Viết, viết nữa, viết mãi…

Cơn ác mộng đáng sợ nhất đối với những người làm sáng tạo, có lẽ là bị “block”. “Block” trong sáng tạo, có nghĩa là bạn ngồi đó, với deadline sau lưng, giấy trắng trước mặt, chủ nợ bên trái, chủ nhà bên phải, và bạn dù cố gắng đến mấy cũng không thể nghĩ ra được bất kỳ một ý tưởng nào. Không một từ ngữ, không một giai điệu, không một hình ảnh nào chịu xuất hiện. Đầu óc bạn trống rỗng. Trống rỗng, như tài khoản ngân hàng của bạn.

WRITER’S BLOCK

vocab-card-writers-block

Nếu đã từng dành thời gian để dạo trên Google tìm kiếm ý tưởng, chắc hẳn bạn cũng từng nhìn thấy những bài viết hay ảnh, clip nhắc đến cụm từ “Writer’s block”. “Writer’s block” thường được miêu tả như tình trạng phổ biến mà những người làm nghề viết lách như nhà văn, nhà thơ hay biên kịch luôn gặp phải: Cạn ý tưởng, không có ý tưởng, dù có cố gắng thế nào cũng không thể nghĩ ra bất kỳ một cái ý tưởng chết tiệt nào, nghĩ ra một cái gì đó nhưng không biết nên bắt đầu viết ra như thế nào, hoặc đang viết giữa chừng / gần xong bỗng không thể viết tiếp… Tóm gọn lại, là cần phải viết, nhưng không thể viết ra.

Như clip dưới đây:

Và đó cũng là lý do series Kịch Bản 101 mất một thời gian dài để có thể tiếp tục.

Cơn ác mộng tồi tệ nhất

Với những người làm nghề viết lách, “Writer’s block” giống như cảm cúm vậy. Nó xuất hiện bất ngờ, vào đúng lúc bạn đang bận rộn nhất, hạ gục bạn, khiến trí não bạn mệt mỏi, khổ sở; bạn không thể làm gì, chỉ có thể cầu mong nó mau kết thúc. Đáng sợ hơn, là bạn không biết khi nào, nó sẽ quay trở lại.

Thường thì “Writer’s block” xuất hiện nhiều nhất vào lúc bạn đang chạy deadline. Khi cuộc thi viết lách mà bạn muốn tham gia chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót, khi kịch bản bạn đang viết cần phải xong trong tuần này bởi tuần sau hãng phim có thể đổi ý, khi cộng đồng mạng vừa có trend mới và bạn phải có bài viết ăn theo ngay trong ngày bởi ngày mai trend đó sẽ lỗi thời… Vào cái khoảnh khắc căng thẳng nhất, khoảnh khắc mà bạn cần có thật nhiều ý tưởng hay ho nhất, thì “Bụp!”, bóng đèn sáng tạo trong đầu bạn tắt ngúm. Bên trong hộp sọ bạn trở nên nhẹ bẫng, trống không, chỉ có một màu đen hơn cả cái tiền đồ của chị Dậu. Bạn bắt đầu lo lắng, bất an, và trở nên hoảng sợ khi khách hàng vốn không bao giờ nghe máy mỗi khi bạn gọi điện hỏi lương bỗng nhắn, gọi liên tục cho bạn lúc 11 giờ đêm để hỏi về cái brief họ giao cho bạn lúc 4 giờ 58 phút chiều nay và nhắc bạn trước 9 giờ sáng mai phải có thành phẩm.

Bình tĩnh, đừng sợ, đứng dậy xuống bếp uống ly nước mát rồi đọc bài tiếp nào.

Vượt qua “Writer’s block”

“Writer’s block” giống như một bức tường. Nó chặn đứng con đường trước mặt bạn. Nó quá rộng để bạn có thể đi vòng qua. Nó quá cao để bạn có thể trèo lên đỉnh. Nó là đường cùng, trong tâm trí bạn.

Vậy nên hãy làm như Soobin Hoàng Sơn: Lùi bước về sau để nhìn thấy rõ hơn.

1136932
Nên anh lùi bước về sau để thấy em rõ hơn.

“Writer’s block” – nói đơn giản – là không thể viết. Tại sao bạn không thể viết ra? Bạn không có ý tưởng. Bạn có vài từ khóa lộn xộn trong đầu nhưng không biết sắp xếp chúng thế nào. Bạn có một hay vài cái ý tưởng, nhưng bạn nghĩ là chúng chưa đủ hay ho để viết ra. Hoặc bạn đã có một ý tưởng, nhưng bạn không thể nghĩ ra được nên bắt đầu bằng từ ngữ nào.

Cách giải quyết – vô cùng đơn giản – là cứ viết ra.

writersblock-2

“Ủa nói chuyện huề vốn vl vậy?

Cách để thoát khỏi việc không thể viết là viết?

Nói vậy ai chẳng nói được?

Tất nhiên, bạn không viết được vì “Writer’s block”. Nhưng thử nghĩ xem, vấn đề là bạn không biết phải viết cái gì, vậy thì còn giải pháp nào chính xác hơn là tìm cách để viết ra được?

“Vậy nói nghe coi, giờ tui phải viết kiểu gì?”

Viết những gì có trong đầu bạn

1552086408895

Bạn nghĩ rằng “Trong đầu tui trống rỗng, có cái gì để viết?”. Đó, hãy viết câu đó ra giấy đi.

“Hiện giờ tôi rất mệt mỏi. Trong đầu tôi không có gì cả. Trống rỗng. Cạn lời. Tôi cũng chẳng biết tôi đang viết cái mòe gì nữa. Có thằng kia viết blog kêu tôi nên viết ra hết mọi suy nghĩ trong đầu nên giờ tôi viết ra thôi…”

Đó, bạn viết ra được rồi đó.

Vấn đề của những người làm công việc viết lách, đó là càng làm nhiều, chúng ta càng đặt nặng vấn đề và quan trọng hóa chuyện nghĩ ra ý tưởng hơn. Vì là người kiếm sống bằng nghề viết lách, đâu đó trong tiềm thức bảo rằng mọi thứ chúng ta viết ra phải thật cẩn thận, thật chỉn chu, thật hay ho, ý nghĩa, nhân văn, sâu sắc, giá trị… Dần dần, chúng ta tự ràng buộc và giới hạn bản thân. Nhất là sau mỗi lần viết xong, chúng ta nhận được những feedback nặng nề, đầy chỉ trích, những yêu cầu chỉnh sửa gần như toàn bộ tác phẩm hay những bình luận thiếu tính xây dựng, chỉ toàn công kích cá nhân từ phía những người thậm chí chẳng có quyền quyết định cuối cùng với tác phẩm đó.

Hoặc khi bạn đã đi làm một thời gian, năng lực của bạn đã được nhiều người công nhận, mọi người chờ đợi vào tác phẩm tiếp theo mà bạn sẽ cho ra mắt, bạn nhìn thấy những lời khen ngợi, tâng bốc lên tận trời xanh, và tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để không làm những người ủng hộ bạn thất vọng. Bạn trở nên khắt khe với suy nghĩ của bản thân hơn. Bạn kiểm duyệt, đánh giá, loại trừ chính ý tưởng của mình từ trong trứng nước. Bạn luôn cảm thấy ý tưởng này chưa đạt, ý tưởng kia chưa hay, bạn cảm thấy bạn có thể làm tốt hơn, bạn cứ loay hoay cố gắng làm tốt hơn, tốt hơn nữa, hơn nhiều nữa; vì bạn sợ rằng nếu bạn làm không tốt, những người kỳ vọng vào bạn sẽ thất vọng. Bạn tự tạo ra áp lực, tự ràng buộc, tự giới hạn và hủy hoại bản thân một cách vô thức, mà không biết rằng chẳng ai quan tâm bạn có làm tốt hay không. Người ta chỉ quan tâm nếu bạn làm ra thứ mà họ thích, chứ không phải thứ bạn muốn làm.

Overworked exhausted businessman writes with a typewriter

Bạn bắt đầu công việc viết lách vì điều gì? Vì nghe đồn nghề bán chữ kiếm được nhiều tiền? Hay vì cái mác “tác giả” nghe hơi bị oai? Chắc là không.

Bạn bắt đầu viết vì bạn muốn viết. Bởi vì trong đầu bạn xuất hiện những suy nghĩ, những ý tưởng, những câu chuyện và trái tim bạn thôi thúc, khao khát khiến bạn buộc phải cầm bút và viết ra; nên bạn mới bắt đầu viết.

Đừng bao giờ quên rằng, bạn bắt đầu bằng việc viết cho bản thân, vậy nên đừng để bị chặn lại bởi bất kỳ vật cản nào.

“Writer’s block” xuất hiện để cảnh báo bạn rằng bạn đang không trong tình trạng tốt nhất để sáng tạo. Vậy nên cách tốt nhất để phòng tránh “Writer’s block”, là giữ cho bản thân luôn luôn sáng tạo, mỗi ngày.

DUY TRÌ CẢM HỨNG SÁNG TẠO

iStock-656542256

Là người làm công việc sáng tạo nói chung, và viết lách nói riêng, bạn luôn được mặc định là người luôn luôn sáng tạo 24/7 (không cần ăn, không cần ngủ, không cần tiền luôn, chỉ cần hít khí trời là có thể sống và là sáng tạo được). Tất nhiên, suy nghĩ đó cần được loại bỏ bằng một cú đấm.

Rõ ràng, không phải lúc nào bạn cũng có thể nghĩ ra được thứ gì đó “sáng tạo”. Nhất là khi 99,99% ý tưởng trên thế giới này trùng lặp nhau, ai có tiền làm ra trước người đó thắng.

Thương trường là chiến trường. Để có thể tồn tại trong ngành sáng tạo, bạn phải luôn nghĩ ra những thứ mới lạ thật nhiều, thật nhanh. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều người, bạn không thể nghĩ được gì khi bạn gặp quá nhiều áp lực, hay khi bạn không có động lực.

Áp lực ở mức độ vừa phải là cần thiết, để bạn có động lực và tập trung để làm việc. Nhưng, nếu bạn gặp quá nhiều áp lực cùng lúc (deadline quá gấp, OT liên tục, đang trễ tiền nhà, tài khoản rỗng tuếch…) thì những mối lo bên ngoài sẽ cản trở việc bạn suy nghĩ sáng tạo hay lên ý tưởng. Hoặc khi bạn chẳng có động lực nào để phải suy nghĩ, phải sáng tạo, phải ra ý tưởng mới, thì bạn cũng chẳng có hứng làm.

writers-block-tarot-spread-image1

Dưới đây là những cách phổ biến nhất, giúp bạn duy trì và phát triển khả năng sáng tạo của bản thân:

  • Sáng tạo không giới hạn: Giải phóng bản thân khỏi những định kiến thông thường.

Là nhà văn, biên kịch, bạn thường xuyên viết về cùng một đề tài, chủ đề duy nhất. Lâu dần, bạn sẽ rơi vào lối mòn. Hãy thử thách bản thân ở một thể loại khác, chủ đề khác, nhất là những thể loại và chủ đề bạn chưa từng thử qua. Thử thách bản thân với những thứ mới lạ hơn sẽ giúp bạn có thêm động lực và niềm vui sáng tạo hơn.

Không phải vì là biên kịch nên mọi thứ bạn viết ra đều phải biến thành kịch bản. Bạn sẽ không biết được ý tưởng, câu chuyện mà bạn nghĩ ra sẽ trở thành kịch bản điện ảnh, truyền hình, phim ngắn, hoạt hình, truyện tranh hay tiểu thuyết… cho đến khi bạn có được một câu chuyện hoàn chỉnh. Vậy nên đừng gò bó bản thân trong một thể loại hay đề tài nhất định. Hãy giải phóng sự sáng tạo bay bổng bên trong bạn.

  • Học kỹ năng mới:

62352758_428787911237069_7421738547306037248_o

Giấy và bút không chỉ dùng để viết. Vẽ nguệch ngoạc lên giấy, gấp origami cũng là cách tốt. Hãy thử học thêm một vài kỹ năng mới như vẽ tranh, chơi nhạc cụ, nấu ăn, ngoại ngữ… Càng biết nhiều kỹ năng khác nhau, đầu óc bạn càng được mở rộng và tăng khả năng sáng tạo bấy nhiêu.

Với lại, biết nấu ăn là kỹ năng nên có, bởi rất có thể bạn sẽ sống độc thân cả đời.

  • Thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe:

Là một biên kịch, bạn gần như dành cả ngày lẫn đêm ngồi mài mông trên ghế. Bạn sẽ có nguy cơ bị rụng tóc, đau lưng, mỏi mắt, da mặt xấu đi, xệ xuống, hội chứng ống cổ tay, suy thận, gout, trĩ, béo bụng, giảm hoocmon, ế. Thu nhập của bạn không bao giờ đủ để bạn chữa hết đống bệnh này khi về già. Cũng chẳng ai quan tâm bạn khổ sở thế nào, hy sinh ra sao để hoàn thành công việc. Vậy nên hãy tự chăm sóc bản thân, bắt đầu bằng việc tập thể dục thể thao mỗi ngày. Thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp bạn xả stress, đầu óc minh mẫn hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn, cơ bắp săn chắc gọn gàng và đẹp đẽ hơn. Dù mấy điều đó không giúp bạn mau có bồ, nhưng ít ra bạn sẽ cảm thấy bớt tự ti khi ra đường hơn một chút.

hqdefault

  • Giải trí:

Khi cảm thấy không thể suy nghĩ hay viết lách trong một thời gian dài, tốt nhất là hãy tắt máy, cất giấy bút, đừng cố gắng viết nữa. Hãy bước ra ngoài, đi mua sắm, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đi cafe chó, chụp ảnh, gặp gỡ bạn bè… Làm những thứ không liên quan đến công việc sẽ giúp bạn thư giãn hơn, giảm bớt căng thẳng, hòa nhập cộng đồng và tăng cơ hội có bồ.

Nếu không có tiền để đi ra ngoài, dọn dẹp nhà cửa cũng là cách tốt. Khi hoạt động chân tay nhiều, đầu óc bạn sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi.

  • Viết mỗi ngày:

Cách tốt nhất để tránh “Writer’s block” là tạo cho bản thân thói quen viết lách mỗi ngày. Hãy nhớ rằng, không quan trọng bạn viết gì, chỉ cần bạn viết ra, vậy là đủ. Bạn có thể viết nhật ký, làm thơ, viết blog, viết status khẩu nghiệp… Viết gì cũng được, có viết là được.

Cố gắng viết thật nhiều. Nếu có thể, hãy viết ra hết được mọi thứ trong đầu. Não rỗng ngủ ngon hơn.

4d930dad68e07dcb190eb8fa7193e58f

  • Ngủ đủ giấc:

Não là bộ phận quý giá nhất trong cơ thể bạn. Nó cần được nâng niu, chăm sóc, yêu thương và nghỉ ngơi hợp lý. Khoa học đã chứng minh rằng nếu bạn thiếu ngủ trong một thời gian dài, não bạn sẽ tự ăn chính nó. Điều này chẳng hề dễ chịu chút nào, khi nghĩ đến việc bộ não vốn đã nhỏ bé lại còn bị teo tóp dần. Vậy nên, hãy đối xử tốt với bộ não của bạn.

13-1823
Não của biên kịch trước và sau mỗi dự án

Dù vậy, rất nhiều người làm nghệ thuật / sáng tạo có xu hướng chỉ có thể tập trung khi làm việc về đêm. Nếu bạn là một trong những người như vậy, thì có vài cách giúp bạn làm chậm lại quá trình làm việc kiểu tự sát của bản thân:

  1. Uống nhiều nước: Cơ thể người cần nhiều nước, trung bình là 4 lít/ngày đối với nam giới và 3 lít/ngày đối với nữ giới.
  2. Không đụng tới đường (sugar) và tinh bột: Ăn nhiều đường làm tăng stress, tăng mỡ, tăng mụn, tăng tốc độ lão hóa da mặt bạn. Tinh bột dễ tiêu hóa, cùng với cơ chế thực khuya cần trữ nhiều năng lượng được lập trình trong não người, sẽ làm tăng mỡ bụng. Đừng uống trà sữa sau 8 giờ tối. Bạn không phải ngỗng, không cần thêm mỡ trong gan đâu.
  3. Ăn trứng, thịt gà, cá và thật nhiều hoa quả: Đứa nào nói với bạn là ăn thịt tăng cân, bạn cứ ăn luôn nó. Thịt nạc chứa nhiều chất đạm, giúp no lâu, đốt mỡ. Trứng, thịt gà, cá có nhiều chất tốt cho não. Rau, trái cây nhiều vitamin, ít năng lượng, hỗ trợ giải độc cơ thể bạn.
  4. Uống sữa sau khi ngủ dậy: Giúp hồi phục sức khỏe, hồi nhỏ nghe mấy anh chị đi bay về bảo vậy.
  5. Thiết lập đồng hồ sinh học theo giờ ngủ: Lấy thời gian đi ngủ của bạn làm tiêu chuẩn, từ đó điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. Ví dụ: Bạn thức dậy lúc 12 giờ trưa, vậy thì bạn có thể ăn sáng lúc 1 giờ chiều, ăn trưa lúc 5 giờ chiều, ăn tối lúc 9 giờ tối và đi ngủ lúc 4 giờ sáng. Nếu bạn có kinh nghiệm nào muốn chia sẻ, hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé!
  • QUAN TRỌNG NHẤT: Đừng đói, đang đói không dùng não được. Không có kẻ chết đói nào đủ minh mẫn để sáng tạo ra thứ gì có ích. Đừng để bản thân bị đói. Hãy quý trọng bản thân, bởi ngoài bạn ra, chẳng ai khác quan tâm đến sức khỏe hay tinh thần của bạn đâu.

Và đó là những cách (hy vọng) có thể giúp bạn duy trì khả năng sáng tạo cũng như đối phó được với “Writer’s block” – hãy yên tâm là bạn sẽ gặp lại nó, sớm thôi.

©yooribae


⊕ P/S: Bài viết này được viết ra sau mấy ngày liền tôi bị “Writer’s block” khi tìm cách để bắt đầu Season 2 của Kịch bản 101. Lẽ ra đây là đoạn mở đầu cho bài #19, cơ mà lỡ lạc đề rồi nên tách riêng thành một bài luôn ^_^
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chấm điểm cho bài viết. Nếu bạn chưa nhấn “Theo dõi”, hãy theo dõi blog ngay hôm nay để nhận được thông tin về các bài viết mới sớm nhất. Nếu bạn thấy bài viết trên blog có ích, hãy giúp đỡ chia sẻ blog đến với cộng đồng. Vô cùng cảm ơn bạn ♥

4 Replies to “Viết, viết nữa, viết mãi…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *