Tại sao tôi không trở thành biên kịch chuyên nghiệp?

Vào một ngày mùa hè ba năm trước, tinh thần của tôi bất ngờ sụp đổ. Giống như một chiếc bình thủy tinh bị bơm vào trong quá nhiều khí nén, chỉ một vết nứt nhỏ thôi cũng đủ để khiến chiếc bình nổ tung, vỡ vụn. Những cảm xúc tiêu cực dồn nén trong suốt thời gian dài phút chốc bung tỏa ra một cách mất kiểm soát, thi nhau đổ sập như những quân bài domino. Dẫu cho lý trí của tôi lúc đó vẫn đầy tỉnh táo, nước mắt cứ không ngừng tuôn ra. Người anh ngồi trước mặt tôi chợt bảo rằng: “Em hãy suy nghĩ kỹ xem, em muốn trở thành một biên kịch chuyên nghiệp, hay vẫn mãi chỉ quẩn quanh viết blog và làm phim ngắn?”. Khoảnh khắc đó, tôi đã nhận ra câu trả lời mà bản thân quên lãng bấy lâu.

Tôi chưa từng muốn trở thành biên kịch

Một ngày mùa thu năm 2009, lần đầu tiên tôi đặt chân vào phim trường với tư cách quản lý diễn viên quần chúng. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Cảm giác khi bước vào một thế giới khác, ở giữa một đám đông tràn đầy năng lượng đang lao động hăng say, khiến trái tim tôi rộn ràng khó tả. Vào giây phút tôi bước ra sau lưng đạo diễn và nhìn vào monitor, tôi hiểu rằng công việc duy nhất mà tôi muốn làm trên đời này là làm phim.

Để được tới phim trường nhiều nhất có thể, tôi không ngại bất kỳ công việc gì. Từ diễn viên quần chúng, quản lý quần chúng, đến phục vụ hiện trường, trợ lý sản xuất, quản lý dữ liệu, thu âm hiện trường… Cho đến một ngày, tôi bắt đầu muốn kể câu chuyện của riêng mình.

Khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng thi Đại học, tôi đăng ký vào hai trường: Đại học Tài chính – Maketting theo ý của mẹ, và Đại học Sân khấu – Điện ảnh, khoa Đạo diễn. Đến ngày thi, tôi quyết định từ bỏ cả hai trường. Bởi trước đó hai năm, ngôi trường mà tôi muốn theo học là ARENA Multimedia, nơi duy nhất có giáo trình giảng dạy tất cả những gì mà tôi thích; từ vẽ, thiết kế đồ họa, chụp hình, quay phim, đến nội thất, hoạt hình. Thời điểm đó, đứa trẻ nổi loạn trong tôi muốn làm theo những gì tôi tin tưởng.

Một lý do nữa, là bởi vì tôi nhận ra rằng tôi chẳng biết gì về quy trình làm phim hay đạo diễn ngoài mấy tập phim Movie Magic mà tôi thường xem trên TV khi còn bé. Vậy nên, thay vì học đạo diễn, tôi muốn học làm phim. Và đó là quyết định đúng đắn đầu tiên tôi có trong đời.

Bước đầu tiên của một hành trình dài

Sau khi làm xong phim ngắn đầu tay, tôi tìm được ở thư viện trường một cuốn sách có tên “Cách viết kịch bản phim ngắn”. Đó là quyển sách dạy viết kịch bản đầu tiên mà tôi đọc. Trước đó, tôi không hề để tâm đến việc nghiên cứu chuyên sâu về viết kịch bản, bởi điểm số của tôi trong môn kịch bản luôn cao nhất lớp. Chỉ đến tận năm 2012, khi ý tưởng về một phim ngắn 20 phút bỗng phát triển thành đường dây phim truyền hình dài 30 tập, tôi mới bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về kỹ thuật viết kịch bản phim một cách cặn kẽ.

Tôi học rất nhanh, cũng nhờ vào những nguyên tắc và kỹ thuật sáng tạo mà tôi học được từ khi còn học thiết kế và làm phim, cũng như từ hàng trăm bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh mà tôi xem trong suốt tuổi thiếu niên. Từ khi xác định rằng bản thân sẽ trở thành một nhà làm phim, tôi lại càng xem nhiều phim hơn, đặt biệt làm phim Hàn Quốc. Suy nghĩ của tôi lúc đó là, người Hàn đã áp dụng những kiến thức mà họ học được từ phim Mỹ và phim Nhật để đưa nền điện ảnh của họ phát triển nhanh chóng chỉ trong có 20 năm, vậy tại sao mình không học từ những gì tinh túy nhất mà họ tìm thấy, để rút ngắn và dễ dàng hiện thực hóa con đường của mình hơn? Bằng việc phân tích, so sánh, tìm kiếm điểm tương đồng giữa các bộ phim Hàn Quốc và áp vào những kiến thức, kỹ thuật cơ bản mà tôi tìm được trong những cuốn sách giáo trình viết kịch bản tôi có, chỉ sau vài năm, tôi đã nhìn thấy được chìa khóa cho sự thành công của họ. Mãi đến khi phim Parasite đoạt giải Oscar, các thầy bà dạy làm phim ở Việt Nam mới bắt đầu tìm kiếm chiếc chìa khóa đó.

Thế nhưng, tôi vẫn không nghĩ rằng mình sẽ trở thành biên kịch.

Mục đích chính của tôi khi học viết kịch bản, là bởi vì tôi muốn lôi hết những hình ảnh, ý tưởng, suy nghĩ trong đầu ra và biến chúng thành những câu chuyện, thước phim hoàn chỉnh. Tôi muốn kể câu chuyện của riêng mình. Và bởi vì, từ năm 2010, phim truyền hình Việt Nam bắt đầu tụt dốc một cách thảm hại. Vậy nên chẳng có lý do gì để tôi trở thành biên kịch cả. Cho đến năm 2013, khi tôi trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình, và ý tưởng phim truyền hình mà tôi đã phác thảo sẵn từ năm trước bỗng có cơ hội để trở thành một sản phẩm đem bán, sau khi đề cương phim được một cựu biên tập biên HTV khen ngợi và giới thiệu đến một hãng phim có tiếng.

Cú tát

Năm đó tôi 23 tuổi, và bị biên tập của hãng phim đó sỉ nhục qua điện thoại vào đúng ngày sinh nhật của mình.

Hai năm sau, đề cương phim được một đài truyền hình khác chấm 9/10 điểm, nhưng khi đó tôi đang có việc khác để làm: Một dự án kịch bản phim truyền hình cổ trang mà tôi làm việc trực tiếp với đạo diễn (dù dự án sau đó phải ngưng vì đạo diễn làm phim điện ảnh cổ trang bị flop). Dù sao thì, nhờ điểm số đó mà mentor của tôi không bắt tôi phải thi vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh nữa.

Từ ngày tôi bắt đầu học làm phim cho đến nay, công việc mang lại cho tôi thu nhập nhiều nhất đến từ sản xuất và quay clip, chứ không đến từ việc viết lách. Thu nhập mà tôi kiếm được từ hai ngày quay nhiều hơn cả nhuận bút của một tập phim truyền hình. Vậy nên tôi ít khi nhận job kịch bản, mà chỉ nhận khi cảm thấy dự án đó có gì đó mới lạ, thử thách, hấp dẫn, hoặc nhuận bút cao. Tôi viết lách, đơn giản bởi vì muốn thử thách bản thân, và bởi vì mọi người thường bảo rằng nếu tôi muốn làm đạo diễn, thì tôi phải làm biên kịch trước đã.

Vì những lời đó mà tôi đã rơi vào cái bẫy mà mình đã nhìn thấy ngay từ trước khi bước vào nghề.

Muốn làm đạo diễn? Hãy làm đạo diễn.

Đó là câu nói nổi tiếng của một giảng viên nào đó bên Mỹ, thường được trích dẫn trong những cuốn sách dạy làm phim. Tôi biết đến câu đó từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng từng vì câu đó mà cố gắng để làm phim, và cuối cùng vì muốn được làm phim mà quên đi câu nói đó.

Ước mơ sinh ra là để bị vùi dập

Nghĩ lại thì, mọi thứ bắt đầu từ cuộc gọi đó. Lần đầu tiên mọi sự tự tin, cái tôi mạnh mẽ của tôi bị tấn công. Tôi không biết cách làm sao để chống đỡ. Tôi không thể cứ thế mà đấm vào mặt gã biên tập ấy được, bởi tôi biết rằng tính mạng gã có thể bị nguy hiểm tới mức nào nếu lãnh trọn cú đấm đó. Tôi chỉ có thể tức giận và cố gắng bằng mọi cách để chứng minh năng lực của mình. Và đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tôi để cho một đứa vô danh tiểu tốt làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình, khiến bản thân rời xa mục tiêu ban đầu chỉ để chứng minh là tôi giỏi hơn rất nhiều so với sự khinh thường của hắn. Khi đó tôi còn quá trẻ để có thể nhận ra mình sắp đi sai đường tới mức nào. Thế nhưng, xung quanh tôi, chẳng có ai đứng về phía tôi, chẳng có ai chỉ cho tôi cách đi đúng hướng.

Nghĩ lại thì, từ sự kiện đó, tôi đã dần đánh mất đi sự tự tin của mình.

Với ba phim ngắn đã làm trước đó, tôi có thể xin vào bất kỳ công ty nào với chức danh quay phim. Nhưng không, tôi quá muốn trở thành đạo diễn, quá muốn trở thành nhà sản xuất, vậy nên tôi lao đầu vào bất kỳ dự án nào đang tuyển biên kịch hay trợ lý sản xuất; bởi tôi nghĩ rằng, như mọi người thường bảo, những việc đó tốt cho portfolio của tôi.

Không hề.

Một đứa trẻ có ước mơ trở thành đạo diễn phim thường là con mỗi dễ dụ dỗ nhất đối với những con cáo già đời. Một đạo diễn bảo tôi rằng nếu muốn làm đạo diễn, tôi phải làm biên tập âm thanh miễn phí cho dự án của chị ta. Một nhà sản xuất nói rằng nếu tôi muốn làm đạo diễn, tôi phải có nhiều kinh nghiệm hiện trường, và đưa tôi vào làm phục vụ hiện trường kiêm chép thẻ cho một dự án mà tôi phải làm việc tới 23,5 tiếng mỗi ngày chỉ để nhận lại 400.000đ/ngày lương. Một đạo diễn khác nhìn vào profile 5 năm kinh nghiệm của tôi và bảo rằng nếu muốn làm đạo diễn ở công ty của anh ta, tôi phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Một quản lý truyền thông bảo rằng nếu tôi làm chăm chỉ quay show cho anh ta, anh ta sẽ mang kịch bản của tôi đi chào hàng các nhà đầu tư; và anh ta không bao giờ có ý định làm thế. Vậy nên, khi một người anh bảo tôi rằng, nếu muốn làm đạo diễn, tôi phải trở thành biên kịch của ít nhất 2 đến 3 phim điện ảnh, thì mới có cơ hội; tôi chẳng còn tin nổi.

Bởi vì bất kỳ ai cũng có thể trở thành đạo diễn, nếu người đó thực sự muốn.

Làm ra bộ phim của riêng mình

Giữa năm 2017, tôi quyết định kết thúc sự nghiệp biên kịch vô danh không được công nhận của mình để có thể tập trung vào làm phim từ những kịch bản đã viết và xếp xó suốt mấy năm ròng. Bởi vì không còn lý do để làm biên kịch nữa, nên theo gợi ý của một người bạn, tôi quyết định chia sẻ hết những kiến thức, kỹ thuật mà tôi biết lên mạng miễn phí cho bất kỳ ai cần tới; và đó là khởi đầu của trang blog này. Cũng nhờ những bài viết trên blog mà mọi người bắt đầu biết tới và gọi tôi là biên kịch, danh xưng mà suốt mấy năm làm nghề, dù có viết bao nhiêu kịch bản, cũng không ai công nhận hay gọi tôi như vậy.

Một ngày nọ, tôi gặp một người bạn, một nhà văn trẻ mê phim và muốn trở thành biên kịch. Chúng tôi kết thân với nhau rất nhanh, qua những cuộc trò chuyện tưởng như dài vô tận về phim ảnh và nghệ thuật. Chúng tôi cùng nhau làm một bộ webdrama, đơn giản vì muốn tìm hiểu xem, với tất cả những gì chúng tôi có vào thời điểm đó, chúng tôi có thể làm được những gì. Và chúng tôi đã làm được điều mà không ai có thể nghĩ tới.

Sau khi hoàn thành bộ webdrama, tôi quyết định thực hiện một phim ngắn với kinh phí cực thấp dựa trên kịch bản mà tôi viết nửa năm trước đó. Sau hai dự án liên tiếp, tôi đã cảm nhận lại được niềm hạnh phúc khi được làm phim mà tôi đã không nhận được trong suốt một thời gian dài.

Thế nhưng, cơn gió mát lành của hôm nay, có thể là báo hiệu cho một cơn bão của ngày mai.

Một lần nữa, tôi lại rơi vào chiếc bẫy được tạo ra bởi tham vọng của chính mình.

Tham vọng quá đáng dẫn tới sự tự hủy diệt

Đó là tiền đề của rất nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới, và cũng là tiền đề cho những quyết định khiến tôi bị suy sụp, gục ngã và phải mất một thời gian dài để hồi phục về sau.

Khi sự tự tin đã dần quay trở lại, tôi muốn làm thật nhiều phim, ít nhất là quay xong hết những kịch bản phim ngắn còn đang bỏ ngỏ. Để làm được điều đó, tôi cần tiền, rất nhiều tiền. Vừa lúc đó, tôi nhận được đề nghị tham gia viết kịch bản cho một dự án điện ảnh, dựa trên ý tưởng có sẵn, với nhuận bút kha khá. Kịch bản điện ảnh là nấc thang cuối cùng của công việc biên kịch mà ở thời điểm đó tôi vẫn chưa hoàn thành, và cũng vì tiền, vậy nên tôi nhận việc. Để viết kịch bản điện ảnh, biên kịch tốn khá nhiều chi phí, từ văn phòng, ăn uống, tài liệu, thực phẩm bổ sung… Không may, dự án bị hủy bỏ giữa chừng do mâu thuẫn giữa nhà đầu tư (cũng là đơn vị thuê tôi) với nhà sản xuất, và chi phí tôi nhận được chỉ vừa đủ chi trả cho khoảng thời gian làm việc trước đó. Để giữ sĩ diện cho mình, nhà đầu tư buông lời chê bai năng lực viết lách của tôi, sau khi tôi đã làm mọi thứ theo ý họ. Họ đối xử với một người có lòng tự trọng cao như cách mà họ đối xử với đám đạo diễn, biên kịch không có lòng tự trọng mà họ đã tiếp xúc trước đó. Bình chứa cảm xúc tiêu cực bắt đầu xuất hiện vết nứt.

Chỉ vài tháng sau, tôi lại nhận được đề nghị viết kịch bản điện ảnh từ người anh làm đạo diễn mà tôi quen. Vì không muốn lặp lại sai lầm cũ, tôi cố gắng dồn hết sức vào kịch bản này. Thậm chí, để có thể viết tốt nhất, tôi ép mình vào chế độ method writing, để cho suy nghĩ của một bệnh nhân tâm thần điều khiển mình, để có thể cảm nhận tối đa câu chuyện của nhân vật. Kết quả là, câu chuyện đi quá xa khỏi ý đồ ban đầu của đạo diễn. Có nghĩa là, tôi đã thất bại, một lần nữa.

Cái bình nổ tung. Vụn vỡ.

Tôi rời khỏi dự án, dọn dẹp tất cả, cố gắng quay lại cuộc sống bình thường. Và rồi, một trong những con quỷ thoát ra từ chiếc bình bắt đầu lộ diện. Borderline Personality Disorder – Rối loạn nhân cách ranh giới. Tôi mất kiểm soát. Cơn giận giữ bùng lên, khiến tôi đau đớn và sợ hãi. Tôi chạy trốn. Từ bỏ mọi thứ, tôi chạy ngay ra bến xe, bắt chuyến xe gần nhất, với điểm đến duy nhất mà tôi có thể nghĩ tới.

Để được là chính mình

Tại nơi cao nguyên lạnh lẽo đó, tôi gặp được những người bạn cũ, những người cũng đang chạy trốn giống như mình. Nhờ vậy, tôi cảm thấy bớt đơn độc hơn. Trong suốt bốn tháng lang thang trên Đà Lạt, tôi nhận ra nhiều thứ. Không khí lạnh giúp đầu óc lẫn cơ thể tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cuộc sống vô tư, vô lo giúp tôi dễ dàng nhìn nhận lại mục tiêu của cuộc đời hơn. Một cô bé vô tình xuất hiện lướt qua chỉ vài ngày nhưng khiến trái tim tôi bắt đầu cảm nhận được sự êm dịu. Sau vài tuần, tôi đã có thể mở blog lên và làm điều mà tôi đã trì hoãn trong suốt hơn một năm trước đó: Viết tiếp loạt bài Kịch bản 101 mùa 2.

Cũng trong thời gian đó, trong đầu tôi đôi khi lại hiện lên suy nghĩ về “biên kịch chuyên nghiệp”. Khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cô bé mà tôi vô tình làm quen (nhờ sự giới thiệu ngẫu hứng của người bạn chung), tôi chợt nhớ lại hình ảnh của chính mình nhiều năm về trước; về ngày đầu tiên mà tôi đặt chân lên phim trường, về cảm giác hạnh phúc khi được nhìn ngắm thế giới qua màn hình lớn, về niềm vui, niềm háo hức, rung động khi nhìn thấy thế giới tưởng tượng trong đầu mình được hiện lên đằng sau ống kính. Khi đó, tôi chợt nhận ra rằng, tôi thích cô bé này đã quên mất sơ tâm của mình. Tôi muốn trở thành nhà làm phim, không phải nhà biên kịch.

Đường một chiều

Khi tôi quyết định nhận lời viết kịch bản phim điện ảnh, tôi biết rằng mình sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Trở thành biên kịch điện ảnh, nghĩa là bạn sẽ phải làm việc tập trung cho một dự án trong suốt hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời. Sau khi dự án kết thúc, cũng là lúc những khách hàng cũ sẽ quên mất bạn. Trở thành biên kịch điện ảnh, nghĩa là bạn sẽ mất đi rất nhiều mối quan hệ, vị trí của bạn ở những dự án nhỏ hơn cũng sẽ bị thay thế. Và một khi đã làm điện ảnh rồi, bạn không thể quay lại làm kịch bản tiktok được. Trở thành biên kịch là con đường một chiều. Bạn có thể đi từ từ, bạn có thể dừng xe, nhưng bạn tuyệt đối không thể quay đầu xe lại.

“Anh thấy sự đánh đổi đấy có đáng không?” Một học viên lớp biên kịch nhắn hỏi tôi như vậy. Tôi đã mất một lúc suy nghĩ mới có thể trả lời. “Với anh, đó là một trong những lựa chọn làm anh hối hận, chỉ sau quyết định cắt đi mái tóc dài bạch kim xinh đẹp. Vấn đề là, sự đánh đổi đó không mang lại cho anh kết quả mà anh mong đợi. Dù vậy, nhờ đó mà anh có được kinh nghiệm để chia sẻ lại với mọi người.”

“Nghe anh nói “sự đánh đổi không mang lại kết quả như anh mong đợi” em thấy sự khắc nghiệt ấy”. Cô học viên nhắn lại.

“Khắc nghiệt thật mà”, tôi đáp, “cứ tính thế này, mỗi năm chỉ có 40 phim ra rạp, trong đó 10 phim remake, 10 phim đạo diễn tự viết kịch bản, 10 phim có kịch bản từ vài năm trước hoặc từ biên kịch nổi tiếng. Chỉ còn 10 slot, mà chưa biết phim có thắng không. Cơ hội chỉ có 1:1000. Nếu em là biên kịch, điện ảnh sẽ là mục tiêu cao nhất mà em muốn đạt tới. Trở thành biên kịch phim điện ảnh là cách duy nhất để em có thể tồn tại được với nghề này đến già. Thế nhưng, trở thành biên kịch điện ảnh nghĩa là em phải dành toàn thời gian để tập trung vào một dự án trong khoảng 6 tháng trở lên, nghĩa là em sẽ không có thời gian nhận công việc khác, và sau khi dự án kết thúc, em cũng ko thể quay lại công việc cũ được, vì sau 3 tháng là người ta quên mất em rồi.

Nếu em muốn làm biên kịch điện ảnh, lời khuyên của anh là hãy viết ít nhất một kịch bản điện ảnh của riêng mình. Một kịch bản điện ảnh có thể mất từ 1-2 năm để hoàn thành, tính từ lúc có synopsys. Trong thời gian đó, em có thể lựa chọn viết part-time, nghĩa là dành ra buổi tối và cuối tuần để viết, ngoài công việc chính. Sau khi viết xong, em có thể gửi kịch bản đến các cuộc thi trong và ngoài nước để đánh tiếng, để nhận feedback, rồi liên hệ với các nhà sản xuất. 99% là họ sẽ không mua kịch bản của em, nhưng nếu họ thấy em viết tốt, họ sẽ nhớ và đặt hàng em làm cho họ. Mà trước tiên phải viết xong cho bản thân ít nhất một cái kịch bản hoàn chỉnh đã. Viết xong rồi em sẽ biết phải viết kịch bản điện ảnh như nào.”

Và đó là con đường duy nhất để biên kịch khẳng định năng lực của mình.

Còn với tôi, người từ bỏ công việc biên kịch vô nghĩa của mình, thì điều đó không đồng nghĩa với việc kết thúc sự nghiệp viết lách. Tôi vẫn viết kịch bản, chỉ là không còn viết theo ý người khác, mà giờ đây, tôi đã có thể thoải mái và tự tin hơn để viết ra những câu chuyện của riêng mình.

Viết cho bản thân, viết vì chính mình

Người ta định nghĩa rằng một biên kịch chuyên nghiệp là người kiếm sống bằng công việc viết kịch bản. Trong trường hợp của tôi, một người vừa có thể viết kịch bản, chỉ đạo diễn xuất, lên kế hoạch sản xuất, biết quay phim, biết dựng phim, biết luôn đánh đèn và biết cả makeup, thì rõ ràng biên kịch chuyên nghiệp là lựa chọn có thu nhập thấp nhất trong danh sách. Thay vì cắm đầu cúi mặt vào màn hình máy tính để viết kịch bản theo ý của người khác, thì tự viết kịch bản mà mình thích, tự làm ra những bộ phim của riêng mình, thể hiện phong cách của bản thân, nói lên tiếng nói cá nhân đến toàn thế giới, là sự lựa chọn phù hợp với tôi hơn. Bởi vì tôi có câu chuyện để kể, bởi vì tôi mê làm phim như Van Gogh mê vẽ tranh, bởi vì làm phim là công việc duy nhất tôi có thể và muốn làm; vậy nên tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất, là trở thành nhà làm phim. Hay chính xác hơn, từ nay tôi đã có thể tự tin với vị trí mà tôi lẽ ra phải thừa nhận từ ba năm trước: Đạo diễn phim.

Đúng như vậy, tôi là đạo diễn có phim truyền hình chiếu trên sóng HTVC từ cuối năm 2018 và phát lại đến tận đầu năm 2021. Dù mọi người có công nhận năng lực của tôi hay không, dù mọi người có chê bai hay phán xét tôi thế nào, thì sau hơn 11 năm lăn lộn trong nghề, tôi cũng đã đạt được vị trí mà không ai tin rằng tôi có thể đạt được.

Đừng ganh tị, đừng ngại ngùng, đừng tự ti nếu ngày hôm nay bạn vẫn chưa đạt được vị trí mà bạn mong muốn. Dù bạn là ai, dù bạn làm gì, dù ước mơ của bạn có cao xa đến đâu; hãy cứ tiến lên, cứ leo lên, leo thật cao, leo hết sức mình, nếu có ngã thì hãy nghỉ ngơi hồi sức rồi leo lên lại. Rồi một ngày, sau nhiều nỗ lực, sau nhiều vấp ngã, sau nhiều tổn thương, đến cuối cùng bạn cũng sẽ leo lên được tới đỉnh núi mà bạn đã kiên định lựa chọn ngay từ đầu.

Dù cho có không leo tới đỉnh cũng chẳng sao, bởi chỉ cần leo lên, bạn cũng đã ở trên cao hơn rất nhiều so với đám người còn lại dưới mặt đất rồi.

©yooribae

2 Replies to “Tại sao tôi không trở thành biên kịch chuyên nghiệp?”

  1. gửi anh Yoori,
    Em đã đọc tất cả bài viết trên blog của anh, đến bài viết này thực sự đã tiếp cho em nội lực rất nhiều. Anh thật hay ho vì đã làm em cảm nhận được những gì anh đã từng trải, cảm xúc của em cũng là cảm xúc của anh.
    Em đợi anh ra bài viết mới ạ. Chúc anh giữ gìn sức khỏe tốt!
    #fanso1Yoori

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *