Cứ vào thời điểm này mỗi năm, khi Hà Nội bắt đầu nóng như đổ lửa và Sài Gòn ngập trong biển nước, mùa thi thố phim ảnh lại bắt đầu. Trong vài năm trở lại đây, chỉ cần chịu khó để ý, bạn có thể thấy có rất nhiều cuộc thi và liên hoan phim ngắn diễn ra. Cách đây vài năm thì có Yxineff, 48h, 3,2,1,Action, mới đây lại có thêm FY Film Fest và Dự Án Phim Ngắn CJ nhập cuộc. Cùng với sự phổ biến của Youtube, sự phát triển nhanh tới chóng mặt của công nghệ ghi hình và giá thiết bị làm phim ngày càng rẻ hơn; không biết từ khi nào, đã phát triển một phong trào – chính xác hơn là thời kỳ – “người người làm phim, nhà nhà làm phim”.
Giờ đây, không khó để có thể kiếm được một chiếc máy ảnh hoặc điện thoại di động có tính năng quay phim Full HD hoặc thậm chí là 4K với giá chỉ vài triệu. Công việc dựng phim trở nên dễ dàng hơn khi bạn chỉ cần có một cái laptop cấu hình trung bình cùng phần mềm tải lậu có crack trên mạng; hoặc app tải free cho điện thoại. Việc phát hành phim cũng trở nên đơn giản hơn khi bất kỳ ai cũng có thể tự tạo một kênh Youtube hoặc nhanh gọn hơn là upload thẳng lên Facebook. Sự thành công của DamTV, Ghiền Mì Gõ, Phim Cấp 3 trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít ekip trẻ muốn chinh phục thị trường phim chiếu mạng. Câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan của những ekip này đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ thích làm phim. Nhưng câu chuyện thực sự đằng sau sự thành công hay thất bại của mỗi bộ phim, không phải ai cũng dễ dàng biết được.
Mọi người thường nói, làm phim vô cùng tốn kém. May mắn thay, việc học làm phim thời gian gần đây không hiểu vì sao lại trở nên khá rẻ. Một khóa học viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, dựng phim, chỉnh màu hay diễn xuất chỉ dao động từ ba đến năm triệu đồng cho một khóa ba tháng mười hai buổi học. Cuối khóa bạn còn được tặng kèm thêm một tờ chứng chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh để đi lòe thiên hạ. Đôi khi nếu chịu khó, bạn có thể tìm thấy vài trang blog hay kênh Youtube chỉ bạn mọi thứ về làm phim hoàn toàn miễn phí, giúp bạn tiết kiệm được tới hàng triệu đồng, như trang blog đăng tải bài viết mà bạn đang đọc này đây. Tất nhiên, đồ miễn phí luôn có giới hạn của nó. Những bài blog hay vlog kiểu này thường là chia sẻ kinh nghiệm hay kỹ thuật cơ bản, giúp bạn biết “À, làm phim hóa ra là vậy”. Còn bạn có làm được phim hay không, đó là chuyện của bạn. Không phải tự nhiên mà học phí của mọi trường Điện Ảnh đều cao tới đáng sợ đâu.
Học hành tử tế chưa bao giờ rẻ. Hàng miễn phí chủ yếu để tham khảo cho biết thôi.
Điển hình là loạt bài Kịch Bản 101 có thể giúp bạn biết chút kỹ thuật viết kịch bản còn muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp thì học phí không dưới hai mươi triệu kèm vài năm học hành, thực tập, trợ lý, viết thuê đến trĩ-lao-phì-hói.
Ừ, vậy tại sao tôi vẫn viết bài chia sẻ miễn phí ?
Khi tôi bắt đầu học cách làm phim, tôi chẳng có gì trong tay cả. Tôi không có thiết bị quay, không có máy dựng, không quen trai xinh gái đẹp nào, cũng chẳng có tiền để thuê nhân sự làm phim. Tất cả những gì tôi có khi đó là một học kỳ tư duy thiết kế, một học kỳ về làm phim cơ bản, cùng một cuốn sách photo dạy viết kịch bản phim ngắn. Cũng như nhiều bạn trẻ khi đó và bây giờ, tôi chọn cách lập nhóm làm phim, cùng mày mò để làm ra những phim ngắn với kinh phí thấp nhất có thể. Những sản phẩm làm ra khi đó chẳng xuất sắc gì, nhưng để làm được những thước phim đó với một ekip chỉ có vài người và phần lớn trong số đó chưa từng biết làm phim là thế nào, tôi phải mày mò từ viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim, chỉnh màu, thu âm, foley, lồng tiếng, cho tới cả phục trang, makeup, làm máu giả… Những sản phẩm đầu tiên luôn có nhiều sai sót, nhưng nhờ những sai sót đó, mà tôi cố gắng hơn, tìm hiểu nhiều hơn, chăm chút hơn.
Thế rồi tôi trở thành một người làm phim DIY (Do-It-Yourself) từ lúc nào không biết.
Những ngày tháng tuổi trẻ của tôi bắt đầu bằng con đường làm phim kinh phí cực thấp. Giờ thì tôi không còn trẻ và cũng đã tới tuổi phải kiếm tiền trả nợ rồi, nên những dự án phim về sau đòi hỏi phải có kinh phí cao hơn để có thể giúp tôi thể hiện được nhiều nội dung chất lượng hơn mà kinh phí thấp không thể làm được.
Gần đây, trong lúc tìm kiếm ý tưởng và nội dung cho Kịch Bản 101 mùa 2, tôi gặp được nhiều bạn trẻ mê xem phim, thích làm phim, muốn tự làm phim để kể câu chuyện của bản thân. Nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở kịch bản mà không biết tới quy trình sản xuất hay điều kiện cần và đủ để làm phim gồm những gì. Các bạn hỏi, tôi chia sẻ. Nhưng cùng một vấn đề mà phải trả lời nhiều lần tôi có hơi mệt. Vậy nên tôi quyết định bắt tay vào viết loạt bài mới này, với tên gọi “Làm phim một mình”, để chia sẻ với các bạn những gì tôi biết về việc làm phim với kinh phí thấp và cực thấp.
Thật sự có thể “Làm phim một mình” không ?
Làm phim là công việc tập thể, nhưng khi bắt đầu làm phim, bạn hoàn toàn đơn độc ở vị trí của mình. Biên kịch là biên kịch, đạo diễn là đạo diễn, quay phim là quay phim, ai làm việc nấy, và mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với vị trí và nhiệm vụ của mình. Một đoàn phim mà không phân rõ vị trí sẽ dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn ảnh hưởng tiến độ và hao tốn chi phí vô ích. Hiểu rõ vị trí của mình và làm tốt công việc được giao là cách duy nhất khiến tiến độ sản xuất trơn tru, dù điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn đơn độc giữa đoàn phim có khi lên tới cả trăm người.
Đó là đối với người làm phim chuyên nghiệp.
Còn đối với những bạn trẻ mới bắt đầu tập làm phim, hãy chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ phải “làm phim một mình” theo đúng nghĩa đen. Bạn không có vài chục triệu để thuê ekip làm việc cho bạn trong một ngày. Người bạn làm quay phim phải từ chối dự án của bạn vì vừa mua được vé tham gia fanmeeting của Honey Popcorn. Công ty hứa giúp bạn phần dựng phim thì kẹt hết máy dựng do đang tới mùa làm quảng cáo. Chuyên gia chỉnh màu Bùi Công Anh không thể giúp bạn chỉnh màu vì còn gần hai ngàn nhà làm phim độc lập khác đang gửi phim nhờ ảnh chỉnh màu miễn phí. Một diễn viên nổi tiếng thích kịch bản của bạn nhưng quản lý của cô ấy báo rằng lịch trình đã kín tới 2030. Trong vòng một ngày, ekip trong mơ của bạn đồng loạt từ chối tham gia dự án. Bạn thất vọng. Bạn bơ vơ. Sau hai chầu vòng quanh Bùi Viện và vô vàn status so deep về tình người, triết lý thành công, cảm giác bị phản bội bla bla trên Facebook… bạn quyết định từ bỏ. Ừ thì bỏ thôi chứ ngoài kịch bản với vài trăm ngàn vừa tiêu sạch vô mấy chai bia khi nãy bạn còn lại cái gì? Bạn không biết quay phim, bạn không biết dựng phim, bạn không biết gì về máy quay, đèn đóm hay ống kính, bạn còn không biết đi làm phim ăn gì vừa no vừa rẻ… thì bạn làm được cái mòe gì nữa?
Một người bạn của tôi bắt đầu tập tành làm phim từ chiếc máy ảnh mượn của bạn bè và dựng cảnh ngay trong studio của trường, nhờ bạn bè làm diễn viên. Một cậu nhóc trên mạng làm clip kỹ xảo hiệu ứng bằng phần mềm cài trong USB và máy tính thuê theo giờ ngoài tiệm net. Một người bạn khác đi theo đoàn phim từ những vị trí nhỏ nhất lên để học cách làm phim. Đạo diễn phim “Light Out” làm hàng hoạt phim ngắn kinh dị với ekip chỉ có hai người là hai vợ chồng đạo diễn kiêm luôn kịch bản, quay phim, dựng phim và đóng chính. Và còn nhiều, nhiều, nhiều trường hợp khác nữa.
Nếu bạn muốn làm phim, mà bạn không có nhiều tiền, thì bạn phải học cách làm tất cả mọi việc. Bạn bè có thể phụ bạn vác máy, cầm đèn, dựng cảnh… Nhưng họ không phải dân chuyên, họ chỉ giúp bạn những việc nhỏ, phần lớn còn lại vẫn phụ thuộc vào chính bạn.
Nếu bạn muốn làm phim, hãy học cách làm phim.
Tiền là công cụ, không phải kiến thức, cũng không phải kỹ thuật.
Không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền, quan trọng là bạn xài những đồng tiền đó như thế nào.
©yooribae
THAM KHẢO
MỘT PHIM NGẮN VỚI KINH PHÍ CỰC-KỲ-THẤP
Phim ngắn “On Snowy Day”
Kinh phí: 2.000.000 VNĐ
Đây là một dự án vui vẻ bắt đầu từ một kịch bản tôi viết chỉ trong ba mươi phút vào một ngày mùa xuân năm ngoái và tới tận mùa xuân năm nay mới quay. Trong dự án này, như bạn có thể thấy ở phần credit, tôi phải ôm khá nhiều vị trí từ kịch bản, sản xuất, đạo diễn, quanh phim, dựng phim, chỉnh màu, thu âm và hòa âm, đến cả cái poster phim cũng là tôi tự mày mò thiết kế. Một người bạn khá thân là Thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp đã phụ tôi phần dựng cảnh, đạo cụ và ánh sáng, thiết bị. Hai người bạn khác phụ tôi mang vác thiết bị và bảo vệ hiện trường. Phần lớn kinh phí chi vào việc thuê bối cảnh, phần còn lại là đạo cụ và ăn uống trong đoàn. Tôi sẽ kể lại chi tiết quá trình trong bài viết khác. Còn bây giờ, mời bạn xem phim:
Cám ơn bạn! Bài viết rất hữu ích.
Mình muốn hỏi trong quá trình làm phim một mình bạn có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm nhạc nền không? Bạn có phải thuê người viết nhạc riêng không bởi mình thấy với kho nhạc miễn phí rất khó để truyền tải được đúng cảm xúc của bộ phim?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã ủng hộ blog.
Khi làm phim với mình việc tìm nhạc thật sự là công đoạn mệt mỏi nhất. Trong một số trường hợp, mình không dùng nhạc trong phim mà chỉ dùng âm thanh. Một số dự án mình may mắn tìm được nhạc sĩ giúp đỡ thông qua người quen giới thiệu.
Với phim kinh phí thấp và cực thấp, mọi người có xu hướng không dùng nhạc nền mà chỉ dùng âm thanh. Tuy nhiên, việc đó đòi hỏi bạn phải có kiến thức về xử lý âm thanh hậu kỳ hoặc tìm được Sound Designer giỏi. Theo mình thấy việc đó còn tốn kém hơn việc nhờ nhạc sĩ viết nhạc nền nữa.
bài viết tuyệt quá . anh cho mình theo học việc được không ạ. mình không cần lương và sẽ đi bất cứ đâu bất cứ lúc nào mong anh hồi âm.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^ Mình làm freelance cực lắm nên không dám nhận ai theo =)) Cơ mà cuối năm nay mình và vài người bạn có kế hoạch làm vài clip ngắn, nếu bạn hứng thú có thể follow fanpage https://www.facebook.com/yoorifilm/ để cập nhật thông tin nhé 😉