Tôi từng gặp gỡ, trao đổi và làm việc với không ít nhà văn, biên kịch trẻ. Một vài trong số họ là những người thông minh, chăm chỉ và quyết đoán. Phần lớn còn lại hoàn toàn thiếu bản lĩnh, trái tim và ý chí. Trong mọi trường hợp, thất bại bắt đầu từ việc thiếu kiến thức và kỹ thuật, kỹ năng bài bản.
Phần lớn người viết kịch bản ở Việt Nam không hề trải qua bất kỳ một chương trình đào tạo bài bản nào trước khi họ bắt đầu lao vào cố gắng viết ra một cái kịch bản hy vọng là bán được (mấy khoá ngắn hạn 3 tháng hoàn toàn vô dụng, ha). Viết ra một kịch bản tốt còn khó hơn cả phẫu thuật thần kinh, thế nhưng hầu hết mọi người tin rằng họ có thể viết ra một kịch bản tuyệt vời chỉ bởi vì họ đã xem rất nhiều phim hoặc hồi đi học họ giỏi Văn nhất lớp. Hoiz.
Khi ai đó quyết định rằng nên có thêm một chút kiến thức, phần lớn sẽ ra nhà sách và tìm mua vài cuốn sách dạy viết kịch bản. À, mà vậy thì tốn kém quá. Thế là mọi người lên mạng, search Google, và thấy cái trang blog đáng yêu này (hoặc vài page viết lách trên Facebook). Bạn cũng tìm thấy blog này thông qua Google hay Facebook đúng không? Vậy thì, hỏi chút nha: Bạn học được gì từ blog này và mấy bài viết trên mạng? Gần như chỉ có hai kết quả: Cấu Trúc Ba Hồi, và cái thứ tệ hại cho sự nghiệp trau dồi kiến thức của bạn hơn – Save The fucking Cat. Vâng, xin chúc mừng, bạn vừa giết chết bất kỳ cơ hội nào để bạn có thể viết ra một cái kịch bản bán được.
Cái thứ được gọi là Cấu Trúc Ba Hồi này là thứ huyền thoại lớn nhất, có sức mạnh vĩ đại nhất mà tất cả mọi nhà văn, nhà viết kịch, nhà làm phim… trên toàn thế giới đều mãi luôn nhắc tới (không phải cái trò Cứu-Con-Mèo mới thành xu hướng gần đây). Có thể nói là cái lý thuyết này có hơn lỗi thời một chút. Nhưng, đừng quên rằng nó đã từng rất hiệu quả thời gian đầu.
Ủa khoan, thằng ác ôn này luôn quảng bá cho Cấu Trúc Ba Hồi, sao giờ tự nhiên lật mặt nhanh hơn Ariana Grande huỷ show vậy?
Ấy đừng chửi vội, hãy để tôi giải thích.
Cấu trúc Ba Hồi tồn tại vì một lý do và chỉ một lý do duy nhất: Một nhà nghiên cứu văn học nào đó phát hiện ra nó và tuyên bố rằng nó tồn tại. Người đó phát hiện ra có gì đó quan trọng đã diễn ra ở trang 27 và trang 87 của rất nhiều kịch bản thành công. Người ta gọi đó là “Bước Ngoặt”, và dựa trên những “Bước Ngoặt” này, mọi kịch bản đều được chia làm ba hồi, và thần kỳ thay, mấy kịch bản như vậy đều bán được.
Đó là thực trạng đáng buồn của các khoá đào tạo viết kịch bản và sự tuyệt vọng đến cùng cực của chính các nhà biên kịch trong nỗ lực tìm cách bán cho bằng được kịch bản mà không một ai nhận ra rằng hoàng đế đang khoả thân. Thay vào đó, rất nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thậm chí viết cả trăm cuốn sách về viết kịch bản lại đồng ý với ý tưởng ngu ngốc đó.
Một số người đã đi xa tới mức tuyên bố rằng luôn có ba hồi trong tất cả mọi cuốn tiểu thuyết (mấy người đó chắc chưa đọc tác phẩm của Murakami Haruki) và nhấn mạnh rằng chính Triết gia Aristotle là người đầu tiên “phát hiện” ra “sự thật” này. Thực tế là Aristotle chỉ nói là “có một khởi đầu, phần giữa và kết thúc cho mọi câu chuyện”. Nghe quen không? Môn tập làm văn bài đầu tiên đó. Và đó là tất cả kiến thức phần lớn mọi người nhớ khi nói về “Cấu Trúc Ba Hồi”.
Sử dụng Cấu Trúc Ba Hồi để giải thích tại sao kịch bản này thành công và kịch bản khác khác thất bại cũng giống như nói rằng hầu hết các kịch bản kiếm ra tiền đều có cái kết có hậu. Ừ thì nhiều phim ăn tiền đều có happy ending, nhưng phần lớn các bộ phim thất bại và hầu hết các kịch bản không bán được cũng vậy.
Giờ thì mọi người làm bất cứ cái gì cũng cố gắng chia nó ra làm ba phần. Đó thường là bước đầu tiên để tập hợp và tháo dỡ, sắp xếp mọi thứ vào một quy trình có thể quản lý được. Thực tế thì, có thể xem Cấu Trúc Ba Hồi như một dạng xe tập đi dành cho trẻ con ấy. Nó được tạo ra để xây dựng nền tảng cơ bản giúp cho những người mới bắt đầu tập viết. Vấn đề là hàng ngàn người cố gắng trở thành “dân chuyên” vẫn đang mắc kẹt trong chính cái xe tập đi của họ.
Tại sao Cấu Trúc Ba Hồi không thể giúp bạn tạo ra một kịch bản tuyệt vời?
Đầu tiên, khái niệm về “Hồi” xuất phát từ nhà hát nơi chúng ta bắt đầu và kết thúc một cảnh bằng việc mở và đóng một bức màn. Tại sao bạn muốn sử dụng một kỹ thuật tương đối vụng về từ rạp hát và áp dụng nó vào môi trường linh hoạt hơn nhiều của điện ảnh?
Thứ hai, chia một bộ phim thành ba Hồi là quá chung chung và đơn giản. Các thuật ngữ tiêu chuẩn mà phương thức này thường sử dụng – hồi, bước ngoặt, cảnh đảo ngược, cao trào, quyết định, … – rộng đến mức gần như vô nghĩa.
Và điều đó có nghĩa là những yếu tố này khó mà áp dụng cho tất cả mọi cốt truyện và nhân vật cụ thể của bạn. Ví dụ, giả sử anh hùng của bạn đang bị một số kẻ xấu truy đuổi trong một con hẻm tối. Đó có phải là một bước ngoặt, một cảnh đảo ngược, một cao trào, một quyết định, hay chỉ đơn giản là một cảnh khác? Ai biết? Câu chuyện của bạn, cách kể của bạn. Nếu cách kể của bạn không đủ tốt, câu chuyện của bạn đi đời, thế thôi..
Thứ tư, Cấu Trúc Ba Hồi không chú trọng đến nhân vật. Lưu ý rằng không có thuật ngữ tiêu chuẩn nào được liệt kê ở trên có liên quan đến nhân vật. Cũng không có bất kỳ thuật ngữ nào trong đó đề cập về cách nhân vật kết nối với cốt truyện như thế nào. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các kịch bản được viết theo cách này thường có xu hướng xuất hiện những nhân vật nông cạn.
Thứ năm, Cấu Trúc Ba Hồi gần như đảm bảo rằng kịch bản của bạn sẽ có cốt truyện yếu. Cấu Trúc Ba Hồi nói rằng bạn cần hai hoặc ba “bước ngoặt”. QUÁ-SAI-LẦM. Nhất là trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư và khán giả đã bắt đầu ưu tiên hơn cho những câu chuyện có cốt truyện chặt chẽ. Hãy xem bộ phim “Presumed Innocent” (US, 1990). Bộ phim này không chỉ có hai hay ba bước ngoặt, hay plot twist. Nó có không dưới mười hai cái twist!!! Hoặc nếu bạn không kiếm được link (tôi cũng chưa kiếm được), hãy xem thử phim “Night Of Memories” (Hàn Quốc, 2017, Netflix Original). Hãy tưởng tượng bạn đang cạnh tranh trong buổi pitching với Netflix và đối đầu với một kịch bản như “Night Of Memories” bằng một cái kịch bản với Cấu Trúc Ba Hồi dễ đoán của bạn. Nói sao đây, đó là chính xác những gì hầu hết những người viết kịch bản hiện nay đang làm.
Cuối cùng, Cấu Trúc Ba Hồi không có tác dụng bởi vì nó khá đơn giản và dễ đoán. Đưa ra một kịch bản cho mười người và yêu cầu họ cho bạn biết vị trí của bước ngoặt và các Hồi thay đổi ở chỗ nào. Bạn sẽ nhận được ít nhất mười câu trả lời khác nhau. Và tất cả họ đều đúng. Các bước ngoặt, chuyển từ Hồi này sang Hồi sau nằm ở bất cứ nơi nào bạn muốn. Đôi khi, các biên kịch chưa sẵn sàng thoát ra khỏi Cấu Trúc Ba Hồi sẽ hỏi rằng: “Tôi sẽ phải trả lời kiểu gì nếu nhà đầu tư hay nhà sản xuất hỏi tôi Hồi nào bắt đầu ở đâu?” Bạn nghĩ nó ở đâu thì nói nó ở đó, vậy thôi. Mấy con cá mập đó không nhận ra sự khác biệt đâu, mà họ cũng chẳng quan tâm. Họ chỉ hỏi để tỏ ra giống như là họ biết gì đó thôi.
Vậy sao không nói là mọi kịch bản đều có bốn, năm hay thậm chí là sáu Hồi? Preston Sturges, một biên kịch được xem như vượt xa khỏi rất nhiều cây viết khác, thường chia kịch bản của ông ta thành Tám Hồi, hay “Tám Phần”, như cách ổng hay gọi.
Sử dụng Cấu Trúc Ba Hồi để giải thích sự thành công hay thất bại của một kịch bản giống như các “chuyên gia” giải thích tại sao thị trường chứng khoán giảm điểm hay tại sao lại có động đất vào tối qua ngay sau khi mấy chuyện đó vừa diễn ra. Lưu ý rằng các chuyên gia không bao giờ dự đoán thành công một sự kiện nào trước khi sự kiện đó xảy ra. Tại sao? Bởi vì các công cụ của họ không hề chính xác.
Điểm khác biệt chính ở đây là: bạn sẽ sử dụng công cụ nào để tạo ra kịch bản so với công cụ mà nhà phê bình, biên tập viên hay người kiểm duyệt kịch bản sẽ sử dụng để đánh giá kịch bản của bạn. Các nhà phê bình hay kiểm duyệt, biên tập có thể sử dụng Cấu Trúc Ba Hồi nếu họ muốn, mặc dù hầu hết những câu chuyện hay mà tôi biết đã vượt ra ngoài công thức đơn giản này từ lâu. Chắc chắn rằng, ngay cả những biên kịch giỏi nhất vẫn có thể sử dụng một số thuật ngữ cũ. Đơn giản là vì tiện. Phân tích và đánh giá của mỗi người lại dựa trên một bộ nguyên tắc khác nhau nhằm giúp họ có thể hiểu rõ cốt truyện và nhân vật theo cách của họ.
Nhưng các cây viết trẻ ngồi trước trang giấy trắng cần một bộ công cụ kể chuyện chính xác hơn nhiều để tạo ra các nhân vật hấp dẫn và cốt truyện chặt chẽ. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của quy trình đào tạo để trở thành một cây viết chuyên nghiệp.
Các biên kịch chuyên nghiệp không phải là thành viên của một giáo phái bí ẩn nào đó. Họ là bậc thầy của một nghề dù phức tạp nhưng vẫn có thể học được. Các biên kịch chuyên nghiệp sử dụng các kỹ thuật cơ bản khác với cách mà các biên kịch khác sử dụng. Những kỹ thuật này rơi vào hai lĩnh vực chính: cấu trúc câu chuyện và thể loại.
Cấu trúc câu chuyện ở cấp độ chuyên nghiệp không có liên quan đến Cấu Trúc Ba Hồi đơn giản. Một kịch bản chuyên nghiệp hầu như luôn liên quan đến hành trình học hỏi của nhân vật chính. Hành trình này bao gồm một số bước và bao gồm nhiều khởi đầu sai. Để thể hiện hành trình phức tạp này, các chuyên gia kể chuyện không bao giờ tạo ra bất kỳ một yếu tố hay bước ngoặt nào từ bên ngoài vào rồi ép nhân vật phải đi theo. Thay vào đó, họ luôn đảm bảo rằng nhân vật phải điều khiển cốt truyện. Thật vậy, cốt truyện chỉ đơn giản xoay quanh các hành động và sự phát triển tính cách của nhân vật.
Quy trình đào tạo chuyên nghiệp về xây dựng cấu trúc câu chuyện, tiếp theo, bao gồm việc tìm hiểu cách lập bản đồ hành trình của nhân vật một cách thật chi tiết (nhân tiện, hành trình này thường không phải là một huyền thoại hay cái gì đó bí ẩn lắm lắm). Tôi không thể nhấn mạnh đủ mức độ chi tiết của bản đồ này đối với một kịch bản chuyên nghiệp. Tại sao hầu hết các kịch bản đi theo Cấu Trúc Ba Hồi đều bị vấp ngay Hồi Hai? Bởi vì Cấu Trúc Ba Hồi hoàn toàn không cho bạn bất kỳ bản đồ chỉ dẫn nào cho phần đó.
Không giống như cách tiếp cận “vừa-cho-mọi-cỡ” của Cấu Trúc Ba Hồi, cách tiếp cận chuyên nghiệp này luôn luôn là duy nhất cho riêng từng câu chuyện cụ thể của bạn, bởi vì nó sử dụng một bản đồ chi tiết dành riêng cho nhân vật chính của bạn.
Khía cạnh khác của đào tạo chuyên nghiệp mà Cấu Trúc Ba Hồi hoàn toàn coi thường là “thể loại”. Nguyên tắc đầu tiên của Hollywood là: Hollywood mua và bán các khuôn mẫu câu chuyện. Nếu bạn muốn thành công, bạn chỉ cần thành thạo thể loại thế mạnh của mình hơn bất kỳ ai khác. Mỗi thể loại có một nhịp điệu câu chuyện riêng – một bản đồ khác – mà bạn phải đánh nếu bạn muốn kể câu chuyện đó một cách thỏa mãn nhất. Bí quyết là đánh những nhịp đó càng độc đáo càng tốt.
Ví dụ, bạn có thể nói rằng, bộ phim “Tootsie“ là một trường hợp hoàn hảo của Cấu Trúc Ba Hồi. Nhưng có ai thực sự tin rằng vòng xoáy hài hước chặt chẽ của “Tootsie” đã được tạo ra bởi vì các biên kịch đã sử dụng cách tiếp cận “vừa-cho-mọi-cỡ” như trong mấy cuốn sách viết kịch bản? Hay đó là kết quả của các nhà biên kịch phim hài chuyên nghiệp, những người được đào tạo chuyên sâu, biết rõ thể loại của họ và theo dõi một người yêu nước thông qua một loạt các âm mưu chặt chẽ dẫn anh ta đến sự lòng đổi dạ?
Khi bạn trả lời câu hỏi đó, bạn đang nhận ra bạn cần viết một cách chuyên nghiệp như thế nào để có thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh tàn khốc của ngành công nghiệp giải trí theo cách của bạn.
© yooribae, dịch từ bài viết của John Truby, raindance.org
⊕yooribae: Tôi đã không nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của bài viết này cho đến khi tôi dịch được nửa chừng. Đúng vậy, đây là một bài viết được dịch lại từ tài liệu nước ngoài, chứ không phải “yooribae original” (xin lỗi nếu làm bạn thất vọng). Tôi có sưu tầm được vài bài viết và quyết định sẽ dịch dần chia sẻ cùng mọi người cho đỡ trống blog, sẵn ôn lại vốn sinh ngữ hạn hẹp luôn, mong mọi người ủng hộ.
Về bài viết này, có lẽ sẽ hơi khó hiểu với nhiều bạn (hãy thông cảm cho vốn ngoại ngữ hạn hẹp của tôi). Vậy nên tôi sẽ giải thích lại một chút:
Như các bạn (có thể) đã biết, quan điểm của tôi trước giờ vẫn luôn ủng hộ và khuyến khích các bạn mới tập tành viết lách tìm hiểu, học hỏi và bám sát vào Cấu Trúc Ba Hồi. Nên khi bạn đọc bài viết này, lúc đầu có thể sẽ cảm thấy bị “dội“. Tuy nhiên, bài viết này lại nói lên khá chính xác một việc, đó là Cấu Trúc Ba Hồi chỉ dành cho người mới. Khi bạn đã sành sõi về Cấu Trúc Ba Hồi, tới mức chẳng cần phải nghĩ hay nhớ về nó nữa, cứ đặt bút xuống viết là câu chuyện tự động khớp cấu trúc, thì đó là lúc bạn cần bước thêm một bước nữa, đó là học cách kể chuyện một cách sáng tạo và sắp xếp lại cấu trúc của bộ phim theo cách của riêng mình.
Mỗi câu chuyện, mỗi bộ phim đều có cách kể khác nhau. “Memento” có cách kể ngược, thứ tự mọi cảnh quay đều bị đảo lộn. “More Than Blue” lại có cách dẫn chuyện theo góc nhìn của bốn nhân vật, “Vantage Point” kể một sự kiện từ bảy góc nhìn… Không có bộ phim gây ấn tượng nào có cách kể và câu chuyện giống nhau cả.
Vốn dĩ không có một quy chuẩn nhất định cho việc kể một câu chuyện kiểu gì là hay nhất. Tất cả phụ thuộc vào nội dung câu chuyện, tính cách nhân vật, thể loại và năng lực của biên kịch. Vậy nên mỗi biên kịch lại phải tìm ra cách thể hiện phù hợp cho từng câu chuyện, từng kịch bản mình viết ra.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được phép bỏ qua nền tảng kỹ thuật.
Dù cho Cấu Trúc Ba Hồi có lỗi thời, dù cho mấy cái kỹ thuật như Gấu Trên Bãi Biển hay Chốt Cài, Mc Guffin, Ảnh Mẫu… quá cũ kỹ và dễ đoán đi chăng nữa; thì đó cũng là những phần kiến thức cơ bản nhất, cũng giống như học vẽ phải học cách dùng bút chì, học hát phải học luyện thanh, ký xướng âm vậy. Nếu bạn không nắm vững kiến thức, kỹ thuật nền tảng, bạn sẽ không thể tự do sáng tạo được.
Trước khi trở thành một cây viết chuyên nghiệp, đầu tiên bạn phải biết cách cầm viết đã.
©yooribae
Cám ơn bạn. Đọc tự nhiên nhớ lại khoảng thời gian mình bị cấu trúc 3 hồi ám ảnh. Tất cả đều hời hợt, miễn cưỡng, phán xét, thiếu logic (maybe lúc đó mình yếu kém :))) nhưng đúng là 3 Hồi sẽ giết chết biên kịch. Quên cấu trúc đi và tập trung vào nhân vật. Anh ta sẽ làm điều anh ta muốn làm 🙂
Hồi mình viết kịch bản điện ảnh gần đây cũng bị vấn đề khi bám sát cấu trúc tạo ra cảm giác nhân vật bị yếu đi. Sau đó mình bỏ qua cấu trúc, tập trung vào nhân vật, nhờ vậy cảm giác giải quyết được nhiều vấn đề và nội dung câu chuyện cũng mạnh hơn.