dụng ở những giai đoạn khác của bộ phim, miễn là bạn không quá lạm dụng và nhồi nhét khoảng lặng vào mọi thứ.

Một lưu ý nhỏ nữa, rằng sử dụng khoảng lặng trong phim không có nghĩa là bạn có quyền làm ra những cảnh tĩnh dài lê thê, chậm chạp, thiếu sức sống. Những cảnh quay kiểu đó chỉ khiến khán giả cảm thấy thừa thãi và buồn ngủ thôi.

Plot twist

Đây là thuật ngữ được rất nhiều người biết đến. Plot là cốt truyện, twist là cú vặn, plot twist nói ngắn gọn là một cú bẻ lái của biên kịch, một tình huống, biến cố xảy ra đẩy diễn biến của câu chuyện sang một hướng khác theo cách mà khán giả không ngờ đến nhất.

Tất nhiên, khán giả không ngờ đến không có nghĩa là bạn có quyền ném bất cứ tình tiết phi lý nào vào phim mà không có lời giải thích thuyết phục. Mọi thứ mà bạn trưng ra cho khán giả nghe và thấy trong phim đều phải là kết quả của sự tính toán, sắp đặt từ trước. “Không có phép màu nào tự dưng xuất hiện”, thứ gì xuất hiện trong kịch bản, trong phim cũng đều phải có lý do.

Về lý thuyết, mọi bộ phim đều có ít nhất một plot twist nằm ở gần cuối Hồi 2 của phim, giai đoạn tình tiết phim trở nên gay cấn, hồi hộp và hấp dẫn nhất. Đó còn gọi là giai đoạn Payoff, khi tất cả những mâu thuẫn, bí mật, nút thắt được cài cắm trong nửa đầu phim – giai đoạn Setup – lần lượt được giải quyết triệt để.

Dù vậy, trên thực tế, tùy theo thể loại và nội dung, một bộ phim có thể có đến 3-4 plot twist, nằm rải rác trong nửa sau phim tính từ Mid-point. Việc tạo ra nhiều hơn chỉ một plot twist giúp truyện phim trở nên khó đoán, từ đó tạo cảm giác lôi cuốn, thú vị hơn. Việc sử dụng nhiều plot twist đặc biệt thông dụng trong các thể loại phim thiên về đấu trí, tâm lý, phá án, phi vụ… Ngay như một phim tình cảm hoặc phim hài cũng có thể có từ hai plot twist trở lên. Đó là với phim điện ảnh. Trong phim truyền hình, mỗi tập phim luôn cần có từ một đến vài plot twist để giữ chân khán giả theo dõi bộ phim thêm tập tiếp theo.

Cũng như các kỹ thuật kể chuyện khác, plot twist là phần gia vị cần được nêm nếm vừa đủ, để không tạo cảm giác lộn xộn, hỗn loạn, khó hiểu đối với khán giả. Người viết kịch bản cũng cần lường trước kể quả của từng plot twist và cài cắm vào phim sao cho hiệu quả. Biên kịch cần kiểm soát mọi thứ xuất hiện trong kịch bản, trước khi giao truyện phim đến tay người khác.

Bad Moment: Khoảnh khắc tồi tệ, đường cùng.

Sở thích của khán giả là ngắm nhìn nhân vật chính rơi vào bi kịch. Nhân vật chính gặp càng nhiều bi kịch, khán giả càng muốn xem. Đó là sự thật hiển nhiên, được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học mà bạn có thể tìm kiếm thông tin trên Google và sách tâm lý học.

Vậy điều gì khiến con người ta trở nên say mê các câu chuyện bi kịch đến như vậy?

Theo các nghiên cứu về tâm lý học, một phần bản năng con người cảm thấy tự tin hơn khi thấy người khác khổ sở hơn mình, như một cách não bộ tự an ủi bản thân. Một phần nữa, yếu tố quan trọng khiến văn chương và phim ảnh có tầm ảnh hưởng lớn, đó là thỏa mãn ảo tưởng của khán giả. Khi đọc truyện hay xem phim, khán giả có thể tạm thời thoát ra khỏi thực tại, để cảm nhận được một cuộc sống mới, một thế giới khác, một nơi mà người tốt dù có gặp bao nhiêu bi kịch, tổn thương thì đến cuối cùng cũng có thể vượt qua, chiến thắng và có được hạnh phúc. Chính yếu tố đó là thứ khiến nhiều khán giả phát cuồng với những bộ phim về hoàng tử và lọ lem, về người nghèo chiến thắng tài phiệt, về kẻ ác bị trừng phạt, về một sinh vật yếu thế trở thành siêu anh hùng bảo vệ thế giới…

Bi kịch của nhân vật, nếu được khai thác đúng cách, sẽ mang đến cho khán giả cảm xúc tích cực, giúp khán giả được giải tòa về mặt cảm xúc, tinh thần sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ngược lại, nếu nhân vật chỉ gặp bi kịch mà không tìm ra được cách giải quyết hiệu quả nào, thì toàn bộ nội dung phim sẽ trở nên vô nghĩa. Là khán giả đầu tiên, bạn có muốn xem một bộ phim vô nghĩa như chính cuộc đời của bạn?

Khi xây dựng truyện phim, bạn có thể đẩy nhân vật vào bao nhiêu bi kịch tùy thích. Bạn có thể dồn nhân vật vào đường cùng hết lần này đến lần khác, miễn là bạn có cách giúp nhân vật thoát ra; và cách đó tốt nhất nên là cách mà khán giả không thể đoán trước được.

Ẩn dụ – So sánh – Liên tưởng

Chúng ta sẽ không nói về định nghĩa của mấy thuật ngữ này. Sách giáo khoa cấp 2 đã có hết rồi. Hãy nói về lý do vì sao đây lại là kỹ thuật kể chuyện mà bạn cần phải biết.

Thứ khiến phim là phim mà không phải clip tiểu phẩm, đó là tiểu phẩm thường không có ẩn dụ. Các clip tiểu phẩm mà các bạn xem trên TV hay ngoài rạp mùa Tết đều có một điểm chung, đó là các diễn viên nói quá nhiều. Họ không diễn. Họ chỉ đơn giản đứng trước màn hình, nói ra mọi thứ triết lý ba xu (văn thường hai xu rưỡi) mà họ tích cóp được trên các page ngôn tình. Hết. Thông điệp lồ lộ ra như bảng thực đơn treo ở quán ăn, ai liếc sơ qua cũng thấy. Đó chắc chắn không phải nghệ thuật.

Khi còn đi học, môn Ngữ Văn luôn nhắc nhở chúng ta rằng thứ khiến tác phẩm nghệ thuật trở nên nghệ thuật, đó là những ẩn ý, tâm tư, thông điệp, quan điểm, triết lý sống mà tác giả đề cập đến trong tác phẩm đó. Điển hình trong số đó là nguyên lý Tảng Băng Trôi.

Nếu đọc kỹ các tác phẩm văn học Việt nam ra đời vào thời Pháp thuộc, nhất là tác phẩm của các cụ Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… hay các tác phẩm của Lưu Quang Vũ; bạn sẽ thấy những thông điệp châm biếm, lên án tiêu cực xã hội được các tác giả thể hiện khéo léo thông qua ẩn dụ, so sánh, liên tưởng như thế nào.

Phép ẩn dụ cũng liên quan mật thiết đến một yếu tố khác trong ngôn ngữ nghệ thuật: Tính biểu tượng. Cụ thể, các tác phẩm nghệ thuật thường sử dụng một hình ảnh, công cụ, đồ vật nhất định để đại diện cho một yếu tố nào đó có tính chất hay ý nghĩa gần liên quan; hoặc gán cho món đồ ấy một ý nghĩa nào đó. Các biểu tượng, thông điệp mang tính ẩn dụ cũng được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong những cuộc hội thoại hoặc chia sẻ thông tin nhạy cảm mà người nói và người nghe không tiện đề cập trực tiếp.

“Những gì khán giả không thấy sẽ khiến họ tưởng tượng nhiều hơn”, phép ẩn dụ, so sánh, liên tưởng được áp dụng trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng nhằm mục đích khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả, từ đó tạo ra sợi tơ liên kết vô hình giữa khán giả với câu chuyện. Bên cạnh đó, phép ẩn dụ, so sánh, liên tưởng còn được áp dụng để miêu tả những chi tiết nhạy cảm mà pháp luật, đạo đức xã hội và tiêu chuẩn cộng đồng không cho phép thể hiện trực tiếp trên tác phẩm bằng âm thanh hay hình ảnh; chẳng hạn như cảnh hút thuốc, sử dụng ma túy, cưỡng bức, lạm dụng trẻ em, khỏa thân thấy rõ bộ phận sinh dục, cảnh quan hệ tình dục quay vừa xấu vừa bẩn, cảnh chửi thể tục tĩu kéo dài… Có người sẽ thắc mắc rằng, những chi tiết đó đời thực cũng có, tại sao phim ảnh không được đưa vào? Bởi vì phim không phải đời. Khán giả xem phim để thoát ra khỏi thực tại đớn đau của cuộc đời họ, không phải để tiếp tục nhìn vào những thứ dơ bẩn họ thấy hàng ngày. Đó cũng là lý do những phim Việt Nam quảng bá rằng “phim rất đời” bị không ít khán giả chỉ trích. Bởi thứ “đời” mà người làm phim cho khán giả thấy không bi kịch hơn, cũng chẳng thể mang đến những khát vọng, thông điệp, ý nghĩa hay hy vọng tươi sáng hơn mà khán giả muốn thấy. Đến cuối ngày, khán giả sẽ dần quên đi những gì mà họ vừa xem, nếu như họ không nhìn thấy một hình ảnh, chi tiết hay thông điệp nào khiến họ phải suy nghĩ.

_______________________________________

Điện ảnh trở thành bộ môn nghệ thuật có giá trị thương mại cao nhất, được chính quyền mọi quốc gia chú ý nhiều nhất (trong số các môn nghệ thuật), thậm chí có Luật riêng; bởi vì khả năng truyền tải thông tin và thao túng, tác động vào tâm trí người xem mạnh mẽ mà không có loại hình nghệ thuật nào khác hiệu quả bằng.

Mỗi bộ phim là một câu chuyện với đời sống riêng, nên cần có cách kể, cách thể hiện của riêng câu chuyện đó. Là người kể chuyện, bạn cần phải xác định rõ khi nào nên dùng kỹ thuật gì để kể chuyện hay hơn, thay vì áp dụng một cách rập khuôn và máy móc. Đến AI còn phải học cách sáng tạo từ những kiến thức mà nó có được. Hãy sáng tạo, và đừng quên nhấn like nếu bạn thích bài viết, nhấn share để ủng hộ blog; để lại bình luận chia sẻ thêm về những kỹ thuật mà bạn biết hoặc muốn tìm hiểu kỹ hơn nhé!

©yooribae

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *