[Kịch bản 101] #32: Viết từng cảnh một

Trong quá trình làm việc, biên kịch thường nhận được feedback từ nhà sản xuất hay đạo diễn kiểu “cảnh này chán quá, em sửa lại nha”, “cảnh này ngắn quá, em kéo dài ra nha”, “cảnh này khó quá, em làm đơn giản hơn nha”, “cảnh này bạn trai cũ của con gái nuôi của ông hàng xóm của bà giúp việc nhà người quen anh/chị không thích, em bỏ đi nha”… Biên kịch, vì miếng cơm manh áo, phải cắn răng sửa lại cảnh quay theo feedback. Sau khi sửa vài (chục) cảnh quay theo đúng ý đồ của đạo diễn, sản xuất, biên kịch nhận lại feedback là “Em viết kém quá, anh/chị viết còn hay hơn”. Vậy vấn đề ở đây là gì? Tại sao mọi cảnh quay đều làm đúng theo feedback mà cuối cùng biên kịch lại bị xúc phạm? Hãy quay lại ngay từ đầu, từ lúc biên kịch nhận feedback đầu tiên. Mọi sai lầm bắt đầu từ đó.

Đầu tiên, trước khi quyết định xem chúng ta sẽ làm gì với một đống cảnh quay bị đánh giá tiêu cực chen chúc nhau trong kịch bản, hãy cùng tìm hiểu về:

CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA MỘT CẢNH QUAY

1. Cảnh quay là gì?

Một bộ phim được tạo nên từ rất nhiều những khung hình chuyển động với nhiều cỡ cảnh, góc máy kết hợp lại với nhau để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh được dẫn dắt bởi hình ảnh và âm thanh. Một cảnh quay (scene) được xác định bao gồm một sự kiện, tình huống diễn ra tại cùng một không gian và cùng một thời điểm. Một cảnh quay có nhiệm vụ cung cấp thông tin và một phần hay toàn bộ nội dung truyện phim đến với khán giả. Một phim điện ảnh dài 90 phút có thể có từ 80-130 cảnh quay. Ở Việt Nam, người ta còn gọi thuật ngữ cảnh quay bằng một cái tên khác: Phân đoạn.

2. Cấu trúc của một cảnh quay

Mọi cảnh quay đều có ba phần: Mở đầu, phát triển và kết thúc. Nói cách khác, trong mỗi cảnh quay đều áp dụng cấu trúc Ba Hồi, với chủ đề và thông điệp, nội dung rõ ràng, chặt chẽ.

Tại sao lại là cấu trúc Ba Hồi? Bởi với thời lượng của một cảnh quay, bạn sẽ không thể áp dụng cấu trúc Hero’s Journey hay Save The Cat – những cấu trúc quá chi tiết và nhiều thứ bậc – vào được. Cấu trúc Ba Hồi vừa đơn giản, vừa dễ dàng để biên kịch biến chính xác mình cần xử lý cảnh quay như thế nào. Điều này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong phim truyền hình, nơi mỗi cảnh quay có thời lượng dài và thông tin truyền tải nhiều hơn so với phim điện ảnh.

Việc áp dụng cấu trúc Ba Hồi vào cảnh quay cũng giúp biên kịch truyền tải thông tin một cách gọn gàng và cụ thể hơn, tránh tình trạng diễn giải lan man hoặc viết ra một cảnh quay vô thưởng vô phạt, không mang lại hiệu quả gì cho bộ phim, không giúp truyện phim tiến triển.

Để biết cấu trúc Ba Hồi được áp dụng vào một cảnh quay như thế nào, hãy đọc bài viết dưới đây:

Vài năm trở lại đây, nhu cầu xem VOD của khán giả đại chúng tăng cao, nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam kiếm thêm thu nhập và quảng bá phim bằng cách cắt những cảnh quay ấn tượng trong mỗi tập phim đưa lên internet để thu hút khán giả. Nếu bạn đã từng xem những clip như vậy, chắc hẳn bạn cũng sẽ nhận thấy rằng, có những cảnh quay mà nội dung hệt như một phim ngắn vậy. Đó không chỉ là một cảnh quay với mở đầu, phát triển, kết thúc; mà còn mang đến một câu chuyện hoàn chỉnh, không thừa không thiếu. Những cảnh quay như vậy có tác dụng rất tốt trong việc quảng bá, và không có lý do gì để biên kịch từ chối viết ra những cảnh quay hoàn chỉnh như vậy.

3. Linh hồn của mọi cảnh quay – Nhân vật

Sau khi kiểm tra và đảm bảo rằng cảnh quay của bạn đã có cấu trúc rõ ràng và chặt chẽ, hãy đến với bước tiếp theo: Kiểm tra mọi thứ liên quan đến tất cả những nhân vật xuất hiện trong cảnh quay này.

Đầu tiên, hãy xác định ai là nhân vật trung tâm của cảnh quay này. Trong một số trường hợp, nhân vật chính của phim chỉ đóng vai trò phụ hoặc không xuất hiện trong cảnh quay, vì cảnh đó không liên quan đến nhân vật chính. Vậy nên, bạn phải xác định nhân vật trung tâm trong cảnh này là ai và người đó đang gặp vấn đề gì. Hãy thử vẽ ra giấy sơ đồ về sự phát triển tâm lý của nhân vật đó qua mỗi cảnh và tự hỏi xem tâm trạng/cảm giác của nhân vật trong cảnh quay này như thế nào, phản ứng và lời thoại của nhân vật trong cảnh đó có phù hợp với cảm xúc của nhân vật vào lúc đó không? Để chắc chắn hơn, hãy đọc to lời thoại giống như bạn chính là nhân vật. Đó là cách để bạn biết rằng câu thoại của mình đã phù hợp chưa, đảm bảo rằng mỗi nhân vật đều có cách nói và thái độ, cảm xúc riêng thông qua thoại.

Các cụ có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”. Khi nhân vật xuất hiện trong cảnh quay lần đầu tiên, hãy miêu tả để khán giả cảm nhận được hình tượng của nhân vật thông qua ngoại hình, trang phục, cách cư xử, cách nói chuyện… Một thanh niên cao gầy sẽ mang lại cảm giác khác với một trung niên béo phì. Một người mặc vest đen sẽ mang đến cái nhìn khác với người mặc quần đùi hồng áo ba lỗ màu cháo lòng. Hãy phác họa để người đọc có thể hình dung được hình tượng nhân vật trong trí tưởng tượng của bạn.

Một điều quan trọng khác: Hãy đếm khoảng cách mỗi lần nhân vật xuất hiện và thời lượng lên hình của mỗi nhân vật. Đừng để nhân vật biến mất khỏi màn ảnh/khung hình quá lâu, nhất là với nhân vật chính hay các nhân vật quan trọng.

4. Miêu tả

Khi miêu tả hình ảnh, không gian, hành động trong mỗi cảnh quay, hãy ghi nhớ những nguyên tắc sau:

  • Less is more: Tối giản là hoàn hảo. Miêu tả ngắn gọn, súc tích.
  • Chỉ viết những gì có thể nghe thấy và nhìn thấy trên màn ảnh.
  • Dùng từ ngữ mạnh, động từ, tính từ, từ tượng thanh, từ tượng hình, đồng nghĩa, trái nghĩa… để làm hình ảnh sinh động hơn.
  • VIẾT HOA tên nhân vật hay đạo cụ quan trọng lần đầu xuất hiện trên màn ảnh.
  • Xuống dòng mỗi lần chuyển qua cú máy mới.

5. Lời thoại

Lời thoại luôn là điểm yếu chết người của nhiều biên kịch và đạo diễn. Với nhiều người, viết ra một câu thoại nghe được còn khó hơn viết cả kịch bản toàn hình ảnh gấp nhiều lần. Ở đây, chúng ta sẽ cùng đến với những yêu cầu cần thiết để viết thoại đỡ cực hơn:

  • Ngắn gọn, súc tích: Cũng như phần miêu tả, lời thoại nên gọn gàng, đừng quá dài dòng, phức tạp.
  • Đọc to lên, để biết lời thoại có tự nhiên đối với nhân vật không. Nếu biên kịch mà không nói thoại trôi chảy được, thì không ai nói được.
  • Hãy tin vào diễn viên: Hãy tin rằng diễn viên của bạn có thể hiểu được bạn đang muốn truyền tải điều gì thông qua câu thoại. Hãy tin tưởng rằng diễn viên của bạn sẽ nhập vai. Dù bạn không tin thì nó vẫn diễn đơ thôi, nên hãy tin tưởng, để có động lực viết tiếp.
  • Không-bao-giờ lặp lại nội dung mà khán giả đã biết.
  • Mỗi nhân vật có cách nói riêng. Cách nói thể hiện cá tính của nhân vật. Hãy đọc to để xác định lời thoại có phù hợp cách nói và cá tính của nhân vật hay không.
  • Có giá trị: Chỉ hai câu thoại hay cũng đủ nâng tầm kịch bản của bạn thành kiệt tác. Hãy nhìn vào đống quote Joker đầy rẫy trên mạng, bạn sẽ thấy ngay.
  • Những câu thoại nào có thể dùng hình ảnh hoặc hành động để thay thế, thì hãy thay ngay và luôn. Đó là cách để câu chuyện của bạn trở nên “điện ảnh” hơn.
  • Viết đối thoại càng ngắn càng tốt: Người xưa có câu “Nói dài, nói dai, nói dở”. Khán giả không muốn nghe nhân vật của bạn nói quá nhiều đâu. Khoa học cũng đã chứng minh rằng não người ghi nhớ những câu ngắn tốt hơn những câu dài. Hãy viết ngắn gọn thôi, để khán giả còn có cái để nhớ.

6. Vibe, mood & tone

Một bộ phim hay, trước hết phải mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Bên cạnh việc cung cấp thông tin thì mỗi cảnh quay phải để lại trong lòng khán giả một cảm xúc nhất định. Cảm xúc đó có thể là vui vẻ, hạnh phúc, hào hứng, tức giận, phẫn nộ, đau lòng, cảm thông… khi dõi theo hành trình của nhân vật. Khán giả phải có cảm xúc với câu chuyện, với nhân vật, thì họ mới có thể tận hưởng không khí của bộ phim và ngồi yên một chỗ đến cuối cùng. Vậy nên, trong mỗi cảnh quay, biên kịch phải xác định rõ bản thân muốn mang đến cho khán giả cảm xúc gì trong cảnh này, muốn khán giả cảm nhận được điều gì sau khi xem xong cảnh này. Một cảnh quay không mang lại bất kỳ cảm xúc nào cho khán giả có thể dẫn đến cả bộ phim vô hồn.

Hãy tìm cách truyền tải cảm xúc đến cho khán giả thông qua lời thoại, hành động, tình huống, cảm xúc của nhân vật, không khí của bối cảnh, màu sắc, nhịp điệu, tiết tấu của cảnh quay. Hãy để khán giả có thể chia sẻ cảm xúc với nhân vật, với bộ phim. Tất cả những yếu tố đó đều có thể miêu tả trên kịch bản. Nếu bạn vẫn chưa biết phải miêu tả thế nào để mang lại cảm giác cho người đọc, hãy tìm đọc truyện dài, tiểu thuyết của các tác giả Nhật Bản nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim, trừ Haruki Murakami, bởi văn của ông ấy thiên về miêu tả cảm giác hơn sử dụng hình ảnh.

Và đừng quên: Sửa lỗi chính tả và văn phạm trước khi chuyển sang cảnh tiếp theo.

VIẾT TỪNG CẢNH MỘT

Sửa hay không sửa?

Một trong những vấn đề thường gặp nhất trong quá trình viết nháp và viết lại kịch bản là tư duy “sai chỗ nào sửa ngay chỗ đó”. Vấn đề này rất nhiều biên kịch, nhất là các biên kịch mới, mắc phải. Hãy nhớ rằng, mỗi chi tiết, cảnh quay trong kịch bản đều liên kết chặt chẽ với nhau. Chỉ cần chỉnh sửa một chi tiết, cả câu chuyện có thể đi lệch hướng. Trước khi chỉnh sửa một cảnh quay, bạn phải xác định rõ ràng và chính xác rằng cảnh quay đó mang nội dung, thông điệp, ý nghĩa gì. Nếu bạn chỉnh sửa hay cắt bỏ cảnh quay đó, thì những cảnh quay khác, những chi tiết khác trong phim sẽ bị ảnh hường và cần phải điều chỉnh lại như thế nào. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải xác định rõ, cảnh quay này có thật sự cần phải chỉnh sửa hay cắt bỏ không. Nói thẳng ra, bạn, người chịu trách nhiệm về mặt kịch bản, cần phải chắc chắn rằng việc chỉnh sửa là cần thiết. Không phải feedback nào cũng chính xác. Có trường hợp, sản xuất hay đạo diễn không đủ năng lực, không biết chính xác lỗ hổng của kịch bản nằm đâu, hoặc họ không hiểu chính xác nội dung cảnh quay, từ đó đưa ra feedback cảm tính và thiếu chính xác. Nếu bạn biết rằng feedback đó là sai mà bạn vẫn cắm đầu làm, thì đến cuối ngày chính bạn sẽ là người bị loại bỏ vì sai lầm của người khác. Để tránh rơi vào tình huống khó chịu đó, hãy đứng lên, giải thích cho đạo diễn, sản xuất hiểu thật cặn kẽ tại sao bạn lại xử lý cảnh quay đó như vậy. Nếu sản xuất, đạo diễn kiên quyết bắt bạn sửa, hãy đề nghị họ đưa ra phương án mà họ nghĩ là phù hợp. Nếu họ có phương án tốt hơn, hãy biến ý tưởng đó thành của bạn. Nếu ý tưởng họ đưa ra chẳng hơn gì mớ ý tưởng kém cỏi mà bạn đã nghĩ ra và bỏ qua, thì hãy giải thích và thuyết phục họ chấp nhận rằng ý tưởng họ đưa ra có nhiều lỗ hổng và không phù hợp với truyện phim. Và để thuyết phục được mọi người rằng bạn đang làm đúng, thì điều quan trọng nhất là bạn phải chứng minh cho cả thế giới biết rằng bạn hiểu rõ chính xác bạn đang viết gì. Để làm được điều đó, bạn cần phải hiểu thật cặn kẽ, tường tận mõi chi tiết, tình huống, nhân vật, ngôn từ trong mỗi dòng kịch bản hiện ra trên mặt giấy.

Còn khi bạn đã xác định rõ ràng là kịch bản của bạn còn nhiều lỗ hổng và cần phải chỉnh sửa, thì hãy in kịch bản ra, sửa kịch bản trên giấy, trước khi mở máy tính lên lần nữa.

Sửa là sửa cái gì?

Đầu tiên, hãy cầm kịch bản của bạn lên, và đọc kỹ từng cảnh một. Với mỗi cảnh quay, hãy trả lời những câu hỏi sau:

  • Cảnh này có thúc đẩy truyện phim tiến lên không?
  • Cảnh này có mang đến thêm thông tin mới mà cách cảnh phim trước chưa có không?
  • Cảnh này có tạo ra mâu thuẫn, xung đột nào không?

Nếu bạn không thể trả lời “Có” cho 2/3 câu, hãy cắt bỏ cảnh này và đưa thông tin vào cảnh khác.

Nếu cảnh này thực sự quan trọng với truyện phim, mà nếu bỏ đi thì truyện phim sẽ sụp đổ, thì bạn hãy cố gắng động não và tìm xem liệu bạn có thể thêm thông tin, thêm xung đột vào cảnh phim, để cảnh phim hiệu quả hơn không. Phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất, là đặt câu hỏi: What if / Sẽ thế nào nếu…?

Bên cạnh Why, How, thì What If là câu hỏi giúp não bộ hoạt động khá tốt. Bạn có thể đặt ra nhiều câu hỏi với mỗi sự kiện, tình huống xảy đến trong cảnh quay. Chẳng hạn: “Sẽ thế nào nếu nhân vật chính bị giết?”, “Sẽ thế nào nếu nhân vật thất bại?”, “Sẽ thế nào nếu căn nhà nổ tung?”, “Sẽ thế nào nếu nhân vật làm thế này thay vì làm thế kia?”, “Sẽ thế nào nếu tất cả chỉ là giấc mơ của nhân vật?”…

Hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi “Sẽ thế nào nếu…?” và tìm cách để đưa ra câu trả lời sáng tạo nhất. Đó là cách để bạn tạo ra những câu chuyện mà ngoài bạn ra không ai khác có thể nghĩ ra được.

Tạm kết.

Làm phim là cuộc chơi tốn tiền. Mỗi cảnh quay dù đơn giản ngắn gọn tới đâu cũng tốn cả mớ tiền. Mỗi cảnh quay bị cắt, là rất nhiều tiền, rất nhiều công sức bị hủy hoại. Vậy nên, ngay từ khâu kịch bản, mỗi cảnh quay được viết ra đều phải sử dụng được. Điều này không chỉ quan trọng với đoàn phim, mà cũng vô cùng quan trọng đối với biên kịch. Chẳng biên kịch nào thích nhìn kịch bản của mình khi lên phim bị cắt xén, sửa đổi cả. Biên kịch là nhà làm phim đầu tiên, là khán giả đầu tiên, là người tiếp cận và kể lại bộ phim đầu tiên trên giấy. Vậy nên trong thâm tâm, mọi biên kịch có tự trọng đều muốn viết ra một truyện phim hoàn hảo nhất có thể. Và cách duy nhất để kịch bản không bị cắt xén, chỉnh sửa quá đà, là mỗi cảnh quay phải được miêu tả thật rõ ràng; cũng như tất cả các cảnh quay trong phim phải liên kết với nhau thật chặt chẽ, giống như một ngôi nhà bằng que diêm vậy, chỉ cần rút ra một que là cả ngôi nhà sẽ sụp đổ.

©yooribae

3 Replies to “[Kịch bản 101] #32: Viết từng cảnh một”

  1. Anh ơi, em muốn đọc nhiều hơn về làm phim nói chung và viết kịch bản phim qua sách ấy, kiến thức chuyên môn của em thì chỉ có thông qua blog của anh và một số khoá học ngắn trên coursera thôi. Anh có gợi ý những đầu sách nào phù hợp không ạ?

    1. Hiện tại trên thị trường sách tiếng Việt về viết kịch bản rất hiếm, chưa nói đến chất lượng. Nếu biết tiếng Anh em có thể tìm mua sách nước ngoài thông qua các tiệm bán sách artbook hoặc ebook trên Amazon. Bên anh có 1 thư viện nhỏ sưu tầm sách dịch về làm phim và kịch bản bằng tiếng Việt đã ngưng xuất bản, tuy nhiên chỉ được phép chia sẻ với học viên và thành viên ekip thôi. Sẵn tiện, bên anh sắp tổ chức khóa học Viết kịch bản cơ bản Online vào tháng 11 này, em có thể bấm vào tab “Khóa học” phía trên để tìm hiểu thêm nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *