[Kịch bản 101] #20: 5 cách bắt đầu bộ phim của bạn

Một người bạn từng nói với tôi thế này: “Bắt đầu một câu chuyện cũng giống như bắt đầu một mối quan hệ mới vậy. Bạn không biết phải mở lời thế nào, bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, bạn không biết phải dùng hành động hay biểu cảm gì, bạn sợ rằng nếu bạn làm gì đó sơ suất, bạn có thể mất đi cơ hội tiếp cận người đó. Sự lo lắng ấy, khiến bạn cẩn trọng hơn, nhưng cũng có thể khiến bạn bỏ lỡ khoảnh khắc thích hợp để bắt đầu”. Nghe có lý ha. Bạn có bồ rồi thì nói sao chẳng được. Khác gì mấy ông tỷ phú bảo “Cứ chăm chỉ sẽ giàu” đâu.

Cá nhân tôi, người vẫn đang trong tình trạng độc thân, thì bắt đầu một câu chuyện có khi lại dễ hơn bắt đầu một mối quan hệ. Vì bạn có thể dễ dàng bắt đầu một câu chuyện chỉ với vài kỹ năng và chiêu trò nho nhỏ, còn bắt đầu một mối quan hệ thì cần phải chân thành.

Dưới đây là 5 cách phổ biến để bắt đầu một câu chuyện/một bộ phim mà chắc hẳn bạn đã từng gặp qua. Đó là gì nào?

5 CÁCH BẮT ĐẦU BỘ PHIM CỦA BẠN

1. Ảnh mẫu

Bạn có từng nghe đến từ “bưu thiếp” chưa? Bưu thiếp là những tấm ảnh với mặt trước thường là phong cảnh của một địa danh nổi tiếng, còn mặt sau có chỗ dán tem và vài dòng ghi chú. Ngày xưa, khi internet chưa phát triển, khách du lịch khi đến địa điểm tham quan thường sẽ mua những tấm bưu thiếp có hình ảnh địa danh đó và gửi về khoe với bạn bè, người thân ở nhà. Ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy những tấm bưu thiếp đó ở khu Bờ Hồ (HN), Nhà Thờ Đức Bà (HCM) hay ở những quầy bán đồ lưu niệm quanh mấy khu du lịch.

56711299_2089641368002553_5084411880535265339_n.jpg

Tại sao tôi lại nhắc tới “bưu thiếp” ở đây?

Khi nhắc tới New York, bạn nghĩ tới hình ảnh gì? Tương tự, khi nhắc tới Paris, London, Hội An, Hà Nội, TP.HCM, Sydney… hình ảnh nào hiện lên trong đầu bạn đầu tiên?

Trừ khi bạn có bồ đang ở một trong mấy nơi đó, còn bình thường thì mọi người sẽ phần nào liên tưởng tới tượng Nữ Thần Tự Do, tháp Eiffel, đồng hồ Big Bang, hồ Gươm, chợ Bến Thành… hay những địa điểm du lịch có liên quan. Những hình ảnh thường xuất hiện trên bưu thiếp.

Giờ thì, mọi thứ có liên quan rồi đó.

Postcards-1460x973.jpg

Khi bạn xem phim, nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều bộ phim bắt đầu bằng cảnh thành phố tấp tập, quảng trường, mấy bức tượng to bự, vài tòa nhà có treo quốc kỳ, hoặc một cung đường quốc lộ có bảng chỉ đường được viết bằng ngôn ngữ kỳ lạ và dấu quốc kỳ/quốc huy một nước nào trên đó. Đó, là “ảnh mẫu”.

Ảnh mẫu là một phương pháp cổ xưa, nói đơn giản là dùng những hình ảnh biểu trưng của một địa danh nằm giới thiệu địa điểm, bối cảnh (cùng với thời gian) bộ phim bắt đầu. Bộ phim của bạn diễn ra ở Hà Thành những năm 1930? Mở đầu bằng cảnh Hồ Gươm, chuyển qua cảnh Nhà Hát Lớn treo cờ Pháp, trước nhà hát treo một tấm băng rôn quảng bá vở diễn vào năm 1930. Xong. Bạn muốn kể một câu chuyện xảy ra ở TP.HCM thời hiện đại? Mở đầu bằng ảnh tòa nhà Landmark, Bitexco, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành… Đơn giản vậy thôi.

travelbeckons_vietnam_hcm_sagionpostoffice.jpg

Ảnh mẫu là một phương pháp thường bị đánh giá thấp, nhất là từ khi phong trào Save The Cat (not from PETA) trở nên thịnh hành. Nhiều biên kịch cho rằng một bộ phim nên được mở đầu bằng một cảnh gì đó ấn tượng. Cách đó không sai. Tôi cũng hay dùng cách đó. Tuy nhiên, nếu bộ phim của bạn là phim thiếu nhi hoặc phim tình cảm hài/ngôn tình/lãng mạn/nhẹ nhàng, thì một bộ phim bắt đầu bằng cảnh nam chính lái xe tông nữ phụ rõ ràng không được “nhẹ nhàng” cho lắm. Nếu phim của bạn là một phim có yếu tố gay cấn, giật gân, kinh dị… thì cảnh mở đầu mạnh mẽ là một ý không tồi. Nhưng nếu bạn đang kể một câu chuyện bình dị, nhẹ nhàng, trong trẻo; thì bắt đầu phim một cách đơn giản, không quá phô trương, màu mè sẽ giúp khán giả cảm thấy thoải mái hơn.

2. Cảnh ấn tượng

Phương pháp yêu thích của rất nhiều nhà làm phim. Bộ phim mở đầu bằng một cảnh ấn tượng, một cảnh nguy hiểm, thường là cảnh lấy từ đoạn giữa hoặc gần cuối truyện phim; sau đó bộ phim quay lại khoảng thời gian trước khi cảnh phim bắt đầu, khiến khán giả tò mò, hồi hộp, cố gắng nín tè ngồi xem tới cùng để hiểu xem tại sao cái cảnh ở đầu phim lại xảy ra và kết cục của cảnh đó như thế nào. Trò này được sử dụng khá nhiều, nhất là đối với những phim thuộc thể loại hành động, trinh thám – hình sự.

Yếu tố chính của phương pháp này là, bạn dùng một mồi nhử, một móc câu (hook), kích thích, lôi kéo sự tò mò của khán giả, giữ chân họ ngồi lại theo dõi bộ phim tới cùng.

Ví dụ: Một người đàn ông tỉnh dậy và phát hiện ra mình bị chôn sống; câu chuyện quay lại 72 tiếng trước, kể khán giả nghe lý do tại sao anh ta bị rơi vào tình cảnh đó. Tương tự, trong nhiều phim truyền hình, tập phim mở đầu với một cảnh ở gần cuối phim, và khán giả buộc phải coi cả tập nếu muốn biết điều gì đang diễn ra.

Trong một trường hợp khác, bạn có thể mở đầu bằng một cảnh quá khứ (hoặc giấc mơ) của nhân vật, sau đó tiếp tục câu chuyện ở hiện tại, như cảnh mở đầu của phim truyền hình “Angel’s Last Mission: Love” dưới đây:

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, trong quy mô bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nói về “Cảnh mở đầu”. Có một số trường hợp đặc biệt, như phim Memento của Nolan có cách kể lật ngược câu chuyện cảnh cuối lên đầu cảnh đầu ra cuối. Phương pháp đó được gọi là “đảo cấu trúc”; và chúng ta sẽ nói về trò “đảo cấu trúc” này trong một bài khác.

3. Giới thiệu gián tiếp

Nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận ra, hai phương pháp vừa được giới thiệu ở trên có liên quan mật thiết đến Phương pháp 4W: When (Khi nào) – Where (Ở đâu) – Who (Ai) – What (Làm gì). Trong đó, “Ảnh mẫu” bắt đầu câu chuyện của bạn bằng Where – When (Ở đâu – Khi nào), còn “Cảnh ấn tượng” lại cho thấy Who – What (Ai – Làm gì).

Về lý thuyết, phần mở đầu phim thường dùng để giới thiệu nhân vật. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần phải bắt đầu phim bằng việc trưng ngay cái bản mặt của nhân vật chính cho khán giả xem.

Đôi khi, việc đi thẳng vào vấn đề có thể gây bối rối cho cả người xem lẫn người viết. Khi phim mới bắt đầu, khán giả sẽ chờ xem nhân vật chính xuất hiện như thế nào. Xuất hiện ngầu lòi như Captain Mông-Mỹ cũng khá hay, nhưng nếu nhân vật của bạn không ngầu lòi, cũng không có một cảnh đánh nhau cháy nổ hoành tráng nào để khoe mẽ, thì anh ta/cô ta/thí chủ buê đuê ấy… vẫn có thể được giới thiệu một cách gián tiếp đến khán giả thông qua một nhân vật khác. Cách này có thể tạo ra sự tò mò của khán giả về nhân vật, khiến khán giả chú ý đến nhân vật, rồi sau đó khi nhân vật xuất hiện, khán giả lúc này đã hoàn toàn bị cuốn vào câu chuyện của nhân vật này rồi.

Điển hình của kiểu “Giới thiệu gián tiếp” này là Anh-kẹ-đẹp-trai-yêu-chó John Wick. Trong “John Wick 2”, bộ phim mở đầu với cảnh ông chú có thằng cháu nghịch ngu kể cho lính ổng nghe John Wick là người thế nào.

Trong một bộ phim khác, “More Than Blue” (bản Hàn, 2009), phim bắt đầu bằng cảnh một ca sĩ đang bí ý tưởng cho bài hát mới, vô tình nghe được bài hát do nữ chính sáng tác, bèn đi tìm tác giả và được nghe kể lại câu chuyện phía sau bài hát. Khi câu chuyện chính của phim (mối tình của nam chính và nữ chính) được giới thiệu, thì lúc này khán giả đã yên vị và bắt đầu bị cuốn vào dòng chảy của phim rồi.

Như vậy, so với hai phương pháp trên, phương pháp “Giới thiệu gián tiếp” này có thể áp dụng cho nhiều thể loại khác nhau. Tuy vậy, bạn phải đảm bảo rằng phần giới thiệu gián tiếp phải vừa cung cấp đủ thông tin, vừa có tính thu hút để khán giả không bỏ đi trước khi nhân vật chính xuất hiện.

4. Tiếng ngoài hình

Phương pháp này chắc nhiều bạn cũng biết rồi, nên không cần phải nói nhiều, ha.

Phương pháp này khá đơn giản: Bộ phim mở đầu bằng một câu thoại nào đó, rồi hình ảnh hiện lên. Có nhiều cách để áp dụng phương pháp này. Có những phim bắt đầu bằng một câu thoại (kiểu như quotes), rồi một hình ảnh nào đó hiện lên (phong cảnh, bầu trời đêm, giọt sương trên lá…). Có những phim bắt đầu bằng âm thanh trong một cảnh quay, rồi hình ảnh từ cảnh quay bắt đầu xuất hiện. Âm thanh đó có thể là tiếng xe, tiếng gió, tiếng từ radio, tiếng nhân vật đối thoại, độc thoại…

Như cảnh mở đầu của phim “The Book Thief” dưới đây:

Tại sao phương pháp này được ưa chuộng?

Đầu tiên, hãy tưởng tưởng bạn đang ngồi trong rạp phim. Màn hình trước mặt bạn tối đen. Khi âm thanh đầu tiên cất lên, bạn biết rằng bộ phim vừa bắt đầu. Ngay lập tức, bạn vô thức tập trung vào màn ảnh trước mặt. Đó là mấy tay phân tích tâm lý học hành vi bảo vậy. Cũng không sai, bởi vì tai chúng ta nghe trước khi mắt ta kịp thấy. Việc lắng nghe âm thanh giúp khán giả cảm nhận và hòa nhập cùng không khí với phim nhanh hơn; điều này tốt cho việc kể chuyện.

Bên cạnh đó, phương pháp này thường được dùng trong những phim chuyển thể từ truyện. Điển hình như cảnh mở đầu phim “Gone Girl”:

Phương pháp này có tác dụng tạo không khí cho phim một cách nhanh chóng. Mấu chốt ở đây là, khi bạn quyết định sử dụng một lời thoại hoặc một câu quotes để bắt đầu bộ phim, hãy đảm bảo rằng câu nói đó phải có ý nghĩa liên quan đến phim, tạo ra được không khí cho phim, khơi gợi cảm xúc của cảnh quay nói riêng và bộ phim nói chung đến cho khán giả. À, làm ơn, đừng đưa mấy câu tiền đề, chủ đề hay giá trị nhân văn sâu sắc vào chỗ này. Phim còn chưa bắt đầu, khán giả không cần biết trước ý nghĩa của thứ mà họ sắp xem là gì đâu.

5. Giới thiệu trực tiếp

Đương nhiên, phương pháp này quá cơ bản rồi. Mở đầu phim, ném nhân vật ra trước mặt khán giả, chỉ cho họ xem “Nè, nhìn đi, đây là đứa mà mấy người sẽ dành ra 90 phút cuộc đời tiếp theo để xem nó khốn khổ đó”. Và rồi, phim bắt đầu.

Nói thì dễ lắm. Thế này có khác gì đi ra đường thấy em gái xinh xinh xinh cái chạy tới “Em ơi anh đang ế mình hẹn hò đi” đâu.

Đúng vậy, nó sẽ không là phương pháp, nếu không có chiêu trò.

Chiêu trò ở đây là gì?

Sẽ chẳng có gì thú vị nếu bạn mở đầu phim bằng cảnh nhân vật xuất hiện một cách bình thường, sinh hoạt một cách bình thường, tới phút thứ 20 mới có vấn đề xảy ra tại vì bạn nghe nói phim Titanic tới phút 20 mới bắt đầu Bước ngoặt 1. Vâng, yên tâm là kịch bản của bạn sẽ chìm trước lúc đó.

Khi giới thiệu trực tiếp nhân vật đến với khán giả ngay từ cảnh đầu tiên, nếu không dùng một “cảnh ấn tượng”, thì bạn phải đẩy nhân vật vào một tình huống khó khăn (Biến cố khởi đầu) càng nhanh càng tốt.

Ví dụ như trong phim “The Case For Christ”, bộ phim mở đầu với cảnh nhân vật nam chính cùng vợ và con gái tới nhận giải thưởng ở tòa soạn báo nơi anh ta làm việc (giới thiệu nhân vật – nghề nghiệp – gia đình), sau đó cả ba đi ăn tối và, Bụp, Biến cố khởi đầu xảy ra. Mọi chuyện diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng 5 phút phim cho 2 cảnh.

Phương pháp “Giới thiệu trực tiếp” này hữu ích khi bạn viết kịch bản phim ngắn hoặc những phim điện ảnh, truyền hình có tiết tấu nhanh, gấp gáp. Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng phương pháp này trong các phim tình cảm hay hài hước, miễn là bạn có thể kiểm soát và phân bổ nhịp điệu của phim hợp lý.

Tổng kết

Trên đây là 5 cách đơn giản và phổ biến để có thể bắt đầu bộ phim của bạn. Những cách này đã được ứng dụng rất nhiều lần trên nhiều bộ phim khác nhau (mà trong giới hạn của não cá vàng tôi bất chợt không nhớ hết được). Tuy vậy, điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ thiếu sáng tạo nếu sử dụng một trong những phương pháp này. Bởi vì đây chỉ là phương pháp. Còn kể như thế nào, có tốt hay không, tất cả đều nằm ở nội dung câu chuyện và cách bạn vận dụng kỹ thuật kể chuyện. Bạn còn cả một câu chuyện dài phía sau cần kể ra. Đừng quá dồn sức thể hiện quá nhiều kỹ năng vào đoạn đầu, bởi như vậy bạn có thể bị hụt hơi khi đến nửa đường. Phần mở đầu chỉ cần thật trơn tru để câu chuyện có thể vận hành mượt mà, vậy là đủ.


TÔI ÁP DỤNG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NÀY NHƯ THẾ NÀO?

⊗ Phần này chỉ mang tính chất tham khảo

Trong phim ngắn đầu tiên, “Cost of Words”, phim mở đầu với phần “tiếng ngoài hình” thể hiện cảnh cô gái cãi nhau với mẹ, sau đó tới cảnh cô gái bị tai nạn nằm trên đường (cảnh ấn tượng ?).

Trong webdrama “Cảm Giác Khi Yêu”, tập 1 mở đầu với cảnh voice-off của cô gái.

“Cảm Giác Khi Yêu” tập 3 mở đầu với cảnh hai nhân vật cãi nhau. Có thể xem đây là một cảnh giới thiệu trực tiếp (giới thiệu cho khán giả thấy nhân vật chính: Một cặp đôi cãi nhau – Vì chàng trai không bao giờ có thể hiểu được tâm lý “vừa muốn ăn vừa sợ mập” của cô gái, phần này đạo diễn xuyên tạc chứ nội dung phim không phải vậy).

Trên đây là vài ví dụ về cách áp dụng phương pháp trong bài vào những dự án mà tôi đã hoàn thành. Còn bạn, bạn thường áp dụng phương pháp nào? Và ngoài những phương pháp này ra, bạn có phương pháp nào khác để mở đầu phim không? Hãy chia sẻ tại đây nhé! ^_^

©yooribae


⊕ P/S: Trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn một chút sơ lược về vài cách để mở đầu phim. Còn để đi sâu vào “Cảnh mở đầu – Opening Scene”, sẽ có một bài viết khác đi sâu vào phân tích kỹ hơn (về phương thức, kỹ thuật, yêu cầu và tính sáng tạo). Mong bạn đón xem. Và nếu bạn chưa bấm “Theo dõi” blog, hãy theo dõi ngay hôm nay để cập nhật các bài viết mới nhanh nhất nào! ^_^

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d