[Kịch bản 101] #8: Time Lock

Mấy phần kỹ thuật này khá ngắn gọn, mà tôi cũng lười nữa, nên sẽ không đặt tên màu mè nữa nhé. Mỗi lần ngồi nghĩ tên cho bài viết thôi cũng mất vài tiếng ấy.

Lẽ ra theo trình tự, sau bài #7 vừa rồi, tôi sẽ nói thêm về một số vấn đề quan trọng khác như “Cảnh mở đầu”, “Cảnh trình đề”, “Tạo kịch tính”, “Mc Guffin”… Nhưng mấy cái đó với người mới thì hơi khó hiểu chút, nên tôi sẽ bắt đầu bằng vài kỹ thuật kể chuyện cơ bản.

Trong những bài trước tôi có nói rằng, kịch bản là một chuỗi những kỹ thuật. Thực tế là vậy. Bạn sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau trong kể chuyện để làm câu chuyện của bạn trở nân hấp dẫn. Kỹ thuật mà tôi giới thiệu đến bạn ngày hôm nay là một trong số đó.

KỸ THUẬT CHỐT CÀI / TIME LOCK

08

Định nghĩa về Chốt cài ở trong hình trên. Để bạn dễ dàng tưởng tượng, tôi đã chọn hình ảnh biểu trưng cho kỹ thuật này là một quả bom hẹn giờ. Khi nhắc đến “quả bom hẹn giờ” bạn có cảm thấy quen thuộc không? Đúng vậy, phần lớn các phim hành động Holywood đều có cái vật này. Nói một cách đơn giản, Chốt cài / Time lock là một kỹ thuật trong đó nhân vật buộc phải hoàn thành một việc gì đó vào đúng khoảng thời gian nào đó. Vài ví dụ có thể kể đến như là: học sinh phải đến lớp đúng giờ kiểm tra, nhân viên phải có mặt ở công ty trước khi sếp đến, chai sữa phải được uống trước khi hết hạn sử dụng… Bạn có thể nhìn thấy Time lock ở khắp nơi trong cuộc sống thường nhật. Đúng hơn, Time lock gần như gắn liền với mọi hoạt động của con người chúng ta.

Kỹ thuật này khá đơn giản, nhưng lại có hiệu quả lớn trong việc thúc đẩy hành động tiến lên. Trong quá trình phát triển truyện phim, sẽ có nhiều lần bạn cảm thấy câu chuyện rơi vào bế tắc. Bạn cảm thấy câu chuyện giờ đây chán phèo, chẳng có chút kịch tính nào, chẳng có gì hấp dẫn. Hãy thử áp dụng chốt cài vào truyện phim của bạn xem sao. Hãy áp dụng chốt cài vào phim, để thổi vào câu chuyện nhàm chán một luồng sinh khí mới, khôi phục lại sức căng cho nó. Phần lớn những phim hồi hộp (thriller) đều dựa trên nguyên lý về chốt cài: nhân vật phải làm sao đến được ngôi nhà của mình trước tên giết người (kẻ đang lảng vảng quanh đó) vì vợ của nhân vật đang ở một mình và không biết rằng bản thân đang bị đe dọa. Ví dụ khá chán, đúng không? Nhưng chính nhờ thế mà mạch phim mới thông suốt. Tất nhiên là bạn có thể làm tốt hơn thế.

Chốt cài cho phép hành động vào một khuôn phép, ranh giới rõ ràng. Nhờ vậy bạn có thể tránh khỏi những tình tiết tản mạn và đồng thời bố trí được một màn “thắng thua cụ thể” (sẽ nhắc tới trong bài khác). Đây không phải cái mẹo rẻ tiền, với điều kiện là bạn phải tìm cách sử dụng nó một cách có suy xét. Cái chốt cài đòi hỏi hành động phải có một mở đầu, một thân giữa, một kết thúc. Bạn thấy quen không? Giống cấu trúc 3 hồi đấy. Thực ra quy tắc này có một phạm vi áp dụng rất rộng. Đó là lý do tôi luôn nhắc bạn phải nắm vững cấu trúc 3 hồi. Chốt cài có nhiệm vụ khởi đầu thì khóa lại, sau đó thì mở khóa (tương tự kỹ thuật thắt nút/cởi nút mà một bài nào đó sau này tôi sẽ nói tới). Khi chốt cài được đặt vào chỗ, khán giả sẽ buộc phải tự nêu lên câu hỏi: Liệu nhân vật có thể tới được đó không? Để tháo cái ngòi nổ đó, để cứu lấy người yêu dấu? Và rồi cuối đoạn hành động, khán giả có thể tự nhủ: “Phù, may quá hắn thành công rồi” hoặc “Tiên sư cái con biên kịch, sao mày lại giết nó?”.

Kỹ thuật chốt cài gắn liền với khái niệm “Thời gian” trong phim. Thời gian không phải là một khái niệm trừu tượng. Khán giả chờ đợi Thời gian vung lưỡi hái. Thời gian là một cái gì đó rõ ràng, hoàn toàn có thể nhận dạng được. Cái cách thức cấp cho thời gian một cái hạn định trước khi kết liễu, là một kỹ thuật hàng đều dễ chọn, dễ xài và đắc biệt hiệu quả trong việc tạo ra kịch tính.

Cái chốt cài (Time lock) là một phương thức đặc biệt thuận tiện mà bất kỳ biên kịch nào cũng phải dựa vào, nếu như muốn cái kịch bản của mình quay phim được. Thật vậy, không phải chỉ có “ý hay” là đủ đâu. Cái hay của tình tiết, cái cấu trúc không phụ thuộc vào khả năng tưởng tượng của biên kịch, mà là vào sự tinh thông nghề nghiệp. Hiểu được cái bạn muốn viết là một chuyện, biết rõ những cơ cấu giúp cho bạn kiểm soát, vận hành một truyện phim lại là chuyện khác. Kỹ thuật chốt cài là một quân bài nghệ thuật cần thiết cho những ai muốn thực hiện tốt một công trình viết lách.

Trong số các bạn đọc bài viết này, có lẽ cũng có vài bạn sẽ có suy nghĩ coi thường mấy cái mẹo kiểu này, và cho rằng mấy thứ như này “xoàng” lắm. Tôi xin chúc bạn may mắn với cái suy nghĩ đó. Cái thái độ coi thường đó sẽ chỉ khiến bạn có nguy cơ chệch hướng, không có mục tiêu, làm cho người xem chán nản, và gây nguy hại đến cái nghề viết lách của bạn thôi.

Bạn hãy nhớ rằng, nhân vật của bạn làm méo gì có thời gian chuyện trò vô bổ, khi mà họ được tin là có tên giết người nào đó lảng vảng quanh đây, hay là một ông chồng ghen tuông sẵn sàng nhảy bổ ra bất kỳ lúc nào. Trong một cái phim hay, nhân vật chính luôn luôn bị sức ép, và họ không rảnh để mà hãm nhịp độ hành động, để mà cùng nhau ngồi thuyết giảng sự đời, về những vấn đề đạo đức hay kinh tế Cuba. Họ, các nhân vật trong phim, buộc phải làm cái gì đó MỌI LÚC. Vậy thì, từ khi bạn bắt đầu có ý niệm về việc cái phim của bạn sẽ ra làm sao, về cái không khí chung của những xung đột chính sẽ xảy ra trong phim, thì trước tiên, hãy tìm xem bằng phương pháp tường thuật nào để bạn có thể làm cho các chi tiết khác nhau đó vận động và làm cách nào để bạn có thể liên kết chúng lại với nhau.

Từ nay, khi đọc truyện, xem phim, hãy thử để ý xem các chốt cài trong truyện, trong phim nằm ở chỗ nào, và xem cách mà tác giả xử lý những chốt cài đó ra sao. Còn nếu bạn rảnh hơn nữa, hãy thử tìm đọc lại những tác phẩm của Shakespeare như Romeo & Juliet hay Hamlet… Ở đó, bạn sẽ nhận ra rằng, ngay cả Shakespeare cũng chẳng hề lùi bước trước cái mẹo cũ mèm rẻ tiền này. Không có cái gì xấu hổ cả. Ngay cả các tác giả hàng đầu tài năng nhất cũng đều dựa vào nó, cái chốt cài / time lock ấy, với sự trông minh và tinh vi của những tay nghề tuyệt đỉnh. Cái đó, nếu nhìn sơ qua sẽ không nhận ra đâu, nhưng họ đã làm thế mà không có một chút ngập ngừng nào hết.

Nói tóm lại, nếu câu chuyện của bạn quá nhạt nhẽo, thì đã đến lúc vặn dây cót đồng hồ.

©yooribae

6 Replies to “[Kịch bản 101] #8: Time Lock”

  1. đang lò mò tìm hiểu cách biên kịch để làm những phim ngắn phục vụ cho social media thì gặp được blog này . Rất tuyệt luôn bạn. Cám ơn bạn rất nhiều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *