Kiểm duyệt – Vấn đề nhạy cảm với rất nhiều nhà làm phim cũng như khán giả yêu điện ảnh tại Việt Nam. Trong mắt nhiều người làm nghệ thuật và không ít khán giả, kiểm duyệt là thứ gì đó độc tài, khốn nạn, vô đạo đức, phá hỏng vẻ đẹp tự nhiên của tác phẩm nghệ thuật. Nhiều người tin rằng, kiểm duyệt là sợi xích, khóa chặt cổ nền nghệ thuật, khiến nghệ thuật tại Việt Nam, cụ thể hơn là nền điện ảnh, không thể phát triển được. Để dẫn chứng cho quan điểm trên, nhiều người thường lấy ví dụ từ nền điện ảnh Mỹ – Hollywood – như bằng chứng cho nền điện ảnh tự do tuyệt đối, không bị kiểm duyệt. Nhưng mà, thật sự thì, nền điện ảnh Mỹ có thật sự tự do như cách mà nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ?

Kiểm duyệt là gì?

Hệ thống kiểm duyệt và phân loại phim điện ảnh có vai trò kiểm duyệt, chỉnh sửa và sắp xếp các phim điện ảnh sao cho phù hợp từng đối tượng khán giả dựa trên những yếu tố như độ phức tạp của nội dung, hình ảnh tình dục, khỏa thân, kinh dị, bạo lực, ngôn từ và hành động tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung người lớn khác. Ở hầu hết các nước, những bộ phim nó nội dung vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm đạo đức sẽ có thể bị kiểm duyệt, hạn chế, cắt bỏ một số nội dung hay bị cấm trình chiếu.

Do sự phát triển của công nghệ, hiện nay phim ảnh, game show, video ca nhạc (MV) đã không cần chiếu ở rạp, tivi mà có thể phát hành trên mạng internet, thu hút hàng triệu người xem. Vì vậy, việc kiểm duyệt phim ảnh, game show, video ca nhạc đã được nhiều nước mở rộng áp dụng đối với cả những sản phẩm được phát hành trên mạng internet. Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn đăng tải phim ảnh, Game show, video ca nhạc lên mạng internet thì phải được cơ quan kiểm duyệt cấp phép, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt nặng. Ví dụ như Hàn Quốc trước đây đã xảy ra tình trạng các công ty truyền thông, ca sĩ cho đăng tải phim ảnh, Game show, video ca nhạc tràn lan lên mạng internet để né tránh việc bị cơ quan Nhà nước kiểm duyệt, vì vậy Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra quy định: từ tháng 8/2012, mọi bộ phim, game show, video ca nhạc (MV) chỉ được phép đăng tải lên mạng sau khi đã chịu sự kiểm duyệt của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc. Hoặc Chính phủ Trung Quốc năm 2017 đã đưa ra quy định: mọi phim ảnh, game show, video ca nhạc muốn đăng tải lên mạng đều phải được cơ quan Nhà nước cấp phép, nếu tự ý đăng tải thì sẽ bị xử phạt nặng, đồng thời Hiệp hội dịch vụ Netcast Trung Quốc là cơ quan Chính phủ được trao thẩm quyền kiểm duyệt, xử lý vi phạm tại mọi website để thi hành quy định này.

Phim ảnh là một lĩnh vực có tác động rất lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của người xem, vì vậy các nước luôn yêu cầu tác phẩm điện ảnh phải được kiểm duyệt trước khi được phép trình chiếu. Nhưng phim ảnh là một sản phẩm đặc thù, rất khó có tiêu chí định lượng cụ thể, cùng một cảnh phim nhưng bối cảnh khác nhau sẽ tạo hiệu ứng rất khác nhau (ví dụ như cùng một kiểu cảnh quay bắn súng giết người, đặt trong phim chiến tranh thì người xem có thể chấp nhận nhưng đặt trong thể loại phim tâm lý thì lại rất phản cảm). Chưa kể có những cảnh phim ở nước này là bình thường, nhưng ở nước khác lại là cấm kỵ (ví dụ như cảnh phim người ăn thịt chó là bình thường ở Đông Á nhưng lại là cấm kỵ tại các nước Tây Âu). Để đảm bảo việc kiểm duyệt và phân loại phim được thực hiện hợp lý, người ta phải thành lập cả một hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên, bao gồm các nhà biên kịch, đạo diễn có kinh nghiệm kết hợp với đại diện của cơ quan Chính phủ, đôi khi còn có thêm cả đại diện cơ quan an ninh văn hóa, đại diện các tổ chức tôn giáo, cơ quan bảo vệ trẻ em, các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý v…v…

Do việc kiểm duyệt và phân loại phim có tính chất phức tạp, đòi hỏi tuân thủ cao như vậy nên tại đa số các nước (như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ…), việc kiểm duyệt phim sẽ do cơ quan chính phủ đảm nhiệm chứ không được giao cho các đơn vị tư nhân (nếu giao cho các công ty tư nhân kiểm duyệt phim thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: mâu thuẫn trong quan điểm kiểm duyệt giữa các công ty thẩm định khác nhau, đơn vị kiểm duyệt móc nối với nhà sản xuất để kiểm duyệt phim dễ dãi, hoặc nhận hối lộ để đánh giá thiên vị với phim của hãng đối thủ…)

Để đảm bảo tính pháp lý và tuân thủ nghiêm ngặt, việc kiểm duyệt và phân loại phim tại các nước luôn được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ thay mặt Nhà nước thực hiện việc kiểm duyệt và phân loại tất cả mọi bộ phim để đảm bảo thống nhất trong nội dung kiểm duyệt và trình chiếu trên cả nước. Chỉ có một số ít quốc gia (như Mỹ) thì việc kiểm duyệt, đánh giá mới được giao cho một tổ chức không thuộc chính phủ là Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ – MPAA (bởi MPAA có thực quyền rất mạnh để có thể khiến các công ty sản xuất phim phải tuân thủ), tuy vậy vẫn có các cơ quan kiểm duyệt phim ảnh trực thuộc chính phủ ở từng tiểu bang để kiểm duyệt phim phát hành trong lãnh thổ tiểu bang đó.

KIỂM DUYỆT PHIM TẠI MỸ

Thực ra Mỹ, hay còn gọi là Hoa Kỳ, Huê Kỳ, America, xứ cờ hoa.. đã bắt đầu phân loại phim khá muộn, sau nhiều quốc gia khác như Anh quốc chẳng hạn. Hệ thống này thực ra bắt đầu từ tháng 1 tháng 11 năm 1968, sau một loạt chỉ trích, phê phán nặng nề về tình trạng bạo lực, các hình ảnh tình dục tràn lan trên màn ảnh.

Khi một bộ phim lưu hành mà chưa được phân loại, nó sẽ phải mang nhãn NR (Not Rated/Chưa phân loại ). “NR” không phải là một nhãn thuộc hệ thống phân loại của MPAA. Vì hệ thống phân loại của MPAA rất uy tín và người xem, người mua phim rất tin tưởng nên các bộ phim chưa phân loại theo hệ thống của MPAA, nhưng dự tính sẽ phân loại theo hệ thống này thường quảng cáo bằng câu: “This Film is Not Yet Rated” hoặc thường xuyên hơn cả là “Rating Pending.”

Hiệp hội Điện ảnh Mỹ – Motion Picture Association of America (MPAA) đưa ra Hệ thống phân loại phim của MPAA và áp dụng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ để phân loại phim trước khi lưu hành rộng rãi nhằm đảm bảo tựa đề, nội dung và tính chất của phim đúng với đối tượng xem. Đây là hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới để phân loại phim cho các đối tượng xem trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

Tại Mỹ, Hệ thống phân loại phim của MPAA là hệ thống được công nhận rộng rãi nhất do tính hợp lý và khoa học của nó. Hệ thống này không phải là hệ thống của Chính phủ nên không có hiệu lực hành chính theo kiểu bắt buộc mà là hệ thống khuyến cáo có lý gợi ý cho công chúng sử dụng sao cho hợp lý vì lợi ích của chính họ và gia đình họ. Hệ thống này chỉ sử dụng trong công nghiệp điện ảnh vì MPAA đã có đăng ký và bảo vệ bản quyền cho hệ thống này.

Các khuyến cáo sẽ lưu ý là trong phim có hay không các nội dung đáng chú ý trước khi xem như “ngôn ngữ dung tục”, “hình ảnh bạo lực”, “các cảnh chiến đấu”, “các pha tình cảm mùi mẫn”… để người bán hàng và người mua tự quyết định hành vi.

Hệ thống phân loại phim điện ảnh chỉ áp dụng cho phim điện ảnh chiếu tại rạp, còn đối với phim truyền hình, một số nước có hệ thống kiểm duyệt và phân loại khác, đó là Hệ thống phân loại các chương trình truyền hình. Hệ thống này giúp cho cha mẹ quyết định xem bộ phim nào phù hợp cho con cái họ. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hệ thống còn bắt buộc những rạp chiếu phim chấp hành một nghĩa vụ pháp lý là không cho phép trẻ nhỏ vào xem những phim không phù hợp lứa tuổi. Hệ thống này là một bộ phận của những cơ quan kiểm duyệt ở nhiều nước.

Người ta thường tranh cãi về tính hiệu quả, tính bắt buộc của những hệ thống này. Nhiều người cho rằng việc dán nhãn phân loại độ tuổi cho phim có thể gây phản tác dụng, trong đó những đứa trẻ có thể tìm cách để xem những bộ phim được cho là không phù hợp với lứa tuổi của chúng do sự tò mò bởi (hiện tượng quả cấm). Những bản DVD mà “chưa phân loại”, “không cắt”, “không kiểm duyệt” thường được đối tượng này săn tìm để thỏa mãn sự tò mò.

Hệ thống phân loại phim ảnh hiện hành của MPAA

Biểu tượng Nội dung phân loại

G (General Audiences) – Phim dành cho mọi lứa tuổi.
Mọi người đều có thể xem. Không có hình ảnh khỏa thân, không có cảnh (hoặc dấu hiệu khác như âm thanh, ngôn ngữ…) liên quan đến tình dục, sử dụng chất kích thích (gồm rượu bia, thuốc lá, ma túy…). Bạo lực và các lời lẽ thô tục hầu như không có.
PG (Parental Guidance Suggested) – Phim có thể có một số chi tiết (hình ảnh, từ ngữ) không phù hợp với trẻ nhỏ. Bố mẹ cần cân nhắc khi cho con cái xem phim.
Một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em. Không có cảnh khỏa thân, các cảnh (hoặc dấu hiệu khác như âm thanh, ngôn ngữ…) liên quan đến tình dục rất ít, cảnh sử dụng chất kích thích nhẹ nhàng (như thuốc lá, rượu) rất ít và chỉ thoáng qua. Bạo lực và lời lẽ tục tĩu rất ít. Phân loại này không ghi rõ độ tuổi có thể xem song thông thường chỉ có trẻ 9 tuổi trở lên mới có thể được xem phim thuộc nhãn phân loại này mà thôi.
PG-13 (Parents Strongly Cautioned) – Phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi.
Một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi. Phim có thể có các lời tục tĩu (chửi thề) ở mức nhẹ (“stupid”, “idiot”…), các cảnh liên quan đến tình dục chỉ ở mức nhẹ (ví dụ như ôm hôn), có cảnh khỏa thân dù không rõ ràng (ví dụ như cảnh nam nữ vuốt ve nhau trên giường và được đắp ngoài bởi một tấm chăn), có cảnh bạo lực ở mức thấp (đánh lộn, gây hấn nhưng không làm ai bị thương nặng) và/hoặc sử dụng chất kích thích nhẹ như thuốc lá, rượu.
R (Restricted) – Thanh thiếu niên dưới 17 tuổi không được xem phim nếu không có sự đồng ý của người lớn.
Không dành cho người dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng do có thể gây hoảng loạn hoặc ảnh hưởng xấu đến tư duy, đạo đức của trẻ em. Có các lời tục tĩu, dâm dục ở mức vừa (ví dụ như chửi thề với từ “shit”, “damn”…), có những cảnh liên quan đến tình dục ở mức vừa (không đặc tả quan hệ tình dục và chỉ ngắn hơn 3 giây), có cảnh khỏa thân nhưng không rõ ràng và không lộ ra những bộ phận nhạy cảm, các cơ quan sinh dục ngoài như mông, vú, âm vật… Có cảnh bạo lực ở mức cao (sát nhân, bắn súng, đâm dao) nhưng không mô tả chi tiết xác chết, vết thương hoặc máu me; có cảnh sử dụng các chất kích thích bị cấm như ma túy, cần sa… nhưng ở mức thời lượng ngắn và không đặc tả.
Mức này ở nhiều nước khác (nhất là các nước châu Á) sẽ bị xếp ở hạng “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, đồng thời phải cắt bớt một số hình ảnh, nội dung không phù hợp với văn hóa bản địa. Ví dụ như phim điện ảnh Sex and the city ở Mỹ được dán nhãn R, nhưng khi chiếu ở Singapore thì bị xếp ở mức “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, đồng thời phải cắt bỏ hết các cảnh khỏa thân, lộ ngực hay văng tục do “không phù hợp với văn hóa của người Hoa, người Mã Lai và người Ấn” (3 dân tộc chính của Singapore).
NC-17 (No One 17 and Under Admitted) – Phim hoàn toàn không dành cho khán giả dưới 17 tuổi, do có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội.
Có cảnh, lời lẽ tục tĩu, dâm dục ở mức cao (ví dụ như chửi thề với từ “fuck”, “asshole”…), có những cảnh liên quan đến tình dục ở mức cao (mô tả rõ ràng cảnh quan hệ tình dục hoặc cảnh quay kéo dài hơn 3 giây), có những cảnh khỏa thân rõ ràng (quay từ phía trước hoặc lộ ra các cơ quan sinh dục ngoài như mông, vú, âm vật…), đặc tả bạo lực ở mức ghê gớm (bạo dâm, tra tấn, sát nhân hàng loạt, kinh dị, cảnh máu me vung vãi, tội phạm chia phe chém giết nhau…), đặc tả chi tiết cảnh sử dụng các chất kích thích bị cấm (ma túy, cần sa) trong phim. Có các yếu tố gây tranh cãi, nội dung đả kích, châm biếm, xúc phạm… liên quan đến lịch sử, tôn giáo, dân tộc. Mức này ở rất nhiều nước khác (ngoài Mỹ), đặc biệt ở châu Á thì sẽ bị xếp là phim cấm trình chiếu.
Not Rated: Khi một bộ phim lưu hành mà chưa được phân loại, nó sẽ phải mang nhãn NR (Not Rated/Chưa phân loại). “NR” không phải là một nhãn thuộc hệ thống phân loại của MPAA. Vì hệ thống phân loại của MPAA rất uy tín và người xem, người mua phim rất tin tưởng nên các bộ phim chưa phân loại theo hệ thống của MPAA, nhưng dự tính sẽ phân loại theo hệ thống này thường quảng cáo bằng câu: “This Film is Not Yet Rated” hoặc thường xuyên hơn cả là “Rating Pending.”
Unrated: là phim không được duyệt, chỉ phát hành ở dạng video-DVD home chứ không chiếu rạp vì phim chiếu rạp thì phải rated.

MPAA cũng phân loại các trailer phim trước khi chúng được phát sóng hàng loạt. Hệ thống này sử dụng 3 phân loại:

  1. Băng xanh (màu xanh lá cây, hiện cả màn hình) cho trailer được trình chiếu cho tất cả mọi người.
  2. Băng vàng (màu vàng chanh, hiện cả màn hình, chiếu trước các trailer của loại phim PG-13, R và NC-17).
  3. Băng đỏ (màu đỏ cờ, hiện trên cả màn hình), áp dụng với các trailer cho phim hạn chế người xem (R và NC-17).

Ủy ban Phân loại và Xếp hạng của MPAA

Thành viên của Ủy ban Phân loại và Xếp hạng của MPAA, bao gồm cả các bậc phụ huynh tiến hành xem từng bộ phim, thảo luận về nó và bỏ phiếu để phân loại. Người ta thường không biết được các thành viên của Ủy ban này do họ có cam kết phải giữ bí mật về công việc và chức trách của mình, mặc dù công chúng vẫn biết tên tuổi của họ. Thành viên duy nhất công chúng và các nhà làm phim có thể biết chắc chắn, đó là CEO kiêm Chủ tịch, hiện thời là Charles Rivkin.

Charles Rivkin

Nếu các nhà sản xuất phim cảm thấy không hài lòng với phân loại của phim trước khi phát hành, họ có thể tiến hành biên tập lại phim, sau đó trình lại lên MPAA. Họ cũng có thể khiếu nại lên Ban Khiếu nại để xét lại phân loại này. Có nhiều trường hợp đã được phân loại lại song chỉ giảm một cấp là tối đa.

Các nhà sản xuất phim thường gây áp lực với MPAA để bỏ phân loại NC-17 bởi chúng làm cho phim của họ bị thiệt hại nhiều (các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ không muốn bán các DVD loại NC-17 để tránh gây ác cảm cho phụ huynh; nhiều tờ báo uy tín từ chối điểm phim, quảng cáo các phim loại NC-17; trong khi nhiều nước thì cấm trình chiếu những phim mà Hoa Kỳ xếp loại ở mức NC-17).

Ngoài hệ thống phân loại phim của MPAA, Mỹ còn có hệ thống kiểm duyệt phim thuộc chính quyền ở các tiểu bang. Các hệ thống này có quyền yêu cầu chỉnh sửa phim phát hành trong phạm vi tiểu bang của mình. Ví dụ như bộ phim hoạt hình Bảy viên ngọc rồng khi chiếu tại Mỹ đã bị kiểm duyệt chỉnh sửa khá nhiều phân cảnh so với bản gốc ở Nhật: tất cả những cảnh Goku và Bulma khỏa thân hồi bé đều được vẽ thêm quần lót, xác chết của các nhân vật được xóa đi, các cảnh chiến đấu phải xóa đi những vết thương gây đổ máu, các khẩu súng bị xóa đi hoặc phải chỉnh sửa thành súng laser, màu da của nhân vật Popo phải đổi từ đen sang xanh để tránh gây ác cảm về phân biệt chủng tộc…

Dragon Ball Mr. Popo bản Nhật và Mỹ

Ngoài ra, trong một số trường hợp, không ít phim đã bị cấm trình chiếu ở Mỹ do vi phạm pháp luật. Ví dụ như năm 2008, bộ phim “Hillary: The Movie”, phim tài liệu chính trị về ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, đã bị cấm trình chiếu trong một thời gian bởi Ủy ban bầu cử liên bang do họ coi đây là một “sản phẩm truyền thông vận động bầu cử” của một ứng cử viên Tổng thống, điều này vi phạm Đạo luật vận động tranh cử năm 2002.

Quá trình phân loại phim tại Mỹ

Mặc dù MPAA chưa từng xuất bản một cuốn chỉ dẫn chi tiết về danh mục chính xác các từ ngữ, mức độ phô bày thân thể của diễn viên… khi phân loại phim và hệ thống hiện tại vẫn bị chỉ trích vì sự không rõ ràng, trước sau như một khi phân loại; vẫn có một số chỉ dẫn dựa trên hệ thống căn cứ của MPAA khi quyết định phân loại phim:

  • Nếu một phim sử dụng các từ tục tĩu như fuck từ một tới 3 lần, phim này bắt đầu có khả năng bị xếp loại PG-13; mặc dù từ đó chỉ là lời chửi thề, không có ý nói về chuyện tình dục. Chính phim Be Cool, đã phải nhận oan loại PG-13 này khi Chili Palmer ca cẩm về ngành điện ảnh. Trong cảnh đó, từ fuck đã được thốt ra 2 lần. Phân loại R cũng đã bị áp cho Terminator 3: Rise of the Machines vốn đã bị áp loại PG-13 về các cảnh bạo lực, chỉ vì có thêm 4 lần diễn viên dùng từ “fuck”.
Đếm thử…à mà thôi -_-

Khi phân loại, mỗi bộ phim đều bị “soi” rất kỹ lưỡng có bao lần sử dụng từ dung tục như fuck và tính chất sử dụng ra sao, có gợi dục không hay chỉ là chửi thề. Dù sao đi chăng nữa, khi xuất hiện các từ tương tự dù chỉ 1 lần, thì phim đó dễ dàng bị xếp loại PG-13 hoặc thê thảm hơn nữa là loại R.

  • Khi trong phim có những cảnh sử dụng chất ma túy, dù là một loại khá nhẹ như cần sa, thì cũng đã bị xếp loại tối thiểu là PG-13 và có thể nặng hơn. Một dẫn chứng điển hình nữa của một phim bị phân loại PG-13 là Whale Rider với cảnh sử dụng chất kích thích chỉ thoáng qua. Nhà phê bình Roger Ebert đã chỉ trích MPAA về sự phân loại khá nghiêm khắc và cho rằng đó là “một hệ thống phản ứng rất hoang dã”
Sợ quá làm điếu???
  • Hình ảnh hay cảnh thoáng qua của việc sử dụng chất kích thích có thể làm phim bị xếp loại PG-13 như phim Ray (có cảnh nhân vật chính Ray Charles sử dụng heroin và cần sa). Trường hợp có cảnh sử dụng chất kích thích mạnh và dù chỉ kéo dài vài giây, thậm chí phim sẽ bị xếp loại R hoặc NC-17. Phim Người vận chuyển bị xếp loại R cũng vì vậy.
Ý là mấy cảnh như này?
  • Tháng 5/2007, MPAA thông báo thêm rằng thậm chí cảnh nhân vật hút thuốc lá cũng bị xem xét khi phân loại phim. Trong chỉ dẫn của mình, hãng Universal Studios đã lưu ý các nhà sản xuất về việc xuất hiện các cảnh hút thuốc trong phim. Nếu có cảnh đó, cần có cảnh báo “Phim này có cảnh sử dụng thuốc lá”, cảnh báo đó xuất hiện trên cả các ấn phẩm marketing, vỏ đĩa DVD, cũng như phần generic ở cuối phim.
  • Phim có cảnh khỏa thân dễ dàng bị nhận xếp loại R. Lost in Translation có một cảnh khỏa thân ở hộp đêm và câu hát nền “sucking on my titties”. Cảnh này dù chỉ ngắn mấy giây và cả phim chỉ cần xếp loại PG-13, song vì cảnh đó, phim vẫn bị phân loại R. Tại một số nước châu Âu có hệ thống phân loại tương tự, như Anh, Australia và Canada, phim có cảnh khỏa thân thoáng qua có thể nhận được phân loại nhẹ nhàng hơn một bậc. Tuy nhiên, các phim có cảnh lộ ngực phụ nữ đều bị xếp loại ít nhất là PG-13 (Titanic là dẫn chứng). Tại các nước châu Á, những phim có cảnh khỏa thân thường bị phân loại khắt khe nhất, đồng thời những cảnh nóng kéo dài (trên 3 giây) hoặc không che những bộ phận nhạy cảm thì sẽ bị cắt bỏ.
  • Những phim có nội dung đồng tính sẽ bị xếp hạng khắt khe hơn 1 bậc. Những phim này dù chỉ có nội dung đồng tính thoáng qua cũng thường bị xếp là mức R. Nếu có cảnh thân mật rõ ràng giữa 2 nam/nữ đồng tính, phim sẽ bị xếp hạng NC-17.
Như này có bị NC-17 không?
  • Những phim có giá trị về lịch sử và giáo dục thường được khoan dung hơn khi phân loại. Đã từng có ý kiến phàn nàn khi một phim dù có nhiều cảnh bạo lực như Saving Private Ryan từng bị xếp loại NC-17 nhưng thực ra phim đáng được tưởng thưởng và chuyện bạo lực dễ hiểu do việc mô tả sự tàn bạo của chiến tranh và ngôn ngữ của các chú lính chiến đương nhiên là đầy thô thiển. Tuy nhiên, sau đó phim không bị xếp NC-17, nhưng vẫn bị xếp loại R (phim cấm trẻ em). The Passion of the Christ cũng bị xếp loại R do có nhiều nội dung tranh cãi (tuy không mang tính đả kích) về tôn giáo, dù có sự ca tụng và bênh vực của rất nhiều con chiên của Chúa.
Well…
  • Phim có cảnh bạo lực, trong đó có máu chảy sẽ dễ dàng bị xếp loại PG-13 hay thậm chí R, còn thông thường sẽ lãnh hẳn hạng NC-17. Phim “Scream” từng bị xếp loại NC-17 do “hình ảnh bạo lực kinh dị”, nhưng sau đó do nhà sản xuất kêu ca khẩn khoản, phim được xếp nhẹ đi thành loại R với điều kiện cắt đi một số cảnh máu me kinh dị. Việc xếp loại còn chi li đến mức người ta đo đếm xem thời gian có đổ máu là bao lâu và lượng máu đổ trên màn ảnh là bao nhiêu. Phim có cảnh bạo lực song không đổ máu thường nhận được loại PG hay PG-13. Ví dụ như phim Alien vs. Predator, phiên bản chưa được xếp hạng có nội dung giống phiên bản PG-13 về mức độ bạo lực, tuy nhiên, mọi cảnh bạo lực trong bản này có đổ máu; tương tự với Pearl Harbor trong đó các vết thương do súng đạn và bạo lực được thêm vào để nhận được xếp hạng R cho DVD director’s cut.) Anime Appleseed được xếp hạng cảnh bạo lực ở mức PG-13. Tuy nhiên, có một cảnh thợ máy nghiền nát đầu một người đàn ông, dẫn đến chảy máu. MPAA xếp hạng R cho “một số yếu tố bạo lực”, nhưng yếu tố bạo lực thế nào thì không được tiết lộ so với các phim khác cùng loại, như The Matrix. There Will Be Blood có bạo lực mức PG hoặc PG-13, nhưng MPAA cũng xếp hạng R cho bộ phim này vì “một số yếu tố bạo lực”. Có một cảnh trong đó một người đàn ông bị đánh bằng ki bowling và kết quả là một vũng máu nhỏ được hiển thị trên màn hình.

Ảnh hưởng của các nhân tố lên việc đánh giá, kiểm duyệt phim ở mỗi nước là khác nhau, tuy theo điều kiện văn hóa, tôn giáo, chuẩn mực đạo đức… của mỗi nước. Ví dụ, ở những nước như Mỹ, ngay cả những phim có chứa nội dung tình dục nhẹ nhàng cũng có thể bị hạn chế chỉ dành cho người trưởng thành, thì ở Pháp hay Đức, nội dung tình dục được đánh giá thoáng hơn. Ngược lại, yếu tố bạo lực như bắn súng, đâm chém có thể khiến phim bị xếp loại cao và kiểm duyệt chặt ở Phần Lan hay Đức, còn ở Mỹ lại xếp loại nhẹ hơn cho những bộ phim loại này. Nhìn chung, hệ thống phân loại ở các quốc gia châu Á sẽ khắt khe hơn so với các nước Âu-Mỹ, cả về yếu tố bạo lực lẫn tình dục. Tại các nước châu Á, những phim có cảnh tình dục, khỏa thân thường bị phân loại khắt khe nhất, những cảnh nóng kéo dài (trên 3 giây) hoặc để lộ ra những bộ phận nhạy cảm (cơ quan sinh dục, mông, bộ ngực trần của phụ nữ) thì sẽ bị chỉnh sửa hoặc cắt bỏ.

Ngoài ra, một số cảnh phim thông thường (không có yếu tố kinh dị, khỏa thân, bạo lực) nhưng lại trái với đường lối chính trị, pháp luật nước sở tại thì cũng sẽ bị cơ quan kiểm duyệt nước đó yêu cầu cắt bỏ trước khi trình chiếu, nếu không chấp hành thì phim sẽ bị cấm chiếu (ví dụ như Trung Quốc sẽ cắt bỏ những cảnh phim có nội dung coi Đài Loan là 1 nước độc lập, Israel và Đức sẽ cắt bỏ những cảnh phim thể hiện nội dung ca ngợi Hitler và Đức Quốc xã, Thái Lan sẽ cắt bỏ những cảnh phim mang tính tiêu cực về Hoàng gia Thái Lan…).

Một vài phim nói tiếng Việt bị cấm chiếu

NHỮNG BỘ PHIM BỊ CẤM CHIẾU TRÊN ĐẤT MỸ

Nước Mỹ thường được ca tụng là “tự do, dân chủ, văn minh”, thế nhưng không phải phim nào làm ra cũng được tự do phát hành trên đất Mỹ. Dưới đây là một số phim như vậy:

The Tin Drum (1979) kể về chuyện tình của cậu nhóc 11 tuổi với cô bạn gái 16 tuổi với nhiều cảnh 18+ nóng bỏng bị cấm chiếu tại Canada và bang Oklahoma, Mỹ.

Chi tiết cậu bé 11 liếm bụi phấn ngọt quanh rốn bạn gái 16 tuổi trong phim (ủa nghe quen quen?) gây ra cuộc tranh cãi dữ dội về quyền trẻ em. Hội đồng kiểm duyệt phim Canada còn lên tiếng cho rằng bộ phim có dấu hiệu lạm dụng tình dục trẻ em.

The Outlaw (1943) bị cấm chiếu tại một số bang ở Mỹ trong suốt 3 năm. Phim gây sốc bởi những cảnh nóng táo bạo cùng góc quay cận cảnh vào thân hình bốc lửa của cô đào Jane Russell.

Lolita, phim điện ảnh Anh- Mỹ năm 1962, dựa theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Vladimir Nabokov , nội dung xung quanh một người đàn ông trung niên trở nên bị ám ảnh tình dục với một cô gái tuổi teen, do có nhiều cảnh tình dục và khiêu dâm nên bị phản ứng nhiều nơi. Do bị kiểm duyệt khắt khe, nhiều nước không cho công chiếu, và ngay tại Anh, Mỹ, khi phim ra mắt cũng bị cắt xén hoặc giới hạn độ tuổi.

Người tình (L’Amant), bộ phim điện ảnh Pháp năm 1992 dựa theo tự truyện của Marguerite Duras, kể về câu truyện tình yêu của một cô gái trẻ người Pháp 15 tuổi với một đàn ông gốc Hoa tại Việt Nam năm 1929, được đề cử một số giải thưởng và gây nhiều tranh cãi. Tại Mỹ, do bị cho là phim khiêu dâm, sau khi được kiểm duyệt khắt khe (tương tự như Basic Instinct phát hành cùng năm), phim đã bị cắt xén và giới hạn khi công chiếu.

Xuân quang xạ tiết (Happy Together), bộ phim Hồng Kông đưa Vương Gia Vệ đoạt giải đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Cannes 1997, về đề tài tình yêu đồng tính, nhưng bị cấm công chiếu tại Hàn Quốc trong sáu tháng đầu phát hành, và chiếu hạn chế tại Mỹ. Một bộ phim nghệ thuật nhưng gây nhiều tranh cãi.

In the Realm of the Senses, phim Nhật Bản năm 1976, bị kiểm duyệt khắt khe tại Nhật, bị cấm công chiếu tại Mỹ một thời gian sau khi ra mắt tại LHP New York, và tại Anh, Canada,… do chứa đựng các yếu tố khiêu dâm thô bạo.

Dogville, phim của đạo diễn Đan Mạch Lars von Trier , và Nicole Kidman đóng chính, được đề cử Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2003 và giành nhiều giải thưởng, chia làm chín chương và diễn ra trên một sân khấu, giá trị nghệ thuật rất cao, nhưng chỉ được phát hành hạn chế tại Mỹ (do có nhiều chỉ trích chống Mỹ), kể từ 26/3/2004.

“Hillary: The Movie”, một bộ phim tài liệu chính trị về ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, đã bị cấm trình chiếu trong một thời gian bởi Ủy ban bầu cử liên bang do họ coi đây là một “sản phẩm truyền thông vận động bầu cử” của một ứng cử viên Tổng thống, điều này vi phạm Đạo luật vận động tranh cử năm 2002.

Fahrenheit 9/11, phim tài liệu của đạo diễn Michael Moore, có nội dung lên án Tổng thống Bush và cuộc chiến tranh tại Iraq, bị hãng phát hành Disney ngăn cản ra mắt vào năm 2002. Đến năm 2004, phim đoạt giải Cannes và quay trở lại các rạp chiếu tại Mỹ.

Đó chỉ là vài phim nổi bật trong kha khá phim bị cấm chiếu trên đất Mỹ. Sau bài viết này, bạn có còn tin rằng điện ảnh Mỹ hoàn toàn tự do? Hãy để lại ý kiến của bạn tại đây nhé. Peace!

Nguồn: Wikipedia / Biên tập: yooribae

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *