BLONDE (2022) – THE STORY NO ONE WANTS TO TALK ABOUT

Blonde – bộ phim tâm lý chính kịch vừa được phát sóng trên Netflix, kịch bản và đạo diễn Andrew Dominik, chuyển thể từ tiểu thuyết hư cấu cùng tên của Joyce Carol Oates – không phải là câu chuyện về cuộc đời của Marilyn Monroe ( hãy viết đầy đủ rõ ràng, đừng viết tắt M.M, vì M.M trong đầu tui là tay da đen trong The Boys). Blonde là câu chuyện về cuộc đời đầy bi kịch của Norma Jeane, một cô gái với đam mê diễn xuất và bị mắc kẹt trong hình tượng vai diễn lớn nhất đời mình – Marilyn Monroe.

IMDb: Blonde- A fictionalized chronicle of the inner life of Marilyn Monroe.

Norma Jeane là một cô bé được nuôi dạy bởi một người mẹ có vấn đề về tâm thần. Vào ngày sinh nhật năm bảy tuổi, người mẹ tặng cho Norma bức ảnh có hình một người đàn ông và nói rằng đó là cha cô, người đang sống ở Hollywood. Thế nhưng khi Norma muốn được biết thêm về cha mình, người mẹ đã cố gắng giết cô. Norma bị ném vào cô nhi viện sau khi mẹ cô bị đưa vào trại tâm thần. Cô bé đáng thương lớn lên, đến Hollywood, tưởng chừng được theo đuổi ước mơ cho đến khi bị cưỡng hiếp đầy nhục nhã trong lần đầu đi casting phim. Và đó là thế giới mà cô diễn viên trẻ với nghệ danh Marilyn Monroe phải đối mặt.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả chứng kiến những gã đàn ông say mê cơ thể Marilyn Monroe đến điên dại; và cô gái trẻ Norma Jeane cố gắng tìm kiếm sự yêu thương từ người mẹ giờ đây đã mất đi trí nhớ, cùng người cha mà cô không hề biết mặt.

Norma Jeane mang trong mình nhiều tổn thương tâm lý: Daddy Issue, Mommy Issue, trầm cảm, rối loạn lo âu, chứng đồng phụ thuộc… Hậu quả sau nhiều lần bị bỏ rơi, hành hạ, lạm dụng, cưỡng hiếp, thao túng tâm lý, bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần. Không con người nào có thể sống bình thản, an yên sau khi trải qua những gì Norma Jeane đã phải chịu đựng.

Với mọi người, Marilyn Monroe là biểu tượng tình dục. Với Norma Jeane, Marilyn Monroe là một vai diễn bám dính lấy cô suốt cả cuộc đời, vai diễn tuyệt vời nhưngng cũng tệ hại nhất mà cô từng đảm nhận. Thế giới mà cô đang (giờ đây đã từng) sống, chẳng ai thèm quan tâm Norma Jeane là gì. Người ta chỉ quan tâm tới Marilyn Monroe, cô đào nóng bỏng với màn tốc váy kinh điển giữa nơi công cộng. Với khán giả và đám review phim kền kền, Marilyn là con ả tóc vàng hoe sẵn sàng lên giường với bất kỳ giống đực nào, gọi mọi cây xúc xích ả nhìn thấy là daddy, làm mọi thứ để được nổi tiếng. Nhưng với Norma Jeane và rất nhiều diễn viên trẻ (cả nam và nữ) ở mọi giai đoạn xã hội, đó là định kiến, là luật rừng, là thứ quy tắc đáng ghê tởm mà không ai xứng đáng phải bị gánh chịu. Chính vì lối suy nghĩ rằng mọi diễn viên đều chấp nhận đổi tình lấy vai diễn mà những kẻ như Minh Béo vẫn còn nhởn nhơ đến tận bây giờ.

Trong cuộc đời Norma Jeane, khoảng thời gian có vẻ yên bình nhất là khi cô gặp người chồng thứ hai của mình, nhà viết kịch Arthur Miller. Arthur là người (gần như) duy nhất nhìn thấy Norma bên trong Marilyn, hay ông ta đang nhìn thấy mối tình đầu Magda thông qua Norma, có lẽ không quá quan trọng. Miller đối xử với Norma với sự quan tâm, chăm sóc mà cô chưa từng có được. Norma Jeane, đứa trẻ chưa từng được dạy cách giao tiếp đúng đắn giữa người với người, cuối cùng cũng tìm thấy một ai đó che chở và hướng dẫn mình. Thế nhưng khoảng thời gian đó lại quá ngắn ngủi. Lần thứ hai Norma rơi vào thứ bi kịch mà không một kẻ có giới tính sinh học là nam nào có thể hiểu hay cảm nhận chính xác được.

Chuỗi bi kịch liên tiếp ập xuống khiến cô càng suy sụp hơn. Để giữ cho nhân vật Marilyn tỉnh táo, hàng đống thuốc an thần đã được tiêm vào người Norma. Cả thể xác lẫn tinh thần cô cứ thế bị hủy hoại đến tận cùng. Người chồng của cô cũng trở thành chồng cũ. Không còn ai ở bên Norma. Không còn ai nhớ tới Norma. Norma cứ thế biến mất, như cách mà ba đứa trẻ trong bụng cô lần lượt ra đi.

Đến cuối cùng, chỉ còn di ảnh của Marilyn Monroe ở lại.

Blonde bị ghét, bởi những gì trên phim không phải những gì người ta muốn thấy ở một quả bom sex. Blonde bị ghét, bởi khán giả nghĩ rằng họ sẽ được xem câu chuyện về cuộc đời đầy hoan lạc của Marilyn Monroe, chứ không phải về một cô gái có cái tên như bị viết sai chính tả. Blonde bị ghét, vì phim đề cập đến chủ đề mà phần lớn người xem không chấp nhận được: Diễn viên bị cưỡng hiếp thay vì dùng tình dục đổi vai.

Và có lẽ, một lý do nữa khiến Blonde bị ghét, bởi vì người ta dễ có thiên kiến rằng Blonde là phim nữ quyền, thay vì nhìn nhận phim như câu chuyện bi kịch của một con người và mỉa mai thiên kiến xã hội như bao phim nam chủ khác.

Thiên kiến là một trong những lối suy nghĩ độc hại nhất. Thiên kiến khiến con người ta bị mờ mắt, khiến người ta không thể nhìn rõ bản chất của vấn đề. Blonde là một phim được thực hiện chỉn chu từ nội dung, character arc, cách sử dụng ống kính, xây dựng hình ảnh, đến cả diễn xuất và từng câu thoại. Thế nhưng, chừng nào các reviewer như Lê Hồng Lâm vẫn bênh vực cho phim xuyên tạc tiểu sử như Em Và Trịnh, vẫn ngợi ca chuyện lợi dụng nghệ thuật để lạm dụng tình dục trẻ em như Vợ Ba, vẫn nhìn Marilyn Monroe như biểu tượng tình dục, thì chừng đó những phim như Blonde vẫn còn bị ghét bỏ.

Người ta chỉ thích nhìn vào vùng nhạy cảm của các nữ nghệ sĩ và bình phẩm, chứ mấy ai quan tâm đến sự tổn thương mà một con nhỏ vô danh phải chịu đựng.

Và đó là cách mà Blonde khiến những người tử tế phải đứng dậy vỗ tay, còn các reviewer thì chê bai, tranh cãi.

©yooribae

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *