Những bộ phim dành cho người làm phim

Những người thích xem phim, mê xem phim, muốn làm phim, đã, đang và sẽ làm việc trong ngành phim ảnh đều ít nhiều có những bộ phim yêu thích riêng. Tôi cũng vậy. Mặc dù gu xem phim của tôi có hơi phức tạp, nhưng có những bộ phim mà mỗi khi tuột mood hay cảm thấy tiêu cực với cuộc sống, tôi thường xem những phim đó để rồi rơi vào trạng thái trầm cảm và ngủ nhiều hơn.

Đó, không phải là những bộ phim mà tôi muốn giới thiệu cho bạn trong bài viết này. Ngày hôm nay, tôi muốn cùng chia sẻ với bạn, những bộ phim mà nếu bạn là một người sắp sửa bước vào giới làm phim, một người trẻ đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình trong ngành điện ảnh, hay một người đã theo đuổi việc làm phim quá lâu và dần cảm thấy đam mê đang nguội lạnh; nếu bạn là một trong số họ, hãy xem những bộ phim này ít nhất một lần. Bởi có thể, biết đâu, bạn sẽ cảm thấy được an ủi phần nào.

NHỮNG BỘ PHIM DÀNH CHO

NGƯỜI LÀM PHIM


BE KIND REWIND

Mike (Mos Def) làm thuê tại Be Kind Rewind, một cửa hàng cho thuê băng đĩa của Fletcher (Danny Glover). Bạn thân nhất của Mike, Jerry (Jack Black) lại làm việc trong một gara ô tô ở ngay cạnh nhà máy năng lượng địa phương.

Càng ngày, Jerry càng bị ám ảnh bởi tác hại của nhà máy năng lượng đối với sức khỏe bản thân và cho rằng mình đã bị u não. Trong khi cố gắng ngấm ngầm phá hoại hoạt động của nhà máy, Jerry đã vô tình xóa hết các cuốn băng video trong Be Kind Rewind.

Hai người quyết định làm lại mọi bộ phim trước khi khách hàng phát hiện ra. Tuy nhiên, việc này lại khiến họ phải đối mặt với lời buộc tội vi phạm bản quyền và Be Kind Rewind có nguy cơ đóng cửa. Đây cũng chính là lúc, những khách hàng quen của Be Kind Rewind vào cuộc…

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Đây không phải là một phim được đánh giá cao. Tôi không quan tâm lắm điều đó. Tôi thích cách câu chuyện này nói về những anh chàng xem phim và cố gắng làm ra những bộ phim nhái lại những phim nổi tiếng, để rồi nhận ra đã tới lúc phải làm phim cho bản thân mình. Sự ngây ngô của các nhân vật trong phim, những người lần đầu tiên cầm máy quay, thực sự là một liều thuốc an thần dễ chịu.

Poster:

Be-Kind-Rewind-movie-poster.jpg

Trailer:


THE DISASTER ARTIST

The Disaster Artist là bộ phim hài tiểu sử Hoa Kỳ năm 2017 do James Franco sản xuất và đạo diễn với kịch bản của Scott Neustadter và Michael H. Weber. Bộ phim dựa trên tác phẩm phi tiểu thuyết cùng tên của Greg Sestero và Tom Bissell, kể lại lịch sử làm bộ phim Room năm 2003 của Tommy Wiseau, được coi là một trong những bộ phim tồi tệ nhất từng được thực hiện. Bộ phim có sự tham gia của các anh em James và Dave Franco trong vai Wiseau và Sestero, cùng với một dàn diễn viên phụ Seth Rogen (đồng sản xuất), Alison Brie, Ari Graynor, Josh Hutcherson, và Jacki Weaver.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Sau nửa thập kỷ chui rúc khắp mọi xó xỉnh trong cái nghề này, tôi nhìn thấy quá nhiều “nghệ sĩ” rởm đời, những kẻ đạo đức giả khoác trên mình lớp vỏ “văn minh”, “tử tế” nhăn nhúm và bốc mùi kinh tởm. Và bộ phim này khiến tôi liên tưởng tới những kẻ như vậy.

Tôi không biết ngoài đời Wiseau là người thế nào. Nhưng với nhân vật Wiseau trong phim, tôi nhìn thấy câu chuyện về mộ kẻ làm phim không phải vì đam mê, mà đơn giản vì muốn trả thù. Trả thù ai? Trả thù cái gì? Trả thù những người tránh xa khỏi sự làm phiền của hắn.

Tôi nhìn thấy một kẻ chẳng biết cái quái gì về làm phim, cũng chẳng chịu học cách làm phim cho tử tế; một kẻ có được chút tiền và nhảy vào sản xuất phim, tự cho mình cái quyền chà đạp tất cả những người khác bởi mình trả tiền cho những người đó; một kẻ thậm chí chẳng có tí sáng tạo nào mà chỉ cóp nhặt những thứ đã lỗi thời từ vài chục năm trước, bắt chước rồi tung hê đó là nghệ thuật; một kẻ sẵn sàng gạt tên thành viên đoàn phim ra khỏi credit chỉ vì không thích kẻ đó; một kẻ vị kỷ, độc tài, tự ti tới cùng cực, cố gắng một cách tuyệt vọng để chứng minh rằng mình đúng, chứng minh mình có tài, chứ không phải vì đam mê làm phim đưa đường dẫn lối.

Đáng buồn thay, tôi nhìn thấy quá nhiều Wiseau nói tiếng Việt đang nịnh bợ nhau, nâng bi nhau, bắt tay nhau để cùng làm ra những trò đáng ghê tởm khác mỗi ngày, sau tấm màn nghệ thuật.

Đây là một phim đáng xem, nếu bạn muốn nhìn thấy, mặt trái của không ít người làm “nghệ thuật”.

Poster:

MV5BOGNkMzliMGMtMDI5Ni00OTZkLTgyMTYtNzk5ZTY1NjVhYjVmXkEyXkFqcGdeQXVyNTAzMTY4MDA@._V1_

Trailer:


WHY DON’T YOU PLAY IN HELL?

Why Don’t You Play in Hell? (地獄でなぜ悪い Jigoku de naze warui) là bộ phim được thực hiện năm 2013 bởi đạo diễn bậc thầy về kinh dị Sion Sono.

Bộ phim này dựa trên một kịch bản được viết năm 15 tuổi của chính đạo diễn Sono, và ông cũng thừa nhận rằng nó có điểm tương đồng với bộ phim Kill Bill của Quentin Tarantino.

Người ta 15 tuổi viết kịch bản phim. Năm tôi 15 tuổi chỉ biết ăn cho mập. Đáng buồn thay.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Why Don’t You Play in Hell? là một phim hoàn toàn điên rồ. “Điên rồ” là từ duy nhất tôi nghĩ là phù hợp để miêu tả bộ phim này.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện về ước mơ. Một nhóm bạn trẻ ước mơ làm phim thật ngầu. Những tay yakuza ước mơ được chết thật ngầu. Cô diễn viên trẻ ước mơ được diễn một vai thật ngầu. Chàng trai nhút nhát ước mơ thành bạn trai của cô bé thần tượng mình yêu thích. Bà mẹ ước mơ thấy con mình được đóng phim điện ảnh. Ông bố ước mơ vợ mình ra tù ra rạp sẽ thấy con mình đóng phim. Tay xã hội đen ước mơ có thể nhìn thấy nụ cười của cô bé con gái đối thủ một lần nữa. (Hụ…loli..hụ….tui thích…E hèm)

Tất cả mọi nhân vật trong phim đều có ước mơ. Họ biến ước mơ thành kim chỉ nam, thành mục tiêu sống, họ chuẩn bị thật kỹ suốt cả cuộc đời, chỉ để chờ tới một ngày được sống trọn với ước mơ. Đó, không chỉ là ước mơ, hay mục tiêu, mà đã thành đam mê thật sự.

Đằng sau tất cả sự điên rồ đến tận cùng này, là những câu hỏi mà không ai có thể trả lời chính xác được: “Chúng ta sống để làm gì?”, “Có đáng khi hy sinh tất cả để theo đuổi ước mơ/đam mê không?”, “Thế nào mới là cuộc sống có nghĩa?”, “Thế nào mới là một phim thật ngầu, thật đã?”…

Đây là một phim phù hợp để xem khi bạn quá căng thẳng với cuộc sống và cần một chút gì đó khuấy động ngọn lửa đam mê (hoặc loli) trong lòng bạn lên lại.

Poster:

MV5BNTQ0Njc3ODkyMl5BMl5BanBnXkFtZTgwODQxOTE4MjE@._V1_.jpg

Trailer:


THE RED CARPET

The Red Carpet (Thảm Đỏ) là một phim điện ảnh của Hàn Quốc, xoay quanh câu chuyện của một đạo diễn dành 10 năm để làm phim khiêu dâm có ước mơ được làm phim chính thống để được vinh danh trên thảm đỏ Rồng Xanh (Giải thưởng điện ảnh danh giá nhất Hàn Quốc), cùng những người bạn đồng nghiệp trong ekip làm phim, và cô bạn gái vốn từng là diễn viên nhí.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Tôi xem phim này vào mùa hè năm ngoái, sau khi quyết định đưa bản thân vào cảnh thất nghiệp và bị suy sụp tinh thần một cách nặng nề. Đó là khi tôi muốn từ bỏ tất cả. Một tuần trước khi tôi bắt đầu lập trang blog này.

Tôi dành một năm làm việc với một quản lý mà tôi quen, người hứa với tôi rằng sẽ giúp tôi tìm được đầu tư cho dự án webseries mà tôi ấp ủ. Sau một năm, tôi nhận ra dự án đó không bao giờ được ra khỏi ngăn kéo, và tôi bị đá khỏi ekip một cách lặng lẽ. Tệ làm sao.

Trong lúc buồn bã và chán nản nhất, tôi tìm thấy bộ phim này. Tôi xem thử. Đó là khoảnh khắc tôi quyết định từ bỏ tất cả, mọi mục tiêu, mọi đam mê, mọi nhu cầu cá nhân, mọi ước muốn, để lùi lại phía sau, bình tâm suy nghĩ, để bắt đầu một hành trình mới: Một hành trình mà tôi chỉ làm những gì tôi muốn làm, xem những gì tôi muốn xem, nói chuyện với người tôi muốn trò chuyện, và tránh xa khỏi những mối quan hệ không lành mạnh.

Đó là khi, tôi nhìn thấy câu chuyện của một đạo diễn ngoài 30 tuổi, người dành ra 10 năm chỉ để làm phim khiêu dâm, bởi lời hứa của giám đốc công ty anh ta rằng ông ta sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để giúp anh có thể làm phim chính thống. Nhưng lời hứa chỉ là lời hứa. Chẳng ai muốn để con gà đẻ trứng vàng của mình bay ra khỏi nắp lồng chút nào. Và khi người đạo diễn nhận ra, anh ta phải quyết định: Tiếp tục để tồn tại một cách mông lung, hay từ bỏ để được một lần làm điều mà mình muốn?

Chúng ta dành nhiều năm để đứng sau lưng người khác, cố gắng để tồn tại một cách vô danh, với hy vọng một ngày được bước ra ánh sáng. Nhưng nhìn xem. Bao nhiêu đạo diễn cảm ơn các thành viên ekip của mình khi nhận giải? Bao nhiêu nhà sản xuất trả lương đúng hạn cho nhân viên? Bao nhiêu nhà làm phim hứa hẹn sẽ nâng đỡ những người đi theo mình và thực hiện lời hứa? Những kẻ đứng ở trên chưa bao giờ nhìn xuống cả. Chỉ có những kẻ ở dưới cứ mãi ngửa cổ ngước nhìn lên.

Khi tôi nhận ra cuộc sống của mình tệ như thế nào qua bộ phim, khi tôi nhận ra suốt mấy năm ròng tôi nai lưng ra làm thuê kiếm sống và chẳng có lấy một chút sản phẩm nào của riêng mình; tôi nhận ra mình cần phải thay đổi. Bộ phim, đã giúp tôi có được dũng cảm, để từ bỏ sự chịu đựng vô nghĩa đã đeo bám tôi suốt một thời gian dài.

Nếu một ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi, bạn cảm thấy mông lung về ước mơ, về đam mê, về cuộc sống của bản thân mình; thì tôi nghĩ rằng, đây là bộ phim phù hợp dành cho bạn.

Poster:

Red_Carpet_-_Korean_Movie-p1.jpg

Trailer:

https://www.youtube.com/watch?v=Taty5naJ3F8


KING OF DRAMAS

King Of Dramas – Ông Hoàng Truyền Hình – là một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, xoay quanh câu chuyện của một nhà sản xuất phim truyền hình vừa phá sản muốn làm bộ phim cuối cùng và nữ biên kịch mới vào nghề muốn được nhìn thấy tác phẩm đầu tay của mình lên sóng.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Nếu bạn muốn biết ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình của Hàn Quốc thế nào, nếu bạn muốn trở thành một nhà làm phim, một người sản xuất phim truyền hình, đây là bộ phim bạn nên xem để học hỏi.

Poster:

드라마의 제왕.jpg


ON AIR

On Air là một phim truyền hình của Hàn Quốc, xoay quanh mối quan hệ giữa biên kịch, đạo diễn và các diễn viên cùng quản lý của họ trong một đoàn làm phim.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Một cách tốt để học làm phim là xem phim. Đây là một phim nói về quá trình sản xuất phim, chính xác hơn là làm sao để những cá tính mạnh nhất trong một đoàn làm phim có thể hoà hợp và cộng tác với nhau. 

Poster:

1fe5ae8b2a59ff2df9f0193276f8c211.jpg


UNEMPLOYED ROMANCE

Bộ phim xoay quanh những tháng ngày thất nghiệp của cô biên kịch trẻ cùng hành trình đi tìm cảm hứng của cô.

Tại sao tôi giới thiệu bạn phim này?

Khoảng thời gian kinh khủng nhất của biên kịch mới vào nghề, là thất nghiệp. Không ai biết tới bạn, không ai giao việc cho bạn, không ai quan tâm bạn. Bạn phải tìm mọi cách để có việc làm. Để có cơ hội được tiếp cận với nhà sản xuất, bạn cần có một kịch bản thất tốt. Để có kịch bản tốt thì bạn phải có ý tưởng hay, mà để có ý tưởng hay thì bạn không thể ngồi trong căn phòng trọ chưa được 10m² không cửa sổ đầy mùi quần áo ẩm mốc do mưa lâu ngày phơi không khô nổi và nuốt mì gói qua ngày được. Bạn cần hải đi ra ngoài để tìm ý tưởng. Đi tới đâu, tìm ý tưởng thế nào, làm sao để đưa ý tưởng vào kịch bản… Hãy xem phim để biết thêm chi tiết.

Poster:

Unemployed-Romance-Poster2.jpg


Trên đây là một số bộ phim mà tôi từng xem nói về người làm phim.

Cũng còn vài phim khác nhưng khi nhắc tới chủ đề này, đây là những phim mà tôi nhớ tới.

Còn bạn, có phim nào bạn yêu thích nói về người làm phim không?

©yooribae

One Reply to “Những bộ phim dành cho người làm phim”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *