*Tên bài lấy cảm hứng dựa theo tên phim tài liệu về hãng phim hoạt hình Ghibli.
Tạo nên một câu chuyện, không chỉ đơn thuần là tạo ra vài nhân vật và thả họ vào một tình huống nào đó. Xây dựng nên một câu chuyện, nghĩa là bạn đang xây dựng nên một thế giới riêng dựa trên quan điểm và góc nhìn của riêng bạn. Trong thế giới đó, nhân vật sinh ra ở nơi bạn muốn nhân vật được sinh ra, yêu những sinh vật bạn muốn nhân vật yêu, ghét những gì bạn muốn nhân vật ghét, gặp phải những khó khăn mà bạn tạo ra và đẩy nhân vật vào. Trong câu chuyện mà bạn tạo ra, bạn là Thượng Đế, là vị Thần toàn năng tạo ra thế giới, tạo ra những quy luật, tạo ra những không gian, kiến trúc, nền văn hóa, những sinh vật và cả những khó khăn, rắc rối khuấy đảo thế giới đó.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách để trở thành một vị Thần, ít nhất là trong trí tưởng tượng của bạn.
THẾ GIỚI TRONG PHIM
THẾ GIỚI MỚI
Thế giới (The World) trong tác phẩm nghệ thuật là thế giới được tạo nên từ góc nhìn và quan điểm của người tác giả. Trong thế giới đó, trật tự xã hội vận hành theo ý chí chủ quan, dựa trên cách mà người tác giả nhìn nhận về thế giới thực mà người đó đang sống. Thế giới trong tác phẩm, không miêu tả một “hiện thực xã hội”, mà chỉ thể hiện một “lát cắt” đến từ góc nhìn chủ quan của tác giả.
Vậy thì, thế giới nơi nhân vật tồn tại, chỉ đơn thuần là ý chí chủ quan của tác giả?
Đúng.
Và,
Không.
Thế giới trong tác phẩm, từ nay hãy tạm gọi là “Thế giới trong phim” (vì rõ ràng là loạt bài này nói về viết kịch bản phim), là thế giới được tạo ra bởi trí tưởng tượng và góc nhìn, quan điểm của tác giả/ biên kịch. Đó không phải là thế giới thực tại (nơi chúng ta đang sống); nhưng đó là thế giới được tạo nên từ thế giới quan (ý chí, góc nhìn, quan điểm…) của biên kịch về xã hội thực tại.
Vốn dĩ, trên đời không có cái gọi là “thế giới khách quan”. Thế giới chỉ có nhiêu đó, nhưng cách nhìn nhận về thế giới của mỗi sinh vật sống lại có nhiều điểm khác nhau. Con linh dương nghĩ rằng thế giới là những đồng cỏ bao la. Con chim cánh cụt nghĩ rằng thế giới chỉ có nước muối và băng giá. Những người theo Phật giáo tin rằng đời là bể khổ. Người Mỹ tin rằng những nước có dầu đều là những nước thiếu dân chủ… Mỗi sinh vật đều có cách nhìn nhận riêng, quan điểm riêng, “thế giới chủ quan” của riêng mình.
Khi bạn tạo nên một câu chuyện, nghĩa là bạn đang xây dựng nên một thế giới riêng cho câu chuyện của bạn. Hãy tưởng tượng một cách đơn giản: Bạn có hai võ sĩ (nhân vật) phải đánh nhau (sự kiện) và bạn phải tạo ra cho họ một đấu trường nơi họ có thể thỏa sức chiến đấu (thế giới).
Mỗi câu chuyện, mỗi bộ phim mà bạn từng xem đều có thế giới riêng của câu chuyện, bộ phim ấy. Trong Harry Potter, đó là thế giới mà phù thủy sống ẩn mình giữa thế giới con người. Trong phim Marvel, đó là thế giới mà người Mỹ bảo vệ cả vũ trụ. Trong phim truyền hình Ấn Độ, đó là thế giới nơi một viên đạn bay hai tập phim chưa tới đích. Trong phim hoạt hình Disney, đó là nơi mọi loài động thực vật đều nói tiếng Anh và đồ chơi sẽ sống dậy khi bạn quay lưng về phía chúng…
Vậy tức là tôi muốn xây dựng thế giới thế nào cũng được?
“Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, câu này cũng có nghĩa là “nghệ sĩ là một kẻ lừa đảo”. Và điểm mấu chốt, điểm quan trọng nhất của một trò lừa, là thuyết phục người bị lừa tin rằng đó là sự thật.
Có câu nói rằng: Trong lời nói dối hoàn hảo nhất luôn có một phần sự thật; và câu chuyện thuyết phục nhất, là câu chuyện khiến người nghe đồng cảm. Bạn không thể đánh lừa lý trí của một người. Thay vào đó, hãy tấn công vào cảm xúc. Khi cảm xúc của một người bị dao động, bạn chẳng cần phải làm gì cả, lý trí của người đó tự động sẽ bị cảm xúc lấn át và kiểm soát. Đó là lý do các bà mẹ bỉm sữa dễ dàng bị lừa bởi những bài viết chia sẻ trên mạng liên quan đến bệnh tật và bạo hành trẻ em, cũng như Văn Mai Hương dễ nhạy cảm với thịt chó và dân chủ vì có bố làm trong quân đội. Đó cũng là lý do mấy bộ phim mẹ chồng nàng dâu được lòng các bà nội trợ, truyện ngôn tình luôn được lòng các chị em chưa bồ, mấy câu chuyện về tiểu tam luôn được nữ giới mọi lứa tuổi chia sẻ chóng mặt. Bởi vì trong những thứ đó, có những yếu tố khiến người đọc, người xem cảm thấy đồng cảm. Chỉ cần thấy đồng cảm, trí não lập tức phản ứng ngay, không cần suy xét đúng sai hay kiểm tra nguồn gốc thông tin. Bản năng của con người là vậy. Cảm xúc đi trước, lý trí tính sau. Thế nhưng, khi lý trí nhận ra là vừa bị lừa, thì người ta sẽ khóa chặt mọi cảm xúc lại và cảnh giác trước bất kỳ chuyện gì xảy đến tiếp theo.
Lừa đảo (Con Artist) cũng là một kiểu nghệ sĩ, dù là phi pháp. Tuy vậy, khán giả vào rạp xem phim là để được bạn lừa dối, dẫn dắt và khơi gợi cảm xúc nơi họ. Bạn không có tội khi bịa ra một câu chuyện mang đến cảm xúc cho khán giả. Khản giả trả tiền để được nghe bạn bịa chuyện. Tội ác thật sự là khi bạn đã có trong tay một câu chuyện đủ hay, một đội ngũ và dàn diễn viên đủ giỏi, mà bạn vẫn không thể viết thành một cái kịch bản có cảm xúc đàng hoàng, khiến hai tiếng đồng hồ kèm mấy trăm ngàn tiền vé chỉ đổi lại là sự thất vọng, thì khán giả tức giận mà chửi phim của bạn là chuyện bình thường.
Khán giả tin bạn, tin vào câu chuyện của bạn, bởi câu chuyện mà bạn kể mang lại cho khán giả sự thỏa mãn về cảm xúc, dẫu cho đó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng.
XÂY DỰNG THẾ GIỚI CỦA RIÊNG BẠN
Phim ảnh là hư cấu, không phải hiện thực; nhưng phim ảnh dựa trên hiện thực, thế giới hư cấu trong phim cũng chỉ đáng tin nếu thế giới đó được tạo ra dựa vào thế giới hiện thực.
Một trong những điều tuyệt vời khi làm nghệ thuật, là bạn có quyền tự do thoải mái sáng tạo nên thế giới của riêng mình. Trong thế giới đó, xã hội hoạt động theo cách mà bạn nghĩ, nhân vật mang hình hài mà bạn nghĩ ra, mọi hoạt động đều tuân theo ý muốn của bạn. Bạn là Đấng Sáng Tạo Tối Cao, là vị thần tạo ra thế giới đó. Thế nhưng, khi bạn giới thiệu thế giới đó ra bên ngoài, công chúng lại không đón nhận. Vì sao? Vì công chúng không hiểu, cũng không cảm nhận được gì về cái thế giới mà bạn cố công gây dựng. Hay chính xác hơn, vì công chúng không có được sự đồng cảm với thế giới quan của bạn.
Là người làm nghệ thuật, bạn không cần phải chạy theo khán giả, mà nên là người định hướng cho họ. Tuy nhiên, nếu muốn định hướng và thuyệt phục khán giả chấp nhận quan điểm của bạn, thì đầu tiên, bạn cần phải cho khán giả thấy rằng, bạn có điểm khiến họ đồng cảm.
Thế giới mà bạn tạo ra, là góc nhìn của bạn về thế giới thực tại, dù cho bạn có làm phim cổ trang hay viết kịch bản cho Avatar. Mỗi thế giới mới được tạo ra trong những bộ phim giả tưởng như Avatar, Interstellar, Planet of Apes hay thế giới cổ đại trong Gladiator, Troy… đều mang hơi thở của xã hội loài người hiện đại (ở thời điểm bộ phim được ra mắt). Avatar tạo ra một hành tinh mới, nhưng thiên nhiên, cách sinh vật trên hành tinh đó tồn tại, cách xã hội vận hành, kể cả màu da… đều ẩn ý hướng tới xã hội của người da đỏ trước khi người da trắng mang dân chủ tới cho họ. Planet of Apes cũng tương tự. Như vậy, dù cho nhà làm phim có trình diễn trước mắt khán giả một thế giới đầy mới mẻ và lạ lẫm, thì khán giả cũng sẽ dần quen khi thấy cách những sinh vật trong thế giới đó hành xử, hay cách mà xã hội trong thế giới đó vận hành, có điểm tương đồng với xã hội nơi khán giả đang sinh sống.
Ủa nhưng mà, nếu tôi viết phim tâm lý xã hội thì sao?
Tất nhiên, bạn không cần phải vẽ ra cả một thế giới mới hoàn toàn. Đó là công việc tốn thời gian, tiền bạc, những thứ mà nhà sản xuất sẽ không trả cho bạn. Trừ khi câu chuyện của bạn diễn ra ở một thế giới khác, còn nếu câu chuyện được đặt ở bối cảnh hiện đại, thì việc xây dựng thế giới cũng không cần quá phức tạp. Nếu bạn kể một câu chuyện xảy ra trong xã hội hiện đại, bạn vẫn có thể tái hiện lại thế giới dưới góc nhìn của bạn, miễn làm cho khán giả cảm thấy tin là được.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THẾ GIỚI
Thế giới, là đấu trường, là bãi săn, là nơi bạn thả nhân vật vào và xem nhân vật của bạn vật vã khổ sở tìm đường về đích. Xây dựng một thế giới đủ thú vị để lôi cuốn khán giả theo dõi, đủ khó khăn để nhân vật phải đối mặt và đủ nguy hiểm để nhân vật không vượt qua quá dễ dàng mà cũng không quá khó để nhân vật ngoẻo giữa phim không phải là chuyện đơn giản.
Khi xây dựng thế giới cho phim, nhất là những phim có không gian và thời gian khác với thế giới thực tại (phim cổ trang, phim giả tưởng, phim chiến tranh, phim hoạt hình…), hãy chú ý đến những yếu tố sau: Cấu trúc, Xã hội, Sinh vật, Khoa học kỹ thuật – Công nghệ, Vấn đề – Xung đột – Giải quyết.
Cấu trúc
Thế giới mà bạn tưởng trượng trong đầu hình thành như thế nào? Lãnh thổ, thiên nhiên, kiến trúc, môi trường ra sao? Hãy thử phác họa ra giấy. Vài gạch đầu dòng cũng được.
Lấy ví dụ trong Harry Potter, J.K.Rowling đã xây dựng thế giới phù thủy vô cùng chặt chẽ, với lịch sử hình thành và phát triển xuyên suốt. Tương tự, thế giới của Avatar cũng được xây dựng tỉ mỉ đến từng viên đá. Hay như thế giới trong những phim kinh điển Jurassic Park, Planet of Apes, Lord of The Rings, The Chronicles of Narnia… cũng được xây dựng một cách chỉn chu, cụ thể, rõ ràng.
Xã hội
Trong thế giới mà câu chuyện và nhân vật của bạn tồn tại, xã hội được vận hành bởi thể chế chính trị và hệ thống pháp luật như thế nào? Điều này vô cùng quan trọng, bởi thể chế chính trị và hệ thống pháp luật, hay đơn giản hơn là quy luật vận hành của xã hội, là yếu tố thúc đẩy hành động và phương hướng giải quyết mọi vấn đề của nhân vật.
Bên cạnh đó, hệ thống Tâm linh – Tôn giáo – Tín ngưỡng – Tập quán – Văn hóa cũng có phần ảnh hưởng quan trọng.
Trong Harry Potter, thế giới phù thủy được quản lý bởi Bộ Pháp Thuật, với hàng đống luật lệ lớn nhỏ. Trong Avatar, bộ tộc Na’vi có luật lệ cũng như tôn giáo riêng, mang nhiều điểm tương đồng với các bộ tộc da đỏ châu Mỹ thời xưa. Trong phim In Time, thế giới được phân chia trật tự với đơn vị tiền tệ là thời gian. Trong Inception, thế giới vận động theo trí tưởng tượng và giấc mơ. Trong Matrix, luật lệ được tạo nên bởi máy tính. Trong John Wick, luật lệ được tạo nên bởi mấy tay Ả Rập có nhiều đồng vàng…. Mỗi thế giới đều có những quy luật riêng buộc nhân vật phải tuân theo, hoặc phá bỏ và nhận hậu quả.
Sinh vật
Sinh vật ở đây, tất nhiên, không chỉ mỗi con người. Không phải lúc nào nhân vật trong phim của bạn cũng là người. Có khi đó là người ngoài hành tinh, mấy món đồ chơi cũ, con cá, con gà, con chó, cây dương xỉ, bông lau, hay thậm chí là một mảnh thủy tinh vỡ… Những sinh vật đó có thế giới quan, góc nhìn khác với con người, nhưng khi biến chúng thành nhân vật trong phim, nghĩa là bạn đang nhân cách hóa chúng, cho chúng một cuộc sống. Điều này cũng có nghĩa là, bạn cần xây dựng cho nhân vật của bạn một hệ sinh thái riêng, với những sinh vật (cả động và thực vật) bao quanh chúng.
Khoa học kỹ thuật – Công nghệ
Cách nhìn xem một thế giới phát triển đến đâu, dựa vào trình độ khoa học – công nghệ của thế giới ấy. Thế giới của Harry Potter kỳ bí với những cây đũa phép. Thế giới của Avatar cho thấy sức mạnh quân sự sắt thép của người địa cầu đối nghịch với những mũi tên thô sơ của người Na’vi. Một bộ phim cổ trang lấy bối cảnh thế kỷ thứ X thì không thể xuất hiện súng máy. Một thế giới với những chiếc xe bay hay công nghệ VR khắp mọi nơi chứng tỏ câu chuyện diễn ra ở tương lai… Nhìn vào trình độ công nghệ, người xem có thể dễ dàng hiểu được thế giới mà câu chuyện phim đang diễn ra là thế giới nào.
Vấn đề – Xung đột – Giải quyết
Một thế giới quá yên bình thì chẳng có gì vui cả. Bản chất của con người là thích xung đột. Khán giả bỏ tiền vào rạp xem phim cũng là muốn thấy xung đột. Vậy thì, thong thế giới mà bạn tạo ra, có vấn đề gì đáng để nảy sinh xung đột?
Trước khi ném nhân vật vào chảo lửa, ít ra bạn cũng nên bật lửa, rồi đổ thêm ít dầu, đúng không? Bạn đưa nhân vật của bạn vào giữa thế giới, ném vào nhân vật một mớ vấn đề, kéo nhân vật vào trong một đống xung đột, rồi từ từ xem nhân vật tìm cách giải quyết thế nào. Mà đúng ra, là bạn bí mật dẫn dắt nhân vật vượt qua mọi vấn đề mà không được để ai biết. Bạn có thấy thần linh nào xuất hiện chỉ lối cho ai chưa? Hay họ chỉ toàn tạo cơ hội thôi?
Làm Thần coi vậy mà không đơn giản, đúng không?
MỘT SỐ BÀI HỌC TỪ PHIM VIỆT NAM
Trong 10 năm trở lại đây, khi nền điện ảnh nước nhà bắt đầu phát triển, có không ít phim làm ra thất bại doanh thu hoặc bị cấm chiếu. Một số trường hợp dưới đây, theo quan điểm của tôi, gặp vấn đề ngay từ khâu xây dựng thế giới:
- Lửa Phật: Đây là một phim tốt, theo tôi là vậy. Đạo diễn Dustin Nguyễn đã làm phim này rất chỉn chu. Nhưng thời điểm đó, nền điện ảnh nước nhà chưa quen với thể loại fantasy (giả tưởng), giới phê bình vẫn nhầm lẫn giữa giả tưởng (fantasy) với dã sử (một nhánh phim historical), và các diễn đàn phê bình phim khi đó chỉ toàn những bài bình phẩm về ngực của hai diễn viên nữ trong phim, thì phần xây dựng thế giới chỉ được miêu tả ngắn gọn trong vài phút đầu không đủ để khán giả và giới phê bình cảm nhận được. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim sau này. Còn giới phê bình thì đến tận phim Ngày Nảy Ngày Nay họ vẫn không có khả năng phân biệt đó là phim cổ trang hay cổ tích. Chắc tới phim Trạng Tí ra mắt năm sau cũng vậy.
- Bụi Đời Chợ Lớn: Bỏ qua vấn đề công an không xuất hiện trong phim (vốn dĩ ngay cả phim Hàn hay Mỹ cũng luôn có công an/mật vụ chìm ở phe chính diện) thì vào khoảnh khắc mà tay giang hồ do Johnny Trí Nguyễn thủ vai tung cú đá vòng cầu siêu đẹp giữa chợ là bộ phim đã bắt đầu ảo quá rồi. Võ thuật trong phim đó là thứ võ biểu diễn, đẹp mắt, nhưng không phải là kiểu đánh nhau bạo lực của giang hồ thật sự. Giang hồ thật sự không dùng những đòn thế biểu diễn kiểu đó. Nhất là người Việt Nam mà xài võ thi đấu biểu diễn của Taekwondo, khi nhân vật không có bất kỳ chi tiết nào trước đó cho thấy anh ta là người có học võ hay ít nhất là cựu vận động viên võ thuật.
- Rừng Xác Sống: Một trong những phim bị cấm chiếu của Lê Văn Kiệt. Lý do? Tên tiếng Anh của phim này là The Lost Tour: Vietnam, kể về một thanh niên Mỹ và một Việt kiều về Việt Nam chơi, đi vào rừng gặp zombie, bị zombie rượt.
- KFC: Khi phim này bị cấm chiếu, rất nhiều bạn trong giới làm phim độc lập tức giận. Chắc vì họ không xem trailer. Trailer của KFC khắc họa hình ảnh một xã hội vô pháp, mà chỉ riêng cảnh ái tử thi quay toàn cảnh đã đủ để cấm vì đó là yếu tố bị cấm trong Luật Điện Ảnh. Không luật sư nào bào chữa cho cảnh đó được.
- Ròm: Phim dù đoạt giải ở LHP Busan nhưng bị phạt ở Việt Nam. Ban đầu là yêu cầu cắt gọt chỉnh sửa, nhưng vì lén mang đi thi nên bị phạt, chứ chưa hề có lệnh cấm chiếu phim này. Dù vậy, qua mồm giới làm phim porn thể loại arthouse thì cái gì cũng thành cấm chiếu hết.
Đặc điểm chung khiến 3 phim Rừng Xác Sống, KFC, Ròm bị phạt là gì? Biên kịch của 3 phim này, trong quá trình xây dựng câu chuyện và thiết lập thế giới, đã cố tình đặt tên gọi “Việt Nam” vào phim ở vị trí tiêu cực cho hình ảnh đất nước.
Bạn là người làm phim, vậy bạn biết cơ quan nào quản lý ngành điện ảnh không? Cục Điện Ảnh. Vậy Cục Điện Ảnh trực thuộc đơn vị nào? Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch. Bạn hiểu chức năng và nhiệm vụ của Bộ này là gì không? Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch là cơ quan chủ quản, có trách nhiệm quản lý và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước. Những người làm việc ở đó, họ không phải nghệ sĩ, mà là những người quản lý. Công việc của họ là đảm bảo mọi thứ hoạt động theo đúng Luật. Nếu họ du di cho một dự án nào đó mà dự án đó hóa ra vi phạm pháp luật, thì chủ dự án có khi chỉ bị phạt tiền, còn người quản lý có khi mất cả sự nghiệp. Hãy nhìn vào trường hợp 2 bộ phim có đường lưỡi bò được nhập khẩu bởi CGV gần đây.
Trở lại trường hợp của 3 phim trên. Rừng Xác Sống nói về khách du lịch đến Việt Nam bị quái vật giết hại. KFC nói rằng ở Việt Nam y tá làm nhục xác chết trên xe cứu thương. Ròm nói rằng những đứa trẻ con ở TP.HCM đánh nhau đổ máu mỗi ngày. Nếu bạn là người làm quản lý, người làm chính trị, làm công việc mà chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể bị đối thủ cho về vườn, thì bạn có mạo hiểm sự nghiệp để cho phép những phim chỉ đích danh đất nước, địa điểm có thật với góc nhìn tiêu cực như vậy được phát hành rộng rãi?
Nếu bạn thường xem phim truyền hình của VTV, bạn sẽ thấy gần như năm nào VTV cũng có ít nhất một phim chính luận, lấy đề tài chống tham nhũng. Vậy tại sao VTV làm được, mà bạn không được làm? Hãy tìm hiểu kỹ hơn. Mọi địa danh trong những phim chính luận của VTV đều là giả. Có những phim chính luận được làm chỉn chu tới mức đạo diễn yêu cầu tổ thiết kế phải làm cả biển số giả, tên đường giả, bản đồ địa giới hành chính giả cho phim. Khi xem phim, bạn vẫn có thể liên tưởng nội dung phim tới những vụ án có thật ngoài đời, nhưng mọi thứ trong phim đều là giả.
Tại sao phải làm mọi thứ phức tạp lên như vậy?
Bạn hãy thử tìm kiếm cụm từ “TP.HCM” trên Google xem. Phần lớn đều là những từ khóa kiểu “xanh, sạch, đẹp”. Đó là điều kiện cần để quảng bá du lịch đất nước. Nước nào cũng làm như vậy. Nếu bạn làm một bộ phim nói về tham nhũng hay tội phạm ở TP.HCM, báo chí khi viết bài sẽ phải ghi những từ khóa ấy vào, và rồi khách du lịch không biết gì sẽ chỉ thấy những từ khóa tiêu cực về TP.HCM hiện lên Google. Các nhà quản lý không thích thế. Như trường hợp của bạn tôi, người vừa xin được visa đi Ấn Độ du lịch vào tháng trước, cả tuần nay đang rơi vào tình trạng hoang mang khi Google từ khóa “Ấn Độ” chỉ toàn thấy tin “cướp, giết, hiếp, nướng”. Những từ khóa tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước. Chẳng chính phủ nước nào thích vậy cả.
Đúng vậy, không chỉ có chính phủ nước mình mới sử dụng cách này.
Trong hầu hết phim Trung, phim Hàn có nhắc tới tham nhũng, bối cảnh chính thường là một thành phố giả nào đó được bịa ra, cũng như trong tuyến chính diện lúc nào cũng có ít nhất một nhân vật là người của chính quyền (công chức, công an, quân đội…). Trong phim Mỹ, thành phố Gotham được lấy cảm hứng từ New York những năm 80, hay những vụ tham nhũng được thể hiện trên màn ảnh đều đã xảy ra từ rất lâu trước đó. Bộ Quốc Phòng Mỹ mỗi năm cũng chi tiền làm một phim để nâng cao hình ảnh quân đội mỗi mùa kêu gọi nhập ngũ. Khi đoàn phim 007 định sang Mexico quay phần Spectre, chính phủ Mexico đã hứa giảm cho đoàn phim 20 triệu USD tiền thuế nếu nhân vật phản diện trong phần này không phải người Mexico, thưởng thêm 6 triệu USD nữa nếu quảng bá được du lịch Mexico, và rồi chúng ta thấy cảnh Jame Bond bước lon ton giữa ngày hội truyền thống Día de Muertos (Lễ hội người chết) ngay cảnh mở đầu phim…
Vậy điều này có nghĩa là bạn không thể làm phim nói lên vấn đề tiêu cực trong xã hội?
Không phải như vậy.
Bạn có quyền làm phim nói lên vấn đề tiêu cực trong xã hội, nhưng đồng thời bạn cũng phải cho thấy một cách giải quyết vấn đề. Cách giải quyết đó, phải thuyết phục được khán giả. Một bộ phim mà chỉ đưa ra vấn đề mà không đưa ra cách giải quyết không bao giờ là một phim hay cả. Bên cạnh đó, là người làm phim, đừng bao giờ quên rằng phim ảnh là công cụ truyền bá văn hóa và định hướng chính trị hiệu quả nhất. Hiểu được điều đó, ghi nhớ điều đó, bạn sẽ thoải mái sáng tạo và tự do trong biểu đạt hơn. (“Phải hiểu Luật thì mới lách Luật được” – Bong Sang Pil, drama Lawless Lawer). Đến cuối cùng, thế giới trong phim của bạn là do bạn tưởng tượng ra, dựa vào cảm nhận, trình độ, trí tuệ và thế giới quan của bạn; vậy nên bạn cần tự chịu trách nhiệm với nó.
Và đừng quên, khi bạn làm phim, nghĩa là bạn đang mời khán giả bước chân vào thế giới của bạn. Hãy giới thiệu cẩn thận với họ về thế giới mà họ sắp và đang bước vào một cách thận trọng, nhẹ nhàng và đừng quá phức tạp với khán giả. Bạn cần khán giả, chứ khán giả không cần bạn.
©yooribae
Bài viết của yoo rất hay, cơ mà hơi lâu nhé. Làm mình sốt hết cả ruột. Mình cũng đang viết một cái kịch bản dài tập, tuy nhiên mình hơi khá lo về vấn đề bản quyền. Nói rõ hơn thì là thế này : Mình có xem một bộ phim Nhật dài tập ( mình có nghiên cứu kĩ thì phim ko được nổi tiếng cho lắm, tuy nhiên vẫn có người xem nhưng hầu hết là người nước ngoài), thế rồi mình nảy ra ý tưởng là viết một cái kịch bản cốt truyện có khác khoảng 40% – 50%, đó là riêng về phần cốt truyện, còn về tuyến nhân vật thì chỉ có 2 nhân vật chính, còn lại biến chuyển phải khác tới 70% – 80% rồi. Nói thêm cả tình tiết nữa, tuy có lấy phần giữa của kịch bản phim mà mình xem chuyển sang mình nhưng các cảnh cũng như tình tiết cũng giản lược hơn rồi, khác hơn rất nhiều, chỉ có ý là na ná nhau một chút thôi
Còn nhiều cái khác như giá trị nhân văn, lý lịch nhân vật, Blah blah nữa, nhưng mà cũng ko đáng kể. Cái mình muốn hỏi yoo ơn đây là : MÌNH CÓ THỂ BIẾN ĐỔI MỘT CÂU CHUYỆN THÀNH KỊCH BẢN CỦA MÌNH TỪ MỘT BỘ PHIM CÓ SẴN MÀ KHÔNG BỊ VI PHẠM BẢN QUYỀN KHÔNG? (Cái này là trường hợp của nước ngoài nhé nhưng ko phải là quá nổi tiếng, mà mình nghe nói là chỉ cần im ỉm làm là được rồi)
Hiện mình đã hoàn thành gần hết đề cương, chỉ cần chuyển sang kịch bản nữa thôi. Giờ mình rất lo cũng như bối rối, nếu có thể mong yoo giải đáp vấn đề này hộ mình nhé, hoặc rõ hơn là làm hẳn một bài về vấn đề này luôn đi cho khỏe
Mong sớm hồi âm
Thân gửi,
Fan yoo
Mình cũng muốn viết nhanh lắm, cơ mà mùa 2 này toàn chủ đề khó giải thích bằng lời, mỗi lần nghĩ xem nên viết thế nào cũng cực lắm huhu
Về câu hỏi của bạn, thực ra thì phim Mỹ, phim Hàn ăn cắp ý tưởng của phim Nhật rất nhiều. Cơ mà điều quan trọng nhất khi bạn xào nấu, biến tấu một ý tưởng có sẵn thành của bạn, thì phải đảm bảo là không ai phát hiện ra. Bạn có thể lấy ý tưởng, lấy cảm hứng từ một câu chuyện có sẵn, sau đó thể hiện nó với góc nhìn mới, góc nhìn mà bạn tin rằng hay hơn, hoặc khác biệt với góc nhìn của câu chuyện gốc. Khi làm điều đó một cách cẩn trọng và nghiêm túc, bạn sẽ nhận ra là bạn đang kể một câu chuyện mới, khác hẳn câu chuyện cũ. Vậy nên không có vấn đề gì, nếu bạn có thể làm ra một câu chuyện, kịch bản hay ho hơn, từ một câu chuyện có sẵn. Còn nếu bạn ăn cắp một các vụng về và lộ liễu, thì phải tự chịu trách nhiệm thôi.
P/s: Về vấn đề này, bạn có thể tìm đọc cuốn Steal Like An Artist nhé.