Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng cứ 3 năm chúng ta lại gặp vấn đề với công việc 1 lần, dù bạn là ai hay bạn làm công việc gì. Vấn đề này xảy ra khi bạn cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, chán nản, mất hết mọi động lực và hứng thú với công việc mà bạn đang làm. Họ gọi đó là thời kỳ khủng hoảng. Sự khủng hoảng này, tôi không biết ở những ngành nghề khác thế nào, nhưng đối với ngành sáng tạo nói chung và với những người làm nghề viết lách nói riêng, tôi đã gặp kha khá trường hợp như vậy, cũng như bản thân tôi đã và đang trải qua thời kỳ khủng hoảng đó.
Thật không phải nếu nói rằng tôi đang làm trong ngành sáng tạo, vì những việc mà tôi đang làm để kiếm cơm mấy tháng qua chẳng có chút gì là sáng tạo cả, dưới góc nhìn của tôi là thế. Dù vậy, nó vẫn gần với những gì tôi muốn, vậy nên cũng không quá tẻ nhạt. Thế nhưng, điều đó cũng không thể giữ cho bản thân tôi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng luôn chực chờ.
Một người thầy của tôi từng nói: “Em bắt đầu làm một việc vì điều gì, điều đó sẽ giữ em lại. Nếu em làm việc vì tiền, khi không nhìn thấy tiền em sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu em làm vì đam mê, em sẽ cảm thấy hạnh phúc chừng nào em vẫn còn giữ được đam mê đó”. Điều tệ hại là, khi lớn lên, chúng ta đôi khi phải lựa chọn giữa tiền với đam mê, nhưng có những khi chúng ta chẳng có cả hai thứ đó để mà lựa chọn.
Trong Luật Miranda có đoạn thế này: “Những gì bạn nói có thể được dùng làm bằng chứng chống lại bạn trước tòa”. Nếu xét ở một ngữ cảnh thoáng hơn, điều này cũng có nghĩa tương tự với việc “nếu bạn để lộ ra điểm yếu nào của bản thân, bạn sẽ bị tổn thương tại chính điểm yếu đó”. Khi bạn còn là một đứa trẻ, bố mẹ bạn, bạn bè bạn, thầy cô bạn đánh đập bạn, xúc phạm bạn, tổn thương bạn, nhưng bạn chẳng thể làm gì họ, vì họ bảo rằng họ làm vậy vì họ yêu thương bạn, và bạn nghĩ rằng họ thật sự yêu thương bạn. Mọi đứa trẻ đều cần đến tình yêu thương, đó là điểm yếu của chúng. Khi lớn lên, bạn đối mặt với nhiều thứ hơn: tình yêu, tiền bạc, gia đình, sự nghiệp, đam mê, thành công… Bạn cần phải có những thứ đó để có thể tồn tại. Và đó trở thành điểm yếu của bạn. Bạn cần được ở lại công ty, ông sếp bạn biết thế, và bắt bạn làm thêm giờ. Bạn yêu một cô gái, cô ta biết điều đó, và một nửa tháng lương của bạn bay theo son môi với hoa hồng và đồ trang sức. Bạn muốn kiếm thật nhiều tiền, mấy tay đa cấp biết thế, và tiền dưỡng già của bố mẹ bạn bay theo mớ bột đậu của Amway với Thiên Ngọc Minh Uy. Bạn muốn trở thành nghệ sĩ, mấy gã bầu show biết thế, thế là bạn lao đầu vào làm những việc chẳng liên quan cho gã với lời dụ dỗ “nếu muốn thành nghệ sĩ, em phải trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, mà không được nhận lương, vì nghệ sĩ thì không được nghĩ đến tiền bạc”. Để đạt được điều bạn muốn, bạn cần một cơ hội. Những con linh cẩu quanh bạn biết điều đó, chúng quăng cho bạn một miếng thịt ôi, bảo rằng: “Tao đang cho mày cơ hội đấy, mau bắt lấy đi” và dù bạn không hề thích thú, nhưng bạn đang quá đói, và bạn nghĩ rằng đó là “cơ hội”, vậy nên bạn miễn cưỡng bắt lấy, rồi sau đó lũ linh cẩu ấy vừa xông vào cắn xé bạn, uống máu bạn, nhai nuốt bạn, vừa nhắc đi nhắc lại rằng: “Mày phải biết ơn tao vì đã cho mày cơ hội. Mày phải biết ơn tao vì đã cho mày cơ hội. Mày phải biết ơn tao vì đã cho mày cơ hội”. Bạn đau đớn, chết dần trong sự “biết ơn” ấy, nhưng bạn không thể nhận ra, dù cho có nhận ra, dù có đau đớn bạn cũng không thể kêu lên vì nếu mở miệng ra bạn sợ sẽ làm rơi mất “cơ hội” mà khó khăn lắm bạn mới có được. Đến cuối cùng, khi bữa ăn kết thúc, bạn chỉ còn lại là một miếng thịt ôi, “cơ hội” cho một con mồi khác. Lũ linh cẩu lại phễnh bụng, no căng, còn bạn thì vẫn đang rất “biết ơn” trong bụng chúng.
Tôi chẳng thể nhớ được tôi đã bị ăn thịt bao nhiêu lần. Nhưng cảm giác đau đớn ấy vẫn tồn tại trong từng thớ thịt, vẫn khiến tôi rỉ máu mỗi khi chạm vào. Sau mỗi lần trở thành bữa ăn cho lũ linh cẩu, tôi đã dần dần nhận ra, và tránh né được những cái bấy “cơ hội” như vậy, dù không phải lúc nào tôi cũng né được. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, càng ngày, càng có nhiều có nhiều con linh cẩu khác mò tới và tìm cách xơi tái tôi, bằng những miếng mồi mà miếng sau bốc mùi hơn miếng trước. Lũ linh cẩu khốn kiếp đó, dường như càng ngày càng đói hơn; và cái mùi của chúng, luôn khiến tôi lợm giọng.
Tôi từng cố gắng giúp đỡ vài con cừu khác tránh khỏi bẫy của lũ linh cẩu. Nhưng những con cừu ấy lại cắn vào mông tôi để trả ơn. Giờ thì chúng nó đang nằm trong bụng mấy con linh cẩu kia cả rồi.
Có câu nói thế này: “Những gì không giết được bạn, sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Câu đó có ích khi cần an ủi ai đó. Nhưng nếu bạn đã trải qua quá nhiều nỗi đau mà vẫn chưa thể chết đi, thì cái mà bạn có được không phải sự mạnh mẽ, mà là sự mệt mỏi, đau đớn, khổ sở, cô đơn, tuyệt vọng mà chẳng ai có thể hiểu; hay đúng hơn là chẳng ai thèm hiểu.
Từ khi bắt đầu đi theo con đường này, tôi đã trải qua khá nhiều lần suýt chạm đến mức khủng hoảng. Đúng hơn là, tôi đã gặp phải khủng hoảng khá nhiều lần. Tất cả vẫn luôn xoay quanh câu chuyện Đam Mê & Tiền Bạc. Tôi luôn cố gắng để giữ được đam mê và kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Nói thẳng ra, tôi muốn kiếm được tiền từ chính đam mê của mình. Đó là lời khuyên mà bạn thường gặp trong những quyển sách dạy làm giàu. Và đó cũng chính là lời khuyên tệ hại nhất. Tất nhiên, với một đứa trẻ 19 tuổi thì đó lại là một ý tưởng tuyệt vời, là kim chỉ nam cho cuộc đời. Một giấc mơ đẹp. Và mọi giấc mơ đều chỉ đẹp cho đến khi bạn tỉnh giấc. Tôi đã tỉnh giấc một cách đau đớn vài năm sau đó. Công đầu thuộc về lũ linh cẩu. Nhưng sự đẹp đẽ của giấc mơ vẫn cứ ẩn hiện, len lỏi vào tiềm thức mỗi khi tôi nhắm mắt, để mỗi ngày khi tôi thức giấc, tôi lại cảm thấy đau đớn hơn. Đôi khi, bạn cảm thấy đau đến mức chỉ muốn được giải thoát khỏi cuộc đời này ngay lập tức. Với tôi, nỗi đau đó vẫn đang ở đây, ngay lúc này, siết chặt lấy cổ tôi, kể cả khi tôi đang gõ những dòng chữ này.
Rất khó khăn để có thể chấp nhận rằng, khi bạn biến giấc mơ, biến đam mê trở thành công việc, bạn sẽ mất đi giấc mơ, mất đi niềm đam mê đó. Nhưng thực tế là như vậy. Rất khó khăn để bạn có thể tồn tại bằng giấc mơ, bằng đam mê, chứ đừng nói đến việc sống với nó. Chẳng ai quan tâm đến giấc mơ, đến đam mê của bạn cả. Mỗi người đều chỉ quan tâm đến bản thân họ thôi. Bà chủ nhà sẽ chẳng quan tâm nếu đến ngày đóng tiền nhà mà bạn vận chưa được công ty trả lương. Công ty sẽ chẳng quan tâm bạn sẽ phải ra đường nếu họ không trả lương đúng ngày cho bạn. Khách hàng sẽ chẳng quan tâm bạn đang tạo ra một kiệt tác tuyệt vời thế nào mà chỉ cần nó giống với những gì họ muốn. Những tay bầu show sẽ chẳng quan tâm kịch bản của bạn chất lượng cỡ nào mà chỉ cần nó rẻ và có thể lấy mà không cần trả tiền trước cho bạn thôi. Chẳng ai quan tâm đến bạn. Chẳng ai cần nghĩ cho bạn. Mọi người đều muốn bạn tắm rửa sạch sẽ, nằm lên bàn ăn và trở thành bữa tối cho họ thôi. Nếu bạn không thể trở thành thức ăn cho họ, bạn sẽ thành một bịch rác mà họ sẽ rất vui vẻ quẳng đi thật xa. Chẳng ai cho không ai cái gì cả. Kể cả bố mẹ bạn.
Ủa mà khoan, chủ đề bài này là gì vậy?
Có những giai đoạn nhất định trong cuộc đời, bạn rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Ở thời kỳ này, bạn cảm thấy kiệt sức, cạn năng lượng, không còn động lực, không còn cảm hứng để làm bất cứ việc gì, kể cả ăn, ngủ (hay thủ dâm). Mỗi ngày của bạn trôi qua một cách nhanh chóng đến mức bạn không kịp nhận ra. Đôi khi, bạn muốn làm gì đó để thoát khỏi tình trạng này, nhưng bạn không biết phải làm gì cả. Bạn nhìn vào mớ tài liệu dày cộp trên bàn mà chẳng buồn mở chúng ra. Bạn mở máy tính lên và để cho Facebook, Youtube hay mấy trang xem phim chiếm trọn màn hình. Bạn muốn viết gì đó, bạn cầm bút lên, nhưng đầu óc bạn trở nên trống rỗng khi nhìn vào trang giấy trắng. Bạn xách máy ảnh lên và chẳng biết phải chụp gì. Bạn ra quán cafe và dành vài tiếng sau đó ngồi nhìn ly cafe tan dần hay không gian buồn tẻ xung quanh. Bạn không thể tưởng tượng nữa. Bạn không thể suy nghĩ nữa. Bạn không biết mình phải làm gì nữa.
Bạn không còn cảm hứng sáng tạo nữa.
Bất kỳ ai làm công việc sáng tạo cũng gặp điều này vài lần trong đời. Đâu đó có thống kê rằng chu kỳ này lặp lại 3 năm 1 lần. Thường là vậy. Nguyên nhân được biết đến là do việc lặp đi lặp lại công việc liên tục, stress, cạn ý tưởng, quá tải… Nhìn chung là, do não chúng ta đã cho ra hết tinh hoa, nên đến lúc nó cần thay túi lọc mới.
Tất nhiên, có rất nhiều cách để vượt qua tình trạng khủng hoảng này. Bạn có thể tìm thấy những bài viết về cách lấy lại cảm hứng rất dễ dàng trên mạng. Nhưng không ai nói với bạn rằng, không phải lúc nào thuốc cũng có tác dụng ngay lập tức. Phần lớn chúng ta đều tìm đến thuốc khi chỉ vừa chớm bệnh. Nhưng bạn có để ý, chỉ một thời gian sau, bạn sẽ bệnh lại, và lại cần đến thuốc? Sáng tạo cũng vậy. Sáng tạo cần cảm hứng. Bạn có thể giữ cảm hứng bằng việc làm việc mỗi ngày. Nhưng khi cảm hứng của bạn hết, điều bạn cần không phải là lôi đầu nó ra bằng mọi giá, mà ngay lúc đó bạn cần phải nghỉ ngơi. Lý thuyết là vậy, nhưng mấy con linh cẩu khốn nạn quanh bạn chẳng quan tâm bạn mệt mỏi hay cần nghỉ ngơi thế nào đâu.
Tôi từng quen một biên kịch. Chị ấy vào nghề cùng lúc với tôi. Chị ấy rất giỏi, tôi nghe nói vậy. Trong 3 năm đầu sự nghiệp, chị ấy chuyên viết kịch bản phim truyền hình thể loại hành động – hình sự, một thể loại hot và được tính nhuận bút cao hơn thể loại mẹ chồng nàng dâu bình thường. Rồi sau đó, đúng 3 năm, tôi nghe nói rằng chị ấy bị trễ deadline, và có vẻ như chị ấy không còn viết được nữa. Tôi không biết hiện giờ chị ấy thế nào, nhưng khi ấy, tôi biết rằng chị ấy đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chị ấy viết đơn độc, một mình một ngựa, suốt 3 năm chỉ đúng 1 thể loại đó, đúng 1 kiểu phim đó, liên tục, đều đặn như một con bò sữa trong nhà máy Truemilk vậy. Rồi sau 3 năm cho sữa liên tục không ngơi nghỉ, đương nhiên là cạn sữa. Lúc này, chị ấy cần nghỉ ngơi. Nhưng mấy tay đạo diễn, sản xuất không muốn thế. Chị ấy cũng không muốn thế. Và chị ấy phải trả giá.
Có nhiều biên kịch mà tôi biết, khi gặp khủng hoảng, họ không thể vượt qua, và sự nghiệp của họ kết thúc. Có những người phải rất lâu sau mới có thể quay trở lại được, nhưng số đó là rất ít. Ngay cả những biên kịch đã làm việc với tôi hơn 3 năm, họ cũng không vượt qua được.
Cá nhân tôi gặp khủng hoảng nhiều hơn một chút. Tôi là người khá tham vọng và cầu toàn trong công việc. Tôi luôn muốn mọi thứ diễn ra như trong đầu tôi đã tưởng tượng. Vậy nên những người làm việc chung với tôi chịu áp lực rất lớn khi phải chạy theo cho kịp tốc độ và yêu cầu của tôi. Rất ít người làm được điều đó. Tôi cũng không thuộc tuýp người kiên nhẫn. Tôi luôn cảm thấy lo lắng, khó chịu mỗi khi phải chờ đợi quá lâu. Vậy nên tôi không hề phù hợp với nghề biên kịch, nơi mà người ta mất vài tháng để có kết quả duyệt kịch bản và mất vài năm cùng vài vụ kiện để nhận được một phần tiền nhuận bút vốn đã ít ỏi. Dù vậy, trong những năm đầu tiên, tôi vẫn cố gắng viết. Không phải vì tôi quá yêu nghề, mà vì tôi muốn lôi hết những thứ trong đầu ra giấy, để nó không còn làm phiền tôi nữa. Chỉ vậy thôi. Tôi đã từng thử cố gắng hòa nhập với thế giới quan của các nhà sản xuất, đạo diễn và biên tập khác nhưng không thể. Tôi không thể hòa nhập được. Vậy nên tôi quyết định rút lui và chuyển nghề. Ít ra sau đó tôi cũng dễ thở hơn. Dù vậy, không hẳn là tôi ngừng viết. Tôi không viết kịch bản để bán. Tôi viết kịch bản cho bộ phim mà tôi muốn làm, cho bộ phim mà tôi muốn xem. Tôi viết ra giấy bộ phim đang chiếu trong đầu tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái và vui vẻ hơn sau khi viết ra được hết những hình ảnh đó.
Chính vì tôi luôn gấp rút trong mọi việc, nên tôi dễ bị stress hơn, cũng như dễ bị khủng hoảng hơn. Có những khoảng thời gian, tôi chẳng thể nghĩ được gì cả. Tôi không thể viết, vẽ, chụp ảnh hay suy nghĩ, tưởng tượng được bất cứ điều gì. Đôi khi, khủng hoảng đến ngay khi tôi vừa nhận dự án mới, và đó thực sự là khoảng thời gian kinh hoàng. Tôi không thể sáng tạo, còn những người làm cùng tôi thì không đủ năng lực như tôi mong muốn. Có đôi khi, khủng hoảng đến khi tôi thất nghiệp suốt một thời gian, không tiền, nợ nần, trong khi tiền nhà tới liên tục. Đói khát, không tiền, không công việc trở thành một thứ áp lực khiến tôi không thể suy nghĩ ra ý tưởng mới. Có đôi khi, tôi khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, sống một cách thoải mái, vui vẻ, và cũng chẳng nghĩ được gì.
Nói chung, khủng hoảng có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Có người chỉ mất vài ngày để hồi phục và vượt qua. Có người mất vài tháng. Có người mất vài năm. Có người không thể vượt qua được.
Bạn có thể thắc mắc, suốt bài viết này, tôi viết về khủng hoảng, nhưng không hề nhắc tới cách vượt qua nó. Thực tế thì không có một cách cụ thể để vượt qua khủng hoảng. Mỗi người sẽ có cách xử lý và vượt qua khác nhau. Nhưng vẫn có vài điểm chung. Đó là khi rơi vào trạng thái khủng hoảng, đừng cố gắng làm việc ngay, mà hãy nghỉ ngơi thật thoải mái 1-2 ngày. Kệ mẹ deadline. Kệ mẹ đám linh cẩu đang gầm gừ bạn. Kệ hết đi. Chúng chẳng hề quan tâm hay muốn bạn nghỉ ngơi đâu. Chúng chỉ muốn bạn làm việc đến chết thôi. Nếu bảo hiểm của bạn đề tên chúng thụ hưởng thì càng tốt. Vậy nên đừng quan tâm đến chúng. Khi bạn phải nghỉ ngơi, thì hãy nghỉ ngơi. Đi ăn, đi chơi, đi massage, đi ngủ… hãy làm những gì bạn cảm thấy thoải mái nhất. Khi bạn đã cảm thấy thực sự thoải mái, hãy ngồi vào bàn và thử làm một cái gì đó khác. Bạn có thể vẽ, gấp giấy, sáng tác nhạc, trang trí lại phòng ốc, dọn dẹp bàn làm việc, viết tất cả những gì bạn nghĩ ra giấy, làm tất cả bằng bàn tay và ngón tay bạn. Từ từ, từng chút một, cố gắng làm mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Hãy để cho bản năng của bạn được bộc lộ. Khi bản năng của bạn trở nên thoải mái hơn, khi đó cảm hứng có thể sẽ quay trở lại.
Thời kỳ khủng hoảng sáng tạo xảy ra phổ biến với người lớn, nhưng không hề xảy ra với trẻ con. Đơn giản bởi vì nguyên nhân chính dẫn đến sự khủng hoảng này là stress. Chúng ta stress bởi áp lực công việc, bởi thực tế, bởi những quy tắc, bởi luật lệ, bởi cái tôi, bởi sự sợ hãi, bởi danh tiếng, bởi gánh nặng tiền bạc… Trẻ con không có những thứ đó, vậy nên chúng có thể sống rất vui vẻ và sáng tạo một cách thoải mái theo bản năng và trí tưởng tượng của chúng. Để duy trì sức sáng tạo, nhiều chuyên gia khuyên rằng, chúng ta nên giữ bản thân một trạng thái trẻ con nhất định. Tôi thì nghĩ rằng, đôi khi, ngoài đứa trẻ bên trong ra, chúng ta cũng cần thêm một kẻ tâm thần nữa. Sự điên rồ là cần thiết nếu bạn muốn tạo ra sự khác biệt.
Bài viết này là bài viết đầu tiên được thực hiện sau 2 tuần tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái khủng hoảng. Cũng như những bài viết trước trên blog này, tôi viết theo dòng suy nghĩ trong đầu chứ không hề có bất kỳ một dàn ý nháp nào trước đó. Thật ngạc nhiên là nó dài gấp đôi so với những bài viết trước.
Tôi muốn viết bài này, chỉ một lý do đơn giản, là muốn chia sẻ cảm xúc sau khi vừa qua khỏi một thời kỳ khủng hoảng sáng tạo. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng với những bạn đang gặp khủng hoảng sáng tạo, bài viết này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Và để kết thúc dài hơn 3000 từ này, tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn:
NẾU BẠN KHÔNG MUỐN BỊ RƠI VÀO KHỦNG HOẢNG SÁNG TẠO, HÃY NGHỈ NGƠI HỢP LÝ, VUI CHƠI THẬT NHIỀU, VÀ TRÁNH XA LŨ LINH CẨU RA.
©yooribae
Hi Yooribae.
Mình không biết tên của bạn nhưng mình thấy được con người mình thông qua những con chữ của bạn.
Mình cũng là một biên kịch trẻ (chính xác là mình làm phim chứ không hoàn toàn viết) ở nước ngoài. Bạn biết ở Việt Nam khó khăn như nào thì một thị trường lớn hơn, cạnh tranh hơn và phân biệt chủng tộc hơn nó sẽ thế nào rồi đấy.
Chúng ta trẻ, và đó là điều duy nhất chúng ta có. Điều đó vẫn chưa đủ tồi tệ nên ông trời cho chúng ta thêm đức tính hấp tấp, hối hả và háo thắng.
Đừng bỏ cuộc nhé yooribae, hãy cứ viết, cứ kể chuyện, cứ phấn đấu vì chắc chắn sẽ có một người lắng nghe bạn, đọc câu chuyện của bạn.
DNV
P/s: hy vọng biết tên thật của yooribae.
Hi DNV,
Những lời cổ vũ của bạn đã tiếp thêm sức mạnh cho mình rất nhiều. Rất rất cảm ơn bạn.
Mình cũng chỉ là một người trẻ, thích xem phim, muốn làm phim và cố gắng hết sức để thỏa mãn ước mơ của bản thân.
Bất kỳ ai một khi đã lựa chọn theo đuổi con đường khác với số đông đều sẽ có những lúc cảm thấy cô đơn và mệt mỏi. Bản thân mình cũng đã có lúc bỏ cuộc, nhưng rồi có gì đó vô thức níu giữ mình lại, kéo mình đến trước bàn phím và bắt đầu gõ từng dòng kịch bản.
Mình vẫn viết kịch bản, không nhiều lắm nhưng mỗi ngày một ít. Mình không còn đi theo công việc biên kịch nữa, ít nhất là thời điểm này. Vậy nên mình có thể thoải mái hơn, không còn phải viết theo ý người khác muốn, mà có thể tự do viết ra những gì mình muốn làm, những gì mình muốn xem.
Cuộc sống vẫn luôn khó khăn, nhưng miễn chúng ta vẫn còn giữ được ước mơ của bản thân, thì con đường chúng ta đi dù nhiều chông gaivẫn là con đường đẹp nhất.
À, tên thật của mình là Hiếu. Lê Hiếu.
Reblogged this on An Hi.
Cảm ơn Anh rất nhiều về bài viết này!!