Bạn đang cố gắng để làm ra một phim ngắn đậm chất điện ảnh, cơ mà cảm giác có gì đó không ổn? Hãy xem thử vài vấn đề cơ bản người mới thường gặp và nhớ né chúng ra nhé!
Khi mới bắt đầu học làm phim, trong đầu bạn luôn tràn ngập vô vàn những ý tưởng phim ngắn mà bạn nghĩ là chúng thật tuyệt vời. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện, bạn nhận ra rằng bộ phim khác xa hoàn toàn so với những gì bạn đã tưởng tượng. Tôi tin rằng có rất nhiều nhà làm phim trẻ từng trải qua ít nhất một lần tình huống này: Bạn cố gắng hết sức để tạo ra một phim ngắn chất lượng nhưng kết quả cuối cùng chỉ đơn thuần là… ngắn??? Với kinh nghiệm sấp mặt hơi nhiều lần của mình, tôi sẽ chia sẻ với bạn vài mánh để cải thiện bộ phim và mang nó tới gần hơn với tầm nhìn ban đầu của bạn.
1. Ngộ nhận về trải nghiệm phim ảnh của cá nhân bạn
Khi bắt đầu lên ý tưởng cho một bộ phim, điều đầu tiên mọi người hướng tới chính là trải nghiệm của chính họ. Sau tất cả, chúng ta đều là nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời của bản thân. Trong tâm trí bạn, trải nghiệm đó có thể mang tính điện ảnh và đầy xúc cảm, nhưng với phần còn lại của vũ trụ thì lại không. Bạn cần phải nhìn nhận lại câu chuyện một cách khách quan và xem xét toàn bộ có chỗ nào có thể chỉnh sửa, thêm bớt, phát triển, cải thiện được không. Đây là lý do tại sao một sốt bộ phim “Dựa trên câu chuyện có thật” không bám sát hoàn toàn vào câu chuyện gốc. Phóng đại sự thật đôi khi có thể giúp cho khán giả cảm thấy gắn kết và đồng cảm với câu chuyện của bạn hơn.
Bạn có thể có được cái nhìn khách quan đối với câu chuyện của mình bằng cách tập trung vào việc xác định các góc nhìn khác nhau trong kịch bản trước khi bắt đầu quay. Điều này sẽ cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn, quan điểm khác nhau xoay quanh ý tưởng của bạn, hoàn thiện nó thành một kịch bản mà khán giả có thể dễ dàng chấp nhận. Bạn cũng có thể đạt được tính khách quan bằng cách giao toàn bộ footage cho người dựng phim xử lý theo cách của họ. Nếu bạn tự ngồi dựng phim, bạn có thể sẽ giữ lại tất cả những gì mà bạn nghĩ rằng phải có trong sản phẩm cuối cùng của bạn. Nhưng trong hầu hết trường hợp, cách này không hiệu quả. Khi bạn giao footage cho một người khác, điều đó sẽ cắt đứt mọi cảm xúc mà bạn có đối với những thước phim bạn đã quay. Thường thì như vậy sẽ giúp bạn có cảm xúc khách quan hơn khi xem bản dựng hoàn chỉnh.
2. Casting quá nhanh
À, vâng. Mỗi lần kiếm diễn viên cho dự án là mỗi lần cả ekip như dấn thân vào một nhiệm vụ gian khổ. Nó có thể trở nên khá khó xử. Bạn có thể phải nhờ bạn bè giúp một vai (mà thường không phải ai cũng có bạn là diễn viên chuyên nghiệp); hoặc bạn phải tổ chức một buổi casting mở (với lác đác vài mạng xuất hiện). Đôi khi, bạn chỉ có vài sự lựa chọn ít ỏi.
Hãy dành thời gian của bạn cho quá trình này. Đừng chỉ chọn đại một diễn viên chỉ vì người đó đang rảnh. Bạn có thể phải chấp nhận hy sinh nếu đó là một dự án buộc phải gấp rút; nhưng nếu bạn có sẵn kế hoạch từ đầu và có nhiều thời gian cho việc casting, hãy cố gắng để tìm được đúng người phù hợp với vai diễn.
Khi bạn thực hiện một buổi casting, hãy đề nghị diễn viên thay đổi cách thể hiện sau lần thử đầu tiên và quan sát xem họ phản ứng thế nào với sự thay đổi. Đôi khi những diễn viên tốt nhất cho dự án của bạn lại là những người chú ý lắng nghe chỉ dẫn của bạn, thay vì những người chỉ nghe xong để đó.
3. Thoại viết ra chỉ để giải thích
Một trong những vấn đề lớn nhất mà nhiều dự án của người mới thường gặp phải là lời thoại phản ánh chính xác hành động của nhân vật. Đó là kiểu kể chuyện dễ dàng đẩy người xem thoát ra khỏi bộ phim. Ví dụ, nhân vật thông báo với khán giả rằng người đó sắp rời đi bằng cách nói “Tôi đi đây”. Rồi sau đó hắn ta bỏ đi thật; mở cửa và bước ra ngoài. Thay vì bị cuốn vào câu chuyện, khán giả như bị tát vào mặt bởi bất cứ điều gì bạn đang muốn truyền tải.
Nếu bạn muốn người xem phải suy nghĩ, thì hãy để họ tự đưa ra kết luận. Hãy luôn nhớ rằng “Show, don’t tell” (Cho thấy thay vì nói ra). Show cho khán giả thấy rằng nhân vật đang buồn thông qua hành động của chính nhân vật. Tại sao những bộ phim câm lại có sức sống vượt thời gian? Vì bạn có thể kể cả câu chuyện mà chẳng cần phải thốt ra một lời.
4. Nhịp điệu lặp đi lặp lại
Thật tốt biết bao nếu hồi tôi mới vô nghề có ai đó tốt bụng nói với tôi câu này: Không phải thứ gì cũng cần phải thể hiện hết ra. suy nghĩ đầu tiên, bản năng của bạn có thể muốn cho thấy mọi thứ nhân vật đang làm vì như vậy trông có vẻ tự nhiên. Nhưng điện ảnh thì khác xa với đời thực. Bạn phải cô đọng câu chuyện của bạn sao cho thật hấp dẫn. Không ai muốn dành ra nửa tiếng để ngồi xem ai đó ra khỏi giường. Bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để tạo ra một khoảnh khắc nổi bật trong cuộc sống – chỉ cần giữ lại những phần hay và cắt bỏ phần còn lại.
Có một mẹo nhỏ để tìm ra phần nào có thể cắt bỏ: Đọc to kịch bản của bạn và bấm giờ. Có phải mọi khoảnh khắc trong kịch bản của bạn dường như có cùng một khoảng thời gian? Nếu có (và có lẽ nó sẽ như vậy), hãy cố gắng làm cho kịch bản của bạn năng động hơn. Hãy chắc chắn rằng nhịp đập cảm xúc của bạn không phải là cái khuôn bánh quy trăm cái như một. Với một số chỉnh sửa, kịch bản của bạn sẽ trở nên đáng tin hơn rất nhiều so với trước đây.
5. Bỏ qua câu hỏi quan trọng: “Phim này nói về điều gì?”
Một trong những sai lầm kinh điển mà người mới thường mắc phải khi làm phim chính là quên mất bộ phim của mình thực sự nói về cái gì. Họ có thể nắm rõ cốt truyện, biết cao trào nằm ở chỗ nào, biết được chất lượng kỹ thuật ra sao, nhưng không biết bản thân họ đang cố kể câu chuyện gì. Chủ đề vô cùng quan trọng. Bạn có thể tạo ra một câu chuyện mà bạn muốn, nhưng nếu câu chuyện không có một chủ đề rõ ràng, cụ thể và đáng thuyết phục, câu chuyện sẽ không thể hoạt động trơn tru, mạch lạc.
Có thể lấy bộ phim “No Country For Old Men” làm ví dụ. Bạn có thể dễ dàng nhận ra cốt truyện phim này: một người đàn ông tìm thấy túi tiền trong sa mạc và chạy trốn khỏi người đàn ông khác đang cố gắng lấy lại túi tiền. Nhưng đó có thực sự là những gì bộ phim muốn nói? Không hẳn như vậy. Chủ đề bao quát của phim cơ bản hơn và nhân văn hơn – nó nói về cảnh sát trưởng đối đầu với ác quỷ trong một thế giới mới.
Chủ đề chỉ nên đủ để mơ hồ rằng nếu được thể hiện đúng thì mọi người có thể cảm nhận được ở một mức độ nào đó. Khi viết kịch bản, hãy cố gắng thử cô đọng lại câu chuyện của bạn chỉ trong một dòng. Điều gì vẫn kết nối bạn với câu chuyện? Hãy thể hiện trong một dòng và dựa vào đó để mở rộng và sáng tạo nên tầm nhìn của bạn.
© yooribae, dịch từ bài viết của Robbie Janney, premiumbeat.com