Làm việc hiệu quả cho người lười?

Ngày đầu năm, giống như bao người Sài Gòn độc thân đón Tết khác, tôi ra quán cafe để nhìn ngắm người khác quây quần bên gia đình. Sau bốn tiếng sử dụng bộ công cụ mới để viết blog, tôi đã hoàn thành xong một bài viết lẽ ra phải lên sóng từ đầu năm ngoái. Sau khi viết xong thì vẫn còn hai tiếng nữa trước khi quán cafe đóng cửa; nên tôi quyết định chia sẻ thêm một chút, về một chủ đề chắc sẽ có người quan tâm:

LÀM VIỆC HIỆU QUẢ CHO NGƯỜI LƯỜI

Tôi là một đứa lười. Rất lười. Bạn nào theo dõi blog này đủ lâu sẽ thấy tôi lười đến mức số bài viết trong 5 năm trên blog này chưa bằng người ta lên bài trong 3 tháng. Thật ra thì, tôi phải thú nhận là, thứ tôi lười nhất là viết. Tôi chỉ viết khi bản thân có đủ thời gian, không gian và năng lượng tích cực để tập trung vào việc suy nghĩ; và những gì tôi viết ra thường trôi theo mạch cảm xúc chứ không có tính toán nhiều. May mắn thay đây là blog của tôi, nên tôi không cần phải quá quan tâm đến kiểu viết chuẩn SEO hay giật tít bán khóa học như gợi ý của mấy mẹ quản lý trong công ty. Đùa đấy.

Vấn đề lớn nhất dẫn đến sự lười này, đó là vì tôi dễ bị xao nhãng. Tôi có thể tập trung liên tục trong một thời gian cụ thể, nhưng khi nguồn năng lượng tập trung đó cạn, tôi sẽ bị cuốn vào những hoạt động khác và rất lâu sau mới có thể quay trở lại. Hiểu được vấn đề của bản thân, tôi thường chú ý tìm kiếm phương thức để có thể tăng cường sự tập trung cũng như nâng cao hiệu quả làm việc. Và đây là một số phương pháp tôi đã áp dụng:

1. Chọn nơi có năng lượng thích hợp để làm việc

Để có thể làm việc hiệu quả, điều đầu tiên cần chú ý chính là một địa điểm phù hợp. Với người làm sáng tạo, địa điểm phù hợp sẽ giúp mở ra luân xa, giúp khả năng sáng tạo bùng nổ hơn. Và nơi mà nhiều người làm sáng tạo tìm đến nhất chính là quán cafe.

Khoa học đã chứng minh quán cafe là một trong những nơi làm việc hiệu quả nhất. Không quan thoáng mát, nhiệt độ ổn định, không quá ồn ào (chỉ có tiếng ồn trắng/white noise), xung quanh có nhiều người mang năng lượng tích cực, không có trẻ em, động vật, luôn có sẵn thức ăn, nước uống, có wifi miễn phí, an ninh đảm bảo… Là những yếu tố giúp quán cafe trở thành không gian lý tưởng để vừa làm việc vừa thư giãn hiệu quả.

Một điểm nữa khiến nhiều người thích làm việc ở quán cafe, đó là bạn có thể gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người mới, có cơ hội mở rộng mối quan hệ xã hội, điều mà làm việc trong phòng ngủ và lũ mồn lèo thích nằm lên bàn phím không thể mang đến cho bạn.

Quan trọng nhất, cafe ở quán mà bạn chọn để ngồi làm việc hàng ngày, chắc chắn ngon hơn cafe mà bạn tự pha.

Vậy nên có nhiều người tính cả tôi, thiết kế nguyên cái phòng làm việc đầy đủ tiện nghi đẹp xuất sắc tốn cả gia tài xong bỏ đó ra quán cafe ngồi làm việc. Lãng phí thay!

2. Có người làm việc cùng

Làm việc một mình cũng vui đó, nhưng bạn đã bao giờ thử ngồi làm việc cùng crush? Sự tập trung trong công việc sẽ khiến bạn trông cuốn hút hơn trong mắt crush, giúp bạn ghi điểm dễ dàng hơn. Đó là trong sách người ta nói thế, chứ crush toàn hẹn gặp tôi sau giờ làm việc thôi.

Với nhiều người, làm việc một mình giúp tăng khả năng tập trung hơn. Tuy vậy, trong một số trường hợp, nhất là khi đang tìm kiếm ý tưởng mới, nói chuyện với một ai đó sẽ có ích hơn. Việc giao tiếp, trao đổi, chia sẻ dù bất cứ chuyện gì cũng sẽ giúp não bộ hoạt động theo hướng khác với khi suy nghĩ một mình, từ đó có thể mang lại những thông tin, góc nhìn, kết quả mới. Với người hướng nội, việc trò chuyện với người lạ có thể không dễ dàng, dù vậy bạn có thể lựa chọn vài nạn nhân trong mớ bạn bè xung quanh và bắt từng đứa lần lượt ra quán cafe làm việc cùng mình. Lỡ quán có biến thì còn có người hóng cùng.

Bên cạnh đó, làm việc cùng người khác cũng có tác dụng lớn, đó là: Tạo mood cho nhau.

Thường thì khi chỉ có một mình, người lười có xu hướng dễ cảm thấy chán nản, mất tập trung và làm việc kém hiệu quả hơn so với người khác. Có thêm một người hoặc nhóm làm việc cùng sẽ giúp người lười cảm thấy có động lực, nhìn rõ mục tiêu và dễ tập trung hơn. Dù vậy, không thể loại trừ nguy cơ một đứa lười làm cả nhóm lười theo.

3. Lên lịch làm việc theo khối lượng công việc thay vì deadline

Người lười thường đi kèm với khả năng tập trung ngắn, dễ dẫn đến tính trì hoãn. Vậy nên thay vì cố gắng lao đầu vào làm việc mà không tính toán để rồi tiêu hao năng lượng vô ích, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian trì hoãn trước đó để suy tính, sắp xếp thứ tự những việc cần làm. Lưu ý, đừng tham vọng multitasking. Bạn không đủ năng lượng cho việc đó đâu.

Việc đầu tiên bạn cần làm, là nghĩ xem việc gì tốn nhiều thời gian của bạn nhất, và làm việc đó trước. Trái với suy nghĩ của nhiều người, một người có năng lượng tập trung thấp sẽ cảm thấy bị kiệt sức hoàn toàn sau khi hoàn thành việc đầu tiên. Vậy nên, cách tốt nhất để tận dụng nguồn năng lượng là làm việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất trước hết. Việc này cũng giúp duy trì năng lượng tập trung lâu hơn. Việc khó làm trước, việc dễ làm sau; như vậy khi hoàn thành xong việc đầu tiên, bởi cảm giác những việc sau có vẻ dễ dàng hơn so với việc hoàn thành trước đó, người lười có thể tiếp tục công việc với tinh thần thoải mái hơn.

4. Deadline sớm hơn deadline thật

Bệnh lười thường đi kèm với tính trì hoãn. Trì hoãn không hẳn xấu, bởi người có tính trì hoãn thường là kiểu người luôn suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên nếu thời gian suy nghĩ quá lâu, thời gian cho phần hành động sẽ bị ảnh hưởng. Để tránh tình trạng này, bạn có thể đặt ra giới hạn thời gian (deadline) cho mỗi việc cần hoàn thành sớm hơn so với thời gian thực. Bằng cách này, bạn sẽ có thêm chút thời gian nếu như có vấn đề chậm trễ xảy ra, đồng thời giảm bớt áp lực phút chót cho chính bạn.

Cùng với việc tạo ra deadline sớm hơn, bạn cũng nên bắt đầu càng sớm càng tốt, để tránh việc “nước đến chân mới nhảy”. Người càng lười càng phải làm xong việc thật nhanh, để còn có thời gian nghỉ ngơi nữa.

5. Đặt ra mục tiêu cụ thể

Vấn đề khá nhiều người lười gặp phải, đó là suy nghĩ quá nhiều trước khi quyết định làm gì đó. Hoặc không suy nghĩ và không làm gì cả. Dù nghĩ hay không, mọi người cũng đều rơi vào trạng thái mông lung, khi có quá nhiều mục tiêu muốn thực hiện, hoặc không có mục tiêu rõ ràng.

Vậy nên, trừ khi bạn muốn tiếp tục lười biếng, hãy xác định cho bản thân một mục tiêu cụ thể – chỉ một thôi – rồi tập trung hoàn thành mục tiêu đó. Càng nhiều mục tiêu cùng lúc, mọi thứ càng rối ren, não càng mệt, năng lượng và sức tập trung càng khó hình thành.

6. Không thích? Đừng làm.

Nghe lạ đúng không? Thực tế thì với nhiều người, lười chỉ đơn giản là cách cơ thể phản ứng lại với điều nó không muốn làm. Bạn về nhà sau một ngày làm việc, nhìn thấy đống quần áo dơ nơi góc phòng, bạn không muốn giặt ngay bởi vì bạn mệt; hay đúng hơn, bởi cơ thể báo hiệu rằng nguồn năng lượng hiện tại không đủ để làm việc có vẻ như không cấp thiết đó. Việc bạn cảm thấy lười khi nghĩ đến chuyện sẽ làm một điều gì đó, cũng có thể là cơ chế cảnh báo của cơ thể bạn, rằng bạn cần phải suy nghĩ kỹ hơn xem có cần làm việc đó ngay lúc này không.

Nguồn năng lượng trong cơ thể bạn có giới hạn. Nếu bạn cứ mãi phung phí nó vào những việc mà bạn không thích, những việc làm bạn không vui, những việc không mang đến cho bạn nguồn năng lượng tích cực, vừa làm mất thời gian lại chẳng có hiệu quả gì; thì những gì bạn nhận lại chỉ là sự mệt mỏi và chán chường kéo dài. Đời ngắn lắm, đừng phí thời gian, hãy chỉ làm những điều mà bạn thực sự mong muốn thực hiện.

Nếu bạn đang lười? Hãy siêng lên!

Nếu bạn đang đọc đến những dòng này, có nghĩa là bạn không thực sự lười biếng như bạn hay mọi người nghĩ. Bạn chỉ là một người đã lãng phí năng lượng, tinh thần, đam mê vào quá nhiều việc vô nghĩa; và giờ đây bạn cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi, chán nản, bi quan, không có động lực để làm bất cứ việc gì. Bạn không lười nhác, bạn chỉ đang tuyệt vọng thôi. Cho nên bạn mới bấm vào bài viết này. Không sao cả, đừng tự trách bản thân. Bây giờ, việc bạn cần làm là ngồi xuống, lấy giấy bút ra, viết xuống ba mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong ba tháng tới, sáu tháng tới, cho năm nay. Sau đó, hãy lần lượt thực hiện từng mục tiêu một. Để quá trình thực hiện được hiệu quả, hãy tìm cho bản thân một nơi mang lại cho bạn nguồn năng lượng tích cực, gạt bỏ hết những việc bạn không muốn làm, chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt, cố gắng hoàn thành càng nhanh càng tốt. Nếu cảm thấy một mình quá cô đơn, hãy đi cafe cùng bạn bè, hoặc rủ bạn bè ra cafe cùng làm việc. Hãy làm thật nhanh trước khi mọi thứ bị trì hoãn bằng cách này hay cách khác. Thời gian có hạn, năng lượng tích cực và sự tập trung của bạn có hạn; đừng chần chừ, đừng lãng phí, hãy bắt đầu những việc bạn cần làm ngay bây giờ!

Và đừng quên like, share bài viết để ủng hộ blog, giúp blog bớt lười, chân thành cảm ơn.

©yooribae

Comments

2 bình luận cho “Làm việc hiệu quả cho người lười?”

  1. Chúc blog bớt lười ạ! Thích đọc bài của blog lắm

    1. Ỏ lời chúc đáng yêu quá! Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog nha!

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d