Phim chữa lành – Ai chữa, ai lành?

Vài ngày trước, tôi có đọc được một bài báo, phỏng vấn một biên kịch phim truyền hình có vài phim (tự nhận là) “chữa lành” được chiếu trên TV thời gian gần đây. Biên kịch đó chia sẻ rằng “Muốn “cứu hộ” được thì trước đó phim phải kể về những tổn thương, về những “tan nát” mà các nhân vật phải chịu đựng. Rồi sau đó các thông điệp về chữa lành mới hiện ra”. Sau khi đọc kỹ đoạn này, tôi nhận ra “À, có vẻ như biên kịch này đã hiểu sai về “phim chữa lành” rồi”. Và không chỉ biên kịch trên mà rất nhiều biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất trong nghề cũng đang hiểu sai về phim chữa lành.

Xu hướng “phim chữa lành”

Đầu tiên, chúng ta cần phải quay về thời điểm khi cụm từ “phim chữa lành” được sử dụng. Đó là vào thời điểm 2020-2022. Khi đó, nhiều người đã quá mệt mỏi với những trải nghiệm kinh khủng mà họ đã và đang phải đối mặt, họ muốn tìm kiếm những bộ phim nhẹ nhàng, tích cực, giúp xoa dịu tâm hồn. Lúc này, nhiều người tìm thấy trên Netflix những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được sản xuất vài năm trước đó như Khi Hoa Trà Nở (When Camellia Blooms), Hometown Chachacha, Our Blues (Blues nơi đảo xanh)… Những bộ phim khiến khán giả cảm thấy được “chữa lành” (healing) bởi những câu chuyện gần gũi, thông điệp tích cực, được thể hiện một cách nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Từ những bình luận như vậy, các tờ báo, trang tin điện tử bắt đầu viết bài và gọi chung những bộ phim trên là “phim chữa lành”.

Cụm từ “phim chữa lành” trở nên phổ biến và bị lạm dụng đến mức bất kỳ bộ phim nào có nhân vật gặp vấn đề tâm lý hoặc lấy bối cảnh đời thường cũng bị truyền thông dán nhãn “chữa lành”. Hậu quả là chúng ta có những bộ phim “lành ít dữ nhiều”, “chữa lành thành què” (như phim 2521)

Hai năm trở lại đây, trào lưu “phim chữa lành” bắt đầu du nhập vào Việt Nam nhờ sự cố gắng của VTV trong việc tìm cách thu hút thêm nhiều khán giả trẻ cho phim khung giờ vàng. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi cần phải bắt đầu từ gốc rễ. Việc sản xuất những bộ phim truyền hình gắn mác “chữa lành” lại được giao cho những đạo diễn, biên kịch mang trong đầu tư duy cũ kỹ, lạc hậu, quanh năm suốt tháng chỉ biết làm phim ngoại tình, mẹ chồng nàng dâu, lại không được ai chỉ dẫn, giáo dục hẳn hoi, tử tế về thứ mà họ sẽ phải làm; dẫn đến sự thiếu hiểu biết, cẩu thả, chụp giựt trong lối tư duy, kịch bản và kể chuyện của những bộ phim đang bị khán giả và báo chí chê trách gần đây.

Và mình cũng có lỗi, vì đã không chia sẻ kiến thức này lên blog miễn phí sớm hơn, làm các page, các thầy bà không copy được. Xin lỗi (được chưa?)

Vậy “phim chữa lành” rốt cuộc là gì?

“Phim chữa lành”, về bản chất, không phải là một thể loại mới. Những bộ phim “chữa lành” mà mình liệt kê ở trên, vốn thuộc thể loại “slice-of-life”, dịch thô là “lát cắt cuộc sống”, từ chuyên ngành gọi là “chính kịch tự nhiên”. Đây là một nhánh thuộc dòng phim chính kịch (drama, còn được gọi là phim tâm lý). Khác với dòng “chính kịch hiện thực” thường có cách thể hiện gay gắt, dữ dội, với những tình tiết và cách thể hiện đầy nặng nề, bi kịch; “chính kịch tự nhiên” có cách thể hiện nhẹ nhàng, điềm tĩnh hơn.

Nói một cách dễ hiểu thì “chính kịch hiện thực” là câu chuyện về những người bỗng dưng gặp đau đớn, còn “chính kịch tự nhiên” là câu chuyện về những người đã trải qua mọi nỗi đau. Chính cách thể hiện này khiến “chính kịch tự nhiên” khó viết, khó thể hiện hơn. Để làm được những phim thuộc dòng này, người biên kịch, đạo diễn phải vô cùng tinh tế và thấu đáo trong cảm xúc, tư duy; thứ mà cuộc sống viên chức yên bình không thể mang lại.

Đặc điểm chung của “phim chữa lành”, đó là các nhân vật trong phim đều là những người ĐÃ trải qua nhiều chuyện đau đớn, tổn thương trong quá khứ; và bộ phim bắt đầu vào lúc các nhân vật này đang nỗ lực một cách chậm rãi để hồi phục tinh thần, tìm lại từng chút hạnh phúc còn sót lại bên trong mình. Để viết được phim thuộc thể loại này, lời khuyên là biên kịch nên trên 30 tuổi, đã vượt qua được mọi nỗi vất vả thuở ấu thơ, đã trải qua một (hoặc vài) lần suy sụp tinh thần và đã được chữa lành; có như vậy biên kịch mới đủ vốn sống để viết và cảm nhận được tinh thần của nhân vật. Với đạo diễn cũng vậy. Nếu người viết kịch bản, người chỉ đạo bộ phim còn không vượt qua được tổn thương của bản thân, thì thứ họ truyền đạt đến cho khán giả chỉ là những cảm xúc, thái độ tiêu cực và phóng chiếu tổn thương của họ vào nhân vật, làm tổn thương khán giả.

Quay trở lại phát ngôn của biên kịch phim giờ vàng ở trên. Vấn đề mà biên kịch đó cũng như nhiều người hiểu sai đó là họ cứ cố gắng tạo ra thật nhiều bi kịch để nhân vật phải trải qua rồi để cuối phim mới cho nhân vật rút ra bài học; đó không phải phim “chữa lành”, không phải chính kịch tự nhiên, đó là drama máu chó (cẩu huyết: từ được dùng trong phim Trung Quốc, chỉ những tình huống phim cố gắng tạo bi kịch quá đáng, độc hại). Như đã chia sẻ ở trên, “phim chữa lành” phải nói về quá trình hồi phục sau tổn thương, chứ không phải nói về quá trình trước đó.

Để viết kịch bản và làm phim “chữa lành”

Để hiểu rõ hơn về “phim chữa lành” thực sự được thể hiện như thế nào, chúng ta có thể xem qua những bộ phim truyền hình dưới đây:

  1. Dear My Friends (tvN, 2016)
  2. When the Camellia Blooms (KBS, 2019)
  3. When the Weather Is Fine (jtbc, 2020)
  4. Hometown Chachacha (tvN, 2021)
  5. Our Blues (tvN, 2022)
  6. Summer Strike (2022)
  7. My Liberation Notes (2022)

Sau khi xem xong hết mấy bộ phim trên, bạn sẽ cảm nhận được những điểm chung về cấu trúc, nhịp phim, cách thể hiện, truyền tải nội dung, thông điệp, cách xây dựng và phát triển tâm lý nhân vật… Từ những kiến thức đó, kết hợp với nền tảng kỹ thuật đã có, cùng sự nghiên cứu, tìm hiểu, sàng lọc, phân tích căn kẽ; bạn có thể viết ra những bộ phim “chữa lành” đúng với ý nghĩa và giá trị thực sự của nó.

Hãy nhớ rằng, một bộ phim chữa lành thực sự, là bộ phim phải khiến cho khán giả cảm thấy đứa trẻ bên trong họ (phần nào đó) được chữa lành.

©yooribae

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *