[Kịch bản 101] #19: Ý tưởng từ đâu ra?

Everything begins with an idea.

– Earl Nightingale –

Ý tưởng, một từ ngắn gọn, dễ viết, nhưng đầy sức hút và quyến rũ. Ý tưởng, thứ mà ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng không phải ai cũng hiện thực hóa nó được. Ý tưởng, thứ có thể thay đổi cả thế giới, cũng là thứ khó định giá nhất. Tất nhiên, vì ai cũng có thể nghĩ ra một ý tưởng.

Ý TƯỞNG TỪ ĐÂU RA?

original

  1. Kiến thức / Tìm hiểu

Có nhiều người nghĩ rằng, nhà văn thì chỉ đọc truyện, biên kịch thì chỉ xem phim, họa sĩ thì chỉ vẽ… Đương nhiên, đó là việc bạn phải làm, vì nó phục vụ cho công việc của bạn. Nhưng làm biên kịch, không có nghĩa là bạn chỉ xem phim rồi viết kịch bản. Phim ảnh phản ánh đời sống. Nếu bạn không có kiến thức xã hội, phim của bạn không thể nào tốt được.

Nếu bạn đã xem phim Interstellar của đạo diễn Christopher Nolan, bạn sẽ thấy choáng ngợp trước những kiến thức về vật lý vũ trụ mà bộ phim mang lại. Hay khi xem phim đề tài y khoa, bạn có từng nghĩ xem sao biên kịch có thể biết được những chứng bệnh kỳ lạ hay những ca bệnh phức tạp? Đơn giản thôi, họ dành thời gian nghiên cứu. Đạo diễn Bong Joon Ho đã dành cả năm trời để nghiên cứu vụ án giết người có thật trong phim “Memories Of Murder”, đạo diễn Kim Han Min và cộng sự đã dành cả năm trời để tìm hiểu thiết kế chính xác của tàu chiến Nhật Bản thế kỷ 16 cho phim “Đại Thủy Chiến”, bậc thầy James Cameroon đã dành cả chục năm để tìm cách tạo ra thế giới trong “Avatar”, nhà văn – nhà làm phim Neil Gailman dành hơn 10 năm để thu thập tư liệu trước khi bắt tay vào viết cuốn sách “American Gods” nổi tiếng… Tất cả những tác phẩm văn học và điện ảnh nổi tiếng khiến khán giả nhớ mãi sau khi xem xong đều có một điểm chung, đó là nhà văn/biên kịch đã làm việc cật lực để làm ra một tác phẩm với chất lượng nội dung tốt nhất. Cũng không thể quên cái tên này, J.K.Rowling – tác giả của huyền thoại Harry Potter – người đã tạo ra cả một thế giới phù thủy đầy mê hoặc, với cái kết tuyệt vời đã được tính toán, sắp đặt kỹ càng trước cả khi câu chuyện bắt đầu.

Là một biên kịch, bạn không chỉ cần phải học và hiểu những cuốn sách dạy viết kịch bản, hay xem thật nhiều phim, mà bạn còn phải luôn tìm tòi, khám phá, suy ngẫm về mọi chủ đề trên thế giới này. Là biên kịch, bạn phải có kiến thức về kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý, chính trị, mỹ học, kỹ năng giao tiếp… Bạn không thể biết hết mọi thứ. Nhưng biết càng nhiều, tích lũy kiến thức xã hội càng nhiều, não của bạn sẽ càng có nhiều dữ liệu hơn, nghĩa là chất liệu sáng tạo của bạn sẽ phong phú và đa dạng hơn.

creativeconfidence1

2. Trải nghiệm – Kinh nghiệm cá nhân

Vấn đề của rất rất rất nhiều người khi mới bắt đầu biết truyện, viết kịch bản hay làm phim, đó là đưa quá nhiều trải nghiệm cá nhân vào câu chuyện. Vấn đề này xuất phát từ một trong những quan điểm thường bị hiểu sai nhất: “Hãy viết những gì bạn hiểu rõ nhất”.

Lời khuyên đó không sai. Hoàn toàn chính xác. Vấn đề ở đây là nhiều người thường hiểu sai ý nghĩa.

“Hiểu” ở đây, nghĩa là bạn có đầy đủ kiến thức, cảm nhận về một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó, và có khả năng tìm hiểu, phân tích, nhận định về sự vật, sự việc, hiện tượng đó dựa trên lý trí, thay vì cảm xúc.

Con người vốn dĩ rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Người càng không kiểm soát được cảm xúc của mình, càng dễ bị thao túng, dắt mũi. Là biên kịch, nhiệm vụ của bạn là thao túng cảm xúc của khán giả, thông qua câu chuyện mà bạn kể cho họ. Để làm được điều đó, bạn phải học cách tách biệt cảm xúc bản thân ra khỏi câu chuyện.

Phần lớn ý tưởng được tạo ra dựa trên kinh nghiệm cá nhân kết hợp với kiến thức tích lũy. Đôi khi, bạn bất chợt xuất thần, nghĩ ra được một ý tưởng tuyệt vời. nhưng rồi khi nhìn lại, nếu nhìn thật kỹ, bạn sẽ nhận ra một phần bản thân bạn trong câu chuyện đó.

Mỗi câu chuyện bạn kể ra, đều thể hiện một góc độ nào đó con người bạn. Viết lách, làm phim là cách bạn thể hiện bản thân ra với thế giới. Dù vậy, lột trần bản thân ra cho thiên hạ thấy sẽ làm bạn bị tổn thương. Vậy nên, hãy chỉ hé lộ từng chút, từng chút thông qua các nhân vật và câu chuyện.

Cũng đừng quên, phim là của nhân vật, nói về cuộc đời nhân vật, không phải nói về cuộc đời của bạn.

62612234_445959356203314_8041375343115763712_n

3. Cảm hứng

Cảm hứng, là điều kiện tiên quyết để nảy sinh một ý tưởng. Khi không có cảm hứng, bạn chẳng nghĩ ra được gì cả. Bạn có thể ngồi chờ cảm hứng đến. Cảm hứng sẽ đến thôi, chỉ là không biết khi nào. Có thể nó đi luôn không quay lại nữa cũng chừng.

Sự thật là, cảm hứng không tự xuất hiện, mà nó được tạo ra. Cảm hứng mà bạn có để nảy ra một ý tưởng, là kết quả của hàng chục năm học tập, tìm tòi, tích lũy kiến thức, trải nghiệm, cảm nhận… Não của bạn sẽ liên tục sắp xếp, xáo trộn những dữ liệu đó lại với nhau. Và đó là cách mà ý tưởng hình thành trong đầu bạn. Đến lúc thích hợp, một ý tưởng nào đó trong số hàng tỷ tỷ ý tưởng mà não đang sắp xếp sẽ vô tình rơi ra ngoài. Người ta gọi đó là cảm hứng.

97263.019-What-makes-a-good-creative-idea-image-RESIZED-400x400_r1-01

4. Brief – Phân tích yêu cầu từ khách hàng

Brief là bản tóm tắt, yêu cầu công việc đối với những người làm sáng tạo, được thể hiện dưới dạng viết hoặc qua lời nói tùy sở thích của khách hàng. Phân tích Brief là nỗi ám ảnh của gần như mọi người làm sáng tạo. tại sao? Vì có khi khách hàng brief một đằng mà mục tiêu một nẻo. Có khi brief quá ít thông tin, bởi chính khách hàng cũng không biết họ muốn gì. Hay là, thường gặp nhất, yêu cầu trong brief tự đập lẫn nhau (yêu cầu vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa vui nhộn hài hước vừa có chiều sâu, vừa hoành tráng như End Game vừa phù hợp làm kinh phí thấp…). Nói thẳng ra, nghĩ ý tưởng theo brief là nghĩ ý tưởng cho người khác. Nó không xấu. Những việc kiếm ra tiền chân chính đều không xấu. Nhưng bạn sẽ phải học cách vượt qua tổn thương mà bạn sẽ luôn luôn gặp phải trong quá trình nghĩ sao cho vừa lòng khách.

giphy (1)

Là một biên kịch, bạn phải luôn luôn nghĩ ra nhiều ý tưởng mới. Không chỉ vì khách hàng yêu cầu gấp, mà vì bạn luôn phải chuẩn bị trước rất nhiều ý tưởng để giới thiệu đến các nhà sản xuất, nhà đầu tư ngay khi có cơ hội. Và chắc bạn cũng hiểu mà, đâu phải lúc nào muốn là cũng có ý tưởng ngay lập tức đâu.

LÀM GÌ ĐỂ CÓ Ý TƯỞNG ?

bright-idea

  1. Đọc sách

Bản thân tôi rất ngại đọc. Tôi có thể đọc nguyên cuốn truyện 200 trang trong một ngày, nhưng phải mất tới một tuần để đọc một quyển sách học thuật cũng ngần ấy trang. Dù vậy, đọc sách là phương pháp tốt để rèn luyện tư duy, trí tưởng tượng cũng như tăng cường vốn ngôn ngữ cho bạn.

Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ đọc sách để giải trí. Bạn đọc sách để bổ sung kiến thức cho bản thân. Vậy nên, thay vì chỉ đọc sách ngôn tình, hãy tìm đọc thêm các đầu sách về văn hóa, lịch sử, kinh tế, truyền thông, chính trị, tâm lý, xã hội, kỹ năng mềm…

Điều quan trọng khi đọc sách là, đừng đọc sách với một cái đầu nặng trĩu. Hãy chọn cho bản thân một không gian thật thoải mái và đọc sách với một tâm trí rộng mở, không định kiến, không tiêu cực. Đó là điều kiện cần thiết để bạn có thể cảm nhận được hết giá trị của cuốn sách mà bạn đang đọc.

2. Trò chuyện

Trò chuyện, giao tiếp, thảo luận với người khác cũng là cách để não luyện tập suy nghĩ. Bạn thử nhớ lại xem, trong những buổi đi cafe tán gẫu cùng bạn bè, làm sao bạn có thể trò chuyện suốt hàng giờ đồng hồ với vô vàn chủ đề khác nhau, đầu bạn nhảy số liên tục không mệt mỏi, mà về nhà ngồi nhìn bức tường là não lại đóng băng?

Bởi vì giao tiếp là cách giúp não bạn phát triển khả năng tương tác, truy xuất thông tin nhanh chóng.

3. Đeo tai nghe

Nghe nhạc cổ điển, nhạc không lời có tác dụng kích thích trí não, giảm stress, cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên, khi bạn ngồi viết ở quán cafe, thì không phải quán nào cũng mở nhạc có lợi cho sức khỏe. Có những lúc, bạn cần tập trung, mà quán quá ồn ào. Lúc này, tai nghe là thứ vô cùng hữu ích.

4. Luôn mang theo sổ, mọi lúc mọi nơi

Bạn sẽ không bao giờ biết ý tưởng sẽ bất chợt xuất hiện lúc nào. Có thể là lúc bạn đang đi tè, có khi là lúc bạn vừa chuẩn bị ngủ. Sẽ vô cùng tiếc nếu bạn nghĩ ra một ý tưởng hay ho rồi quên ngay sau đó mà không ghi lại kịp. Hãy luôn mang theo một cuốn sổ bên mình, đừng viết vào điện thoại, vì điện thoại mà hư là ý tưởng của bạn đi luôn.

5. Viết mỗi ngày

Hãy ghi chép lại mọi thứ mà bạn nghĩ ra. Đừng câu nệ độ hay ho hay ý nghĩa gì cả. Một ý tưởng bâng quơ ngày hôm nay có thể là tiền đề cho một phim bom tấn vài năm sau đó. Bạn sẽ chẳng biết trước được.

6. Quan sát mọi thứ

Bạn có thường quan sát xung quanh? Ngày hôm nay bầu trời thế nào? Chuyện gì xảy ra khi bạn đang dừng đèn đỏ? Cô gái ngồi ở bàn bên kia đang chờ đợi ai?… Hãy thử quan sát mọi thứ xung quanh bạn, biết đâu bạn có thể khám phá thêm những điều mới lạ mà bạn chưa từng nhận ra.

7. Thuyết âm mưu cho tất cả

Trò này vui, mà hơi hại não. Hãy nhìn vào một sự kiện bất kỳ đang xảy ra; và dùng khả năng tư duy, suy luận của mình, bạn hãy thử đoán xem chuyện gì đang diễn ra đằng sau sự kiện đó. Hãy luôn nghi ngờ, luôn đặt ra câu hỏi, khám phá mọi chuyện. Tính tò mò là nền tảng của sự sáng tạo. Hãy tò mò, như một đứa trẻ.

8. Chơi cùng từ vựng

Bạn có từng chơi chữ chưa? Những trò đùa liên quan đến chơi chữ (dù phần lớn là tục tĩu) nhưng khá là vui nếu chơi cùng bạn bè. Nếu bạn may mắn tới mức không có bạn bè, thì vẫn có thể lấy sổ ra, ghi hết những từ khóa mà bạn có thể nghĩ tới, rồi thử ráp chúng lại với nhau thành những chủ đề mới xem như thế nào. Có rất nhiều trò chơi giúp kích thích khả năng tư duy, tưởng tượng, sáng tạo. Nếu bạn thấy vui, thì cứ chơi.

tumblr_o7qrurvLos1v76kp7o1_500

9. Nghĩ khác đi – Tư duy đa chiều

Bạn nhớ câu chuyện “Thầy bói xem voi” chứ? Mọi sự việc mà bạn nhìn thấy giống như một mặt của khối rubik vậy. hãy đặt câu hỏi, thử nhìn nhận sự việc theo nhiều hướng khác nhau. Bạn có thể khám phá ra nhiều bất ngờ mà trước giờ bạn chưa từng nghĩ tới.

10. Thư giãn

Archimedes và câu nói “Eureka!” nổi tiếng xảy ra khi ông nằm trong bồn tắm. Newton phát hiện ra Vạn vật hấp dẫn khi ngồi dưới gốc sầu riêng. Lộn, gốc táo. Có câu nói “Ý tưởng sinh ra trong phòng tắm”… Đơn giản vì, sau một khoảng thời gian dài suy nghĩ, xáo trộn, cập nhật dữ liệu liên tục, bạn cần phải thư giãn đầu óc để não có thời gian sắp xếp mọi thứ. Trong quá trình thư giãn này, não bạn mới có thể tổng hợp và hình thành ý tưởng mới. Do đó, muốn mau có ý tưởng, thì bạn phải dành thật nhiều thời gian trước đó để nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật dữ liệu cho não, rồi sau đó khi bạn nghỉ ngơi, bạn có thể tìm thấy ý tưởng.

345322.jpg

ĐÁNH GIÁ Ý TƯỞNG CỦA BẠN

Chắc hẳn không ít lần, ý tưởng của bạn bị vùi dập tơi tả, sau khi bạn chân thành chia sẻ với ai đó. Chuyện đó làm bạn cảm thấy tổn thương. Và chuyện đó sẽ không bao giờ ngừng lại.

Con người có xu hướng dè dặt với những gì mới, đơn giản vì họ không hiểu gì về thứ đó. Ý tưởng cũng vậy. Vì là ý tưởng mới, chưa có gì cho thấy ý tưởng đó sẽ thành công, sẽ chẳng có ai ủng hộ. Còn nếu ý tưởng của bạn không quá mới lạ, ý tưởng đó cũng sẽ khó được ủng hộ, vì người ta nghĩ bạn đang ăn theo những thứ đã có sẵn. Con người ấy mà, mâu thuẫn như vậy đó.

2525ca4bf2d65c892c84b3d6f943d245.jpg

“Sáng tạo chỉ là kết nối mọi thứ với nhau. Khi bạn hỏi những người sáng tạo làm thế nào để làm nên một sản phẩm, họ sẽ cảm thấy ngượng ngùng một chút vì thực ra họ không làm gì cả. Những gì họ làm dần sáng tỏ theo thời gian và đến như một điều tự nhiên” 

–  Steve Jobs –

Ý tưởng của bạn có thể không mới, nhưng nếu bạn có thể biến ý tưởng đó thành một câu chuyện độc đáo (unique) hoặc có cách kể chuyện/thể hiện sáng tạo (creative), thì ý tưởng đó vẫn có thể là một ý tưởng tốt.

Với bất kỳ ai, ý tưởng của bản thân luôn là tuyệt nhất. vậy nên, để nhìn nhận và đánh giá tiềm năng của một ý tưởng, đòi hỏi nhiều thứ  khác hơn là cái tôi to hơn cả não.

Khi đánh giá (hoặc tự đánh giá) một ý tưởng, bạn có thể xem xét dựa trên những tiêu chí sau:

  • Lý do ý tưởng tồn tại: Vạn vật trên đời xuất hiện đều có lý do, ý tưởng cũng vậy.
  • Mục đích ý tưởng tồn tại là gì?
  • Giá trị nhân văn / đạo đức ở đâu trong ý tưởng này?
  • Cách thể hiện ý tưởng như thế nào?
  • Khả năng truyền tải thông điệp
  • Sức mạnh tự thân của ý tưởng: Ý tưởng này có đủ mạnh mẽ, cuốn hút không?
  • Khả năng khai thác ý tưởng: Ý tưởng này có thể phát triển tới mức nào?
  • Tính độc đáo: Đặc điểm nào giúp ý tưởng này độc đáo hơn những ý tưởng khác?

Hãy nhớ rằng, những tiêu chí trên, cũng như quá trình đánh giá/tự đánh giá, không nhằm mục đích tiêu diệt ý tưởng, mà là cố gắng hết sức để phát triển, hoàn thiện ý tưởng đến mức tối đa.

Khi có ai đó phê bình ý tưởng của bạn, đừng vội nổi nóng, hãy bình tĩnh nghĩ xem, mục đích người đó đưa ra lời phê bình là gì. Nếu chỉ toàn chỉ trích cá nhân, bạn không cần quan tâm. Nếu là lời phê bình vì muốn giúp cho ý tưởng tốt hơn, hãy ghi nhận. Còn làm theo hay không là chuyện của bạn.

3fgt

©yooribae


⊕ Xin chào, Kịch bản 101 đã quay trở lại sau một thời gian dài. Cũng đã rất lâu rồi tôi mới viết blog lại, vậy nên sẽ không tránh khỏi sai sót. Kịch bản 101 – Mùa 2 sẽ đi sâu hơn vào việc xây dựng, phát triển truyện phim thật vững chắc. Loạt bài mới sẽ được cập nhật liên tục hàng tuần, mong nhận được sự ủng hộ của các bạn.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chấm điểm cho bài viết. Nếu bạn chưa nhấn “Theo dõi”, hãy theo dõi blog ngay hôm nay để nhận được thông tin về các bài viết mới sớm nhất. Nếu bạn thấy bài viết trên blog có ích, hãy giúp đỡ chia sẻ blog đến với cộng đồng. Vô cùng cảm ơn các bạn ♥

Comments

6 bình luận cho “[Kịch bản 101] #19: Ý tưởng từ đâu ra?”

  1. Anh ơi! Thật hay, tuyệt nữa… cảm ơn nhiều nha

    1. Cảm ơn Liên đã ủng hộ blog ^_^

  2. Em cảm ơn anh đã viết ra bài viết này ạ!. Em nhận ra vốn hiểu biết của mình còn hạn chế quá ạ!.

    1. Cảm ơn em đã ủng hộ blog ^_^

  3. Anh ơi sao em chỉ tìm thấy bài viết số #19 và bài #26 #27 #28 mà không có bài #20 đến bài #25 vậy ạ :-??? :((

    1. Ừa phần hiển thị bị lỗi á T_T Em xem trên trang chủ, kéo xuống có hiển thị mấy bài đó nha

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d