Mỗi năm chục lần, giới làm phim hễ làm ra phim dở bị khán giả chê là lại đồng thanh ca thán “Vì biên kịch kém, vì không có kịch bản hay”. Người ngoài không biết lại tưởng “Không có kịch bản hay” là thánh ca của ngành. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi của việc “không có kịch bản hay” là gì thì không mấy ai nhắc tới; phần vì sợ mất lòng, phần thì sợ mất việc.
Vậy nên hôm nay, là một người không quan tâm cả hai thứ trên, tôi sẽ tiết lộ cho bạn lý do thật sự đằng sau bi kịch đó.
GIÁ TRỊ CỦA MỘT KỊCH BẢN TỐT
Để viết ra một kịch bản, chưa cần biết chất lượng như thế nào, điều đầu tiên mọi người cần hiểu, là công việc đó vô cùng tốn kém.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, viết kịch bản không chỉ đơn thuần là viết – kịch – bản. Viết – hay đúng hơn là đánh máy – kịch bản chỉ là công đoạn gần cuối cùng của cả một chuỗi quy trình phức tạp, khó khăn, gian khổ; hao tốn nhiều tiền bạc, thời gian, sức khỏe và trí tuệ của người viết. Để biết làm ra một kịch bản tốn kém đến mức nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
CHI PHÍ CẦN THIẾT ĐỂ VIẾT KỊCH BẢN
1. Thiết bị
Từ khi máy đánh chữ ra đời, không còn ai viết kịch bản bằng cách viết tay trên giấy nữa. Ngày nay, mọi kịch bản đều được viết trên phần mềm chuyên dụng, những phần mềm có tích hợp tính năng phục vụ cho các công đoạn từ ý tưởng, kịch bản đến tiền kỳ (pre-production). Phần lớn người làm nghề viết hiện nay sử dụng laptop để viết lách và thu thập thông tin, dữ liệu. Những chiếc laptop có tuổi đời từ 2 đến 3 năm có giá dao động từ 10 đến hơn 30 triệu. Nói một cách dễ hiểu, mỗi năm biên kịch sẽ mất từ 4 đến 10 triệu cho chi phí hao mòn thiết bị (laptop), đó là chưa nói tới các chi phí khác.
Bên cạnh laptop, nhiều biên kịch còn sử dụng điện thoại, máy tính bảng (tablet) như công cụ hỗ trợ, đặc biệt là khi phải thường xuyên đi họp, thuyết trình với khách hàng. Một chiếc điện thoại/tablet có giá thành và tuổi thọ ngang với một chiếc laptop, nghĩa là chi phí hao mòn cũng tương đương.
Với các biên kịch chuyên viết kịch bản phim truyền hình hoặc điện ảnh, những dự án đòi hỏi tính bảo mật cao, thì việc in ấn tài liệu cũng vô cùng nhạy cảm. Không ít biên kịch phải mua thêm máy in để in tài liệu thuận tiện và an toàn hơn, thay vì mỗi lần in phải chạy ra tiệm.
Bảng lớn, giấy note, sổ, bút các loại cũng là những công cụ không thể thiếu và có độ hao mòn cao. Các biên kịch phải sử dụng các loại sổ, giấy, bút có chất lượng cao để đảm bảo thuận tiện trong việc triển khai ý tưởng, tránh việc bút kẹt mực hay giấy/sổ chất lượng thấp gây ảnh hưởng tới việc ghi chép.
Tính sơ qua, mỗi năm một biên kịch sẽ tốn không dưới 15 triệu (hơn 3 tháng lương cơ bản theo quy định Nhà nước) cho riêng phần thiết bị phục vụ công việc.
2. Sinh hoạt phí
Biên kịch cũng là người. Người trưởng thành đi ra đời, làm việc kiếm sống, có những nhu cầu cơ bản gồm chỗ ở, ăn uống, vệ sinh, thuốc men. Phần lớn biên kịch ở nhà trọ, phòng trọ; và phòng trọ của biên kịch thường là loại căn hộ khép kín có giá cao để đảm bảo an ninh, an toàn cho các trang thiết bị đắt tiền mà biên kịch sử dụng. Một phòng trọ như vậy có giá dao động từ 4 đến 8 triệu/tháng.
Viết kịch bản là công việc sử dụng trí não. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, não bộ tuy chiếm chỉ 2% khối lượng cơ thể nhưng sử dụng đến 20% năng lượng cơ thể nạp vào. Vậy nên biên kịch vần phải nạp đầy đủ năng lượng thông qua những loại thực phẩm có lợi cho trí não để có thể duy trì hoạt động và làm việc. Những loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng gồm có: Thịt gà, trứng gà, bông cải, rau bina (rau chân vịt), cá hồi, cá ngừ đại dương, hải sản, hạt hạnh nhân, hạt óc chó… Bên cạnh đó, mỗi ngày biên kịch phải nạp thêm các loại vitamin tổng hợp, thuốc bổ não, hồng sâm, không món nào rẻ. Để duy trì sức khỏe, biên kịch cần phải dành thời gian ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để luyện tập thể dục, thể thao, tức là cần phải có chi phí để tham gia phòng tập và thuê huấn luyện viên.
Tính trung bình, mỗi tháng một biên kịch sẽ phải chi từ 6 đến 10 triệu cho phần dinh dưỡng và sức khỏe để có đủ thể lực duy trì trạng thái tinh thần tốt nhất cho việc viết kịch bản.
3. Tài liệu
Lý do mà khán giả thường chỉ ra nhiều nhất khi bàn về sự dở của nhiều phim Việt Nam chính là những lỗ hổng về mặt kiến thức từ khâu kịch bản đến phục trang, bối cảnh… Mấy tay reviewer như Lê Hồng Lâm thì luôn mồm bảo rằng do biên kịch “chỉ ngồi một chỗ và tưởng tượng”. Cũng không hẳn sai, cũng không hẳn đúng. Bởi có những người như Stephen Hawking, cả đời ngồi một chỗ vẫn hiểu rõ về vũ trụ hơn nhiều phi hành gia. Cũng có những người làm review phim, xem hết 120 phút phim vẫn không thể tóm tắt nội dung phim chính xác hơn một khán giả chỉ xem mỗi trailer phim đó. Có những người làm phim chỉ ngồi nhà tìm kiếm tài liệu vẫn làm ra nhiều phim cổ trang chính xác về mặt lịch sử đến mức các nhà sử học phải gật gù. Cũng có người lấy tiền crowdfunding dẫn cả đoàn đi thăm thú mấy địa danh bị san bằng từ thế kỷ 15 để tìm tư liệu rồi về nhà làm phim diễn hoạt không dính lại một chút chính sử nào. Vậy nên, việc biên kịch ngồi một chỗ hay đi lang bạt khắp nơi không ảnh hưởng gì tới bát cháo thiu của các cháu reviewer hết, mà điều quan trọng ở đây là, người biên kịch đó có đủ kỹ năng, công cụ, thiết bị và chi phí để dành ra thời gian tìm kiếm, thu thập, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp lại hết tất cả tài liệu cần thiết cho mỗi kịch bản mà biên kịch đó phải viết hay không?
Tìm kiếm – Research – là một kỹ năng quan trọng, là một phần công việc tối cần thiết mà người làm nghề viết nói chung và biên kịch nói riêng thường bỏ qua vì nhiều lý do khác nhau: Lười, có người khác tìm giúp rồi, nghĩ rằng không quan trọng, không đủ thời gian, không đủ chi phí… Trong đó, nếu bỏ qua vấn đề “lười biếng” thì “không đủ thời gian và kinh phí” là vấn đề phổ biến nhất.
Trong qua trình viết kịch bản phim, khâu Research có lẽ là khâu chiếm nhiều thời gian nhất. Tùy theo độ phức tạp, chiều sâu và lượng thông tin của câu chuyện mà một kịch bản có thể mất từ 6 tháng đến nhiều năm để thu thập và tổng hợp, sàng lọc đủ thông tin, chất liệu cần thiết. Thế nhưng, 6 tháng là khoảng thời gian quá nhiều đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn. Nhiều người chỉ cho biên kịch 1-2 tháng, thậm chí có người còn không cho biên kịch thời gian để cảm nhận kịch bản, chứ chưa nói tới việc phân tích hay đào bới chiều sâu ẩn giấu phía dưới câu chuyện là gì. Kết quả là nhiều phim làm ra nông cạn và hời hợt đến mức khán giả phải tự hỏi “Sao thứ đó lại được dựng thành phim?”.
Bên cạnh vấn đề về thời gian, việc tìm kiếm chất liệu, nguyên liệu cho kịch bản phim cũng đòi hỏi biên kịch phải tiếp cận với khối lượng kiến thức khổng lồ. Mỗi yếu tố như nghề nghiệp, chứng bệnh của nhân vật hay một sự kiện nào đó xảy ra; biên kịch đều phải nghiên cứu cặn kẽ, thậm chí phải liên hệ với nhiều chuyên gia để có được thông tin chính xác nhất.
Chi phí cho việc tìm kiếm là không hề nhỏ đối với biên kịch, nhưng chắc chắn không phải chi phí lớn nếu tính theo % ngân sách của phim.
4. Công sức/Thời gian
Như đã chia sẻ ở trên, viết kịch bản là công việc hao tốn rất nhiều thời gian, công sức (và tiền bạc). Một kịch bản từ khi được (nhà sản xuất) bật đèn xanh cho phần ý tưởng đến khi hoàn thành kịch bản chi tiết có thể mất từ 1 đến 2 năm, chưa tính thời gian chỉnh sửa theo ý đạo diễn và diễn viên sau đó. Trong 2 năm làm việc cho dự án, biên kịch (có tâm) sẽ không thể nhận thêm bất kỳ dự án ngoài nào khác, bởi điều đó sẽ gây mất tập trung và ảnh hưởng xấu đến chất lượng kịch bản. Sau khi kịch bản hoàn thành, biên kịch sẽ mất thêm từ 3 tháng đến 1 năm để phục hồi trước khi bắt tay vào sự án mới. Như vậy, trung bình một biên kịch sẽ mất khoảng 3 năm nếu làm việc một mình cho một dự án điện ảnh hoặc truyền hình.
5. Tiền học
Không kịch bản tốt nào được viết ra bởi người không học. James Cameron là nhà khoa học trước khi làm phim, Christopher Nolan học ngành Văn Học Anh ở trường Đại Học; Park Chan Wook, Bong Joon Ho tốt nghiệp các trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc… Các biên kịch nổi tiếng nhất của Mỹ và Hàn Quốc đều có học vị từ cử nhân đến thạc sĩ trở lên, nhiều người là giảng viên Đại học. Ngay cả các đạo diễn tự viết kịch bản hay các biên kịch “tay ngang” đoạt giải thưởng, nếu tìm hiểu kỹ hơn, bạn sẽ thấy họ có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan trước đó; và tất cả họ đều tham gia ít nhất một hay vài khóa học (course, workshop…) về viết kịch bản trước khi bắt đầu sự nghiệp.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều cá nhân, tổ chức đào tạo biên kịch, với đa dạng các kiểu lớp học từ các lớp online 88k-200k-1000k cho đến các khóa học 1-3 tháng có học phí từ 4-10 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có các workshop từ miễn phí đến tính phí, các trang blog, kênh Youtube, Tiktok chia sẻ, hướng dẫn viết kịch bản… (Trang blog mà bạn đang đọc bài viết này đây cũng có mở khóa học, bạn có thể bấm vào đây để xem thêm nếu muốn). Mỗi khóa học với mỗi giảng viên khác nhau sẽ có lượng kiến thức và cách truyền đạt khác nhau, từng biên kịch sẽ có sự lựa chọn riêng để tham gia khóa học phù hợp. Các khóa học thường sẽ cung cấp cho biên kịch đến một lượng kiến thức nền tảng nhất định. Những kiến thức đó sẽ giúp biên kịch có cơ sở vững vàng để tự học thêm hoặc dễ dàng tiếp thu các kiến thức, kỹ thuật nâng cao hơn. Nếu không học, biên kịch sẽ không có đủ kiến thức để viết ra kịch bản tốt. Dù vậy, sau khi đã học xong, biên kịch cũng cần phải tự mình cập nhật kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới ít nhất mỗi năm hai lần để không bị tụt hậu. Các khóa học nâng cao, workshop, du học là hình thức mà nhiều biên kịch lựa chọn. Và dù biên kịch chọn học theo cách nào, kiến thức có giá của nó.
Giá thành của một kịch bản
Để viết ra một kịch bản phim điện ảnh hoặc truyền hình, một biên kịch cần dành ra từ 1 đến 3 năm để tập trung hoàn thành kịch bản. Trong thời gian đó, biên kịch không thể nhận bất kỳ công việc nào khác, lại phải bỏ ra một khoảng chi phí khổng lồ gồm chi phí thiết bị, sinh hoạt phí, chi phí tìm kiếm và tổng hợp tài liệu, chi phí cho các khóa học, workshop chuyên ngành… Tính trung bình mỗi tháng một biên kịch cần phải bỏ ra trên dưới 20 triệu đồng để có thể toàn tâm toàn ý tập trung viết kịch bản. Tính theo số ngày làm việc, một biên kịch cần nhận được mức lương tối thiểu là 1 triệu đồng/ngày, mới có đủ chi phí để làm việc, đóng thuế thu nhập cá nhân, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Nếu tính sơ bộ một năm biên kịch làm việc 300 ngày, một kịch bản cần hoàn thành trong 2 năm, thì chi phí cho biên kịch sẽ rơi vào khoảng 600 triệu đồng (chưa bao gồm thuế).
Mới đây, trong một bài báo, nhà sản xuất Hằng Trịnh cho biết “chi phí cho kịch bản rơi vào tầm 1-3% ngân sách bộ phim”(Vnexpress); tức là nếu bộ phim có kinh phí 25 tỷ thì tiền kịch bản sẽ vào khoảng 250-750 triệu (chưa bao gồm thuế). Và tới giờ vẫn có nhiều kẻ muốn làm phim mà không biết gì về kịch bản dám nói với biên kịch rằng “Nếu kịch bản của bạn hay, bạn có dám hạ giá xuống chỉ còn 100 triệu để kịch bản được sản xuất không? Sau khi phim đầu tiên thắng rồi phim sau bạn muốn hét giá nhiêu cũng được” (tất nhiên là gửi kịch bản trước chừng nào trả tiền tính sau). Khôn như thế PETA nó BBQ hết rồi.
*Cái trò ép giá biên kịch mới của nhiều nhà sản xuất và trò phá giá của nhiều biên kịch có tuổi đã, đang và sẽ khiến phim Việt Nam xuống đáy xã hội như thế nào, sẽ có trong một bài viết khác.
Bạn thấy đó, để viết ra một kịch bản phim vốn không hề dễ dàng, để sống được trong và sau khi viết kịch bản xong còn khó khăn hơn. Tất nhiên, là một biên kịch mới, bạn có thể nhận viết kịch bản với phí trả trước thấp, với điều kiện kèm theo để đảm bảo quyền lợi của bạn khi phim phát hành. Nhiều biên kịch sẵn sàng nhận phí thấp kèm % lợi nhuận với kịch bản mà họ tự viết, câu chuyện mà họ sáng tạo ra. Nhưng khi trước mặt bạn là một đạo diễn không có tí tầm nhìn nào trong đầu, hay một nhà sản xuất có thái độ thiếu tôn trọng bạn, thì hãy đảm bảo rằng số tiền mà họ trả cho bạn đủ để bạn đi du lịch nghỉ dưỡng chữa lành và trị liệu tâm lý trong 2 năm tiếp theo. Một đạo diễn không có tầm nhìn sẽ phá hỏng kịch bản. Một nhà sản xuất không tôn trọng biên kịch chắc chắn sẽ không biết cách nào khiến bộ phim trở nên có giá trị khiến khán giả phải dành thời giờ quý báu của mình để xem. Là biên kịch, người làm phim, điều tệ hại hơn việc không thấy tên mình trên credit phim, đó là thấy tên mình nằm trên credit của một thứ mà mình không dám nói với ai là mình đã tham gia làm ra nó.
Tổng kết
Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn thích trích dẫn câu quote nổi tiếng của đạo diễn Hitchcock: “Một bộ phim hay cần có ba thứ: Kịch bản, kịch bản và kịch bản”. Cũng chính những người đó sẽ làm đủ mọi cách để ép giá kịch bản xuống thấp nhất có thể. Một kịch bản có thật sự tốt hay không, khán giả mới là người có quyền quyết định cuối cùng. Để làm ra một bộ phim xem được (chưa tính đến hay) cần đến sự phối hợp của tất cả mọi bộ phận. Từ người biên kịch chăm chút cho từng chỉ dẫn, lời thoại, người đạo diễn có tầm nhìn và biết cách chỉ đạo diễn xuất, người sản xuất có đầu óc chiến lược, người diễn viên cố gắng để nhập vai, người quay phim tính toán đến từng khung hình, người thiết kế mỹ thuật cẩn trọng với từng bối cảnh-đạo cụ-phục trang, người dựng phim tỉ mẩn đến từng frame, bộ phận marketing nghĩ ra chiến lược quảng bá ấn tượng, nhà phát hành sắp xếp khung giờ chiếu tốt… Rất nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng lẫn nhau để tạo thành một bộ phim hoàn chỉnh. Sản xuất một bộ phim cũng như lắp ráp một chiếc xe hơi. Biên kịch là nhà thiết kế, là người tạo ra bản vẽ sơ bộ, nhưng cũng chỉ là người làm thuê. Biên kịch phải chỉnh sửa thiết kế theo cách mà nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, con cá béo phì nào đó muốn. Biên kịch được trả tiền để sáng tạo thay cho mấy người đó, và nghe chửi thay cho mấy người đó khi mấy người đó làm hỏng việc mà họ phải làm. Vậy nên, nếu biết sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì mà bạn không làm và có nguy cơ mất luôn sự nghiệp, bạn sẽ từ chối, sẽ chấp nhận mức lương chết đói, hay sẽ yêu cầu nhận được mức phí xứng đáng với những gì mà bạn sẽ phải hy sinh?
Kịch bản là kịch bản. Nếu kịch bản không phù hợp, nhà sản xuất có thể không mua. Nếu đã thuê biên kịch để viết thay cho bản thân, nhà sản xuất/đạo diễn cần phải tôn trọng biên kịch. Biên kịch cần được trả công đúng với năng lực và thời gian họ bỏ ra, chứ không phải vì tuổi đời hay bất cứ lý do này khác.
” Mọi thứ trên đời đều có giá trị của riêng nó. Thứ ngon, bổ, rẻ duy nhất mà bạn tìm thấy trên đời, chỉ có máu thịt của bạn thôi. ”
©yooribae