Trong mấy ngày vừa qua, tôi đã khá đắn đo trong việc nên bắt đầu phần kỹ thuật từ đâu. Có quá nhiều thứ để nói. Để tạo ra một kịch bản phim tốt, cần có rất nhiều, rất nhiều kỹ thuật trong đó. Trước khi viết bài này, tôi đã đọc lại những cuốn sách hướng dẫn viết kịch bản mà tôi có. Sau khi đọc lướt qua, tôi thật sự nghĩ đến việc ngừng series này lại. Bởi những cuốn sách đó đã viết quá tốt rồi, và có quá nhiều thứ để tạo nên một kịch bản tốt. Kịch bản phim, cũng giống như cơ thể con người vậy. Trong đó, cấu trúc là khung xương, còn kỹ thuật kể chuyện là thịt, là da, là mạch máu, là mỗi tế bào chuyển động trong đó. Với vốn kiến thức và khả năng của mình, tôi không đảm bảo có thể nói hết với các bạn toàn bộ các kỹ thuật một cách cụ thể và chi tiết được. Vậy nên, trong các bài về kỹ thuật, tôi sẽ tham khảo thêm từ các tài liệu liên quan. Tôi cảm thấy rất có lỗi vì chuyện đó. Dù vậy, rất mong nhận được sự ủng hộ từ các bạn.
Ngày hôm nay, trong bài viết này, tôi sẽ bắt đầu phần kỹ thuật bằng một kỹ thuật vô cùng quan trọng, giúp định hình toàn bộ nội dung truyện phim và kịch bản, đó là TIỀN ĐỀ.
XÁC ĐỊNH TIỀN ĐỀ
Tiền đề, được định nghĩa là một bản tường trình ngắn gọn, trong MỘT CÂU, về chủ đề tổng quát của bộ phim, về cái mà bạn muốn nói, cái bạn muốn thể hiện trong bộ phim của bạn. Bất kể bộ phim nào cũng có thể tóm gọn trong một câu, được chia làm 3 phần: Trình đề, Tiến triển, Giải quyết (tương tự với cấu trúc 3 hồi). Trong đó, phần đầu – Trình đề – nhằm đặt ra vấn đề cần giải quyết, phần giữa – Tiến triển – luôn là một động từ chỉ sự biến đổi, phát triển; phần cuối – Giải quyết / Kết quả – thường là sự ngược lại với phần trình đề. Đó tương tự như cấu trúc 3 hồi vậy.
Từ nay, mỗi khi xem một bộ phim hay một vở kịch nào đó, hãy cố gắng tìm ra chủ đề và tiền đề của nó. À, còn CHỦ ĐỀ nữa. Mỗi bộ phim đều có một chủ đề nhất định, và tất cả mọi nhân vật, sự kiện, tình huống, đối thoại, tâm lý, ý nghĩa, câu chuyện trong phim đều xoay quanh và dựa tên chủ đề đó. Chủ đề cũng liên quan mật thiết đến tiền đề. Đúng hơn, tiền đề được tạo ra từ chủ đề. Mỗi chủ đề giống như một vòng xoay vậy, có rất nhiều hướng khác nhau. Việc xác định được tiền đề dựa trên chủ đề sẽ giúp bộ phim của bạn đi theo đúng một hướng duy nhất mà không bị lan man, dàn trải.
Bây giờ, hãy thử xác định chủ đề và tiền đề cho bộ phim của bạn.
Chủ đề của bộ phim mà bạn muốn kể là gì? Những chi tiết nào trong phim thể hiện chủ đề đó? Tiền đề của bộ phim này là gì? Nó có giống với chủ đề không? Những tình huống, chi tiết nào trong phim thể hiện tiền đề rõ ràng nhất? Những tình huống, chi tiết nào mang chủ đề, tiền đề khác? Những chi tiết nào không phù hợp với chủ đề và tiền đề bạn đưa ra? Có thể chỉnh sửa thế nào để những chi tiết này trở nên phù hợp? Hay bỏ nó ra? Hãy đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt, bởi càng trả lời được nhiều câu hỏi, nhận thức của bạn về vấn đề sẽ càng rõ ràng hơn.
Sau khi xác định được chủ đề và tiền đề bộ phim, hãy viết nó ra giấy và dán ở nơi dễ nhìn thấy trên bàn làm việc của bạn. Chính cái chủ đề, tiền đề này từ bây giờ sẽ quyết định cấu trúc kịch bản của bạn. Nếu có bất kỳ chi tiết nào không phù hợp với tiền đề hoặc một phần, một khía cạnh nào đó của tiền đề, hãy chỉnh sửa, hoặc bỏ nó đi. Làm như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Nếu chi tiết đó giữ cũng được, bỏ cũng được, thì tốt nhất là nên bỏ.
Thường thì khi bắt đầu viết, bạn sẽ chẳng biết được chủ đề hay tiền đề của cái mà mình đang viết là cái giống gì. Bạn bắt tay vào viết vì bạn có ý tưởng này nọ, có nhân vật có vẻ hay ho, có vài tình huống, hay vài hình ảnh nào đó hấp dẫn bạn. Không sao cả. Sau khi viết xong bản phác thảo đầu tiên, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm chủ đề và tiền đề trong đó. Mà cũng chẳng khó lắm, vì sau khi viết xong và đọc lại, bạn sẽ nhìn thấy được dấu hiệu của chủ đề và tiền đề ngay. Có thể sớm, có thể muộn, nhưng hãy tìm kiếm và chờ đợi dấu hiệu xuất hiện. Tuy nhiên, khi đã xác nhận được rồi, thì bạn phải bám lấy nó, tuyệt đối không được xa rời. Điều cần thiết và quan trọng là phải xác định được chủ đề và tiền đề, trước khi bước vào giai đoạn Phác thảo Đề cương (một giai đoạn nằm giữa Ý tưởng và Kịch bản chi tiết).
Bạn phải biết, trong mọi lúc, rằng cái mà bạn đang viết, là viết vì cái gì. Mỗi cảnh phim cần là một cuộc trình diễn của tiền đề, nhấn mạnh và minh họa cho một phần nhất định của tiền đề. Nếu bạn xem lại những bộ phim cũ trong danh sách 100 phim hay nhất thế giới, bạn có thể thấy các biên kịch, đạo diễn đã tuân thủ điều này chi tiết đến mức nào.
Tôi vẫn phải nhắc lại rằng, bộ phim của bạn cần phải bám sát tiền đề, nhưng đồng thời cũng phải thể hiện, minh họa cho cái tiền đề đó, thông qua truyện phim. Bạn cần phải nhớ, rằng tiền đề nằm ở phần đáy của tảng băng trôi, chứ không nằm trên đỉnh. Bạn kể một câu chuyện để minh họa cho cái tiền đề đó. Bạn bán một câu chuyện, chứ không phải tiền đề. Chẳng có ai quay phim cái tiền đề cả.
Nhiệm vụ của bạn là chứng minh cái tiền đề, chứ không phải giơ nó ra cho người ta xem.
Một kịch bản tốt lúc nào cũng đưa ra một kết thúc, mà người ta có thể chờ đợi hay không chờ đợi, nhưng nó đáp ứng một nhu cầu nào đó. Có câu nói rằng, một kết thúc hay, là một cái kết “bất ngờ được chờ đợi từ trước”. Điều đó không có nghĩa là cái tiền đề bắt buộc phải dẫn đến một kết luận logic, hợp lý.
Thực tế thì, tiền đề quy định hành vi của tất cả mọi nhân vật trong phim. Nhân vật trung tâm (hãy nhớ là, một bộ phim chỉ có DUY NHẤT 1 nhân vật trung tâm, bất kể đó là nam chính hay nữ chính) luôn luôn thay đổi, chuyển biến tâm lý trong quá trình hành động của phim. Thậm chí biến đổi một cách triệt để. Tuy nhiên, không chỉ có nhân vật trung tâm, mà các nhân vật khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, và thay đổi.
Không nhất thiết mỗi cảnh phim đều phải bám sát toàn bộ tiền đề. Nhiệm vụ của mỗi cảnh phim là minh họa, chứng minh cho 1 trong 3 phần của tiền đề. Nhiệm vụ của biên kịch là phải cân bằng được những phần đó. Bạn không thể chỉ đặt ra vấn đề hoặc đưa ra hướng giải quyết cho một vấn đề không tồn tại được. Hãy cân bằng.
Có một thuật ngữ tên là Set Pieces, hay còn gọi là “miếng trò ngoài kịch”. Ngày xưa, trong các vở kịch sân khấu, mỗi khi đóng màn để thay đổi giữa 2 cảnh, người ta thường diễn thêm 1 cảnh phụ trước màn. Nhìn chung, cảnh này không ăn nhập gì với vở kịch, chỉ thuần túy mang nhiệm vụ giải trí cho công chúng. Mỗi bộ phim thực tế đề có một hay vài cảnh nhỏ thế này, những cảnh hoàn toàn xa cách với tiền đề, có thể cắt đi mà chẳng ảnh hưởng gì tới mạch phim. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chúng ta nên tránh viết những cảnh này. Vì sao? Phim Mỹ, phim Nhật được xem là hay và có rất ít set pieces trong đó. Phim Hàn thì tuy hay nhưng vẫn có cảm giác dàn trải vì họ hay chêm set pieces vào vì vấn đề tài trợ và giãn nhịp phim (thường gặp trong truyền hình). Còn phim Việt Nam, đặc biệt là phim truyền hình, thì tràn ngập set pieces. Và nước nào phim hay, nước nào phim dở thì bạn biết rồi đấy.
BÀI HỌC HÔM NAY
XÁC ĐỊNH CHỦ ĐỀ, TIỀN ĐỀ
BỘ PHIM CẦN BÁM SÁT THEO MỘT CHỦ ĐỀ, TIỀN ĐỀ NHẤT ĐỊNH
TRÁNH XA SET PIECES RA
©yooribae
Đã đọc và cảm ơn anh !
Câu này không phải copy, mỗi lần đọc xong là 1 lần viết lại để thể hiện sự cảm ơn, cảm kích tối thiểu nhất có thể đến tác giả !
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^^ dù câu này là copy nhưng mỗi lần độc giả comment thì tác giả cũng phải cám ơn mới hợp đạo lý ^^
Bạn có thể cho mình một ví dụ cụ thể về việc xác định tiền đề có được không? Mình chưa hiểu 3 phần trình đề, phát triển và kết thúc nó chính xác là gì…
Bạn có thể hiểu tiền đề là một câu tóm tắt ngắn gọn chủ đề phim, có cấu trúc là: Nguyên nhân – Dẫn đến – Kết quả. Trong đó phần Nguyên nhân hoặc Kết quả là chủ đề chính của phim. Ví dụ: Tham lam – Dẫn đến – Mù quáng, Lừa dối – Dẫn đến – Sự phản bội… kiểu như vậy.
Trong bài viết không có ví dụ về 1 tiền đề cụ thể, nên em đọc cả bài như đi trên mây anh ạ, không biết bám vào đâu. Chắc tư duy của em kém,khi anh cho em ví dụ em thấy dễ hiểu. Từ ví dụ này đọc các phần phân tích tiếp theo dễ tiếp thu anh ạ.
Cám ơn bạn rất nhiều.
Cảm ơn anh về bài viết. Chỉ là có một đoạn nhỏ em chưa hiểu. Có thể giải thích một chút cho em được không ạ?
“Có câu nói rằng, một kết thúc hay, là một cái kết “bất ngờ được chờ đợi từ trước”. Điều đó không có nghĩa là cái tiền đề bắt buộc phải dẫn đến một kết luận logic, hợp lý.”
Một bộ phim có nhất thiết chỉ có 1 chủ đề hay 1 tiền đề duy nhất không anh?
Một bộ phim, một câu chuyện chỉ được có một chủ đề và một tiền đề thôi em. Nếu có quá nhiều chủ đề hay tiền đề trong cùng một câu chuyện, có nghĩa là câu chuyện bị lan man, rời rạc, dễ bị rối rắm và mờ mịt. Nguyên tắc này áp dụng với tất cả mọi hình thức kể chuyện nhé.