[Kịch bản 101] #34: Tiêu đề cảnh – Trình bày thế nào mới đúng?

Mỗi cảnh quay trên kịch bản luôn bắt đầu với Tiêu đề cảnh. Đó là một dòng chữ được viết hoa, ghi thông tin về bối cảnh, thời gian cảnh quay diễn ra. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ tại sao phải trình bày như vậy. Chính xác hơn, tại sao phải trình bày Tiêu đề cảnh theo một trình tự bắt buộc và trình tự đó có ý nghĩa gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:

TIÊU ĐỀ CẢNH

Tiêu đề cảnh là dòng đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của mỗi cảnh quay. Trong Celtx, dòng này được gọi là Scene Heading, hiển thị trên nền màu xám (để dễ nhìn, in ra không thấy). Dù cho mỗi người viết kịch bản có cách trình bày Tiêu đề cảnh khác nhau, thì có một thứ tự cụ thể trong việc trình bày mà không ai được phép trình bày khác đi, đó là:

NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH - THỜI GIAN

1. NỘI/NGOẠI

Yếu tố đầu tiên trong Tiêu đề cảnh, đó là xác định cảnh này là cảnh NỘI hay cảnh NGOẠI. NỘI CẢNH, trong kịch bản tiếng Anh thể hiện bằng ký hiệu INT, có thể hiểu là INTERNAL (bên trong). NGOẠI CẢNH, trong kịch bản tiếng Anh thể hiện bằng ký hiệu EXT, có thể hiểu là EXTERNAL (bên ngoài). Cũng giống như trong kiến trúc, chúng ta có Interior là Nội thất, Exterior là Ngoại thất vậy.

Dễ hiểu hơn, thì NỘI CẢNH (hay còn gọi là cảnh Nội) là những cảnh quay diễn ra ở trong một không gian kín, như trong phòng họp, phòng tắm, quán cafe trong nhà, trung tâm thể thao trong nhà… Còn NGOẠI CẢNH (hay còn gọi là cảnh Ngoại) là những cảnh diễn ra ở ngoài trời, như sân nhà, trên đường, sân bóng đá, trong rừng, giữa biển, trên sông, ngoài vũ trụ…

Để xác định bối cảnh cụ thể là cảnh NỘI hay NGOẠI, chúng ta có thể dựa vào vị trí mà chủ thể của cảnh quay (như nhân vật chính) đang ở là không gian kín hay không gian mở. Hãy tưởng tượng bạn là chủ thể của cảnh quay đang ở trong bối cảnh và ngước nhìn lên trên. Nếu chủ thể của cảnh quay ở trong một không gian mà trên đầu chủ thể là bầu trời, không có bất kỳ vật cản nào (như mui xe, trần nhà, hay tấm kính…) thì đó là cảnh Ngoại. Nếu chủ thể của cảnh quay ở trong một không gian kín, xung quanh có tường bao, phía trên có mái che, thì đó là cảnh Nội.

Có một số trường hợp mà nhiều người hay tranh cãi, chẳng hạn như cảnh xe hơi là cảnh Nội hay Ngoại, dưới đáy biển là cảnh Nội hay Ngoại, thì câu trả lời như sau:

  • Bạn đang quay cảnh “Người ngồi trong xe hơi” hay “Xe hơi chạy ngoài/trên đường”? Nếu bạn quay “Người ngồi trong xe hơi”, thì rõ ràng chủ thể (người) đang trong một không gian kín (xe hơi), đó là cảnh Nội. Nếu bạn quay “Xe hơi chạy trên đường” thì chủ thể (xe hơi) đang ở không gian mở (ngoài đường), đó là cảnh Ngoại. Nếu bạn muốn quay cả hình ảnh xe hơi chạy trên đường lẫn người ngồi trong xe thì bạn có thể ghi Tiêu đề cảnh là ngoại/nội. xe hơi – ngày (hoặc đêm, tùy bạn), ở dưới phần Action ghi thêm một câu đại loại “Chiếc xe hơi chạy bon bon trên đường”. Xong.
Đây là cảnh Nội
Còn đây là cảnh Ngoại
  • Tương tự, nếu bạn quay cảnh ngoài vũ trụ, hoặc dưới đáy biển, thì đó vẫn là cảnh NGoại. Nếu bạn quay cảnh bên trong một con tàu vụ trụ hay trong một cái hang dưới đáy biển, thì đó mới là cảnh Nội.
  • Một ví dụ khác: Nếu bạn quay cảnh nhân vật ngồi hóng mát ngoài sân, trên đầu nhân vật được che chắn bởi một cây dù, thì đó là cảnh NGOẠI, vì “ngoài sân” là không gian mở. Hoặc nhân vật đi cắm trại và căng lều; nếu nhân vật ở trong lều thì “trong lều” là cảnh NỘI, còn nhân vật ngồi ở hiên có mái che thì đó là cảnh NGOẠI.

Có ý kiến cho rằng, để xác định cảnh NỘI/NGOẠI, bạn nên dựa vào vị trí đặt máy quay. Ý kiến này hoàn toàn SAI. Để dẫn chứng, chúng ta có một cảnh phim dưới đây, trong đó chủ thể của cảnh quay là hai nhân vật ngồi bên nhau trong quán cafe. Trong kịch bản, đây là một cảnh NỘI, bởi bối cảnh QUÁN CAFE là một không gian kín, được bao bọc bởi cả tường lẫn trần nhà.

Hình ảnh từ phim Cảm Giác Khi Yêu (Biên kịch: Yone Đỗ Trân, đạo diễn: Yooribae)

Tuy nhiên, vì hai nhân vật ngồi bên cửa sổ, đạo diễn (it’s me) quyết định sẽ có thêm một góc máy quay từ bên kia đường hướng vào phía cửa sổ, để lấy thêm góc nhìn (và một số dụng ý “nghệ thuật” khác).

Hình ảnh từ phim Cảm Giác Khi Yêu ( Biên kịch: Yone Đỗ Trân, đạo diễn: Yooribae )

Vậy nếu chúng ta “xác định cảnh nội/ngoại dựa vào vị trí đặt máy quay”, thì cú máy này sẽ thuộc cảnh Ngoại? không. Cảnh quay hai nhân vật ngồi bên nhau trong quán cafe vẫn là cảnh Nội, còn đạo diễn đặt máy ở đâu là sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn cũng như dựa vào bối cảnh cụ thể, cái này biên kịch không can thiệp hay xử lý trên kịch bản được. Chẳng hạn như trong cú máy dưới đây, chắc chắn không phải biên kịch nghĩ ra, mà đến từ góc nhìn và ý đồ dàn dựng của đạo diễn.

Hình ảnh từ phim Find Me In Your Memory (đọc bài review phim tại đây)

2. TÊN BỐI CẢNH

Tên bối cảnh là địa điểm nơi cảnh phim diễn ra. Trong phim, nhiều cảnh quay có thể diễn ra ở cùng một bối cảnh. Tên bối cảnh cần đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, chẳng hạn như: QUÁN BAR, NHÀ VỆ SINH, HỒ BƠI, CÔNG VIÊN, CÁNH ĐỒNG, ĐƯỜNG QUỐC LỘ, TÀU NGẦM, HỐ VÔI, LÒ GẠCH… Đừng đặt những cái tên dài và khó hiểu như MỘT NƠI NÀO ĐÓ NẰM GIỮA RỪNG TRÚC VÀ HỒ THAN THỞ CÓ NHIỀU HOA THƠM CỎ LẠ KHÔNG AI LUI TỚI. Phần miêu tả không gian, địa điểm, bối cảnh mà cảnh quay xảy ra nằm ở phần Action phía dưới, không phải ở Tiêu đề cảnh.

Bối cảnh chính và bối cảnh phụ

Trong một số trường hợp, bối cảnh chính là một không gian lớn, bên trong có nhiều bối cảnh phụ; chẳng hạn bối cảnh BỆNH VIỆN, BIỆT THỰ, TÒA NHÀ VĂN PHÒNG… Nhiều kịch bản phim truyền hình có cách trình bày như hình dưới đây:

Và cách trình bày này HOÀN TOÀN SAI.

Hãy nhớ rằng, mỗi cảnh quay là một chuỗi tình huống, sự kiện, hành động diễn ra trong cùng một bối cảnh và tại cùng một thời điểm nhất định. Khi nhân vật di chuyển sang một không gian khác thì đó là cảnh khác. Khi cùng một bối cảnh như có hai sự việc diễn ra ở hai thời điểm khác nhau, thì đó cũng là hai cảnh khác nhau.

Trong trường hợp nhân vật di chuyển trong không gian lớn là NHÀ, trong NHÀ lại có nhiều không gian nhỏ khác nhau (PHÒNG), thì chúng ta có thể đặt tên bối cảnh như sau:

Sẽ có những ý kiến cho rằng “Phim truyền hình người ta vẫn viết kiểu gom bối cảnh như vậy suốt mà có sao đâu?”. Vấn đề là, việc viết gộp hết những cảnh quay riêng lẻ trong các bối cảnh phụ vào thành một cảnh duy nhất, ngoài việc gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho bộ phận sản xuất (sẽ được đề cập ở phần dưới), thì có vài lý do không hề tích cực đằng sau:

  • Khác với diễn viên chính được trả lương theo tập, các diễn viên phụ nhận lương theo số phân đoạn / cảnh quay mà họ tham gia. Một số nhà sản xuất – để tiết kiệm tiền – yêu cầu biên kịch, biên tập gộp các cảnh quay liên tiếp nhau trong cùng một không gian lớn vào làm một cảnh. Như vậy, thay vì phải trả cho diễn viên tiền lương của ba cảnh quay, họ sẽ chỉ phải trả tiền cho một cảnh. Với diễn viên, điều này thật sự bất công và vô đạo đức, bởi nếu như ba cảnh quay (phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp) nằm trong bối cảnh lớn (ngôi nhà) được quay ở ba địa điểm khác nhau, trong ba ngày quay khác nhau, và cát sê là 500.000đ cho mỗi cảnh quay; thì người diễn viên sẽ chỉ nhận được có 500.000đ cho ba ngày quay, tức là chưa tới 167.000đ/ngày, thấp hơn cả diễn viên quần chúng (200.000-300.000đ/cảnh có thoại), trong khi lẽ ra số tiền công họ đáng được nhận là 1.500.000đ.
  • Vài năm trước, ở thời kỳ đỉnh cao của phim lấp sóng, khi nhu cầu kịch bản phim truyền hình tăng cao mà không có đủ biên kịch lẫn biên tập có nghề, thì ở một số hãng phim, để hạn chế việc biên kịch viết dai-viết dài-viết dở, vài biên tập đã tạo ra một quy định: Mỗi tập phim truyền hình 45 phút chỉ được phép có tối đa 25 phân đoạn (cảnh quay), mỗi phân đoạn có dài tối đa 2 phút. Đó là một quy định cho thấy sự yếu kém của cả biên tập lẫn biên kịch. Và một số biên kịch đã tìm ra cách lách luật, đó là: Gộp cảnh. Họ gom hết những cảnh diễn ra liên tiếp nhau trong cùng một bối cảnh lớn vào cùng một cảnh. Như vậy có thể đảm bảo về số lượng cảnh không vượt quá giới hạn cho phép. Nếu một cảnh dài hơn 2 phút, họ sẽ cắt đôi cảnh đó ra, chèn vào giữa một cảnh 2 phút nào đó, rồi lại tiếp tục cảnh cũ. Hậu quả của những quy định, luật chơi được sinh ra bởi sự yếu kém về mặt năng lực và khiếm khuyết về mặt nhận thức của một số người là quá trình sản xuất gặp nhiều rắc rối, phức tạp hơn, đời sống của các kỹ thuật viên và diễn viên phụ khổ sở hơn, còn chất lượng của thị trường phim truyền hình thì tụt nhanh hơn giá Bitcoin mỗi lần Elon Musk đăng nhập Twitter.

Và đó là lý do trừ khi bạn đang viết một cảnh Montage, còn nếu không, TUYỆT ĐỐI KHÔNG GỘP CẢNH. Cảnh nào tách riêng ra cảnh đó một cách rõ ràng, cụ thể (làm ơn).

3. THỜI GIAN

Mọi câu chuyện, mọi cảnh phim, mọi tình huống trong phim đều nhằm mục đích cung cấp cho khán giả 4 thông tin chính: Khi nào – Ở Đâu – Ai – Làm gì. Chỉ với một dòng tiêu đề cảnh, chúng ta đã giải quyết được vấn đề Khi nào – Ở đâu.

Trong khi NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH cho người đọc biết rõ địa điểm xảy ra tình huống, cảnh quay; thì THỜI GIAN cho người đọc kịch bản biết cảnh quay này diễn ra vào thời gian nào trong ngày. Trong phần THỜI GIAN này, bạn chỉ cần điền là NGÀY hoặc ĐÊM là đủ.

Tại sao lại là NGÀY/ĐÊM mà không phải mốc thời gian khác? Đơn giản bởi vì ánh sáng mặt trời cơ bản chỉ chia ra 2 loại: Ánh sáng ban ngày và ánh sáng ban đêm. Trừ trường hợp đặc biệt là Bình minh và Hoàng hôn (hay còn gọi là Goden Time, thời gian đẹp nhất trong ngày), còn lại thì khi lên phim bạn khó mà biết được chính xác khung cảnh bạn đang xem diễn ra vào lúc mấy giờ, trừ khi có hình ảnh đồng hồ trong phim (mà yếu tố này được thể hiện trong phần Action). Vậy nên, trong Tiêu đề cảnh, bạn chỉ cần điền mốc thời gian là NGÀY hoặc ĐÊM. Còn chính xác khi nào thì miêu tả ở dưới.

Lúc này là mấy giờ sáng?
Còn lúc này là mấy giờ đêm?

4. YẾU TỐ PHỤ

Như vậy, Tiêu đề cảnh luôn có 3 yếu tố chỉ dẫn cố định là NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH – NGÀY/ĐÊM. Bên cạnh đó, trong một số cảnh quay đặc biệt, Tiêu đề cảnh còn có thêm phần yếu tố chỉ dẫn phụ như sau:

  • Với cảnh Hồi tưởng (Flashback): NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH – NGÀY/ĐÊM – HỒI TƯỞNG
  • Trong trường hợp cảnh này tiếp theo cảnh trước đó: NỘI/NGOẠI, TÊN BỐI CẢNH – NGÀY/ĐÊM (TIẾP TỤC/CONTD.)
  • Cảnh Montage: Chuỗi hành động xảy ra trong cùng một bối cảnh, ở nhiều khung thời gian khác nhau: NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH – NGÀY/ĐÊM – MONTAGE
  • Khi nhân vật ở trong không gian trắng hoàn toàn hoặc đen hoàn toàn, không thể xác định được về mặt thời gian, bạn có thể bỏ phần NGÀY/ĐÊM, chỉ cần ghi NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH
  • Cảnh Song hành: Hai cảnh hiển thị cùng lúc trên màn hình, thường dùng cho cảnh trò chuyện bằng điện thoại hoặc nhắn tin. Dùng dấu / để phân tách Tiêu đề 2 cảnh: TIÊU ĐỀ CẢNH 1 / TIÊU ĐỀ CẢNH 2

Để phân tách giữa các yếu tố cấu thành nên Tiêu đề cảnh, có người dùng dấu chấm (.), có người dùng dấu gạch (-), có người dùng cả hai. Dù vậy, tất cả mọi người đều phải trình bày theo đúng thứ tự NỘI/NGOẠI. TÊN BỐI CẢNH – NGÀY/ĐÊM. Những kiểu thay đổi thứ tự khác như NỘI. NGÀY. TÊN BỐI CẢNH hay NGÀY. TÊN BỐI CẢNH. NGOẠI đều không được chấp nhận, bởi nếu bạn viết tiêu đề cảnh như vậy, quá trình sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIÊU ĐỀ CẢNH TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT

Vì Tiêu đề cảnh là một yếu tố ít được nhắc tới, nên nhiều người dễ lầm tưởng rằng yếu tố này không quá quan trọng, trình bày sao cũng được. Thực tế thì, cánh trình bày Tiêu đề cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình Tiền kỳ (Pre-Production) và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Trợ lý đạo diễn (Assistant Director – AD).

Việc đầu tiên mà Trợ lý đạo diễn phải làm sau khi nhận được kịch bản là làm Scene Breakdown. Nói nôm na, là Trợ lý đạo diễn phải đọc kịch bản từ đầu đến cuối, bóc cách các yếu tố trong kịch bản ra thành từng phần riêng biệt. Trợ lý đạo diễn sẽ phải làm một bảng tổng hợp, phân tích chính xác trong kịch bản có bao nhiêu cảnh phim, mỗi cảnh có bao nhiêu nhân vật chính, phụ, quần chúng, có bao nhiêu đạo cụ, kỹ xảo cần chuẩn bị… Từ bảng phân tích mà Trợ lý đạo diễn thực hiện, đội ngũ sản xuất sẽ ước chừng được quá trình sản xuất sẽ tốn khoảng bao nhiêu kinh phí, phải quay trong bao nhiêu ngày, mỗi ngày cụ thể cần bao nhiêu nhân sự…

Scene Breakdown Tập 3 phim Cảm Giác Khi Yêu (Biên kịch: Yone Đỗ Trân, đạo diễn: Yooribae)

Vậy Tiêu đề cảnh liên quan gì tới mấy điều này?

Bước đầu tiên của quá trình Breakdown kịch bản (sau khi đã đọc qua kịch bản ít nhật một lần), là Trợ lý phải phân tích, trả lời những câu hỏi sau theo đúng thứ tự:

  • Kịch bản có bao nhiêu cảnh Nội, bao nhiêu cảnh Ngoại?
  • Trong số các cảnh Nội (hoặc Ngoại), có bao nhiêu bối cảnh Nội (hoặc Ngoại)?
  • Trong một bối cảnh cụ thể có bao nhiêu cảnh?
  • Trong số đó có bao nhiêu cảnh là cảnh Ngày, bao nhiêu cảnh là cảnh Đêm?
  • Mỗi bối cảnh cụ thể chiếm khoảng bao nhiêu % thời lượng phim?
  • Mỗi bối cảnh cụ thể mất khoảng mấy ngày quay?

Nếu kịch bản được trình bày Tiêu đề cảnh chính xác, Trợ lý đạo diễn có thể dễ dàng tính ra được phim này có tỷ lệ cảnh Nội/Ngoại là bao nhiêu, có bao nhiêu bối cảnh Nội, bao nhiêu bối cảnh Ngoại, bối cảnh nào là bối cảnh chính, bối cảnh nào là bối cảnh phụ… Hãy nhìn vào chuỗi Tiêu đề cảnh trong hình dưới đây, bạn mất bao lâu để trả lời được những câu hỏi trên?

Hình ảnh từ kịch bản phim ngắn Like Trouble, Like You
(Kịch bản & đạo diễn: Yooribae)

Nếu biên kịch trình bày lộn xộn, như đưa phần Ngày lên trước, đưa phần Ngoại ra sau, gộp cảnh lại với nhau… Thì Trợ lý đạo diễn sẽ khó phân tích chính xác được, dẽ dẫn đến những lỗi như đếm thừa/thiếu cảnh, đếm sai số cảnh Ngày/cảnh Đêm, tính thiếu bối cảnh… Nếu mắc lỗi, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, Trợ lý đạo diễn có thể sẽ bị chỉ trích, chửi mắng thậm tệ, thậm chí bị đuổi việc. Nếu một Trợ lý đạo diễn bị sa thải và phải rời khỏi ngành chỉ vì biên kịch trình bày Tiêu đề cảnh ẩu tả, điều này thật sự chẳng hay ho chút nào.

Danh sách bối cảnh Tập 3 phim Cảm Giác Khi Yêu (Biên kịch: Yone Đỗ Trân, đạo diễn: Yooribae)

Tại sao việc xác định Nội/Ngoại, Bối cảnh, Ngày/Đêm lại quan trọng đến như vậy?

Trong toàn bộ quá trình làm phim, khâu Sản xuất (Production, mọi người thường gọi là đi quay) được biết đến là khâu tốn kém và căng thẳng nhất. Mỗi ngày quay, mỗi cảnh quay có thể tiêu tốn từ vài chục, vài trăm triệu, đến vài tỷ đồng; cũng như phải huy động từ vài chục đến vài trăm nhân lực. Điều kinh khủng nhất là, nếu không thể quay đúng tiến độ, phải quay thêm cảnh, thêm ngày, hoặc khi về phòng dựng mới hiện ra quay thiếu và phải quay bù, thì chi phí sẽ đội lên gấp bội. Vậy nên, để khâu Sản xuất đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế lãng phí tiền và tài nguyên xuống thấp nhất, thì khâu Tiền kỳ vô cùng quan trọng.

Dù biên kịch không phải là người dễ dàng tính toán được chi phí chính xác cho mỗi cảnh quay, thì có vài điểm liên quan giữa kịch bản và chi phí sản xuất mà biên kịch cần biết.

Đầu tiên, tỷ lệ cảnh quay Nội/Ngoại, Ngày/Đêm có ảnh hưởng lớn đến chi phí làm phim. Chẳng hạn như cảnh Nội dễ xin giấy phép quay phim hơn cảnh Ngoại, cảnh Ngoại cần phải thuê một xe tải chở máy phát điện để đảm bảo nguồn điện trong khi cảnh Nội thường là nơi có ổ điện sẵn… Tương tự, cảnh Ngày sẽ tốn ít tiền thuê đèn quay phim hơn cảnh Đêm, chi phí cho cảnh Đêm cũng tốn kém hơn.

Số lượng bối cảnh cũng ảnh hưởng đến chi phí làm phim. Phim càng nhiều bối cảnh, hoặc có bối cảnh lớn, phức tạp, khó đặt chỗ, thì chi phí sẽ cao hơn nhiều so với những phim chỉ gói gọn trong một hoặc vài bối cảnh đơn giản. Trong cùng một bối cảnh, nếu bối cảnh đó nhiều cảnh Ngày, ít cảnh Đêm, thì thời gian quay cũng như chi phí sản xuất có thể ít tốn kém hơn là bối cảnh ít cảnh Ngày, nhiều cảnh Đêm.

Để dễ hiểu hơn, thì cảnh Ngoại – Ngày sẽ ít tốn kém hơn cảnh Ngoại – Đêm, cảnh Nội – Đêm cũng ít tốn kém hơn cảnh Ngoại – Đêm, cảnh Nội – Ngày dễ quản lý hơn cảnh Ngoại – Ngày, cảnh Nội – Ngày cũng dễ đánh sáng và quay nhanh hơn cảnh Nội – Đêm. Bối cảnh càng nhiều, càng lớn càng tốn tiền. Bối cảnh ít, nhỏ gọn tốn ít tiền hơn. Tất nhiên là đôi khi sẽ xuất hiện vài ngoại lệ, cơ mà nhìn chung thì cấp độ tốn kém của mỗi cảnh quay đều phụ thuộc phần lớn vào những yếu tố đó.

Một điều quan trọng nữa liên quan giữa bối cảnh và quy trình sản xuất phim, đó là khi làm phim, để tiết kiệm chi phí thiết kế dựng cảnh và thời gian di chuyển, người ta sẽ gom tất cả các cảnh quay diễn ra trong cùng bối cảnh lại thành một cụm, tổ chức quay xuyên suốt tại bối cảnh đó trong một thời gian nhất định, sau đó di chuyển qua bối cảnh mới và không quay lại nữa. Điều này dẫn đến việc có khi để quay căn hộ của nhân vật chính đẹp nhất có thể, người ta sẽ quay phòng ngủ ở Đà Lạt, phòng khách ở Sapa, phòng tắm nhìn ra biển Vũng Tàu hoặc Phú Quốc. Cho nên, nếu biên kịch viết gộp cảnh (như đã nhắc tới ở phần trên) thì rất có khả năng số lượng cảnh quay sẽ bị đếm sót. Đó là lý do biên kịch phải viết rõ ràng tiêu đề của từng cảnh một.

Lịch quay sương sương 1 ngày phim Cảm Giác Khi Yêu (Biên kịch: Yone Đỗ Trân, đạo diễn: Yooribae)

Như vậy, chỉ bằng việc trình bày Tiêu đề cảnh đúng cách, bạn đã có thể giúp cho quá trình Tiền kỳ và Sản xuất trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc trình bày đúng cách cũng khiến bạn có vẻ giống một biên kịch chuyên nghiệp hơn. Biên kịch là người đưa ra những chỉ dẫn, hướng dẫn đầu tiên cho đoàn phim thông qua kịch bản. Vậy nên hay cố gắng đưa ra những chỉ dẫn thật chính xác, để guồng máy có thể hoạt động trơn tru và cho ra một bộ phim đúng với những gì bạn tưởng tượng.

KẾT.

Mọi nguyên tắc, quy tắc, quy luật, cấu trúc, định nghĩa, kỹ thuật, cách trình bày trong viết kịch bản phim đều có nguyên nhân, lý do, mục đích nhất định. Là người kể chuyện, bạn có thể sáng tạo đến mức độ nào mà bạn muốn. Tuy nhiên, mỗi hình thức kể chuyện đều có những định dạng riêng. Hãy học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu lý do tại sao lại có những quy tắc đó, tại sao bạn phải viết như thế này trình bày như thế kia, trước khi nghĩ đến chuyện viết theo ý thích. Con chim non chưa học đập cánh đã vội lao khỏi tổ thì chỉ có ngã bẹp đầu. Người không hiểu luật mà cố gắng lách luật thì dễ phị pháp luật trừng phạt. Người biên kịch, đạo diễn mà không biết cách trình bày kịch bản cho đúng chuẩn thì chỉ khiến ekip kỹ thuật chê cười. Chẳng có kịch bản xuất sắc nào được trình bày không đúng quy chuẩn cả. Bạn muốn trở thành một biên kịch/đạo diễn được ekip tôn trọng? Hãy nâng cấp kịch bản của bạn từ hôm nay, bắt đầu bằng việc trình bày Tiêu đề cảnh đúng cách.

 ©yooribae

2 Replies to “[Kịch bản 101] #34: Tiêu đề cảnh – Trình bày thế nào mới đúng?”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *