Viết kịch bản phim ngắn dành cho người lười

Bạn không phải biên kịch, cũng chẳng muốn học viết kịch bản, thế nhưng bạn đang có hứng muốn làm phim và không kiếm được ai viết kịch bản thay mình? Không sao cả. Giờ đây, bạn có thể tự viết cho bản thân một kịch bản phim ngắn mà không cần phải học hành gì nhiều.

Trước hết hãy tìm hiểu:

Phim ngắn là gì?

Phim là đoạn clip được ghép từ một hay nhiều cảnh quay để tạo thành một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, có đầu có đuôi. Nếu bạn quay một cái clip dài 90 phút chỉ có mỗi cảnh con mèo nằm ngủ thì đó không phải là phim.

Phim ngắn được hiểu là một bộ phim có thời lượng từ 20 phút trở xuống. Nếu bạn làm phim ngắn trên 20 phút, thì khán giả sẽ không có hứng xem, và các liên hoan phim cũng vậy. Nếu bạn làm một phim có nhiều tập, mỗi tập dưới 20 phút, thì đó là phim truyền hình (nếu chiếu trên TV) hoặc webseries (nếu chiếu trên các nền tảng trực tuyến).

Để viết một kịch bản phim ngắn khá đơn giản. Đầu tiên, bạn hãy viết câu chuyện mà bạn muốn kể ra giấy một cách rõ ràng, cụ thể. Tiếp theo, hãy đọc lại vài lần và nghĩ xem nội dung chính mà bạn muốn thể hiện trong phim là gì? Sau đó, hãy lựa chọn xem bạn muốn bắt đầu câu chuyện từ đâu, hay chính xác hơn là, bắt đầu bộ phim từ chỗ nào. Ví dụ bạn muốn kể câu chuyện về một cặp đôi yêu nhau thắm thiết, một ngày nọ hai người giận nhau và chia tay. Vậy bạn có nên bắt đầu từ lúc hai người chưa gặp nhau, gặp nhau, tán tỉnh, hẹn hò, yêu nhau, hiểu lầm, giận dỗi, cãi nhau rồi chia tay không? Không cần thiết đúng không nào? Và cũng không nên làm thế, nhất là khi bạn chỉ có vài phút để kể chuyện. Nếu bộ phim của bạn nói về sự chia tay, hay tập trung vào khoảnh khắc chia tay. Nếu phim nói về sự lãng mạn, hãy tập trung vào sự lãng mạn. Nếu phim nói về sự hiểu lầm, hãy tập trung vào những hiểu lầm và cách nhân vật đối mặt với chuyện đó. Bạn không cần phải kể cả một câu chuyện tình dài mười năm mà chỉ cần kể cho khán giả về một khoảnh khắc đặc biệt, một lát cắt của câu chuyện, mà chỉ nhờ một lát cắt đó, khán giả có thể mường tượng ra được toàn bộ mối tình này đã, đang và sẽ diễn biến thế nào. Đó là phần khó nhất. Tìm được rồi thì mọi thứ còn lại sẽ dễ dàng hơn.

Mà chắc là bạn cũng biết là bạn muốn kể câu chuyện thế nào rồi, đúng không?

Sau khi đã có câu chuyện rồi, bước tiếp theo là viết kịch bản.

viết kịch bản phim ngắn

Hiện nay, với sự phát triển thần tốc của công nghệ phần mềm thời 4.0, không khó để bạn tìm thấy những phần mềm viết kịch bản có giá cả phải chăng hoặc phiên bản dùng thử miễn phí. Viết kịch bản bằng phần mềm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian trong việc trình bày, thay vì phải vừa viết tới đâu vừa canh lề tới đó. Hoặc bạn cũng có thể viết kịch bản trên Word, hoặc viết tay, nếu bạn không có ý định làm phim (nhìn có vẻ) chuyên nghiệp.

Trình bày kịch bản thì dễ rồi đó, bạn chỉ cần viết ra hết những hình ảnh, hành động, lời thoại mà bạn nghĩ ra trong đầu là được. Thế nhưng kể chuyện sao cho hay lại là chuyện khác.

Khi nhắc đến kịch bản phim, mọi người thường nhắc đến “Cấu trúc kịch bản”. Nếu bạn là dân tay ngang, lính mới vào nghề, người làm phim theo sở thích, thì bạn không cần thiết phải biết đến mấy thứ phức tạp như Save The Cat hay Hero’s Journey, Story Cricle… Cấu trúc duy nhất mà bạn cần biết, cần quan tâm, và đơn giản để hiểu, là Cấu trúc ba hồi, nền tảng của tất cả những cấu trúc còn lại.

Nhiều người cho rằng điện ảnh là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì chẳng cần quy tắc, nên cấu trúc là cái gì đó chỉ dành cho phim thương mại “rẻ tiền”. Thường mấy người thở ra câu đó chẳng khi nào trong suốt cuộc đời được lại gần trường quay của một dự án phim bom tấn cả, nên bạn cũng không cần quan tâm lời họ nói làm gì. Cấu trúc ba hồi, thực tế, vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Đó là thứ mà ai được giáo dục tử tế đều sẽ nhớ: Mở đầu – Phát triển – Kết thúc; giống như Mở bài – Thân bài – Kết bài trong môn tập làm văn vậy.

Cụ thể hơn, bạn bắt đầu bộ phim bằng việc cho khán giả thấy một tình huống xảy ra, rồi cho thấy cách nhân vật trong phim phản ứng với tình huống đó, rồi kết thúc phim bằng việc giải quyết tình huống. Hết. Đơn giản đúng không nào? Giờ thì bắt tay vào viết thôi!

Yếu tố kịch bản phim ngắn cần có

1. Mở đầu ngắn gọn

Khán giả chọn xem phim ngắn vì nó “ngắn”. Bởi vì khán giả không đủ kiên nhẫn để ngồi xem nhân vật kể về 20 năm cuộc đời mình chỉ để nêu bật lên vài ba phút khổ sở của nhân vật khi lần đầu vào bếp, và phim ngắn thường được chiếu online; nên nếu bạn định dành hai phần ba thời lượng chỉ để mở đầu câu chuyện, thì cứ yên tâm là không ai thèm quan tâm phim bạn nhàm chán cỡ nào đâu. Họ chuyển Tab ngay.

Vậy làm sao để khán giả không chuyển Tab? Hãy kể chuyện thật ngắn gọn, súc tích, vậy là xong.

Có một cách để câu chuyện của bạn trở nên ngắn gọn hơn, hay hơn mà vẫn đủ nội dung, đó là hãy cắt bỏ nửa phần đầu và bắt đầu ngay từ giữa phim. Nghĩa là, thay vì bạn phải mất thời gian để giới thiệu cho khán giả biết nhân vật này là ai, sắp gặp phải chuyện gì, thì bạn bắt đầu phim bằng việc cho khán giả thấy ai đó đang gặp phải vấn đề gì đó. Bằng cách này, bạn có thể bắt đầu phim từ một khoảnh khắc hồi hộp, mạnh mẽ, còn khán giả thì ngay lập tức bị cuốn vào hành trình với tâm thế tò mò “Ủa đó là ai, chuyện gì đã và đang xảy ra, điều gì khiến người này gặp phải chuyện này?…”. Bạn có thể trả lời câu hỏi đó bằng cách lồng ghép những chi tiết, câu trả lời thật ngắn gọn vào nửa sau của phim, để khán giả vừa có thể theo dõi chuyện gì đang xảy ra, vừa được giải đáp dần những thông tin họ đang thắc mắc.

2. Cái kết bất ngờ có thể đoán trước

Điểm đáng giá nhất ở mọi bộ phim, đó là phải khiến cho khán giả chờ đợi cái kết, và cái kết đó phải thật bất ngờ nhưng không vô lý. Nói một cách dân dã, thì mỗi bộ phim đều phải kết thúc với một cú plot twist, hay còn gọi là một cú bẻ lái, quay xe khét lẹt của biên kịch mà dân tình đội mũ bảo hiểm không kịp. Tất nhiên, cú bẻ lái này không phải thích làm sao cũng được. Mọi chi tiết trong phim, kể cả plot twist, đều phải hợp lý, để khán giả tin tưởng và chấp nhận câu chuyện đang diễn ra trước mắt họ. Phim là câu chuyện bịa, khán giả biết thế. Nhưng khán giả xem phim để được trải nghiệm, được tin vào câu chuyện trong phim, chứ không phải để xem một thứ giả trân như nước mắt của bồ cũ bạn khi bạn phát hiện ra nó ngoại tình lần thứ n+1 trong năm.

3. Bắt đầu từ kết thúc

Vấn đề của rất nhiều kịch bản từ ngắn đến dài, từ truyền hình đến điện ảnh, là lan man, sáo rỗng, lạc đề, không có trọng tâm cụ thể. Vấn đề này thường xảy ra ở những biên kịch viết kịch bản như viết văn, những người viết bằng cả trái tim mà quên đi khối óc. Và cũng như những bài tập làm văn lạc đề, kịch bản kiểu này sẽ bị loại bỏ thẳng thừng, không thương xót.

Để kịch bản của bạn có thể đi đúng hướng, đầu tiên hãy thử nghĩ xem “Kết thúc của câu chuyện này là gì?”. Giống như khi đặt xe trên app, bạn cần xác định điểm đến và điểm đi, còn làm sao để di chuyển từ điểm đi tới điểm đến một cách nhanh và an toàn nhất thì tùy thuộc vào độ mù đường của Google Map. Một khi đã xác định được cái kết, việc còn lại của bạn chỉ là triển khai các tình huống dẫn đến cái kết đó sao cho hấp dẫn nhất. Biết được cái kết, bạn cũng sẽ dễ dàng xác định chính xác câu chuyện nên bắt đầu từ đâu.

Bên cạnh đó, việc vạch ra một chiến lược cụ thể cũng sẽ giúp nhân vật của bạn có cơ may đến đích thành công. Hay chính xác hơn, sau khi đã xác định được điểm đầu và điểm cuối, bạn cũng cần phải xác định rõ chính xác các chặng dừng.

4. Step Outline

Khi viết kịch bản phim ngắn, bạn có thể bỏ qua những bước lằng nhằng như viết tóm tắt, đề cương, đường dây và tiến thẳng tới kịch bản. Tuy nhiên, để công đoạn viết kịch bản được trơn tru hơn, sẵn tiện đằng nào bạn cũng phải định hình được mạch truyện trong đầu trước khi viết, thì có một bước mà bạn nên làm, đó là: Step Ouline.

Step Outline, đơn giản là gạch đầu dòng. Bạn hãy gạch đầu dòng từng cảnh mà bạn sẽ viết, sắp xếp mạch phim, truyện phim một cách rõ ràng, ngắn gọn trước khi bắt tay vào viết kịch bản. Làm như vậy, kịch bản của bạn sẽ trở nên gọn gàng, súc tích, chính xác về cả nội dung và cấu trúc. Có chỉnh sửa thì cũng không phải sửa tới sửa lui quá nhiều.

5. Đừng suy nghĩ nhiều quá, bản năng lên

Một vấn đề khác mà nhiều người gặp phải, đó là tính toán quá nhiều. Bạn tính toán là kịch bản lên phim sẽ phải thế này thế kia, bạn suy nghĩ đủ thứ ý đồ nghệ thuật nhân văn sâu sắc, trong khi kịch bản chưa viết một chữ nào. Bạn đặt ra đủ thứ mục tiêu lớn lao cho kịch bản, nhưng cuối cùng tới lúc mở máy lên bạn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, triển khai ra sao. Bạn sẽ không thể biết chính xác kịch bản của bạn sẽ trở thành kiệt tác hay giấy gói xôi cho đến khi kịch bản được hoàn thành; vậy nên hãy cứ viết ra. Điều quan trọng nhất của một kịch bản, cao hơn cả cấu trúc tuyệt vời hay kỹ thuật hoàn hảo, là cảm xúc mà kịch bản đó, câu chuyện đó mang lại cho người đọc, cho khán giả. Cảm xúc đó đến từ trái tim, từ bản năng của người kể chuyện, chứ không phải từ việc áp dụng công thức một cách máy móc.

Cuối cùng: Đơn giản là hoàn hảo

Hay nói đúng hơn là, hãy tinh giản mọi thứ. Bạn không cần phải phức tạp hóa mọi vấn đề để rồi cuối cùng không giải quyết được gì cả. Thay vào đó, hãy tìm kiếm một phương án giản đơn cho mọi thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến khán giả. Nhiều người thích kể những câu chuyện hoành tráng, với pháo hoa, xe tăng, những bữa tiệc, một nhóm người giận dữ… Nhưng mọi câu chuyện trên đời này đều bắt đầu với một hoặc hai nhân vật, ở một bối cảnh, cùng một món đạo cụ. Từ thời Adam và Eva, đến thời Romeo và Juliet, cho đến phim Her, Room, Léon, Memento… rất nhiều câu chuyện hay chỉ xoay quanh vài nhân vật chính. Và đó là điện ảnh. Với phim ngắn, bạn chỉ có vài phút để kể một câu chuyện, thì việc cố gắng nhồi nhét vài chục nhân vật lớn nhỏ hay cố gắng miêu tả trọn vẹn 60 năm cuộc đời của một con người có thể xem như một nhiệm vụ bất khả thi. Thay vì vậy, bạn hãy dành trọn vẹn thời gian đó chỉ để tập trung vào một hoặc hai nhân vật cùng câu chuyện của họ, về một khoảnh khắc bất ngờ xảy đến với cuộc đời họ. Những câu chuyện ngắn gọn, dễ nhớ , dễ xem, không quá khó hiểu sẽ dễ được khán giả đón nhận hơn, cũng như bạn – người làm phim – sẽ dễ dàng kiểm soát và thể hiện tác phẩm của bản thân hiệu quả, trọn vẹn hơn.

Và hãy ngắn hết sức có thể,

Ý tôi là thời lượng phim.

©yooribae

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *